Thứ Hai, 6 tháng 6, 2016

HAI PHONG CÁCH BÌNH THƠ


                                HAI PHONG CÁCH BÌNH THƠ

 

PHONG CÁCH NGUYỄN KHÔI

Cách đây không lâu tôi tình cờ đọc được bài Kim Lũ Y – Thơ Xưa Mà Vẫn Mới của Nguyễn Khôi, trong đó ông phản bác cách nhìn nhận bài “thơ” Kim Lũ Y (Đỗ Thu Nương) của tôi. Tôi cho rằng Kim Lũ Y không phải là thơ vì chỉ là lời giáo huấn của bậc trưởng thượng đối với lớp hậu bối – không có cảm xúc. Cách nhìn nhận của Nguyễn Khôi hoàn toàn trái ngược: Kim Lũ Y là thơ, không những thế, Thơ Xưa Mà Vẫn Mới. Ông đã, không tương nhượng, phản bác cách nhìn nhận của tôi hoàn toàn. Nhưng ông có lối phản bác rất lịch sự. Ông cho rằng có hai cách nhìn nhận bài thơ và ông dùng lý luận của mình chứng minh cách nhìn nhận của ông là đúng.

Tôi không đồng ý, viết lại một bài khác (Kim Lũ Y Có Phải Là Thơ?) để làm rõ cách nhìn nhận của mình. Ông Nguyễn Khôi đọc được, gởi e-mail cho tôi đại ý: Với Kim Lũ Y, anh cảm nhận cách của anh, tôi cảm nhận cách của tôi; sư bảo sư phải, vãi bảo vãi hay; hãy để công luận phán xét. Lời lẽ trong e-mail rất hòa nhã, biểu lộ cung cách của một bậc trưởng thượng. Tôi, để bảo vệ quan điểm của mình, e-mail trả lời.

Cuối cùng hai người vẫn còn nhìn ở hai hướng khác nhau nhưng trong tôi đã có một ấn tượng rất đẹp về người đã phản bác mình. Ông Nguyễn Khôi đã “thắng” tôi, không phải bằng kiến thức văn học, khả năng lý luận mà bằng phong cách lịch sự, hòa nhã trong đối thoại văn chương. Xin được bày tỏ lòng kính phục.

 

PHONG CÁCH ĐỖ HOÀNG

Trên trang VanDanViet tình cờ đọc được bài “Dấu Chân Qua Trảng Cỏ” Của Thanh Thảo - Dở, Kém Toàn Diện của Đỗ Hoàng, tôi có một số nhận xét sau đây:

1/ Thái độ kiêu binh: Ngay những dòng đầu phía dưới bài thơ, Đỗ Hoàng viết:

Nhà thơ Thanh Thảo tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ với tư cách dân sự. Ông xếp sau Phạm Tiến Duật, Lê Anh Xuân, Nguyễn Khoa Điềm...

Tại sao lại có thái độ kiêu binh, mỉa mai, miệt thị “tư cách dân sự” của tác giả như vậy? Tư cách lính hay dân sự có ăn nhậu gì đến giá trị nghệ thuật của bài thơ? Một nhà thơ được xếp trước ai, sau ai là do thi tài chứ đâu phải do có mặc áo lính hay không.

2/ Đấm vào hạ bộ:

Ông được cưng nựng và lăng xê khá đều đặn trên văn đàn chính thống.

Nếu Đỗ Hoàng chứng minh được Dấu Chân Qua Trảng Cỏ là bài thơ dở thì không cần nói người đọc cũng sẽ suy ra đúng điều Đỗ Hoàng muốn nói. Đàng này bình thơ mà chưa đá động gì đến bài thơ đã bô lô bô loa nói xấu tác giả. Chắc Đỗ Hoàng muốn chứng minh gián tiếp: tác giả xấu thì bài thơ phải dở chăng! Đây là lối bình thơ bá đạo, như võ sĩ quyền anh đấm vào hạ bộ của đối thủ.

3/ Bới móc chiếc bòng con

"Chiếc bòng con đựng những gì
Mà đi cuối đất mà đi cùng trời"

Chiếc bòng đựng nhiều nhất chỉ bộ áo quần bà ba là cùng, hoặc nữa là hai bơ gạo(!)

Tại sao bình thơ mà lại đi bới móc chiếc bòng của người ta? Con người dù thời nào cũng vậy, được đánh giá cao hay thấp là ở số lượng và phẩm chất của sản phẩm và dịch vụ họ đóng góp cho xã hội chứ không phải ở chiếc bòng lớn hay nhỏ, ba lô nặng hay nhẹ.

4/ Lỗi vận:

Đọc kỹ, tôi thấy cả bài thơ không có chỗ nào lỗi vận. Có lẽ muốn giảm bớt vị ngọt quá đậm của thơ lục bát, tác giả, trong vài chỗ, đã dùng thông vận thay vì chính vận. 
Những đoạn Đỗ Hoàng trích dẫn để chê là lỗi vận như:

Những gì gởi lại chỉ là dấu chân
Vùi trong trảng cỏ thời gian
Vẫn âm thầm trải mút tầm mắt ta

và:

Tiếng bầy chim két bỗng thành mênh mang
Lối mòn như sợi chỉ giăng
Còn in đậm đặc vô vàn dấu chân

theo tôi, không sai, không lỗi, chỉ không khéo - điệp vận không cần thiết.

5/ Nếu biết học tiền nhân một chút thì có thể viết khổ kết bài thơ trên có sức mạnh khái quát  hơn, nâng tầm thơ lên hơn.

Đồng ý chúng ta cũng cần “luận cổ suy kim”. Nhưng làm thơ mà không chịu học cái mới, cái lạ, không dám đứng trên đôi chân của mình, mà cứ ru rú theo bước tiền nhân thì có ngày bước xuống… hố.

6/ Sửa chữa nâng cao

Bình thơ thì cứ phân tích rồi phán nó hay, hoặc dở; hay ở chỗ nào - chứng minh, dở ở chỗ nào - chứng minh. Ở đây Đỗ Hoàng chơi cái màn “sửa chữa nâng cao”, viết lại cả bài thơ của tác giả. Với tôi, đó là thái độ kiêu ngạo đến lố bịch.                                                                        
Quốc có quốc pháp, gia có gia quy - ở đâu có lề luật đó. Trên chiếu văn chương cũng có một số quy luật bất thành văn. Trong thơ, không gian để tâm tình của thi sĩ chuyển động rộng rãi hơn, tự do hơn vì đó là thế giới riêng tư.

Trên trang thơ của mình
tôi chỉ trung thành
với nhịp đập
của chính trái tim tôi.

Khi bình thơ là đã bước vào một không gian khác. Đó là không gian của cuộc đối thoại giữa người bình thơ và thi sĩ, có rất nhiều khán giả theo dõi. Để giữ cho không khí của sân chơi vui vẻ, lành mạnh, một số lề luật, cung cách ứng xử cần phải được tuân thủ; tuân thủ để tôn trọng thi sĩ, tôn trọng độc giả đang chú tâm theo dõi. Đối với cả hai ông Nguyễn Khôi và Đỗ Hoàng tôi đều không quen biết, nhưng qua phong cách bình thơ tôi đã thấy hai ông ngồi ở hai vị trí khác nhau trên chiếu văn chương. Chỗ ngồi ấy chính hai ông đã tự chọn bằng tài năng và cung cách ứng xử của mình.

PHẠM ĐỨC NHÌ

nhidpham@gmail.com

 https://vonga1153.wordpress.com/2015/01/08/dau-chan-qua-trang-co-cua-thanh-thao-do-kem-toan-dien/