Thứ Năm, 16 tháng 6, 2016

ĐOẠN KẾT CỦA BÀI THƠ "GIẤC MƠ ANH LÁI ĐÒ"


                           ĐOẠN KẾT CỦA BÀI THƠ “GIẤC MƠ ANH LÁI ĐÒ”

Đoạn kết cũng là một tiêu chí để thẩm định giá trị nghệ thuật một bài thơ.

Có những đội bóng, từ khi phát bóng cho đến lúc qua phần đất đối phương ở khoảng giữa sân cầu thủ chơi rất hay. Nhưng hễ tiến vào khu vực 16 mét 50 thì cầu thủ lạng quạng, hoặc để mất bóng, hoặc đá ra ngoài, hoặc đá vào cầu môn nhưng quá nhẹ, thủ môn bắt được một cách dễ dàng. Nói tóm lại, không có khả năng phối hợp để cuối cùng sút dứt điểm tung lưới đối phương, ghi bàn thắng. Với thơ cũng vậy. Có những bài thơ có đoạn kết hay, vừa xác nhận thông điệp của tác giả một cách trang trọng, khéo léo vừa tạo ấn tượng sâu sắc cho người đọc. Nhưng cũng có những bài thơ có đoạn kết nhạt nhẽo, bình thường, đôi khi còn “xa lạ” hoặc “ngược dòng” với tứ thơ.

Dưới đây là đọan thơ có 2 câu kết của bài Giấc Mơ Anh Lái Đò của Nguyễn Bính:

            Nhà giai thuê chín chiếc đò đón dâu
            Nhà gái ăn
chín nghìn cau
            Tiền cheo, tiền cưới chừng đâu
chín nghìn
            Lang thang tôi dạm bán thuyền
            Có người giả
chín quan tiền, lại thôi.


Tôi không tin là trong thực tế, con số
chín (9) hoàn toàn phù hợp với số lượng những “thứ” mà ông nói đến trong bài thơ. Đúng là ông “phịa”; nhưng ông “phịa” khéo quá, “cao tay ấn” quá, nên người đọc, theo dòng cảm xúc của mình, đâu cần biết “có đúng là chín chiếc đò đón dâu, có đúng là chín nghìn cau hay chín nghìn tiền cheo, tiền cưới hay không, mà chỉ thấy cái khoảng cách giàu nghèo giữa anh lái đò và tình địch hiện ra một cách rõ ràng và cay đắng, để rồi cái cảm giác bàng hoàng đau đớn về mối tình vô vọng của anh lái đò đã như một dòng thác đổ xuống, tràn ngập tâm hồn. Ở đây thủ pháp “bày tỏ, không kể lại” được phối hợp với phép điệp ngữ (chín) một cách tài tình đã dẫn đến 2 câu kết thật tuyệt vời.

Phạm Đức Nhì