Chủ Nhật, 12 tháng 2, 2017

MỘT CÁCH NHÌN KHÁC VỀ VAI TRÒ CỦA VẦN TRONG THƠ


                                 MỘT CÁCH NHÌN KHÁC

                        VỀ VAI TRÒ CỦA VẦN TRONG THƠ

Lan Man Về Cái Tôi

Để có thể hội nhập và thích ứng với cuộc sống hàng ngày của cộng đồng mỗi con người đương đại phải tuân thủ rất nhiều nguyên tắc giao tiếp, ứng xử trong xã hội. Xã hội càng văn minh số lượng nguyên tắc càng nhiều. Sau khi vào đời một thời gian (dài ngắn tùy hoàn cảnh riêng) trong mỗi thân xác con người có 2 cái tôi cùng chung sống nhưng luôn đấu đá lẫn nhau để đòi quyền làm chủ thân xác đó: cái tôi đích thực và cái tôi hội nhập với cuộc đời – tôi tạm gọi là “cái tôi văn hóa”. Tuổi đời càng cao cái tôi văn hóa càng mạnh, càng rõ nét và cái tôi đích thực càng yếu kém, mờ nhạt. Đến một lúc nào đó cái tôi văn hóa sẽ “đè bẹp” cái tôi đích thực để độc quyền chiếm hữu cái thân xác kia. Lúc ấy, nói như Jean Paul Sartre (1) thì con người là một “kẻ vong thân” (đánh mất chính mình). Còn nói như Albert Camus (1) thì con người đích thực đã bất lực - để một “kẻ xa lạ” đến chiếm hữu thân xác mình.

Hai Trường Hợp “Đánh Mất Cái Tôi”

     1/ Tại các nước dân chủ tự do: Con người dạy bảo nhau tạo phong cách lịch thiệp trong giao tiếp, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh để hội nhập vào dòng phát triển của nhân loại. Lâu dần cái tôi văn hóa sẽ che khuất cái tôi đích thực. Con người chỉ còn là một “cỗ máy” do lý trí điều khiển. Mọi suy nghĩ, hành động đều là phản ứng (có điều kiện) của “cỗ máy” trước hoàn cảnh xã hội. Đây là nỗi băn khoăn, lo ngại của các triết gia phương tây về thân phận con người.

     2/ Tại các nước độc tài chuyên chế: Cái tôi đích thực bị một cổ 2 tròng, vừa bị “cái tôi văn hóa” chèn ép, vừa bị nỗi sợ cường quyền ám ảnh nên nhiều lúc phải hóa trang thành một cái tôi khác mà tôi xin phép gọi là “cái tôi teo chim”. (Tôi hoàn toàn không có ý “xách mé” gì những người làm công tác văn học ở trong nước mà chỉ muốn nhắc tới một thực tế không được vui về hoàn cảnh của nhà văn, nhà thơ Việt Nam trong đó có nhiều người tôi rất kính trọng và quý mến).

Giữa cái tôi văn hóa và cái tôi teo chim thì cái tôi teo chim mạnh hơn, có uy thế hơn nhiều. Nghĩ đến chết chóc, tù đày, gia đình bị tước đoạt mọi phương tiện, nguồn sống, ngòi bút của thi sĩ đôi lúc phải cong lại hoặc vừa viết lại vừa phải “lách”. Trong các tác phẩm của Nguyễn Khải cái tôi teo chim đã che khuất cái tôi văn hóa nên ông nhà văn của chúng ta vào cuối đời đã phải la toáng lên “Đi Tìm Cái Tôi Đã Mất” và phải chờ đến đúng ngày sau khi xác thân mình đã nằm dưới huyệt vợ con mới được chuyển cái thông điệp thương tâm ấy đến mọi người. Thông điệp trong Bánh Vẽ của Chế Lan Viên mạnh hơn, triệt để hơn, nên thời gian chờ đợi lâu hơn - chết rồi cũng chưa yên tâm - phải sau mấy lần “giỗ” mới được xì ra ngoài. Nói như nhà thơ Nguyễn Khôi là “kiểu để hạ cánh an toàn một cách chắc chắn đã”.

Lý Trí: Kẻ Thù Của Thi Sĩ Trong Lúc Làm Thơ

Thi sĩ làm thơ trong lúc tỉnh táo quá thì những điều viết ra sẽ được cân nhắc, suy hơn, tính thiệt kỹ càng. Đó sẽ là những vần thơ phải đạo được “đạo diễn” bởi “cỗ máy biết suy nghĩ” -  “cái tôi văn hóa”. Nếu thi sĩ có kỹ thuật thơ cao cường – ngôn từ trong sáng, thế trận chữ nghĩa chặt chẽ, hiệu quả - thì thơ vẫn có cảm xúc, vẫn có thể “hay” nhưng không có Hồn.

Khi thi sĩ thật cao hứng, lên cơn điên vì yêu, hận (giận), vui sướng, buồn bã, ghen ghét, ham muốn … cảm xúc sẽ sôi lên phủ mờ lý trí, “cái tôi đích thực” sẽ vùng dậy đẩy “cái tôi văn hóa” (và “cái tôi teo chim”, nếu có) vào bóng tối để dành quyền “đạo diễn” bài thơ của mình. Thi phẩm viết ra trong tâm cảnh ấy sẽ chẳng màng đến chính kiến, lập trường, truyền thống, đạo đức, lễ giáo, thước đo giá trị của người đời … mà chỉ là những gì tuôn trào ra ngòi bút bởi “cơn điên” của thi sĩ đang thôi thúc trong lòng. Lúc ấy kỹ thuật thơ vẫn mang dáng dấp đẳng cấp của thi sĩ nhưng lời thơ, tứ thơ – không còn bị chi phối bởi cái tôi văn hóa - sẽ là tâm tình chân thật của “cái tôi đích thực”. Nếu thi sĩ chọn được thể thơ thích hợp, tứ thơ sẽ chảy thành dòng, cảm xúc ở tầng 3 (2) sẽ lớn mạnh, bài thơ sẽ có hồn. thông điệp của thi sĩ sẽ đi vào lòng độc giả một cách dễ dàng.

Khi trạng thái cao hứng, “lên cơn” của thi sĩ “xẹp” xuống, cảm xúc nguội dần, lý trí sẽ xuất hiện, lời thơ ít nhiều cũng sẽ ẩn chứa sự “khôn mgoan, khéo léo”, sẽ bớt chân thật, câu thơ sẽ nhạt, hồn thơ sẽ lặng lẽ ra đi.

Một Chút Trải Nghiệm Cá Nhân

Tôi đang sống trên nước Mỹ

đất nước tự do

làm thơ

không phải lấm lét nhìn trước, ngó sau

nỗi lo sợ theo vào

cả trong giấc ngủ

giật thót mình nghe tiếng chó sủa

ban đêm (3)


Nhưng sao trước mặt vẫn chập chờn

những bóng ma quá khứ

ánh mắt van lơn

bàn tay níu giữ

khiến đã biết bao lần

dòng thơ đang băng băng tuôn chảy

phải khựng lại

luồn lách qua hướng khác


Để có thể hết lòng hết dạ

trọn tình trọn nghĩa

với Nàng Thơ

tôi

tay cầm bút viết

tay nắm dao quơ

đuổi, giết bằng sạch những hồn ma, bóng quỷ

(truyền thống, khuôn phép lễ giáo, thước đo giá trị

của người đời)


Trên trang thơ của mình

tôi chỉ trung thành

với nhịp đập

của chính trái tim tôi.

(Yêu Thơ Nên Phải Hết Lòng Với Thơ, PĐN, phamnhibinhtho.blogspot.com)


Thú thật, tôi đã nhiều lần bị cái tôi văn hóa bất ngờ xuất hiện che lấp trang thơ đang viết dở của mình. Đó là lúc hết hứng, cơn điên đã “xẹp”. Lúc ấy nói:

Trên trang thơ của mình

tôi chỉ trung thành

với nhịp đập

của chính trái tim tôi

thì rất dễ nhưng thực hiện lại vô cùng khó khăn. Muốn viết tiếp bài thơ khi cơn điên đã “xẹp” mà không phản bội nhịp đập của chính trái tim mình là một điều không thể được. Chỉ có cách cho bài thơ vào kho để chờ đợi một cơn điên khác nhưng điều này cũng khó xảy ra.

Tôi cũng đã gặp những bài thơ “nửa điên nửa tỉnh” - đoạn đầu khá nhiều cảm xúc, đoạn sau khô khan, nhạt nhẽo, đọc chán phèo. Đó là trường hợp tác giả hết hứng nhưng “tiếc của giời” cố viết cho xong bài thơ.

Tại Sao Thơ Nên Là Món Ăn Nhẹ Dễ Tiêu?

Một lần chạy xe Honda (2 bánh) từ Cầu Rào đến phi trường Cát Bi (Hải Phòng) tôi gặp một tấm bảng chỉ đường kích thước khoảng 30 x 40 cm trên viết đến chục hàng chữ đầy cả tấm bảng. Xe dừng lại (vì đèn đỏ) ở cách bảng 20 mét, tôi muốn đọc để biết tấm bảng chỉ dẫn điều gì cũng chỉ “chữ được chữ mất”. Còn nếu đang lái xe trên đường thì có thể nói “tấm bảng ấy có cũng như không”.

Ở Mỹ tôi có người bạn làm ở ngành giao thông (Department of Transportation) của tiểu bang Texas. Nhiệm vụ của anh bao gồm cả việc thiết lập và bảo trì những bảng chỉ đường trên các trục lộ giao thông. Anh cho biết tất cả những bảng chỉ đường hoặc cắm bên vệ đường hoặc treo băng ngang xa lộ - từ kích thước tấm bảng cho đến cỡ kiểu chữ và các ký hiệu bằng hình, màu sắc - đều được nghiên cứu kỹ lưỡng để người lái xe liếc qua là có thể tiếp nhận thông tin một cách nhanh chóng để kịp thời ứng xử với tình huống được cảnh báo ở phía trước. Sau khi đường được nâng cấp – có thể nâng tốc độ của phương tiện di chuyển (thí dụ từ 45 lên 60 dặm/giờ) – thì những bảng cảnh báo phải cắm lùi lại để người lái xe (với tốc độ mới) có đủ thời gian tiếp nhận thông tin và chuẩn bị ứng phó với tình huống mà bảng chỉ đường đã cảnh báo.

Với thơ cũng vậy. Đọc thơ là thả hồn mình theo dòng chảy của tứ thơ để cảm nhận tâm tình của tác giả. Mỗi câu thơ, trong chức năng truyền thông, còn là tấm bảng chỉ đường dẫn dắt độc giả đi một đoạn trên lộ trình của bài thơ. Nếu dòng chảy của tứ thơ nhanh mà câu thơ lại khó tiêu - giống như bảng chỉ đường khó đọc, khó hiểu - độc giả hoặc là chạy quá (và đi lạc) hoặc phải tạm ngừng, đọc đi đọc lại để hiểu ý tác giả. Cuối cùng dù có hiểu được chăng nữa thì cũng mất hứng, tiến trình thưởng thức thơ không được suôn sẻ, ảnh hưởng đến mức độ thành công của bài thơ.

Sau đây là một số đoạn thơ từ Dễ đến Khó Tiêu (chỉ là những thí dụ tượng trưng):

1/ Thi hóa thân thành họa:

Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay

Đây là loại thơ dễ tiêu nhất vì ngôn ngữ đã tan biến, hóa thân vào trong tranh, đi thẳng vào tâm hồn độc giả. Lý trí thất nghiệp.

2/ Thi trung hữu họa: Trong thơ có tranh.

Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh anh mến lá sân trường
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương
Anh thay mực cho vừa màu áo tím...

Chữ nghĩa có tranh minh họa nên dễ cảm nhận, lý trí có kiểm soát nhưng ít khi can thiệp.

2/ Show, Not Tell: Đưa ra dữ kiện để độc giả tự “suy ra” và cảm nhận tâm trạng.

Nhà giai thuê chín chiếc đò đón dâu
Nhà gái ăn chín nghìn cau

Tiền cheo, tiền cưới chừng đâu chín nghìn
Lang thang tôi dạm bán thuyền
Có người giả chín quan tiền, lại thôi.

Độc giả “bắt” được, hiểu được những dữ kiện tương đối dễ dàng nên có thể thả hồn theo dòng chảy của tứ thơ. Đến câu cuối, tùy độ nhạy bén của tâm hồn, độc giả có thể hiểu được ẩn ý của tác giả từ sau vài giây đến vài phút. Lúc ấy cảm giác thích thú sẽ tăng lên gấp bội.

4/ Thơ không vần, khêu gợi óc tò mò của độc giả:

 Nó không hình không sắc

Tuyệt không có tiếng có lời

Nó không có gì. Chỉ là một sự chờ đợi lặng lẽ

Thế thôi.


Nó là sự chờ đợi từ vô thuỷ đến vô chung

Ai nấy lần lượt đến với nó, không ai gặp nó

Tất cả đều hướng về nó, như hướng về ý nghĩa cốt tuỷ của chính mình

Tất cả đi về hướng nó. Nó chờ.

Nó chờ một con kiến, nó chờ một con voi.

Nó chờ một hạt bụi, nó chờ một đoàn quân.


Trên dòng thời gian đang trôi, những kẻ xanh mặt bảo nhau: “Nó chờ.”
Những kẻ mặt xám như tro bảo nhau: “Nó chờ đấy.”
Những kẻ run rẩy, tắc cổ, nghẹn họng thì thào: “Sắp rồi. Nó thôi.”
Trông cái nắng ngoài song cửa, tôi nghĩ: Nó đang chờ.
Nhìn chiếc răng em trắng muốt, tôi thầm nghĩ: Nó đang chờ.
Mắt nhìn con chữ đang thành hình trên giấy, tôi kêu thầm trong trí: Nó đang chờ.
 
Sự chờ đợi không lời mỗi lúc mỗi thiết tha

Và mỗi khẩn trương.

(Sự Chờ Đợi, Võ Phiến, tienve.org)


Đây là bài thơ tác giả viết bằng cái đầu, nặng chất trí tuệ, thiếu cảm xúc. Độc giả muốn hiểu tứ thơ cũng phải căng óc ra mà đọc. Giữa người viết và người đọc không có "chỗ" để tâm hồn giao cảm. Có thể nói đây chỉ là sản phẩm của lý trí, không phải là thơ.

5/ Ý tứ mù mịt, khó hiểu:

Trên sông Tiền Đường bình lặng, Thúy Kiều ngồi ở đầu thuyền gởi khúc hồng nhan bạc mệnh vào thiên cổ. Nàng đã vứt vào sọt rác những con cu thối và trở về. Trong ánh sáng khai nguyên của các thần linh, âm hộ nàng trong suốt. Và reo vui. Không phải vì trái tim nàng đã được lau chùi bằng nước mắt và tóc. Không phải vì sự đền đáp của hư vô… (Và Bởi Vì Âm Hộ Nàng Trong Suốt, Nguyễn Viện, tienve.org)

Nguyễn Viện là một nhà thơ thành danh trong việc làm mới thơ trên trang tienve.org. Nhưng với tôi, bài thơ của ông quá khác biệt với những gì tôi gọi là Thơ.

Nếu đưa ngôn từ có tính học thuật, hàn lâm, triết lý (nặng chất trí tuệ) vào thơ để chuyển tải một ý tưởng cao siêu, một trạng thái tâm lý phức tạp nào đó thì người đọc sẽ “chậm tiêu”, khó cảm và sẽ tạo cơ hội cho lý trí xen vào gây rắc rối cho tiến trình thẩm thấu thơ. Lúc ấy chức năng truyền thông của bài thơ, nếu may mắn lắm cũng chỉ thành công một nửa - độc giả có thể hiểu (nếu uyên bác hoặc đọc kỹ) nhưng khó cảm được tứ thơ và bài thơ bị coi là thất bại. Nói như thế không có nghĩa không thể dùng thơ để diễn tả một ý tưởng cao siêu. Ý tưởng cao siêu nên là cái đích cuối cùng, còn ngôn ngữ, lời thơ dẫn độc giả đi đến cái đích ấy nên đơn giản, dễ hiểu và dễ cảm.

Vai Trò Của Vần (Hoặc Nhịp Điệu) Trong Thơ

Với thi sĩ, vần giúp xâu kết những ý tưởng, sự kiện, những mảnh tâm tình khiến bài thơ liền mạch, nhất khí. Trong bài thơ có vần (ngoại trừ thể thơ mới trường thiên từng đoạn 4 câu) cảm xúc tuôn chảy thành dòng, lớn mạnh nhanh chóng nhờ sóng sau dồn sóng trước. Khi thi sĩ đang cao hứng, “lên cơn”, dòng cảm xúc liền mạch, trôi nhanh đó giúp tứ thơ tuôn trào, không có “thời gian chết” để lý trí xuất hiện, tạo cơ hội cho hồn thơ hình thành.

Với độc giả, vần là thuốc dẫn, là thứ “dầu bôi trơn” giúp thông điệp của bài thơ theo dòng cảm xúc trôi nhanh vào hồn. Nhờ thứ “dầu bôi trơn” ấy ông (bà) ta “cảm” được tâm tình của thi sĩ một cách dễ dàng hơn, (có thể) không phải trải qua tiến trình suy nghĩ, tránh được (hoặc giảm thiểu) sự chen vào can thiệp của lý trí để cuối cùng có thể bắt gặp hồn thơ (nếu có).

Nhưng vần là con dao hai lưỡi; nếu vần quá đậm thì bài thơ sẽ mắc phải “hội chứng nhàm chán vần” đọc rất “ầu ơ”, dễ ngán.

Chè Đường


Tôi thích chè

chè ngọt

bởi có đường

đường ít

chè không đủ ngọt

không ngon

đường nhiều

ngọt lợ

ăn gắt cổ.


Nấu chè ngon do đó,

cũng cần có tài

ngoài việc phải biết chọn các thứ đậu, dừa, bột, nếp,

các thứ khoai

(thứ nào nấu với thứ nào

liều lượng bao nhiêu thì hợp)

còn phải biết

nêm đường cho vừa ngọt


Chè có món có thể nêm đường kha khá

có món ít đường một chút cũng không sao

nhưng đã là chè thì phải có đường

nấu chè

nếu không nêm đường

(hoặc bằng cách nào đó

giúp chè có vị ngọt)

thì chè sẽ không còn là chè nữa

mà thành món khác.

(Phạm Đức Nhì


Vâng! Đúng vậy. Nếu không có vần (vị ngọt của thơ ca) thì Thơ sẽ không còn là Thơ nữa mà thành Thứ Khác.

Kết Luận

Đối với bạn đọc yêu thơ, tôi có một tin vui muốn chia sẻ với các bạn. Nếu có một giây phút nào đó trong đời, bạn đọc hoặc nghe được một bài thơ có hồn và chính bạn cũng cảm được cái hồn của bài thơ đó, thì chính giây phút đó bạn là một trong số rất ít người may mắn trên thế giới; bạn đang được giao tiếp với đồng loại của mình bằng “ngôn ngữ của loài người”, từ con người đích thực chứ không phải từ những cỗ máy di động mà suy nghĩ, lời nói hay cung cách giao tiếp chỉ là phản ứng có điều kiện trước hoàn cảnh xã hội. Như thế không phải là điều vô cùng sung sướng hay sao? Và thi sĩ sáng tác bài thơ có hồn đó đã ban ơn cho nhân loại, cho người yêu thơ cơ hội được đọc, nghe tiếng người từ con người đích thực. Tôi xin phép được mượn 2 câu ca dao nói về Phúc, Nghiệp của đạo Phật (tôi sửa lại câu thứ 2) để nói đến cái phúc của thi sĩ khi cống hiến cho đời một bài thơ như thế:

Dù xây chín đợt phù đồ  

Không bằng viết được Bài Thơ Có Hồn. (4)

Và để đạt được cái Phúc lớn lao ấy Vần (vị ngọt của thơ ca) đã đóng góp một phần công sức không nhỏ.

Phạm Đức Nhì


Blog phamnhibinhtho.blogspot.com

Chú Thích:

1/ Đều là đại diện của Chủ Nghĩa Hiện Sinh

    Tác phẩm tiêu biểu:

     Jean Paul Sartre:  La Nausée (Buồn Nôn)

     Albert Camus: L’Étranger (Kẻ Xa Lạ)

2/Ba tầng cảm xúc

     a/ Tầng 1: Do câu chữ

     b/ Tầng 2: Do thế trận của tứ thơ

     c/ Tầng 3: Do trạng thái cao hứng, “nổi điên” của thi sĩ. Đây chính là Hồn Thơ (nằm ngoài chữ nghĩa)

3/ Vâng, chính tôi (PĐN) cũng đã từng làm thơ (ở VN) khi cái tôi văn hóa và cái tôi teo chim cùng chiếm hữu thân xác mình.

4/ Nguyên văn 2 câu thơ là:

Dù xây chin đợt phù đồ

Không bằng làm phúc cứu cho một người.

(Có bản viết “bậc” thay vì “đợt”)


Thứ Năm, 9 tháng 2, 2017

TRẢ LỜI BÁC NGUYỄN BÀNG


TRẢ LỜI BÁC NGUYỄN BÀNG

Ai cũng biết Đầu Xuân Thì Thầm Với Nhà Thơ Nguyễn Khôi là một bài bình thơ. Ở đây ông Nguyễn Ngọc Kiên không bình một bài thơ nào riêng biệt mà đưa ra nhận xét “gộp” cả một đời thơ của nhà thơ lão thành ở Hà Nội. Ông áp dụng phép Quy Nạp hơi cẩu thả nên có một vài sơ sót và đã được nhà phê bình Châu Thạch vạch ra từng điểm một. Tôi có ý định sẽ trao đổi với nhà phê bình Châu Thạch về các vấn đề cùng quan tâm ở bài viết kế tiếp.

Ở đây tôi chỉ xin trả lời bác Nguyễn Bàng 2 điểm:

1/ Bác Bàng viết:

Tôi không có một mẩu bằng Đại học nào chứ nói gì đến cả cái bằng Tiến sĩ Ngữ văn như ông Nguyễn Ngọc Kiên mặc dầu tôi biết ở xứ mình hiện nay sản xuất tiến sĩ như gà đẻ: Mỗi ngày một ‘tiến sĩ’.

Và tôi đã lên tiếng: “Trước hết, bác Nguyễn Bàng không nên “xách mé” cái bằng Tiến Sĩ Ngữ Văn của ông NNK như thế,” Chữ “xách mé” ở đây tôi dùng với nghĩa châm biếm, chửi xéo, thiếu lịch sự. Nếu đọc cái đoạn in nghiêng ở trên mà bác Nguyễn Bàng không nhận ra là mình đã châm biếm, đã chửi xéo, đã thiếu lịch sự với ông Nguyễn Ngọc Kiên thì tôi đành chịu thua, để bác muốn chửi sao thì chửi.

 2/ Ông Nguyễn Ngọc Kiên viết Đầu Xuân Thì Thầm Với Nhà Thơ Nguyễn Khôi là để có cái tựa văn vẻ một tý, chứ thực tế thì ông chỉ muốn bình thơ Nguyễn Khôi thôi. Và dĩ nhiên vì là bình thơ nên ông viết để “nói cho cả bàn dân thiên hạ được nghe thấy”. Cũng may nhà thơ Nguyễn Khôi hiểu được ngụ ý của ông NNK nên không vểnh tai lên để chờ nghe lời Thì Thầm, chứ nếu cứ hiếu như bác Nguyễn Bàng thì chắc là rất mỏi lưng và mỏi cổ.

Rồi bác Nguyễn Bàng kết thúc thư của mình bằng đoạn “… xin ông (Nguyễn Ngọc Kiên) hãy nhớ cho, ông còn trẻ hơn nhà thơ Nguyễn Khôi rất nhiều và ông đã là Tiến sĩ Ngữ Văn chắc ông thừa biết câu “Hãy kính trọng người già khi bạn còn trẻ”. Nếu còn thì thầm với nhà thơ lão thành Nguyễn Khôi, xin ông Nên hãy (thì) thầm những lời đúng và đẹp như hoa Xuân thì hay hơn, ông Tiến sĩ Ngữ Văn à!”

Bác Nguyễn Bàng đã đem tuổi già ra làm con ngoáo ộp đe nẹt ông NNK (và những người yêu thơ trẻ tuổi khác) nên tôi đã lên tiếng: “Xin đừng bắt ông ta vì câu “Hãy kính trọng người già khi bạn còn trẻ” mà phải thì thầm vào tai nhà thơ lão thành Nguyễn Khôi những lời “đẹp như hoa xuân” khi tâm ý của ông không muốn như vậy. Thi sĩ nếu muốn được nghe những lời “đẹp như hoa xuân” của người phê bình thì phải thai nghén, phải ủ tứ thơ cho chín, cho lên men, rồi chờ lúc cao hứng dùng kỹ thuật thơ điêu luyện của mình viết lên những vần thơ dạt dào cảm xúc. Xin đừng mang tuổi già ra hù dọa lớp trẻ để làm thui chột tính công bằng của việc phê bình.”

Xin được giải thích thêm một tý cho rõ ràng.

Ở Mỹ tôi đã có cơ hội theo dõi và tham dự (cả với tư cách cử tri và ủng hộ viên) nhiều cuộc bầu cử ở mọi cấp chính quyền. Ai cũng muốn các ứng cử viên bày tỏ lập trường, chính sách của mình (về các vấn đề dân chúng quan tâm) để cử tri cân nhắc, lựa chọn khi đi bầu. Nhưng không phải cuộc bầu cử nào cũng có môi trường chính trị trong sạch như thế. Rất nhiều ban vận động tranh cử (tôi biết một vài ban như thế) có hẳn một nhóm người (group) chuyên đào bới, moi móc đời tư của ứng cử viên đối phương, nhiều khi không từ cả gia đình, họ hàng của ông (bà) ta nữa, để tìm ra những “điều không tốt” rồi “xì” ra cho báo chí, truyền thông để hạ uy tín đối thủ của mình. Đây là phương cách vận động bầu cử bá đạo bị nhiều người lên án.

Trong môi trường tranh luận văn chương cũng có một số trường hợp tương tự như vậy mà thư của bác Nguyễn Bàng gởi ông NNK là một thí dụ điển hình. Thay vì mổ xẻ những điểm chính của cuộc đối thoại văn chương là:

1/ Ông NNK trích lời nhà thơ Lê Mai cho rằng “Thơ Nguyễn Khôi không độc đáo. Không lạ. Không sang trọng.

2/ Nó có sức ma mị.

3/ Nhóm chữ “tắt trăng” trong đoạn thơ:

        Vượt biển, chơi hồ, trở quá giang
            Bỗng dưng lại thấy nhớ ao làng
            Cái đêm hè ấy ai ra tắm
            Để cả bầu trời phải tắt trăng.



4/Nhóm chữ “nai tác” trong bài thơ Đêm Mộc Châu

      Đêm Mộc Châu lần đầu nghe nai “ tác”
         Dân đốt nương núi cháy xém vầng trăng
         Mới hay cuộc sống còn đói khát 
         Đốt cả đất trời kiếm miếng ăn

thì bác Nguyễn Bàng lại:

1/ Ngay ở phần mở đầu đã xách mé (châm biếm, chửi xéo) cái bằng Tiến Sĩ Ngữ Văn của ông NNK.

2/ Ở đoạn kết của lá thư đã đem Tuổi Già ra để đe nẹt, hù dọa ông NNK (vì ông còn trẻ) và dĩ nhiên, làm hoảng sợ nhiều người yêu thơ trẻ tuổi khác. Hậu quả là làm không khí tranh luận không còn thoải mái, cởi mở và làm thui chột tính công bằng của việc phê bình.

Hai đoạn ấy chỉ nhằm bới móc, nói xấu để hạ uy tín ông NNK chứ không ăn nhập gì đến đối tượng đang tranh luận mà nhà phê bình Châu Thạch đã phân tích cặn kẽ từng điểm một.

Tôi bỗng nhớ đến một điều luật trong môn Quyền Anh (Boxing): Khộng được đánh dưới thắt lưng.  Theo luật thi đấu võ đài, võ sĩ bị cấm ngặt, không được phép ra đòn dưới thắt lưng, tức đánh dưới háng. Dù vô tình hay cố ý, ai phạm luật sẽ bị trọng tài phạt cảnh cáo hay bị loại thi đấu tùy theo mức độ nặng nhẹ hay tái phạm và bị xem là kẻ chơi xấu.


Võ sĩ Nguyễn Bàng rất hùng dũng bước lên võ đài để so găng với võ sĩ Nguyễn Ngọc Kiên và ngay những giây phút đầu tiên đã “chơi” một cú rất mạnh vào hạ bộ đối thủ. Sau đó ông mượn lời cô Dương Đình Ninh múa mấy đường quyền (theo đúng luật Quyền Anh "cao thượng") một hồi lâu rồi bất ngờ tung một cú đấm như trời giáng cũng vào ngay “bộ đồ lòng” của vỏ sĩ NNK một lần nữa rồi mỉm cười đắc thắng. Tôi là một khán giả đến xem cuộc tỷ thí, thấy chuyện bất bình tri hô lên “Chơi Xấu! Chơi Xấu!” thì bị võ sĩ Nguyễn Bàng “sửng cồ”, dùng lời lẽ rất đẹp mắng như tát nước.

Bị mắng, mà lại bị mắng oan, kể cũng hơi tức. Nhưng tôi lại thấy vui vui vì đã có thêm cơ hội trao đổi với các bác trên diễn đàn này về Phong Cách Bình Thơ. Tôi biết rằng, đang nóng giận, không dễ gì bác Nguyễn Bàng nhận ra tâm ý của tôi qua bài viết ngắn này. Nhưng cứ “tận nhân lực” trước đã. Hơn nữa, còn rất nhiều khán giả cùng xem võ đài như tôi, chẳng lẽ không ai thấy võ sĩ Nguyễn Bàng “Chơi Xấu”? Mà lại “Chơi Xấu” đến hai lần?

Phạm Đức Nhì

nhidpham@gmail.com

 

 

 

Thứ Ba, 31 tháng 1, 2017

ĐOẠN KẾT CỦA BÀI THƠ NGỌN CỎ


                    ĐOẠN KẾT CỦA BÀI THƠ NGỌN CỎ

 Ngọn Cỏ

 
Tiếng nước đái

nhỏ giọt

trong bồn cầu tí tách

thứ nước ấm sóng sánh vàng

hổ phách

trong người tôi tuôn ra

 

Phải rồi

tôi là đàn bà

hạng đàn bà đái không qua ngọn cỏ

bây giờ

được ngồi rồi trên bồn cầu chễm chệ

tương lai không chừng tôi sẽ

to con mập phệ

tí tách như mưa

ngọn cỏ gió đùa.

(Nguyễn Hoàng Bắc)


Đang muốn biểu lộ thái độ hùng dũng, vùng lên “đứng đái đàng hoàng”  như các đấng nam nhi mà lại kết thúc bằng “ngọn cỏ gió đùa” - chấp nhận thân phận đàn bà như ngọn cỏ, gió muốn đùa hướng nào cũng phải chịu -  thì đúng là cung đàn lạc điệu. Nguyễn Đúc Tùng vì đang phỏng vấn Nguyễn Thị Hoàng Bắc nên chỉ lịch sự cho rằng câu cuối bài thơ gây cảm giác mơ hồ (ambiguous).

Nguyễn Thị Hoàng Bắc sau đó bật mí:

 Nếu tường minh hàm ý mấy chữ ấy bằng ngôn ngữ bình thường thì đại khái có thể diễn đạt là “ngọn cỏ gió đùa? xin lỗi nghen!” hoặc “ngọn cỏ gió đùa? không dám đâu!”

Ô! Thật lạ! Chị viết “ngọn cỏ gió đùa” mà lại muốn người đọc hiểu là “ngọn cỏ gió đùa? không dám  đâu!”, nghĩa hoàn toàn trái ngược, thì đúng là làm khó người đọc quá.

Với tôi, đây là bài thơ hay. Hay về ý tứ táo bạo, hay về hình thức mới mẻ, hay về thế trận chữ nghĩa chặt chẽ. Chỉ tiếc câu cuối “ngọn cỏ gió đùa” lạc quẻ, trật bàn đạp, làm hỏng bài thơ.

Phạm Đức Nhì

nhidpham@gmail.com

 

Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2016

BA BÀI THƠ VỀ THƠ


BA BÀI THƠ VỀ THƠ

(Nói chuyện thơ bằng ngôn ngữ tình dục)

Coi Chừng Lầm To   

Thái tử Charles ôm công nương Diana

trên chiếc giường nệm êm ái (1)

Chí Phèo làng Vũ Đại (2)

chẳng cần giường

mà đè Thị Nở ngay bên gốc chuối


Nếu chỉ dựa vào độ mới của chiếc giường

để đoán cô gái nào sướng hơn

có khi bạn lầm to.

 
1/ Trong nhật ký của mình công nương

 Diana chê thái tử Charles “yêu”  không đã.

2/ Chí Phèo (Nam Cao) thì ngược lại.

Lời Bàn:
Không phải cứ làm thơ theo trào lưu văn học mới

là thơ hay hơn, có giá trị hơn. Thơ hay còn tùy thuộc

vào những yếu tố khác.

 

      CHO  THÊM  CỦI

 
Nhiều đấng nam tử

muốn trèo lên đỉnh vu sơn

nhưng “lực bất tòng tâm”

chỉ mới vài bước

đã khuỵu gối giơ tay bỏ cuộc

tội nghiệp người bạn đường

bẽ bàng

thất vọng

 
Có những bài thơ

như cái bếp lò

chỉ loe ngoe vài thanh củi mỏng

nồi trên bếp chưa kịp nóng

lửa đã tàn

còn mong gì gạo biến thành cơm

 
Căn bệnh của quý ông

“chưa đi đến chợ đã hết tiền”

chữa trị có lắm phương nhiều cách

ăn uống bồi bổ, thuốc men …  

riêng những bài thơ như bếp lửa tàn

cách tốt nhất là …. cho thêm củi.

Lời Bàn:

Rõ ràng quá rồi, đâu cần bàn bạc thêm gì nữa.

 
MỘT KIỂU LÀM MỚI THƠ

Người phụ nữ da trắng hồng

còn rất trẻ

chân dài, mông to

eo thon, vai rộng

lõa lồ giữa khu rừng vắng

đang ôm siết một thân cây

miệng phát ra tiếng rên

như con chó điên

đang kỳ động đực

 
Chị đang làm gì thế?

tôi hỏi

“Ta đang làm thơ

làm thơ cũng như làm tình

hãy chống mắt mà xem

ngày mai

giữa đám thơ cũ mèm

như cỏ rác

sẽ xuất hiện

những vần thơ tuyệt tác.”

Lời Bàn:

Tôi rất coi trọng nỗ lực làm mới thơ và rất quý mến những nhà thơ xông xáo vào những vùng đất chưa khai phá để tìm những cây mới, hoa lạ cho vườn thơ. Nếu ví làm thơ cũng như làm tình thì làm tình một cách quái đản như người phụ nữ ở trên sẽ chỉ đẻ ra những bài thơ quái thai. Làm mới thơ kiểu đó thì … vượt quá khả năng cảm nhận của tôi..



Galveston, Texas 05/2015

Phạm Đức Nhì


 

 

 

 

 

Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2016

HÃY ĐẾN VỚI VĂN CHƯƠNG BẰNG TẤM LÒNG NHÂN ÁI


                   HÃY ĐẾN VỚI VĂN CHƯƠNG TẤM LÒNG NHÂN ÁI

Sau khi đọc Văn Chương Không Phải Là Đơn Thuốc trên Facebook ông Lang Truong đã có comment như sau:
Có vẻ như ông thích leo lên, ngồi trên đầu các tượng đài, để thiên hạ tưởng mình cao. Có vẻ như, theo ông, nghệ thuật là phải bê nguyên cuộc sống lên sân khấu ; một kiểu " nghệ thuật vị nhân sinh ", luận điệu này nghe quen quá, rất buồn... nôn!
Bởi theo cách cảm nhận nghệ thuật mà ông bày tỏ, thì ca tử của Trịnh Công Sơn cũng phải vứt vào sọt rác :
" Gọi nắng, cho vai em gầy,đường xưa áo bay "
"Mưa vẫn mưa bay, trên tầng tháp cổ. Dài tay em mấy thủơ mắt xanh xao"
Nghệ thuật không phải miêu tả cảm xúc, mà là gợi lên những cảm xúc, ông ạ.
Những gì tri thức không hiểu, hãy để vô thức cảm nhận. Lý trí và trái tim không phải lúc nào cũng dùng chung một ngôn ngữ.
Đừng tự biến mình thành một tên đồ tể văn chương. Trước khi xuống dao mổ xẻ tâm hồn người khác, hãy làm tốt hơn họ đã.
Mong rằng có ngày, thi phẩm của ông sẽ được xuất hiện trong giáo khoa, dùng để giảng dạy cho cả thế hệ, như của Thanh Tâm.


Và Phạm Đức Nhì trả lời:

                         Hãy Đến Với Văn Chương Bằng Tấm Lòng Nhân Ái

 Trước hết xin cám ơn ông Lang Truong đã dành thời gian đọc kỹ bài viết Văn Chương Đâu Phải Là Đơn Thuốc của tôi để viết một cmt khá dài. Ông LT với tôi chưa có cơ hội biết nhau nên chắc đâu có gì mâu thuẫn. Bởi thế đọc cmt nặng lời của ông tôi thấy hơi lạ. Khác biệt quan điểm trong tranh luận văn chương là chuyện thường; xưa nay rất ít người vì thế mà hằn học với nhau, nhất là giữa chốn đông người. Nhưng điều đó đã là một thực tế nên xin phép được trả lời ông từng điểm một cho vấn đề được sáng tỏ.

1/ Ông viết về  tôi“Có vẻ như ông thích leo lên, ngồi lên đầu các tượng đài, để thiên hạ tưởng mình cao”

Trong bài Văn Chương Không Phải Là Đơn Thuốc tôi có đề cập đến tượng đài ở đoạn sau:

“Theo ngôn ngữ của ông LML thì mỗi người yêu thơ đều có một tượng đài trong tim cho mỗi bài thơ mình yêu thích. Tùy cách hiểu và đánh giá của mỗi người tượng đài ấy lớn nhỏ khác nhau.

       Có người đọc thơ để thưởng thức, có người đọc để phê bình. Tôi thuộc loại người thứ hai nên những điều ông LML trách tôi cũng có phần đúng. Tôi đã dùng đủ loại dụng cụ ông nói ở trên để đục đẽo hầu có được một tượng đài – mà theo tôi - đúng với kích cỡ của TBH. Tôi không có khả năng trục tượng đài ra khỏi trái tim của người yêu thơ để đưa vào chỗ ấy một tượng đài khác. Tôi chỉ ước mong những bài viết của mình đủ thuyết phục để có được một vài người yêu thơ tự làm công việc thay thế đó trong tim họ.”

Ông Lang Trương hãy chỉ cho độc giả thấy tôi “thích leo lên, ngồi lên đầu các tượng đài” ở chỗ nào? Xin đừng suy diễn tùy tiện mà nói điều không có cho tôi

2/ “Có vẻ như, theo ông, nghệ thuật là phải bê nguyên cuộc sống lên sân khấu ; một kiểu ‘ nghệ thuật vị nhân sinh’, luận điệu này nghe quen quá, rất buồn... nôn!”

 Không phải tôi, mà chính Thâm Tâm đã tạo ra khung cảnh cuộc đưa tiễn trong Tống Biệt Hành, biến bài thơ thành một sân khấu cuộc đời. Mấy trăm năm trước Nguyễn Du cũng làm như thế với truyện Kiều. Có điều trong truyện Kiều các nhân vật đều tự nói lên suy nghĩ hay tâm trạng của mình. Còn trong TBH

 người đưa tiễn cứ như có bùa phép, thấy được cả những chi tiết nhỏ nhặt trong đầu người ra đi. Thử hỏi độc giả liệu có tin được ‘chân tình’ của tác giả không?” Cái “không khéo” của Thâm Tâm là ở chỗ ấy, và tôi - với cương vị một người phê bình- đã “chê” TBH ở điểm ấy. Nếu ông Lang Truong thấy “rất … buồn nôn” thì cứ việc phê phán luận điểm của tôi bằng lý lẽ và dẫn chứng. Cớ sao lại đem “nghệ thuật vị nhân sinh” ra bêu riếu? Đó không phải là cách tranh luận văn chương nghiêm túc, và hơn nữa, rất bất công với các triết gia đã nghĩ ra và lập nên thuyết NTVNS.

3/ “Bởi theo cách cảm nhận nghệ thuật mà ông bày tỏ, thì ca tử của Trịnh Công Sơn cũng phải vứt vào sọt rác”

Tôi chỉ đồng ý với Nguyên Đình Thi khi trích lời một nhà văn Pháp “Nhà thơ bao giờ cũng là ngôi thứ nhất” mà ông nỡ gán cho tôi cái tội vứt ca từ của Trịnh Công Sơn vào sọt rác thì ông quả là quá nóng nên lại nói oan cho tôi một lần nữa rồi đấy.

4/ “Nghệ thuật không phải miêu tả cảm xúc, mà là gợi lên những cảm xúc, ông ạ.
Những gì tri thức không hiểu, hãy để vô thức cảm nhận”

Tôi không đủ kiến thức để bàn đến những môn nghệ thuật khác. Riêng với thơ, tôi cho rằng “làm thơ để biểu lộ cảm xúc của mình và khơi gợi cảm xúc nơi người thưởng ngoạn.” Người thưởng ngoạn thơ sành điệu, khi đọc một bài thơ, phải “bắt” được tứ thơ, thấy được cái hay, cái dở của kỹ thuật thơ (đó là phần việc của lý trí) và sau cùng mới “lấy hồn ta để hiểu hồn người”. Nếu không “bắt” được tứ thơ và hiểu kỹ thuật thơ mà đòi “lấy hồn ta để hiểu hồn người” thì chỉ là cách đọc thơ  kiểu “nghe hơi bắc nồi chõ” của những kẻ “ngu si hưởng thái bình”, rất đáng thương. Đời sinh ra cái nghề bình thơ để giúp những người “rất đáng thương” ấy

 

5/ “Đừng tự biến mình thành một tên đồ tể văn chương. Trước khi xuống dao mổ xẻ tâm hồn người khác, hãy làm tốt hơn họ đã. Mong rằng có ngày, thi phẩm của ông sẽ được xuất hiện trong giáo khoa, dùng để giảng dạy cho cả thế hệ, như của Thanh Tâm.”

Tôi chỉ mổ xẻ bài thơ rồi sau đó “lấy hồn mình để hiểu hồn tác giả”. Câu nói của ông LT “Trước khi xuống dao mổ xẻ tâm hồn người khác, hãy làm tốt hơn họ đã. Mong rằng có ngày, thi phẩm của ông sẽ được xuất hiện trong giáo khoa, dùng để giảng dạy cho cả thế hệ, như của Thanh Tâm“ là lý luận của một đứa trẻ ngây thơ; người lớn, hiểu biết không ai nói như thế, ông ạ. Nếu đòi “phải có thơ in trong sách giáo khoa thì mới được bình thơ” thì theo tôi, vô số những nhà phê bình trên thế giới (trong đó có rất nhiều người nổi tiếng) đã phải treo bút. Những câu nói “không lường hết hậu quả” như của ông LT không nên có trong một cuộc tranh luận văn chương.

6/ Có lẽ chỉ là một lỗi typo, nhưng xin nhắc ông Lang Truong, tác giả của TBH là Thâm Tâm chứ không phải Thanh Tâm.

7/ Tôi có một bài tổng hợp Tống Biệt Hành - Lời Bình Và Tranh Luận ở cái link dưới đây. Nếu ông Lang Trương muốn trao đổi thêm, tôi rất sẵn sàng thù tiếp. (Nhưng xin chọn sân chơi khác)  http://phamnhibinhtho.blogspot.com/2016/07/tong-biet-hanh-loi-binh-va-tranh-luan.html

Tôi biết cách bình thơ của mình không giống lối bình thơ ve vuốt trước đây bởi tôi nghĩ rằng thấy khuyết điểm của bài thơ mà người bình không nói ra là thiếu lương thiện trong văn chương. Tôi đã có nhiều cuộc trao đổi về TBH – có nhiều ý kiến khác biệt - nhưng không ai hằn học và nặng lời như ông. Tôi nghĩ rằng đến với văn chương bằng tấm lòng nhân ái sẽ giúp không khí hòa nhã và việc khám phá cái hay, cái đẹp của văn chương được kết quả hơn.

Một lần nữa xin cám ơn ông và chúc ông luôn vui khỏe.

Riêng trường hợp bạn Tadeo Truong - người bình luận ké – xin vui lòng đọc bài này. Tôi sẽ không trả lời riêng.

Phạm Đức Nhì


phamnhibinhtho.blogspot.com

 

Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2016

THĂM LẠI VƯỜN XƯA


                           

(Đây không phải là một bài bình thơ mà chỉ là vài nhận xét “xổi” của một người đọc gặp được bài thơ ưa thích.)
SÀI GÒN ĐAU

em yêu Sài Gòn, vì nơi đó có một người đau
một người mất những vàng son quá khứ…
sông cạn gió
đường cạn dần cây lá
mà mắt anh không cạn những mùa xưa!


Sài Gòn của anh
một thời Công Lý
một thời Tự Do
Sài Gòn của một thời Thương Xá
em bước qua, ngơ ngẩn mắt quê mùa

một thời của anh – em chưa trải nắng mưa
chưa vào kho sách cũ
chưa nỗi nhớ thắt lòng
chưa vướng một niềm riêng

không có tình yêu, Sài Gòn như đất trống
như câu thơ lạc vận chẳng neo hồn (1)


không giữ lại dáng hình xưa được nữa
Sài Gòn đau ngơ ngác buổi em về
anh ở đâu những ngày cây lá đổ
có đợi chờ bàn tay nắm sẻ chia?


có chờ nghe em nói giữa ngàn khuya
xa xót lắm những thờ ơ đã lỡ
Sài Gòn đau … Sài Gòn đau … anh ơi, thêm một miền tiếc nhớ
thêm một lần lặng đắng để thầm thương…
(Đinh Thị Thu Vân)

Lần đầu đọc Sài Gòn Đau của Đinh Thị Thu Vân, bài thơ tác giả cho biết viết đã gần 2 năm trước, ngay câu thơ đầu tiên tôi đã “bị” chị cuốn vào dòng cảm xúc của tứ thơ:
“em yêu Sài Gòn, vì nơi đó có một người đau
một người mất những vàng son quá khứ”


Người Đó là ai? Một người thân yêu trong tâm tưởng, hay chỉ là một “bóng dáng người” chị mượn để nói đến hàng triệu người miền Nam đã đau vì “mất những vàng son quá khứ”? Tôi không có câu trả lời. Nhưng đâu có hề gì. Đọc tiếp mấy câu sau tôi có cảm giác là chị không viết cho ai khác mà là cho riêng tôi.
“sông cạn gió
đường cạn dần cây lá
mà mắt anh không cạn những mùa xưa
Sài Gòn của anh
một thời Công Lý
một thời Tự Do
Sài Gòn của một thời Thương Xá"


thì “anh” đó chính là tôi chứ còn ai nữa! Và tôi tin là sẽ có không ít người – không cần sống ở Sài Gòn mà chỉ cần đến thăm thành phố ấy một đôi lần khi “vẫn còn dáng hình xưa cũ” - cũng có cảm giác như tôi.
Và đây là đoạn cuối - đoạn hay nhất của bài thơ:
“không giữ lại dáng hình xưa được nữa
Sài Gòn đau ngơ ngác buổi em về
anh ở đâu những ngày cây lá đổ
có đợi chờ bàn tay nắm sẻ chia?
có chờ nghe em nói giữa ngàn khuya
xa xót lắm những thờ ơ đã lỡ
Sài Gòn đau … Sài Gòn đau … anh ơi, thêm một miền tiếc nhớ
thêm một lần lặng đắng để thầm thương”


rất lãng mạn, rất đau và rất … đẹp
Ngôn ngữ, hình ảnh trong Sài Gòn Đau đẹp, lạ và sang. Chị đã dừng lại đúng lúc để không bước qua lãnh địa của “điệu” và sến.
Những gì tôi viết nãy giờ chỉ là cái tài, cái “khéo” về kỹ thuật. Cái hay của bài thơ mà khiến tôi vẫn còn bâng khuâng xao xuyến khi viết những dòng chữ này chính là cảm xúc. Cảm xúc đầy ắp, không phải chỉ tụ lại ở một câu, một đọạn như nhiều bài thơ khác, mà tỏa ra gần như đều khắp, bàng bạc trong mỗi chữ, mỗi câu. Tôi có cảm giác là ngay cả giữa những hàng kẻ cũng đẫm ướt những đau thương, tiếc nhớ. Thứ cảm xúc này không thể giả mạo mà chỉ có thể đến từ một tâm hồn trĩu nặng tiếc nhớ, đau thương.

Tôi đã nói lời Chào Tạm Biệt,  nhưng đọc bài thơ lại thấy vấn vương. Thôi thì bướm lại bay về thăm khu vườn xưa cũ. Chỉ xin ai đó đừng khua tay xua đuổi bướm đi.

Phạm Đức Nhì
nhidpham@gmail.com

CHÚ THÍCH
1/ Bài thơ có một câu rất tượng hình, rất đẹp nhưng hình như đã không còn đúng nữa:
như câu thơ lạc vận chẳng neo hồn”
Với sự thay đổi đến chóng mặt của hình thức thơ, thơ chẳng neo hồn là vì nhiều lý do khác chứ không phải vì lạc vận; có khi nhờ lạc vận (thoát vận) mà đoạn thơ hay hơn.
Tôi không đưa nhận xét này vào bài viết vì nó làm nghẽn dòng cảm xúc, làm người đọc mất hứng khi đang thả hồn thưởng thức cái đẹp của bài thơ


PHỤ LỤC:



  CHÀO TẠM BIỆT
 Cũng vì nhìn khuôn mặt “buồn đến tê tái lòng” của “nàng”, thấy “thương” quá nên tôi - một kẻ mới chập chững bước vào sân chơi facebook – đã mạnh dạn bấm vào add friend để làm quen, và ngay tối hôm ấy trở thành bạn với Đinh Thị Thu Vân để rồi mấy ngày sau phải lòng với bài thơ Trái Tim Rao Bán của chị. Tôi đã bỏ ra gần một tháng trời ăn ngủ với bài thơ để cho ra đời hai bài viết, giới thiệu đến bạn đọc cái hay, cái đẹp của thi phẩm rất độc đáo này.
Hai bài viết mà tâm điểm là Trái Tim Rao Bán đã xuất hiện trên một số trang web ở trong nước và hải ngoại, nhưng đặc biệt, khi mang về trang nhà của ĐTTV trên FB, đã được bạn bè và những người yêu mến thơ chị tìm đọc với sự quan tâm sâu sắc. Đã có một số bình luận đề cập đến những ưu điểm và khuyết điểm của bài viết; tôi cũng có trao đổi khá thú vị với một vài người. Vẫn còn một chút khác biệt nho nhỏ trong cách nhìn nhận và đánh giá thơ ca nhưng nói chung không khí trò chuyện hòa nhã, lịch sự và thân tình. Xin cám ơn những người bạn của ĐTTV – đã đối xử tốt với một kẻ xa lạ như tôi.

Biết chị là Hoa đã vắng chủ và đang thèm một bờ vai
 
làm sao cho em vài tích tắc
vài tích tắc thôi mà
vài tích tắc
vùi thương trên vai xa...
(Nhớ, ĐTTV)

tôi đã mấy lần bóng gió đưa đôi vai rắn chắc của mình cho mượn nhưng lần nào chị cũng lắc đầu và “chỉ tay ra hướng Quốc Lộ”. Hiểu ý chị, tôi nhớ lại đoạn kết đã viết về bài thơ Chạm của nữ sĩ Đậu Thị Thương: “Tôi chỉ là con bướm thơ đa tình, thấy vườn thơ cô hay hay, là lạ bay đến lượn chơi đôi vòng để thưởng thức hương thơm, vẻ đẹp. Giờ đây xin gởi đến cô chủ vườn lời cám ơn chân thành và xin được vẫy tay từ biệt để bay đến những vườn thơ mới.”


Cũng với ý ấy, xin Chào Tạm Biệt nhà thơ Đinh Thị Thu Vân. Xin chào những người bạn thân mến của chị trên FB. Nếu có “duyên thơ”chúng ta sẽ gặp lại.
Trân trọng,
Phạm Đức Nhì
nhidpham@gmail.com
phamnhibinhtho.blogspot.com


CHÀO TẠM BIỆT


                                             CHÀO TẠM BIỆT

 Cũng vì nhìn khuôn mặt “buồn đến tê tái lòng” của “nàng”, thấy “thương” quá nên tôi - một kẻ mới chập chững bước vào sân chơi facebook – đã mạnh dạn bấm vào add friend để làm quen, và ngay tối hôm ấy trở thành bạn với Đinh Thị Thu Vân để rồi mấy ngày sau phải lòng với bài thơ Trái Tim Rao Bán của chị. Tôi đã bỏ ra gần một tháng trời ăn ngủ với bài thơ để cho ra đời hai bài viết, giới thiệu đến bạn đọc cái hay, cái đẹp của thi phẩm rất độc đáo này.
Hai bài viết mà tâm điểm là Trái Tim Rao Bán đã xuất hiện trên một số trang web ở trong nước và hải ngoại, nhưng đặc biệt, khi mang về trang nhà của ĐTTV trên FB, đã được bạn bè và những người yêu mến thơ chị tìm đọc với sự quan tâm sâu sắc. Đã có một số bình luận đề cập đến những ưu điểm và khuyết điểm của bài viết; tôi cũng có trao đổi khá thú vị với một vài người. Vẫn còn một chút khác biệt nho nhỏ trong cách nhìn nhận và đánh giá thơ ca nhưng nói chung không khí trò chuyện hòa nhã, lịch sự và thân tình. Xin cám ơn những người bạn của ĐTTV – đã đối xử tốt với một kẻ xa lạ như tôi.

Biết chị là Hoa đã vắng chủ và đang thèm một bờ vai
 
làm sao cho em vài tích tắc
vài tích tắc thôi mà
vài tích tắc
vùi thương trên vai xa...
(Nhớ, ĐTTV)

tôi đã mấy lần bóng gió đưa đôi vai rắn chắc của mình cho mượn nhưng lần nào chị cũng lắc đầu và “chỉ tay ra hướng Quốc Lộ”. Hiểu ý chị, tôi nhớ lại đoạn kết đã viết về bài thơ Chạm của nữ sĩ Đậu Thị Thương: “Tôi chỉ là con bướm thơ đa tình, thấy vườn thơ cô hay hay, là lạ bay đến lượn chơi đôi vòng để thưởng thức hương thơm, vẻ đẹp. Giờ đây xin gởi đến cô chủ vườn lời cám ơn chân thành và xin được vẫy tay từ biệt để bay đến những vườn thơ mới.”


Cũng với ý ấy, xin Chào Tạm Biệt nhà thơ Đinh Thị Thu Vân. Xin chào những người bạn thân mến của chị trên FB. Nếu có “duyên thơ”chúng ta sẽ gặp lại.
Trân trọng,
Phạm Đức Nhì
nhidpham@gmail.com
phamnhibinhtho.blogspot.com