NAM
QUỐC SƠN HÀ
Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên phân định tại Thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
SÔNG NÚI NƯỚC NAM
Sông núi nước Nam, vua Nam ở
Rành rành phân định tại sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời
(Trần Trọng Kim dịch)
Năm 1076,
hơn 30 vạn quân nhà Tống
(Trung Quốc) do Quách Quỳ chỉ huy xâm lược Đại Việt (tên nước Việt
Nam thời đó). Lý Thường Kiệt lập phòng tuyến tại sông Như Nguyệt (sông Cầu) để
chặn địch. Quân của Quách Quỳ đánh đến sông Như Nguyệt thì bị chặn. Nhiều trận
quyết chiến ác liệt đã xảy ra tại đây nhưng quân Tống không sao vượt được phòng
tuyến Như Nguyệt, đành đóng trại chờ viện binh. Đang đêm, Lý Thường Kiệt cho
người vào đền thờ Trương Hống,
Trương Hát ở phía nam bờ sông Như Nguyệt, giả làm thần đọc vang bài thơ trên. Nhờ thế tinh
thần binh sĩ lên rất cao. Lý Thường Kiệt liền cho quân vượt sông, tổ chức một
trận quyết chiến, đánh thẳng vào trại giặc. Phần vì bất ngờ, phần vì sĩ khí
quân Đại Việt đang lên, quân Tống chống đỡ yếu ớt, số bị chết, bị thương đã hơn
quá nửa. Lý Thường Kiệt liền cho người sang nghị hòa, mở đường cho quân Tống
rút quân về nước, giữ vững bờ cõi nước Đại Việt. (9)
Ý và tứ của bài thơ giống nhau và
rất rõ ràng, một người dân bình thường cũng có thể hiểu được, không cần giải
thích. Lúc ấy ý niệm về Luật Quốc Tế (International Law) còn rất xa lạ. Tác giả
đã khéo léo lồng ý tứ bài thơ – quan niệm về chủ quyền quốc gia - vào thuyết
thiên mệnh, một học thuyết gần gũi với suy nghĩ của người dân. Ý thơ hay và đầy
sức thuyết phục nên binh sĩ đã hết lòng chiến đấu và đã đánh thắng quân Tống,
giữ vững cõi bờ Đại Việt. Nhờ ý tứ mới lạ và độc đáo đó bài thơ đã được xem là
tuyên ngôn độc lập đầu tiên của đất nuớc. Hơn một ngàn năm trôi qua nó được tôn
xưng là bài thơ có ý tưởng hay nhất của văn học Việt Nam và tôi tin rằng ngày
nào nước Việt còn tồn tại bài thơ Nam Quốc Sơn Hà sẽ không bao giờ đi vào quên
lãng.