Thứ Tư, 15 tháng 6, 2016

LẠI BÀN VỀ TỐNG BIỆT HÀNH


          LẠI BÀN VỀ TỐNG BIỆT HÀNH

           (Trao đổi với nhà văn Châu Thạch)


Cách đây không lâu anh Nguyễn Khắc Phước có thư riêng mời tôi cộng tác với trang web Văn Nghệ Quảng Trị, một trang thuần túy văn học nghệ thuật. Trước khi nhận lời mời tôi có bỏ ra vài buổi dạo qua trang web. Là người làm thơ và bình thơ nên tôi để ý đến những cây bút phê bình văn học và những bài viết của Châu Thạch đã chiếm được cảm tình của tôi với cung cách đứng đắn lịch sự, lời văn hòa nhã.

Hôm nay đọc được bài Đọc Tống Biệt Hành Thơ Thâm Tâm của anh trên Văn Nghệ Quảng Trị (và Văn Đàn Việt) trong đó anh có nhắc đến mấy đoạn trong một bài viết – cũng về Tống Biệt Hành - của tôi nên xin phép được trao đổi với anh trong tinh thần “bạn văn” cùng viết trên một diễn đàn văn học.

Sau đây là những đoạn trong bài viết của tôi được anh đề cập:

     1/ Anh nhắc đến hai đoạn thơ:

          Ta biết người buồn chiều hôm trước
          Bây giờ mùa hạ sen nở nốt
          Một chị, hai chị cũng như sen
          Khuyên nốt em trai dòng lệ sót


          Ta biết người buồn sáng hôm nay:
          Giời chưa mùa thu, tươi lắm thay
          Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc
          Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay…


rồi anh viết: Đoạn này có tác giả bình thơ nhận xét rằng “không những tầm thường mà lạ còn hơi ‘sến’ nữa.” Theo anh thì: “Lời thơ kể lể ở đây không phải ‘tầm thường’, không phải ‘sến’ mà nó là dàn nhạc trầm lặng da diết, sau khúc nhạc gầm thét diễn tả nỗi đau trong lòng nhân vật.”  

Theo tôi, hai đoạn thơ đã có những khuyết điểm sau đây:

  • Nói chuyện “chiều hôm trước” mà dùng trạng từ chỉ thời gian “Bây giờ” là  không chính xác. Muốn chính xác, muốn hay, phải dùng từ khác.
  • So sánh “sen nở nốt” với “dòng lệ sót” rất khập khiễng. Những bông sen nở cuối mùa và dòng lệ còn sót lại của mấy người chị vừa khóc vừa khuyên em, hai hình ảnh đó quá xa cách, không tương hợp. Phép “ẩn dụ” không hay.
  • Chữ “dòng” trong cụm từ “dòng lệ sót” giảm giá trị của chữ “sót”.
  • Giời chưa mùa thu tươi lắm thay” là một câu thơ “vô tích sự” bởi nó lạc lõng, thừa thãi, không ăn nhập gì với cả đoạn thơ.
  • Đọc hai câu:
                     Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc
                     Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay
    tôi tưởng tượng trước mắt mình một em nhỏ, đôi mắt ngây thơ tròn xoe nhìn người anh sắp đi xa, tay cầm chiếc khăn tay như muốn gói trọn thương tiếc trong lòng mình vào đấy. Ôi! Hình ảnh ấy vừa khô cứng, vừa “cải lương”, lại vừa không thật; ngây thơ đôi mắt biếc như em nhỏ thì biết gì mà thương với tiếc; chữ “tiếc” ở đây hoàn toàn sai.

Trên đây là một vài chi tiết khiến tôi đưa ra nhận xét là hai đoạn thơ “không những tầm thường mà lại còn ‘sến’ nữa.” Anh Châu Thạch cho đó “là dàn nhạc trầm lặng da diết, sau khúc nhạc gầm thét diễn tả nỗi đau trong lòng nhân vật” là quyền của anh. Tôi dành sự phán xét sau cùng cho độc giả.


     2/ Vế chót của bài thơ như sau:

            Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
          Mẹ thà coi như chiếc lá bay
          Chị thà coi như là hạt bụi
          Em thà coi như hơi rượu cay


Có người cho rằng vế thơ này “quá cứng cỏi, lạnh lùng và vô tình.” Theo anh thì: “Thật ra đây là một vế thơ rất hay, nó cho thấy bút pháp tài hoa của tác giả.”

Tôi không nghĩ như vậy. Trên bề mặt chữ nghĩa 3 câu cuối rõ ràng là cứng cỏi, lạnh lùng và vô tình. Hơn nữa, đó không phải là tâm trạng, cách suy nghĩ của chính người ra đi nói ra mà chỉ là sự võ đoán của người đưa tiễn. Cho nên nếu nói đến giá trị nghệ thuật thì mấy câu thơ ấy chỉ như là rượu giả, khó làm vừa lòng những tay sành rượu.

      3/ Hoài Thanh không ưu ái với nhà thơ Thâm Tâm mà Hoài Thanh chọn Tống Biệt Hành để đưa vào Thi Nhân Việt Nam với sự công tâm đánh giá nghệ thuật như bao bài thơ của các tác giả khác thời bấy giờ. Uy tín của Hoài Thanh đủ khẳng định cho Tống Biệt hành có giá trị nghề thuật cao.

Tôi đồng ý với anh Châu Thạch là TBH phải hay, phải có giá trị nghệ thuật ở mức độ nào đó, phải hợp “gu” với Hoài Thanh thì mới được ông tuyển chọn đưa vào Thi Nhân Việt Nam. Nhưng được Hoài Thanh tuyển chọn lại là con dao hai lưỡi. Thời gian qua đi, cách nhìn nhận và đánh giá thơ ca thay đổi, uy tín của Hoài Thanh - đặc biệt lúc ông còn sống - khiến người yêu thơ e ngại khi phải đưa ra những ý kiến trái ngược hoặc khác với nhận định của ông. “Sợ” uy quyền của ông cũng có nhưng cái sợ lớn nhất là sợ bước vào một trận chiến không cân sức với một đối thủ quá mạnh. Anh Châu Thạch còn viết rằng: “Truyện Kiều của Nguyễn Du mà còn có người dám chỉnh sửa lại thì Tống Biệt Hành là cái gì mà 75 năm qua mọi người nhắm mắt tán tụng nó theo Hoài Thanh.” Theo tôi, chỉnh sửa một điểm nào đó trong truyện Kiều không khó vì không bị đè nặng bới một sức ép chính trị tâm lý nào. Miễn là anh có kiến thức rộng về văn học, thơ ca và đủ tự tin để viết. “Đụng” vào TBH là “đụng” vào cả một chính sách lớn của nhà nước trong hoàn cảnh chiến tranh, lúc người chống lưng cho nó vừa có văn tài, vừa có quyền uy ngất ngưởng trong lãnh vực bình phẩm văn chương.


        4/ Chình quyền miền Bắc và miền Nam trước 1975 có hàng vạn bài thơ phục vụ cho chế độ mình trực tiếp và cụ thể, đâu cần chi một bài thơ Tống Biệt Hành nói về một sự ra đi vu vơ không mục đích rõ ràng.

Những bài thơ viết để trực tiếp phục vụ chế độ (ở miền nam có một số bản nhạc như vậy nhưng thơ thì không nhiều), đọc lên đã sặc mùi tuyên truyền. Tác giả loại thơ này thường là người nằm trong bộ máy chính quyền, chức vụ không cao, viết vì công việc, vì “cái ghế”, vì miếng cơm manh áo. Cả tác giả lẫn tác phẩm đều bị coi thường, khinh rẻ. Thậm chí đọc phải những bài thơ này có người còn bực bội chửi thề ngay cả trước mặt công chúng. (Con số hàng vạn của anh Châu Thạch tôi e rằng quá lố).

Chỉ có những bài thơ tác giả có tay nghề cao, viết bằng trái tim mình, bày tỏ cảm xúc thật của mình nhưng ý tứ của bài thơ lại tình cờ phù hợp với đường lối, chính sách của chính phủ nên được phổ biến trong quảng đại quần chúng. Vâng! Chính những bài thơ ấy mới hấp dẫn người đọc, mới thôi thúc người đọc đi theo, làm theo tiếng gọi của tứ thơ (hoặc ý thơ). TBH nằm trong số những bài thơ ấy.


       5/ Bài thơ được đưa vào nhà trường tức là được chọn lọc. Thêm một lần nữa khẳng định giá trị nghệ thuật cao của bài thơ. (Điều này không phải lúc nào cũng đúng.) Nhiều năm qua kể từ khi bài thơ được giảng dạy đến nay, không có dư luận nào chê trách việc giảng dạy Tống Biệt Hành. Điều đó chứng tỏ giá trị nghệ thuật của Tống Biệt Hành được đánh giá đúng nên không có sự phản hồi, phản bác, đối nghịch trong công luận.

Vào trường học là có giáo án, thi cử. Thử hỏi có học sinh nào dám đem tương lai của mình để đánh đổi lấy một cơ hội được phản bác điều mình được dạy trong trường lớp? Có thầy, cô giáo nào dám dạy sai giáo án để phí công bao năm đèn sách ở các trường cao đẳng hay đại học sư phạm? Vả lại, nếu người phản bác không có thực tài, không chọn đúng thời điểm có phong trào, có cách nhìn nhận, đánh giá thơ ca mới, không có sự hỗ trợ của một vài nhân vật có chức quyền trong ngành, những ý kiến phản bác sẽ như muối bỏ bể, rơi vào quên lãng.

Giá Trị Nghệ Thuật Của Tống Biệt Hành

  1/ Khuyết điểm

Ngoài những khuyết điểm ở hai đoạn thơ nói về chị và em TBH còn có những yếu kém sau đây:

  • Câu “Đưa người ta chỉ đưa người ấy” có vẻ ngây ngô và đóng góp rất ít cho bài thơ.
  • Cái dở nhất của TBH, theo tôi, là có nhiều đoạn người ra đi không được bày tỏ trực tiếp mà cảm xúc, tâm trạng của anh ta lại do người tống biệt võ đoán và nói hộ. Độc giả có cảm giác như được Thâm Tâm mời đến thưởng thức món thuốc lá gia truyền rất ngon, nhưng khi gặp nhau thì chỉ được hút một, hai hơi; sau đó là ngồi ngửi khói (hút gián tiếp). Lời khuyên “Làm thơ nên viết ở ngôi thứ nhất” đã bị vi phạm mà không có lý do chính đáng.

  2/ Ưu điểm

Dù vậy TBH cũng vẫn là một bài thơ hay. Chỉ với 4 câu đầu tác giả đã khắc họa một cách tài tình tâm trạng của người đưa tiễn – và với khả năng quan sát tinh tế, đã “bắt” được nỗi buồn của người ra đi:

     Đưa người ta không đưa qua sông

     Sao có tiếng sóng ở trong lòng

     Bóng chiều không thắm không vàng vọt

     Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong

Để tả cảnh chia ly 4 câu thơ này có thể hiên ngang đọ sức với bất cứ câu thơ hay nào của bất cứ tác giả nào trong Phong Trào Thơ Mới.


Cái độc đáo nữa của TBH là Điệu thơ gấp, lời thơ gắt, câu thơ rắn rỏi, gân guốc, không mềm mại uyển chuyển như phần nhiều thơ bây giờ. (1)

Đứng bên cạnh những bài thơ có âm điệu du dương như hầu hết thơ mới thời ấy TBH có dáng dấp độc đáo, gây được sự chú ý ngay từ hình thức bề ngoài của bài thơ.


Cái hay nhất của TBH là - mặc dù nhân vật và khung cảnh khác xa nhau – đã gợi được không khí hào hùng, bi tráng của cuộc chia ly nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa: Thái Tử Đan tiễn Kinh Kha sang sông Dịch để ám sát Tần Thủy Hoàng. Người đọc, đặc biệt là nam nhân, cảm thấy hào khí bốc lên cao ngất, thân này kể bỏ, gia đình (mẹ, chị và em) cũng coi như không có, vì lý tưởng, vì nước quyết ra đi để thỏa mãn chí lớn của người trai.

          Chí lớn không về bàn tay không

          Thì không bao giờ nói trở lại

          Ba năm mẹ già cũng đừng mong.  

Tôi hoàn toàn đồng ý với Châu Thạch khi anh viết:

Đoạn nầy ý nói người ra đi sẽ không quay về khi chí lớn chưa thành, dầu mẹ có chết ba năm sau ngày giáp cử cũng không về để tang mẹ được. Những câu thơ ở vế thơ nầy thật rắn rỏi nêu lên sự quyết tâm của người ra đi vì chí lớn. Lời thơ như hịch xuất quân, như lời thề non nước.


Tóm lại, nếu đặt ưu và khuyết điểm lên bàn cân thì TBH vẫn là một bài thơ hay. Ưu điểm rất độc đáo và gây được ấn tượng sâu sắc nơi người đọc. Có những đoạn thơ thường được ngâm nga trong những buổi họp mặt của thanh niên trước lúc lên đường. Nhưng khuyết điểm cũng không ít trong đó có cả khuyết điểm căn bản trong việc sáng tác thơ ca.



Riêng về tứ thơ thì tôi cho rằng tứ thơ của TBH là một thứ dây leo chùm gởi, phải nhờ vào cái bóng của một “khung cảnh lịch sử” ở tận bên Trung Quốc để có được sức hấp dẫn người đọc như nó đã có. Hơn nữa, như đã phân tích ở trên, rượu trong bữa tiệc thơ TBH là rượu giả; cảm xúc (ngoài hai câu đầu) không phải là thứ  “tông” phát xuất từ chính trái tim người tống biệt mà chỉ là cảm xúc của người ra đi được người tống biệt đoán ra. Khách mời của bữa tiệc TBH tưởng như mình sắp sửa qua sông Dịch để cứu muôn triệu dân lành. Rót rượu đầy ly, nâng cao và hô một tiếng “dzô” thật lớn rồi uống cạn để thấy hào khí trong người mình dâng lên cao ngất. Đến khi tỉnh dậy sau cơn say khướt, thấy nhức đầu một cách khó hiểu nhưng cũng không biết là mình uống phải rượu giả, toàn nước lã pha cồn.


Hồ Trường (Nguyễn Bá Trác) thì hoàn toàn khác. Khung cảnh thật, rượu thật, tâm sự được chính tác giả thốt ra trong lúc ngà ngà say, không có bàn tay “gạn đục khơi trong” của lý trí nên cũng rất thật. Và hào khí, thì dù người đọc có say hay tỉnh, cũng thấy bốc cao ngất trời và nóng bỏng.


Trong trò chơi bình thơ, với tôi, chê lầm một câu (bài) thơ hay hoặc khen lầm một câu (bài) thơ dở là một lỗi nặng, ảnh hưởng đến uy tín của người bình thơ. Tuy nhiên, ở đời ai chẳng có lúc lỗi lầm? Miễn là sau đó mình cố gắng học hỏi và sửa chữa. Nhưng bình một bài thơ mà – vì một lý do nào đó ngoài thơ - thấy một điểm hay mà không dám khen, thấy một điểm dở mà không dám chê thì theo tôi, là một cái tội, tội với lương tâm mình và tội với thơ. Cho nên khi bình thơ, tôi khen chê thẳng thắn đúng với sự hiểu biết và cảm nhận của mình lúc đó. Vì thế bài viết của anh Châu Thạch đã cho tôi cơ hội đọc kỹ lại Tống Biệt Hành và giải thích thêm một số chi tiết mà tôi – vì muốn hướng sự chú ý của độc giả vào những điểm chính – đã bỏ qua. Và chuyện đúng sai xin nhường cho độc giả phán xét.


Với bài thơ TBH anh Châu Thạch và tôi có vài chỗ ý kiến khác nhau. Đó cũng là chuyện thường tình trong bình phẩm thơ ca. Trong Văn Nghệ Quảng Trị anh Châu Thạch có số bài gấp nhiều lần số bài của tôi. Anh là cựu binh, còn tôi là lính mới. Cũng may là trên chốn văn chương nên tôi mới dám mạnh dạn trao đổi với anh. Qua hai bài viết, một của anh và một của tôi, xin được nói riêng với anh Châu Thạch, cả hai chúng ta đều có lợi. Và biết đâu những độc giả đọc bài của chúng ta cũng đang rung đùi, gật gù khoái chí.


Chú thích:

1/ Chữ của Hoài Thanh

Galveston, Texas 10/18/15

PHẠM ĐỨC NHÌ

nhidpham@gmail.com



Phụ Lục:


Châu Thạch

ĐỌC “TỐNG BIỆT HÀNH” THƠ THÂM TÂM

                                              


 TỐNG BIỆT HÀNH


Đưa người, ta không đưa qua sông

Sao có tiếng sóng ở trong lòng?

Bóng chiều không thắm, không vàng vọt

Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?


Đưa người ta chỉ đưa người ấy

Một giã gia đình một dửng dưng…

Li khách! Li khách! Con đường nhỏ

Chí nhớn chưa về bàn tay không

Thì không bao giờ nói trở lại!

Ba năm mẹ già cũng đừng mong


Ta biết người buồn chiều hôm trước

Bây giờ mùa hạ sen nở nốt

Một chị, hai chị cũng như sen

Khuyên nốt em trai dòng lệ sót


Ta biết người buồn sáng hôm nay:

Giời chưa mùa thu, tươi lắm thay

Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc

Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay…


Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!

Mẹ thà coi như chiếc lá bay

Chị thà coi như là hạt bụi

Em thà coi như hơi rượu cay ./.

                          Thâm Tâm


Lời Bình: Châu Thạch


Bài thơ “Tống Biệt Hành” được nhà thơ Thâm Tâm sáng tác vào khoảng năm 1940. Kể từ khi ra đời đến nay đã trên 75 năm bài thơ luôn luôn được yêu thích và đã được đưa vào sách giáo khoa của học đường. Hành là một thể thơ cổ, thường được xử dụng để diễn tả một tâm trạng bi phẩn, bi hùng. Bài thơ “Tống Biệt Hành” của Thanh Tâm có hai nhân vật, người đưa tiễn và người ra đi. Tâm trạng của người ra đi được biểu hiện qua lời của người đưa tiễn và ngược lại, tâm trạng của người đưa tiễn cũng là tình cảm của người ra đi.

Vào đề với bốn câu thơ, tác giả đã cho ta nghe sự va đập dồn dập của nhiều âm thanh:


Đưa người, ta không đưa qua sông

Sao có tiếng sóng ở trong lòng?

Bóng chiều không thắm, không vàng vọt

Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?


Vế thơ có nhiều chữ “không” và lạ thay, nội chứa trong chữ “không” đó nẩy sinh chữ “có”: Không sông thì lại có tiếng sóng, không thắm thì có mắt trong, không vàng vọt thì có hoàng hôn. “Không” và “có” là hai từ đối lập nhau, lại hoà hợp trong vế thơ nầy, tạo thành âm thanh biểu hiện nỗi ấm ức trong lòng. Đọc vế thơ ta thấy ngay nhiều nghịch lý xảy ra giử cảnh và người đưa tiễn cũng như người ra đi. “Đưa người, ta không đưa qua sông/ Sao có tiếng sóng ở trong lòng?” là nghịch lý xảy ra đối với người đưa tiễn, và “Bóng chiều không thắm, không vàng vọt/ Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?” là nghịch lý xảy ra đối với người ra đi. Khung cảnh bên ngoài đối chọi với tình cảm trong lòng là một nghệ thuật điêu luyên trong sáng tác. Tác giả dùng phương pháp “tá khách hình chủ” nghĩa là mượn cái nầy để làm nổi bậc cái kia giống như Nguyễn Du đã dùng cái đẹp của Thuý Vân để gần cái đẹp của Thuý Kiều, làm cho Thuý kiều nổi bậc thêm lên. Ở đây Thâm Tâm đã dùng hai sự kiện “không” và “có”, mục đích dùng cái không của không gian để làm nổi cộm lên cái có trong tâm hồn. Cái có ở đây là nỗi buồn ly biệt.

Qua vế thứ hai của bài thơ:


Đưa người, ta chỉ đưa người ấy

Một giã gia đình một dửng dưng...

Li khách! Li khách! Con đường nhỏ

Chí lớn chưa về bàn tay không

Thì không bao giờ nói trở lại!

Ba năm mẹ già cũng đừng mong


Đoạn nầy ý nói người ra đi sẽ không quay về khi chí lớn chưa thành, dầu mẹ có chết ba năm sau ngày giáp cử cũng không về để tang mẹ được. Những câu thơ ở vế thơ nầy thật rắn rỏi nêu lên sự quyết tâm của người ra đi vì chí lớn. Lời thơ như hịch xuất quân, như lời thề non nước.

Qua hai vế thơ kế tiếp như sau:


Ta biết người buồn chiều hôm trước

Bây giờ mùa hạ sen nở nốt

Một chị, hai chị cũng như sen

Khuyên nốt em trai dòng lệ sót


Ta biết người buồn sáng hôm nay:

Giời chưa mùa thu, tươi lắm thay

Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc

Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay...


Đoạn nầy có tác giả bình thơ nhận xét rằng “Không những tầm thường mà còn hơi “sến” nữa”. Thật ra nhà thơ Thâm Tâm rất rành tâm lý. Ở hai vế thơ trên biểu hiện niềm đau quặn thắt trong lòng người đưa tiễn, sự xúc động đã dâng lên cao độ khi thốt lên tiếng kêu đau thương “Li khách! li khách!”. Qua hai vế thơ nầylời thơ trở nên kể lể vì niềm đau đã được nén xuống, hơi thở nhẹ đi, con tim bình tịnh lại.Nỗi đau không còn là ngọn lửa bùng lên nữa mà bây giờ nó là ngọn lửa âm ỉ đốt cháy trong lòng. Lời thơ kể lể ở đây không phải là “tầm thường”, không phải là “sến” mà nó là dàn nhạc trầm lặng da diết, sau khúc nhạc gầm thét diễn tả nỗi đau trong lòng nhân vật.


Vế chót của bài thơ như sau:


Người đi:? Ừ nhỉ, người đi thực!

Mẹ thà coi như chiếc lá bay

Chị thà coi như là hạt bụi

Em thà coi như ly rượu cay


Có người cho rằng vế thơ nầy “Quá cứng cỏi. lạnh lùng và vô tình”. Thật ra đây là một vế thơ rất hay, nó cho thấy bút pháp tài hoa của tác giả. Những điều mà người ra đi phủ nhận trong vế thơ nầy chính là những điều mà người ra đi canh cánh bên lòng.Chữ “thà” ở đây không có nghĩa là “ xem như không có” mà chữ “thà” ở đây có nghĩa là “không bỏ đi được”. Nếu người ra đi ngày ấy xem mẹ như lá, chị như bụi và em như ly rượu cay thì người đó không đáng để đưa vào thơ. Ta hãy đọc một đoạn thơ có chữ “thà” trong bài “Khúc Tình Buồn” của Nguyễn tất Nhiên để hiểu thêm về chữ “thà’ của Thâm Tâm: “ Người từ trăm năm/ về qua sông rộng/ ta ngoắc mòn tay/ trùng trùng gió lộng/ thà như giọt mưa/ vỡ trên tượng đá/ thà như giọt mưa/ khô trên tượng đá/ có còn hơn không...”. Ta thấy rằng, khi người yêu qua sông, Nguyễn Tất Nhiên ngoắc mòn tay gọi người yêu trong vô vọng. Lúc đó nhà thơ càng dùng chữ “thà” thì càng đau đớn gấp bội. Tình yêu lúc đó càng mảnh liệt đến nỗi nhà thơ muốn “Thà như giọt mưa” thì vẫn còn có để đến với em hơn là không chi hết. “Thà” của Nguyễn tất Nhiên và Thâm Tâm là từ ngữ đã vượt ra ngoài nghĩa của cái chữ thường tình. Nó khẳng định một tình yêu mảnh liệt với người yêu trong thơ Nguyễn Tất Nhiên và nó cũng khẳng định một tình yêu mảnh liết với mẹ, với chị, với em trong thơ Thâm Tâm. 


Gần đây có ý kiến cho rằng “Mức độ nổi tiếng của Tống Biệt Hành không tương xứng với giá trị nghệ thuật của nó vì các lý do sau:


-           Được Hoài Thanh là nhà phê bình danh tiếng ưu ái giới thiệu trong Thi Nhân Việt Nam. Do đó người sau vì uy tín của Hoài Thanh và Thi Nhân Việt nam cứ thế ca ngợi, tán dương theo.


-           Được cả chính quyền miền Bắc và miền Nam Việt Nam cần người lên đường phục vụ cho chế độ nên giúp sức phổ biến vì lý do chính trị.


-           Được đưa vào nhà trường giảng dạy nên thầy giáo, học sinh cứ tán tụng, không dám bày tỏ ý kiến đối nghịch vì sợ bị trù dập.”

Nhận xét như thế tôi cho là quá bất công với Tống Biệt Hành vì:


-           Hoài Thanh không ưu ái với nhà thơ Thâm Tâm mà Hoài Thanh chọn Tống Biệt Hành để đưa vào Thi Nhân Việt Nam với sự công tâm đánh giá nghệ thuật như bao bài thơ của các tác giả khác thời bấy giờ. Uy tín của Hoài Thanh đủ khẳng định cho Tống Biệt hành có giá trị nghề thuật cao. Truyện Kiều của Nguyễn Du mà còn có người dám chỉnh sửa lại thì Tống Biệt Hành là cái gì mà 75 năm qua mọi người nhắm mắt tán tụng nó theo Hoài Thanh. Điều đó không thể nếu tự Tống Biệt Hành không có giá trị ngang tầm với danh của nó.


-           Chình quyền miền Bắc và miền Nam trước 1975 có hàng vạn bài thơ phục vụ cho chế độ mình trực tiếp và cụ thể, đâu cần chi một bài thơ Tống Biệt Hành nói về một sự ra đi vu vơ không mục đích rỏ ràng.


-           Bài thơ được đưa vào nhà trường tức là được chọn lọc. Thêm một lần nữa khẳng định giá trị nghệ thuật cao của bài thơ. Nhiều năm qua kể từ khi bài thơ được giảng dạy đến nay, không có dư luận nào chê trách việc giảng dạy Tống Biệt Hành. Điều đó chứng tỏ giá trị nghệ thuật của  Tống Biệt Hành được đánh giá đúng nên không có sự phản hồi, phản bác, đối nghịch trong công luận.


Thật ra với thời gian 75 năm, kịnh nghiệm cho ta thấy có nhiều tác phẩm hời hợt, được vinh danh gượng ép vì một lý do nào đó đã lần lược mai mọt hết với thời gian rồi. Riêng Tống Biệt Hành của Thâm Tâm, nó vẫn còn sống thắm tươi trên diễn đàn văn học và trong lòng nhiều thế hệ. Nó không chết đâu, và mức độ nổi tiếng của nó rất tương xứng với giá trị nghệ thuật của chính nó vì Tống Biệt Hành là khúc ca tiễn biệt rất hay mà tiễn biệt thì ở thời đại nào cũng có xảy ra ./.


                                                                Châu Thạch