Thứ Ba, 12 tháng 1, 2021

TRẢ LỜI ANH NGUYÊN LẠC VỀ SHOW, DON’T TELL

 


                             

 

Trong bình luận của tôi về bài viết của anh Nguyên Lạc tôi chỉ giới hạn nhận xét của mình vào một phần “không ổn”:

 

Trong 3 truyện ngắn anh Nguyên Lạc đưa vào làm thí dụ cho thủ pháp Show, Don’t Tell trong bài Vài Điều Về Cao Xuân Huy Và Lâm Chương thì nhận xét của tôi chỉ nhắm vào truyện ngắn Bùa Ếch của nhà văn Lâm Chương. Truyện ngắn này có đoạn kết như sau:

 

Lương Mập phân trần: “Tôi thương cô ta thiệt tình. Chứ đâu phải vì cái đó.” Lão (thầy bùa) lắc đầu: “Cậu lầm rồi. Nếu cô ta không có cái đó, cậu có thương không?” Lương Mập cứng họng.

Trên đường về, nghiệm lại lời của lão thầy bùa, hắn hiểu ra rằng tình cảm trai gái đều bắt nguồn từ cái đó khác nhau mà thôi…

 

 

Anh Nguyên Lạc thì cho rằng Bùa Éch có ẩn ý:

 

Tôi thấy gì? - Thấy cái mà Sigmund Freud (an Austrian neurologist and the founder of psychoanalysis) đã nói đến, nó luôn chi phối cách "hành xử" của con người, - Thấy "cõi tồn sinh" nơi ngã ba ("con đường ngã ba" - chữ của Bùi Giáng) cái mà con người muốn chiếm hữu, sở hữu ... do đó mới xảy ra chiến tranh đau thương, khổ sở ... và cũng tạo ra hạnh phúc, sung sướng ... nhờ đó nòi giống trường tồn. Thí dụ như việc vì muốn chiếm đoạt “cái đó” của người đẹp Helen mà gây nên “Chiến tranh thành Troia” (trường thi của Homer: Iliad và Odyssey). Vì "cái đó" mà tiêu tan đất nước, toi mạng, tiêu đời… Trụ Vương / Đắc Kỳ, Ngô Vương/ Tây Thi và Đồng Trác / Điêu Thuyền v.v…

 

Và vì thấy nhiều thứ tiềm ẩn như vậy nên anh Nguyên Lạc đã đưa tác phẩm lên làm thí dụ danh giá cho thủ pháp Show, Don’t Tell.

Độc giả có thể đọc bài của Nguyên Lạc theo link sau đây:

 http://t-van.net/?p=47155

Tôi cho rằng nếu đọc cả truyện ngắn Bùa Ếch độc giả sẽ thấy cốt truyện thẳng tuột, không có ẩn ý. Và ở đoạn kết tác giả đã “nói toạc móng heo” điều mình muốn nói “… tình cảm trai gái đều bắt nguồn từ cái đó … “

 

 

Thành Phần Của Thủ Pháp Show, Don’t Tell

 

1/ Tell: Thường dùng trong Văn –

Thí dụ: Michael rất sợ bóng tối

 

Trong khi Show, Don’t Tell thì được viết là:

 

Khi mẹ em tắt đèn và rời khỏi phòng, Michael căng thẳng. Em thu mình dưới chăn, nắm chặt tấm trải giường và nín thở khi gió lướt qua rèm. (2)

 

2/ Show & Tell: Nhiều đoạn văn, bài thơ tác giả chỉ giới thiệu đôi chút rồi đi thẳng vào điểm chủ yếu mình muốn nói đến. Trong trường hợp này tác phẩm chỉ có Show và Tell, không có “phần chìm” Don’t Tell – nghĩa là không có ẩn ý.

 

Thí dụ:

 

CHỢT THỨC

 

Lão Trư Bát Giới đang ngủ yên

bỗng bừng tỉnh dậy

phùng mang trợn mắt

là lúc lòng anh rạo rực

nhớ em.

 

Đây là bài thơ nói thằng – không ẩn dụ, không bóng gió, không ẩn ý, chỉ có Show & Tell.

 

Show: Lão Trư Bát Giới “phùng mang trợn mắt”

Tell: Anh “thèm chim” và nhớ em.

 

Ý chính của bài thơ: Lão Trư Bát Giới thức dậy làm dữ quá nên anh “thèm chim” và nhớ em. Thế thôi. Chứ suy rộng, hiểu sâu như anh Nguyên Lạc – nghĩ đến Sigmund Freud và muôn thứ lòng thòng ở phía sau – không phải là không có lý, nhưng trong khung cảnh của Chợt Thức là đi quá xa, là lạc đề. Nói rõ ra, đây chỉ là bài thơ Show & Tell – không có phần Don’t Tell (ẩn ý).

 

Dưới đây là một đoạn thơ nghe được từ tiệc nhậu của mấy anh đánh cá:

 

Đêm nay cờ ‘dục’ trống dồn

Cái hồn lại ngứa bồn chồn nhớ anh

Em đây nhớ cái củ hành

Nhớ sao những lúc thả phanh gầm gừ

Tiếng rên vô nghĩa ư …ư

Cái hồn sung sướng ngất ngư quên trời

(Chữ “dục” viết sai chính tả có chủ ý)

 

Ý chính của đoạn thơ là tác giả lên cơn thèm “củ hành” và nhớ “chàng” chứ chẳng có Sigmund Freud hoặc Trụ Vương Đắc Kỷ hay Đổng Trác Điêu Thuyền gì hết. Và đoạn thơ này cũng chỉ thuộc loại Show & Tell.

 

3/ Show, Don’t Tell (Có Ẩn Ý – Don’t Tell)

 

CÁNH ĐỒNG

 

 Sau ba năm chung thủy

Với người chồng đi xa

Chị đã thất tiết một cách lạ kỳ

Với người đàn ông xấu xí

Già hơn chị rất nhiều

 

Trong một buổi chiều bão tố

Khi chúng tôi đến đó

Người đàn ông đã đi rồi

Chỉ còn lại trên đồng lúa

Vết xước của dĩa bay mà thôi

(Nguyễn Đức Tùng)

 

Show: Thiếu phụ “thất tiết” với “người từ hành tinh khác”.

Don’t Tell = Ẩn ý: Khi “thèm chim” mà vì lý do này lý do khác không thể thỏa mãn thì gặp “người từ hành tinh khác” Bà cũng “chơi”, mặc kệ những cái nhìn không đồng tình, thiếu thiện cảm của người đời. Đó là quyền mưu cầu hạnh phúc chính đáng của con người nói chung và của Bà nói riêng.

 

GIÓ DẬY THÌ

 

Lạ chưa cơn gió dậy thì

Cứ tưng tửng thổi kể gì ngày đêm

Cây đào nghiêng ngả trước thềm

Nhụy hoa tơi tả cành mềm gẫy ngang

Cạnh chùa cây đại, cây bàng

Tiếng chim kêu thảng thốt vang giữa trời

Thấy hồn bay bổng chơi vơi

Nằm nghe gió thổi nhớ thời thanh xuân

(Thanh Bảo Nguyên)

 

Show: Cả bài thơ

Don’t Tell = Ẩn ý: Tác giả đang “thèm chim” “quá cỡ thợ mộc”.

 

Bài Cánh Đồng độc đáo ở chỗ ý đi rất xa, thể thơ mới lạ, hiệu quả, phần Don’t Tell được sắp xếp kín và khéo nhưng ít cảm xúc.

 

Bài Gió Dậy Thì “hiền” hơn, mặc dù cơn “thèm chim” mạnh hơn, sinh động hơn, cảm xúc nhiều nhưng vẫn giữ được nét thanh của thơ.

 

Truyện Ngắn “Bùa Ếch” Có Thể Xếp Vào Loại Show, Don’t Tell?

 

Như đã nói ở phần đầu, truyện ngắn Bùa Ếch có kết luận là “tình cảm trai gái đều bắt nguồn từ sự yêu thích cái đó của nhau”. Theo tôi, đó cũng là ý chính của cốt truyện. Và Bùa Ếch chỉ thuộc loại Show & Tell chứ không phải Show, Don’t Tell.

 

Nghĩ sâu, suy rộng như anh Nguyên Lạc - từ Bùa Ếch mà nghĩ đến Sigmund Freud, Trụ Vương Đắc Kỷ, Đổng Trác Điêu Thuyền - không phải là hoang tưởng nhưng trong khung cảnh của truyện ngắn Bùa Ếch là đi quá xa, là lạc đề. Và hậu quả là đã tặng cho Bùa Ếch danh hiệu Show, Don’t Tell - một quyết định sai lầm về một thủ pháp quan trọng trong viết văn, làm thơ.

 

Còn Truyện Ngắn “Bắt Khỉ” Thì Sao?

 

Bình luận của tôi trên FB chỉ nhắm vào truyện ngắn Bùa Ếch nhưng trong phần trả lời của anh Nguyên Lạc cả 3 truyện đều được đem ra phô diễn, biện minh nên nhân tiện tôi nói thêm về truyện ngắn Bắt Khỉ.

Nếu nhà văn Lâm Chương cho dừng truyện ở chỗ

 

Anh Khan cũng không ngủ được. Anh ngồi dậy vấn thuốc, bất ngờ anh hỏi tôi, nghĩ thế nào về những con khỉ bị sơn mặt? Tôi nói, nếu ở Âu Mỹ, Hội Bảo Vệ Súc Vật sẽ can thiệp cho nó.

“Cũng không ai biết sẽ ra sao. Nếu nó cứ bám riết theo bầy, có thể một ngày nào đó, con khỉ đầu đàn sẽ cắn nó chết.”

 

và để mặc độc giả mò ra ẩn ý của anh thì Bắt Khỉ sẽ xứng đáng được xếp loại Show, Don’t Tell. Nhưng nếu làm như vậy thì ẩn ý quá kín, độc giả không thể suy đoán ra, không về được điểm đến mà anh muốn. Chính vì thế anh đã phải thêm đoạn kết và đưa vào 2 câu:

 

Anh bảo, khi tôi sang xứ người, nên tìm đến cái Hội Bảo Vệ Súc Vật, để nhờ họ che chở. Và nhớ hỏi họ, rằng giữa vùng rừng núi Việt Nam, có những “con khỉ người” đang bị sơn mặt, họ có bảo vệ không?

 

để độc giả hiểu được ý mình. Hai câu đó trở thành phần Tell của truyện và đã làm Bắt Khỉ không còn là Show, Don’t Tell nữa.

 

Anh Nguyên Lạc không thấy được điều đó nên đã có thêm một quyết định sai lầm, rất đáng trách khác nữa. Đó là quyết định (về mặt thủ pháp nghệ thuật trong viết lách) xếp Bắt Khỉ vào loại Show, Don’t Tell.

 

Kết Luận

 

Anh Nguyên Lạc đọc nhiều biết rộng nên trong các bài viết của anh rất nhiều tư liệu được trích dẫn, nhất là những đề tài nặng tính lý thuyết. Tôi rất nể phục anh ở điểm này. Có điều khi đem những ý niệm nặng tính lý thuyết đó ra để soi sáng, làm rõ giá trị nghệ thuật một tác phẩm nào đó thỉnh thoảng anh cũng có chỗ này, chỗ kia lầm lẫn.

 

Trong tranh luận văn chương tôi lại thích cãi tới bến, nhiều lúc quên cả nể nang nên đã làm anh phật lòng. Nhưng biết làm sao được. Cha mẹ sinh con trời sinh tính. Mong anh thông cảm.

 

Phạm Đức Nhì

nhidpham@gmail.com

 


Thứ Bảy, 2 tháng 1, 2021

CÁI SIÊU VÀ CÁI VỤNG CỦA NGUYỄN BÍNH TRONG MỘT BÀI THƠ


Gợi, Không Kể (Show, Don’t Tell) Là Gì?

 

Gợi, Không Kể là một kỹ thuật viết trong đó câu chuyện và các nhân vật có liên quan với nhau thông qua các chi tiết và hành động cảm tính chứ không phải là sự trình bày, tóm tắt. Nó thúc đẩy một phong cách viết cuốn hút hơn cho người đọc, cho phép họ “ở cùng phòng” với các nhân vật. (1)

 

(Show, Don’t Tell là biện pháp tu từ phát xuất từ Tây Phương, dịch là Gợi, Không Kể cũng hơi gượng nên tôi xin phép được dùng nguyên chữ gốc cho chính xác. Mong độc giả thông cảm.)

 

Showing minh họa, trong khi Telling chỉ phát biểu (thông tin chính trong một câu chuyện.)

 

(Showing illustrates, while Telling merely states.)

 

Thí dụ:

 

Telling: Michael vô cùng sợ bóng tối.

 

Showing: Khi mẹ em tắt đèn và rời khỏi phòng, Michael căng thẳng. Em thu mình dưới chăn, nắm chặt tấm trải giường và nín thở khi gió lướt qua rèm. (2)

 

Tóm lại,

 

Telling: Tóm tắt hay tường thuật theo lối chỉ kể cho người đọc biết điều xảy ra.

 

Showing: Dùng sự mô tả và hành động để giúp người đọc trải nghiệm câu chuyện.

 

Show, Don’t Tell Trong “Giấc Mơ Anh Lái Đò”

 

Bài thơ Giấc Mơ Anh Lái Đò có 14 câu (lục bát) được chia thành 4 ý nhỏ như sau:

 

1/ Hai câu đầu:

 

Năm xưa chở chiếc thuyền này

Đưa cô sang bãi tước đay chiều chiều

 

Đây là khởi điểm của mối tình đơn phương. Tác giả chỉ nói đến công việc đưa đò kiếm sống của mình nhưng cũng đồng thời vẽ nên khung cảnh, hoàn cảnh được tiếp xúc, gần gũi với cô gái: Gặp nàng, biết nàng trong mối quan hệ chủ thuyền và khách đi đò qua bãi. Thủ pháp Show, Don’t Tell đã bắt đầu lộ diện.

 

2/ Sáu câu kế tiếp:

 

Để tôi mơ mãi mơ nhiều

“Tước đay xe võng nhuộm điều ta đi

 Tưng bừng vua mở khoa thi

 Tôi đỗ quan trạng vinh quy về làng

 Võng anh đi trước võng nàng

 Cả hai chiếc võng cùng sang một đò”

 

Tác giả không nói gì về tình yêu nhưng khi người đọc nghe chàng tâm sự là đã đưa cô gái vào trong cả giấc mơ “vinh quy bái tổ” của mình thì hiểu ngay rằng chàng đã yêu cô say đắm. Show, Don’t Tell rõ nét và khéo.

 

3/ Bốn câu kế tiếp:

 

Đồn rằng: Đám cưới cô to

Nhà giai thuê chín chiếc đò đón dâu

Nhà gái ăn chín nghìn cau

Tiền cheo, tiền cưới chừng đâu chín nghìn

 

Chữ vụng nhất và theo tôi, làm giảm giá trị của cả đoạn thơ là chữ “to”. Chính chữ “to” đã để lộ ý của tác giả trong đoạn này và đã làm thủ pháp Show, Don’t Tell thất bại. Ngay câu đầu độc giả đã biết đám cưới của cô gái to rồi. Ba câu kế tiếp chỉ làm rõ nghĩa thêm cho chữ “to” mà thôi.

 

4/ Hai câu Kết:

 

 Lang thang tôi dạm bán thuyền

 Có người giả chín quan tiền, lại thôi

 

Trong khi cả cơ nghiệp của anh lái đò – là chiếc thuyền – đem gạ bán thì người ta chỉ trả có chín quan tiền. Hai câu thơ chỉ nói đến việc dọ giá bán thuyền nhưng đã ngầm chứa khoảng cách giầu nghèo ghê gớm giữa anh lái đò và tình địch của mình. Và hậu quả là nỗi đau đến xé tâm can về mối tình vô vọng đã đổ ập xuống đầu anh lái đò đáng thương. Show, Don’t Tell ở 2 câu kết thật tuyệt vời.

 

Giá Trị Nghệ Thuật Của “Giấc Mơ Anh Lái Đò”

 

Ngôn ngữ thơ đẹp một cách bình dị, câu cú đơn giản nhưng vững chắc về mặt ngữ pháp. Các ý nhỏ trong bài thơ tự động gắn chặt với nhau một cách tự nhiên, không cần những chữ nối (liên từ) hoặc câu nối. Bốn đoạn Show, Don’t Tell thì 3 đoạn thành công, đặc biệt hai câu kết - một thủ pháp Show, Don’t Tell xuất sắc.

 

 

Bài thơ, không những chỉ nổi trội về mặt thi pháp mà còn thành công về mặt cảm xúc. Tứ thơ chảy nhẹ nhàng, chậm rãi nhưng thành dòng rõ rệt. Đến cuối bài cảm xúc dâng lên cao ngất; nỗi đau của mối tình vô vọng như một cơn mưa lớn đổ ập xuống tràn ngập tâm hồn anh lái đò. Bài thơ, rất khéo, kết thúc ở cao trào.

 

Tiếc Cho Nguyễn Bính

 

Mỗi lần đọc lại hoặc ngâm nga bài Giấc Mơ Anh Lái Đò trong đầu tôi lại hiện ra một câu hỏi: “Tại sao một tài thơ hiếm có như Nguyễn Bính lại vô ý đến độ đưa chữ “to” rất “thô”, rất vô duyên ấy vào bài thơ?”

 

Chỉ cần tác giả “giấu” được chữ “to” thì 3 câu kế tiếp sẽ đóng vai trò cung cấp thông tin để từ đó người đọc tự nhận ra “À! Đám cưới cô ấy to thật”. Đoạn thơ sẽ trở thành Show, Don’t Tell một cách tự nhiên. Ba câu kế tiếp không còn là những anh “thợ vịn”, đưa vào để lấy có mà sẽ trở thành những công nhân lành nghề, có đóng góp quan trọng cho công trình Giấc Mơ Anh Lái Đò..

 

Mà giấu chữ “to” thì thiếu gì cách. Với kỹ thuật thơ nhuần nhuyễn như Nguyễn Bính chẳng lẽ không nghĩ ra được một câu lục có vần “o” mà vắng bóng chữ “to”?

 

Chẳng hạn (đơn giản nhất):

 

Đồn rằng đám cưới của

 

Giả sử Nguyễn Bính giấu được chữ “to” bằng câu lục (mà câu “Đồn rằng đám cưới của cô” của tôi là thí dụ) thì chỉ riêng về mặt thi pháp, 4 đoạn Show, Don’t Tell cũng thừa sức đưa Nguyễn Bính và Giấc Mơ Anh Lái Đò lên một trong những chỗ ngồi rất trang trọng giữa vườn thơ tươi đẹp của nhân loại.

 

 

Với vóc dáng ấy, Giấc Mơ Anh Lái Đò có đến 4 chỗ liên tiếp – không có liên từ hoặc câu nối - sử dụng thủ pháp Show, Don’t Tell hoàn hảo. Không những thế, toàn bài thơ - tất cả 14 câu, 98 chữ - đều nằm gọn dưới vùng phủ sóng của Show, Don’t Tell, không một chữ nào lọt ra ngoài.

 

Trong văn học Việt Nam, cho đến lúc tôi viết những dòng chữ này, CHƯA một thi phẩm nào sử dụng thủ pháp Show, Don’t Tell tuyệt vời đến mức ấy.

 

Chữ “to” ấy đã làm đoạn 3 mất đi danh hiệu Show, Don’t Tell và đáng tiếc nhất là do đó, tác giả đã để vuột khỏi tay chiếc huy chương vàng dành cho thi sĩ có Thi Phẩm Hoàn Toàn Show, Don’t Tell.

 

PHẠM ĐỨC NHÌ

 

Chú Thích:

 

1/ Show, Don’t Tell is a writing technique in which story and characters are related through sensory details and actions rather than exposition. It fosters a style of writing that’s more immersive for the reader, allowing them to “be in the room” with the characters.

 

2/ Telling: Michael was terribly afraid of the dark.

 

Showing: As his mother switched off the light and left the room, Michael tensed. He huddled under the covers, gripped the sheets, and held his breath as the wind brushed past the curtain.

 

https://blog.reedsy.com/show-dont-tell/