Hiển thị các bài đăng có nhãn Loi binh ngan. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Loi binh ngan. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 31 tháng 10, 2018

ANH BẰNG SỬA THƠ YÊN THAO



Tôi đứng bên này sông 

 Bên kia vùng giặc đóng

 là 2 câu mở đầu trong bài thơ Nhà Tôi của Yên Thao.
Khi phổ nhạc bài thơ nhạc sĩ Anh Bằng sửa lại:

Tôi đứng bên này sông

Bên kia vùng lửa khói

 Nhà Tôi là tâm trạng hồi hộp, lo âu của một người lính trước giờ nổ súng mà mục tiêu của trận đánh lại chính là ngôi làng bên kia sông, có căn nhà nơi những người thân yêu nhất của mình, bà mẹ già và cô vợ trẻ, đang cư trú. Trước hết, đưa nhóm chữ “vùng lửa khói” vào không ăn khớp với thực tế trận địa; chưa nổ súng thì làm gì có “lửa khói!” 

Hơn nữa, chi tiết làng tôi là “vùng giặc đóng” khiến việc đánh bật trại giặc để chiếm lĩnh mục tiêu trong một trận đánh có cả pháo binh sẽ rất nguy hiểm cho căn nhà và những người sống trong đó. Điều này làm nỗi lo của người lính thật hơn, khơi dậy nơi người đọc cảm xúc mạnh hơn. Anh Bằng đã làm tứ thơ dở đi rất nhiều khi thay nhóm chữ trên.

CHỌN THƠ ĐỂ BÌNH


Người bình thơ phải tự trả lời 3 câu hỏi:

     1/ Bài thơ có đủ hay, đủ tiếng tăm, đủ hấp dẫn để có thể “mời gọi” độc giả đến với bài bình thơ của mình hay không?
     2/ Bài bình thơ của mình – phân tích, giải thích cái hay, cái dở (nếu có) của bài thơ dựa vào những Tiêu Chí thẩm định giá trị nghệ thuật thơ ca - có đem lại điều gì mới, bổ ích (về thơ) cho độc giả hay không? Lập luận của mình có đủ sức thuyết phục những độc giả hiểu biết, khó tính và cả giới phê bình không?

      3/ Nếu đã có những bài bình trước rồi thì liệu bài bình của mình có đem lại điều gì mới hơn những bài bình đó hay không?
Thơ được chọn bình hầu hết là thơ hay (theo nhận định của người bình) hoặc ít nhất cũng có một điểm gì đó nổi bật như tứ thơ, ý thơ mới lạ, khả năng diễn đạt ý tưởng của tác giả điêu luyện, ngôn từ trong sáng, sang cả, hình ảnh đẹp, được đặt đúng chỗ, đúng lúc làm tăng sức hấp dẫn của bài thơ. 

Bên cạnh đó có thể còn có sự xuất hiện của những “cầu thủ siêu sao” – những câu, đoạn thơ độc đáo – cách kết thúc đầy ấn tượng, phép ẩn dụ ý nhị, thủ pháp Show, Don't Tell khéo léo, cảm xúc dạt dào. Đây là chỗ mà người yêu thơ đọc đi, đọc lại để thưởng thức, còn người bình thơ giải thích, phân tích để chia sẻ cái đẹp ấy với mọi người.

Đã bình thơ là phải có khen chê. Dĩ nhiên, cũng có (nhưng rất ít) những bài thơ toàn bích, còn thì đại đa số thơ được lưu hành thế nào tác giả cũng có một chút “không khéo” ở chỗ này, chỗ khác; người bình thơ cũng phải chỉ ra để độc giả (trong đó có rất nhiều thi sĩ khác) rút kinh nghiệm khi viết những bài thơ sau. 

Thấy khuyết điểm mà lờ đi vì những lý do không liên quan đến thơ thì, theo tôi, là hành vi “thiếu lương thiện trong văn chương”. Hơn nữa, bình thơ mà bài nào cũng khen tuốt luột từ đầu đến chân thì, nói như nhà văn Châu Thạch, là “nịnh thơ” chứ không phải bình thơ.

Phạm Đức Nhì
nhidpham@gmail.com

TÔ ĐÔNG PHA SỬA THƠ VƯƠNG AN THẠCH




Vương An Thạch trong lúc du học ở đảo Hải Nam đã làm một bài thơ trong đó có hai câu rất lạ:
Minh 
Nguyệt sơn đầu khiếu
Hoàng 
Khuyển ngọa hoa tâm

Dịch nghĩa:
Trăng sáng hót đầu núi
Chó vàng nằm (trong) lòng hoa

Thi hào Tô Ðông Pha 
tình cờ đọc được, thấy “sai” (trăng sáng làm sao hót trên đầu núi và chó vàng làm sao nằm trong lòng hoa được) nên đã sửa lại hai chữ cuối cho đúng nghĩa hơn.

Minh nguyệt sơn đầu chiếu
Hoàng khuyển ngọa hoa âm

Dịch nghĩa:
Trăng sáng rọi đầu núi
Chó vàng nằm (dưới) bóng hoa

Chuyện sửa thơ đến tai Vương An Thạch 
(lúc ấy đang là Tể Tướng) nên họ Vương đã bổ nhiệm Tô thi hào một chức quan ở Hải Nam. Sau đó Tô Ðông Pha mới khám phá ra ở địa phương này có loại chim tên là Minh Nguyệt, hay hót trên đầu núi, và có một loại sâu tên là Hoàng Khuyển, chỉ thích nằm trong lòng hoa! Và người kể chuyện kết luận “Lúc ấy Tô Ðông Pha mới biết là mình xớn xác, bồng bột và thấy được cái thâm trầm của Vương An Thạch.


Theo tôi, việc Tô Đông Pha sửa thơ không có gì là “xớn xác, bồng bột” hết. Người đọc thơ, bình thơ – trong thế giới thơ rộng lớn - không thể biết và không có bổn phận phải biết những chi tiết, sự việc chỉ có, chỉ xảy ra ở một địa phương nhỏ bé. Chính thi sĩ - để hoàn thành chức năng truyền thông của bài thơ - phải chú thích để người đọc biết, hiểu những chi tiết, sự việc có tính chất địa phương ấy. Lỗi và trách nhiệm ở đây nằm trên hai vai Vương An Thạch chứ không phải Tô Đông Pha.

Phạm Đức Nhì
nhidpham@gmail.com



Thứ Hai, 6 tháng 8, 2018

LỜI BÌNH NGẮN CHO BÀI THƠ "KHĂN QUÀNG" CỦA NGUYỄN ĐỨC TÙNG



KHĂN QUÀNG

Chiếc khăn quàng của em
Anh gấp lại, để dành

Như người lính đứng nghiêm
Gấp lá cờ cuối cùng
Của một đất nước chiến bại

Gấp làm hai
Gấp làm tư, làm tám, và gấp mãi (1)

Đây là bài thơ số 44 trong loạt Thơ Tình Thứ Bảy Nguyễn Đức Tùng.

Tôi thích nhất là thi pháp của bài thơ - tay nghề độc đáo của Nguyễn Đức Tùng. Số chữ trong câu, số câu trong bài hoàn toàn tự do, không theo một quy luật nào. Vần tự nhiên thoang thoảng vừa đủ ngọt; bài thơ lại ngắn nên không có hội chứng nhàm chán vần.

Về thi pháp, nhà thơ của chúng ta đã đạp đổ thơ truyền thống, bỏ xa thơ mới và bóp còi qua mặt thơ mới biến thể. Anh đã thực sự tự do ung dung múa bút trong vườn thơ để biểu diễn tuyệt chiêu của mình.

Em ở đây có thể là vợ, người tình đã khuất bóng hay đã chia tay. Cũng có thể là em gái, đã chết hay đã đi thật xa. Hay cũng có thể là người phụ nữ nào đó thân thiết. Đặt hình ảnh người lính đứng nghiêm gấp lá cờ cuối cùng của một đất nước chiến bại bên cạnh hình ảnh của chính mình đang gấp chiếc khăn quàng - kỷ vật của người phụ nữ gần gũi, thân yêu nhất-  vừa tương hợp, vừa sâu sắc vừa rất tài tình, đã làm nổi bật s mất mát lớn lao và nỗi xót xa đau đớn vô bờ.

Với người lính gấp cờ, mỗi nếp gấp là một lưỡi dao đâm nhói vào tim. Tương tự như vậy, mỗi cử động để gấp chiếc khăn quàng biểu hiện một nỗi tiếc nuối, nhớ thương day dứt, không nguôi. Bài thơ 37 chữ - chỉ vài cái liếc mắt là hết – nhưng để lại dư vị thật đậm đà, dễ thương.  Độc giả (như tôi) đã tắt máy bước ra vườn mà cái hình ảnh gấp khăn quàng ấy vẫn còn vương vấn mãi trong tâm hồn.

Thi sĩ hoàn toàn không nói gì đến nỗi niềm thương thớ, tiếc nuối, nhưng những hình tượng đưa vào bài thơ đã dẫn độc giả đến chỗ cần đến. Thủ pháp Show, Don’t Tell (Gợi, Không Kể) thật tuyệt vời.

Tôi bỗng nhớ đến Cánh Đồng (2), một bài thơ khác của anh, cũng có thủ pháp “Gợi, Không Kể” kín kẽ, độc đáo. Đặc biệt là tứ thơ - việc thỏa mãn nhu cầu tình dục của phụ nữ - đã được anh đẩy xa đến tận cùng. Có điều thế trận của bài thơ hơi xộch xệch.

Khăn Quàng không có tứ thơ hay như thế nhưng từ ngôn ngữ thơ, thể thơ, cách gieo vần đến thế trận chữ nghĩa đều không một chút gì sơ sót. Có thể nói là bài thơ có kỹ thuật thơ hoàn hảo.

Nhà thơ nữ Đinh Thị Thu Vân đã có lần thố lộ là Nếu Không Có Ngày 30 Tháng Tư:

Em sẽ đến với tình yêu bằng nửa trái tim yếu đuối
Còn nửa kia, đành giữ lại để … nghi ngờ”

Nguyễn Đức Tùng đến với thơ, hà tiện hơn, không bằng nửa, mà chỉ bằng một phần rất nhỏ của trái tim. Phần lớn còn lại anh đã để khối óc rất thông minh sắc bén của chính mình che khuất. Vì thế, mặc dù cả hai bài đều có kỹ thuật thơ điêu luyện (Khăn Quàng đã đến mức hoàn hảo), vẫn thiếu một thứ mà người đọc thơ sành điệu vô cùng khao khát: Hồn Thơ.

PHẠM ĐỨC NHÌ

CHÚ THÍCH:

1/ Bài thơ cũng được đăng trên trang web Diễn Dàn trong đó câu cuối bỏ bớt một chữ “gấp”. Tôi thấy gọn hơn nên chọn bài đó.

 2/ Cánh Đồng - Một Bài Thơ Lạ, Phạm Đức Nhì, phamnhibinhtho.blogspot.com





Thứ Năm, 4 tháng 1, 2018

TẤM BẢN ĐỒ VẼ SAI



Chọn lô đất tốt xây được ngôi nhà mới
ông mở tiệc mừng tân gia
“Đến chơi! Hay lắm!”
thư ông viết
mời bằng hữu gần xa

Ngay giữa trang thư một bản đồ
dọc ngang tự tay ông vẽ
và lời chỉ dẫn cặn kẽ
đường đi nước bước đến cuộc vui

Giờ hẹn đến rồi
chưa thấy bóng khách mời nào xuất hiện
đồ ăn nguội lạnh
bàn tiệc vẫn vắng tanh

Vài ngày sau
ông nhận được mấy thư trả lời
trong thư chỉ vỏn vẹn:
“Xin lỗi!
Không tìm thấy nhà.”

PHẠM ĐỨC NHÌ

Lời Bình Ngắn:

Ngoài chức năng thẩm mỹ - truyền cho người đọc cái hay, cái đẹp của văn chương nói chung và nghệ thuật thi ca nói riêng – bài thơ còn có một chức năng khác không kém phần quan trọng: Chức năng truyền thông.

Bài thơ nào cũng chứa một thông điệp mở (open message) mà tác giả muốn chuyển đến người đọc. Để hoàn thành chức năng truyền thông bài thơ phải vừa là thông điệp vừa đồng thời là tấm bản đồ chỉ đường để người đọc theo đó tới đúng bến bãi, hiểu được thông điệp, “bắt” được tứ thơ. Tứ thơ chính là cái thông điệp mở ấy. Nói nôm na là nghĩa đen của bài thơ

Nếu người đọc không “bắt” được tứ thơ nhiều phần là do chức năng truyền thông của bài thơ thất bại – nghĩa là do lỗi của tác giả.

Có nhiều bài thơ - nếu tác giả sử dụng ẩn dụ hoặc Show, Not Tell - còn có thông điệp kín (hidden message), nghĩa bóng của bài thơ. “Bắt” được thông điệp kín hay hiểu được nghĩa bóng của bài thơ là do trình độ hoặc mức nhạy cảm của người đọc. Nếu người đọc không "bắt" được thông điệp kín xin đừng đổ thừa tại tác giả. 

Bài thơ Tấm Bản Đồ Vẽ Sai cũng chứa một thông điệp kín liên quan đến chức năng truyền thông của bài thơ. Rất hy vọng các bạn đọc trẻ - dù ít kinh nghiệm - cũng có thể “bắt” được cái thông điệp kín ấy.

PHẠM ĐỨC NHÌ
nhidpham@gmail.com


Thứ Bảy, 19 tháng 8, 2017

THI SĨ CÓ XẠO KHÔNG?



                                                 

THI SĨ CÓ XẠO KHÔNG?

 


 Người Đời Thường Gian Dối

 

Tôi học Đệ Nhất ở Lý Thường Kiệt, một trường trung học công lập quận Hốc Môn, nhưng vì nghe tiếng giáo sư Trần Bích Lan nên thỉnh thoảng cũng “vù” lên trường Văn Học ở Sài Gòn học ké mấy giờ Triết. Phải công nhận thi sĩ Nguyên Sa giảng Triết nghe đã thiệt. Có lần, không nhớ trong bài nào, thầy phát biểu:

 

“Do tính sĩ diện nên người đời thường gian dối; mở miệng ra là vơ cái hay, cái tốt về mình; ngay cả khi tiết lộ một chút gì xấu của cái Tôi là cũng muốn chứng tỏ mình thành thật.”

 

Sau khi “mất” Khánh Ngọc, Phạm Đình Chương đã sáng tác nhạc phẩm Nửa Hồn Thương Đau trong đó có câu 

 

“Đôi khi anh muốn tin, đôi khi anh muốn tin những người, ôi những người khóc lẻ loi một mình”.

 

 Ý nhạc sĩ muốn nói chỉ những người khóc lẻ loi một mình (như ông đang khóc Khánh Ngọc) mới đáng tin là có nỗi đau buồn chân thật.

 

“Bởi đàng sau những giọt nước mắt

giữa đám đông

rất có thể

ẩn hiện bóng hình

loài cá sấu.”

 (Kẻ Giết Chết Hồn Thơ, Phạm Đức Nhì, vandanviet.com)

 

Nhưng nhiểu trường hợp người ta còn dàn cảnh để “con mồi” được tận mắt xem tấn tuồng “khóc lẻ loi một mình” rồi tin và hiên ngang bước vào bẫy. (2)

 

Phạm Đình Chương, khi viết Nửa Hồn Thương Đau, không ngờ rằng ngay cả tiếng khóc lúc lẻ loi cũng có thể sản sinh những giọt nước mắt cá sấu. Tính gian dối của người đời sâu đậm đến như thế đấy.

 Thi Sĩ Có Xạo Không?

 

Trở lại buổi học Triết với thầy Trần Bích Lan. Lúc ấy, vốn có tiếng nghịch ngợm lại bạo mồm, tôi ngồi tại chỗ “hỏi chõ” lên:

 

Thế thi sĩ có xạo không thầy?”

 

Thầy nhìn về hướng tôi ngồi, trả lời tỉnh bơ:

 

Có chứ, sao lại không! Khác nhau là cố ý hoặc vô tình.”

 

Không ngờ mấy chục năm sau, vướng “đậm” vào cái nghiệp thi ca, tôi lại phải trả lời câu hỏi của chính mình. Không biết lúc ấy thầy Trần Bích Lan trả lời thật hay đùa; tôi cũng không có cơ hội để hỏi thầy đến nơi, đến chốn.

 

Nhưng đọc khá nhiều thơ, thỉnh thoảng lại chất vấn tâm hồn mình – cũng là người múa bút làm thơ – tôi thấy quả đúng như thầy nói, thi sĩ nhiều người, nhiều lúc cũng “xạo tới bến”.

 

 Tại Sao Thi Sĩ Xạo?

 

Lý do cũng dễ hiểu. Người đời trong giao tiếp hàng ngày, đôi lúc ở chỗ này chỗ khác, nói năng có điều gì thất thố, có xúc phạm ai thì cũng chỉ một số ít người biết. Sau đó lời nói sẽ bay đi như gió thoảng.

 

Còn thi sĩ, bài thơ xuất xưởng là sẽ vượt khỏi sự kiểm soát của mình, nếu sai sót điều gì hoặc đụng chạm đến ai đó, hậu quả của những dòng thơ trên giấy trắng mực đen sẽ đọng lại rất lâu.

 

 Cho nên đặt bút viết phải cẩn trọng. Cẩn trọng sẽ mời gọi lý trí. Có lý trí xuất hiện, thi sĩ - dù muốn dù không – cũng sẽ Xạo.

 

Trường Phái Siêu Thực Đã Thất Bại

Dĩ nhiên, xạo có nhiều cách, nhiều kiểu. Có kiểu xạo cố ý, có kiểu xạo vô tình. Có kiểu xạo đáng chê trách, nhiều khi đáng khinh bỉ, có kiểu xạo đáng thương, đáng thông cảm. Nhưng dù xạo kiểu gì đi nữa cũng làm ảnh hưởng đến giá trị của bài thơ.

Xóa hẳn dấu vết của chữ Xạo trong thơ không phải là chuyện đơn giản. Trường phái thơ Siêu Thực ra đời để giải quyết vấn nạn "trục xuất lý trí - nguyên nhân của chữ Xạo - trong thơ" cũng đã thất bại.

 

Có Cách Nào Không?



Nhưng những người yêu thơ cũng đừng lo buồn. Vẫn có phương cách khác, phương cách đặc biệt làm chữ Xạo biến mất để lời thơ trở thành "tiếng lòng chân thật" của thi sĩ, để người đọc và người làm thơ được trò chuyện với nhau bằng ngôn ngữ của Loài Người (viết hoa). 

Lúc ấy bài thơ đã nhận được giải thưởng cao quý nhất: Bước Vào Bến Bờ Thi Ca.   

Loạt bài HƯỚNG ĐI CỦA THƠ sẽ bàn đến phương cách này.

Phạm Đức Nhì

nhidpham@gmail.com

 

CHÚ THÍCH

 


1/ Trong Cô Gái Đồ Long của Kim Dung tên Trường Linh đã giả vờ khóc trước bàn thờ Tạ Tốn để lừa Trương Vô Kỵ, hy vọng được Vô Kỵ tin tưởng dẫn ra Băng Hỏa Đảo.

 


Thứ Tư, 5 tháng 7, 2017

ĐOẠN KẾT CỦA BÀI THƠ "GIẤC MƠ ANH LÁI ĐÒ"

                 
Đoạn kết cũng là một tiêu chí để thẩm định giá trị nghệ thuật một bài thơ.
Có những đội bóng, từ khi phát bóng cho đến lúc qua phần đất đối phương ở khoảng giữa sân cầu thủ chơi rất hay. Nhưng hễ tiến vào khu vực 16 mét 50 thì cầu thủ lạng quạng, hoặc để mất bóng, hoặc đá ra ngoài, hoặc đá vào cầu môn nhưng quá nhẹ, thủ môn bắt được một cách dễ dàng. Nói tóm lại, không có khả năng phối hợp để cuối cùng sút dứt điểm tung lưới đối phương, ghi bàn thắng.
Với thơ cũng vậy. Có những bài thơ có đoạn kết hay, vừa xác nhận thông điệp của tác giả một cách trang trọng, khéo léo vừa tạo ấn tượng sâu sắc cho người đọc. Nhưng cũng có những bài thơ có đoạn kết nhạt nhẽo, bình thường, đôi khi còn “xa lạ” hoặc “ngược dòng” với tứ thơ.
Dưới đây là đọan thơ có 2 câu kết của bài Giấc Mơ Anh Lái Đò của Nguyễn Bính:
            Nhà giai thuê chín chiếc đò đón dâu
            Nhà gái ăn chín nghìn cau
            Tiền cheo, tiền cưới chừng đâu chín nghìn
            Lang thang tôi dạm bán thuyền
            Có người giả 
chín quan tiền, lại thôi.

Tôi không tin là trong thực tế, con số chín (9) hoàn toàn phù hợp với số lượng những “thứ” mà ông nói đến trong bài thơ. Đúng là ông “phịa”; nhưng ông “phịa” khéo quá, “cao tay ấn” quá, nên người đọc, theo dòng cảm xúc của mình, đâu cần biết “có đúng là chín chiếc đò đón dâu, có đúng là chín nghìn cau hay chín nghìn tiền cheo, tiền cưới hay không, mà chỉ thấy cái khoảng cách giàu nghèo giữa anh lái đò và tình địch hiện ra một cách rõ ràng và cay đắng, để rồi cái cảm giác bàng hoàng đau đớn về mối tình vô vọng của anh lái đò đã như một dòng thác đổ xuống, tràn ngập tâm hồn. Ở đây thủ pháp “bày tỏ, không kể lại” được phối hợp với phép điệp ngữ (chín) một cách tài tình đã dẫn đến 2 câu kết thật tuyệt vời.
Phạm Đức Nhì

Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2017

HAI CÂU KẾT CỦA BÀI THƠ NGẬM NGÙI




Tay anh em hãy tựa đầu

Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi


Khoảng vài năm trước, dự một chương trình văn nghệ ở Houston, sau khi nghe dứt bản Ngậm Ngùi do Phạm Duy phổ nhạc thơ của Huy Cận, một khán giả ngồi sau lưng tôi bình phẩm:

Mẹ! Nằm bên người yêu mà còn ôm theo cả nỗi sầu nhân thế nữa”.

Tôi quay xuống hỏi chuyện:

“Sao anh lại nói vậy?”

Anh ta trả lời:

Thì 2 câu cuối chứ còn gì nữa. Có em tựa đầu trên tay mà tay kia còn ôm hết cả buồn sầu trong thiên hạ.”

Sau đây là đoạn cuối trong Một Phút Đam Mê của Lưu Hoàng Lê do Đàm Vĩnh Hưng hát:

            Một mình lê bước, lang thang bên thềm xưa

            Người tình ở đâu, bóng dáng xưa đâu còn

            Giờ ta lẻ loi, ta ngu khờ rong chơi quên ngày tháng

            Nhắm mắt ta nghe, ôi trái sầu nặng rơi rớt bên thềm.


Lưu Hoàng Lê và vị khán giả ngồi sau lưng tôi tưởng rằng trái sầu rụng rơi cũng giống buồn sầu từ đâu đó đổ ập xuông người mình. Và nhạc sĩ – khi diễn tả nỗi buồn vì mất người yêu – đã hạ bút: “bước chân đi nghe trái sầu nặng rơi rớt bên thềm”. Còn vị khán giả nọ thì la toáng lên: “Nằm bên người yêu mà còn ôm theo cả nỗi sầu nhân thế”. Thật là sự hiểu lầm tai hại. Huy Cận ra về mà lòng buồn bã đến độ thẫn thờ không phải vì trái sầu rụng rơi mà là vì việc trái sầu rụng rơi chỉ là mơ mộng hão huyền chứ không phải là sự thật.

Đến đây xin bạn đọc đừng quên phần cuối của tứ thơ mà tác giả muốn để quý vị tự suy diễn, tự hiểu. Đó là: Trái sầu rụng rơi chỉ như một thoáng mơ qua. Thực tại phũ phàng, ngay lập tức, đã quay lại. Em vẫn nằm sâu dưới mộ, thi sĩ vẫn một mình giữa nghĩa trang hiu quạnh. Và trái sầu trong ông vẫn trĩu nặng tâm hồn.

Hai câu cuối sử dụng thủ pháp Show, Don't Tell (đưa sự kiện để độc giả suy ra kết luận) nhưng hơi quá kín. Nếu độc giả không cẩn thận hoặc "non cơ" rất dễ hiểu sai ý tác giả. 

Thứ Năm, 29 tháng 6, 2017

HIỂU CẢM CÂU CHỮ

                   

Trong bài viết ngắn này tôi xin ghi lại một số cuộc tranh cãi về “chữ, nhóm chữ” mà tôi được biết, trong đó có cả trường hợp tôi “chọn phe”, nghĩa là đứng hẳn về một phía. Những chữ đưa ra để tranh cãi thường là tác giả dùng chữ này, người đọc tự ý thay chữ khác để “câu thơ hay hơn”.
Ở đây nếu chính mình không biết chắc, tôi không chú tâm truy xét đâu là chữ nguyên bản (của tác giả), đâu là chữ “mới” của người đọc đưa vào để thay thế - vì sợ lại dính vào một cuộc tranh cãi khác - mà chỉ dùng cảm nhận chủ quan của mình để “phán” chữ nào đúng hơn, hay hơn; trường hợp chỉ có một chữ thì sẽ nhận định chữ đó đúng hay sai, hay hay là dở. 

CHỌN CHỮ HAY HƠN, ĐẸP HƠN, SÂU SẮC HƠN

1/ Mắt em là là một dòng sông
    Thuyền ta bơi lặng trong dòng mắt em

(Trăng Lên, Lưu Trọng Lư)

Có người đã sửa lại:

Thuyền ta bơi lặng trong tròng mắt em

Thật là quá sức bậy bạ, làm hỏng câu thơ của Lưu Trọng Lư.
“Thuyền ta bơi lặng trong tròng mắt em” nghe thô quá, cứng quá.
“Thuyền ta bơi lặng trong dòng mắt em” hay hơn nhiều, “thơ” hơn nhiều, mà lại đúng nguyên bản.

2/ Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
    Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò
   (Sông Lấp, Tú Xương)

Hay:

Đêm nghe tiếng ếch bên tai

Vẳng hay hơn. Chỉ cần nghe "văng vẳng" từ xa là đã giật mình, chứng tỏ "tiếng gọi đò" đã ăn sâu vào tâm thức.

1/ Trong bài Thao Thức Vì Em của Lam Phương có đoạn:

Em ơi nhớ thương thương nhớ cả đêm
Làm so quên đuợc phút giây êm đềm
Cầu mong sao cho trời sáng
đúng giờ mình hẹn hò
là đời quên hết sầu lo.

(Phiên khúc 2)

Có người sửa lại:

Cầu mong sao cho trời sáng
đến giờ mình hẹn hò

Chữ nào cũng đúng cả. Nhưng theo tôi, chữ "đến" hay hơn chữ "đúng". Chữ "đến" cho người nghe cái cảm giác thời gian đang "đi từ từ" tới thời điểm "mình hẹn hò". Đây là thời gian của của đôi trai gái yêu nhau - dịu dàng, mềm mại và uyển chuyển. Còn chữ "đúng" thì kim đồng hồ phải chỉ "đúng ngay chóc" một con số nào đó, cứ như thể đang chuẩn bị phóng phi thuyền lên không gian. Như thế quá cứng nhắc.

 7/ Thể xác linh hồn này giao (trao) hết cho em. (Phạm Hữu T, Muốn Gởi Cho Em)

Giao hay hơn vì ngầm ý tin tưởng.



3/ Nắng mưa từ độ tang chồng
    Tơ tằm rút mãi cho lòng héo hon
    (Nhà Tôi, Yên Thao)

hay:
         
Nắng mưa từ buổi tang chồng

Độ: một ít lâu, một khoảng thời gian (dài hơn một ngày)

Buổi: khoảng thời gian một phần của ngày (buổi sáng, buổi chiều), một ít lâu,


Biết bao công mướn của thuê,
Lâm thanh mấy độ đi về dặm khơi.
(Kiều)

Xét về ý nghĩa, từ “độ” đúng hơn từ “buổi”. Với nghĩa “một khoảng thời gian” (dài hơn một ngày) người viết thường dùng “độ” hơn. Theo nguyên bản là “độ” 



5/ Nét bút đa tình lả lơi
   (Lá Thư, Đoàn Chuẩn & Từ Linh)

hay:

   Nét chữ đa tình lả lơi

Ý nghĩa thì giống nhau nhưng “nét bút” tượng hình hơn, hay hơn.

     6/ Mời người đem theo toàn vẹn hương yêu (Nghìn Trùng Xa Cách, Phạm Duy)
hay:
         Mời người đem theo toàn vẹn thương yêu

Hương yêu rộng nghĩa hơn lại thêm thoang thoảng tý mùi thơm nên hay hơn.

    

     8/ Đêm qua chưa mà trời sao vội sáng? (Chiếc Lá Cuối Cùng, Tuấn Khanh)

Vài ca sĩ khi hát, sửa lại:

         Đêm chưa qua mà trời sao vội sáng?

Đêm qua chưa” bày tỏ tâm trạng bàng hoàng, sửng sốt khi thấy trời sáng - thời gian bên nhau đã hết, đã đến lúc chia tay. Câu nguyên bản hay hơn câu ca sĩ sửa lại rất nhiều.   

9/ Trai tơ mà lấy nạ dòng
    Như nước mắm thối chấm lòng lợn thiu
    (Ca dao)

có nghĩa là “Nước mắm thối chấm lòng lợn thiu ăn chán lắm, giống như trai tơ mà lấy nạ dòng vậy.” 

Sau đó có người sửa lại:

Như nước mắm nhĩ chấm lòng lợn thiu.

Theo tôi, đổi như vậy làm câu ca dao cân xứng và sáng hẳn lên. Trai tơ là “đồ xịn” mà chơi với nạ dòng là “đồ dởm” thì uổng, cũng giống như nước mắm nhĩ là “đồ xịn” mà đem chấm lòng lợn thiu là “đồ dởm” thì uổng phí quá.

Do đó, nếu đổi lại là “nước mắm nhĩ” thì câu ca dao hay hơn nhiều

(Xin cám ơn bạn Vu Hai đã góp ý để tôi sửa lại đoạn này cho đúng.)

Độc giả, khi đọc đến đây, có thể không đồng ý hoàn toàn với chọn lựa, nhận định của tôi. Điều đó, nếu xảy ra, cũng rất dễ hiểu. Mục đích của tôi là – qua 8 thí dụ - có thể thuyết phục bạn đọc chấp nhận một điều: nhiều khi một chữ, một nhóm chữ, một câu, một đoạn thơ, tuỳ theo trình độ thưởng thức, người đọc có thể hiểu, cảm nhận khác nhau; có người cho là đúng, có người bảo sai. Ngay cả khi đã đồng ý chuyện đúng sai, việc phân định mức độ hay dở thường là cũng khác biệt. Nhìn vào sự tranh cãi đúng sai, hay dở ấy bạn đọc có thể mường tượng phần nào trình độ thưởng thức (đẳng cấp) của người đọc thơ. Đấy là mới chỉ nói về việc hiểu và cảm nhận câu chữ. Để hiểu và đánh giá mức độ hay dở của một bài thơ còn phải dựa vào những tiêu chí khác nữa.




Chủ Nhật, 4 tháng 6, 2017

LỤC BÁT




Lục bát, cho đến khi tôi viết những dòng chữ này, có thể nói, là thể thơ “trẻ mãi không già”, rất thích hợp để chuyển tải tâm trạng, cảm xúc nhẹ nhàng nhưng thâm thúy, ý nhị. Non tay, thi sĩ sẽ đẻ ra những bài lục bát nếu không à ơi như vè thì cũng tẻ nhạt, không gây chút ấn tượng nào cho người đọc. Nhưng bên cạnh vô số những bài lục bát nhạt nhẽo, mờ nhạt lặng lẽ đi vào quên lãng ấy thỉnh thoảng vẫn có những bài xuất sắc. 

Nhờ đặc tính “trẻ mãi không già” đó, lục bát, dù được xếp vào loại thể thơ truyền thống, không bị chi phối bởi luật đào thải trong tiến trình vận động của thi ca.



Lục bát sử dụng cả yêu vận lẫn cước vận nên nếu bài thơ hơi dài (khoảng trên 20 câu) mà tình tiết không liên tục hấp dẫn thì đọc sẽ … ngán. Với thơ lục bát hội chứng nhàm chán vần luôn luôn rình rập, sơ hở một tý là “ầu ơ” ngay.



Gặp thơ lục bát tôi thường đọc lớn để nghe độ ngân, độ vang vọng của nhạc trong thơ. Nếu nhạc đơn điệu, tẻ nhạt mà tứ thơ không đặc sắc, tình tiết không lôi cuốn thì cho qua. 

Nếu bài lục bát ngắn, nên đọc chậm để khám phá ý tứ thâm trầm, sâu lắng. Nếu bài thơ trung bình (khoảng 20 câu) mà đọc hết cũng chưa thấy ngán thì nên đọc lại. Bài thơ chắc chắn có “cái gì đó” đặc biệt - hoặc là tứ thơ hay, tình tiết hấp dẫn, hoặc là cảm xúc dạt dào, nóng bỏng. 

Nếu bài lục bát quá dài thì khoảng từ câu thứ 20 trở đi, giọng ầu ơ đã xuất hiện, càng về cuối đọc càng ngán.

Nên tránh 2 cách gieo vần sau đây:

1/ Vần Ngang Câu Bát

ĐỜI

Đắng cay này gửi vào thơ
Để đêm chia bóng, ngày chờ ước 
Tằm ơi! Sao chẳng nhả 
Cho ta vá lại hồn thơ nát nhàu!
(Trần Trọng Giá, FB Lục Bát Việt Nam)

Đây là bài thơ mà câu bát của cặp đầu tiên có chữ thứ 6 và chữ thứ 8 ăn vần với nhau (vần ngang câu bát) (chờ). Tôi không nghĩ là tác giả chủ ý tạo cặp vần này. Nó tuôn ra theo dòng chảy của tứ thơ và vì “không phạm luật” nên ngài không để ý. Rồi chữ “chờ” vần với chữ “thơ” ở câu lục trên, chữ “” vần với chữ “” ở câu lục kế tiếp và dính líu, dây nhợ với chữ “thơ” ở câu bát dưới.

 Hậu quả là độc giả phải nghe âm điệu của một chuỗi 5 chữ (thơ chờ mơ tơ thơ) từ 4 câu thơ liên tiếp trùng vần – mà lại toàn là chính vận mới đáng sợ. Vần quá ngọt. Có một tô chè mà nêm đến mấy lạng đường, ngọt lợ đến gắt cổ.

 

 2/ Vần Quẩn

Thừa cơ nàng mới bàn ra nói vào.
Rằng: Trong Thánh trạch dồi 
dào,

Tưới ra đã khắp thấm vào đã sâu.
Bình thành công đức bấy lâu,
Ai ai cũng đội trên đầu xiết 
bao
Ngẫm từ gây việc binh 
đao
Đống xương Vô định đã 
cao bằng đầu.
Làm chi để tiếng về sau
Nghìn năm ai có khen đâu Hoàng 
Sào!
Sao bằng lộc trọng quyền 
cao
Công danh ai dứt lối 
nào cho qua?    

(2488- 2498)

 

Đây là loại vần “đi dăm phút đã về chốn cũ” - mới đổi qua vần khác một lần đã quay lại vần cũ. Trong 14 câu Kiều ở trên Nguyễn Du đã phạm lỗi vần quẩn rất nặng – quay đi quẩn lại đến 3 lần. Đọc lên là ngán ngẩm.

 

Tóm lại, lục bát, do hình thức của thể thơ, có độ ngọt rất cao. Bài thơ có hội chứng nhàm chán vần hay không? Câu trả lời sẽ cho phép người bình thơ nâng hoặc giảm giá trị bài thơ một cách đáng kể.





Thứ Bảy, 3 tháng 6, 2017

THƠ ĐƯỜNG LUẬT


Đường luật thất ngôn bát cú là một thể thơ có nhiều nguyên tắc khắt khe; vần đối niêm luật với những trói buộc của nó khiến thi sĩ luôn phải xoay ngang trở dọc đối phó nên ít có cơ hội chăm chút cho phần cảm xúc, hồn thơ. Dĩ nhiên, năm thì mười họa cũng có những bài thơ hay, nhưng ngay cả những bài thơ hay đó cũng có vẻ khô cứng so với thơ đương đại.


Giờ đây Nàng Thơ đã có bộ mặt mới. Các thi sĩ đã cố công tìm tòi, thể nghiệm nhiều thể thơ “mới”, sao cho vừa giữ được vị ngọt của thơ ca, vừa cởi trói cho người làm thơ khỏi những luật lệ quá khắt khe, gò bó. Đâu là thể thơ tối ưu của thi ca đương đại? Công cuộc chọn lựa, tranh cãi còn chưa ngã ngũ. Nhưng chắc chắn đã có rất nhiều thể thơ, ở mức độ khác nhau, cho phép người làm thơ thời nay được thoải mái hơn, tự do hơn, thể hiện tứ thơ của mình, và nhờ đó, có thể dễ dàng đưa cảm xúc của mình, thả tâm hồn của mình vào thơ.


Thơ Đường luật bỗng trở thành cô gái lỡ thì, thân hình khô cứng lại kênh kiệu, khó tính, bị những chàng trai trẻ ngoảnh mặt làm ngơ. Họ nhìn về hướng khác để tìm những cô gái đang xuân, vóc dáng, trang phục hợp thời hơn, hấp dẫn hơn, tính tình cởi mở hơn, gần gũi hơn với cái “gu” thẩm mỹ của thời đại mới.


Đối với những vị chuộng thơ Đường luật, đã “quen” với thơ Đường luật, thích thù tạc xướng họa thơ Đường luật, thì chẳng việc gì mà phải từ bỏ cái thú vui tao nhã ấy. Xin cứ tiếp tục làm thơ để góp cho đời những bông hoa tươi đẹp. Xin cứ tiếp tục đọc thơ Đường luật để thưởng thức những cảm nghĩ, những rung động nhẹ nhàng, thanh thoát của người xưa.


Những quý vị làm thơ Đường luật, theo tôi, như võ sĩ lên võ đài, rất ương ngạnh và oai hùng, chấp nhận chịu trói cả 2 tay, 2 chân để đấu với đối thủ. Khi bị bươu đầu sứt trán, hoặc nằm thẳng cẳng đo ván thì (dù không nói ra) thường cho là tại bị gò bó, trói buộc. Những quý vị đó quên rằng chính họ đã tình nguyện lên võ đài với tư thế ấy.


Thứ Sáu, 2 tháng 6, 2017

CHỌN THỂ THƠ

                  

Làm thơ, có người chuyên về một thể loại, thí dụ lục bát. Có người thể thơ nào cũng “thử” một đôi bài nhưng khi cao hứng gặp được tứ thơ hay thì sẽ chọn thể thơ mình thích nhất. Đọc thơ, tôi thường nghe những câu đại loại như “Tạng tôi không hợp với thơ ‘ông này’ mà gần với thơ ‘bà kia’ hơn.”

Khi mới tập làm thơ thầy giáo dạy Việt Văn, khi được hỏi ý kiến nên chọn thể thơ nào, đã cho tôi lời khuyên: “Thấy thích, hợp thể thơ nào thì cứ chọn thể thơ đó; có thích, có tự tin thì làm thơ mới hay. Hơn nữa, đó là quyền tự do của thi sĩ”. Sau này góp nhặt thông tin từ các bài bình thơ, các cuộc tranh luận về thơ, cộng với kinh nghiệm làm thơ của chính mình tôi đi đến kết luận:

Trên trang thơ của mình, đồng ý, thi sĩ là vua, có toàn quyền quyết định mọi thứ, nhưng đối với thể thơ, nếu cứ lẽo đẽo ở phía sau, không vươn lên cùng thời đại thì chính thi sĩ sẽ không được hưởng cái thoải mái tự do khi phóng bút mà bài thơ khi xuất xưởng sẽ bị giới thưởng ngoạn nhìn với đôi mắt thiếu thiện cảm.

Chọn thể thơ nên lưu ý một số điểm sau:

1/ Số chữ trong câu có thể tùy tiện, thoải mái, không bị luật lệ bó buộc.

2/ Không bị hội chứng nhàm chán vần nhưng cũng nên có vần thoang thoảng, tạo vị ngọt thơ ca vừa phải.

3/ Nếu bài thơ hơi dài, tránh thể thơ trường thiên vì tứ thơ sẽ bị phân mảnh, đứt đoạn, chọn cách gieo vần để bài thơ nhất khí, liền mạch.

4/ Đường Luật rất gò bó; song thất lục bát sẽ “giúp” bài thơ chết sớm; lục bát là con dao hai lưỡi: coi chừng thành vè hoặc “ầu ơ”; thơ mới vần liên tiếp dễ “ầu ơ”; thơ mới trường thiên: tứ thơ phân mảnh, đứt đoạn, nếu trên 4 đoạn cũng dễ “ầu ơ”; thơ kiểu văn xuôi không vần: trúc trắc, khó đọc, tứ thơ gập ghềnh, khi đọc lý trí phải làm việc cật lực, mất cơ hội để tâm hồn giao cảm