Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2022

BÀI 7 KIẾM TÔNG VÀ KHÍ TÔNG

 

                   KIẾM TÔNG VÀ KHÍ TÔNG

 

 

1/ Phe Kiếm Tông: Chú Trọng “Chiêu Thức”.

 

Thi sĩ thường làm thơ ngắn (4 câu), thơ đường luật hoặc chọn thể thơ Trường Thiên phân mảnh đứt đoạn - nhiều đọan, mỗi đoạn 4 câu – (Thơ Haiku cũng thuộc loại này).

 

 Vì không có dòng chảy, cảm xúc hố nào nằm im ở hố đó không lưu chuyển nên không có “sóng sau dồn sóng trước”, không có cao trào, không có hồn thơ.

 

 Để chinh phục độc giả thi sĩ chỉ trông nhờ vào ý tứ, câu chữ, ngôn ngữ hình tượng, các thủ pháp kỹ thuật, các biện pháp tu từ, nói chung là cái đẹp văn chương.

 

Thí dụ:

 

A Word Is Dead 

 

A word is dead
When it is said,
Some say.

I say it just
Begins to live
That day.

(Emily Dickinson)

 

Dịch thoát:

 

Có người cho rằng

Một chữ khi được nói (viết) ra

Là đã chết

Tôi nói

Nó chỉ bắt đầu sống

Từ hôm đó

 

Khi con chữ được nói hoặc viết ra nó sẽ thuộc về một ngữ cảnh, một văn bản nào đó, bắt đầu được lưu truyền và bắt đầu sống.  Nếu được đặt đúng chỗ (đắc địa) trong một câu hay, một bài thơ có tứ mới lạ hoặc ý tưởng cao siêu nó sẽ tạo được ấn tượng sâu đậm nơi người đọc, người nghe và sẽ sống rất lâu.

 

Ngược lại, nó sẽ chết yểu, sẽ nhanh chóng đi vào quên lãng. Tác giả, qua bài thơ rất ngắn, nói đến sức sống của “con chữ” trong thơ (và cả trong cuộc đời).

 

Bài thơ có cảm xúc tầng 1 khá mạnh nhờ câu chữ chắc nịch, ý tứ sâu sắc. Cảm xúc tầng 2 cũng khá mạnh nhờ bố cục ngắn gọn, hợp lý. Nhưng cảm xúc tầng 3 (hồn thơ) không có vì lý trí dành hết quyền lèo lái và bài thơ quá ngắn.

 

Sông Lấp

 

Sông xưa rày đã nên đồng

Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai

Vẳng nghe tiếng ếch bên tai

Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.

 

Cái hay nhất của Sông Lấp, có thể tôn giá trị nghệ thuật của bài thơ lên nhiều nhất, là phép ẩn dụ - đúng hơn phải nói là sự kết hợp tài tình giữa thủ pháp “Show, Don’t Tell” và phép ẩn dụ để diễn đạt ý của tác giả.

 

Tiếng ếch giữa đêm khuya đã khiến ông giật mình thảng thốt nhớ đến bến đò cũ, con sông xưa, và rồi từ con sông ấy đã quay lại để thương, để nhớ, để tiếc một quãng thời gian đầy kỷ niệm của đời mình

 

Ẩn dụ thật tuyệt vời

 

 

 

 

ĐỢI

 

Anh đứng trên cầu đợi em
Dưới chân cầu nước chảy ngày đêm
Ngày xưa đã chảy, sau còn chảy
Nước chảy bên lòng, anh đợi em

Anh đứng trên cầu nắng hạ
Nắng soi bên ấy lại bên này
Đợi em. Em đến? Em không đến?
Nắng tắt, còn anh đứng mãi đây!

Anh đứng trên cầu đợi em
Đứng một ngày đất lạ thành quen
Đứng một đời em (1) quen thành lạ
Nước chảy... kìa em, anh đợi em.

(Vũ Quần Phương)

 

Thơ Đường Luật

 


Đường luật thất ngôn bát cú là một thể thơ có nhiều nguyên tắc khắt khe; vần đối niêm luật với những trói buộc của nó khiến thi sĩ luôn phải xoay ngang trở dọc đối phó nên ít có cơ hội chăm chút cho phần cảm xúc, hồn thơ. Dĩ nhiên, năm thì mười họa cũng có những bài thơ hay, nhưng ngay cả những bài thơ hay đó cũng có vẻ khô cứng so với thơ đương đại.

 

Giờ đây Nàng Thơ đã có bộ mặt mới. Các thi sĩ đã cố công tìm tòi, thể nghiệm nhiều thể thơ “mới”, sao cho vừa giữ được vị ngọt của thơ ca, vừa cởi trói cho người làm thơ khỏi những luật lệ quá khắt khe, gò bó. Đâu là thể thơ tối ưu của thi ca đương đại? Công cuộc chọn lựa, tranh cãi còn chưa ngã ngũ.

 

Nhưng chắc chắn đã có rất nhiều thể thơ, ở mức độ khác nhau, cho phép người làm thơ thời nay được thoải mái hơn, tự do hơn, thể hiện tứ thơ của mình, và nhờ đó, có thể dễ dàng đưa cảm xúc của mình, thả tâm hồn của mình vào thơ.

 

Thơ Đường luật bỗng trở thành cô gái lỡ thì, thân hình khô cứng lại kênh kiệu, khó tính, bị những chàng trai trẻ ngoảnh mặt làm ngơ. Họ nhìn về hướng khác để tìm những cô gái đang

xuân, vóc dáng, trang phục hợp thời hơn, hấp dẫn hơn, tính tình cởi mở hơn, gần gũi hơn với cái “gu” thẩm mỹ của thời đại mới.

 

 

Đối với những vị chuộng thơ Đường luật, đã “quen” với thơ Đường luật, thích thù tạc xướng họa thơ Đường luật, thì chẳng việc gì mà phải từ bỏ cái thú vui tao nhã ấy. Xin cứ tiếp tục làm thơ để góp cho đời những bông hoa tươi đẹp. Xin cứ tiếp tục đọc thơ Đường luật để thưởng thức những cảm nghĩ, những rung động nhẹ nhàng, thanh thoát của người xưa.


Những quý vị làm thơ Đường luật, theo tôi, như võ sĩ lên võ đài, rất ương ngạnh và oai hùng, chấp nhận chịu trói cả 2 tay, 2 chân để đấu với đối thủ. Khi bị bươu đầu sứt trán, hoặc nằm thẳng cẳng đo ván thì (dù không nói ra) thường cho là tại bị gò bó, trói buộc. Những quý vị đó quên rằng chính họ đã tình nguyện lên võ đài với tư thế ấy.

 

Một bài thơ Đường Luật

 

Bạn Đến Chơi Nhà

 

Đã bấy lâu nay bác tới nhà.
Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa.
Ao sâu nước cả, khôn chài cá,
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.
Cải chửa ra cây, cà mới nụ,
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.
Đầu trò tiếp khách, trầu không có,
Bác đến chơi đây ta với ta.

(Nguyễn Khuyến)

 

 

 

Ta Về

 

Ta Về của Tô Thùy Yên là bài thơ viết theo lối Kiếm Tông, phân mảnh đứt đoạn (31 đoạn, mỗi đoạn 4 câu, mỗi câu 7 chữ). Vì bài thơ quá dài, không tiện đưa vào bài viết nhưng độc giả, nếu muốn, có thể bấm vào link dưới đây để đọc bài thơ.

http://phamnhibinhtho.blogspot.com/2021/11/ban-thich-tho-ep-hay-tho-co-hon_23.html

 

Đọc Ta Về, tôi tưởng tượng Tô Thùy Yên như một người khổng lồ đeo trên lưng một bọc lớn đựng đầy cảm xúc. Đáy bọc có một cái vòi, có valve để có thể đóng mở theo ý muốn. Thế rồi thi sĩ của chúng ta tay cầm xẻng đào hố, tay cầm vòi, mỗi hố lại mở valve xịt vào một ít cảm xúc. Được 31 hố thì buông xẻng ngửa mặt lên trời than rằng:

“Ôi! Bọc cảm xúc còn nhiều quá mà ta không còn đủ sức đào hố nữa rồi.”

(“Ta tiếc đời ta sao hữu hạn

Đành không trải hết được lòng ta.”)

 

Đọc Ta Về của Tô Thùy Yên người đọc sẽ lững thững đi tới từng chiếc hố – cả 31 hố, hố nào cũng đẹp – để thưởng thức đường nét tinh xảo của từng nhát xẻng, màu sắc đẹp đẽ, sang trọng pha lẫn chút kiêu sa của cái khối cảm xúc ở trong hố, để thấy khối cảm xúc đó sóng sánh như muốn trào lên miệng hố.

Tô Thùy Yên, qua Ta Về, đã chú trọng rất nhiều đến các đoạn thơ. Tâm huyết của ông đổ vào cho việc tuyển chọn ngôn từ, tạo dựng hình ảnh. Ông cho rằng: “…một bài thơ dài thành công, tức không bị sa lầy vào sự phân giải lắm lời, phải là một bài thơ mà mỗi đoạn ngắn của nó, nếu như được tách riêng ra, đã có đầy đủ cường độ của một bài thơ hoàn chỉnh.” (Vài Suy Nghĩ Về Thơ Vần, dactrung.net).

 

Mỗi đoạn của Ta Về – đúng vậy – nếu tách riêng ra “đã có đầy đủ cường độ của một bài thơ hoàn chỉnh.” Không những hoàn chỉnh mà còn rất hay, không một chút tì vết. Nhưng gộp 31 đoạn thơ lại ta chỉ có 31 hố thơ, 31 vũng thơ chứ không có một dòng thơ, như một dòng suối, dòng sông, biểu lộ dòng cảm xúc của tác giả.

 


Hạc Bút Ông trong phần đầu của bài Ta Về, Thơ Tô Thùy Yên đăng trên trang Thơ Hà Huyền Chi đã viết:

“Ta Về, 124 giòng cuồng lưu, chảy miết trong thơ.”
Ý Hạc Bút Ông muốn nói: “Ta Về, 124 dòng cảm xúc mạnh của tác giả, chảy miết trong thơ.”
Tôi hoàn toàn không đồng ý. Ta Về có 31 đoạn, 124 câu; mỗi đoạn là một ý thơ (hoặc tứ thơ) hoàn chỉnh, diễn tả một mảnh tâm trạng của tác giả, tạo ra và chuyển tải một khối lượng cảm xúc đến đọc giả. Còn câu (line) chưa phải là một đơn vị chuyển tải cảm xúc nên không thể là một “dòng cuồng lưu” được. Hơn nữa, do đặc tính của thể thơ, trong Ta Về không có dòng cảm xúc. Với tài năng xử dụng ngôn từ điệu nghệ, tạo được nhiều hình ảnh đẹp, sống động, Tô Thùy Yên đã bơm vào mỗi đoạn thơ, và qua thơ, đến độc giả một khối lượng cảm xúc đáng kể. Nhưng cảm xúc được tạo ra ở đâu chỉ nằm yên ở đó - cuồn cuộn quanh quẩn trong cái hố, cái vũng của mình. Không có con kênh nối liền các hố, các vũng với nhau, và do đó, không có dòng cảm xúc, không có dòng chảy của thơ.

 

2/ Phe Khí Tông: Chú Trọng Nội Công, Cảm Xúc.

 

Thi sĩ cũng sử dụng chiêu thức nhưng chú trọng nội công.

Nói theo ngôn ngữ văn chương thì đây là loại thơ chú trọng Cảm Xúc – chinh phục độc giả không phải bằng thứ cảm xúc bình thường nằm trong ý nghĩa của câu chữ, thế trận của bài tthơ mà là “luồng hơi nóng nằm giữa hai hàng kẻ” – nghĩa là nằm ngoài câu chữ.

 

 Đó là thứ cảm xúc cao cấp, cho độc giả cái cảm giác đã nhất, sướng nhất - người ta gọi là hồn thơ. Hồn thơ chỉ có thể xuất hiện khi lý trí vắng mặt, chữ Xạo trong lời thơ, ý thơ trốn mất. Thi sĩ và độc giả - qua bài thơ – trò chuyện với nhau bằng Tiếng Người Chân Thật.

 

 

Như vậy, nếu có tầm nhìn xa hơn, thi sĩ sẽ chọn hướng đi của phe Khí Tông. Nếu thi pháp thích hợp, tâm thế lại đang trong cơn cao hứng đến mức nổi điên, ngài sẽ có cơ hội cùng bài thơ của mình bước vào Bến Bờ Thi Ca.

 

 Mà dù chưa thể đến đích, bài thơ viết theo hướng này rất dễ tạo được cảm xúc tầng 3 (hồn thơ), được đánh giá cao hơn những bài thơ làng nhàng của phe Kiếm Tông.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét