Thứ Năm, 18 tháng 1, 2018

NẾU BÀI THƠ CÓ NHIỀU "THÔNG ĐIỆP KÍN"

                               


Từ Một Câu Đố

Hồi nhỏ, một đám đông cả người lớn lẫn trẻ con trong đó có tôi, được ông hàng xóm ra câu đố:

Thân em lắm lớp nhiều lông
Đến khi khôn lớn lấy chồng miền xa
Ở nhà với cha thì còn toàn vẹn
Đi lấy chồng thì toạc hoác ra.

Đố là cái gì? Xuất: thực vật

Một hồi lâu không có ai lên tiếng và ông hàng xóm đưa ra câu trả lời: Trái bắp. Sau đó có người đưa ra câu trả lời khác: Búp măng. Ông hàng xóm (người ra câu đố) ngẫm nghĩ một hồi rồi (có lẽ thấy hợp lý) đã chấp nhận đó cũng là câu trả lời đúng.

Mà suy nghĩ thì thấy cả 2 câu trả lời đều hợp lý thật. Bắp và búp măng đều lắm lớp nhiều lông - vỏ bắp và vỏ búp măng đều nhiều lớp, râu bắp và lông măng thì ôi thôi, vô số kể. Đến khi “khôn lớn” sử dụng được thì bị người ta bẻ về (lấy chồng miền xa). Lúc dính vào thân cây thì “còn toàn vẹn”, khi đã về tay người thì họ bóc toạc hoác ra (để nấu ăn).

Bây giờ nhìn lại tôi thấy câu đố trên giống một bài thơ áp dụng thủ pháp Show, Not Tell. Sau khi hiểu nghĩa đen của câu đố, nghĩa là “bắt” được tứ thơ, nếu đi xa hơn để tìm ẩn ý của tác giả thì sẽ dựa vào dữ kiện được cung cấp trong câu đố để suy nghĩ, tự tìm ra câu trả lời. Trong trường hợp này ít nhất đã có 2 câu trả lời hợp lý, được chấp nhận – nghĩa là đoạn đường đi thêm sau khi “bắt” được tứ thơ có 2 điểm đến.

Đó là chuyện câu đố - giống thơ nhưng không phải thơ. Bây giờ mới thực sự bước vào thế giới thơ.

Bài Thơ “À Ra Thế” Vào Cuộc

Hôm nọ có một bạn FB tặng tôi 2 câu hỏi. Tôi mới trả lời câu hỏi thứ nhất ở bài trước. Hôm nay xin bước vào câu hỏi thứ hai:

Trên quãng đường đi tiếp để tìm “thông điệp kín” sau khi đã  “bắt” được tứ thơ nếu liên tưởng của mình không đến cùng chỗ với tác giả thì điểm đến của ai đúng?”

Tôi chọn bài thơ À Ra Thế mà chính tôi là tác giả để minh họa cho câu trả lời của mình vì 3 lý do:

1/ Đây là bài thơ mà đoạn đường đi tiếp sau khi đã “bắt” được tứ thơ có nhiều hơn một “thông điệp kín” - ẩn ý, ngụ ý của bài thơ.

2/ Tôi đã trao đổi với khá nhiều độc giả về bài thơ này, qua đó được chia sẻ một số “thông điệp kín” riêng của mỗi người. 

3/ Nếu sử dụng bài thơ khác thì lúc bàn đến “thông điệp kín”, tôi, với tư cách độc giả, lại phải đoán già, đoán non. Mà dù đoán dựa vào suy luận hợp lý (educated guess) thì cũng vẫn chỉ là đoán. Ở đây, vì là bài thơ của chính mình nên khi “thông điệp kín” được tiết lộ, độc giả biết ngay đó là của tác giả, không sợ trường hợp lao vào lý luận, giải thích đến đầu đến đũa thì tác giả lại bước ra tuyên bố “Xin lỗi! Quý vị đoán sai rồi. Đó không phải là ý của tôi.”


À Ra Thế!

Mấy đứa con tưởng tôi hà tiện
sợ tốn điện
hao tiền
thật ra
không phải vậy.

Thuở ấy
bụng tôi rất săn
chỉ hơi lên gân
sáu cục nổi lên cuồn cuộn

Phía dưới bụng
thằng Cu Tý
hùng dũng hiên ngang
tư thế sẵn sàng chiến đấu

Tắm xong đứng trước gương
càng nhìn càng thấy thương
càng nhìn càng hãnh diện

Bẵng đi mấy chục năm
một hôm đang tắm chợt nhìn lại mình
bụng không còn sáu cục
mà phình ra cao hơn ngực

Phía dưới bụng
thằng Cu Tý
gầy yếu xanh xao
gục đầu rũ
càng nhìn càng thấy buồn
càng nhìn càng tủi hổ

Từ đó
tôi có thói quen
tắm đêm
không mở đèn.

(Phạm Đức Nhì)

Tứ thơ: 

Thằng Cu Tý của tác giả, theo thời gian, bị thoái hóa, không những bất khiển dụng mà còn trông mất thẩm mỹ khiến tác giả phải tắm đêm, không mở đèn để khỏi phải nhìn thấy hình thù thảm não của nó; báo hại mấy đứa con lại tưởng rằng ông bố hà tiện (đến độ bủn xỉn), không mở đèn vì sợ tốn tiền điện.

Ẩn Ý Của Tác Giả

Hãy tính đến gánh nặng tuổi tác – nó đến lặng lẽ và bất ngờ - khi dự định kế hoạch cho cuộc sống.  

Một Số Điểm Đến Của Bạn Đọc

     a/ Một người mẫu thời trang:

Hương sắc, sức khỏe chỉ có một thời; còn làm được phải gắng làm để kiếm tiền dưỡng già.

     b/ Mấy tuyển thủ bóng rổ, bóng đá, bơi lội:

Tài năng, sức khỏe đỉnh cao chỉ có một thời; hãy tận sức khi có thể.

     c/ Một người sợ “phí của giời”:

Lúc còn chơi được hãy chơi tới bến, tận hưởng cuộc sống để sau này khỏi hối tiếc. Đèn sắp cạn dầu, đốt lên cho sáng cuộc đời.

     d/ Một sinh viên đại học (vừa học, vừa làm):

Học, làm việc, phục vụ nhưng cũng phải sống, phải chơi để khỏi phí tuổi thanh xuân.

     e/ Mấy thi sĩ, văn sĩ:

Còn sức khỏe, khả năng, phải gắng “rút ruột nhả tơ” cống hiến cho nhân loại.

     f/ Một người có tâm đạo (Phật):

Vạn vật đều trải qua 4 giai đọan thành, trụ, hoại, diệt, đó là vô thường; hãy chuẩn bị tâm lý thích hợp để đối diện với nó, chấp nhận nó.
    
Tóm lại, bạn đọc đưa ra khá nhiều “thông điệp kín”. Có một số trùng nhau, tôi lọc lại. Có một số không hợp lý, tôi loại ra. Nhưng tôi biết với tứ thơ “rộng mở” như À Ra Thế sẽ còn nhiều điểm đến khác nữa. Theo tôi, riêng bài thơ này, mỗi người, tùy hoàn cảnh, có thể chọn điểm đến cho riêng mình.

Kết Luận

Cho nên với câu hỏi

Trên quãng đường đi tiếp để tìm ‘thông điệp kín’ sau khi đã bắt được tứ thơ, nếu liên tưởng của mình không đến cùng chỗ với tác giả thì điểm đến của ai đúng?”

thì câu trả lời sẽ là:

Liên tưởng nào hợp logic và nằm trong vùng phủ sóng của tứ thơ cũng đúng và cũng sẽ được chấp nhận.

Nói cách khác, nếu sau khi độc giả “bắt” được tứ thơ mà bài thơ có nhiều “thông điệp kín” (hidden messages) thì độc giả, tùy hoàn cảnh hoặc khẩu vị riêng, có thể thả hồn về một điểm đến khác với điểm đến của tác giả mà vẫn được coi là người thưởng thức thơ sành điệu. Miễn sao liên tưởng của ngài hợp logic và nằm trong vùng phủ sóng của tứ thơ.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét