Thứ Tư, 1 tháng 3, 2017

CHỮ TRONG TỰ ĐIỂN VÀ CHỮ TRONG VĂN BẢN


          CHỮ TRONG TỰ ĐIỂN VÀ CHỮ TRONG VĂN BẢN

Có thể nói Tự Điển là một “nhà kho” chứa phần lớn hoặc đại đa số “chữ”, “từ” trong tiếng nói, chữ viết của một sắc dân hay một dân tộc. Tôi không dám dùng “tất cả” vì mỗi ngày – do sự vận động của cuộc sống - một số “chữ”, “từ” mới được phát sinh. Chữ trong tự điển là chữ “chết”, chữ trong văn bản là chữ “sống” vì nó được đặt vào một khung cảnh đặc biệt của cuộc sống. Nó hoặc là đang trôi theo dòng chảy của tứ thơ hoặc chạy theo dòng chuyển động ý tưởng của một câu, đoạn văn. Muốn bàn về nghĩa của một chữ hay một từ phải đặt nó trong khung cảnh của cuộc sống - một câu, đoạn thơ hoặc văn.

Đây là 2 đoạn đầu trong bài Đất Nước Mình Ngộ Quá Phải Không Anh? của cô giáo Trần thị Lam.

Đất nước mình ngộ quá phải không anh?
Bốn ngàn tuổi mà
sao không chịu lớn
Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm
Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi…


Đất nước mình lạ quá phải không anh?
Những chiếc bánh chưng vô cùng kì vĩ
Những dự án và tượng đài nghìn tỉ
Sinh mạng con người chỉ như cái móng tay…


Trong bài Đọc Bài Thơ Nhục Nhã Ê Chề Đau Xé Ruột tôi đưa ra nhận xét là câu đầu của mỗi đoạn là 2 câu thơ trùng ý. Ngộ ở câu trên và Lạ ở câu dưới đều có nghĩa “không giống ai”. Một bạn văn của tôi ở hải ngoại, chị Lê Thị Hoài Niệm, đã nhảy ra bênh cô giáo Trần Thị Lam (và không quên tặng tôi một cú giò lái):

Ngộ là ngộ, là hay quá, dễ thương quá, tiếng...địa phương được dùng rất dễ thương. Có thể nói: “cô gái ấy ngộ quá",  là xinh quá đó......Riêng tôi, có thể nói “cô giáo Lam này làm bài thơ ngộ quá, tôi rất thích”, là bài thơ quá hay.

Cũng có thể khi người ta … bất bình một ai đó, mà không muốn nặng lời , người ta có thể nói "cái ông này...ngộ ghê chưa (hay cái ông này.... lạ ghê chưa), chuyện đó ông... xía dzô làm gì?"  có thể từ câu này nhà thơ cho là hai từ ngữ ...đồng nghĩa?

Còn lạ là...lạ, ai mà không biết mình là...người lạ, chẳng quen nhau nên không có vấn đề gì để...tranh cãi...

Làm sao hai từ ngữ này hoàn toàn ... đồng nghĩa và trùng ý? người đọc rất dễ dàng nhận ra sự khác biệt mà.

Và tôi đã trả lời:

Để ‘nói có sách, mách có chứng” tôi đã tra cứu vài cuốn tự điển Việt Nam thì thấy “ngộ” (tĩnh từ) có 2 nghĩa: 1/ lạ, trái thường (TĐ Khai Trí Tiến Đức) và lạ lùng, kỳ quặc, khác thường (những tự điển tiếng Việt trên mạng khác). 2/ ngộ nghĩnh, kháu khỉnh, đẹp, dễ thương.

Như vậy chị HN đã đúng một nửa – “ngộ” cũng có nghĩa là ngộ nghĩnh, đẹp, dễ thương. Nhưng khi đọc thơ không thể cứ lấy một nghĩa trong tự điển để gán cho một chữ nào đó trong câu thơ, bài thơ. Người đọc thơ phải đặt chữ đó trong khung cảnh bài thơ để truy tìm nghĩa của nó. Chúng ta thử đọc lại đoạn đầu của bài thơ:

Đất nước mình ngộ quá phải không anh?

Bốn ngàn tuổi mà sao không chịu lớn

Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm

Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi

Hoàn cảnh đất nước như thế thì có gì “đẹp, dễ thương” đâu! Vì thế chữ “ngộ” ở đây không thể hiểu là “ngộ nghĩnh, dễ thương” được, vì nếu đất nước mình “ngộ nghĩnh, dễ thương” thì cô giáo Trần Thị Lam đâu phải viết những vần thơ đau xé ruột như thế. Như vậy chữ “ngộ” chỉ có thể được hiểu là “lạ lùng, kỳ quặc, khác thường, không giống ai”. Chị Hoài Niệm đã hiểu nghĩa chữ “ngộ” sai vì đã không đặt nó trong khung cảnh bài thơ.


Nếu tự điển có nhiều nghĩa, người đọc phải chọn nghĩa “theo dòng chảy của tứ thơ” hoặc “theo dòng chuyển động ý tưởng của đoạn văn. Tác giả đã “mang nặng đẻ đau” tạo ra tác phẩm, người đọc không có quyền (và không nên) áp đặt một nghĩa nào đó vào một từ nào đó trong văn bản dù nghĩa đó có trong tự điển và thường được những tác giả khác sử dụng. Dĩ nhiên, người đọc có quyền bình phẩm cái hay, dở của tác giả trong việc đưa từ đó (với nghĩa mà ông muốn) vào văn bản. Đó là quyền của người đọc. Nhưng đem một nghĩa khác trong tự điển (nghĩa chết), khác với nghĩa của tác giả, áp đặt vào một từ trong văn bản (từ sống) rồi bình tán loạn xạ - khiến khen ngợi biến thành chê bai (và ngược lại) - theo tôi, dù đầy thiện ý, vẫn là một hành động sai trái vì đã ảnh hưởng đến uy tín, và có khi, nhân cách của tác giả.

Phạm Đức Nhì
nhidpham@gmail.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét