Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2016

Ý TƯỞNG TRONG BÀI THƠ CHĂN TRÂU ĐỐT LỬA


Ý TƯỞNG TRONG BÀI THƠ "CHĂN TRÂU ĐỐT LỬA"

Ý tưởng chính, đề tài của bài thơ là một tiêu chí quan trọng để người phê bình đánh giá bài thơ. Ý tưởng hay sẽ nâng giá trị của bài thơ lên rất nhiều. Tôi tạm chia Ý TƯỞNG TRONG THƠ làm 4 hạng (từ cao xuống thấp):

     1/ Nhân bản, cao đẹp, khai phóng, thăng hoa tâm hồn con người, hoàn toàn mới lạ, độc đáo. (Điều này có thể đạt được nhưng rất khó và rất hiếm)
     2/ Tác phẩm xuất sắc nhất đại diện cho một hiện tượng, một lối sống, một cách nghĩ của một giai đoạn lịch sử (đã lác đác có người viết đề cập đến nhưng chưa có tác phẩm nào xuất sắc).         
     3/ Lách, thoát hẳn (hoặc ngược với) dòng thơ Phải Đạo (những suy nghĩ đã thành nếp trong đời sống xã hội, trong tâm hồn con người).
     4/ Viết theo phong trào, xu hướng chính trị, theo thị hiếu của đám đông, chọn những đề tài muôn thuở chung chung (tình yêu, quê hương …), những con đường đã có hàng triệu dấu chân.


Chăn Trâu Đốt Lửa

Chăn trâu đốt lửa trên đồng

Rạ rơm thì ít, gió đông thì nhiều

Mải mê đuổi một con diều

Củ khoai nướng để cả chiều thành tro.

(Đồng Đức Bốn)

 Bài thơ ngắn nhưng tứ thơ rất hay: mê thả diều để củ khoai nướng, có thể là bữa ăn đạm bạc của trẻ chăn trâu, cháy thành tro. Khung cảnh rất thực, rất dân dã của bài thơ khiến tứ thơ dễ bắt, người đọc có thể hiểu ngay. Nhưng ngụ ý của tác giả thì hơi có vẻ mờ mờ ảo ảo, bềnh bồng, lung linh sương khói đòi hỏi một trực giác nhạy bén, một khả năng liên tưởng mạnh mẽ và chính xác để cảm nhận.
Sau đây xin trích dẫn liên tưởng của nhà bình thơ Đức Thọ:

“Trẻ chăn trâu mải mê theo đuổi một con diều (cái đó là tất yếu sẽ diễn ra với trẻ chăn trâu). Nhưng trong cuộc sống ngày nay có biết bao nhiêu cá thể cũng mải mê theo đuổi một “con diều”. Một con diều không hơn không kém và đúng nghĩa là một thú vui của trẻ chăn trâu, nhưng còn “con diều” của những cá thể chúng ta thì nó nhiều vô kể. Mải mê vậy để một củ khoai nướng đốt cả chiều thành tro thì quả là một kết cục rất thực đời. Mải mê nghe điện thoại khi đang điều khiển xe dẫn đến mất mạng sống. Mải mê theo đuổi ánh kim của tiền bạc dẫn đến tan cửa nát nhà hoặc lâm vào trong vòng lao lý và mải mê… v.v. và v.v.…” (5)

 Đúng là bài thơ có ý tưởng rất tuyệt, tuyệt đến mức ông Đức Thọ đã đưa nó lên hàng “triết lý nhân sinh”. Tôi nể phục và đồng ý với việc nâng cấp ấy nhưng lại có ý kiến rất khác với ông về những thí dụ minh họa.

Cái chuyện “Mải mê nghe điện thoại khi đang điều khiển xe dẫn đến mất mạng sống. ” hoặc “Mải mê theo đuổi ánh kim của tiền bạc dẫn đến tan cửa nát nhà hoặc lâm vào trong vòng lao lý” làm sao có thể cho là một “triết lý nhân sinh” được. Đó chỉ là một sự dại dột và bướng bỉnh đến độ coi thường mạng sống hoặc tham lam đến độ mờ mắt, coi thường đạo lý và pháp luật, để rồi trong một phút bất cẩn gây tai nạn, hoặc đổ bể sự việc – không những mất mạng mình mà còn mang khổ ải đến cho bao nhiêu người khác. Đó không phải “triết lý” mà là cái dại, cái tham làm hại cái thân. 

Nếu hiểu như ông Đức Thọ thì bài thơ Chăn Trâu Đốt Lửa đã đi vào quên lãng từ lâu rồi chứ đâu còn được lưu truyền đến ngày hôm nay để người này nguời kia tham gia lý sự. 
Có một cách hiểu khác có vẻ có lý hơn là “Hãy sống thực tế, đừng mơ mộng viển vông”. Miền bắc Việt Nam vào những năm ĐĐB viết CTĐL là một vùng “người khôn của khó”, quần quật suốt ngày kiếm đủ cơm khoai dưa mắm cho gia đình đã là may mắn lắm rồi. 

Hơn nữa, trận đói năm Ất Dậu (1945) là một cơn ác mộng, một nỗi kinh hoàng lúc nào cũng ám ảnh tâm trí mỗi người. Nắm gạo, củ khoai, con cá, lá rau là những món thiết thực, gần gũi với mọi gia đình. Những câu “Có thực mới vực được đạo” hay “Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông lại nhất nông nhì sĩ” đã là những câu nói cửa miệng nhắc nhở con cháu trong nhà – hãy bước đi bằng đôi chân chạm đất chứ đừng có bay lơ lửng trên không kẻo lại “giật mình tỉnh dậy thấy mình đói meo”. 

Nhưng nếu hiểu theo cách này thì ý tưởng trong bài thơ của ĐĐB có gì đặc biệt đâu, cũng chỉ lập lại những điều mà người dân đồng bằng Bắc Bộ đã nhắc nhở nhau, dặn dò nhau đến nhàm đến chán.

Theo tôi, ngụ ý của Đồng Đức Bốn như sau:

Con người nhiều khi chạy theo những cái viển vông, cao tít trên trời mà quên đi những thứ thiết thực, gắn bó với cuộc sống, ngay trên mặt đất. Nhưng cũng chẳng có gì nuối tiếc vì những thứ viển vông, cao tít đó chính là thức ăn cho tinh thần, cho phần hồn của con người; đó chính là niềm vui, hạnh phúc mà vật chất không thể tạo ra được.

Ở môi trường xã hội mà cái đói luôn là nỗi ám ảnh - dầm mưa dãi nắng từ sáng tinh mơ đến tối mịt mới có được 2 bữa ăn - con người lắm khi bị kéo xuống rất gần với con vật. Vâng ở cái môi trường đó mà dám “coi thường” củ khoai (mặc cho nó cháy thành tro) để đánh đổi lấy một niềm vui tinh thần, được cùng với con diều bay bổng trên bầu trời chiều thì theo tôi, đó là hành vi vô cùng dũng cảm. Ở đây cũng có một chút vô tâm, bất cẩn và sau đó là một chút tiếc rẻ khi bụng – vì thiếu củ khoai – đã bắt đầu cồn cào. 

Nhưng việc đổi củ khoai lấy những giây phút sảng khoái, hạnh phúc trên cánh đồng vẫn là một thương vụ có lời. Cậu bé trong thơ ĐĐB tối hôm ấy có thể bị lên giường ngủ với cái bụng trống không nhưng chắc là miệng sẽ mỉm cười và có một giấc mơ thật đẹp. Cậu bé đã dám “quên” củ khoai, chấp nhận chịu đói để được hưởng những giây phút sảng khoái trong tâm hồn. 

ĐĐB đã cho cậu bé chăn trâu bước ra khỏi “cái trại mà ở đó con người gần ngang hàng với con vật”, lùa trâu về chuồng trên con đường làng mà lòng tràn ngập niềm vui và tự hào vì thấy hồn mình đang bay lên một tầm cao mới, tầm cao của CON NGƯỜI được viết hoa thật đẹp. Ý tưởng của bài thơ tuyệt vời là ở chỗ ấy. Và triết lý nhân sinh cũng là ở chỗ ấy. 
Rất tiếc ĐĐB đã phạm một lỗi nặng trong kỹ thuật thơ ca là dung dưỡng một câu thơ nội gián. Câu “rạ rơm thì ít gió đông thì nhiều” tuy không tệ hại, mâu thuẫn, câu sau chửi cha câu trước như bài thơ:

Trên đường có nhị chàng trai

Đầu râu tóc bạc cỡi hai ngựa hồng

Ngựa thì trắng toát như bông

Giữa đường cát trắng bụi hồng tung bay”

nhưng đã làm mạch thơ, con thuyền tứ thơ - đang băng băng chảy thì bị một dòng đối lưu cản lại – tròng trành như muốn vỡ. Cuối cùng nhờ tài lèo lái của tài công, thuyền cũng trôi tới bờ, tới bến nhưng đã bị tổn thương nặng.

 Có 2 cách phát biểu về bài thơ Chăn Trâu Đốt Lửa:
     1/ Nếu không có phần ý và tứ tuyệt vời như thế thì với cái lỗi “dung dưỡng một câu thơ nội gián” trong bài thơ chỉ có 4 câu người đọc đã có thể gạt bài thơ qua một bên để đọc những bài thơ khác. Và bài thơ sẽ hoàn toàn đi vào quên lãng.

     2/ Nếu ĐĐB không phạm lỗi “dung dưỡng một câu thơ nội gián” thì với phần ý và tứ thơ tuyệt vời như thế Chăn Trâu Đốt Lửa chắc sẽ chiếm một vị trí trang trọng trong kho tàng thơ ca Việt Nam và theo tôi, còn cao hơn Sông Lấp của Tú Xương một bậc. 
   
Ngoài ra, qua CTĐL mối tương quan giữa tác giả, ý, tứ và độc giả cũng hiện ra rõ ràng:

Tác giả đã hoàn thành chức năng truyền thông của bài thơ, tạo được nhịp cầu để người đọc ai cũng có thể “bắt” được, đến được với tứ thơ, hiểu được nghĩa đen (trên văn bản) của bài thơ và hiểu giống nhau (không thể có chuyện người hiểu tứ thơ thế này, người hiểu tứ thơ thế khác). Dĩ nhiên có thể mỗi người mỗi ý khi nói đến cái hay (hoặc dở) của câu chữ, hình tượng, kỹ thuật thơ … nhưng nội dung của bài thơ phải hiểu đúng như ngôn ngữ đã chuyên chở nó.

Riêng với ngụ ý của bài thơ thì tùy theo óc tưởng tượng, khả năng liên tưởng và trực giác thơ ca của mình, mỗi người đọc có thể sẽ cảm nhận khác nhau (có khi khác với tác giả). Một trong những nhiệm vụ của người bình thơ là tìm ra, thuyết phục để người yêu thơ đến với, và chấp nhận cách hiểu vừa hợp lý vừa nâng giá trị của bài thơ lên cao nhất.

Ý tưởng trong bài thơ Chăn Trâu Đốt Lửa được xếp loại hạng 1: nhân bản, khai phóng, thăng hoa tâm hồn con người