Thứ Tư, 24 tháng 1, 2018

XẠO NGHỆ THUẬT TRONG THƠ

Xạo Nghệ Thuật - Lối Nói Thậm Xưng

Khác với dối trá đời thường (trong thơ), lối nói thậm xưng là một kiểu “xạo” đầy tính nghệ thuật. Tác giả cũng “phịa” ra những điều không thật nhưng với mục đích “để tạo sự đột phá, thay đổi cái trật tự đời thường bằng cái phi lý mà có lý trong nghệ thuật” (2)

Thí dụ:

Trong bài thơ Muốn Gởi Cho Em của thi sĩ Phạm Hữu T (tặng Phượng Kim Ngọc Huỳnh) thì câu:

Muốn gởi cho em
chút gió biển Galveston

là một câu “xạo tới bến” vì gió từ biển Galveston (ở Mỹ) làm sao gởi về Việt Nam được? Nhưng phần sau của đoạn thơ lại là những cái “có lý trong nghệ thuật”.

Gió từ Mỹ gởi về:

để dịu bớt cái nắng Sài Gòn gay gắt.

Có lý quá đi chứ! Và hai câu kế tiếp:

nhưng sợ người ta đang đi mà chợt mát
rồi bồi hồi
nhớ nhớ thương thương.

vừa trữ tình lãng mạn - khi mượn ý của Nguyên Sa trong Áo Lụa Hà Đông -  lại vừa khôi hài ý nhị. Đoạn thơ mở đầu thật tuyệt vời. (3)

(Xin mở ngoặc nói thêm: Bài thơ là của Phạm Hữu T với cái tựa Muốn Gởi Cho Em; thí dụ trên được trích trong bài bình thơ Mối Tình Xuyên Lục Địa của tôi (PĐN)

Đây là kiểu xạo nghệ thuật, “xạo dễ thương”, nâng cao giá trị của bài thơ.

Xạo Nghệ Thuật – Ca Từ Trịnh Công Sơn

Nhiều người khen ca từ của Trịnh Công Sơn nhiều câu hay hơn cả thơ. Tôi chọn câu sau đây trong bài Như Cánh Vạc Bay:

Tóc em từng sợi nhỏ
rớt xuống đời làm sóng lênh đênh

Ôi! Chỉ có mấy sợi tóc nàng rớt xuống – không phải xuống hồ hay sông, biển - mà là xuống đời cũng đủ làm đời “dậy sóng”, làm biết bao phận người chao đảo, ngả nghiêng. Làm sao mà thực được. Nhưng lại rất đẹp, rất “thơ” và rất tuyệt. Nghe rất khoái, rất đã.


Tôi có cảm tưởng, bằng câu ca từ trên (và một số câu khác nữa), TCS không làm thơ nhưng ca từ của ông – không những đẹp hơn, hay hơn – mà hình như đã bước lên một tầng bậc mới, cao hơn hẳn thứ ngôn ngữ thường thấy ở trong thơ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét