Hôm ấy được mời nhậu ở nhà một ông
chủ tàu đánh tôm. Trong khi chờ đợi mấy món hải sản đặc biệt của vùng biển
Galveston đang xào nấu thơm lừng dưới bếp, tôi ngồi cùng mấy tay ngư phủ khác nhâm
nhi lon bia với tôm khô củ kiệu, nghe chủ nhà thao thao bất tuyệt chuyện tàu bè,
lưới chài, tôm cua cá.
Thấy tôi như vịt nghe sấm chủ nhà nghe chừng mất hứng
bèn mở một DVD ca nhạc cho tiệc rượu thêm vui vẻ. Và tôi đã có dịp nghe bản
nhạc Một Phút Đam Mê của Lưu Hoàng Lê do Đàm Vĩnh Hưng hát. Phần trình diễn của
Đàm Vĩnh Hưng khá tốt nhưng không cứu được bản nhạc dưới trung bình. Loáng
thoáng nghe câu cuối “… trái sầu nặng rơi rớt bên thềm” tôi yên lặng chú ý lắng
nghe khi ĐVH trở lại điệp khúc và kết thúc bản nhạc:
Một mình lê bước, lang thang bên thềm xưa
Người tình
ở đâu, bóng dáng xưa đâu còn
Giờ ta lẻ
loi, ta ngu khờ rong chơi quên ngày tháng
Nhắm mắt ta
nghe, ôi trái sầu nặng rơi rớt bên thềm.
Tôi nhớ đến 2 câu trong bài thơ Ngậm
Ngùi của Huy Cận:
Tay anh em
hãy tựa đầu
Cho anh
nghe nặng trái sầu rụng rơi
và phì cười về cái cách hiểu trái sầu của Lưu Hoàng Lê.
Khoảng vài năm trước, dự một chương
trình văn nghệ ở Houston, sau khi nghe dứt bản Ngậm Ngùi do Phạm Duy phổ nhạc
một khán giả ngồi sau lưng tôi bình phẩm:
“Mẹ! Nằm bên người yêu mà còn ôm
theo cả nỗi sầu nhân thế nữa”
Tôi quay xuống hỏi chuyện:
Sao anh lại nói vậy?
Anh ta trả lời:
Thì 2 câu cuối chứ còn gì nữa. Có
em tựa đầu trên tay mà tay kia còn ôm hết cả buồn sầu trong thiên hạ.
Tôi gật đầu cười xã giao, nhưng cảm
thấy hơi lạ. Trông anh ta quần áo bảnh bao, dáng vẻ trí thức, yêu thích văn
nghệ mà lại hiểu hai câu thơ của Huy Cận như thế sao! Thế rồi thỉnh thoảng
trong những dịp họp mặt văn thơ tôi đẩy Ngậm Ngùi ra làm đề tài bù khú và sau
đó có thể rút ra kết luận: Hiểu “trái sầu rụng rơi” như nhạc sĩ Lưu Hoàng Lê và
anh khán giả ngồi sau lưng tôi không phải là trường hợp cá biệt.
Nắng chia nửa bãi chiều rồi
Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá sầu
Sợi buồn con nhện giăng mau
Em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây,
Không biết nhà thơ đã đến nghĩa
trang từ lúc nào? Và đã ngồi thả hồn vào kỷ niệm với cô em gái bao lâu? Nhưng
khi bắt đầu muốn, như ngày xưa, xòe quạt ru em ngủ thi trời đã về chiều, cây
trinh nữ đã “xếp đôi lá sầu”. Cẳnh chiều hoang vắng, đẹp và buồn rất hợp với
cảnh thi sĩ ngồi lặng lẽ tâm tình với người em bên mộ.
Lòng anh mở với quạt này
Trăm con chim mộng về bay đầu
giường
Ngủ đi em mộng bình thường
Ru em sẵn tiếng thùy dương đôi
bờ.
Thi sĩ xòe mở quạt cũng như mở toang
cánh cửa lòng để hàng trăm con chim mộng từ khắp nơi bay về. Chàng thì thầm với
em: “Hãy để tiếng lòng anh cùng với tiếng thùy dương ru em vào giấc ngủ; và nhớ
chọn giấc mộng thật bình thường em nhé”.
Cây dài bóng xế ngẩn ngơ
Hồn anh đã chín mấy mùa thương
đau.
Thế rồi bóng cây đã dài, trời đã sắp
tối, nỗi đau thương trong hồn đã chín, trái sầu đã trĩu nặng, thi sĩ vẫn nán
lại để cùng cô em gái “sống” một giấc mơ, một kỷ niệm sau cùng trước khi từ
giã. Cảnh và tình kết hợp, quyện lẫn với nhau thành một bức tranh thơ rất buồn,
rất đẹp.
Tay anh em hãy tựa đầu
Cho anh nghe nặng
trái sầu rụng rơi
Và chàng mơ thấy em tựa đầu lên tay
mình như ngày xưa còn bé, mắt nhắm, giấc ngủ bình yên. Ôi! Đúng lúc ấy trái sầu
trĩu nặng trong hồn chàng bấy lâu bỗng đứt cuống rụng rơi, biến mất. Người
chàng nhẹ nhàng bay bổng; hạnh phúc ập đến choáng ngợp tâm hồn.
Lưu Hoàng Lê và vị khán giả ngồi sau
lưng tôi tưởng rằng trái sầu rụng rơi
cũng giống buồn sầu từ đâu đó đổ ập xuông người mình. Và nhạc sĩ – khi diễn tả
nỗi buồn vì mất người yêu – đã hạ bút: “bước chân đi nghe trái sầu nặng rơi rớt
bên thềm”. Còn vị khán giả nọ thì la toáng lên: “Nằm bên người yêu mà còn ôm theo
cả nỗi sầu nhân thế”. Thật là sự hiểu lầm tai hại. Huy Cận ra về mà lòng buồn
bã đến độ thẫn thờ không phải vì trái sầu rụng rơi mà là vì việc trái sầu rụng rơi chỉ là mơ mộng hão
huyền chứ không phải là sự thật.
Đến đây xin bạn đọc đừng quên phần
cuối của tứ thơ mà tác giả muốn để quý vị tự suy diễn, tự hiểu. Đó là: trái sầu rụng rơi chỉ như một thoáng mơ qua. Thực tại
phũ phàng, ngay lập tức, đã quay lại. Em vẫn nằm sâu dưới mộ, thi sĩ vẫn một
mình giữa nghĩa trang hiu quạnh. Và trái sầu trong ông vẫn trĩu nặng tâm hồn.
Tóm lại, Ngậm Ngùi là bài thơ rất
hay; ngôn ngữ cao sang, hình ảnh đẹp, tâm tình sâu lắng, nhưng tứ thơ hơi khó
“bắt”
Thật ra, nỗi buồn của tác giả rất
bình thường: ngậm ngùi đau thương tiếc nhớ một đứa em gái thân yêu yểu mệnh. Có
điều cách ông diễn tả nỗi buồn ấy - thủ pháp “Show, Don't Tell” - hơi kín. Ông
chỉ hé mở có một phần nhỏ, phần lớn còn lại người đọc phải tự mở ra để cảm nhận.
Dĩ nhiên, không ít người “bé cái lầm”. Đó là chuyện bình thường trong đọc thơ
và thưởng thức thơ.
Riêng những ai đã đâm thủng được cái
vỏ bọc dầy cứng của ngôn ngữ, cảm thông được tâm sự của thi sĩ thì phần thưởng
không phải là vật chất bạc tiền mà là một niềm sảng khoái nhẹ nhàng lan tỏa
trong tâm hồn.
Chính cái niềm sảng khoái ấy, chính cái hạnh phúc đơn sơ ấy
khiến thi sĩ sẽ còn tiếp tục làm thơ, người đọc sẽ còn tìm đến thơ, thả hồn vào
thơ. Và người bình thơ sẽ tiếp tục làm nhiệm vụ của một hướng dẫn viên du lịch
(tourist guide) dẫn người đọc đi vào hồn thơ của tác giả.
THAY PHẦN CHÚ THÍCH
Nhân Vật EM Là Ai?
Mấy tháng trước tôi có viết bài Ngậm Ngùi: Trái Sầu Trĩu Nặng trong đó tôi – cũng như rất nhiều người yêu thơ ở miền Nam trước đây - coi nhân vật EM của bài thơ là người tình tưởng tượng, người tình trong mộng của tác giả. Nhưng lần theo dòng chảy của tứ thơ tôi thấy có cái gì đấy không ăn khớp, không hoàn toàn hợp lý. Bài viết đã hoàn tất nhưng vẫn giữ trong kho, không phổ biến.
Cách đây vài tuần tôi may mắn đọc được bài Về Bài Thơ Ngậm Ngùi của Phan Thanh Minh trên trang web donggianghoanghoathamdn.wordress.com có đoạn:
Trên báo Quảng Nam Cuối Tuần hồi năm 2006, Cù Huy Hà Vũ – con trai nhà thơ trong loạt bài viết về chuyện tình bạn, tình thơ giữa Huy Cận và Xuân Diệu có nói rằng bài thơ ấy không phải viết cho mẹ của mình là bà Ngô Thị Xuân Như – em gái Xuân Diệu hay cho mối tình nào đấy. Và sau đó, trong chương trình âm nhạc cuối tuần của Đài RFA cũng như chương trình văn học nghệ thuật của Đài RFI, anh Hà Vũ khẳng định lại, bài thơ Ngậm Ngùi được viết cho người em gái ruột của nhà thơ mất khi còn nhỏ, độ tuổi trăng rằm, khi nhà thơ đến thăm mộ.
Thấy nguồn tin khả tín tôi gọi điện thoại vài nơi để kiểm chứng và được xác nhận “Việc Cù Huy Hà Vũ khẳng định bài thơ Ngậm Ngùi được Huy Cận viết cho người em gái ruột mất khi còn nhỏ khi nhà thơ đến thăm mộ” là có thật. Do đó trong bài viết trên tôi đã xem nhân vật EM trong bài thơ là em gái của tác giả. Và “cái gì đấy không ăn khớp, không hoàn toàn hợp lý” đã biến mất.
ANH hay là EM với dấu chấm hỏi ở cuối câu?
Đọc câu thứ 10 của bài thơ:
Hồn em đã chín mấy mùa thương đau? (1)
Tôi liên tưởng đến Tống Biệt Hành của Thâm Tâm. Cái đoạn gay cấn nhất, lưu lại ấn tượng nhiều nhất cho người đọc lại không phải là tâm sự của chính tác giả (người đưa tiễn) mà chỉ là nỗi lòng của người ra đi được tác giả phát biểu giùm. Câu 10 của Ngậm Ngùi cũng vậy. Nói chuyện với hồn ma, khi chết mới độ tuổi trăng rằm, mà hỏi “hồn em đã chín mấy mùa thương đau?” thì cũng hơi lạ. Nhưng tai hại nhất là câu hỏi ấy đã ảnh hưởng đến hai câu kết:
Tay anh em hãy tựa đầu
Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi.
Trái sầu đã chín là của cô em gái. Ông anh mời gọi: “Em cứ tựa đầu lên tay anh thì trái sầu trĩu nặng của em sẽ rụng xuống ngay”.
- Trái sầu của người khác mà anh “biết” là nặng!
- Tựa đầu lên tay anh thì anh sẽ biết được, nghe được trái sầu ấy rụng rơi!!!
Nếu dựa vào phiên bản
(1) của câu 10 thì Huy Cận giống Thâm Tâm ở điểm “liều lĩnh đoán tâm sự của
người khác”. Hơn nữa, nó sẽ khiến đoạn kết lạc hẳn với ý chính của bài thơ:
ngậm ngùi, đau thương, tiếc nhớ người em gái đã mất. Cái hay của bài thơ sẽ
giảm đi quá nửa.
Mới đầu tôi ngờ rằng có ai đó viết nhầm ANH thành EM và vô tình để cái dấu chấm hỏi ở cuối câu. Vào tra Google rồi đọc các tuyển tập thơ hiện có trong tay thì đều thấy giống phiên bản (1) của câu 10. Riêng có bài Mỗi Kỳ Một Bài Thơ: Nắng Chia Nửa Bãi Chiều Rồi của Nguyễn Ngọc Tuấn trên trang Tiền Vệ trong đó câu 10 như sau:
Lòng anh đã chín mấy mùa thương đau (2) (không có dấu chấm hỏi)
Ở các nơi khác đều viết là “hồn”. Trong bài viết của mình Nguyễn Ngọc Tuấn ghi là “lòng” (nhưng không cho biết rõ xuất xứ). Trường hợp này theo tôi, “hồn” với “lòng” cũng không khác nhau bao nhiêu, có thể chấp nhận được. Như vậy là tôi đã có một đồng minh.
Nhân dịp về thăm quê ở miền Bắc tôi ra Hà Nội ghé vào Hội Nhà Văn Việt Nam. Gặp anh Ngô Thế Oanh ở văn phòng Tạp Chí Thơ (anh là Phó Tổng Biên Tập) tôi có hỏi về câu thơ này và được anh trả lời (đại ý): Trên văn bản thì hình như chỗ nào cũng là phiên bản (1), nhưng tôi cho rằng nếu dùng phiên bản (2) thì bài thơ hay hơn nhiều. Như vậy, tuy chỉ là trao đổi miệng (không có văn bản để trích dẫn), tôi đẵ có đồng minh thứ hai.
Và trong bài viết của mình tôi đã sử dụng phiên bản (2)
Hồn anh đã chín mấy mùa thương đau.
Tôi biết cách hiểu này, mặc dù có 2 đồng minh, rất khác và nhiều khi trái ngược với những bài phân tích, bình giảng bài thơ Ngậm Ngùi trên sách và các trang mạng văn học. Nhưng với mong ước đóng góp một cách hiểu mới cho bài thơ mình yêu thích từ thời còn đi học, tôi mạnh dạn đem bài viết trình làng. Rất mong đón nhận ý kiến, phê bình của bạn đọc yêu thơ.
Galveston 04/2015
PHẠM ĐỨC NHÌ
nhidpham@gmail.com
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.