Thứ Ba, 14 tháng 6, 2016

Ý TƯỞNG TRONG THƠ TTKH


                    Ý TƯỞNG TRONG THƠ TTKH

 

Ý tưởng chính, đề tài của bài thơ là một tiêu chí quan trọng để người phê bình đánh giá bài thơ. Ý tưởng hay sẽ nâng giá trị của bài thơ lên rất nhiều. Tôi tạm chia Ý TƯỞNG TRONG THƠ làm 4 hạng (từ cao xuống thấp):

     1/ Nhân bản, cao đẹp, khai phóng, thăng hoa tâm hồn con người, hoàn toàn mới lạ, độc đáo. (Điều này có thể đạt được nhưng rất khó và rất hiếm)

     2/ Tác phẩm xuất sắc nhất đại diện cho một hiện tượng, một lối sống, một cách nghĩ của một giai đoạn lịch sử (đã lác đác có người viết đề cập đến nhưng chưa có tác phẩm nào xuất sắc).         

     3/ Lách, thoát hẳn (hoặc ngược với) dòng thơ Phải Đạo (những suy nghĩ đã thành nếp trong đời sống xã hội, trong tâm hồn con người).

     4/ Viết theo phong trào, xu hướng chính trị, theo thị hiếu của đám đông, chọn những đề tài muôn thuở chung chung (tình yêu, quê hương …), những con đường đã có hàng triệu dấu chân.

 

 

Vào thời TTKh viết Hai Sắc Hoa Ti Gôn (và 3 bài thơ khác) con người VN còn sống bó buộc trong cái khung của lễ giáo phong kiến: “Liệt nữ bất canh nhị phu” nghĩa là gái chính chuyên chỉ có một chồng. Sự chung thủy là một đức tính, một nguyên tắc ứng xử - chỉ áp dụng cho phái nữ - được hết mực ca ngợi. Đã “đeo gông vào cổ” rối mà còn “tơ tưởng đến ông láng giềng” hay bất cứ người đàn ông nào khác là đã “ngoại tình trong tư tưởng”, là đã phạm một điều đại cấm kỵ, bị xóm làng nguyền rủa, xã hội lên án. Những bài thơ của TTKh đã đạp đổ cái luật lệ khắt khe bất nhân ấy, đã gột rửa lớp son phấn giả tạo của Khổng Giáo trên thân thể người phụ nữ, để lộ ra trước xã hội, trước cuộc đời một Con Người có trái tim, biết yêu thương, nhung nhớ, biết khổ đau. Ý tưởng của mấy bài thơ, lúc ấy, được coi là vô cùng táo bạo, không những thoát khỏi mà còn chảy ngược với dòng thơ phải đạo.

 

  Trước TTKh chắc cũng có nhiều bậc thức giả đã nhận ra khía cạnh bất nhân trong cái gọi là “tam tòng tứ đức” của đạo Khổng - đã ép buộc nhiều phụ nữ phải gạt nước mắt chia tay người mình hết lòng thương mến, để vì lễ giáo, vì môn đăng hộ đối, vì lệnh của song thân, phải lấy, rồi ăn ở suốt đời với người mình không hề yêu thương - nhưng họ hoặc không dám nói ra hoặc chỉ than thở lén lút và những lời than thở ấy cũng thoảng bay theo gió. Tuy vậy, thi đàn nước Việt có ít nhất 2 tác phẩm đề cập đến sự coi thường tình cảm của phụ nữ trong hôn nhân vẫn còn được lưu truyền: Cung Oán Ngâm Khúc của Nguyễn Gia Thiều và Cảnh Làm Lẽ c ủa Hồ Xuân Hương.

 

Tôi có mấy nhận xét sau đây:

     1/ Đối tượng của CONK nhắm vào những cung nữ trong cung đình, chỉ là một bộ phận nhỏ trong cộng đồng phụ nữ của dân tộc. 

     2/Thể thơ song thất lục bát đã không còn được ưa thích và ngày càng ít xuất hiện trên thi đàn.

     3/ Khi tôi viết những dòng chữ này (2016) chế độ phong kiến đã cáo chung từ lâu. Không còn tam cung lục viện, không còn hàng ngàn cung phi, mỹ nữ, có người phải lén rải cỏ non trước cửa phòng với ước mơ xe dê của vua ngừng lại và tấm thân trong trắng ngọc ngà của mình được ngài đoái hoài đến. Ý tưởng chính của tác phẩm - “Tiếng thét oán hờn của trang nữ lưu” - đã không còn tính thời sự, không còn thôi thúc, không gây được ấn tượng mạnh như thời Nguyễn Gia Thiều.

Có lẽ vì thế mà CONK dù vẫn có vị trí trong văn học sử, giá trị và ảnh hưởng của nó phải xếp phía sau mấy bài thơ của TTKh.

 

Cảnh Làm Lẽ

Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng,
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung!
Năm thì mười họa, hay chăng chớ,
Một tháng đôi lần, có cũng không ...
Cố đấm ăn xôi, xôi lại hỏng,
Cầm bằng làm mướn, mướn không công.
Thân này ví biết dường này nhỉ,
Thà trước thôi đành ở vậy xong.

 (Hồ Xuân Hương)

 

Đối tượng của Cảnh Làm Lẽ cũng chỉ là một thiểu số phụ nữ - vì một lý do nào đó - chấp nhận làm lẽ. Thể thơ đường luật chật hẹp quá, gò bó quá nên chỉ mới chạm vào lớp vỏ ngoài của nỗi khổ phải “lấy chồng chung”. Bài thơ gợi được mối thương cảm nơi người đọc nhưng mối thương cảm ấy không lớn, không sâu sắc.

 

Trong khi đó đối tượng của mấy bài thơ của TTKh là toàn thể giới phụ nữ. Độ phủ sóng ở đây lớn hơn gấp bội. Thêm vào đó hôn nhân ép buộc kiểu “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” đang xảy ra trước mắt mọi người, đang là một vấn nạn lớn của xã hội nên mấy bài thơ ấy – có thể nói mà không sợ bị cho là quá lời – đã góp đặt nền móng cho việc đạp đổ lễ giáo phong kiến của Khổng Tử, làm cuộc cách mạng giải phóng phụ nữ sau này.


Thể thơ mới phóng khoáng, tự do hơn nên TTKh đã trải tâm sự của mình một cách thoải mái, đầy đủ, sâu sắc. Hơn nữa đội quân chữ nghĩa của bà thế trận chặt chẽ hơn, chia thành 4 đạo quân bao kín trận địa (4 bài thơ) và đã chinh phục hoàn toàn tim óc của người đọc thời bấy giờ.


Dưới cái nhìn của thơ ca hiện đại thì mấy bài thơ của TTKh – dù nhỉnh hơn CONK và Cảnh Làm Lẽ - chỉ ở mức khá hoặc trên khá một chút - nhưng nhờ có ý tưởng nhân bản và táo bạo – đòi lại  quyền làm chủ trái tim mình cho toàn thể phụ nữ - nên chúng, tuy chưa phải là tuyệt tác, vẫn có một vị trí đặc biệt trong văn học sử, trở thành cột mốc quan trọng trên chặng đường tiến hóa của dân tộc.


Ý tưởng trong thơ của TTKH có thể xếp vào hạng 1 và hạng 2 - vừa nhân bản, vừa có giá trị lịch sử.