Thứ Năm, 4 tháng 1, 2018

TẤM BẢN ĐỒ VẼ SAI



Chọn lô đất tốt xây được ngôi nhà mới
ông mở tiệc mừng tân gia
“Đến chơi! Hay lắm!”
thư ông viết
mời bằng hữu gần xa

Ngay giữa trang thư một bản đồ
dọc ngang tự tay ông vẽ
và lời chỉ dẫn cặn kẽ
đường đi nước bước đến cuộc vui

Giờ hẹn đến rồi
chưa thấy bóng khách mời nào xuất hiện
đồ ăn nguội lạnh
bàn tiệc vẫn vắng tanh

Vài ngày sau
ông nhận được mấy thư trả lời
trong thư chỉ vỏn vẹn:
“Xin lỗi!
Không tìm thấy nhà.”

PHẠM ĐỨC NHÌ

Lời Bình Ngắn:

Ngoài chức năng thẩm mỹ - truyền cho người đọc cái hay, cái đẹp của văn chương nói chung và nghệ thuật thi ca nói riêng – bài thơ còn có một chức năng khác không kém phần quan trọng: Chức năng truyền thông.

Bài thơ nào cũng chứa một thông điệp mở (open message) mà tác giả muốn chuyển đến người đọc. Để hoàn thành chức năng truyền thông bài thơ phải vừa là thông điệp vừa đồng thời là tấm bản đồ chỉ đường để người đọc theo đó tới đúng bến bãi, hiểu được thông điệp, “bắt” được tứ thơ. Tứ thơ chính là cái thông điệp mở ấy. Nói nôm na là nghĩa đen của bài thơ

Nếu người đọc không “bắt” được tứ thơ nhiều phần là do chức năng truyền thông của bài thơ thất bại – nghĩa là do lỗi của tác giả.

Có nhiều bài thơ - nếu tác giả sử dụng ẩn dụ hoặc Show, Not Tell - còn có thông điệp kín (hidden message), nghĩa bóng của bài thơ. “Bắt” được thông điệp kín hay hiểu được nghĩa bóng của bài thơ là do trình độ hoặc mức nhạy cảm của người đọc. Nếu người đọc không "bắt" được thông điệp kín xin đừng đổ thừa tại tác giả. 

Bài thơ Tấm Bản Đồ Vẽ Sai cũng chứa một thông điệp kín liên quan đến chức năng truyền thông của bài thơ. Rất hy vọng các bạn đọc trẻ - dù ít kinh nghiệm - cũng có thể “bắt” được cái thông điệp kín ấy.

PHẠM ĐỨC NHÌ
nhidpham@gmail.com


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét