Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2016

BA BÀI THƠ CỦA TÚ XƯƠNG CÙNG VIẾT VỀ MỘT ĐỀ TÀI


Ba bài thơ của Tú Xương cùng viết về một đề tài:

CÁI HỌC NHÀ NHO
Cái học nhà nho đã hỏng rồi,
Mười người đi học, chín người thôi .
Cô hàng bán sách lim dim ngủ,
Thầy khóa tư lương nhấp nhỏm ngồi.
Sĩ khí rụt rè gà phải cáo,
Văn chương liều lĩnh đấm ăn xôi .
Tôi đâu dám mỉa làng tôi nhỉ?
Trình có quan tiên thứ chỉ tôi.
 
CHỮ NHO
Nào có ra gì cái chữ nho!
Ông nghè, ông Cống cũng nằm co.
Chi bằng đi học làm thầy Phán
Tối rượu sâm banh, sáng sữa bò!
 
ĐỔI THI
Nghe nói khoa này sắp đổi thi
Các thầy đồ cố đỗ mau đi!
Dẫu không bia đá còn bia miệng
Vứt bút lông đi, giắt bút chì.
 
Theo tôi, làm thơ mà sử dụng cái phương cách kể lại, nói thẳng, nói trực tiếp những suy nghĩ trong đầu mình như Trần Tế Xương trong 3 bài trên là hạ sách. Ở đây ý và tứ giống nhau: tâm trạng ngao ngán, chán chường của tác giả trước sự suy tàn của nền Nho học. Trong những bài thơ này cái vẻ lung linh sương khói, mờ mờ ảo ảo - một trong những nét đẹp của thơ ca – thường vắng bóng, hoặc nếu có thì cũng rất ít (vì chỉ phát xuất từ ngôn từ). Nó rõ ràng như một “bài toán văn chương” nên người đọc không có cơ hội vận dụng khả năng liên tưởng của mình, không có cơ hội dùng đến thứ vốn quý của người đọc thơ là cái “tài cảm nhận thơ” của mình. Trong khung cảnh ấy, môi trường ấy, người sính thơ, sành thơ và người dốt thơ, mù thơ hình như cũng chẳng khác gì nhau mấy tý. Chính vì thế trong văn chương, đặc biệt là thơ, thủ pháp Show, Not Tell, đưa ra những sự kiện để người đọc tự hiểu ra, tự cảm nhận điều tác giả muốn nói đến, hoặc cao hơn nữa là phép ẩn dụ, rất được coi trọng.