HÃY ĐẾN VỚI VĂN CHƯƠNG TẤM LÒNG
NHÂN ÁI
Sau khi đọc Văn Chương Không Phải Là Đơn Thuốc trên
Facebook ông Lang Truong đã có comment như sau:
Có vẻ như ông thích leo lên, ngồi trên đầu
các tượng đài, để thiên hạ tưởng mình cao. Có vẻ như, theo ông, nghệ thuật là
phải bê nguyên cuộc sống lên sân khấu ; một kiểu " nghệ thuật vị nhân sinh
", luận điệu này nghe quen quá, rất buồn... nôn! Bởi theo cách cảm nhận nghệ thuật mà ông bày tỏ, thì ca tử của Trịnh Công Sơn cũng phải vứt vào sọt rác :
" Gọi nắng, cho vai em gầy,đường xưa áo bay "
"Mưa vẫn mưa bay, trên tầng tháp cổ. Dài tay em mấy thủơ mắt xanh xao"
Nghệ thuật không phải miêu tả cảm xúc, mà là gợi lên những cảm xúc, ông ạ.
Những gì tri thức không hiểu, hãy để vô thức cảm nhận. Lý trí và trái tim không phải lúc nào cũng dùng chung một ngôn ngữ.
Đừng tự biến mình thành một tên đồ tể văn chương. Trước khi xuống dao mổ xẻ tâm hồn người khác, hãy làm tốt hơn họ đã.
Mong rằng có ngày, thi phẩm của ông sẽ được xuất hiện trong giáo khoa, dùng để giảng dạy cho cả thế hệ, như của Thanh Tâm.
Và
Phạm Đức Nhì trả lời:
Hãy Đến Với Văn Chương Bằng Tấm Lòng Nhân Ái
Trước hết xin
cám ơn ông Lang Truong đã dành thời gian đọc kỹ bài viết Văn Chương Đâu Phải Là
Đơn Thuốc của tôi để viết một cmt khá dài. Ông LT với tôi chưa có cơ hội biết
nhau nên chắc đâu có gì mâu thuẫn. Bởi thế đọc cmt nặng lời của ông tôi thấy hơi
lạ. Khác biệt quan điểm trong tranh luận văn chương là chuyện thường; xưa nay rất ít người vì thế mà hằn học với
nhau, nhất là giữa chốn đông người. Nhưng điều đó đã là một thực tế nên xin phép
được trả lời ông từng điểm một cho vấn đề được sáng tỏ.
1/ Ông viết về tôi“Có vẻ
như ông thích leo lên, ngồi lên đầu các tượng đài, để thiên hạ tưởng mình cao”
Trong bài Văn Chương Không Phải Là Đơn Thuốc tôi có
đề cập đến tượng đài ở đoạn sau:
“Theo ngôn ngữ của ông LML thì mỗi người yêu
thơ đều có một tượng đài trong tim cho mỗi bài thơ mình yêu thích. Tùy cách hiểu
và đánh giá của mỗi người tượng đài ấy lớn nhỏ khác nhau.
Có người đọc thơ để thưởng thức, có người đọc để phê bình. Tôi thuộc loại
người thứ hai nên những điều ông LML trách tôi cũng có phần đúng. Tôi đã dùng đủ
loại dụng cụ ông nói ở trên để đục đẽo hầu có được một tượng đài – mà theo tôi
- đúng với kích cỡ của TBH. Tôi không có khả năng trục tượng đài ra khỏi trái
tim của người yêu thơ để đưa vào chỗ ấy một tượng đài khác. Tôi chỉ ước mong những
bài viết của mình đủ thuyết phục để có được một vài người yêu thơ tự làm công
việc thay thế đó trong tim họ.”
Ông Lang Trương hãy
chỉ cho độc giả thấy tôi “thích leo lên, ngồi lên đầu các tượng đài” ở chỗ nào?
Xin đừng suy diễn tùy tiện mà nói điều không có cho tôi
2/ “Có vẻ như,
theo ông, nghệ thuật là phải bê nguyên cuộc sống lên sân khấu ; một kiểu ‘ nghệ
thuật vị nhân sinh’, luận điệu này nghe quen quá, rất buồn... nôn!”
Không phải
tôi, mà chính Thâm Tâm đã tạo ra khung cảnh cuộc đưa tiễn trong Tống Biệt Hành,
biến bài thơ thành một sân khấu cuộc đời. Mấy trăm năm trước Nguyễn Du cũng làm
như thế với truyện Kiều. Có điều trong truyện Kiều các nhân vật đều tự nói lên
suy nghĩ hay tâm trạng của mình. Còn trong TBH
“người
đưa tiễn cứ như có bùa phép, thấy được cả những chi tiết nhỏ nhặt trong đầu người
ra đi. Thử hỏi độc giả liệu có tin được ‘chân tình’ của tác giả không?” Cái
“không khéo” của Thâm Tâm là ở chỗ ấy, và tôi - với cương vị một người phê
bình- đã “chê” TBH ở điểm ấy. Nếu ông Lang Truong thấy “rất … buồn nôn” thì cứ
việc phê phán luận điểm của tôi bằng lý lẽ và dẫn chứng. Cớ sao lại đem “nghệ
thuật vị nhân sinh” ra bêu riếu? Đó không phải là cách tranh luận văn chương
nghiêm túc, và hơn nữa, rất bất công với các triết gia đã nghĩ ra và lập nên
thuyết NTVNS.
3/ “Bởi theo cách cảm nhận nghệ thuật mà ông
bày tỏ, thì ca tử của Trịnh Công Sơn cũng phải vứt vào sọt rác”
Tôi
chỉ đồng ý với Nguyên Đình Thi khi trích lời một nhà văn Pháp “Nhà thơ bao giờ cũng là ngôi thứ nhất” mà
ông nỡ gán cho tôi cái tội vứt ca từ của Trịnh Công Sơn vào sọt rác thì ông quả
là quá nóng nên lại nói oan cho tôi một lần nữa rồi đấy.
4/ “Nghệ thuật không phải miêu tả cảm xúc, mà là
gợi lên những cảm xúc, ông ạ.
Những gì tri thức không hiểu, hãy để vô thức cảm nhận”
Những gì tri thức không hiểu, hãy để vô thức cảm nhận”
Tôi
không đủ kiến thức để bàn đến những môn nghệ thuật khác. Riêng với thơ, tôi cho
rằng “làm thơ để biểu lộ cảm xúc của mình và khơi gợi cảm xúc nơi người thưởng
ngoạn.” Người thưởng ngoạn thơ sành điệu, khi đọc một bài thơ, phải “bắt” được
tứ thơ, thấy được cái hay, cái dở của kỹ thuật thơ (đó là phần việc của lý trí)
và sau cùng mới “lấy hồn ta để hiểu hồn người”. Nếu không “bắt” được tứ thơ và
hiểu kỹ thuật thơ mà đòi “lấy hồn ta để hiểu hồn người” thì chỉ là cách đọc
thơ kiểu “nghe hơi bắc nồi chõ” của những
kẻ “ngu si hưởng thái bình”, rất đáng thương. Đời sinh ra cái nghề bình thơ để
giúp những người “rất đáng thương” ấy
5/
“Đừng tự biến mình thành một tên đồ tể văn chương. Trước khi xuống dao mổ xẻ
tâm hồn người khác, hãy làm tốt hơn họ đã. Mong rằng có ngày, thi phẩm của ông
sẽ được xuất hiện trong giáo khoa, dùng để giảng dạy cho cả thế hệ, như của Thanh
Tâm.”
Tôi chỉ mổ xẻ bài thơ rồi sau đó “lấy hồn mình để hiểu
hồn tác giả”. Câu nói của ông LT “Trước khi xuống dao mổ xẻ tâm hồn người khác,
hãy làm tốt hơn họ đã. Mong rằng có ngày, thi phẩm của ông sẽ được xuất hiện
trong giáo khoa, dùng để giảng dạy cho cả thế hệ, như của Thanh Tâm“ là lý luận
của một đứa trẻ ngây thơ; người lớn, hiểu biết không ai nói như thế, ông ạ. Nếu
đòi “phải có thơ in trong sách giáo khoa thì mới được bình thơ” thì theo tôi,
vô số những nhà phê bình trên thế giới (trong đó có rất nhiều người nổi tiếng)
đã phải treo bút. Những câu nói “không lường hết hậu quả” như của ông LT không
nên có trong một cuộc tranh luận văn chương.
6/ Có lẽ chỉ là một lỗi typo, nhưng xin nhắc ông
Lang Truong, tác giả của TBH là Thâm Tâm chứ không phải Thanh Tâm.
7/ Tôi có một bài tổng hợp Tống Biệt Hành - Lời Bình
Và Tranh Luận ở cái link dưới đây. Nếu ông Lang Trương muốn trao đổi thêm, tôi
rất sẵn sàng thù tiếp. (Nhưng xin chọn sân chơi khác) http://phamnhibinhtho.blogspot.com/2016/07/tong-biet-hanh-loi-binh-va-tranh-luan.html
Tôi biết cách bình thơ của mình không giống lối bình
thơ ve vuốt trước đây bởi tôi nghĩ rằng thấy khuyết điểm của bài thơ mà người bình
không nói ra là thiếu lương thiện trong văn chương. Tôi đã có nhiều cuộc trao đổi
về TBH – có nhiều ý kiến khác biệt - nhưng không ai hằn học và nặng lời như ông.
Tôi nghĩ rằng đến với văn chương bằng tấm lòng nhân ái sẽ giúp không khí hòa nhã
và việc khám phá cái hay, cái đẹp của văn chương được kết quả hơn.
Một lần nữa xin cám ơn ông và chúc ông luôn vui khỏe.
Riêng trường hợp bạn Tadeo Truong - người bình luận
ké – xin vui lòng đọc bài này. Tôi sẽ không trả lời riêng.
Phạm Đức Nhì
phamnhibinhtho.blogspot.com