AI YÊU AI
SAY ĐẮM?
(Trả Lời
Châu Thạch)
Qua bài Lạm
Bàn Thêm Về Tranh Luận Việc Bình Thơ của Châu Thạch viết để tham dự cuộc bàn
cãi vui xung quanh bài thơ Trăng Lên của Lưu Trọng Lư tôi thấy anh với tôi đồng
ý với nhau ở nhiều chỗ nhưng có một khác biệt khá quan trọng trong việc hiểu ý
nghĩa của bài thơ. Nhận định của anh như sau:
Nếu “Trăng lên” là lời của cô gái
thì nhất định là cô ta đã công nhận chàng lọt vào mắt xanh của mình như Phạm
Đức Nhì đã nói. Ngược lại, “Trăng lên” là lời của người nam thỉ rõ ràng người
nam chỉ muốn bày tỏ “sự say đắm si mê của chàng” như Nguyễn Khôi đã viết, vì
chuyện người nam chỉ nhìn vào mắt cô gái mà khẳng định cô ta đã yêu mình say
đắm thì thật ra quá hấp tấp …
Khi viết những dòng
chữ này anh Châu Thạch đã dựa vào một “nguyên tắc” mà nhà thơ Nguyễn Đình Thi
đã có lần phát biểu:
… Vì
nhà thơ nhìn bằng con mắt của người đầu tiên. Đó là những hình ảnh mới tinh,
chưa có vết nhòa của thói quen, không bị dập khuôn vào những ý niệm trừu tượng
định trước. Mượn câu nói của một nhà văn
Pháp, nhà thơ bao giờ cũng là ngôi thứ nhất.
Bởi vậy, nếu
từ 2 câu thơ:
Mắt em là một dòng sông
Thuyền ta bơi lặng trong dòng mắt em.
mà hiểu là “nàng đã yêu ta đắm say” (như PĐN) thì theo Châu Thạch, coi chừng
bị … sai. Lý lẽ của anh xem chừng quá vững; độ chính xác ít nhất cũng phải
99,9%.
Nguyên tắc
“nhà thơ bao giờ cũng là ngôi thứ nhất” có mục đích kêu gọi thi sĩ bày tỏ chân
thật cảm xúc của chính mình, không dùng thơ để thương vay khóc mướn, nói hoặc đoán
mò tâm trạng của người khác. Nhưng nguyên tắc này lại có ngoại lệ. Một trong những
ngoại lệ được một vài thi sĩ áp dụng liên quan đến đội mắt. “Mắt là cửa sổ linh
hồn”. Đặc biệt khi cảm xúc dâng cao, tâm trạng con người càng thể hiện rõ nét
qua khung cửa sổ ấy. “Nhìn đôi mắt, đặt tâm trạng” (dĩ nhiên là tâm trạng của
người khác), trong thơ vẫn có thể chấp nhận được. Mà đâu cần phải “bốn mắt nhìn
nhau, nhìn thật lâu” mới cảm được tâm trạng; chỉ cần một cái liếc thoáng qua là
cũng có thể “thấy” được khá chính xác.
Chúng ta thử
đọc 2 câu thơ của Thâm Tâm trong Tống Biệt Hành:
Bóng chiều không thắm không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong.
Ta biết người
buồn lắm vì nhìn mắt người như chứa cả bóng hoàng hôn. Đây là lời nói của người
đưa tiễn nhưng lại là tâm trạng của người ra đi. Thâm Tâm đã không chịu nghe lời
khuyên của nhà văn Pháp nào đó - làm thơ ở ngôi thứ nhất - nhưng câu thơ của ông
vẫn được xếp vào những câu thơ hay nhất trong khung cảnh tiễn biệt. Đó là vì ông
đã cho người đưa tiễn “nhìn đôi mắt, đặt tâm trạng” của người ra đi. Người ra đi
thì buồn như thế, còn người đưa tiễn có buồn không? Chắc chắn là có buồn, nhưng
độ sâu đậm của nỗi buồn ra sao thì 2 câu thơ trên không nói đến vì đó không phải
là chủ đích của tác giả mà chỉ là “phản ứng phụ tất yếu” của tứ thơ. Chính vì
thế trước đó tác giả vì cũng muốn nói đến tâm trạng của người đưa tiễn đã phải
viết riêng 2 câu thơ khác, ở ngôi thứ nhất:
Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Và đây cũng
là 2 câu thơ trác tuyệt.
Bây giờ trở
lại 2 câu thơ của Lưu Trọng Lư:
Mắt em là một dòng sông
Thuyền ta bơi lặng trong dòng mắt em.
Chàng có cần
nhìn vào mắt nàng thật kỹ, thật lâu mới có thể biết được nàng đang nhìn mình say đắm? Cũng giống như Tống Biệt Hành,
câu trả lời là không. Chỉ cần một thoáng nhìn, có khi chỉ nửa giây, chiếc máy ảnh của thi sĩ có thể khắc
họa được, chụp được tấm hình có đầy đủ chi tiết của bài thơ: vầng trăng, mái tóc,
cảnh thu vắng lặng, mắt em … đủ cả.
Tấm hình sẽ
được lưu trữ trong bộ nhớ. Những vần thơ sẽ không tuôn ra ngay lúc ấy mà thường
phải một lúc sau, vài tiếng sau, vài ngày sau, có khi nhiều năm sau khi có hoàn
cảnh gợi hứng tấm hình mới hiện ra để thi sĩ làm thơ.
Cách hiểu như anh Châu Thạch “Lời của người nào thì là tâm trạng của người
đó” trong thơ ca sẽ đúng với tuyệt đại đa số trường hợp. Nhưng, giống như 2 câu “bóng chiều … mắt
trong” của Tống Biệt Hành, đây là ngoại lệ “nhìn đôi mắt, đặt tâm trạng”. Theo câu cuối của bài thơ thì cô gái đang
thu hút cả bóng hình chàng trai vào đôi mắt - như một dòng sông - của mình,
“cho phép” chàng được bơi lặng trong dòng sông ấy, nghĩa là nàng đang nhìn
chàng say đắm. (1) Nếu theo đúng mạch suy luận – thì trong khung cảnh nên thơ đó - độc giả sẽ nhận ra là
“nàng đã yêu chàng”. Theo tôi, suy luận để đi đến kết luận như thế là rất hợp lý,
không có gì là hấp tấp cả. Còn nếu có người đặt câu hỏi “Thế chàng có yêu nàng
không?” thì câu trả lời sẽ là “Dĩ nhiên! Ít nhiều gì cũng có. Nhưng đó không phải
là chủ đích của tác giả mà chỉ là ‘phản ứng phụ tất yếu’ của tứ thơ”. Bằng chứng
là chàng đâu có đặt hết tâm hồn vào “đối tượng” như nàng mà còn để ý đến nhiều
thứ khác, nào là vầng trăng, mái tóc, cảnh thu vắng lặng, hương thu thơm nồng rồi
mới đến mắt em. Nếu tác giả cũng muốn nói đến tình cảm của mình với cô gái thì
– cũng giống như trong Tống Biệt Hành – ông sẽ viết riêng mấy câu khác.
Dẫu sao cũng cám ơn anh Châu Thạch. Trên sân chơi thi ca, đặc biệt là bình
thơ, khác biệt ý kiến là chuyện bình thường. Điều đáng nói, đáng nhớ là phong cách
của người bước vào cuộc chơi. Nhắc đến Châu Thạch, Nguyễn Khôi, ngoài những bài
thơ đậm tình người, những bài bình luận sắc sảo, người đọc chắc sẽ không quên
thái độ lịch thiệp, hòa nhã của hai vị trong đối thoại văn chương. Được thỉnh
thoảng “bàn ra tán vào” với hai vị, Phạm Đức Nhì tôi thấy thơ ca thật đáng yêu
và đời cũng thật đáng sống.
04/2016
Phạm Đức
Nhì
Chú thích:
1/ Thuyền Ta Bơi Lặng Trong Dòng Mắt Em, Phạm Đúc Nhì, t-van.net