Thứ Năm, 27 tháng 4, 2017

"NHÀ TÔI" VÀ "CHUYỆN GIÀN THIÊN LÝ"



Nhạc sĩ Anh Bằng khi phổ nhạc bài thơ Nhà Tôi của Yên Thao đã đổi tựa thành Chuyện Giàn Thiên Lý.

Xin được phép lập lại một điểm đã viết “Tựa đề là một chữ hay một nhóm chữ chỉ ra cái cốt tủy của toàn bài.”


Nhà Tôi là tâm trạng hồi hộp, lo âu của một người lính trước giờ nổ súng mà mục tiêu của trận đánh lại chính là ngôi làng bên kia sông, có căn nhà nơi những người thân yêu nhất của mình, bà mẹ già và cô vợ trẻ, đang cư trú. Như vậy tâm điểm của tình thương yêu, nỗi lo âu của người lính là căn nhà (và những người trong đó). Giàn thiên lý chỉ là một bộ phận “ngoại vi”, nằm ở góc vườn, không quan trọng lắm đối với căn nhà.


Giả sử sau trận đánh, giàn thiên lý bị sập mà ngôi nhà còn nguyên thì tác giả cũng mừng rỡ, coi đó là đại phúc cho gia đình. Nhưng nếu căn nhà cháy đổ thì dù giàn thiên lý vẫn đứng vững, sự mất mát, nỗi đau buồn cũng dâng cao đến tột cùng. “Giàn thiên lý” chỉ được nối với khung cảnh bài thơ bằng một sợi tơ mong manh; tác giả có thể thay nó bằng nhóm 3 chữ khác mà bài thơ không tăng giảm giá trị bao nhiêu. Trong bài này nó chỉ được “nhân tiện” đưa vào ở “giờ thứ 25” để câu cuối bài thơ được trọn vẹn:



Nhà tôi ở cuối Thôn Đồi

Có giàn thiên lý, có người tôi thương.



Khi phổ nhạc bài thơ Nhà Tôi, nhạc sĩ Anh Bằng đã phạm hai lỗi:



1/ “Bên kia vùng giặc đóng” đổi thành “Bên kia vùng lửa khói.” Việc sửa đổi này làm sai lạc thực tế trận địa (chưa nổ súng làm sao có lửa khói), giảm nỗi lo sợ của người lính và do đó làm nhẹ cường độ cảm xúc khơi dậy trong lòng người đọc. (Anh Bằng Sửa Thơ Yên Thao, PĐN, Lời Bình Ngắn).



2/ Lỗi thứ hai là Anh Bằng đã lấy một hình tương “ngoại vi”, phụ thuộc để làm tựa đề cho bản nhạc (Chuyện Giàn Thiên Lý) trong khi cái tựa Nhà Tôi của thi sĩ - chỉ ra cái cốt tủy của toàn bài – thì lại bỏ đi.


Xét về phương diện văn chương thì việc đổi tựa đề của Anh Bằng vừa sai vừa đáng trách.



Phạm Đức Nhì

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét