Thứ Hai, 10 tháng 4, 2017

TIÊU CHÍ 4: THỂ THƠ (Phần 2)


                                  TIÊU CHÍ 4 THỂ THƠ (PHẦN 2)

                        HỘI CHỨNG NHÀM CHÁN VẦN CỦA THƠ LỤC BÁT

 

Phần Dẫn Nhập

Đây không phải là một tiểu luận về thơ mặc dù cũng dính líu một chút đến lý thuyết thơ và cũng khá … dài (14 trang). Lý do: cái chỗ dính líu đến lý thuyết thơ đã được bàn ở bài trước (Tiêu Chí 4: Thể Thơ - Phần I). Bài này chỉ là phần tán rộng ra cho dễ hiểu nên rất nhẹ về biện giải mà nặng về thí dụ dẫn chứng. Như đã trình bày ở Phần I, giá trị nghệ thuật của một bài thơ, đặc biệt là thơ lục bát, bị hạ thấp một cách đáng kể nếu bài thơ ấy có Hội Chứng Nhàm Chán Vần. Vì thế tôi tuyển chọn những bài thơ lục bát từ ngắn đến dài, đưa vào bài viết như những thí dụ cụ thể, để các bạn đọc trẻ có cơ hội tự đọc, tự khám phá và cảm nhận sự xuất hiện của Hội Chứng Nhàm Chán Vần hầu nắm vững thêm một mấu chốt quan trọng để thẩm định giá trị một bài thơ.

 

Những Yếu Tố Ảnh Hưởng Đến “Hội Chứng Nhàm Chán Vần”

1/ Tứ thơ: tứ thơ càng lạ người đọc càng chú ý, để tâm theo dõi, hội chứng nhàm chán vần chậm xuất hiện.

2/ Tình tiết: sự kiện này dẫn đến sự kiện khác, tâm trạng này dẫn đến tâm trạng kia, kích thích óc tò mò của người đọc. Tình tiết càng hấp dẫn người đọc càng dễ quên (hoặc vượt qua) cảm giác nhàm chán.

3/ Độ dễ tiêu của câu chữ: chọn ngôn ngữ tượng hình, dễ cảm nhận, dễ tiêu, tránh dồn thông tin dầy đặc, nặng chất trí tuệ, bắt người đọc phải căng óc ra để “tiếp nhận”, rất dễ ngán, hội chứng nhàm chán vần dễ xâm nhập.

4/ Cảm xúc: cảm xúc tầng 3 (hồn thơ) càng mạnh người đọc không (hoặc ít) phải dùng đến lý trí, câu thơ, đoạn thơ không đi qua đầu mà hướng thẳng đến tim. (Cảm xúc tầng 1 đến từ câu chữ, cảm xúc tầng 2 đế từ thế trân, cảm xúc tầng 3 đến từ sự cao hứng của tác giả “bên ngoài chữ nghĩa”).

Những Bài Lục Bát Ngắn

Những bài lục bát 10 câu trở lại (ngoại trừ trường hợp “vờn bóng giữa sân” hoặc ý trùng lặp) hội chứng nhàm chán vần chưa kịp xuất hiện thì bài thơ đã hết.

 

SÔNG  LẤP

Sông xưa rày đã nên đồng

Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai

Vẳng nghe tiếng ếch bên tai

Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.

(Trần Tế Xương)

Đây là một tuyệt tác của Trần Tế Xương.  Chỉ với 4 câu ông Tú Vị Xuyên đã bày tỏ tâm tình hoài cổ sâu sắc của mình một cách tài tình. Từ tiếng gọi đò gợi nhớ đến bến đò, từ bến đò gợi nhớ đến con sông (nay đã bị lấp), từ con sông lấp gợi nhớ đến thời Nho học còn giữ vị trí quan trọng trong xã hội. Ẩn dụ tuyệt vời. Bài thơ chỉ có 4 câu nên chưa có hội chứng nhàm chán vần.

 BUỔI CHIỀU VÀ MÁI TÓC
Buổi chiều và mái tóc em
Bắt đầu phủ xuống những miền núi xa.
Anh nằm khi tóc bay qua
Đám mây tình tự thịt da nhẹ nhàng
Giống như trời lấy áo choàng
Đắp lên thân thể võ vàng từ lâu.


(Nguyên Sa)                                                                     

Đây là bài thơ tình ngắn, ngôn ngữ bay bướm, hình ảnh đẹp. Vì ngắn, có 6 câu, nên chưa có hội chứng nhàm chán vần.

THU CẢM

Mùa thu đẹp đến nao lòng

nắng hơi hơi nắng, mây bồng bềnh mây

người thì nửa tỉnh nửa say

nửa lo giá chợ, nửa ngây vì trời

mùa thu ơi, đẹp vừa thôi

giăng chi khoảng cách giữa đời và mơ

đời càng nhiều nỗi ưu tư

ngưòi càng đơn lẻ trước thu tuyệt vời

(Nguyễn Thị Hồng, Thơ VN Thế Kỷ 20 Thơ Trữ Tình, NXB Giáo Dục, trang 308)

 

Đây là bài thơ hay.
Nguyễn Du viết:

Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ

nhưng ở đây trong đôi mắt của tác giả lại có sự mâu thuẫn giữa cảnh và tình, Cảnh thu thì rất đẹp mà trong lòng lại đầy nỗi ưu tư. Bài thơ có 8 câu nhưng nhờ tình tiết sinh động và tứ thơ đã chảy thành dòng nên vẫn chưa xuất hiện giọng ầu ơ, chưa có hội chứng nhàm chán vần.

 

TIẾT PHỤ NGÂM
Bản Dịch Ngô Tất Tố

Chàng hay em có chồng rồi,
Yêu em chàng tặng một đôi ngọc lành.
Vấn vương những mối cảm tình,
Em đeo trong áo lót mình màu sen.

Nhà em vườn ngự kề bên,
Chồng em cầm kích trong đền Minh Quang.
Như gương, vâng biết lòng chàng,
Thờ chồng, quyết chẳng phụ phàng thề xưa.

Trả ngọc chàng, lệ như mưa,
Giận không gặp gỡ khi chưa có chồng. (1)

 

Đây là bài thơ trong đó người thiếu phụ từ chối lời tỏ tình của một người có địa vị cao trọng. Lý do bà đưa ra là “Thờ chồng quyết chẳng phụ phàng thề xưa”. Tác giả của Tiết Phụ Ngâm – Trương Tịch – đã dùng vế thứ hai “liệt nữ bất canh nhị phu” để gởi đến Lý Sư Đạo - người mời ông ra “cộng tác” - ý của vế thứ nhất “trung thần bất sự nhị quân”. Nhờ bài thơ, ông vừa tránh được họa chiến tranh với một sứ quân quá mạnh vừa không phải phục vụ một Tiết Độ Sứ của phe nghịch đảng. Hiểu được lý do ra đời của bài thơ độc giả có thể đọc 10 câu lục bát trên một lèo mà không ngán. Hội chứng nhàm chán vần đã bị tình tiết mạch lạc của bài thơ lấn át.

 

Những Bài Lục Bát 12 Câu Trở Lên

 

Trong số các thể thơ đang lưu hành, lục bát có độ ngọt cao nhất. Số lần gieo vần bằng tổng số câu trừ một. Như vậy bài thơ lục bát 12 câu có 11 lần gieo vần hay 11 cặp vần. Bởi thế làm thơ lục bát từ 12 câu trở lên cũng như hành quân mà đi vào khu mìn bẫy của địch, không cẩn thận lính tráng sẽ đạp phải mìn, thơ sẽ mắc phải hội chứng nhàm chán vần. (Tôi chọn số 12 là do kinh nghiệm cá nhân; tùy mức độ “hảo ngọt” của mình bạn đọc có thể chọn con số khác).

Sau đây là 3 bài lục bát dài bằng nhau (6 cặp lục bát 12 câu).

HOA ĐÀO NỞ SỚM

Hoa đào trước ngõ em qua
Sáng nay bỗng ướm cành hoa vào mùa
Đầy vườn lộc biếc cây
Năm đi chưa hết, đã ngờ xuân đâu

Bỗng dưng một đóa hoa đầu.
Nghe như đất lạ năm nào gặp em
Phải rằng xe xích thời gian
Vầng dương bên ấy mọc sang bên này?

Nắng hoe, bướm trở mình bay
Cành non nở vội kịp ngày chào hoa.
Lòng anh tự độ em qua
Hoa bay bướm dạo cùng ta vào đời.

(Chế Lan Viên)

Hoa Đào Nở Sớm, theo tôi, đã hơi có giọng ầu ơ, đã chớm – dù rất nhẹ - hội chứng nhàm chán vần. Lý do: tứ thơ bình thường lại có dấu hiệu “vờn bóng giữa sân”. Vừa mới “Sáng nay bỗng ướm cành hoa vào mùa” ở đoạn trước, đoạn sau lại “bỗng dưng một đóa hoa đầu”, đã vậy, đoạn cuối còn thêm “Cành non nở vội kịp ngày chào hoa”. Rõ ràng sự trùng lặp (thiếu nghệ thuật) của ý tứ đã tạo cảm giác “ngao ngán” lẽ ra chưa nên có. Hơn nữa, tác giả khi làm thơ đã nghiêng về phía cái đầu nên ít cảm xúc. Vì thế hội chứng nhàm chán vần đã xuất hiện sớm hơn bình thường. Nhận xét như vậy hoàn toàn chủ quan, tùy thuộc vào cảm nhận từ thính giác của mỗi người. Tuy nhiên, nếu bạn đọc lắng nghe và để ý, một lúc nào đó bạn có thể tự mình khám phá ra điều đó.

 
CHỚM SANG VỊ HÈ

Đường tình đã nở hoa xoan
Lao xao gió gợn, hân hoan lá chờ
Trên cao ngan ngát hương đưa
Em ơi, tim tím mơ mờ chùm hoa..

Nhẹ nhàng gió thổi tháng ba
Trong hơi thanh mát có hòa nồng say
Xuân còn, hè đã thoảng bay
Một niềm xa vợi ngất ngây khí trời

Tình yêu muôn thuở, em ơi!
Hôm nay lại đượm hương đời, màu xoan
Ý xuân trong lúc chứa chan
Tình đôi ta lại chớm sang vị hè.

(Xuân Diệu)
Tứ thơ không có gì đặc biệt, có dòng chảy nhưng chỉ lững lờ vì ít cảm xúc, tuy nhiên, không có sự trùng lặp và bài thơ có 12 câu (không dài lắm) nên chưa có hội chứng nhàm chán vần.

NGẬM NGÙI

Nắng chia nửa bãi, chiều rồi...
Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu.
Sợi buồn con nhện giăng mau,
Em ơi! Hãy ngủ … anh hầu quạt đây.

Lòng anh mở với quạt này,
Trăm con chim mộng về bay đầu giường.
Ngủ đi em, mộng bình thường!
Ru em sẵn tiếng thuỳ dương mấy bờ

Cây dài bóng xế ngẩn ngơ
Hồn em đã chín mấy mùa thương đau?
Tay anh em hãy tựa đầu,
Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi.

(Huy Cận)

 

Tứ thơ chảy thành dòng khá nhanh vì nhiều cảm xúc, có thể đưa người đọc tới bến mà không bị khựng ở chỗ nào. Trong bối cảnh đó hội chứng nhàm chán vần khó xuất hiện.

 

PHÚT BÌNH YÊN VĂN MIẾU

(Tặng Phạm Đức Nhì – nhà thơ Mỹ gốc Việt)

 

Anh từ Texas về đây

Bạn thơ dang rộng vòng tay đón chào

Bỏ qua thủ tục ngoại giao

Toàn thằng lính trận thuở nào choảng nhau
 

Người mẻ trán, kẻ sứt đầu

Trở trời trái gió ngấm đau một mình

Duyên thơ nối nhịp ân tình

Rời tay súng chẳng phải rình rập ai
 

Vào nơi trọng dụng hiền tài

Qua Khuê Văn Các sánh vai cùng người

Thơ hay thả đỏ rực trời

Rưng rưng ánh mắt rạng ngời lửa thiêng
 

Vượt trên giông bão trăm miền

Quê hương ơi phút bình yên diệu kỳ. (2)

 
(Nguyên Tiêu Canh Dần, trannhuong.net)

Trịnh Anh Đạt

Bài thơ có 14 câu và cũng không mắc phải hội chứng nhàm chán vần.


THIẾU NỮ

Cô gái ơi, anh nhớ em!!!
Như con nít nhớ cà rem vậy mà
Như con dế trống đi xa
Một hôm chợt nhớ quê nhà, gáy chơi

Con dế nó gáy một hơi
Còn anh gáy hết một thời con trai
Tiếng gáy bò lên lỗ tai
Làm em nhột suốt một ngày một đêm

Cô gái ơi, anh nhớ em !!!
Như má lúm nhớ đồng tiền đúng chưa ?
Như cà chớn nhớ cà chua
Như da em nhớ "da-ua" ngọt ngào

Cái nhớ nhảy qua hàng rào
Không thèm đăng ký cứ nhào vô anh
Xô ra thì thấy không đành
Nên anh ôm lấy, ngồi canh giữ hoài

Con kiến còn nhớ củ khoai
Huống chi tóc ngắn tóc dài nhớ nhau
Nhớ nhau không biết để đâu
Nếu để trên đầu thì tóc che đi

Để trong túi áo cũng kỳ
Lỡ đi đường rớt, lấy gì chứng minh
Chi bằng giả bộ làm thinh
Hét lên " nhớ quá " một mình nghe chơi !!!

(Bùi Chí Vinh, Thơ VN Thế Kỷ 20 Thơ Trữ Tình, NXB Giáo Dục, trang 887)

Đây là bài thơ tình nhẹ nhàng, viết về một đề tài rất bình thường nhưng ngôn ngữ và giọng thơ “lạ lạ”, dí dỏm, có duyên và dễ thương. Chính vì thế mà đọc cả bài 24 câu một lèo cũng chưa thấy ngán. Hội chứng nhàm chán vần đã bị những đặc tính “lạ lạ”, dí dỏm, có duyên, dễ thương lấn át.

 

ĐẤT VIỆT LÀ CỦA VIỆT NAM

Biển trời hải đảo đât liền
Là máu da thịt Rồng Tiên ngàn đời .
Việt Nam đất nước con người  
Tình yêu Tổ Quốc rạng ngời trong ta.

Trời xanh sông núi hiền hòa
Biển quê ôm ấp đảo xa đảo gần
Trường Sa quần đảo thiên thần
Đảo chìm đảo nổi quây quần bên nhau.

Hoàng Sa quần đảo ngọc châu
Tỏa rung khí phách con tàu hiên ngang
Thành đồng dạ ngọc gan vàng
Anh hùng đảo sắt thép gang kiên cường.

Chẳng mòn đứng trước đại dương
Gan cùng bão tố bốn phương đổ vào
Người Việt Nam mãi tự hào
Tâm hồng Phúc rộng Tài cao Đức lành.

Bốn nghìn năm sống đấu tranh
Việt Nam tổ quốc đã thành thiêng liêng
Đât Việt Nam đất Việt thiêng 
Muôn đời là của con Tiên Cháu Rồng .

Lũ xâm lăng chớ có hòng
Chỉ một hạt cát đừng mong hỡi mày
Biển trời hải đảo xưa nay
Biên cương hùng vĩ đất này của ta .

Đây Hoàng Sa - Kia Trường Sa
Là xương máu thịt nước nhà Việt Nam .
Kẻ thù xin chớ lòng tham
Đất Việt là của Việt Nam muôn đời …! 

(Chu Long)

Đây là bài thơ “phải đạo”, viết theo xu hướng của xã hội, có 28 câu, nhưng vì viết bằng cái đầu nên thiếu cảm xúc, chỉ đọc khoảng một nửa là đã thấy ngán. Nửa còn lại càng về cuối càng như “cơm nếp nát”

TRẢ LỜI CỦA NGƯỜI YÊU

Các anh hãy chuốc thật say
Cho tôi những cốc rượu đầy rồi im!
Giờ hình như quá nửa đêm
Lòng đau đau lại cái tin cuối mùa.
Hơi đàn buồn như trời mưa
Các anh tắt nốt âm thừa đi thôi!
Giờ hình như đã tối rồi
Bánh xe đã nghiến, đã rời rã đi!

Hồn tôi lờ mờ sương khuya
Hờ rung tôi viết bài thơ trả lời
Vâng, tôi vẫn biết có người
Một đêm cố tưởng rằng tôi là chồng
Để hôm sau khóc trong lòng
Vâng, tôi vẫn biết cánh đồng thời gian
Hôm qua rụng hết lá vàng
Và tôi lỡ chuyến chiều tàn về không.
Tiếng xe trong vết bụi hồng
Nàng đi thuở ấy nhưng trong khói mờ.
Tiếng xe trong xác pháo xưa
Nàng đi có mấy bài thơ trở về
Tiếng xe mở lối vu quy
Hay là tiếng cắt nàng chia cuộc đời
Miệng chồng Khánh gắn trên môi
Hình anh mắt Khánh sáng ngời còn mơ
Đàn xưa từ chia đường tơ
Sao tôi không biết hững hờ nàng đan
Kéo dài một chiếc áo lam
Tơ càng đứt mối, nàng càng kéo giay

Nàng còn gỡ mãi trên tay
Thì tơ duyên mới đã thay hẳn mầu
Chung hai thứ tóc đôi đầu
Bao giờ đan nổi những câu ân tình
Khánh ơi, còn hỏi gì anh?
Lá rơi đã hết màu xanh màu vàng
Chỉ kêu những tiếng thu tàn
Tình ta đã chết anh càng muốn xa
Chiều tan, chiều tắt, chiều tà
Ngày mai, ngày mốt vẫn là ngày nay
Em quên mất lối chim bay
Và em sẽ chán trông mây trông mờ
Đoàn viên từng phút từng giờ
Sóng yên lặng thế em chờ gì hơn?
Từng năm từng đứa con son
Mím môi vá kín vết thương lại lành
Khánh đi còn hỏi gì anh
Ái tình đã vỡ, ái tình lại nguyên
Em về đan nốt tơ duyên
Vào tà áo mới, đừng tìm mối xưa
Bao nhiêu hạt lệ còn thừa
Dành ngày sau khóc những giờ vị vong
Bao nhiêu những cánh hoa lòng
Hãy dâng cho trọn nghĩa chồng hồn cha
Nhắc làm chi chuyện đôi ta
Bản năng anh đã phong ba dập vùi

Hãy vui lên các anh ơi!
Nàng đi tôi gọi hồn tôi trở về
Tâm hồn lạnh nhạt đê mê
Tiếng mùa lá chết đã xê dịch chiều
Giờ hình như gió thổi nhiều
Những loài hoa máu đã gieo nốt đời
Tâm hồn nghệ sĩ nổi trôi
Sá chi cái đẹp dưới trời mong manh
Sái chi những truyện tâm tình
Lòng đau đem chứa trong bình rượu cay!

(Thâm Tâm)

Nếu đúng là của Thâm Tâm (3) thì tác giả Tông Biệt Hành viết bài thơ này quá tệ,  Đọc Trả Lời Của Người Yêu tôi thấy rời rạc, nhạt nhẽo, toàn là sự kiện, chẳng có tý “hồn vía” nào. Bài thơ dài, 64 câu, hội chứng nhàm chán vần rất nặng.

 

NGƯỜI HÀNG XÓM

Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
Cách nhau cái dậu mùng tơi xanh rờn
Hai người sống giữa cô đơn
Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi

Gía đừng có dậu mùng tơi
Thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng.
Tôi chiêm bao rất nhẹ nhàng ...
Có con bướm trắng thường sang bên này.

Bướm ơi! Bướm hãy vào đây!
Cho tôi hỏi nhỏ câu này chút thôi.
Chẳng bao giờ thấy nàng cười
Nàng hong tơ ướt ra ngoài mái hiên;

Mắt nàng say đắm trông lên
Con bươm bướm trắng về bên ấy rồi!
Bỗng dưng tôi thấy bồi hồi
Tôi buồn tự hỏi: - Hay tôi yêu nàng?

Không, từ ân ái lỡ làng
Tình tôi than lạnh tro tàn làm sao!
Tơ hồng nàng chẳng cất vào
Con bươm bướm trắng đêm nào cũng sang.


Mấy hôm nay chẳng thấy nàng
Gía tôi cũng có tơ vàng mà hong
Cái gì như thể nhớ mong ?
Nhớ nàng! Không! Quyết là không nhớ nàng.

Vâng, từ ân ái lỡ làng
Lòng tôi riêng nhớ bạn vàng năm xưa.
Tầm tầm trời cứ đổ mưa
Hết hôm nay nữa là vừa bốn hôm

Cô đơn buồn lại thấy buồn.
Tạnh mưa bươm bướm biết còn sang chơi?
Hôm nay mưa đã tạnh rồi.
Tơ không hong nữa, bướm lười thôi sang!

Bên hiên vẫn vắng bóng nàng
Rưng rưng tôi gục xuống bàn rưng rưng!
Nhớ con bướm trắng lạ lùng!
Nhớ tơ vàng nữa, nhưng không nhớ nàng

Hỡi ôi! Bướm trắng tơ vàng!
Mau về mà chịu tang nàng đi thôi!
Đêm qua nàng đã chết rồi
Nghẹn ngào tôi khóc, qủa tôi yêu nàng

Hồn trinh còn ở trần gian!
Nhập vào bướm trắng mà sang bên này.

(Nguyễn Bính)

 

Tôi đặt bài thơ Người Hàng Xóm ở cuối để bạn đọc thấy cái tài của Nguyễn Bính. Lục bát viết đến 42 câu là rất dài nhưng tôi có thể đọc một lèo từ đầu đến cuối. Tình tiết hấp dẫn, và đặc biệt là cảm xúc nóng hổi đã khiến dòng chảy của tứ thơ vừa mạnh, vừa nhanh, lấn át được hội chứng nhàm chán vần.

 

Kết Luận

Làm thơ lục bát nên tránh “vờn bóng giữa sân” – nghĩa là “cà kê dê ngỗng” ở giữa bài; căn bệnh nhàm chán vần sẽ xuất hiện làm tổn hại bài thơ ngay. Đọc hoặc bình thơ lục bát, nếu có khả năng nhận diện được hội chứng nhàm chán vần bạn đã có trong tay chiếc chìa khóa để mở cánh cửa đầu tiên hầu tiếp cận cái hay, cái đẹp cũng như cái dở, cái hạn chế của bài thơ một cách tự tin hơn. Hãy xem bài viết này như những gợi ý và hướng dẫn trong lúc bạn tìm cách nắm giữ chiếc chìa khóa đó.

 

Phạm Đức Nhì


phamnhibinhtho.blogspot.com

 

Chú Thích:

1/ Trương Tịch tự Văn Xương, người đất Tô Châu, thi gia thời Trung Đường (766-827), đậu Tiến sĩ dưới triều vua Đức Tông. Năm 799, được Hàn Dũ tiến cử làm Quốc tử bác sĩ, cuối cùng lên đến chức Quốc tử tư nghiệp.
Trong nước lúc bấy giờ lại diễn thành cuộc phiên trấn cát cứ. Mỗi Tiết độ sứ chuyên chế mỗi phương. Trấn nào, Tiết độ sứ tuân mạng triều đình thì cho là thuận đảng. Trái lại, Tiết độ sứ nào đem binh đối kháng lại triều đình thì cho là nghịch đảng. Trương Tịch hiện làm một tân khách trong mạc phủ của một Tiết độ sứ thuộc về thuận đảng. Ông muốn giúp triều đình mong đạt được cuộc thống nhất đất nước.
Bấy giờ có Lý Sư Đạo là một Tiết độ sứ thuộc về nghịch đảng, vốn tay quật cường. Biết Trương là người có tài nên họ Lý ân cần viết thư, đem lễ vật đến đón Trương về giúp mình trong công cuộc xây dựng sự nghiệp.
Trương không dám từ khước ngay. Vì tình thế lúc bấy giờ nguy ngập lắm. Thế lực của Lý thì mạnh, nếu ông không bằng lòng thì chắc chắn hai trấn phải sinh chiến họa to. Do đó, ông phải giả cách cám ơn nhận lễ rồi dần dần tìm cách từ khước. Trong khi hoàn lại lễ vật, Trương Tịch làm một bài thơ kèm theo, nhan đề là "Tiết phụ ngâm" (hoavouu.com)

2/ Tết Canh Dần 2010 tôi được nhà thơ Trịnh Anh Đạt gởi thiệp mời tham dự lễ hội Thơ Nguyên Tiêu ở Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội. Là nhà thơ từ Mỹ về, đã từng đối đầu với tác giả ở mặt trận Huế, Quảng Trị trước 75 và đã viết nhiều bài thơ chống cộng nảy lửa sau đó, tôi vẫn được TAĐ quý mến dẫn vào Văn Miếu giới thiệu với đám bạn văn chương của ông. Chúng tôi, những kẻ cựu thù, đã có mấy buổi họp mặt bàn tán chuyện văn chương lý thú. Bài Phút Bình Yên Văn Miếu được sáng tác nhân dịp này.

3/ Bài thơ này được tác giả Anh Đào đăng trên một tập san ở Hà Nội năm 1951, ghi là của Thâm Tâm làm để minh chứng cho mối tình giữa Thâm Tâm và T.T.Kh. Về nội dung, bài thơ này so với bài "Các Anh" của Thâm Tâm trùng 8 câu đầu và 8 câu cuối, với hai điểm khác biệt là "cái tim cuối mùa" được chép thành "cái tin cuối mùa" và "Tâm tình lạnh nhạt đâu nghe" được chép thành "Tâm hồn lạnh nhạt đê mê". Vì vậy, có lẽ bài thơ này là do tác giả Anh Đào dựa vào bài "Các Anh" của Thâm Tâm rồi viết thêm 48 câu vào giữa để chứng minh cho bài báo của mình. (thivien.net)

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét