Thứ Tư, 28 tháng 2, 2018

CHÚ THÍCH HAY KHÔNG CHÚ THÍCH?

                                  

Từ Một Giai Thoại Sửa Thơ

Vương An Thạch trong lúc du học ở đảo Hải Nam đã làm một bài thơ trong đó có hai câu rất lạ:

Minh 
Nguyệt sơn đầu khiếu
Hoàng 
Khuyển ngọa hoa tâm

Dịch nghĩa:

Trăng sáng hót đầu núi
Chó vàng nằm (trong) lòng hoa

Thi hào Tô Ðông Pha 
tình cờ đọc được, thấy “sai” (trăng sáng làm sao hót trên đầu núi và chó vàng làm sao nằm trong lòng hoa được) nên đã sửa lại hai chữ cuối cho đúng nghĩa hơn.

Minh nguyệt sơn đầu
chiếu
Hoàng khuyển ngọa hoa
âm

Dịch nghĩa:

Trăng sáng rọi đầu núi
Chó vàng nằm (dưới) bóng hoa

Chuyện sửa thơ đến tai Vương An Thạch 
(lúc ấy đang là Tể Tướng) nên họ Vương đã bổ nhiệm Tô thi hào một chức quan ở Hải Nam. Sau đó Tô Ðông Pha mới khám phá ra ở địa phương này có loại chim tên là Minh Nguyệt, hay hót trên đầu núi, và có một loại sâu tên là Hoàng Khuyển, chỉ thích nằm trong lòng hoa! Và người kể chuyện kết luận “Lúc ấy Tô Ðông Pha mới biết là mình xớn xác, bồng bột và thấy được cái thâm trầm của Vương An Thạch.

Theo tôi, việc Tô Đông Pha sửa thơ không có gì là “xớn xác, bồng bột” hết. Người đọc thơ, bình thơ – trong thế giới thơ rộng lớn - không thể biết và không có bổn phận phải biết những chi tiết, sự việc chỉ có, chỉ xảy ra ở một địa phương nhỏ bé. Chính thi sĩ - để hoàn thành chức năng truyền thông của bài thơ - phải chú thích để người đọc biết, hiểu những chi tiết, sự việc có tính chất địa phương ấy. Lỗi và trách nhiệm ở đây nằm trên hai vai Vương An Thạch chứ không phải Tô Đông Pha. (1)


Đến “Sao Em Không Chú Thích?”

Việc viết lời bình cho bài thơ Con Về Ngõ Nhỏ lúc đầu cũng gặp chút trở ngại.  Bài thơ ngôn ngữ bình dị, trong sáng, hình tượng đẹp, nên thơ, tâm tình nhẹ nhàng, rất dễ cảm, dễ thương. Nhưng 2 câu cuối thì tối nghĩa, khó hiểu.

CON VỀ NGÕ NHỎ

Con về ngõ nhỏ thoảng hương
lối vào vẫn lát vàng ươm nắng chiều
đâu rồi bóng mẹ liêu xiêu
đâu rồi dải yếm rất nhiều gió hong

còn đâu chổi quét lá bòng
còn đâu bông bưởi trắng trong rụng đầy
chẳng còn hoa khế tím cây
chẳng còn vai mẹ hao gầy gió sương

mơ màng khói bếp còn vương                       
thoáng hơi nước vối tỏa hương ngọt ngào
gạo khuya ai giã đêm sao
thèm nghe tiếng mẹ ho bào canh thâu

Trăng non khóc đẫm lá trầu
kìa như tay mẹ chải đầu cho trăng!

(Ngọc Mai)

Mới đầu tôi nghĩ:

Ánh trăng non chiếu xuống giàn trầu sáng lung linh như mặt nước khiến tác giả có cảm tưởng ‘trăng non khóc đẫm lá trầu’”. Nhưng câu cuối “kìa như tay mẹ chải đầu cho trăng” thì đúng là “lạc quẻ”, đã bị tác giả chặt đứt lìa dòng chảy của tứ thơ. Hơn nữa, tác giả về thăm nhà vào lúc “Lối vào vẫn lát vàng ươm nắng chiều” thì làm gì có trăng non để cho mẹ chải đầu?

Tôi nhắn tin hỏi thì Ngọc Mai trả lời:

Em ví mình như vầng trăng non, lúc còn bé thơ thường đứng bên giàn trầu của mẹ mà khóc dỗi hờn để được mẹ dỗ dành và chải đầu cho.”

Tôi lầu bầu trong miệng:

“Ối Giời ôi! Câu ví riêng tư như vậy mà không chú thích thì bố ai biết được!”

Thế là nghe được lời giải thích câu ví von ấy – làm đoạn kết và bài thơ hay hẳn lên - tôi hài lòng về chức năng truyền thông của bài thơ và viết lời bình. Sau đó tôi nhắn tin cho Ngọc Mai:

Bài viết đã xong. Gởi cho anh lời chú thích.

Cù cưa một hồi lâu chị mới trả lời:

Dạ, theo em thì không cần đâu ạ.

Tôi bực mình nhưng vẫn nhẹ nhàng:

Nếu không chú thích thì người đọc sẽ không hiểu hoặc hiểu lầm; nếu thế anh sẽ bỏ bài viết của anh.

NM: Trời!

Tiếp theo là cuộc nhắn tin qua lại khá dài và “gay cấn”.

Tôi đưa ra tối hậu thư:

Mỗi người một ý thì đường ai nấy đi. Cứ coi như anh chưa viết, chưa biết bài thơ.

Cuối cùng chị đồng ý gởi cho tôi lời chú thích và nhờ thế bài viết “Con Về Ngõ Nhỏ” Bài Thơ Mới Quen ra đời.


Trường hợp của Vương An Thạch thì vì lúc đó quan san cách trở, thông tin chỉ lưu chuyển trong phạm vi hạn hẹp nên không nói làm gì. Nhưng ngay ở thời điểm hiện tại, không riêng Ngọc Mai mà khá nhiều thi sĩ khác, có khi vô tình nhưng thường là cố ý, không chú thích những ý nghĩ, ví von rất riêng tư để con đường đến bến đỗ của tứ thơ có thêm cái “cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi”. Hoặc qua thủ pháp Show, Don’t Tell các ngài chặt bớt quá nhiều cầu khiến khoảng cách từ ý này tới ý kia xa quá, sức liên tưởng của độc giả không thể nhảy qua được. Họ nghĩ làm thế bài thơ sẽ sang hơn, hấp dẫn hơn. Điều đó đúng một phần. Cố gắng tự mình tìm ra và hiểu được ý tác giả khiến công việc đọc thơ lý thú hơn. Đó là một thực tế. Nhưng coi chừng “già néo đứt dây”. Nếu độc giả không “bắt” được tứ thơ vì chức năng truyền thông của bài thơ sơ sót, khiếm khuyết, bài thơ bị đánh giá là thất bại.

Tại Em Không Chú Thích Nên Anh “Nghe Gió Kiếm Bình Thơ”

Cũng vì đọc bài thơ không có phần chú thích nên ông Nguyễn Xuân Dương khi viết lời bình cho bài thơ Con Về Ngõ Nhỏ - mặc dù viết sau bài của tôi hơn 2 tháng - đã có đoạn bình 2 câu cuối như sau:

Trăng non khóc đẫm lá trầu
kìa như tay mẹ chải đầu cho trăng!”

Đến đây thì nhà thơ đã hoàn toàn chìm trong vô thức. Hay đúng hơn nhà thơ đã nhìn thấy mẹ mình hiện hữu khi nhìn thấy giàn trầu của mẹ. Mẹ không còn nữa, giàn trầu giờ cũng côi cút cô liêu đến nỗi trăng non thương quá giàn trầu của mẹ rồi khóc. Lệ trăng đã ướt đầm lá trầu của mẹ và mẹ đã hiện về dưới ánh trăng khuya. Trăng thương lá trầu mà khóc. Còn mẹ thương trăng mẹ lại chải đầu cho trăng. Những thi ảnh ở đây phi lí hư ảo đến tận cùng và có một ma lực siêu phàm ám ảnh tim ta ám ảnh đời ta. Thử hỏi có gì nhân nghĩa hơn thế khi thiên nhiên và con người nơi đây cứ hòa quyện cứ đùm bọc chở che nhau trong vòng tay nhân ái dịu dàng? 
Nguyễn Xuân Dương (2)

Tôi có cảm tưởng mình đang xem phim Võ Sĩ Mù Nghe Gió Kiếm. Võ Sĩ không thấy đường nên nhờ vào đôi tai thính của mình để theo dõi chuyển động của đối thủ. Đến khi đối thủ biết được yếu điểm của Võ Sĩ Mù nên ngừng chuyển động thì đôi tai thính của ông trở thành vô dụng và đã ra chiêu bất hợp lý đến độ ngờ nghệch, trông thật đáng tội nghiệp. Trường hợp ông Nguyễn Xuân Dương có hơi khác. Không có đối thủ nên ông cứ một mình say sưa, quay cuồng theo những hình ảnh có được từ sự liên tưởng quái đản không gốc rễ của mình. Độc giả hiểu chuyện đọc đoạn bình thơ của ông chỉ còn biết le lưỡi, lắc đầu bái phục.

Có phần chú thích, 2 câu cuối của bài thơ bỗng thay da đổi thịt, tươi đẹp hẳn lên. Trăng non chính là cô bé Ngọc Mai ngày xưa lúc còn thơ dại hay khóc giỗi hờn. Mẹ đã khuất núi từ lâu mà vẫn tưởng tượng mẹ đang đứng dưới giàn trầu chải đầu cho mình như ngày xưa còn bé. Vâng, đó chỉ là mơ, là mộng. Nhưng mộng ở đây đã có một sợi dây vô hình nối với thực – phi lý mà hữu lý trong nghệ thuật. Trong bài bình thơ tôi mới chỉ cho rằng “Hai câu kết vừa đẹp, vừa nên thơ, tạo ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc”. Thật ra nếu nói “Hai câu thơ ấy thật tuyệt” cũng không có gì quá đáng.

Còn nếu không có phần chú thích, trăng non chỉ là trăng non thì vừa không phù hợp với cảnh vật thực tế như đã nói ở phần trên – “Lối vào vẫn lát vàng ươm nắng chiều” thì làm gì có trăng non được - lại vừa không có chỗ ở vùng “thực” để buộc sợi dây nối với vùng “mộng”. Không có sợi dây nối mộng với thực thì mộng vừa phi lý so với thực tế lại vừa tách biệt khỏi tứ thơ, xa rời cuộc sống, thiếu tính nghệ thuật; loại mộng đó không có chỗ đứng trong thơ.

Trường hợp Ngọc Mai, trong khung cảnh thân tình của Facebook, độc giả như tôi còn có thể qua hộp nhắn tin “hỏi nhỏ” tác giả, chứ ở những chỗ khác mà gặp bài thơ có tứ thơ tối mù như thế thì – vì vấn đề mặt mũi, sĩ diện của cả người viết và người đọc – thái đội ngoảnh mặt làm ngơ là tốt nhất.

Không mở được “cánh cửa bến đỗ của tứ thơ” cho độc giả bước vào là lỗi của tác giả. Tô Đông Pha vì không biết chim Minh Nguyệt và sâu Hoàng Khuyển nên đã sửa bài thơ sai ý Vương An Thạch, nhưng ông bám sát tứ thơ và bài thơ “phó phẩm” vẫn hợp lý và đầy tính nghệ thuật. Còn ông Nguyễn Xuân Dương, không “bắt” được sự ví von riêng tư của Ngọc Mai, đã không chịu ngoảnh mặt làm ngơ mà lại còn rời bỏ tấm bản đồ của tứ thơ để thả hồn xuôi ngược lung tung nên đã tự mua sự vất vả cho mình. Không những thế ông còn đi xa hơn - múa bút chia sẻ cảm nhận về chuyến đi “không định hướng” ấy với những người yêu thơ khác – nên độc giả có dịp được xem một đoạn phim hài lý thú.


Kết Luận

Xin mượn đoạn kết của bài Hé Mở Cánh Cửa Bến Đỗ Của Tứ Thơ để nhấn mạnh điều này một lần nữa.

Làm thơ, tâm trạng là của mình, chỉ cần biết đến mình. Nhưng bày tỏ tâm trạng để người đọc hiểu mình, (có thể) đồng cảm với mình thi sĩ phải hé mở cánh cửa đến bến đỗ của tứ thơ. Đó là chức năng truyền thông của thơ. Không có nó bài thơ sẽ chết. (3)

Phạm Đức Nhì

CHÚ THÍCH:

1/ Lời Bình Ngắn (Tập 1), Phạm Đức Nhì, phamnhibinhtho.blogspot.com
2/ FB Ngọc Mai 08/08/2017
3/ Hé Mở Cánh Cửa Bến Đỗ Của Tứ Thơ, Phạm Đức Nhì, phamnhibinhtho.blogspot.com



Thứ Sáu, 16 tháng 2, 2018

QUÊN MỜI GỌI HỒN THƠ

                                                
                                            

                                                (Bài 2 trong loạt bài về Hồn Thơ)  
    
Nhắc Lại Chuyện Xưa

Cách đây mấy tháng tôi đã có hân hạnh viết lời bình cho bài thơ Con Về Ngõ Nhỏ của Ngọc Mai, một thi sĩ tỉnh Bắc Giang. Bài thơ Lục Bát của chị trong sáng mượt mà, có những câu đẹp như một bức tranh:

Con về ngõ nhỏ thoảng hương
Lối vào vẫn lát vàng ươm nắng chiều

Theo tôi, Con Về Ngõ Nhỏ tròn trịa, không sai sót, có thể nói là bài thơ hay nhưng khi đọc lên vẫn không thấy cái gì đó thật đặc biệt. Nó như một viên đá quý, không tì vết nhưng lại không có nét riêng để hấp dẫn những tay chơi ngọc sành sõi. Nói rõ ra, Con Về Ngõ Nhỏ là bài thơ thiếu cá tính nên không gây ấn tượng mạnh mẽ cho người đọc. (1)

 “Hoa đẹp nằm khuất trên giàn
Em xinh đứng lẫn trong hàng, ai hay?” (PĐN)

Sau đó, những câu thơ Lục Bát dễ thương ấy lại rủ rê tôi vào FB để đọc thêm thơ của chị. Cũng giống như Con Về Ngõ Nhỏ, một số bài thơ khác của Ngọc Mai cũng có những nét đẹp chung như: ngôn ngữ bình dị, trong sáng, hình tượng đẹp, nên thơ, tâm tình nhẹ nhàng, rất dễ cảm, dễ thương. Nhưng tại sao thơ đẹp như vậy mà lại thiếu cái hơi nóng cảm xúc để hấp dẫn người đọc?

Vạch Lằn Ranh Và Cắm Cột Mốc

Sau khi viết lời bình cho bài thơ của Ngọc Mai, tôi và chị thỉnh thoảng có trao đổi thêm về thơ qua hộp nhắn tin Facebook. Tôi nhớ hình như có đề nghị chị mở rộng hơn nữa về đề tài để thơ chị đa dạng, mới lạ hơn. Và chị đã trả lời:

“Em không to lớn vĩ đại để làm việc lớn; em chỉ muốn giữ những gì là truyền thống, gia đình bé nhỏ của mình”.

Tôi biết chị là người phụ nữ có tâm hồn “Chân Quê” của Nguyễn Bính - yêu gia đình, làng xóm, quê hương, gìn giữ nếp sống đạo đức theo truyền thống lễ giáo của cha ông. Tôi hoàn toàn tôn trọng ý muốn của chị.

Nhưng tôi tiếc cho vườn thơ của chị, vì tôi nghĩ:

Truyền thống, gia đình, làng xóm, quê hương có những cái hay, những nét đẹp riêng của nó. Nếu thích, chị cứ quay về để gợi lại, sống lại những kỷ niệm khó quên, làm phong phú hơn nữa tâm hồn mình, làm đẹp hơn nữa vườn thơ của mình. Nhưng chị không nhận ra rằng suy nghĩ như thế là chị đã tự vạch lằn ranh giới hạn óc tưởng tượng, tự cắm cột mốc giới hạn tầm nhìn.

Và việc “vạch lằn ranh, cắm cột mốc” đó đã dẫn đến mấy hậu quả sau đây:

Vừa Viết Vừa Run

Trên đầu bài thơ  Trái Tim Điên trên Faceboob NM có  viết câu - để trong ngoặc đơn – sau đây:

(Cũng biết rằng Ngoc Mai viết không tới, không dám đốt cháy mình. Bài này NM tập viết liều mạng một chút).

Tôi đưa cả bài thơ vào phần Phụ Lục để bạn đọc nếu muốn, có thể tìm hiểu xem chị liều mạng đến mức nào. Ở đây chỉ xin trích mấy câu tôi nghĩ là “ghê gớm” nhất:

Giờ tình mình
xác tan tác
có bình yên
Em đâu biết
Hỡi đời kia có biết ..?
...
Bia liệt sỹ khắc tên anh xứ biệt
Bỏ ôm em
Anh ôm đất trọn đời
...
Em ..!
Trái tim điên
Rên xiết chẳng thành lời!

Mấy câu (ý) bình thường như thế mà đã phải “liều mạng” mới dám viết ra thì không biết chị đã  “vạch lằn ranh, cắm cột mốc” để bó hẹp “vùng hoạt động” của thơ mình đến mức nào? Làm thơ mà “vừa viết vừa run” thì làm sao cảm xúc có thể dâng trào, lấn át lý trí để tạo hồn thơ?

Hai Bài Thơ Trùng Ý Tứ

Đọc lại thơ của chị trên FB tôi gặp một bài có tựa khác nhưng ý tứ thì rất giống Con Về Ngõ Nhỏ.

VỀ THĂM NHÀ CŨ

Vắng mẹ nắng ngủ trong mây
Ngập bao lá rụng ấp đầy sân rêu
Cây bòng nhớ mẹ bóng xiêu
Cành xoan lặng đứng hoa chiều tím rơi
Bông bưởi trắng đến chơi vơi
Trong hương con thấy nghẹn rời khúc ru
Mỏng xuân, dày lá vàng thu
Trời say mộng, đâu chim gù bình minh
Chỉ còn cây chổi lặng thinh
Nằm queo mặc lá rữa mình mục đau
Mẹ xưa lam lũ đồng sâu
Cái tôm cái tép rầu rầu niêu dưa
Sóng ngầm dưới mái chèo khua
Trên đầu nắng ít, gió mưa lại nhiều
....
Đời mẹ như một cánh diều
Càng thẳng đứng, càng gió xiêu giữa trời

Đã có Con Về Ngõ Nhỏ (Phụ Lục) rồi mà còn viết được Về Thăm Nhà Cũ đẹp như thế, dễ thương như thế tài thơ của Ngọc Mai quả thật đáng nể. Cũng căn nhà ấy, khung cảnh ấy, cũng cây chổi, cây bòng, sân nhà vắng lặng và cũng tâm trạng nhớ thương bóng mẹ liêu xiêu, bằng ngôn ngữ thơ tượng hình, bằng kỹ thuật thơ điêu luyện, NM đã quyền biến chuyển đổi ngôn ngữ, làm mới câu thơ, tạo được bài thơ sau không giống hệt mà vẫn có cái gì đó “khang khác” bài thơ trước. Tôi phục chị ở chỗ đó.

Nhưng “ép” cảm xúc của mình như thế thì rất tội nghiệp cho những câu thơ và ít nhiều đã làm giảm giá trị của cả 2 bài thơ. Theo tôi, có lẽ khu đất “ương thơ” của chị hơi hẹp (giống thành phố Pleiku) nên “đi dăm phút đã về chốn cũ” (2) - chị phải ương rồi trồng 2 cây thơ vào chung một “hố”.

Cân Nhắc Ưu Khuyết Điểm

Cái gọi là khuyết điểm của thơ Ngọc Mai - tôi đã phải dàn trải trên 2 trang giấy để chị và người đọc nhận thấy dễ dàng hơn -  thật ra, chỉ cần một phút bốc đồng, một lần nổi cơn điên hoặc một quãng thời gian tĩnh lặng thả hồn đi hoang là nó tự biến mất. Còn tài thơ, khả năng đưa cái đẹp vào thơ như chị có thể chỉ cần viết vài hàng nhưng để thủ đắc dân chơi thơ có khi phải vật vã cả đời người.

Mời bạn đọc nghe tâm tình của Ngọc Mai qua 4 câu trong bài Sông Đời:

Trông gì về phía dại khôn
Ban mai rờn mỏng, hoàng hôn xơ dày 
Mưa dài đâu vắt kiệt mây
Trời còn bận ngủ, vòm đầy bóng đen

Bằng 3 câu cuối của đoạn thơ Ngọc Mai đã kéo cả những chuyển động của đất trời (ban mai, hoàng hôn, mây mưa, bóng đêm) xuống hòa nhập với dòng Sông Đời mình để tạo thành một bức tranh thê lương của một cảnh đời bất hạnh, theo tôi, thật tuyệt vời.

Đáng mừng cho người yêu thơ là vườn thơ của chị còn khá nhiều những đoạn thơ hay như thế.

Tóm lại, Ngọc Mai có tâm hồn nhạy cảm, kỹ thuật thơ điêu luyện, rất nhanh nhẹn quyền biến trong sử dụng ngôn ngữ, hình tượng thơ ca. Thơ Lục Bát của chị, nếu tuyển chọn nhũng bài thành công, có thể liệt chị vào hạng cao thủ. Chị còn thử nghiệm thêm Thơ Mới, Thơ Mới Biến Thể và kết quả đáng khích lệ. 

Theo tôi, chị đã có tất cả điều kiện cần thiết để viết bài thơ để đời của mình. Thơ của chị hiện tại đã có sắc hương để chị không phải thẹn thùng khi đứng cạnh những thi sĩ khác, nhưng vẫn còn thiếu loại cảm xúc cao cấp nhất là hồn thơ. Lý do: Chị còn cho phép lý trí điều tiết cảm xúc của mình khi các con chữ từ ngòi bút tung mình nhảy xuống trang giấy.

Kết Luận

Trong “Con Về Ngõ Nhỏ - Bài Thơ Mới Quen” tôi đã viết:

Tôi chọn bình Con Về Ngõ Nhỏ vì quý một tài thơ chưa phát huy hết sức mạnh của mình”

Hôm nay, cũng vì quý tài thơ của chị, tôi quay lại vườn thơ dạo khắp một vòng và có một mong ước nhỏ bé là một ngày nào đó Ngọc Mai sẽ thay đổi nếp suy nghĩ về thơ. Bởi, là thi sĩ:

Cái khoảng trời ở đàng sau cái lằn ranh hay cột mốc đó, có thể bây giờ chị chưa nghĩ đến, chưa dùng đến, nhưng một ngày nào đó, một lúc nào đó, khi ngòi bút cựa quậy mạnh hơn, chị sẽ cần đến nó. Nếu muốn đi đến Bến Bờ Thi Ca chị nên để tâm hồn thoát cũi sổ lồng, bay đến vùng trời tự do rộng mở, mênh mông … bất tận.

Cái vùng trời tự do đàng sau lằn ranh và cột mốc đó không những giúp tứ thơ sáng hơn, tươi hơn mà còn là lời mời rất khéo để hồn thơ bước vào.

Phạm Đức Nhì

CHÚ THÍCH:

1/ Con Về Ngõ Nhỏ - Bài Thơ Mới Quen, Phạm Đức Nhì, phamnhibinhtho.blogspot.com  
2/ Còn Chút Gì Để Nhớ, thơ Vũ Hữu Định, nhạc Phạm Duy



PHỤ LỤC:

CON VỀ NGÕ NHỎ

Con về ngõ nhỏ thoảng hương
lối vào vẫn lát vàng ươm nắng chiều
đâu rồi bóng mẹ liêu xiêu
đâu rồi dải yếm rất nhiều gió hong

còn đâu chổi quét lá bòng
còn đâu bông bưởi trắng trong rụng đầy
chẳng còn hoa khế tím cây
chẳng còn vai mẹ hao gầy gió sương

mơ màng khói bếp còn vương                       
thoáng hơi nước vối tỏa hương ngọt ngào
gạo khuya ai giã đêm sao
thèm nghe tiếng mẹ ho bào canh thâu

Trăng non (*) khóc đẫm lá trầu
kìa như tay mẹ chải đầu cho trăng!

(Ngọc Mai)

(*) Tác giả ví mình như vầng trăng non, lúc còn bé thơ thường đứng bên giàn trầu của mẹ mà khóc dỗi hờn để được mẹ dỗ dành và chải đầu cho.


TRÁI TIM ĐIÊN

(Cũng biết rằng Ngoc Mai viết không tới, không dám đốt cháy mình. Bài này NM tập viết liều mạng một chút. .... Hj hj)

Trái tim điên ấp mối tình xứ biệt
Khúc nhạc đầu mươn mướt nụ xuân sang
Ủ tia nắng ươm hồn mây ngũ sắc
Mà sóng gầm bão tố thét tàn hoang
Tim điên viết ngàn lời yêu thầm nhắc
Loạn nhịp hồng bóp tím nghẹt máu tươi
Vọt thành tia loang lổ mặt người
Ai từng điên, ai từng đau rền rĩ..?
...
Mối tình em vượt biên ngoài chiến lũy
Nụ hôn yêu môi gắn đến không cùng
Biển nhỏ bé trước vòng ôm ghì xiết
Lời yêu đầu sóng sánh cõi thần tiên
Giờ tình mình
xác tan tác
có bình yên
Em đâu biết
Hỡi đời kia có biết ..?
...
Bia liệt sỹ khắc tên anh xứ biệt
Bỏ ôm em
Anh ôm đất trọn đời
...
Em ..!
Trái tim điên
Rên xiết chẳng thành lời!

Ngọc Mai




Thứ Ba, 6 tháng 2, 2018

HỒN THƠ TỪ ĐÂU ĐẾN



                                                     

Cảm Xúc Trong Thơ

Thơ là trò chơi của con chữ, vần điệu và cảm xúc. Có lẽ thấy được điều đó nên Nguyễn Hưng Quốc đã đưa ra định nghĩa “Thơ là cảm xúc (bằng kỹ thuật thơ) (1) đi tìm một đồng cảm”. Khác với thơ, mục đích chính của văn là chuyển tải thông điệp. Cũng có khi có cảm xúc nhưng thông điệp là chính, cảm xúc chỉ là sản phẩm phụ. Với thơ, cảm xúc gần như là tất cả. Thông điệp cũng có đấy nhưng nhiều khi chỉ là con kênh để cảm xúc có chỗ lưu chuyển.

Đọc thơ là tìm cái cảm giác khoan khoái, thích thú tỏa ra từ bài thơ. Nếu để ý kỹ sẽ nhận ra cảm xúc trong thơ có nhiều tầng bậc. Theo tôi, có 3 tầng bậc.

Có người sợi dây thần kinh sướng rung lên khi gặp một chữ, một từ hay, một hình ảnh đẹp. Đó là tầng bậc 1. Có người cũng sướng cái sướng ở tầng bậc 1 nhưng khi thấy bài thơ nhất quán, liền lạc, thế trận kín kẽ, hiệu quả thì cảm giác sướng mạnh hơn nữa. Đó là cảm xúc ở tầng 2.

Nếu bài thơ lại có thêm cái hơi nóng cảm xúc tỏa ra, không phải từ các con chữ, câu thơ mà hình như từ đâu đó giữa những hàng kẻ để những người thưởng thức thơ sành điệu cảm nhận được và thấy vô cùng sảng khoái. Đó là cảm xúc ở tầng 3, thứ cảm xúc cao cấp ở trong thơ.  Khi cảm xúc tầng 3 lên tới đỉnh điểm (cao trào), ta có hồn thơ.

Cho nên khả năng thấy được, cảm được cái hồn của bài thơ là rất quan trọng, đặc biệt với những người làm công việc bình thơ. Tại sao? Vì hồn thơ là dấu hiệu chứng tỏ bài thơ đã đến được Bến Bờ Thi Ca, phần thưởng cao quý nhất cho công việc làm thơ. Bài thơ chỉ có thể có hồn khi đó là tiếng lòng chân thật vì thi sĩ viết ra nó với tâm thế của “cái tôi đích thực”. 

Viết được bài thơ có hồn thi sĩ đã ban cho những người đọc bài thơ ấy một ân huệ lớn, được đối thoại với mình (thi sĩ) bằng Tiếng Người Chân Thật và có những giây phút được trở lại làm Con Người (viết hoa). Còn phần còn lại của nhân loại cũng là người nhưng tim đã khô cứng bởi những quy luật, cung cách ứng xử của xã hội văn minh; họ rất hòa nhã, lễ phép, lịch sự nhưng rất “lạnh”, đang dần dà biến thành những người máy vô cảm.

Cách Hành Xử Của CON NGƯỜI (Viết Hoa)

Mới đây, Larry Nassar – một bác sĩ từng là thành viên trong trong ban lãnh đạo đội tuyển thể dục dụng cụ (Gymnastics) Olympics Mỹ - đã bị kết án từ 40 đến 175 năm tù vì tội lợi dụng cương vị bác sĩ của mình, trong khoảng thời gian 2 thập kỷ, tấn công tình dục ít nhất 265 nữ bệnh nhân trong đó có 3 con gái của ông Mark Margraves.  Người cha đau khổ - trong phiên tòa mới nhất – đã bất chấp lề luật nghiêm ngặt của toà án - xông về hướng bị cáo Larry Nassar với tất cả sức mạnh và sự giận dữ của mình để tấn công lão bác sĩ đốn mạt này nhưng ông đã bị rất đông nhân viên an ninh tòa án kịp thời vật ngã và còng tay trước khi gây hại cho lão ta.

Lòng thương con và sự giận dữ lên tới đỉnh điểm đã khiến người cha nổi cơn điên, không nghĩ gì đến hình phạt mà pháp luật Mỹ sẽ dành cho ông sau đó, đã “quên” cách hành xử lịch sự, văn minh trước công đường. Lúc ấy “cái tôi đích thực” đã vùng dậy, đẩy “cái tôi văn hóa” qua một bên để giành quyền làm chủ thân xác của ông. Mặc người đời bàn tán sai đúng, daị khôn, tôi vẫn cho cách hành xử của người cha lúc ấy mới thật là cách hành xử của Con Người (viết hoa) mà vì mải mê tuân theo những nguyên tắc của nếp sống văn hóa trong xã hội văn minh, ông đã quên mất từ lâu.

Thử tưởng tượng một lúc 3 đứa con gái xinh đẹp, mơn mởn như những đóa hoa xuân bị con quỷ dâm đãng làm hoen ố sự trinh trắng thì có người cha nào đứng đối mặt với nó mà không căm giận, nổi điên cho được. Khi tôi viết những dòng chữ này ông Mark Margraves đã xuất hiện trên truyền hình xin lỗi những người hiện diện trong phiên toà (và người Mỹ) về hành động nóng nảy, “thiếu văn hóa” của mình. 

Một điểm đặc biệt là bà Chánh Án của phiên tòa đã “lờ đi” không truy cứu trách nhiệm hình sự người cha đáng thương. Sau đó trên các phương tiện truyền thông, nhất là các trang mạng xã hội, nhiều người còn tôn vinh ông Mark Margraves là “Anh Hùng” (Hero).


Vì Thơ Là Tiếng Lòng Chân Thật


Với thơ cũng vậy. Thi sĩ rất cần cái trạng thái nổi điên như người cha đau khổ kia, tạm thời giã từ “cái tôi văn hóa” trở về với “cái tôi đích thực” để giải bày tiếng lòng chân thật của mình với độc giả. Nguyễn Thị Hoàng Bắc trong Thơ Đến Từ Đâu (Nguyễn Đức Tùng) đã phán rất thẳng thừng nhưng, theo tôi, rất chính xác:

Lúc nào tôi nói thật, nói thẳng được, nổi điên lên mà nói, nói mặc kệ thiên hạ sự, nói cóc sợ ai, không ‘quan trên ngó xuống người ta trông vào’ thì tôi viết được mấy lời kha khá.”

Lúc ấy lý trí sẽ trở thành bất khiển dụng vì đã bị đẩy lùi vào một góc. Đây là điều kiện tối cần thiết để tạo hồn thơ. Nhưng những người ý thức được sự cần thiết đó rất ít, mà dù có ý thức được điều đó đi nữa, cái trạng thái nổi điên ấy đâu phải cứ muốn là sẽ có, cứ gọi là sẽ đến; phải biết cách thai nghén và kiên nhẫn đợi chờ. 

Vậy mà như thế vẫn chưa đủ. Kỹ thuật thơ của thi sĩ phải vươn tới một trình độ khả dĩ chuyển tải được tứ thơ và những nét đẹp của bài thơ một cách trơng tru để cảm xúc có thể nương theo đó phát triển thành hồn thơ. Tâm hồn phấn khích, cao hứng hay ngay cả nổi cơn điên mà kỹ thuật thơ yếu kém thì cảm xúc có gom được tý nào cũng theo nhưng lỗ hổng yếu kém đó mà xì ra hết.



Kết Luận

Đọc thơ, ai cũng thích gặp bài thơ chan chứa chất tình, hồn thơ lai láng. Mỗi thi sĩ, đều có cách riêng của mình, réo gọi hồn thơ. Nhưng xin đừng quên kỹ thuật thơ ca - chữ, câu, các biện pháp tu từ và thế trận chữ nghĩa – cũng rất quan trọng. Không có nó thì dù có cao hứng, có “cái gì nhập” đi nữa cũng không thể có bài thơ hay. 

Tầng 3 chỉ có thể yên tâm phát sinh và phát triển khi nền móng của nó là tầng 1 và tầng 2 vững vàng. Nếu chuyên cần học hỏi, rèn luyện kỹ thuật thơ ca, chú ý lắng nghe tiếng xao động trong tim mình, biết kiên nhẫn đợi chờ, thì một lúc nào đó thật bất ngờ, hồn thơ sẽ ập đến.

PHẠM ĐỨC NHÌ

Chú Thích:


1/ Những chữ trong ngoặc đơn là của PĐN


Thứ Năm, 1 tháng 2, 2018

XẠO Ở THẾ TRẬN (KỊCH BẢN) CỦA BÀI THƠ

Kịch Bản Thơ

 Đã làm thơ, khi chữ nghĩa cùng với cảm xúc tuôn ra, chúng phải “chảy” về một hướng nào đó, bằng một “con kênh” nào đó. Con kênh có thể có trước, cũng có thể xuất hiện cùng thời điểm lúc chữ nghĩa và cảm xúc tuôn ra. (Trường hợp sau thì thơ dễ có hồn hơn). Trong thực tế, ít ai từ lúc cầm bút viết những chữ đầu tiên của bài thơ cho đến khi buông bút là có “đứa con tinh thần” chào đời. Có khi ngày hôm sau, tuần sau, nhiều trường hợp còn lâu hơn nữa, phải quay trở lại tiếp tục công việc đang bỏ dở. Lúc ấy, đoạn sau phải viết sao cho ăn khớp với đoạn trước và phải phù hợp với bức tranh toàn cảnh của bài thơ.

Có điều chắc chắn rằng khi bài thơ hoàn tất, cả thi sĩ và người đọc sẽ nhận ra – có thể độ đậm nhạt khác nhau - hình ảnh của con kênh đó. Đó chính là bố cục mà riêng tôi có khi gọi là thế trận chữ nghĩa, hoặc kịch bản của bài thơ.

Kịch Bản Xê Dịch

Xin lập lại một đoạn trong bài viết khác:

Muốn thơ hay, tâm trạng phải thật, cảm xúc phải thật. Đó là điều cốt yếu. Trường hợp kịch bản cũng hoàn toàn thật nữa thì quá tốt; nếu kỹ thuật thơ của thi sĩ nhuần nhuyễn, bài thơ sẽ dễ có nhiều cảm xúc, và nếu hội đủ một vài điều kiện khác nữa, hồn thơ có cơ hội xuất hiện. Nhưng không phải lúc nào kịch bản của bài thơ cũng “vừa khít” với tâm trạng. Đôi khi thi sĩ phải xê dịch, điều chỉnh chút ít để có sự ăn khớp cần thiết. Là người làm thơ, thú thật, tôi cũng có một số lần làm như vậy.

Chưa có sự đồng thuận của tất cả những người làm thơ, nhưng tôi nghĩ những xê dịch, điều chỉnh chút ít ấy có thể chấp nhận được.

Chúng ta thử đọc đoạn kết bài thơ Giấc Mơ Anh Lái Đò của Nguyễn Bính:
            Đồn rằng đám cưới cô to
            Nhà giai thuê chín chiếc đò đón dâu
            Nhà gái ăn 
chín nghìn cau
            Tiền cheo, tiền cưới chừng đâu 
chín nghìn
            Lang thang tôi dạm bán thuyền
            Có người giả 
chín quan tiền, lại thôi.
Tôi không tin là trong thực tế, con số chín (9) hoàn toàn phù hợp với số lượng những “thứ” mà ông nói đến trong bài thơ. Đúng là ông “phịa”; nhưng ông “phịa” khéo quá, “cao tay ấn” quá, nên người đọc, theo dòng cảm xúc của mình, đâu cần biết “có đúng là chín chiếc đò đón dâu, có đúng là chín nghìn cau hay chín nghìn tiền cheo, tiền cưới hay không, mà chỉ thấy cái khoảng cách giàu nghèo giữa anh lái đò và tình địch hiện ra một cách rõ ràng và cay đắng, để rồi cái cảm giác bàng hoàng đau đớn về mối tình vô vọng của anh lái đò đã như một dòng thác đổ xuống, tràn ngập tâm hồn. Ở đây thủ pháp “bày tỏ, không kể lại” được phối hợp với phép điệp ngữ (chín) một cách tài tình đã dẫn đến 2 câu kết thật tuyệt vời. (1)

Chắc Độc giả cũng đồng ý với tôi sự xê dịch kịch bản chút ít của Giấc Mơ Anh Lái Đò là có thể chấp nhận được.

Xê Dịch Quá Nhiều Thành XẠO

Nhưng đôi khi có những kịch bản bị xê dịch quá nhiều, đi đến chỗ không hợp tình, hợp lý. Độc giả sẽ cho rằng thi sĩ “xạo”, và bài thơ thất bại. 


Bài thơ Tình Yêu Không Lời của thi sĩ Phạm Trung Dũng có tứ thơ khá lạ và cảm động về mối tình của một chàng trai với cô gái câm điếc. Nhưng kịch bản của bài thơ đã được tác giả nêm nếm quá tay.



TÌNH YÊU KHÔNG LỜI

Em thuê trọ cạnh nhà tôi
Hương đồng gió thở khoảnh trời cách xa
Mấy mùa cây khế trổ hoa
Hái nhành tim tím sang nhà em chơi
Em hào phóng ban nụ cười
Pha trà rót nước rồi ngồi lặng im
Hồn tôi như mảnh trăng chìm
Bao lời thông thái nằm im trong đầu...

Một lần trời đổ mưa mau
Bỗng dưng em tới gục đầu vai tôi
Lặng yên... Cứ lặng yên thôi
Làn môi khoá chặt làn môi bất ngờ.
Bồng bềnh nửa thực, nửa mơ
Cùng em lạc giữa mịt mờ phiêu linh
Sông mê - bến lú - thuyền tình
Đã trao thì cháy hết mình vẫn trao.

Một lời chẳng nói là sao?
Một từ cũng chẳng... Lẽ nào, người ơi?
Gương trăng nhoà nước mắt rơi
Đưa tôi mẩu giấy, em ngồi lặng im.
Hồn tôi lại mảnh trăng chìm
Lời vô nghĩa hết! Trái tim khóc thầm.
Thương em vừa điếc lẫn câm
Tai ương từ tuổi mười lăm tới giờ.

Trần nhà cánh nhện buông tơ
Tôi ghì em giữa đôi bờ vai tôi.
(Phạm Trung Dũng)

Là hàng xóm sát mái, kề hè với nhau mấy tháng trời (mấy mùa cây khế trổ hoa), lại sang nhà cô chơi mấy lần mà phải chờ đến khi hai người “tò tí” xong, đọc mẩu giấy cô gái nhét vào tay, mới biết cô gái bị câm điếc và bàng hoàng thương cảm, thì thật không thể nào tin nổi. 

Phạm Trung Dũng không những chỉ nêm nếm quá tay mà – trong quá trình làm thơ và kiểm soát lại trước khi phổ biến – anh đã tự bịt mắt mình để không thấy những điều lẽ ra phải thấy.
Khi nhận ra chi tiết chính trong kịch bản của bài thơ không phải chỉ “không hợp tình hợp lý” mà còn xạo một cách trắng trợn, cảm xúc có được qua việc đọc thơ chỉ là thứ cảm xúc giả tạo, độc giả cảm thấy bẽ bàng vì bị xúc phạm. Bài thơ thất bại một cách ê chề. 

CHÚ THÍCH:

1/ (Giấc Mơ Anh Lái Đò Hay Mối Tình Vô Vọng, Phạm Đức Nhì, phamnhibinhtho.blogspot.com)
http://phamnhibinhtho.blogspot.com/2016/06/giac-mo-anh-lai-o-hay-moi-tinh-vo-vong_1.html



Thứ Hai, 29 tháng 1, 2018

KHI ẨN DỤ QUÁ KÍN

                                                

Thơ tôi viết có một phần khá lớn sử dụng phép ẩn dụ trong đó có gần hai chục bài được bạn bè xếp vào loại “Những Bài Thơ Về Thơ”. Trong số này có một số bài mà dù người đọc “bắt” được tứ thơ, biết rằng tác giả có gởi kèm một thông điệp kín nhưng vẫn không mở được cái thông điệp kín ấy. Có người đổ thừa tại áp dụng ẩn dụ không đúng cách.

Tôi xin tóm tắt phép ẩn dụ như sau:

Ẩn dụ là nói cái này mà ngụ ý cái kia. Ẩn dụ được coi là đúng cách khi cái này hợp tình hợp lý và cái kia cũng hợp lý hợp tình.

Xin mượn bài thơ Chè Đường để minh họa phép ẩn dụ và bàn cách giải quyết vấn đề khi ẩn dụ quá kín.

CHÈ ĐƯỜNG

Tôi thích chè
chè ngọt
bởi có đường
đường ít
chè không đủ ngọt
không ngon
đường nhiều
ngọt lợ
ăn gắt cổ.

Nấu chè ngon do đó,
cũng cần có tài
ngoài việc phải biết chọn các thứ đậu, dừa, bột, nếp,
các thứ khoai
(thứ nào nấu với thứ nào
liều lượng bao nhiêu thì hợp)
còn phải biết
bỏ đường cho vừa ngọt

Chè có món có thể bỏ đường kha khá
có món ít đường một chút cũng không sao
nhưng đã là chè thì phải có đường
nấu chè
nếu không bỏ đường
(hoặc tìm cách cho chè có vị ngọt)
thì chè sẽ không còn là chè nữa
mà thành món khác.

(Phạm Đức Nhì)

Người đọc có thể đến bến đỗ của tứ thơ khá dễ dàng: Nấu chè phải bỏ đường.

Trước khi viết bài này tôi có nghe loáng thoáng ở miền Trung có một món chè nghe tên rất lạ: Chè heo quay. Tôi tự nghĩ “heo quay là món mặn, không biết nấu chè heo quay họ có cho đường không? Nếu không thì bài thơ của mình ‘trớt quớt’”. Thế là tôi lại lò mò tìm hỏi và được một cô giáo Đà Nẵng cho câu trả lời:

“Nấu chè heo quay cũng có cho đường. Nhân bánh là thịt heo quay, bọc bột lọc ở ngoài. Nấu đường lên cho vào. Anh từng biết chè bột lọc hay bánh trôi nước rồi thì chè này giống y vậy.”

Như thế là tôi yên tâm; bài thơ không có chỗ hở. Nhưng nếu chỉ muốn nói “Nấu chè phải bỏ đường” thì bỏ công viết bài thơ làm gì cho mệt. Nói khác đi, bài thơ Chè Đường có ẩn dụ - nghĩa là tôi muốn gởi đến người đọc một thông điệp khác.
Nhưng trước khi giải mã ẩn dụ của Chè Đường, mời bạn đọc thăm ẩn dụ trong Sông Lấp.

                       SÔNG LẤP
               Sông xưa rày đã nên đồng
              Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai
              Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
              Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.
              (Trần Tế Xương)


Nếu bạn hiểu rằng qua bài thơ, tác giả bày tỏ “nỗi tiếc nhớ con sông Vị Hoàng (nay đã bị lấp) đã cùng với gia đình ông trải qua một quãng đời đầy kỷ niệm” thì bạn đã bắt được tứ thơ. Chức năng truyền thông của bài thơ đã thành công. Bạn – cũng như một số người đọc khác – không đủ nhạy cảm để thả hồn đi tiếp cũng là chuyện thường tình. “Không phải tại anh cũng không phải tại em”. Tác giả và người đọc đều hoàn thành nhiệm vụ. Chả ai có lỗi cả.
 
Tuy nhiên, nếu bạn có khả năng hiểu xa hơn, đưa hồn thơ của bạn đến chỗ ông Tú Vị Xuyên “nhớ thương, tiếc nuối cái thời tạm gọi là vàng son của mình, cái thời Nho học vẫn còn chỗ đứng khá trang trọng trong đời sống người dân Việt” thì bạn đã hiểu trọn vẹn cả tứ lẫn ý của bài thơ. Với tôi, độ nhạy cảm và trình độ thưởng thức thơ của bạn rất đáng nể.

Giải Mã Ẩn Dụ Của “Chè Đường”

Trong Chè Đường người đọc dù “yếu cơ” cách mấy cũng hiểu được tứ thơ: Nấu chè phải cho đường.  Nếu tôi đăng bài thơ với vóc dáng ấy thì vì người đọc đã “bắt” được tứ thơ, chức năng truyền thông của bài thơ đã thành công; đoạn đường sau đó mạnh ai nấy đi, tùy “nội lực” của mỗi người. Có điều tôi biết chắc là – vì ẩn dụ quá kín - rất ít người hiểu được ngụ ý của tác giả.

Muốn người đọc có thể hiểu và chia sẻ cách nhìn nhận vấn đề của mình tác giả phải giúp họ giải mã ẩn dụ của bài thơ (nhưng phải chừa chỗ để họ suy luận, tự tìm ra thông điệp kín chứ không giải thích huỵch toẹt ra). Trong trường hợp này tôi sẽ viết dưới cái tựa Chè Đường mấy chữ  trong ngoặc đơn (vị ngọt của thơ). Đây là gợi ý để những người có hiểu biết về thi pháp sẽ sử dụng óc liên tưởng để đến với thông điệp kín của bài thơ. Số bạn đọc vì lý do nào đó không đến được, xin đọc đoạn giải thích dưới đây.

Giải Thích Thông Điệp Kín Của Bài Thơ

Vần và (hoặc) nhịp điệu - giống như đường trong chè - tạo nên vị ngọt cho thơ ca. Nó là những cái “móc” để giúp nối những chuỗi hình ảnh, sự kiện tạo nên cảm xúc của tác giả và – qua bài thơ – trở thành một thứ “thuốc dẫn” giúp những chuỗi hình ảnh, sự kiện ấy đi vào tâm hồn người đọc một cách dễ dàng hơn. Trong những bài thơ thành công cái “thuốc dẫn” này giúp cảm xúc vận chuyển thành một dòng chảy, chảy trong tâm hồn người đọc.

Nhấm nháp được chút vị ngọt này người đọc sẽ bỏ bớt sự cẩn trọng thái quá (như khi đọc một hợp đồng, một án quyết), tạm thời gác lý trí qua một bên, để có thể tiếp cận bài thơ một cách nhẹ nhàng thoải mái, cho trái tim trần trụi của mình đối diện với hồn thơ của tác giả.

Tuy nhiên, cũng như đường trong chè, ít quá thì không đủ ngọt, nhiều quá thì ngọt lợ, ăn gắt cổ, ngoài ý tứ, ngôn từ, hình ảnh, việc xử dụng vần điệu đúng liều lượng để thơ ca có vị ngọt vừa phải – cũng là một tài năng của tác giả – có thể góp phần làm tăng giá trị của bài thơ. 
 
Kết Luận

Sau khi đọc bài thơ, thấy được vai trò của đường trong chè, rồi lại đọc phần giải thích thông điệp kín của bài thơ, thấy được vai trò của vần trong thơ, độc giả chắc cũng có thể tự rút ra kết luận của mình về sự đúng cách (hay không đúng cách) của phép ẩn dụ.

Tạo được một ẩn dụ đúng cách sẽ làm bài thơ sang hơn, sáng giá hơn rất nhiều. Tuy nhiên, nếu ẩn dụ quá kín (trường hợp Chè Đường) - người đọc “bắt” được tứ thơ mà vẫn không hiểu được ẩn ý của tác giả - tác giả có bổn phận phải gợi ý, để dẫn dắt người đọc đến với thông điệp kín của bài thơ. Nếu không làm điều ấy sẽ uổng phí công sức cùa mình vì bài thơ sẽ được đánh giá là thất bại khi không có sự giao cảm với người đọc.

Phạm Đức Nhì
nhidpham@gmail.com



Thứ Sáu, 26 tháng 1, 2018

XẠO VÌ SỢ, VÌ HÈN, VÌ TEO CHIM



 Đây cũng là kiểu xạo theo đúng nghĩa đen của từ “xạo” – nói sai sự thật, xuyên tạc sự thật. Thi sĩ để “cái tôi teo chim” lấn át cái tôi văn hóa và cái tôi đích thực. Biến chứng của nó là thái độ “nâng bi” chế độ, lãnh tụ, cấp trên, những người có quyền quyết định sự an nguy, thăng tiến hoặc tụt hậu của mình và gia đình.

Giữa cái tôi văn hóa và cái tôi teo chim thì “cái tôi teo chim” mạnh hơn, có uy thế hơn nhiều. Nghĩ đến chết chóc, tù đày, gia đình bị tước đoạt mọi phương tiện, nguồn sống, ngòi bút của thi sĩ đôi lúc phải cong lại hoặc vừa viết lại vừa phải “lách”. Cái xấu phủ đến đen mặt thì lờ đi, cái tốt thì có ít xít ra nhiều, nếu không có thì bịa ra, “bốc thơm” đến tận trời xanh. Thí dụ cụ thể về kiểu xạo này không thiếu nhưng tôi không trích dẫn. Sợ bị trách nặng tay bên này, nhẹ tay bên kia.  

Làm thơ mà xạo là không đẹp. Trước tiên, nó làm mất đẹp thanh danh của mình. Sau nữa còn làm ô uế chữ Thơ (viết hoa) trong sạch, cao quý của nhân loại. Tuy nhiên, xạo vì teo chim dù sao cũng có chỗ để châm chước, thông cảm. Sống trong hoàn cảnh bó buộc như thế đâu phải ai cũng có máu anh hùng.


Thứ Năm, 25 tháng 1, 2018

HÉ MỞ CÁNH CỬA BẾN ĐỖ CỦA TỨ THƠ




Được Mời Đọc Bài Thơ

Tôi kết bạn FB với Hà Ngọc đã khá lâu, biết cháu còn độc thân, làm việc ở Hà Nội, gia đình ở Yên Bái.
Cách đây vài tuần tôi đọc một bài thơ khá hay của cháu và có trao đổi góp ý với cháu qua hộp nhắn tin, đại ý tin nhắn là: Vần liên tiếp là ưu điểm lớn nhưng số chữ trong câu nên thay đổi với biên độ rộng hơn, sẽ dẫn đến sự thay đổi nhịp điệu của bài thơ, độ ngọt sẽ ở mức thoang thoảng, vừa phải, bài thơ đọc lên nghe “đã” hơn.
Hà Ngọc lắng nghe và vui vẻ chấp nhận ý kiến của tôi. 

Nhân tiện nói về sự thay đổi biên độ của số chữ trong câu của bài thơ, cháu mời tôi đọc bài thơ Thơ Không – Không Thơ cháu vừa viết khuya hôm trước.
Xin được trích dẫn trọn vẹn bài thơ tại đây:

THƠ KHÔNG- KHÔNG THƠ.

Hà Nội đổi trời.
Lá lạnh
Gió bay

Yên Bái mưa, cả tuần chưa tạnh
Đường nằm trên cổ đồi,
Xe máy muốn đi phải cài số một
Cổng nhà ai, đón dâu, trấu phải rắc dày

Hà Nội căm căm
Cuồng thổi
Người bay
Phố quanh co, phố đầy mưa bụi
Nhiệt độ giảm sâu.
Quê mình đêm nay rét xói
Lưỡi giá khùa vào gậm sàn, khùa qua vách liếp
Vật chết trâu, dê.
Hà Nội
Khuya
Đèn màu
Ai co ro mái hiên,
Ai lụi cụi vỉa hè

Yên Bái
Tinh mơ
Người thay trâu phì phò kéo bễ
Bắc mạ

Có một vì sao vừa ngã
vì day dứt hôm xưa
Những biệt phủ đèn giăng trong mưa
Như những con mắt mù màu
Chớp
Chớp.
Hà Ngọc 8.1.2018.

Đi Tìm “Cái Gì Đó” Của Bài Thơ

THƠ KHÔNG- KHÔNG THƠ của Hà Ngọc có vóc dáng dễ thương, sáng sủa mạch lạc, số chữ trong câu đổi thay tùy tiện, chứng tỏ tác giả rất ung dung thoải mái bày tỏ ý nghĩ, tâm trạng của mình. Vần liên tiếp, gieo không theo một lề luật nào nhưng vị ngọt của thơ rất “vừa miệng”, câu thơ, đoạn thơ liền mạch, tứ thơ và cảm xúc chảy thành dòng.
Đọc xong đoạn cuối của bài thơ, tôi đoán tác giả sử dụng thủ pháp Show, Not Tell để ám chỉ “cái gì đó” nhưng đã không cung cấp (Show) đủ dữ kiện và người đọc đã không thể men theo đó để tới “cái gì đó” được.

Tôi nhắn tin hỏi thì được cháu trả lời:

“Có một vì sao vừa ngã
vì day dứt hôm xưa

là cháu nói đến một quan chức vừa phạm tội. Đã phạm tội, thì phàm là quan chức hay dân thường đều phải chịu tội trước pháp luật, nhưng nhờ vị quan chức này mà Yên Bái cháu mới có đường cao tốc, cháu mới được đi về với mẹ thường xuyên, người dân đỡ khổ, nên cháu xót.”

Có câu trả lời này tôi quay lại bài thơ và thấy quả thật tác giả đã chuẩn bị thế trận để giới thiệu “đường cao tốc” Hà Nội – Yên Bái, dĩ nhiên có bóng hình của vị quan chức đó ẩn hiện ở phía sau con đường. Bài thơ có 5 đoạn thì ngoại trừ đoạn kết, 4 đoạn đầu cứ liên tục “chạy” Hà Nội – Yên Bái – Hà Nội – Yên Bái. Rất tiếc sự nối kết ấy còn quá mờ nhạt để dẫn người đọc đến chỗ tác giả mong muốn.

Tôi góp ý: (Câu nhát gừng kiểu nhắn tin Facebook):

Không có dữ kiện để người đọc liên tưởng
Cho họ một chút manh mối
Đó là bổn phận của tác giả.

Hà Ngọc trả lời:

Cháu chỉ cần sửa cho rõ ý hơn chỗ “vì sao rơi” thôi chú ạ.

Nhưng sau đó không thấy cháu sửa; bài thơ trên trang FB của cháu vẫn còn nguyên hình hài cũ. Và với cái hình hài ấy thì những người đọc khác dù có giỏi đoán cũng khó mà biết được tác giả đề cập đến ai và về vấn đề gì.

Ở đây tôi không bình thơ mà chỉ bàn đến quan hệ giữa thi sĩ và người đọc. Thi sĩ trước tiên có bổn phận phải hoàn thành chức năng truyền thông của bài thơ, phải dẫn người đọc đến tứ thơ. Trong trường hợp Thơ Không – Không Thơ chức năng truyền thông của bài thơ đã thất bại.
Với thế trận ấy nếu cánh cửa đến với tứ thơ được hé mở thêm tý nữa để người viết và người đọc có sự giao cảm, tôi tin bài thơ của Hà Ngọc sẽ được nhiều người yêu thích, đặc biệt là cư dân Yên Bái.

Đi Thẳng Hay Đi Vòng?

Làm thơ có 2 đường: Đi thẳng và đi vòng. Đi thẳng là nói thẳng vào điều muốn nói, có nghĩa là Tứ với Ý là một. Đi vòng có 2 cách:

1/ Ẩn dụ: Nói cái này mà ngụ ý cái kia - Tứ là cái này, Ý là cái kia.
2/ Show, Don't Tell: Không nói thẳng mà cung cấp thông tin để người đọc dựa vào đó, nương theo đó hiểu được ý mình muốn nói.

Dĩ nhiên, đi thẳng dễ hơn đi vòng. Đi thẳng giống như đánh bài cào, ngửa mặt nút lớn, nút nhỏ là biết ăn thua. Đi vòng - giống như chơi xì phé, phải để ý, theo dõi con bài tẩy và phải chờ khi lật con bài tẩy lên thì mới biết kết quả. Đi vòng có cái lợi là làm cho người đọc khoái hơn, đọc hứng thú hơn nên thi sĩ có tay nghề kha khá thường chọn cách này.

Kết Luận

Người thưởng thức thơ sành điệu đều biết ẩn dụ càng kín bài thơ càng hay; với Show, Don't Tell dữ kiện cung cấp càng ít lúc hiểu ra niềm sảng khoái càng cao. Nhưng coi chừng “già néo đứt dây”. Ẩn dụ kín quá đến mức người đọc lắc đầu là bài thơ thất bại. Thi sĩ áp dụng Show, Don't Tell mà Show “kẹo” quá khiến người đọc giơ tay đầu hàng vì không thể Tell được thì bài thơ cũng vứt đi.

Làm thơ, tâm trạng là của mình, chỉ cần biết đến mình. Nhưng bày tỏ tâm trạng để người đọc hiểu mình, (có thể) đồng cảm với mình thi sĩ phải hé mở cánh cửa đến bến đỗ của tứ thơ. Đó là chức năng truyền thông của thơ. Không có nó bài thơ sẽ chết.

Phạm Đức Nhì