Thứ Năm, 9 tháng 3, 2017

TA XA HÀ NỘI: NỖI BUỒN TÊ TÁI CỦA MỘT NGƯỜI HÀ NỘI


                                          TA XA HÀ NỘI

              NỖI BUỒN TÊ TÁI CỦA MỘT NGƯỜI HÀ NỘI

 

Ngày nghỉ lễ
thôi, ta xa Hà Nội
về Nhà Quê nghỉ dưỡng thỏa tâm hồn
xa để "thoát" lấn chen, xô đẩy
tìm nơi "buồn" yên tĩnh, dịụ dàng hơn...


Ô
i Hà Nội,
đi xa cho bớt "sợ"
đường cây xanh bị "đốn" nắng vỡ đầu
xe ùn tắc, kinh bọn len cướp giật
"Người Tràng An thanh lịch" ở đâu đâu?


Ôi Hà Nội,
phố phường xây chắp vá ,
cầu Long Biên để "rỉ" đến bao giờ?
đường gốm sứ bụi bám hoen mưa nắng

gái quần đùi đến bẹn phóng xe đua...


Ôi Hà Nội,
còn mấy Nàng thỏ thẻ?
mở miệng  ra là "đ. mẹ" chửi thề
dân tứ xứ vào Kiếm Tiền, chụp giựt...
còn góc nào thanh thản
uống Cafe'?


Ôi Hà Nội,
có điều gì không ổn?
như trên mây
trên gió "cấp điều hành"?
mong sớm có một Tràng An thanh lịch
để ta về
soi bóng xuống Hồ Gươm.

            -----
Viết tại Gia Lộc- Hải Dương 28-4-2015
        NGUYỄN KHÔI
       (Nhà văn Hà Nội)

Tứ Thơ: Do không có ẩn dụ nên tứ cũng là ý – tác giả hễ có cơ hội là muốn xa Hà Nội để khỏi phải thấy, phải nghe những điều tệ hại của Thủ Đô, và ông thốt ra một điều ước mà có lẽ ngay lúc đó cũng nhận ra là mơ ước viển vông.

 Cấu Trúc

Bài thơ gồm 5 đoạn, ngoại trừ đoạn kết, mỗi đoạn nói về một (hoặc vài) điều tệ hại của đất ngàn năm văn vật.

 
1/

Ngày nghỉ lễ
thôi, ta xa Hà Nội
về Nhà Quê nghỉ dưỡng thỏa tâm hồn
xa để "thoát" lấn chen, xô đẩy
tìm nơi "buồn" yên tĩnh, dịụ dàng hơn...

 Xa Hà Nội để “thoát” lấn chen, xô đẩy

 2/

Ôi Hà Nội,
đi xa cho bớt "sợ"
đường cây xanh bị "đốn" nắng vỡ đầu
xe ùn tắc, kinh bọn len cướp giật
"Người Tràng An thanh lịch" ở đâu đâu?

 Xa Hà Nội để tránh xe ùn tắc, cướp giật và nắng vỡ đầu vì cây xanh bị đốn

 3/

Ôi Hà Nội,
phố phường xây chắp vá ,
cầu Long Biên để "rỉ" đến bao giờ ?
đường gốm sứ bụi bám hoe
n mưa nắng

gái quần đùi đến bẹn phóng xe đua...

Xa Hà Nội để khỏi phải nhìn cầu cống rỉ sét, đường xá, phố phường xây chắp vá, gái tân thời nhố nhăng.

 4/

Ôi Hà Nội,
còn mấy Nàng thỏ thẻ?
mở miệng  ra là "đ. mẹ" chửi thề
dân tứ xứ vào Kiếm Tiền, chụp giựt...
còn góc nào thanh thản
uống Cafe'?

Xa Hà Nội để khỏi phải nghe ngôn ngữ lưu manh, chửi thề tục tĩu của dân tứ xứ

 5/

Ôi Hà Nội,
có điều gì không ổn ?
như trên mây
trên gió "cấp điều hành "?
mong, sớm có một Tràng An thanh lịch
để ta về
soi bóng xuống Hồ Gươm.

Buồn bã thốt ra một lời ước nhưng - với con người ngày càng trở nên vô cảm, với cách lèo lái đất nước vô trách nhiệm, với xã hội nhiễu nhương, thối nát- lời ước ấy cũng chỉ thoảng bay theo gió.

 

Ưu Điểm
Trước hết, Nguyễn Khôi là nhà thơ lão thành, sự nhuần nhuyễn trong kỹ thuật thi ca đã thể hiện rõ nét trong bài thơ. Chữ nghĩa bình thường nhưng vẫn sang trọng và gợi cảm.

Ông chọn lối gieo vần gián cách (1/3, 2/4), nhưng tìm cách “lách” vần 1/3 mà chỉ gieo vần 2/4 (hồn hơn. đầu đâu, giờ đua, thề phê, hành gươm) cho nên cả đoạn 4 câu chỉ có một lần gieo vần. Do đó hội chứng nhàm chán vần đã giảm ít nhất 95%, món chè Tôi Xa Hà Nội chỉ còn hơi ngọt một chút nhưng không đáng kể. Cảm xúc ở tầng một, do thành công của việc sử dụng chữ nghĩa, đã dâng lên rất cao.

 
Những “tệ hại” của Hà Nội được nhắc đến tùy hứng, tiện đâu nói đó, không theo một trình tự nhất định. Cách diễn đạt này tuy không được ngăn nắp, lớp lang (sản phẩm của lý trí) nhưng chính nhờ thế tứ thơ chuyển động tự nhiên, không gò bó, gượng ép, và người đọc – không có gì ngần ngại - cảm nhận rất dễ dàng.

 
Tứ thơ hay, tâm tình chân thật, nỗi buồn tưởng đâu chỉ của riêng người Hà Nội, đã lan tỏa đến người Việt yêu quê hương ở mọi miền đất nước và cả ở hải ngoại. Rồi còn cộng thêm lời ước vu vơ rất khéo của nhà thơ khiến nỗi buồn truyền đến người đọc càng da diết, sâu lắng.

Khuyết Điểm:

1/ Trong câu “để ta về soi bóng xuống Hồ Gươm” cụm từ “soi bóng xuống Hồ Gươm” làm câu thơ hơi sượng.

2/ Thể thơ

Đây là thể thơ mới trường thiên (từng đoạn 4 câu). Tứ thơ được chia thành nhiều “tứ nhỏ”, ý nhỏ. Mỗi ý nhỏ được diễn tả, gói ghém trong một đoạn 4 câu. Cái tiện lợi của thể thơ này là thi sĩ có thể thích ý nào, đoạn nào thì viết ngay ý đó, đoạn đó; sau cùng, nếu muốn, có thể thay đổi vị trí của các đoạn để có một bài thơ suôn sẻ, mạch lạc. Thể thơ này có 3 khuyết điểm chính:

          a/ Hội chứng nhàm chán vần: Đây là khuyết điểm chung của thơ mới; dù nhất khí, liền mạch hay phân mảnh, đứt đoan, nếu thi sĩ không khéo, và bài thơ hơi dài một tý, đọc lên sẽ ầu ơ, gây cảm giác … chán ngán.

          b/ Tứ thơ phân tán: Chọn thể thơ này thi sĩ bắt buộc phải chia cắt tứ thơ chính và giải quyết từng phân mảnh một. Sẽ không có sợi chỉ xuyên suốt để nối các ý nhỏ với nhau. Bài thơ sẽ như một ngôi nhà tiền chế được xe kéo từng phần đến khu đất rồi lắp ghép lại. Sẽ không có dòng sông thơ mà chỉ có những vũng thơ, những ao thơ nằm cạnh nhau.

          c/ Cảm xúc, hồn thơ không được tự do tăng tiến: Cứ hết một đoạn 4 câu lại ngừng để nhảy qua một ý khác nên có gom nhặt được tý cảm xúc nào ở ý này thi khi tạm quên nó để nhảy qua ý khác, nó cũng nhạt, cũng nguội hẳn đi. 

 

Như đã nói ở trên, đoàn quân chữ nghĩa trong Ta Xa Hà Nội được chia làm 5 đơn vị nhỏ, Đơn vị nào cũng tinh nhuệ nhưng không biết hợp đồng tác chiến vì không có sự chỉ huy thống nhất. Nói thế để thấy thế trận chữ nghĩa của bài thơ lỏng lẻo, tứ thơ phân tán, đoạn nào lo phần vụ của đoạn ấy nên cảm xúc ở tầng 2 không đáng kể.

 

NK đã kín đáo bày tỏ sự buồn giận, thất vọng đối với thành đô ngàn năm văn vật bằng những dẫn chứng điển hình, chính xác, mang cả tính thời sự. Nhưng tại sao ông không đẩy nỗi buồn giận, thất vọng rất chính đáng của mình đi xa hơn nữa, mạnh hơn nữa để tăng giá trị nghệ thuật của bài thơ?

Có lẽ một phần do tuổi tác cao làm cho người ta điềm đạm, chừng mực hơn, không “máu” như đám trẻ, “đã chơi thì chơi tới bến”. Nhưng phần khác do thể thơ không liền mạch, nhất khí nên không có liên tục sóng sau dồn sóng trước để đến cuối bài cảm xúc sẽ như dòng thác đổ ập xuống hồn người đọc. Vì thế cảm xúc ở tầng 3 (hồn thơ) không có.

 

Một nhà “tình dục học” khi viết về những bí quyết để hâm nóng tình yêu, gìn giữ hạnh phúc gia đình đã có lời khuyên:

 “Nếu hai người có ý định ‘tò tí’ thì - không phải chờ lúc lên giường mà ngay khi bước vào phòng ngủ – hãy chốt cửa, rút phích khỏi ổ cắm điện thoại bàn và vứt điện thoại tay vào thùng rác.”

Tôi hiểu là nhờ thế sẽ không có tiếng chuông điện thoại làm gián đoạn tiến trình “cùng trèo lên đỉnh Vu Sơn” của hai kẻ yêu nhau. Thi sĩ, nếu đã có tay nghề vững vàng lại biết áp dụng lời khuyên ấy – không phải trên giường ngủ mà trên trang thơ của mình – thì rất dễ sáng tác được những bài thơ “tới bến”.

 

Kết Luận

 

Với tôi, Ta Xa Hà Nội là một bài thơ hay. Như rất nhiều bài thơ cùng loại khác của Nguyễn Khôi, ngôn ngữ sang trọng mà bình dị nên dễ hiểu, dễ cảm, đề tài không cao xa, viển vông mà rất gần gũi, có khi hiển hiện ngay trước mắt mọi người. Tôi không cảm thấy ngạc nhiên khi biết rằng thơ ông được rất nhiều người đọc, từ trí thức thị thành cho đến giới “bình dân học vụ” ở nông thôn.

Tôi rất có cảm tình với nhà thơ lão thành Nguyễn Khôi. Tôi đọc thơ ông khá nhiều từ Văn Đàn Việt và Văn Nghệ Quảng Trị. Một khả năng sử dụng chữ nghĩa điêu luyện như thế, một hồn thơ nhạy cảm, tươi mát, thấm đẫm tình người như thế, nếu tạo được thể thơ nhất khí, liền mạch, tôi tin rằng chúng ta sẽ được đọc những vần thơ còn hay hơn nữa.

 

Phạm Đức Nhì


phamnhibinhtho.blogspot.com

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét