Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2022

BÀI 5 LÝ TRÍ: KẺ THÙ SỐ 1 CỦA THƠ

 

LÝ TRÍ: KẺ THÙ SỐ 1 CỦA THƠ

 

 

1/ Làm Thơ Giống Như Làm Tình

 


Làm thơ giống như làm tình. Phải để hết tâm hồn vào cuộc chơi. Khi lên giường với người yêu phải vứt bỏ hết, từ chí lớn trong thiên hạ cho đến những vụn vặt chén cơm manh áo trong cuộc sống hàng ngày. Có thế mới dễ bò lên tới đỉnh Vu Sơn, có thế mới có thể chết chìm trong sông Ân, bể Ái.


Với thơ cũng vậy. Nếu không để hết tâm hồn vào tứ thơ, những toan tính vị kỷ của lý trí sẽ chen vào làm khựng lại dòng chảy của thơ, làm thi sĩ cụt hứng.



2/ Thơ Là Cảm Xúc


Trong số các định nghĩa thơ của giới sáng tác phê bình thơ Việt Nam và nước ngoài tôi thích nhất định nghĩa của nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc:

         “Thơ là cảm xúc (bằng kỹ thuật thơ) đi tìm một đồng cảm.”
          (Những chữ trong ngoặc đơn là của PĐN)


Ngoài ra, định nghĩa của nhà thơ Nguyễn Đình Thi, theo tôi, cũng nhấn mạnh một điểm quan trọng về thơ.

            “Làm thơ, ấy là dùng lời nói và những dấu hiệu thay cho lời nói - tức là chữ - để thể hiện một tâm lý đang rung chuyển mạnh mẽ khác thường…” (Mấy ý nghĩ về thơ – Talawas)

Như vậy, thơ là cảm xúc. Mà phải là cảm xúc từ một trạng thái tâm lý đang rung chuyển mạnh mẽ khác thường. Chính cái cảm xúc mạnh mẽ này mới có thể đánh bật những toan tính nhỏ nhen, vị kỷ, lọc lừa của lý trí ra khỏi dòng thơ.

3/ Lý Trí: Kẻ Thù Số 1 Của Thơ

Lý trí rất cần thiết cho hầu như mọi sinh hoạt của cuộc sống con người. Nhưng với thơ, nó là kẻ thù số một. Không cẩn trọng, nó sẽ len lỏi vào tận hang cùng, ngõ hẹp của tâm hồn để khi thì rù rì thuyết phục, lúc lại cao giọng hối thúc, khiến nhà thơ ngập ngừng, bối rối, nửa muốn tiến, nửa lại muốn lùi, không dám phóng tay xuống bút.


Cứ nghe lời lý trí thì khối cảm xúc của nhà thơ sẽ không phình to lên được, bởi khi đã bình tâm suy nghĩ thì hào khí ngất trời cũng xẹp dần như bong bóng bị xì hơi. Khi lý trí đã trụ ở trong lòng thì đau thương chất ngất sẽ nguôi ngoai, hận thù đằng đằng sẽ lắng xuống, tình yêu bỏng cháy sẽ nguội dần đi.


 Chỉ có lúc cao hứng, thật cao hứng, mới có thể “nói thật, nói thẳng được, nổi điên lên mà nói, nói mặc kệ thiên hạ sự, nói cóc sợ ai, không ‘quan trên trông xuống, người ta trông vào’, và lúc ấy mới có thể “’viết được mấy lời kha khá’” (Nguyễn thị Hoàng Bắc – Thơ Đến Từ Đâu - Nguyễn Đức Tùng).


Ngược lại, nếu thơ được xuất hiện trên trang giấy lúc tác giả đang rất bình tĩnh, tỉnh táo để lý trí hoàn toàn điều khiển trận điạ chữ nghĩa, sắp xếp ý tưởng, thì loại thơ ấy, theo Nguyễn Hưng Quốc, chỉ là hoa giả.



“Có hằng hà những bài thơ cứ ngồn ngộn chữ, cứ lấp lánh màu sắc và trầm trầm bổng bổng hơi nhạc nhưng lại rỗng tuếch, không nói lên được điều gì cả.

 

Nó ném xuống ào ạt lá vàng nhưng không làm cho người ta thấy được mùa thu. Nó khua động ầm ĩ nhưng không làm thành âm vang của tiếng hát. Nó dựng lên ùn ùn những khói nhưng không tượng hình nổi một làn mây. Nó có dáng dấp của hoa nhưng thiếu hẳn một làn hương. Nó có tất cả, trừ một điều: cảm xúc.” (Cảm Xúc Trong Thơ - Tiền Vệ)

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét