Thứ Tư, 1 tháng 6, 2016

CHĂN TRÂU ĐỐT LỬA MỘT VÀI CẢM NHẬN



CHĂN TRÂU ĐỐT LỬA

MỘT VÀI CẢM NHẬN



Chăn trâu đốt lửa

Chăn trâu đốt lửa trên đồng

Rạ rơm thì ít, gió đông thì nhiều

Mải mê đuổi một con diều

Củ khoai nướng để cả chiều thành tro.

 Đồng Đức Bốn


             Bài thơ ngắn nhưng tứ thơ rất hay: mê thả diều để củ khoai nướng, có thể là bữa ăn đạm bạc của trẻ chăn trâu, cháy thành tro. Ngụ ý của tác giả là: nhiều khi chạy theo những cái viển vông, bay cao tít trên trời mà quên đi những thứ thiết thực, gắn bó với cuộc sống, ngay trên mặt đất. Nhưng cũng chẳng có gì nuối tiếc vì những thứ viển vông, cao tít đó chính là thức ăn cho tinh thần, cho phần hồn của con người; đó chính là niềm vui, hạnh phúc mà vật chất không thể tạo ra được.
Tứ thơ đã hay mà phếp ẩn dụ cũng rất dễ cảm, dễ thương, chứng tỏ tác giả có cái nhìn về cuộc sống rất phóng khoáng nhưng không kém phần sâu sắc. Tôi thích bài thơ một phần vì tác giả đã chọn được tứ thơ bình dị mà lại độc đáo, phần khác là vì có dính dáng đến chút riêng tư.
Số là cũng như thi sĩ Đồng Đức Bốn, tôi rất thích và cũng võ vẽ làm thơ – cái thú tiêu khiển mà vợ tôi cho là “trò chơi vô bổ.” Bà ấy còn mạnh miệng nói: “Nhà thơ như ông lúc nào hồn cũng vơ vẩn trên mây; thỉnh thoảng cũng nên hạ chân xuống mặt đất để phụ giúp tôi kiếm thêm đồng tiền, bát gạo cho gia đình chứ.” Tôi nhìn quanh thì quả thật đại đa số thi sĩ Việt Nam làm thơ là vì cái “nghiệp,” cái thú, cái đam mê của họ chứ ít ai có thể dựa vào mấy câu thơ để tự nuôi sống mình chứ đừng nói gì đến nuôi vợ nuôi con (ngoại trừ một số “nhà thơ cung đình” làm thơ phục vụ chế độ, và dĩ nhiên, một vài thi sĩ thiên tài.) Nhưng cái thú, cái nỗi đam mê ấy cứ đẩy tôi vào vòng tay của nàng thơ.
Mỗi tuần, mỗi ngày, sau thời gian trả nợ quỷ thần cho miếng cơm manh áo, hồn tôi lại theo tiếng gọi của thơ bay lên chín tầng mây. Mặc kệ cuộc đời. Mặc kệ mụ vợ sống thực tế, chân lúc nào cũng chạm đất. Tôi bay lên cao ôm lấy nàng thơ, ôm lấy hạnh phúc đích thực của mình. Nếu thi sĩ Đồng Đức Bốn còn sống, hy vọng ông sẽ không phản đối những lời bình này.

Sau đây là một chút khuyết điểm của bài thơ.

Như đã giới thiệu và phân tích ở phần trên, thi sĩ của chúng ta đã chọn được tứ thơ hay, bây giờ xin mời độc giả (cùng tôi) thưởng thức cách tổ chức thế trận chữ nghĩa của ông. Đạo quân chính trong trận Chăn Trâu Đốt Lửa - hồn cốt của bài thơ (tứ thơ) - nằm trong 2 câu cuối:

Mải mê đuổi một con diều

Củ khoai nướng để cả chiều thành tro.

Hai câu đầu là phần dẫn nhập, cái cớ để tứ thơ xuất hiện, làm nhiệm vụ yểm trợ:

Chăn trâu đốt lửa trên đồng

Rạ rơm thì ít gió đông thì nhiều.

Trong bài Lục Bát Và Chăn Trâu Đốt Lửa ông Nguyễn Lâm Cúc đã viết:

Khung cảnh trong bài thơ là cánh đồng miền Bắc, nơi mà dù vụ gặt vừa mới xong rạ rơm cũng không còn lại bao nhiêu, vì suốt cả một vùng đồng bằng dọc theo châu thổ sông Hồng, người nông dân quí rạ không khác gì sản phẩm khác. Họ tận thu rơm rạ để làm thức ăn cho trâu, bò; để đun nấu, để làm vách đất nữa. Vì vậy, cánh đồng sau vụ gặt mùa Đông chỉ còn rất nhiều gió và cái lạnh thấu xương. http://nguyenlamcuc.vnweblogs.com/print/2509/129996

Trong bài “Chăn Trâu Đốt Lửa”: Sâu Sắc Một Triết Lý Nhân Sinh nhà phê bình Đức Thọ cũng đề cập đến sự hiếm hoi của rơm rạ sau vụ gặt Đông:

Câu thơ thứ hai nhà thơ khẳng định “Rạ rơm thì ít, gió đông thì nhiều”. Đúng vậy, trong mùa hanh heo mà đã gió đông thì khi thổi cháy bao nhiêu rơm rạ cho vừa. http://lucbat.com/news.php?id=3470

Trong đầu tôi tức khắc hiện ra câu hỏi: Trong hoàn cảnh đó làm sao có đủ than lửa để củ khoai cháy thành tro được?  

 Tôi có điện thoại hỏi một ông chú họ xa ở ngoại thành Hà Nội thì được cho biết: Nếu chịu khó kiếm cành khô, củi mục ở nơi khác gom lại thì với chút ít rơm rạ còn sót ở cánh đồng cũng có thể tạo được “bếp lửa” để nướng khoai nhưng phải chăm chút, che chắn cẩn thận, chứ như thi sĩ của chúng ta “Mải mê đuổi một con diều” thì chỉ chốc lát là rơm rạ đã bay tung tóe, lửa tắt, củ khoai chưa chắc đã chín chứ làm gì có cái cảnh “Củ khoai nướng để cả chiều thành tro.” Mà dù -  cứ cho là với cái tài gầy bếp đặc biệt của trẻ chăn trâu - củ khoai nướng đã thực sự thành tro thì theo tôi, câu thơ “Rạ rơm thì ít, gió đông thì nhiều” cũng đã “đi ngược đường” với tứ thơ.

Trong quân đội đôi khi có những người lính “vô tích sự”, cháu của ông Bộ Trưởng này, con của ông Tổng Cục kia, có mặt ở Bộ Chỉ Huy, Bộ Tư Lệnh chỉ để làm vì, để bảo vệ “chữ Thọ”, để khỏi phải lao vào chỗ sống chết nơi trận địa. Khi đụng chuyện chẳng những không giúp ích được gì cho đơn vị mà có khi còn vướng chân, vướng tay những người lính khác trong việc hoàn thành nhiệm vụ của họ. Đặc biệt hơn, còn có những người lính làm nội gián cho địch để cản trở, để phá hoại việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị.
Trong thơ, tôi đã gặp khá nhiều những câu thơ “vô tích sự”. Có lẽ tôi sẽ đề cập đến những câu thơ “thừa” này vào một dịp khác. Riêng trường hợp Chăn Trâu Đốt Lửa thì “Rạ rơm thì ít, gió đông thì nhiều” chính là câu thơ nội gián. Không những nó không giúp làm tăng độ khả tín, sức thuyết phục của tứ thơ mà ngược lại, đã trở thành một chướng ngại vật ngăn cản hành trình qua đó độc giả tiếp cận tứ thơ để rồi đi đến chỗ đồng cảm với tác giả.

Tạo ra và dung dưỡng một câu thơ nội gián, theo tôi, là một lỗi nặng của thi sĩ. Tùy mức độ khắt khe của độc giả, bài thơ có thể bị đánh giá là hỏng, giảm giá trị nghệ thuật hoặc chí ít cũng là không được hay đẹp trọn vẹn.

Với tôi, Chăn Trâu Đốt Lửa là một bài thơ hay; tứ thơ là một triết lý sống lãng mạn, cao đẹp, Nếu không có cái câu thơ nội gián ấy, bài thơ chắc đã được đặt vào một vị trí trang trọng hơn rất nhiều.


Galveston 08/2015

Phạm Đức Nhì