Thứ Năm, 11 tháng 1, 2018

ẨN DỤ TRONG "SÔNG LẤP"



                                 

Có một bạn đọc trẻ trên FB nhắn tin, đặt cho tôi hai câu hỏi:

1/ “Nếu sau tứ thơ có ẩn ý của tác giả mà mình là người đọc không cảm nhận được thì do lỗi của ai?
2/ "Trên quãng đường đi tiếp để tìm 'thông điệp kín' sau khi đã "bắt" được tứ thơ, nếu liên tưởng của mình không đến cùng chỗ với tác giả thì điểm đến của ai đúng?”

Để trả lời hai câu hỏi rất xác đáng ấy tôi sẽ giới thiệu một số bài thơ có ẩn ý của tác giả (hidden messages) để cùng bạn đọc thảo luận.

Như tôi đã viết trong bài Chức Năng Truyền Thông Của “Cánh Đồng”:

Thơ của những thi sĩ non tay thường là “tứ hết thì ý cũng chẳng còn”. Bước chân vào “điểm đến của tứ thơ” là người đọc có quyền ung dung ngơi nghỉ. Hành trình thưởng thức thơ của ngài đã chấm dứt. Ngược lại, với bài thơ của thi sĩ cao tay, khi người đọc vào “điểm đến của tứ thơ”, nếu muốn, ngài có quyền thả hồn đi tiếp. Và cái hay, cái đẹp thực sự của thơ, cái đem lại cho người đọc rất nhiều khoái cảm thường tụ hội ở đoạn đường đi tiếp ấy.

                       SÔNG LẤP
               Sông xưa rày đã nên đồng
              Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai
              Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
              Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.
              (Trần Tế Xương)

Dựa vào 2 câu cuối của bài thơ tôi có thể suy luận ra mấy điều sau:

     a/ Khúc sông Vị Hoàng chảy qua khu nhà của Tú Xương thuộc làng Vị Xuyên không có cầu bắc qua sông.
     b/ Nhà ông Tú không ở sát, nhưng cũng không xa bến đò ngang lắm; ở đấy có thể nghe được tiếng gọi đò vọng lại.
     c/ Ông rất nặng lòng với khúc sông đầy kỷ niệm, với quãng đời lúc con sông chưa bị lấp, đến nỗi chỉ “vẳng nghe tiếng ếch bên tai” ông cũng giật mình tưởng tiếng gọi đò từ những năm xưa cũ.

Nhưng nếu “vẳng nghe tiếng ếch bên tai” mà người đọc chỉ tưởng “tiếng ai gọi đò” để từ đó nhớ đến bến đò ngang cạnh nhà ông và rồi đến con sông Vị Hoàng ngày xưa (nay đã bị lấp) thì … bất công với Tú Xương quá. Nếu dòng liên tưởng chỉ dừng ở đấy thì bài thơ đã bị giảm đi ít nhất 90% giá trị nghệ thuật. Nếu chỉ có thế người ta đâu có gọi Sông Lấp là “tiếng thở dài thế sự” của Tú Xương.

Dĩ nhiên, ông cũng nhớ đến con sông mà vợ ông đã “quanh năm buôn bán” ở đó để nuôi sống một gia đình đông đúc “năm con với một chồng”. Nhưng con sông chỉ đóng vai chiếc cầu để ông trở về cái thời tạm gọi là vàng son của ông, cái thời còn ngồi chiếu tiên chỉ của làng Vị Xuyên, cái thời mà mọi người gọi ông là Ông Tú với giọng kính trọng một nhà nho có văn tài, cái thời ông còn tràn trề hy vọng khi nghĩ đến kỳ thi sắp tới, và trong lòng ông, niềm tin ở quê hương đất nước vẫn còn rực sáng.

Còn cái lúc ông viết Sông Lấp, ách cai trị của người Pháp đã lan tỏa, đã xâm nhập vào mọi ngõ ngách của cuộc sống người dân Việt, nền Nho học đang lụi tàn, con đường tương lai của ông đang đi vào ngõ cụt. Ông đành quay lại nhìn, nuối tiếc cái thời xa xưa ấy để rồi buông “tiếng thở dài thế sự”.

Cái thú khi đọc một bài thơ có phép ẩn dụ – tác giả   nói về cái này mà ngụ ý cái kia – là lần theo tứ thơ để tìm, để khám phá ý của tác giả. Phép ẩn dụ càng kín thì, khi người đọc, bằng khả năng liên tưởng của mình, hiểu được, cảm thông được tâm tình mà tác giả muốn chia sẻ, sự ngạc nhiên và thích thú càng gia tăng, bài thơ càng được đánh giá cao.

Phép ẩn dụ trong Sông Lấp rất kín, kín đến nỗi ngay cả có người bình bài thơ ấy cũng không thấy được, cảm được ẩn ý của tác giả. (1) Có thể nói Sông Lấp không phải là một đoàn quân trùng trùng, điệp điệp, nhưng lại có bề thế của một mặt trận, một điệp vụ tình báo siêu đẳng, đưa được những điệp viên thượng thặng, bí mật nằm giữa bộ chỉ huy của quân địch.

Phép ẩn dụ ấy được kết hợp một cách tài tình với thủ pháp “show, not tell”, tạo ra một chuỗi những chiếc cầu liên tưởng, dẫn người đọc đi từ hình tượng này đến hình tượng khác. Từ tiếng ếch kêu, trong hoàn cảnh riêng của mình, trong tâm tình riêng của mình, nhà thơ “tưởng tiếng ai gọi đò”. Đây là một liên tưởng rất riêng tư; nếu ông không bộc bạch, bày tỏ thì người đọc khó có thể đoán ra được. Biết thế nên ông đã đưa tay dắt chúng ta bước lên chiếc cầu đầu tiên. Đến 2 chiếc cầu liên tưởng kế tiếp thì người đọc đã có thể tự mình qua được; từ tiếng gọi đò nhớ bến đò ngang, từ bến đò ngang nhớ con sông Vị Hoàng ngày xưa, nay đã bị lấp.

Khi từ con Sông Lấp đặt chân lên chiếc cầu sau cùng, bằng vốn kiến thức về lịch sử, văn học sử, cộng với một chút trực giác thi ca, người đọc sẽ bắt gặp nỗi lòng sâu kín của nhà thơ: nhớ thương, tiếc nuối cái thời tạm gọi là vàng son của mình, cái thời Nho học vẫn còn chỗ đứng khá trang trọng trong đời sống người dân Việt. Và người đọc sẽ tròn xoe mắt “À” lên một tiếng khoái trá.


Lời Bàn:


Nếu bạn hiểu rằng qua bài thơ, tác giả bày tỏ “nỗi tiếc nhớ con sông Vị Hoàng (nay đã bị lấp) đã cùng với gia đình ông trải qua một quãng đời đầy kỷ niệm” thì bạn đã bắt được tứ thơ. Chức năng truyền thông của bài thơ đã thành công. Bạn – cũng như một số người đọc khác – không đủ nhạy cảm để thả hồn đi tiếp cũng là chuyện thường tình. “Không phải tại anh cũng không phải tại em”. Tác giả và người đọc đều hoàn thành nhiệm vụ. Chả ai có lỗi cả.
 
Nếu hồn thơ của bạn đến được chỗ ông Tú Vị Xuyên “nhớ thương, tiếc nuối cái thời tạm gọi là vàng son của mình, cái thời Nho học vẫn còn chỗ đứng khá trang trọng trong đời sống người dân Việt” thì bạn đã hiểu trọn vẹn cả tứ lẫn ý của bài thơ. Với tôi, độ nhạy cảm và trình độ thưởng thức thơ của bạn rất đáng nể.

Còn nếu bạn muốn suy nghĩ khác người, cho rằng “Ông Tú bàng hoàng nhớ đến con sông nhiều kỷ niệm vì đã có mối tình với một cô đầu nào đó ở cạnh bờ sông” thì đó cũng là quyền của bạn. Nhưng khi suy nghĩ của bạn xuất hiện trên văn bản – trong trường hợp này - tôi đoan chắc bạn sẽ lãnh đủ búa rìu dư luận. (2)

CHÚ THÍCH:

1/ Về Bài Thơ Sông Lấp Của Trần Tế Xương, Vũ Bình Lục, 

2/ Trong bài sau tôi sẽ giới thiệu bài thơ mà ẩn ý của tác giả (hidden messages) có nhiều hơn một điểm đến.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét