Thứ Năm, 9 tháng 2, 2017

TRẢ LỜI BÁC NGUYỄN BÀNG


TRẢ LỜI BÁC NGUYỄN BÀNG

Ai cũng biết Đầu Xuân Thì Thầm Với Nhà Thơ Nguyễn Khôi là một bài bình thơ. Ở đây ông Nguyễn Ngọc Kiên không bình một bài thơ nào riêng biệt mà đưa ra nhận xét “gộp” cả một đời thơ của nhà thơ lão thành ở Hà Nội. Ông áp dụng phép Quy Nạp hơi cẩu thả nên có một vài sơ sót và đã được nhà phê bình Châu Thạch vạch ra từng điểm một. Tôi có ý định sẽ trao đổi với nhà phê bình Châu Thạch về các vấn đề cùng quan tâm ở bài viết kế tiếp.

Ở đây tôi chỉ xin trả lời bác Nguyễn Bàng 2 điểm:

1/ Bác Bàng viết:

Tôi không có một mẩu bằng Đại học nào chứ nói gì đến cả cái bằng Tiến sĩ Ngữ văn như ông Nguyễn Ngọc Kiên mặc dầu tôi biết ở xứ mình hiện nay sản xuất tiến sĩ như gà đẻ: Mỗi ngày một ‘tiến sĩ’.

Và tôi đã lên tiếng: “Trước hết, bác Nguyễn Bàng không nên “xách mé” cái bằng Tiến Sĩ Ngữ Văn của ông NNK như thế,” Chữ “xách mé” ở đây tôi dùng với nghĩa châm biếm, chửi xéo, thiếu lịch sự. Nếu đọc cái đoạn in nghiêng ở trên mà bác Nguyễn Bàng không nhận ra là mình đã châm biếm, đã chửi xéo, đã thiếu lịch sự với ông Nguyễn Ngọc Kiên thì tôi đành chịu thua, để bác muốn chửi sao thì chửi.

 2/ Ông Nguyễn Ngọc Kiên viết Đầu Xuân Thì Thầm Với Nhà Thơ Nguyễn Khôi là để có cái tựa văn vẻ một tý, chứ thực tế thì ông chỉ muốn bình thơ Nguyễn Khôi thôi. Và dĩ nhiên vì là bình thơ nên ông viết để “nói cho cả bàn dân thiên hạ được nghe thấy”. Cũng may nhà thơ Nguyễn Khôi hiểu được ngụ ý của ông NNK nên không vểnh tai lên để chờ nghe lời Thì Thầm, chứ nếu cứ hiếu như bác Nguyễn Bàng thì chắc là rất mỏi lưng và mỏi cổ.

Rồi bác Nguyễn Bàng kết thúc thư của mình bằng đoạn “… xin ông (Nguyễn Ngọc Kiên) hãy nhớ cho, ông còn trẻ hơn nhà thơ Nguyễn Khôi rất nhiều và ông đã là Tiến sĩ Ngữ Văn chắc ông thừa biết câu “Hãy kính trọng người già khi bạn còn trẻ”. Nếu còn thì thầm với nhà thơ lão thành Nguyễn Khôi, xin ông Nên hãy (thì) thầm những lời đúng và đẹp như hoa Xuân thì hay hơn, ông Tiến sĩ Ngữ Văn à!”

Bác Nguyễn Bàng đã đem tuổi già ra làm con ngoáo ộp đe nẹt ông NNK (và những người yêu thơ trẻ tuổi khác) nên tôi đã lên tiếng: “Xin đừng bắt ông ta vì câu “Hãy kính trọng người già khi bạn còn trẻ” mà phải thì thầm vào tai nhà thơ lão thành Nguyễn Khôi những lời “đẹp như hoa xuân” khi tâm ý của ông không muốn như vậy. Thi sĩ nếu muốn được nghe những lời “đẹp như hoa xuân” của người phê bình thì phải thai nghén, phải ủ tứ thơ cho chín, cho lên men, rồi chờ lúc cao hứng dùng kỹ thuật thơ điêu luyện của mình viết lên những vần thơ dạt dào cảm xúc. Xin đừng mang tuổi già ra hù dọa lớp trẻ để làm thui chột tính công bằng của việc phê bình.”

Xin được giải thích thêm một tý cho rõ ràng.

Ở Mỹ tôi đã có cơ hội theo dõi và tham dự (cả với tư cách cử tri và ủng hộ viên) nhiều cuộc bầu cử ở mọi cấp chính quyền. Ai cũng muốn các ứng cử viên bày tỏ lập trường, chính sách của mình (về các vấn đề dân chúng quan tâm) để cử tri cân nhắc, lựa chọn khi đi bầu. Nhưng không phải cuộc bầu cử nào cũng có môi trường chính trị trong sạch như thế. Rất nhiều ban vận động tranh cử (tôi biết một vài ban như thế) có hẳn một nhóm người (group) chuyên đào bới, moi móc đời tư của ứng cử viên đối phương, nhiều khi không từ cả gia đình, họ hàng của ông (bà) ta nữa, để tìm ra những “điều không tốt” rồi “xì” ra cho báo chí, truyền thông để hạ uy tín đối thủ của mình. Đây là phương cách vận động bầu cử bá đạo bị nhiều người lên án.

Trong môi trường tranh luận văn chương cũng có một số trường hợp tương tự như vậy mà thư của bác Nguyễn Bàng gởi ông NNK là một thí dụ điển hình. Thay vì mổ xẻ những điểm chính của cuộc đối thoại văn chương là:

1/ Ông NNK trích lời nhà thơ Lê Mai cho rằng “Thơ Nguyễn Khôi không độc đáo. Không lạ. Không sang trọng.

2/ Nó có sức ma mị.

3/ Nhóm chữ “tắt trăng” trong đoạn thơ:

        Vượt biển, chơi hồ, trở quá giang
            Bỗng dưng lại thấy nhớ ao làng
            Cái đêm hè ấy ai ra tắm
            Để cả bầu trời phải tắt trăng.



4/Nhóm chữ “nai tác” trong bài thơ Đêm Mộc Châu

      Đêm Mộc Châu lần đầu nghe nai “ tác”
         Dân đốt nương núi cháy xém vầng trăng
         Mới hay cuộc sống còn đói khát 
         Đốt cả đất trời kiếm miếng ăn

thì bác Nguyễn Bàng lại:

1/ Ngay ở phần mở đầu đã xách mé (châm biếm, chửi xéo) cái bằng Tiến Sĩ Ngữ Văn của ông NNK.

2/ Ở đoạn kết của lá thư đã đem Tuổi Già ra để đe nẹt, hù dọa ông NNK (vì ông còn trẻ) và dĩ nhiên, làm hoảng sợ nhiều người yêu thơ trẻ tuổi khác. Hậu quả là làm không khí tranh luận không còn thoải mái, cởi mở và làm thui chột tính công bằng của việc phê bình.

Hai đoạn ấy chỉ nhằm bới móc, nói xấu để hạ uy tín ông NNK chứ không ăn nhập gì đến đối tượng đang tranh luận mà nhà phê bình Châu Thạch đã phân tích cặn kẽ từng điểm một.

Tôi bỗng nhớ đến một điều luật trong môn Quyền Anh (Boxing): Khộng được đánh dưới thắt lưng.  Theo luật thi đấu võ đài, võ sĩ bị cấm ngặt, không được phép ra đòn dưới thắt lưng, tức đánh dưới háng. Dù vô tình hay cố ý, ai phạm luật sẽ bị trọng tài phạt cảnh cáo hay bị loại thi đấu tùy theo mức độ nặng nhẹ hay tái phạm và bị xem là kẻ chơi xấu.


Võ sĩ Nguyễn Bàng rất hùng dũng bước lên võ đài để so găng với võ sĩ Nguyễn Ngọc Kiên và ngay những giây phút đầu tiên đã “chơi” một cú rất mạnh vào hạ bộ đối thủ. Sau đó ông mượn lời cô Dương Đình Ninh múa mấy đường quyền (theo đúng luật Quyền Anh "cao thượng") một hồi lâu rồi bất ngờ tung một cú đấm như trời giáng cũng vào ngay “bộ đồ lòng” của vỏ sĩ NNK một lần nữa rồi mỉm cười đắc thắng. Tôi là một khán giả đến xem cuộc tỷ thí, thấy chuyện bất bình tri hô lên “Chơi Xấu! Chơi Xấu!” thì bị võ sĩ Nguyễn Bàng “sửng cồ”, dùng lời lẽ rất đẹp mắng như tát nước.

Bị mắng, mà lại bị mắng oan, kể cũng hơi tức. Nhưng tôi lại thấy vui vui vì đã có thêm cơ hội trao đổi với các bác trên diễn đàn này về Phong Cách Bình Thơ. Tôi biết rằng, đang nóng giận, không dễ gì bác Nguyễn Bàng nhận ra tâm ý của tôi qua bài viết ngắn này. Nhưng cứ “tận nhân lực” trước đã. Hơn nữa, còn rất nhiều khán giả cùng xem võ đài như tôi, chẳng lẽ không ai thấy võ sĩ Nguyễn Bàng “Chơi Xấu”? Mà lại “Chơi Xấu” đến hai lần?

Phạm Đức Nhì

nhidpham@gmail.com

 

 

 

Thứ Ba, 31 tháng 1, 2017

ĐOẠN KẾT CỦA BÀI THƠ NGỌN CỎ


                    ĐOẠN KẾT CỦA BÀI THƠ NGỌN CỎ

 Ngọn Cỏ

 
Tiếng nước đái

nhỏ giọt

trong bồn cầu tí tách

thứ nước ấm sóng sánh vàng

hổ phách

trong người tôi tuôn ra

 

Phải rồi

tôi là đàn bà

hạng đàn bà đái không qua ngọn cỏ

bây giờ

được ngồi rồi trên bồn cầu chễm chệ

tương lai không chừng tôi sẽ

to con mập phệ

tí tách như mưa

ngọn cỏ gió đùa.

(Nguyễn Hoàng Bắc)


Đang muốn biểu lộ thái độ hùng dũng, vùng lên “đứng đái đàng hoàng”  như các đấng nam nhi mà lại kết thúc bằng “ngọn cỏ gió đùa” - chấp nhận thân phận đàn bà như ngọn cỏ, gió muốn đùa hướng nào cũng phải chịu -  thì đúng là cung đàn lạc điệu. Nguyễn Đúc Tùng vì đang phỏng vấn Nguyễn Thị Hoàng Bắc nên chỉ lịch sự cho rằng câu cuối bài thơ gây cảm giác mơ hồ (ambiguous).

Nguyễn Thị Hoàng Bắc sau đó bật mí:

 Nếu tường minh hàm ý mấy chữ ấy bằng ngôn ngữ bình thường thì đại khái có thể diễn đạt là “ngọn cỏ gió đùa? xin lỗi nghen!” hoặc “ngọn cỏ gió đùa? không dám đâu!”

Ô! Thật lạ! Chị viết “ngọn cỏ gió đùa” mà lại muốn người đọc hiểu là “ngọn cỏ gió đùa? không dám  đâu!”, nghĩa hoàn toàn trái ngược, thì đúng là làm khó người đọc quá.

Với tôi, đây là bài thơ hay. Hay về ý tứ táo bạo, hay về hình thức mới mẻ, hay về thế trận chữ nghĩa chặt chẽ. Chỉ tiếc câu cuối “ngọn cỏ gió đùa” lạc quẻ, trật bàn đạp, làm hỏng bài thơ.

Phạm Đức Nhì

nhidpham@gmail.com

 

Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2016

BA BÀI THƠ VỀ THƠ


BA BÀI THƠ VỀ THƠ

(Nói chuyện thơ bằng ngôn ngữ tình dục)

Coi Chừng Lầm To   

Thái tử Charles ôm công nương Diana

trên chiếc giường nệm êm ái (1)

Chí Phèo làng Vũ Đại (2)

chẳng cần giường

mà đè Thị Nở ngay bên gốc chuối


Nếu chỉ dựa vào độ mới của chiếc giường

để đoán cô gái nào sướng hơn

có khi bạn lầm to.

 
1/ Trong nhật ký của mình công nương

 Diana chê thái tử Charles “yêu”  không đã.

2/ Chí Phèo (Nam Cao) thì ngược lại.

Lời Bàn:
Không phải cứ làm thơ theo trào lưu văn học mới

là thơ hay hơn, có giá trị hơn. Thơ hay còn tùy thuộc

vào những yếu tố khác.

 

      CHO  THÊM  CỦI

 
Nhiều đấng nam tử

muốn trèo lên đỉnh vu sơn

nhưng “lực bất tòng tâm”

chỉ mới vài bước

đã khuỵu gối giơ tay bỏ cuộc

tội nghiệp người bạn đường

bẽ bàng

thất vọng

 
Có những bài thơ

như cái bếp lò

chỉ loe ngoe vài thanh củi mỏng

nồi trên bếp chưa kịp nóng

lửa đã tàn

còn mong gì gạo biến thành cơm

 
Căn bệnh của quý ông

“chưa đi đến chợ đã hết tiền”

chữa trị có lắm phương nhiều cách

ăn uống bồi bổ, thuốc men …  

riêng những bài thơ như bếp lửa tàn

cách tốt nhất là …. cho thêm củi.

Lời Bàn:

Rõ ràng quá rồi, đâu cần bàn bạc thêm gì nữa.

 
MỘT KIỂU LÀM MỚI THƠ

Người phụ nữ da trắng hồng

còn rất trẻ

chân dài, mông to

eo thon, vai rộng

lõa lồ giữa khu rừng vắng

đang ôm siết một thân cây

miệng phát ra tiếng rên

như con chó điên

đang kỳ động đực

 
Chị đang làm gì thế?

tôi hỏi

“Ta đang làm thơ

làm thơ cũng như làm tình

hãy chống mắt mà xem

ngày mai

giữa đám thơ cũ mèm

như cỏ rác

sẽ xuất hiện

những vần thơ tuyệt tác.”

Lời Bàn:

Tôi rất coi trọng nỗ lực làm mới thơ và rất quý mến những nhà thơ xông xáo vào những vùng đất chưa khai phá để tìm những cây mới, hoa lạ cho vườn thơ. Nếu ví làm thơ cũng như làm tình thì làm tình một cách quái đản như người phụ nữ ở trên sẽ chỉ đẻ ra những bài thơ quái thai. Làm mới thơ kiểu đó thì … vượt quá khả năng cảm nhận của tôi..



Galveston, Texas 05/2015

Phạm Đức Nhì


 

 

 

 

 

Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2016

HÃY ĐẾN VỚI VĂN CHƯƠNG BẰNG TẤM LÒNG NHÂN ÁI


                   HÃY ĐẾN VỚI VĂN CHƯƠNG TẤM LÒNG NHÂN ÁI

Sau khi đọc Văn Chương Không Phải Là Đơn Thuốc trên Facebook ông Lang Truong đã có comment như sau:
Có vẻ như ông thích leo lên, ngồi trên đầu các tượng đài, để thiên hạ tưởng mình cao. Có vẻ như, theo ông, nghệ thuật là phải bê nguyên cuộc sống lên sân khấu ; một kiểu " nghệ thuật vị nhân sinh ", luận điệu này nghe quen quá, rất buồn... nôn!
Bởi theo cách cảm nhận nghệ thuật mà ông bày tỏ, thì ca tử của Trịnh Công Sơn cũng phải vứt vào sọt rác :
" Gọi nắng, cho vai em gầy,đường xưa áo bay "
"Mưa vẫn mưa bay, trên tầng tháp cổ. Dài tay em mấy thủơ mắt xanh xao"
Nghệ thuật không phải miêu tả cảm xúc, mà là gợi lên những cảm xúc, ông ạ.
Những gì tri thức không hiểu, hãy để vô thức cảm nhận. Lý trí và trái tim không phải lúc nào cũng dùng chung một ngôn ngữ.
Đừng tự biến mình thành một tên đồ tể văn chương. Trước khi xuống dao mổ xẻ tâm hồn người khác, hãy làm tốt hơn họ đã.
Mong rằng có ngày, thi phẩm của ông sẽ được xuất hiện trong giáo khoa, dùng để giảng dạy cho cả thế hệ, như của Thanh Tâm.


Và Phạm Đức Nhì trả lời:

                         Hãy Đến Với Văn Chương Bằng Tấm Lòng Nhân Ái

 Trước hết xin cám ơn ông Lang Truong đã dành thời gian đọc kỹ bài viết Văn Chương Đâu Phải Là Đơn Thuốc của tôi để viết một cmt khá dài. Ông LT với tôi chưa có cơ hội biết nhau nên chắc đâu có gì mâu thuẫn. Bởi thế đọc cmt nặng lời của ông tôi thấy hơi lạ. Khác biệt quan điểm trong tranh luận văn chương là chuyện thường; xưa nay rất ít người vì thế mà hằn học với nhau, nhất là giữa chốn đông người. Nhưng điều đó đã là một thực tế nên xin phép được trả lời ông từng điểm một cho vấn đề được sáng tỏ.

1/ Ông viết về  tôi“Có vẻ như ông thích leo lên, ngồi lên đầu các tượng đài, để thiên hạ tưởng mình cao”

Trong bài Văn Chương Không Phải Là Đơn Thuốc tôi có đề cập đến tượng đài ở đoạn sau:

“Theo ngôn ngữ của ông LML thì mỗi người yêu thơ đều có một tượng đài trong tim cho mỗi bài thơ mình yêu thích. Tùy cách hiểu và đánh giá của mỗi người tượng đài ấy lớn nhỏ khác nhau.

       Có người đọc thơ để thưởng thức, có người đọc để phê bình. Tôi thuộc loại người thứ hai nên những điều ông LML trách tôi cũng có phần đúng. Tôi đã dùng đủ loại dụng cụ ông nói ở trên để đục đẽo hầu có được một tượng đài – mà theo tôi - đúng với kích cỡ của TBH. Tôi không có khả năng trục tượng đài ra khỏi trái tim của người yêu thơ để đưa vào chỗ ấy một tượng đài khác. Tôi chỉ ước mong những bài viết của mình đủ thuyết phục để có được một vài người yêu thơ tự làm công việc thay thế đó trong tim họ.”

Ông Lang Trương hãy chỉ cho độc giả thấy tôi “thích leo lên, ngồi lên đầu các tượng đài” ở chỗ nào? Xin đừng suy diễn tùy tiện mà nói điều không có cho tôi

2/ “Có vẻ như, theo ông, nghệ thuật là phải bê nguyên cuộc sống lên sân khấu ; một kiểu ‘ nghệ thuật vị nhân sinh’, luận điệu này nghe quen quá, rất buồn... nôn!”

 Không phải tôi, mà chính Thâm Tâm đã tạo ra khung cảnh cuộc đưa tiễn trong Tống Biệt Hành, biến bài thơ thành một sân khấu cuộc đời. Mấy trăm năm trước Nguyễn Du cũng làm như thế với truyện Kiều. Có điều trong truyện Kiều các nhân vật đều tự nói lên suy nghĩ hay tâm trạng của mình. Còn trong TBH

 người đưa tiễn cứ như có bùa phép, thấy được cả những chi tiết nhỏ nhặt trong đầu người ra đi. Thử hỏi độc giả liệu có tin được ‘chân tình’ của tác giả không?” Cái “không khéo” của Thâm Tâm là ở chỗ ấy, và tôi - với cương vị một người phê bình- đã “chê” TBH ở điểm ấy. Nếu ông Lang Truong thấy “rất … buồn nôn” thì cứ việc phê phán luận điểm của tôi bằng lý lẽ và dẫn chứng. Cớ sao lại đem “nghệ thuật vị nhân sinh” ra bêu riếu? Đó không phải là cách tranh luận văn chương nghiêm túc, và hơn nữa, rất bất công với các triết gia đã nghĩ ra và lập nên thuyết NTVNS.

3/ “Bởi theo cách cảm nhận nghệ thuật mà ông bày tỏ, thì ca tử của Trịnh Công Sơn cũng phải vứt vào sọt rác”

Tôi chỉ đồng ý với Nguyên Đình Thi khi trích lời một nhà văn Pháp “Nhà thơ bao giờ cũng là ngôi thứ nhất” mà ông nỡ gán cho tôi cái tội vứt ca từ của Trịnh Công Sơn vào sọt rác thì ông quả là quá nóng nên lại nói oan cho tôi một lần nữa rồi đấy.

4/ “Nghệ thuật không phải miêu tả cảm xúc, mà là gợi lên những cảm xúc, ông ạ.
Những gì tri thức không hiểu, hãy để vô thức cảm nhận”

Tôi không đủ kiến thức để bàn đến những môn nghệ thuật khác. Riêng với thơ, tôi cho rằng “làm thơ để biểu lộ cảm xúc của mình và khơi gợi cảm xúc nơi người thưởng ngoạn.” Người thưởng ngoạn thơ sành điệu, khi đọc một bài thơ, phải “bắt” được tứ thơ, thấy được cái hay, cái dở của kỹ thuật thơ (đó là phần việc của lý trí) và sau cùng mới “lấy hồn ta để hiểu hồn người”. Nếu không “bắt” được tứ thơ và hiểu kỹ thuật thơ mà đòi “lấy hồn ta để hiểu hồn người” thì chỉ là cách đọc thơ  kiểu “nghe hơi bắc nồi chõ” của những kẻ “ngu si hưởng thái bình”, rất đáng thương. Đời sinh ra cái nghề bình thơ để giúp những người “rất đáng thương” ấy

 

5/ “Đừng tự biến mình thành một tên đồ tể văn chương. Trước khi xuống dao mổ xẻ tâm hồn người khác, hãy làm tốt hơn họ đã. Mong rằng có ngày, thi phẩm của ông sẽ được xuất hiện trong giáo khoa, dùng để giảng dạy cho cả thế hệ, như của Thanh Tâm.”

Tôi chỉ mổ xẻ bài thơ rồi sau đó “lấy hồn mình để hiểu hồn tác giả”. Câu nói của ông LT “Trước khi xuống dao mổ xẻ tâm hồn người khác, hãy làm tốt hơn họ đã. Mong rằng có ngày, thi phẩm của ông sẽ được xuất hiện trong giáo khoa, dùng để giảng dạy cho cả thế hệ, như của Thanh Tâm“ là lý luận của một đứa trẻ ngây thơ; người lớn, hiểu biết không ai nói như thế, ông ạ. Nếu đòi “phải có thơ in trong sách giáo khoa thì mới được bình thơ” thì theo tôi, vô số những nhà phê bình trên thế giới (trong đó có rất nhiều người nổi tiếng) đã phải treo bút. Những câu nói “không lường hết hậu quả” như của ông LT không nên có trong một cuộc tranh luận văn chương.

6/ Có lẽ chỉ là một lỗi typo, nhưng xin nhắc ông Lang Truong, tác giả của TBH là Thâm Tâm chứ không phải Thanh Tâm.

7/ Tôi có một bài tổng hợp Tống Biệt Hành - Lời Bình Và Tranh Luận ở cái link dưới đây. Nếu ông Lang Trương muốn trao đổi thêm, tôi rất sẵn sàng thù tiếp. (Nhưng xin chọn sân chơi khác)  http://phamnhibinhtho.blogspot.com/2016/07/tong-biet-hanh-loi-binh-va-tranh-luan.html

Tôi biết cách bình thơ của mình không giống lối bình thơ ve vuốt trước đây bởi tôi nghĩ rằng thấy khuyết điểm của bài thơ mà người bình không nói ra là thiếu lương thiện trong văn chương. Tôi đã có nhiều cuộc trao đổi về TBH – có nhiều ý kiến khác biệt - nhưng không ai hằn học và nặng lời như ông. Tôi nghĩ rằng đến với văn chương bằng tấm lòng nhân ái sẽ giúp không khí hòa nhã và việc khám phá cái hay, cái đẹp của văn chương được kết quả hơn.

Một lần nữa xin cám ơn ông và chúc ông luôn vui khỏe.

Riêng trường hợp bạn Tadeo Truong - người bình luận ké – xin vui lòng đọc bài này. Tôi sẽ không trả lời riêng.

Phạm Đức Nhì


phamnhibinhtho.blogspot.com

 

Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2016

THĂM LẠI VƯỜN XƯA


                           

(Đây không phải là một bài bình thơ mà chỉ là vài nhận xét “xổi” của một người đọc gặp được bài thơ ưa thích.)
SÀI GÒN ĐAU

em yêu Sài Gòn, vì nơi đó có một người đau
một người mất những vàng son quá khứ…
sông cạn gió
đường cạn dần cây lá
mà mắt anh không cạn những mùa xưa!


Sài Gòn của anh
một thời Công Lý
một thời Tự Do
Sài Gòn của một thời Thương Xá
em bước qua, ngơ ngẩn mắt quê mùa

một thời của anh – em chưa trải nắng mưa
chưa vào kho sách cũ
chưa nỗi nhớ thắt lòng
chưa vướng một niềm riêng

không có tình yêu, Sài Gòn như đất trống
như câu thơ lạc vận chẳng neo hồn (1)


không giữ lại dáng hình xưa được nữa
Sài Gòn đau ngơ ngác buổi em về
anh ở đâu những ngày cây lá đổ
có đợi chờ bàn tay nắm sẻ chia?


có chờ nghe em nói giữa ngàn khuya
xa xót lắm những thờ ơ đã lỡ
Sài Gòn đau … Sài Gòn đau … anh ơi, thêm một miền tiếc nhớ
thêm một lần lặng đắng để thầm thương…
(Đinh Thị Thu Vân)

Lần đầu đọc Sài Gòn Đau của Đinh Thị Thu Vân, bài thơ tác giả cho biết viết đã gần 2 năm trước, ngay câu thơ đầu tiên tôi đã “bị” chị cuốn vào dòng cảm xúc của tứ thơ:
“em yêu Sài Gòn, vì nơi đó có một người đau
một người mất những vàng son quá khứ”


Người Đó là ai? Một người thân yêu trong tâm tưởng, hay chỉ là một “bóng dáng người” chị mượn để nói đến hàng triệu người miền Nam đã đau vì “mất những vàng son quá khứ”? Tôi không có câu trả lời. Nhưng đâu có hề gì. Đọc tiếp mấy câu sau tôi có cảm giác là chị không viết cho ai khác mà là cho riêng tôi.
“sông cạn gió
đường cạn dần cây lá
mà mắt anh không cạn những mùa xưa
Sài Gòn của anh
một thời Công Lý
một thời Tự Do
Sài Gòn của một thời Thương Xá"


thì “anh” đó chính là tôi chứ còn ai nữa! Và tôi tin là sẽ có không ít người – không cần sống ở Sài Gòn mà chỉ cần đến thăm thành phố ấy một đôi lần khi “vẫn còn dáng hình xưa cũ” - cũng có cảm giác như tôi.
Và đây là đoạn cuối - đoạn hay nhất của bài thơ:
“không giữ lại dáng hình xưa được nữa
Sài Gòn đau ngơ ngác buổi em về
anh ở đâu những ngày cây lá đổ
có đợi chờ bàn tay nắm sẻ chia?
có chờ nghe em nói giữa ngàn khuya
xa xót lắm những thờ ơ đã lỡ
Sài Gòn đau … Sài Gòn đau … anh ơi, thêm một miền tiếc nhớ
thêm một lần lặng đắng để thầm thương”


rất lãng mạn, rất đau và rất … đẹp
Ngôn ngữ, hình ảnh trong Sài Gòn Đau đẹp, lạ và sang. Chị đã dừng lại đúng lúc để không bước qua lãnh địa của “điệu” và sến.
Những gì tôi viết nãy giờ chỉ là cái tài, cái “khéo” về kỹ thuật. Cái hay của bài thơ mà khiến tôi vẫn còn bâng khuâng xao xuyến khi viết những dòng chữ này chính là cảm xúc. Cảm xúc đầy ắp, không phải chỉ tụ lại ở một câu, một đọạn như nhiều bài thơ khác, mà tỏa ra gần như đều khắp, bàng bạc trong mỗi chữ, mỗi câu. Tôi có cảm giác là ngay cả giữa những hàng kẻ cũng đẫm ướt những đau thương, tiếc nhớ. Thứ cảm xúc này không thể giả mạo mà chỉ có thể đến từ một tâm hồn trĩu nặng tiếc nhớ, đau thương.

Tôi đã nói lời Chào Tạm Biệt,  nhưng đọc bài thơ lại thấy vấn vương. Thôi thì bướm lại bay về thăm khu vườn xưa cũ. Chỉ xin ai đó đừng khua tay xua đuổi bướm đi.

Phạm Đức Nhì
nhidpham@gmail.com

CHÚ THÍCH
1/ Bài thơ có một câu rất tượng hình, rất đẹp nhưng hình như đã không còn đúng nữa:
như câu thơ lạc vận chẳng neo hồn”
Với sự thay đổi đến chóng mặt của hình thức thơ, thơ chẳng neo hồn là vì nhiều lý do khác chứ không phải vì lạc vận; có khi nhờ lạc vận (thoát vận) mà đoạn thơ hay hơn.
Tôi không đưa nhận xét này vào bài viết vì nó làm nghẽn dòng cảm xúc, làm người đọc mất hứng khi đang thả hồn thưởng thức cái đẹp của bài thơ


PHỤ LỤC:



  CHÀO TẠM BIỆT
 Cũng vì nhìn khuôn mặt “buồn đến tê tái lòng” của “nàng”, thấy “thương” quá nên tôi - một kẻ mới chập chững bước vào sân chơi facebook – đã mạnh dạn bấm vào add friend để làm quen, và ngay tối hôm ấy trở thành bạn với Đinh Thị Thu Vân để rồi mấy ngày sau phải lòng với bài thơ Trái Tim Rao Bán của chị. Tôi đã bỏ ra gần một tháng trời ăn ngủ với bài thơ để cho ra đời hai bài viết, giới thiệu đến bạn đọc cái hay, cái đẹp của thi phẩm rất độc đáo này.
Hai bài viết mà tâm điểm là Trái Tim Rao Bán đã xuất hiện trên một số trang web ở trong nước và hải ngoại, nhưng đặc biệt, khi mang về trang nhà của ĐTTV trên FB, đã được bạn bè và những người yêu mến thơ chị tìm đọc với sự quan tâm sâu sắc. Đã có một số bình luận đề cập đến những ưu điểm và khuyết điểm của bài viết; tôi cũng có trao đổi khá thú vị với một vài người. Vẫn còn một chút khác biệt nho nhỏ trong cách nhìn nhận và đánh giá thơ ca nhưng nói chung không khí trò chuyện hòa nhã, lịch sự và thân tình. Xin cám ơn những người bạn của ĐTTV – đã đối xử tốt với một kẻ xa lạ như tôi.

Biết chị là Hoa đã vắng chủ và đang thèm một bờ vai
 
làm sao cho em vài tích tắc
vài tích tắc thôi mà
vài tích tắc
vùi thương trên vai xa...
(Nhớ, ĐTTV)

tôi đã mấy lần bóng gió đưa đôi vai rắn chắc của mình cho mượn nhưng lần nào chị cũng lắc đầu và “chỉ tay ra hướng Quốc Lộ”. Hiểu ý chị, tôi nhớ lại đoạn kết đã viết về bài thơ Chạm của nữ sĩ Đậu Thị Thương: “Tôi chỉ là con bướm thơ đa tình, thấy vườn thơ cô hay hay, là lạ bay đến lượn chơi đôi vòng để thưởng thức hương thơm, vẻ đẹp. Giờ đây xin gởi đến cô chủ vườn lời cám ơn chân thành và xin được vẫy tay từ biệt để bay đến những vườn thơ mới.”


Cũng với ý ấy, xin Chào Tạm Biệt nhà thơ Đinh Thị Thu Vân. Xin chào những người bạn thân mến của chị trên FB. Nếu có “duyên thơ”chúng ta sẽ gặp lại.
Trân trọng,
Phạm Đức Nhì
nhidpham@gmail.com
phamnhibinhtho.blogspot.com


CHÀO TẠM BIỆT


                                             CHÀO TẠM BIỆT

 Cũng vì nhìn khuôn mặt “buồn đến tê tái lòng” của “nàng”, thấy “thương” quá nên tôi - một kẻ mới chập chững bước vào sân chơi facebook – đã mạnh dạn bấm vào add friend để làm quen, và ngay tối hôm ấy trở thành bạn với Đinh Thị Thu Vân để rồi mấy ngày sau phải lòng với bài thơ Trái Tim Rao Bán của chị. Tôi đã bỏ ra gần một tháng trời ăn ngủ với bài thơ để cho ra đời hai bài viết, giới thiệu đến bạn đọc cái hay, cái đẹp của thi phẩm rất độc đáo này.
Hai bài viết mà tâm điểm là Trái Tim Rao Bán đã xuất hiện trên một số trang web ở trong nước và hải ngoại, nhưng đặc biệt, khi mang về trang nhà của ĐTTV trên FB, đã được bạn bè và những người yêu mến thơ chị tìm đọc với sự quan tâm sâu sắc. Đã có một số bình luận đề cập đến những ưu điểm và khuyết điểm của bài viết; tôi cũng có trao đổi khá thú vị với một vài người. Vẫn còn một chút khác biệt nho nhỏ trong cách nhìn nhận và đánh giá thơ ca nhưng nói chung không khí trò chuyện hòa nhã, lịch sự và thân tình. Xin cám ơn những người bạn của ĐTTV – đã đối xử tốt với một kẻ xa lạ như tôi.

Biết chị là Hoa đã vắng chủ và đang thèm một bờ vai
 
làm sao cho em vài tích tắc
vài tích tắc thôi mà
vài tích tắc
vùi thương trên vai xa...
(Nhớ, ĐTTV)

tôi đã mấy lần bóng gió đưa đôi vai rắn chắc của mình cho mượn nhưng lần nào chị cũng lắc đầu và “chỉ tay ra hướng Quốc Lộ”. Hiểu ý chị, tôi nhớ lại đoạn kết đã viết về bài thơ Chạm của nữ sĩ Đậu Thị Thương: “Tôi chỉ là con bướm thơ đa tình, thấy vườn thơ cô hay hay, là lạ bay đến lượn chơi đôi vòng để thưởng thức hương thơm, vẻ đẹp. Giờ đây xin gởi đến cô chủ vườn lời cám ơn chân thành và xin được vẫy tay từ biệt để bay đến những vườn thơ mới.”


Cũng với ý ấy, xin Chào Tạm Biệt nhà thơ Đinh Thị Thu Vân. Xin chào những người bạn thân mến của chị trên FB. Nếu có “duyên thơ”chúng ta sẽ gặp lại.
Trân trọng,
Phạm Đức Nhì
nhidpham@gmail.com
phamnhibinhtho.blogspot.com

 

 

 

Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2016

HAI BÀI THƠ - MỘT NỖI KHÁT KHAO


                       

Tôi may mắn được đọc, đem lòng yêu thích, rồi viết lời bình cho cả hai bài thơ “khát tình cuồng nhiệt” của hai nhà thơ nữ. Chạm của Đậu Thị Thương (1) và Trái Tim Rao Bán của Đinh Thị Thu Vân (2) đều là những bài thơ hay và có nét độc đáo riêng. Tôi đã có ý, lại được một người bạn đề nghị, đặt hai bài thơ cạnh nhau để so sánh. Dĩ nhiên, để bài viết có tính thuyết phục tôi sẽ dựa vào và bám sát những tiêu chí thẩm định giá trị nghệ thuật một bài thơ. Trong trường hợp hai bài thơ này những tiêu chí đó sẽ là: tứ thơ, ngôn ngữ thơ, hình thức, cách kết thúc bài thơ, lỗi kỹ thuật và sau cùng là cảm xúc và hồn thơ. Nếu trong số độc giả có người có tạng hợp với cách phân tích và đánh giá thơ này, qua đó, đến cuối bài, có thể tự mình chọn được bài thơ nổi trội hơn, thì - chỉ việc đó thôi – đã là phần thưởng nhiều ý nghĩa cho người viết. Thôi thì “mèo bé bắt chuột con”, bước đầu cũng cứ mong như thế đã. Và bây giờ mời bạn đọc cùng tôi bước vào khung cảnh thơ của Chạm và Trái Tim Rao Bán. (3)
CHẠM

Vùi vào tóc anh
Chạm
rong rêu đại dương, ẩm mục rừng già
ngai ngái phù sa cánh đồng rơm rạ
Chạm sợi đa đoan
nhuộm màu dâu bể
Chạm sợi muộn phiền
ẩn mình lặng lẽ


Vùi vào môi anh
Chạm thềm mê man, chạm bờ mộng mị
Chạm lời chối bỏ trong lời thầm thì
Dâng bời bời nhớ
Chạm bời bời quên


Vùi vào tay anh
Chạm đường vân quen mịt mùng lạc lối
Chạm vết thương sâu dấu chai cằn cỗi
Hôn ngón yêu thương
Chạm ngón lạnh lùng
Vùi sâu vào anh
Vùi vào giấc mơ
Vào đêm
Không anh.


(Đậu Thị Thương)  

Trái Tim Rao Bán
có thể
rồi sẽ đến một ngày
em phải xót xa
xót xa
đem trái tim mình
rao bán


một ngày
mù khơi hạnh phúc
biền biệt tình yêu
còn lại trái tim biết đớn đau - niềm kiêu hãnh cuối cùng
rồi em sẽ phũ phàng
rao bán

một ngày
mõi mòn trong ảo vọng
em sẽ đem bán đi trái tim mình
không cần chọn lựa người mua
không cần sòng phẳng!
chỉ để mong nhận lại một chút tình
một chút tình
dẫu là thương hại!

một chút tình
cho bớt chông chênh...


(Đinh Thị Thu Vân)

Tứ Thơ:
CHẠM:
Tác giả kể lại cái cảm giác sung sướng, hạnh phúc của mình trong một đêm được đắm đuối mê say dâng trọn cả tâm hồn lẫn thể xác cho người yêu, nhưng bừng tỉnh mới biết đó chỉ là giấc mơ.

Đã là con người ai cũng có quyền sống và quyền mưu cầu hạnh phúc. Hạnh phúc không phải chỉ là vấn đề ăn mặc, chỗ ở an toàn ấm cúng, nghề nghiệp ổn định mà còn là những nhu cầu khác. Đó là yêu thương, được yêu thương và thỏa mãn những ham muốn xác thịt. Đối với xã hội còn nặng nề nếp Nho giáo như Việt Nam, việc phụ nữ đề cập hay bàn luận chuyện phòng the, về mặt đạo đức, xã hội tuy không phải là điều tuyệt đối cấm kỵ nhưng vẫn còn bị nhìn với đôi mắt khá khắt khe. Cô giáo Đậu Thị Thương đã viết và phổ biến bài thơ Chạm với tên thật của mình thì phải nói cô vô cùng can đảm.
Cái sung sướng nhất của người đàn ông trong chuyện gối chăn là được người phụ nữ mình yêu cũng hết mực yêu mình, đang lúc cơn thèm khát nhục tình lên đến cực điểm, đã với cung cách tận tụy ân cần, đem trọn vẹn thể xác và tâm hồn đắm say cuồng nhiệt hiến dâng. Đó chính là cung cách của Đậu Thị Thương khi bước vào cuộc ân ái. Cô đã thi vị hóa chữ dâm dung tục của người đời. Qua ngôn ngữ thơ của cô chữ Dâm (viết hoa) rất đẹp, rất trong sáng và nhân bản.

TRÁI TIM RAO BÁN:  
Tác giả lên tiếng báo là sẽ rao bán trái tim mình rồi hé mở cho biết lý do, và sau cùng là giá cả - rất đặc biệt.

Nỗi cô đơn, nỗi đau tình của ĐTTV mênh mông quá, lòng khao khát tình yêu của chị dâng cao quá nên chị đã nổi điên lên được để cất tiếng “rao bán trái tim” một cách khác thường. Riêng việc “rao bán trái tim” không thôi đã khiến người đọc mủi lòng thương xót; rồi lại còn “bảng giá” của “trái tim rao bán” – quá đặc biệt - khiến nỗi thương tâm càng thêm sâu đậm. Đây là đề tài muôn thuở, đã có rất nhiều thi sĩ đề cập tới nhưng, theo tôi, ĐTTV – trong cơn ngây dại vì nỗi đau, nỗi khao khát của chính mình, bằng kỹ tthuật thơ điêu luyện - đã cất lên tiếng kêu than thống thiết để người đời càng thấy rõ hơn tầm quan trọng của Tình Yêu, một nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống.
ĐÁNH GIÁ:

Tứ thơ của cả Chạm và Trái Tim Rao Bán đều có giá trị Nhân Bản, nhấn mạnh đến một trong những nhu cầu quan trọng của con người: tình yêu (TTRB) và tình dục (Chạm). ĐTTV chọn tình yêu nên, riêng về tứ thơ, dù “diễn đạt” hay hơn rất nhiều người khác, chị cũng vẫn là người “đi trên xa lộ”. Với Chạm, tác giả đang từng bước đi vào “vùng đất cấm”. Nhà thơ nữ Dư Thị Hoàn, trong bài thơ Tan Vỡ mới chỉ viết:
Tất cả rồi dễ qua đi
Chúng mình sẽ thành vợ thành chồng
Nếu không có một lần
Một lần như đêm nay
Sau những phút giây
Êm đềm trên ghế đá
Anh quên không cài lại khuy áo ngực cho em

mà nhiều người đọc đã chỉ trích, cho là “đi quá đà”. Theo tôi, so với Chạm thì Tan Vỡ mới chỉ đi được một phần đường. Đậu Thị Thương đã rất dũng cảm, đi sâu và xa hơn nhiều.

Chính vì thế về tiêu chí Tứ Thơ tôi nhìn thấy cán cân nghiêng về phía Chạm.

Ngôn Ngữ Thơ:
CHẠM:

Ngôn ngữ của bài thơ chắt lọc, cô đọng nhưng minh bạch đến độ khó có thể giải thích, bàn tán gì thêm nữa. Tất cà đều rõ như ban ngày. Rất nhiều cụm từ 4 chữ, cụm nào của người đời đã thành thành ngữ, cụm nào do chính cô giáo dạy văn nghĩ ra, thú thật, cũng khó mà phân biệt rạch ròi. Nhưng một điều tôi biết chắc là cô đã sử dụng chúng nhuần nhuyễn như đồ dùng trong túi mình. Cô chỉ nói bóng gió rất xa nhưng do sức gợi cảm, sức khêu gợi tưởng tượng mạnh mẽ của ngôn ngữ, khiến một người đọc tuổi xuân không còn phơi phới như tôi cũng hối hả chạy “đến bến” trước khi cô bừng tỉnh giấc mộng tình.

TRÁI TIM RAO BÁN:
Lời thơ bình dị, dễ hiểu, những cụm từ mù khơi hạnh phúc, biền biệt tình yêu, mỏi mòn trong ảo vọng đã diễn đạt thành công một cách xuất sắc tâm ý của tác giả mà không phải dài dòng biện giải, từ chông chênh tượng hình và đắc địa về cả nghĩa lẫn âm.

ĐÁNH GIÁ:
Ngôn ngữ thơ của mỗi bài có vẻ đẹp, nét duyên dáng riêng và đều góp sức chuyển tải tâm tình của tác giả đến người đọc một cách thành công. Về tiêu chí này tôi thấy cán cân nằm ngang, không nghiêng về bên nào.

Hình Thức Thơ:
CHẠM:  
Ngoại trừ chữ Chạm đứng lẻ loi ở câu thứ 2, bài thơ đọc lên có nhịp ngắt như loại thơ 4 chữ. Vần thì đoạn có đoạn không nên vị ngọt của thơ chỉ hơi thoang thoảng, nhưng nhịp điệu thì khá rõ, như ngựa phi nước kiệu, dẫn tứ thơ đi bon bon trên đường.

TRÁI TIM RAO BÁN::  
Mới liếc mắt nhìn bài thơ tôi đã có cảm tình với hình thức, vóc dáng của nó. Không dính dáng gì đến các thể thơ truyền thống. Ngay cả thơ mới nó cũng khác xa. Số chữ trong câu thay đổi tùy thích, thoải mái, số câu trong bài không lệ thưộc bất cứ một quy luật nào - viết hết ý thì thôi.

Riêng việc sử dụng vần thì, theo tôi, rất đặc biệt. Tác giả, qua mấy đoạn đầu, không gieo vần nhưng dòng thơ vẫn lững lờ chảy. Và độc giả tò mò theo dòng chảy đó để tìm biết lý do tại sao “một ngày nào đó nàng sẽ rao bán trái tim mình”. Chỉ đến đoạn kết nàng mới đưa vào một chút “vị ngọt của thi ca”, cho 3 nhóm chữ “một chút tình” đi kế tiếp nhau vần với câu cuối “cho bớt chông chênh”.  
ĐÁNH GIÁ:
Cán cân nghiêng về phía Trái Tim Rao Bán.

Đoạn Kết Bất Ngờ
CHẠM
Vùi sâu vào anh
Vùi vào giấc mơ
Vào đêm
Không anh.


Với tôi, cách cấu tứ cuả Chạm có thể coi như là biến thể của phép ẩn dụ. Tác giả diễn tả sự việc cứ như đang thực sự xảy ra với tất cả háo hức, cuồng nhiệt của mình. Chỉ đến giây phút cuối mới bất ngờ hé lộ: “Đấy chỉ là tưởng tượng, chỉ là mơ.” Người đọc cảm được ý của tác giả trong sự ngạc nhiên thích thú.
TRÁI TIM RAO BÁN:

Về Nghĩa:
không cần chọn lựa người mua
không cần sòng phẳng!

chỉ để mong nhận lại một chút tình
một chút tình
dẫu là thương hại!

một chút tình
cho bớt chông chênh...


Đọc mấy đoạn trên độc giả có thể mường tượng tác giả đang khao khát tình yêu nhưng mức độ khao khát thì chưa biết rõ. Đến khi thấy “bảng giá” của trái tim rao bán thì độc giả mới giật mình nhận ra. Thiếu tình yêu khiến chị mất thăng bằng trong cuộc sống – như một ngôi nhà chông chênh có thể ngã đổ bất cứ lúc nào. Cho nên chị khao khát lắm, khao khát đến điên cuồng, cháy bỏng tâm can, khao khát đến độ sẵn sàng dâng hiến trái tim cho người đem đến một chút tình, dẫu là thương hại. 
Đã có sự đồng cảm trọn vẹn giữa người đọc thơ với người làm thơ. Thủ pháp Show, Not Tell (2) – cho riêng cường độ của sự khao khát - đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ. 

Về Âm:

Tôi có cảm tưởng đang nghe đoạn cuối một bản nhạc buồn cung Thứ mà dòng nhạc vừa bước qua hợp âm Trưởng bậc 5 để trở về Chủ Âm tạo một giai kết hoàn toàn rất ngọt. Nhạc điệu của đoạn thơ thật tuyệt vời.

ĐÁNH GIÁ:
Cán cân hơi nghiêng một tý về phía Trái Tim Rao Bán

Lỗi Kỹ Thuật
CHẠM:
Không có lỗi kỹ thật

TRÁI TIM RAO BÁN:
Bài thơ có một lỗi chính tả (mỏi dấu hỏi, không phải dấu ngã) và vài chữ có thể bỏ đi cho câu thơ gọn, chắc và hay hơn. Bỏ chữ rồi (dòng 11), chữ đem và chữ đi (dòng 15), và chữ để (dòng 18). Đây là những lỗi nhỏ do bất cẩn, không ảnh hưởng đến sự chuyển động của tứ thơ.

ĐÁNH GIÁ:
Chạm toàn vẹn hơn; cán cân nghiêng về phía Chạm.

Cảm Xúc, Hồn Thơ
CHẠM: 
Do thành công ở cách sử dụng ngôn ngữ nên bài thơ có cảm xúc ở tầng một khá mạnh. Đấu pháp toàn đội hay trận đồ chữ nghĩa của bài thơ - được thể hiện qua phép ẩn dụ biến thể - cũng góp phần tạo nên một lượng cảm xúc lớn ở tầng hai. Cảm xúc ở tầng ba (hồn thơ) có xuất hiện nhưng yếu. Cũng dễ hiểu. Là phụ nữ, lại là giáo viên dạy văn, tác giả đã không dám cho phép chữ Dâm – dù được viết hoa, rất đẹp, rất trong sáng và nhân bản - độc chiếm tâm hồn mình.

TRÁI TIM RAO BÁN: 
Dòng chảy của tứ thơ rất chậm. Người đọc có thời gian để hiểu, cảm nhận cái lý do khiến tác giả phải rao bán trái tim mình:

mù khơi hạnh phúc
biền biệt tình yêu

mỏi mòn trong ảo vọng

có vẻ như 3 nhưng thật ra là một. Mù khơi hạnh phúcmỏi mòn trong ảo vọng chỉ là hệ quả tất yếu của tình trạng biền biệt tình yêu. Khi đã thấm, đã đồng cảm với nỗi đau, nỗi buồn và tâm trạng khao khát tình yêu thì dòng thơ lại dẫn người đọc đến một bất ngờ đến độ sững sờ: “bảng giá” của Trái Tim Rao Bán. Nỗi khao khát cháy bỏng quá, niềm đau thật quá, lớn quá khiến người đọc bàng hoàng vì hồn thơ của tác giả đã hòa nhập với hồn mình.
Khi thi sĩ thật cao hứng, lên cơn điên vì yêu, hận (giận), vui sướng, buồn bã, ghen ghét, ham muốn cảm xúc sẽ sôi lên phủ mờ lý trí, “cái tôi đích thực” sẽ vùng dậy đẩy “cái tôi văn hóa” vào bóng tối để dành quyền “đạo diễn” bài thơ của mình. Thi phẩm viết ra trong tâm cảnh ấy sẽ chẳng màng đến chính kiến, lập trường, truyền thống, đạo đức, lễ giáo, thước đo giá trị của người đời … mà chỉ là những gì tuôn trào ra ngòi bút bởi “cơn điên” của thi sĩ đang thôi thúc trong lòng. Lúc ấy kỹ thuật thơ vẫn mang dáng dấp đẳng cấp của thi sĩ nhưng lời thơ, tứ thơ – không còn bị chi phối bởi cái tôi văn hóa - sẽ là tâm tình chân thật của “cái tôi đích thực”. Vâng! Đó là trường hợp của bài thơ Trái Tim Rao Bán.

ĐÁNH GIÁ:
Tác giả TTRB “đi trên xa lộ” nên đã yên lòng cho cỗ xe tâm hồn mình chạy hết ga, vùng thoát khỏi cái tôi văn hóa, và nhờ thế, tâm tình chân thật, cảm xúc mạnh, hồn thơ lai láng. Đậu Thị Thương trong Chạm đi vào “vùng đất cấm” nên dù đang cơn cao hứng, cảm xúc dâng tràn, vẫn có chút dè dặt ảnh hưởng đến sự phát triển của hồn thơ.

Cán cân nghiêng về phía Trái Tim Rao Bán

Tóm lại:

Tứ Thơ: nghiêng về Chạm.

Ngôn Ngữ Thơ: không nghiêng về bên nào, đồng hạng.

Hình Thức Thơ: nghiêng về Trái Tim Rao Bán.

Đoạn Kết: hơi nghiêng về Trái Tim Rao Bán.

Lỗi Kỹ Thuật: nghiêng về Chạm (Chạm không có lỗi kỹ thuật)

Cảm Xúc, Hồn Thơ: nghiêng về Trái Tim Rao Bán

Đến đây nếu bạn đọc đồng ý với những phân tích, đánh giá từng tiêu chí của tôi (nếu không bạn có thể chọn cách phân tích, đánh giá riêng của mình) chúng ta sẽ có hai lựa chọn:
1/ Nếu coi trọng tứ thơ, sự toàn vẹn của bài thơ (không khuyết điểm) bạn sẽ chọn Chạm của Đậu Thị Thương là bài thơ xuất sắc hơn.

2/ Nếu coi trọng cảm xúc, hồn thơ, vóc dáng của bài thơ, dư vị còn đọng lại của đoạn kết và có lòng bao dung với mấy lỗi kỹ thuật (rất nhỏ) của bài thơ bạn sẽ cho Trái Tim Rao Bán là bài thơ nổi trội hơn. (4)  
Kết Luận

Dù chọn bài thơ nào là bài thơ nổi trội thì sự lựa chọn của bạn cũng góp phần làm khung cảnh vườn thơ của nhân loại sinh động và náo nhiệt hơn. Tôi xin cám ơn hai nhà thơ nữ Đậu Thị Thương và Đinh Thị Thu Vân về hai bài thơ thấm đẫm tình người. Tôi cũng cảm thấy vui và một chút tự hào – dù là niềm tự hào “ăn theo” - được mời các bạn thưởng thức một bữa tiệc thơ khá thịnh soạn.
Cuối tháng 10/ 2016

Phạm Đức Nhì
nhidpham @gmail.com

Phamnhibinhtho.blogspot.com

CHÚ THÍCH:
1/ Bài Thơ Chạm Và Mấy Lời Bình, Phạm Đức Nhì, t-van.net

2/ Trái Tim Rao Bán – Bài Thơ Đầy Bản Sắc, Phạm Đức Nhì, t-van.net
3/ Tác giả có sử dụng một số ý, một vài đoạn trích nguyên văn trong hai bài bình thơ.

4/ Nếu bạn có lý do nào đó để có sự đánh giá khác xin email về nhidpham@gmail.com hoặc vào phamnhibinhtho.blogspot.com để viết comment.