TIÊU CHÍ 4: THỂ THƠ (PHẦN I)
Làm
thơ, có người chuyên về một thể loại; thí dụ: lục bát. Có người thể thơ nào
cũng “thử” một đôi bài nhưng khi cao hứng gặp được tứ thơ hay thì sẽ chọn thể
thơ mình thích nhất. Đọc thơ, tôi thường nghe những câu đại loại như “Tạng tôi
không hợp với thơ ‘ông này’ mà gần với thơ ‘bà kia’ hơn.”
Khi
mới tập làm thơ thầy giáo dạy Việt Văn, khi được hỏi ý kiến nên chọn thể thơ
nào, đã cho tôi lời khuyên: “Thấy thích, hợp thể thơ nào thì cứ chọn thể thơ
đó. Có thích, có tự tin thì làm thơ mới hay. Hơn nữa, đó là quyền tự do của thi
sĩ”. Sau này góp nhặt thông tin từ các bài bình thơ, các cuộc tranh luận về
thơ, cộng với kinh nghiệm làm thơ của chính mình tôi đi đến kết luận:
Trên trang thơ của mình, đồng ý, thi
sĩ là vua, có toàn quyền quyết định mọi thứ, nhưng đối với thể thơ, nếu cứ lẽo
đẽo ở phía sau, không vươn lên cùng thời đại thì chính thi sĩ sẽ không được
hưởng cái thoải mái tự do khi phóng bút mà bài thơ khi xuất xưởng sẽ bị giới
thưởng ngoạn nhìn với đôi mắt thiếu thiện cảm.
1/ Song Thất Lục Bát
Đây là thể thơ truyền thống, một
thời được bà Đoàn Thị Điểm dùng để dịch Chinh Phụ Ngâm từ chữ Hán sang chữ Nôm
và được người đời khen ngợi là nhiều câu, nhiều đoạn “bản dịch còn hay hơn bản
chính”. Nhưng cho đến bây giờ thể thơ STLB rất ít được dùng, có lẽ đang trên
đường đi đến chỗ tuyệt chủng. Có người cho rằng thể thơ này tạo ra quá nhiều
vần, vừa yêu vận, vừa cước vận; nếu bài thơ hơi dài một tý thì hội chứng nhàm
chán vần rất nặng nề, đọc lên nghe rất … ầu ơ. Vì thế nếu ở thời điểm này thi
sĩ nào chọn STLB để làm thơ thì bài thơ sẽ có nhiều cơ hội yểu tử. Ở cương vị
người bình thơ, nếu gặp thơ song thất lục bát thì dù không muốn phụ rẫy nàng Thơ,
cũng đành phải ngoảnh mặt làm ngơ.
2/ Đường Luật
Đường luật thất ngôn bát cú là một
thể thơ có nhiều nguyên tắc khắt khe. Những trói buộc của vần, đối, niêm, luật khiến thi sĩ luôn phải xoay ngang trở dọc đối phó nên ít có cơ hội chăm chút
cho phần cảm xúc, hồn thơ. Dĩ nhiên, năm thì mười họa cũng có những bài thơ hay,
nhưng ngay cả những bài thơ hay đó cũng có vẻ khô cứng so với thơ đương đại.
Giờ đây Nàng Thơ đã có bộ mặt mới.
Các thi sĩ đã cố công tìm tòi, thể nghiệm nhiều thể thơ “mới”, sao cho vừa giữ
được vị ngọt của thơ ca, vừa cởi trói cho người làm thơ khỏi những luật lệ quá
khắt khe, gò bó. Đâu là thể thơ tối ưu của thi ca đương đại? Công cuộc chọn
lựa, tranh cãi còn chưa ngã ngũ. Nhưng chắc chắn đã có rất nhiều thể thơ, ở mức
độ khác nhau, cho phép người làm thơ thời nay được thoải mái hơn, tự do hơn,
thể hiện tứ thơ của mình, và nhờ đó, có thể dễ dàng đưa cảm xúc của mình, thả
tâm hồn của mình vào thơ.
Thơ Đường luật bỗng trở thành cô gái
lỡ thì, thân hình khô cứng lại kênh kiệu, khó tính, bị những chàng trai trẻ
ngoảnh mặt làm ngơ. Họ nhìn về hướng khác để tìm những cô gái đang xuân, vóc
dáng, trang phục hợp thời hơn, hấp dẫn hơn, tính tình cởi mở hơn, gần gũi hơn
với cái “gu” thẩm mỹ của thời đại mới.
Đối với
những vị chuộng thơ Đường luật, đã “quen” với thơ Đường luật, thích thù tạc xướng
họa thơ Đường luật, thì chẳng việc gì mà phải từ bỏ cái thú vui tao nhã ấy. Xin
cứ tiếp tục làm thơ để góp cho đời những bông hoa tươi đẹp. Xin cứ tiếp tục đọc
thơ Đường luật để thưởng thức những cảm nghĩ, những rung động nhẹ nhàng, thanh
thoát của người xưa.
Những
quý vị làm thơ Đường luật, theo tôi, như võ sĩ lên võ đài, rất ương ngạnh và
oai hùng, chấp nhận chịu trói cả 2 tay, 2 chân để đấu với đối thủ. Khi bị bươu
đầu sứt trán, hoặc nằm thẳng cẳng đo ván thì (dù không nói ra) thường cho là tại
bị gò bó, trói buộc. Những quý vị đó quên rằng chính họ đã tình nguyện lên võ
đài với tư thế ấy.
Riêng tôi, nếu gặp thơ Đường Luật, “đọc thì cứ đọc nhưng bình thì không”
3/ Lục bát
Lục bát, cho đến khi tôi viết những
dòng chữ này, có thể nói, là thể thơ “trẻ
mãi không già”, rất thích hợp để chuyển tải tâm trạng, cảm xúc nhẹ nhàng
nhưng thâm thúy, ý nhị. Non tay, thi sĩ sẽ đẻ ra những bài lục bát nếu không à
ơi như vè thì cũng tẻ nhạt, không gây chút ấn tượng nào cho người đọc. Nhưng
bên cạnh vô số những bài lục bát nhạt nhẽo, mờ nhạt lặng lẽ đi vào quên lãng ấy
thỉnh thoảng vẫn có những bài xuất sắc. Nhờ đặc tính “trẻ mãi không già” đó lục bát, dù được xếp vào loại thể thơ truyền
thống, không bị chi phối bởi luật đào thải trong tiến trình vận động của thi
ca.
Lục bát sử dụng cả yêu vận lẫn cước
vận nên nếu bài thơ hơi dài (khoảng trên 20 câu) mà tình tiết không liên tục
hấp dẫn thì đọc sẽ … ngán. Với thơ lục bát hội chứng nhàm chán vần luôn luôn
rình rập, sơ hở một tý là “ầu ơ” ngay.
Gặp thơ lục bát tôi thường đọc lớn để
nghe độ ngân, độ vang vọng của nhạc trong thơ. Nếu nhạc đơn điệu, tẻ nhạt mà tứ
thơ không đặc sắc, tình tiết không lôi cuốn thì cho qua. Nếu bài lục bát ngắn,
nên đọc chậm để khám phá ý tứ thâm trầm, sâu lắng. Nếu bài thơ trung bình (khoảng
20 câu) mà đọc hết cũng chưa thấy ngán thì nên đọc lại – bài thơ chắc chắn có
“cái gì đó” đặc biệt. Hoặc là tứ thơ hay, tình tiết hấp dẫn, hoặc là cảm xúc dạt
dào, nóng bỏng. Nếu bài lục bát quá dài thì khoảng từ câu thứ 20 trở đi, giọng ầu
ơ đã xuất hiện, càng về cuối đọc càng ngán.
Tóm lại, lục bát, do hình thức của
thể thơ, có độ ngọt rất cao. Bài thơ có hội chứng nhàm chán vần hay không? Câu
trả lời sẽ cho phép người bình thơ nâng hoặc giảm giá trị bài thơ một cách đáng
kể.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét