Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2016

ÔNG ĐỒ VÀ ĐẰNG VƯƠNG CÁC TỰ



              ÔNG ĐỒ VÀ ĐẰNG VƯƠNG CÁT TỰ


 Nhắc đến “tuyệt chiêu” thi hóa thân thành họa" của Ông Đồ tôi lại nhớ đến hai câu thơ chữ Hán mà thời còn ở trung học, một vị giáo sư của tôi đã cho là hai câu thơ tả cảnh tuyệt vời của văn chương Trung Hoa:

Lạc hà dữ cô vụ tề phi
Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc

Trần Trọng San dịch:

Ráng chiều rơi xuống, với cánh cò đơn chiếc cùng bay
Làn nước sông thu với bầu trời kéo dài một sắc.


Sau này đi tù, có dịp gần gũi với nhiều bậc thức giả, kiến văn rộng, tôi lại nhiều lần được nghe họ trầm trồ khen ngợi hai câu thơ “độc nhất, vô nhị” đó nữa. Chính tôi, vừa đọc, vừa thả hồn vào cái cảnh trời mà hai câu thơ ấy vẽ nên, cũng thấy đẹp và hay thật; chữ nghĩa đã hoàn toàn tan biến, hóa thân thành một bức tranh thơ tuyệt tác. Và sau đây là hoàn cảnh ra đời của hai câu thơ ấy.


 Con vua Đường Cao Tổ là Nguyên Anh được phong là Đằng Vương, khi nhậm chức thứ sử tại Tô Châu đã sai đô đốc Hồng Châu xây cất một ngôi gác để làm chỗ ở. Ngôi gác tọa lạc tại quận Nam Xương, bên sông Tầm Dương, được đặt tên là Đằng Vương các. Năm Hàm Thuần thứ hai, sau khi hoàn tất công việc trùng tu Đằng Vương các, đô đốc Hồng Châu lúc ấy là Diêm Bá Tự mở đại yến mời tao nhân mặc khách đến sáng tác thơ văn để ghi nhớ.

Vương Bột bấy giờ 19 tuổi, nổi tiếng là văn hay, thơ phú giỏi, đã giong thuyền trên 100 dặm để đến dự bữa đại yến này. Khi được đưa giấy bút mời trổ tài thơ, chàng trai họ Vương khẳng khái đón nhận và ngay tại buổi tiệc đã sáng tác trọn vẹn bài Đằng Vương Các Tự.

Bài tự khá dài (hơn 760 chữ) có thể chia làm 5 phần:


  • Địa lý và con người ở quận Nam Xương, nơi xây Đằng Vương các.
  • Ngợi ca chủ và khách tham dự bữa tiệc.
  • Tả phong cảnh xung quanh (từ Đằng Vương các nhìn ra).
  • Cảm tưởng của riêng tác giả.
  • Đoạn kết là bài thơ thất ngôn bát cú cổ phong tuyệt bút.
    Hai câu thơ được đời sau nhắc đến và ca tụng hết lời, nằm ở phần tả phong cảnh xung quanh.
Tôi hơi dài dòng về nguồn cội, xuất xứ của hai câu thơ là để có thể đưa ra mấy lời nhận xét như sau:

         1/ Không còn nghi ngờ gì nữa, Đằng Vương Các Tự là một bài tự hay, một áng văn đẹp, được viết bởi một chàng trai trẻ tuổi, ngay từ thuở thiếu nhi đã nổi tiếng có tài văn thơ. Lời văn trong bài tự rất văn hoa, bóng bẩy, đẹp một cách hào nhoáng, lộng lẫy, được viết bằng lối văn biền ngẫu nên đọc lên nghe rất cân đối, nhịp nhàng, trơn tuột như một bài thơ.

      2/ Vương Bột lặn lội đường xa đến dự yến với mục đích biểu diễn, phô trương kiến thức uyên bác, văn tài điêu luyện của mình nên bài tự chữ dùng nhiều chỗ cầu kỳ, nhiều điển cố khó hiểu.

      3/ Ông viết bài tự để tặng người chủ bữa tiệc nên nhiều chỗ chữ nghĩa không thật sự phát xuất từ lòng mình, từ tấm chân tình của mình, nhiều câu có tính đãi bôi, đầy cung cách xã giao, nghe rất sáo.

      4/ Trong đám rừng hoa chữ nghĩa ấy nổi bật lên một cụm hoa thật đẹp, thật tươi thắm, đứng lẻ loi như một bức tranh thơ riêng biệt, có ma lực hớp hồn những người thưởng ngoạn. Đó chính là hai câu:

Lạc hà dữ cô vụ tề phi
Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc.

      5/ Nhưng cây hoa ấy, bức tranh thơ tuyệt đẹp ấy, lại được đặt ở rất xa, mãi tận góc vườn, lẫn lộn với nhiều đồ vật trang trí khác, góp một phần rất khiêm tốn, điểm tô cho Đằng Vương các.

         Trong khi đó, Ông Đồ của Vũ Đình Liên, ngôn ngữ bình dị hơn, là cả một bộ truyện bằng tranh thơ sinh động. Người đọc không phải “đãi cát tìm vàng” như khi đọc Đằng Vương Các Tự, mà, với Ông Đồ, họ có thể thấy ngay trước mắt mình cả một hàng những thỏi vàng óng ánh.


Tham Khảo


  • thivien.net
  • my.opera.com
  • vi.wikipedia.org
  • hoasontrang.us
  • chimvie3.free.fr
  • haivan.8m.net
  • chantam.net
  • saimonthidan.com
     
     
Phạm Đức Nhì


Blog chuyên bình thơ

phamnhibinhtho.blogspot.com

 

 



 


 


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét