Thứ Ba, 12 tháng 1, 2021

TRẢ LỜI ANH NGUYÊN LẠC VỀ SHOW, DON’T TELL

 


                             

 

Trong bình luận của tôi về bài viết của anh Nguyên Lạc tôi chỉ giới hạn nhận xét của mình vào một phần “không ổn”:

 

Trong 3 truyện ngắn anh Nguyên Lạc đưa vào làm thí dụ cho thủ pháp Show, Don’t Tell trong bài Vài Điều Về Cao Xuân Huy Và Lâm Chương thì nhận xét của tôi chỉ nhắm vào truyện ngắn Bùa Ếch của nhà văn Lâm Chương. Truyện ngắn này có đoạn kết như sau:

 

Lương Mập phân trần: “Tôi thương cô ta thiệt tình. Chứ đâu phải vì cái đó.” Lão (thầy bùa) lắc đầu: “Cậu lầm rồi. Nếu cô ta không có cái đó, cậu có thương không?” Lương Mập cứng họng.

Trên đường về, nghiệm lại lời của lão thầy bùa, hắn hiểu ra rằng tình cảm trai gái đều bắt nguồn từ cái đó khác nhau mà thôi…

 

 

Anh Nguyên Lạc thì cho rằng Bùa Éch có ẩn ý:

 

Tôi thấy gì? - Thấy cái mà Sigmund Freud (an Austrian neurologist and the founder of psychoanalysis) đã nói đến, nó luôn chi phối cách "hành xử" của con người, - Thấy "cõi tồn sinh" nơi ngã ba ("con đường ngã ba" - chữ của Bùi Giáng) cái mà con người muốn chiếm hữu, sở hữu ... do đó mới xảy ra chiến tranh đau thương, khổ sở ... và cũng tạo ra hạnh phúc, sung sướng ... nhờ đó nòi giống trường tồn. Thí dụ như việc vì muốn chiếm đoạt “cái đó” của người đẹp Helen mà gây nên “Chiến tranh thành Troia” (trường thi của Homer: Iliad và Odyssey). Vì "cái đó" mà tiêu tan đất nước, toi mạng, tiêu đời… Trụ Vương / Đắc Kỳ, Ngô Vương/ Tây Thi và Đồng Trác / Điêu Thuyền v.v…

 

Và vì thấy nhiều thứ tiềm ẩn như vậy nên anh Nguyên Lạc đã đưa tác phẩm lên làm thí dụ danh giá cho thủ pháp Show, Don’t Tell.

Độc giả có thể đọc bài của Nguyên Lạc theo link sau đây:

 http://t-van.net/?p=47155

Tôi cho rằng nếu đọc cả truyện ngắn Bùa Ếch độc giả sẽ thấy cốt truyện thẳng tuột, không có ẩn ý. Và ở đoạn kết tác giả đã “nói toạc móng heo” điều mình muốn nói “… tình cảm trai gái đều bắt nguồn từ cái đó … “

 

 

Thành Phần Của Thủ Pháp Show, Don’t Tell

 

1/ Tell: Thường dùng trong Văn –

Thí dụ: Michael rất sợ bóng tối

 

Trong khi Show, Don’t Tell thì được viết là:

 

Khi mẹ em tắt đèn và rời khỏi phòng, Michael căng thẳng. Em thu mình dưới chăn, nắm chặt tấm trải giường và nín thở khi gió lướt qua rèm. (2)

 

2/ Show & Tell: Nhiều đoạn văn, bài thơ tác giả chỉ giới thiệu đôi chút rồi đi thẳng vào điểm chủ yếu mình muốn nói đến. Trong trường hợp này tác phẩm chỉ có Show và Tell, không có “phần chìm” Don’t Tell – nghĩa là không có ẩn ý.

 

Thí dụ:

 

CHỢT THỨC

 

Lão Trư Bát Giới đang ngủ yên

bỗng bừng tỉnh dậy

phùng mang trợn mắt

là lúc lòng anh rạo rực

nhớ em.

 

Đây là bài thơ nói thằng – không ẩn dụ, không bóng gió, không ẩn ý, chỉ có Show & Tell.

 

Show: Lão Trư Bát Giới “phùng mang trợn mắt”

Tell: Anh “thèm chim” và nhớ em.

 

Ý chính của bài thơ: Lão Trư Bát Giới thức dậy làm dữ quá nên anh “thèm chim” và nhớ em. Thế thôi. Chứ suy rộng, hiểu sâu như anh Nguyên Lạc – nghĩ đến Sigmund Freud và muôn thứ lòng thòng ở phía sau – không phải là không có lý, nhưng trong khung cảnh của Chợt Thức là đi quá xa, là lạc đề. Nói rõ ra, đây chỉ là bài thơ Show & Tell – không có phần Don’t Tell (ẩn ý).

 

Dưới đây là một đoạn thơ nghe được từ tiệc nhậu của mấy anh đánh cá:

 

Đêm nay cờ ‘dục’ trống dồn

Cái hồn lại ngứa bồn chồn nhớ anh

Em đây nhớ cái củ hành

Nhớ sao những lúc thả phanh gầm gừ

Tiếng rên vô nghĩa ư …ư

Cái hồn sung sướng ngất ngư quên trời

(Chữ “dục” viết sai chính tả có chủ ý)

 

Ý chính của đoạn thơ là tác giả lên cơn thèm “củ hành” và nhớ “chàng” chứ chẳng có Sigmund Freud hoặc Trụ Vương Đắc Kỷ hay Đổng Trác Điêu Thuyền gì hết. Và đoạn thơ này cũng chỉ thuộc loại Show & Tell.

 

3/ Show, Don’t Tell (Có Ẩn Ý – Don’t Tell)

 

CÁNH ĐỒNG

 

 Sau ba năm chung thủy

Với người chồng đi xa

Chị đã thất tiết một cách lạ kỳ

Với người đàn ông xấu xí

Già hơn chị rất nhiều

 

Trong một buổi chiều bão tố

Khi chúng tôi đến đó

Người đàn ông đã đi rồi

Chỉ còn lại trên đồng lúa

Vết xước của dĩa bay mà thôi

(Nguyễn Đức Tùng)

 

Show: Thiếu phụ “thất tiết” với “người từ hành tinh khác”.

Don’t Tell = Ẩn ý: Khi “thèm chim” mà vì lý do này lý do khác không thể thỏa mãn thì gặp “người từ hành tinh khác” Bà cũng “chơi”, mặc kệ những cái nhìn không đồng tình, thiếu thiện cảm của người đời. Đó là quyền mưu cầu hạnh phúc chính đáng của con người nói chung và của Bà nói riêng.

 

GIÓ DẬY THÌ

 

Lạ chưa cơn gió dậy thì

Cứ tưng tửng thổi kể gì ngày đêm

Cây đào nghiêng ngả trước thềm

Nhụy hoa tơi tả cành mềm gẫy ngang

Cạnh chùa cây đại, cây bàng

Tiếng chim kêu thảng thốt vang giữa trời

Thấy hồn bay bổng chơi vơi

Nằm nghe gió thổi nhớ thời thanh xuân

(Thanh Bảo Nguyên)

 

Show: Cả bài thơ

Don’t Tell = Ẩn ý: Tác giả đang “thèm chim” “quá cỡ thợ mộc”.

 

Bài Cánh Đồng độc đáo ở chỗ ý đi rất xa, thể thơ mới lạ, hiệu quả, phần Don’t Tell được sắp xếp kín và khéo nhưng ít cảm xúc.

 

Bài Gió Dậy Thì “hiền” hơn, mặc dù cơn “thèm chim” mạnh hơn, sinh động hơn, cảm xúc nhiều nhưng vẫn giữ được nét thanh của thơ.

 

Truyện Ngắn “Bùa Ếch” Có Thể Xếp Vào Loại Show, Don’t Tell?

 

Như đã nói ở phần đầu, truyện ngắn Bùa Ếch có kết luận là “tình cảm trai gái đều bắt nguồn từ sự yêu thích cái đó của nhau”. Theo tôi, đó cũng là ý chính của cốt truyện. Và Bùa Ếch chỉ thuộc loại Show & Tell chứ không phải Show, Don’t Tell.

 

Nghĩ sâu, suy rộng như anh Nguyên Lạc - từ Bùa Ếch mà nghĩ đến Sigmund Freud, Trụ Vương Đắc Kỷ, Đổng Trác Điêu Thuyền - không phải là hoang tưởng nhưng trong khung cảnh của truyện ngắn Bùa Ếch là đi quá xa, là lạc đề. Và hậu quả là đã tặng cho Bùa Ếch danh hiệu Show, Don’t Tell - một quyết định sai lầm về một thủ pháp quan trọng trong viết văn, làm thơ.

 

Còn Truyện Ngắn “Bắt Khỉ” Thì Sao?

 

Bình luận của tôi trên FB chỉ nhắm vào truyện ngắn Bùa Ếch nhưng trong phần trả lời của anh Nguyên Lạc cả 3 truyện đều được đem ra phô diễn, biện minh nên nhân tiện tôi nói thêm về truyện ngắn Bắt Khỉ.

Nếu nhà văn Lâm Chương cho dừng truyện ở chỗ

 

Anh Khan cũng không ngủ được. Anh ngồi dậy vấn thuốc, bất ngờ anh hỏi tôi, nghĩ thế nào về những con khỉ bị sơn mặt? Tôi nói, nếu ở Âu Mỹ, Hội Bảo Vệ Súc Vật sẽ can thiệp cho nó.

“Cũng không ai biết sẽ ra sao. Nếu nó cứ bám riết theo bầy, có thể một ngày nào đó, con khỉ đầu đàn sẽ cắn nó chết.”

 

và để mặc độc giả mò ra ẩn ý của anh thì Bắt Khỉ sẽ xứng đáng được xếp loại Show, Don’t Tell. Nhưng nếu làm như vậy thì ẩn ý quá kín, độc giả không thể suy đoán ra, không về được điểm đến mà anh muốn. Chính vì thế anh đã phải thêm đoạn kết và đưa vào 2 câu:

 

Anh bảo, khi tôi sang xứ người, nên tìm đến cái Hội Bảo Vệ Súc Vật, để nhờ họ che chở. Và nhớ hỏi họ, rằng giữa vùng rừng núi Việt Nam, có những “con khỉ người” đang bị sơn mặt, họ có bảo vệ không?

 

để độc giả hiểu được ý mình. Hai câu đó trở thành phần Tell của truyện và đã làm Bắt Khỉ không còn là Show, Don’t Tell nữa.

 

Anh Nguyên Lạc không thấy được điều đó nên đã có thêm một quyết định sai lầm, rất đáng trách khác nữa. Đó là quyết định (về mặt thủ pháp nghệ thuật trong viết lách) xếp Bắt Khỉ vào loại Show, Don’t Tell.

 

Kết Luận

 

Anh Nguyên Lạc đọc nhiều biết rộng nên trong các bài viết của anh rất nhiều tư liệu được trích dẫn, nhất là những đề tài nặng tính lý thuyết. Tôi rất nể phục anh ở điểm này. Có điều khi đem những ý niệm nặng tính lý thuyết đó ra để soi sáng, làm rõ giá trị nghệ thuật một tác phẩm nào đó thỉnh thoảng anh cũng có chỗ này, chỗ kia lầm lẫn.

 

Trong tranh luận văn chương tôi lại thích cãi tới bến, nhiều lúc quên cả nể nang nên đã làm anh phật lòng. Nhưng biết làm sao được. Cha mẹ sinh con trời sinh tính. Mong anh thông cảm.

 

Phạm Đức Nhì

nhidpham@gmail.com

 


Thứ Bảy, 2 tháng 1, 2021

CÁI SIÊU VÀ CÁI VỤNG CỦA NGUYỄN BÍNH TRONG MỘT BÀI THƠ


Gợi, Không Kể (Show, Don’t Tell) Là Gì?

 

Gợi, Không Kể là một kỹ thuật viết trong đó câu chuyện và các nhân vật có liên quan với nhau thông qua các chi tiết và hành động cảm tính chứ không phải là sự trình bày, tóm tắt. Nó thúc đẩy một phong cách viết cuốn hút hơn cho người đọc, cho phép họ “ở cùng phòng” với các nhân vật. (1)

 

(Show, Don’t Tell là biện pháp tu từ phát xuất từ Tây Phương, dịch là Gợi, Không Kể cũng hơi gượng nên tôi xin phép được dùng nguyên chữ gốc cho chính xác. Mong độc giả thông cảm.)

 

Showing minh họa, trong khi Telling chỉ phát biểu (thông tin chính trong một câu chuyện.)

 

(Showing illustrates, while Telling merely states.)

 

Thí dụ:

 

Telling: Michael vô cùng sợ bóng tối.

 

Showing: Khi mẹ em tắt đèn và rời khỏi phòng, Michael căng thẳng. Em thu mình dưới chăn, nắm chặt tấm trải giường và nín thở khi gió lướt qua rèm. (2)

 

Tóm lại,

 

Telling: Tóm tắt hay tường thuật theo lối chỉ kể cho người đọc biết điều xảy ra.

 

Showing: Dùng sự mô tả và hành động để giúp người đọc trải nghiệm câu chuyện.

 

Show, Don’t Tell Trong “Giấc Mơ Anh Lái Đò”

 

Bài thơ Giấc Mơ Anh Lái Đò có 14 câu (lục bát) được chia thành 4 ý nhỏ như sau:

 

1/ Hai câu đầu:

 

Năm xưa chở chiếc thuyền này

Đưa cô sang bãi tước đay chiều chiều

 

Đây là khởi điểm của mối tình đơn phương. Tác giả chỉ nói đến công việc đưa đò kiếm sống của mình nhưng cũng đồng thời vẽ nên khung cảnh, hoàn cảnh được tiếp xúc, gần gũi với cô gái: Gặp nàng, biết nàng trong mối quan hệ chủ thuyền và khách đi đò qua bãi. Thủ pháp Show, Don’t Tell đã bắt đầu lộ diện.

 

2/ Sáu câu kế tiếp:

 

Để tôi mơ mãi mơ nhiều

“Tước đay xe võng nhuộm điều ta đi

 Tưng bừng vua mở khoa thi

 Tôi đỗ quan trạng vinh quy về làng

 Võng anh đi trước võng nàng

 Cả hai chiếc võng cùng sang một đò”

 

Tác giả không nói gì về tình yêu nhưng khi người đọc nghe chàng tâm sự là đã đưa cô gái vào trong cả giấc mơ “vinh quy bái tổ” của mình thì hiểu ngay rằng chàng đã yêu cô say đắm. Show, Don’t Tell rõ nét và khéo.

 

3/ Bốn câu kế tiếp:

 

Đồn rằng: Đám cưới cô to

Nhà giai thuê chín chiếc đò đón dâu

Nhà gái ăn chín nghìn cau

Tiền cheo, tiền cưới chừng đâu chín nghìn

 

Chữ vụng nhất và theo tôi, làm giảm giá trị của cả đoạn thơ là chữ “to”. Chính chữ “to” đã để lộ ý của tác giả trong đoạn này và đã làm thủ pháp Show, Don’t Tell thất bại. Ngay câu đầu độc giả đã biết đám cưới của cô gái to rồi. Ba câu kế tiếp chỉ làm rõ nghĩa thêm cho chữ “to” mà thôi.

 

4/ Hai câu Kết:

 

 Lang thang tôi dạm bán thuyền

 Có người giả chín quan tiền, lại thôi

 

Trong khi cả cơ nghiệp của anh lái đò – là chiếc thuyền – đem gạ bán thì người ta chỉ trả có chín quan tiền. Hai câu thơ chỉ nói đến việc dọ giá bán thuyền nhưng đã ngầm chứa khoảng cách giầu nghèo ghê gớm giữa anh lái đò và tình địch của mình. Và hậu quả là nỗi đau đến xé tâm can về mối tình vô vọng đã đổ ập xuống đầu anh lái đò đáng thương. Show, Don’t Tell ở 2 câu kết thật tuyệt vời.

 

Giá Trị Nghệ Thuật Của “Giấc Mơ Anh Lái Đò”

 

Ngôn ngữ thơ đẹp một cách bình dị, câu cú đơn giản nhưng vững chắc về mặt ngữ pháp. Các ý nhỏ trong bài thơ tự động gắn chặt với nhau một cách tự nhiên, không cần những chữ nối (liên từ) hoặc câu nối. Bốn đoạn Show, Don’t Tell thì 3 đoạn thành công, đặc biệt hai câu kết - một thủ pháp Show, Don’t Tell xuất sắc.

 

 

Bài thơ, không những chỉ nổi trội về mặt thi pháp mà còn thành công về mặt cảm xúc. Tứ thơ chảy nhẹ nhàng, chậm rãi nhưng thành dòng rõ rệt. Đến cuối bài cảm xúc dâng lên cao ngất; nỗi đau của mối tình vô vọng như một cơn mưa lớn đổ ập xuống tràn ngập tâm hồn anh lái đò. Bài thơ, rất khéo, kết thúc ở cao trào.

 

Tiếc Cho Nguyễn Bính

 

Mỗi lần đọc lại hoặc ngâm nga bài Giấc Mơ Anh Lái Đò trong đầu tôi lại hiện ra một câu hỏi: “Tại sao một tài thơ hiếm có như Nguyễn Bính lại vô ý đến độ đưa chữ “to” rất “thô”, rất vô duyên ấy vào bài thơ?”

 

Chỉ cần tác giả “giấu” được chữ “to” thì 3 câu kế tiếp sẽ đóng vai trò cung cấp thông tin để từ đó người đọc tự nhận ra “À! Đám cưới cô ấy to thật”. Đoạn thơ sẽ trở thành Show, Don’t Tell một cách tự nhiên. Ba câu kế tiếp không còn là những anh “thợ vịn”, đưa vào để lấy có mà sẽ trở thành những công nhân lành nghề, có đóng góp quan trọng cho công trình Giấc Mơ Anh Lái Đò..

 

Mà giấu chữ “to” thì thiếu gì cách. Với kỹ thuật thơ nhuần nhuyễn như Nguyễn Bính chẳng lẽ không nghĩ ra được một câu lục có vần “o” mà vắng bóng chữ “to”?

 

Chẳng hạn (đơn giản nhất):

 

Đồn rằng đám cưới của

 

Giả sử Nguyễn Bính giấu được chữ “to” bằng câu lục (mà câu “Đồn rằng đám cưới của cô” của tôi là thí dụ) thì chỉ riêng về mặt thi pháp, 4 đoạn Show, Don’t Tell cũng thừa sức đưa Nguyễn Bính và Giấc Mơ Anh Lái Đò lên một trong những chỗ ngồi rất trang trọng giữa vườn thơ tươi đẹp của nhân loại.

 

 

Với vóc dáng ấy, Giấc Mơ Anh Lái Đò có đến 4 chỗ liên tiếp – không có liên từ hoặc câu nối - sử dụng thủ pháp Show, Don’t Tell hoàn hảo. Không những thế, toàn bài thơ - tất cả 14 câu, 98 chữ - đều nằm gọn dưới vùng phủ sóng của Show, Don’t Tell, không một chữ nào lọt ra ngoài.

 

Trong văn học Việt Nam, cho đến lúc tôi viết những dòng chữ này, CHƯA một thi phẩm nào sử dụng thủ pháp Show, Don’t Tell tuyệt vời đến mức ấy.

 

Chữ “to” ấy đã làm đoạn 3 mất đi danh hiệu Show, Don’t Tell và đáng tiếc nhất là do đó, tác giả đã để vuột khỏi tay chiếc huy chương vàng dành cho thi sĩ có Thi Phẩm Hoàn Toàn Show, Don’t Tell.

 

PHẠM ĐỨC NHÌ

 

Chú Thích:

 

1/ Show, Don’t Tell is a writing technique in which story and characters are related through sensory details and actions rather than exposition. It fosters a style of writing that’s more immersive for the reader, allowing them to “be in the room” with the characters.

 

2/ Telling: Michael was terribly afraid of the dark.

 

Showing: As his mother switched off the light and left the room, Michael tensed. He huddled under the covers, gripped the sheets, and held his breath as the wind brushed past the curtain.

 

https://blog.reedsy.com/show-dont-tell/

Thứ Tư, 23 tháng 12, 2020

THUYỀN VÀ BIỂN: NGỌT BÙI CAY ĐẮNG CỦA TÌNH YÊU


 Ngoài 2 câu mào đầu giới thiệu:

 

Em sẽ kể anh nghe

Chuyện con thuyền và biển:

 

Thuyền Và Biển được viết theo thể thơ ngũ ngôn trường thiên, 7 đoạn, mỗi đoạn 4 câu. Ở đây tác giả sử dụng phép ẩn dụ toàn bài.

 

Tứ: Câu chuyện thuyền và biển.

 

Ý: Chuyện tình của chính tác giả. Tác giả là biển, người yêu của chị là thuyền.

 

Theo tình tiết của tứ thơ, bài thơ được chia làm 4 phần:

 

1/ Tình Yêu Mới Chớm

 

Từ ngày nào chẳng biết

Thuyền nghe lời biển khơi

Cánh hải âu, sóng biếc

Đưa thuyền đi muôn nơi

 

Lòng thuyền nhiều khát vọng

Và tình biển bao la

Thuyền đi hoài không mỏi

Biển vẫn xa… còn xa

 

Đoạn đầu của bài thơ kể lại lúc tình yêu mới chớm. Chàng để ý đến nàng, cố công theo đuổi; còn nàng trong lòng không biết thế nào chứ ngoài mặt thì cứ “tảng lờ như không”. Tôi chợt nghĩ đến tâm tình của một nữ sinh Đồng Khánh (Huế) trong một đoạn trả lời bài thơ Qua Mấy Ngõ Hoa của Mường Mán (1):

 

Răng mà cứ theo tui hoài rứa?

Cái ôn ni mới dị chưa tề!

Sớm chiều trưa ba buổi đi về

Đưa với đón làm chi không biết!

 

mà cái thời còn là anh lính trẻ thường tới lui với Huế – vì công vụ cũng như vui chơi – tôi được  một nữ sinh Đồng Khánh chép tặng và đã thuộc lòng vì rất thích. Nhưng nếu để ý so sánh thì tuy cùng một chiến thuật tán gái – bám sát đối tượng – cách diễn tả của Xuân Quỳnh sang hơn, bay bướm hơn nhiều.

 

Còn khi cô nữ sinh Đồng Khánh đã xuôi lòng, giả vờ xuống giọng năn nỉ:

 

Tội tui lắm cách cho vài thước

đừng đi gần hai bước song đôi

xa xa cho kẻo bạn tui cười

mai vô lớp cả trường dị nghị.

 

thì ở đoạn thứ hai khi biết chàng trai đã có ý chinh phục trái tim mình:

 

“Lòng thuyền nhiều khát vọng”

 

thì tình cảm của tác giả Thuyền Và Biển đã được kín đáo bày tỏ:

 

“Và tình biển bao la”

 

nhưng vì là phụ nữ nên nàng vẫn “ý tứ” giữ một khoảng cách khá … xa:

 

“Thuyền đi hoài không mỏi

  Biển vẫn xa … còn xa”

 

Ẩn dụ thật tuyệt vời.

 

Mấy thế kỷ trước Lê Quý Đôn đã viết về thi pháp như sau: “Lời kỵ thẳng, mạch kỵ lộ, ý kỵ nông, thi vị kỵ ngắn”. (2)  Trong 2 đoạn thơ này Xuân Quỳnh hoàn toàn tránh được những điều “kỵ” mà nhà thơ họ Lê nhắc nhở người đời. Lời của chị rất bóng gió, mạch thơ kín đáo. ý thơ sâu sắc và đặc biệt thi vị cứ vương vấn mãi nơi tâm hồn người đọc.

 

 2/ Khi Chúng Mình Yêu Nhau

 

Đến đoạn 3 thì tình yêu đã bến rễ, nàng đã “mở cửa trái tim” chấp nhận tình yêu của chàng và đã biểu lộ bằng hành động cụ thể:

 

Những đêm trăng hiền từ

Biển như cô gái nhỏ

Thầm thì gửi tâm tư

Quanh mạn thuyền sóng vỗ

 

Cũng có khi vô cớ

Biển ào ạt xô thuyền

(Vì tình yêu muôn thuở

Có bao giờ đứng yên?)

 

Qua 2 đoạn thơ ở phần này tác giả đã tiết lộ một chút bí mật về vai trò của phụ nữ trong hôn nhân. Theo chị thì phụ nữ là sứ giả của tình yêu, của hòa bình, vào “những đêm trăng hiền từ” thường bằng những lời “Thầm thì gởi tâm tư/ Quanh mạn thuyền sóng vỗ” đem đến cho bạn tình cái cảm giác ấm áp, an lành, hạnh phúc của kẻ đang yêu và được yêu. Nhưng chính phụ nữ cũng là những bà “thần chiến tranh”, châm ngòi cho những cuộc “xô bát, chạm đĩa” trong gia đình mà chẳng cần có một duyên cớ gì chính đáng:

 

Cũng có khi vô cớ

Biển ào ạt xô thuyền

 

rồi đổ thừa là:

 

(Vì tình yêu muôn thuở

Có bao giờ đứng yên!)

 

Ôi! Nữ sĩ Xuân Quỳnh ơi, phụ nữ như chị thật ngàn lần đáng yêu và cũng vạn lần đáng … sợ.

 

3/ Tình Sâu Nghĩa Nặng

 

Chỉ có thuyền mới hiểu

Biển mênh mông nhường nào

Chỉ có biển mới biết

Thuyền đi đâu, về đâu

 

Thân thể em, với anh, như tấm bản đồ mở rộng, anh đã rành rẽ đường đi nước bước; tâm hồn em, những nghĩ suy toan tính đời thường, cả những ước mơ sâu kín, em cũng chia sẻ với anh. Còn lộ trình của anh trong đời: điểm dừng, điểm đến, khi đi, lúc về anh cũng ghi hết cho em.

 

Những ngày không gặp nhau

Biển bạc đầu thương nhớ

Những ngày không gặp nhau

Lòng thuyền đau – rạn vỡ

 

Những ngày vắng anh em nhớ thương quay quắt; những ngày không gặp mặt nhau anh như phát ốm, phát đau. Ý chỉ bình thường như thế nhưng không biết tác giả chọn được điểm đứng đặc biệt như thế nào để khi nhìn biển nổi sóng bạc đầu (trắng xóa) lại có thể tưởng tượng là “Biển bạc đầu thương nhớ” và nhìn con thuyền tạm giã từ biển “lên ụ” để sửa chữa mà có thể nghĩ là “Lòng thuyền đau rạn vỡ” thì quả là thật tài tình. Đây là 2 đoạn thơ đắt giá nhất của bài thơ; tứ thơ rất bóng gió, rất đẹp, rất thơ nhưng lại như lưỡi dao rất sắc len lỏi vào tận đáy tâm hồn.

 

Lao vào cuộc chơi văn chương thi phú tôi đã đọc không biết bao nhiêu là câu thơ, bài thơ diễn tả tình sâu nghĩa nặng của vợ chồng. Đây là đề tài muôn thuở, “cũ xưa như trái đất”. Nhưng chưa có câu thơ, bài thơ nào đặc sắc như 2 đoạn thơ trên. Tôi xin nói rất mạnh miệng mà không sợ lỡ lời: nói đến tình nghĩa vợ chồng, đây là những vần thơ tuyệt bút.

 

Có lẽ vì thế mà nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã chọn 2 đoạn thơ này và đoạn kết để phổ thành bản nhạc Thuyền Và Biển.

 

4/ Nếu Cuộc Tình Chia Xa

 

Nếu từ giã thuyền rồi

Biển chỉ còn sóng gió”

Nếu phải cách xa anh

Em chỉ còn bão tố

 

Khi tình đã sâu, nghĩa đã nặng mà vì lý do này, lý do khác phải chia xa thì cả 2 bên đều đau khổ. Nhưng theo Xuân Quỳnh thì bên phía phụ nữ nỗi khổ đau sâu hơn, lớn hơn gấp bội. Hai câu kết:

 

Nếu phải cách xa anh

Em chỉ còn bão tố

 

chính là nỗi đớn đau đã lên đến tột độ, biểu lộ một tình yêu nồng thắm, mãnh liệt. Tác giả đã bước ra khỏi phép ẩn dụ, bôi hết son phấn trên mặt, cởi bỏ hết lớp vỏ hóa trang, không còn Biển Thuyền bóng gió và đã hét thật to, xưng gọi đúng tên hai kẻ yêu nhau say đắm. Bài thơ kết thúc ở đúng cao trào.


Vài Lỗi Kỹ Thuật

 

1/ Hai câu mào đầu không cần thiết.

 

Theo tôi, 2 câu:

 

Em sẽ kể anh nghe

Chuyện con thuyền và biển

 

có thể bỏ đi mà không ảnh hưởng đến việc tìm hiểu tứ của bài thơ. Bố cục bài thơ sẽ gọn hơn.

 

2/ “Bật mí” phép ẩn dụ

 

Phép ẩn dụ của bài thơ, nếu tinh ý, người đọc có thể nhận ra sau khi đọc 2 đoạn đầu. Còn nếu “chậm tiêu” một tý thì từ từ rồi cũng thấy, cũng hiểu. Thuyền là chàng, biển là nàng, bài thơ là chuyện tình yêu của chàng với nàng, nàng là tác giả, là nhân vật chính trong bài thơ.

 

Trong đoạn thơ:

 

Những đêm trăng hiền từ

Biển như cô gái nhỏ

Thầm thì gởi tâm tư

Bên mạn thuyền sóng vỗ

 

thì biển là cô gái (ẩn dụ) cho nên câu “Biển như cô gái nhỏ” không những đã trở nên thừa, gây cảm giác “không thoải mái” cho người đọc mà lại còn làm lộ phép ẩn dụ nữa. Nếu tác giả chọn được cách nói khác, không nhắc gì đến cô gái mà vẫn diễn tả được cái ý ấy thì hay hơn.

 

Tương tự như vậy, trong đoạn thơ:

 

Cũng có khi vô cớ

Biển ào ạt xô thuyền

(Vì tình yêu muôn thuở

Có bao giờ đứng yên!)

 

Tác giả quên rằng mình đang đóng vai Biển với thân hình và bộ mặt (đã hóa trang) của Biển. Ngôn ngữ rất riêng, rất lạ của Biển và Thuyền đang thu hút sự chú ý của độc giả. Tự nhiên buột miệng nói ra “tiếng người” khiến vai diễn của vở kịch trở thành bất nhất. Hai câu sau nếu tránh được từ “tình yêu” mà vẫn giữ được ý ấy thì quá hay.

 

Xuân Quỳnh sinh năm 1942, viết Thuyền Và Biển năm 1963 khi mới 21 tuổi nhưng cái nhìn của chị về tình yêu, hạnh phúc, khổ đau rất từng trải, chững chạc, chín chắn. Chị yêu hết mình nên rất sợ tình tan vỡ vì lúc ấy khổ đau sẽ vò nát trái tim.

 

Tuy là thể thơ mới trường thiên, mỗi đoạn 4 câu nhưng trong Thuyền Và Biển vẫn có dòng cảm xúc, dòng thơ. Đó chính là dòng thời gian của tiến trình tình yêu phát triển, tuy mong manh và hơi “lung linh sương khói” nhưng cũng đủ sức đưa con thuyền tứ thơ từ điểm khởi đầu khi tình yêu mới chớm đến lúc tình sâu nghĩa nặng và sau cùng là tâm trạng lo âu khi nghĩ đến lúc chia xa.

 

Hơn nữa, 3 đoạn cuối không hoàn toàn tách biệt như những bài thơ trường thiên khác mà có sự kết nối vần rất đặc biệt:

 

Chỉ có thuyền mới hiểu

Biển mênh mông nhường nào

Chỉ có biển mới biết

Thuyền đi đâu, về đâu

 

Những ngày không gặp nhau

Biển bạc đầu thương nhớ

Những ngày không gặp nhau

Lòng thuyền đau – rạn vỡ

 

Nếu phải cách xa thuyền

Biển chỉ còn sóng gió

Nếu phải cách xa anh

Em chỉ còn bão tố

 

khi đọc lên vẫn có âm điệu gần giống vần liên tiếp của loại thơ "nhất khí liền mạch".

 

Cảm xúc nhẹ nhàng man mác ở khởi đầu; càng về sau càng nồng thắm và đến 2 câu cuối thì đã đến đỉnh điểm, vô cùng mãnh liệt. Cảm xúc lên đến mức tối đa ở đoạn kết, chấm dứt ở đúng cao trào của tứ thơ.

 

Chữ nghĩa sang trọng, chính xác, nhiều chỗ đắc địa nên cảm xúc dạt dào ngay từ tầng một. Thế trận câu chữ chặt chẽ, tâm tình chân thật – chị làm thơ bằng cả tâm hồn – nên cảm xúc ở tầng hai và tầng ba chảy ào xuống trái tim người đọc như thác đổ. Ẩn dụ nhiều đoạn vừa tượng hình vừa đẹp, khá tương hợp, kín kẽ, rất bay bướm và rất sinh động. (Có 2 đoạn bị “bật mí” như đã nói ở trên)

                                                                                                                  

Bài thơ cũng có hơi hám của hội chứng nhàm chán vần nhưng:

 

1/ Trong 7 đoạn thơ gieo vần gián cách tác giả có 4 lần kết thúc đoạn thơ ở vần bằng, 3 lần ở vần trắc; sự chuyển đổi âm điệu đó đã giảm thiểu khá nhiều cái giọng ầu ơ của bài thơ.

 

2/ Nhờ lời đẹp, tứ hay, ẩn dụ tương hợp, khá kín kẽ, độc giả càng đọc càng hứng thú nên cũng không đến nỗi ngán vì nhiều vần.

 

Tóm lại, nếu không vướng một chút lỗi kỹ thuật thì bài thơ có thể nói là toàn bích, chỗ đứng của Xuân Quỳnh cũng như Thuyền Và Biển trong lịch sử thi ca còn trang trọng hơn nữa

 

Một Mong Ước Thật Đáng Thương

 

Theo lời kể của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu khi đến thăm Xuân Quỳnh thì:

 

Nhà thơ Xuân Quỳnh rất cảm xúc khi nghe ca khúc “Thuyền Và Biển”. Chị chỉ mong ước giữ nguyên văn câu thơ: “Nếu phải cách xa anh, em chỉ còn bão tố!” Mong các ca sĩ đừng đổi lại: “Nếu phải cách xa em, anh chỉ còn bão tố”. Chị không muốn xóa đi kỷ niệm buồn đau của mình trong cuộc tình đã qua, và theo chị chắc gì nam giới đã có được tình yêu đằm thắm, đắm say và có lúc bão tố như phụ nữ”(3)

 

Tôi rất đồng cảm với Xuân Quỳnh về điều mong ước trên. Có điều theo tôi, tại sao lại để chị phải thốt ra những lời mong ước đó?

 

Các ca sĩ nếu có một chút khả năng “hiểu cảm câu chữ” thì phải biết bản nhạc phổ thơ là tâm trạng của người phụ nữ trong chuyện tình của Thuyền Và Biển, thuyền là nam và biển là nữ. Bản nhạc này để nữ hát là đúng nhất, là hợp tình nhất. Nhưng nếu nam thích thì cũng vẫn có thể hát được, miễn là phải hiểu rằng “giọng nam của mình đang được mượn để chuyển tải tâm tình của một phụ nữ”nghĩa là phải hát đúng nguyên văn:

 

Nếu phải cách xa anh

Em chỉ còn bão tố

 

Chứ nếu đổi lại:

 

Nếu phải cách xa em

Anh chỉ còn bão tố

 

thì sai bét. Anh là thuyền chứ có phải là biển đâu mà bão với tố!

 

Tôi đã vào Youtube nghe vài nam ca sĩ hát Thuyền và Biển. Đáng buồn là nghe 5 ca sĩ hát thì cả 5 đều hát sai.(4)

 

Rất mong các nam ca sĩ xem lại để hát cho đúng. Trước hết, để tỏ lòng tôn trọng Xuân Quỳnh, một nữ sĩ tài danh đã mất, thứ đến để chứng tỏ đẳng cấp nghệ sĩ của mình, có thể hiểu, cảm tâm trạng của tác giả và thả hết tâm hồn vào lời ca, nốt nhạc chứ không phải là người vô trách nhiệm, tự động sửa lời bản nhạc của người ta theo ý mình, chẳng cần biết đúng sai, và cứ thế nhắm mắt hát bừa, hát bậy.

 

Kết Luận  

                   

Bài thơ giờ đã hơn 50 tuổi và Xuân Quỳnh cũng như biển, đã đi xa … rất xa, nhưng những cặp hình ảnh tương xứng của phép ẩn dụ giữa thuyền, biển và đôi lứa yêu nhau, rất đẹp, rất ăn ý vẫn còn sống trong lòng nguời mê thơ, đặc biệt là những người trong tình yêu đã từng được nếm cả vị ngọt bùi lẫn cay đắng.

 

Sẵn sàng đón nhận góp ý, phê bình của bạn đọc.

 

Phạm Đức Nhì

nhidpham@gmail.com

 

Chú Thích:

 

1/ http://music.vietfun.com/tview.php?cat=3&ID=273

 

2/ http://aotrang.vn/f/showthread.php?6092-Th%E1%BA%BF-n%C3%A0o-l%C3%A0-m%E1%BB%99t-b%C3%A0i-th%C6%A1-hay

 

3/ (http://vannghenamchau.net/thuyen-va-bien-moi-luong-duyen-giua-nhac-va-tho-huu-du/)

 

4/ (https://www.youtube.com/watch?v=OlDLsnO4gIE  nam ca sĩ Nguyên Trường)

 

(https://www.youtube.com/watch?v=zKgiych7wPw  nam ca sĩ Quang Lý)

 

(https://www.youtube.com/watch?v=hseI9n78c9k  nam ca sĩ Trung Đức)

 

(https://www.youtube.com/watch?v=zrF1tNqLcvg  nam ca sĩ Cao Minh)

 

(https://www.youtube.com/watch?v=2-4yQ-EVlEY  nam ca sĩ Ngọc Sơn)

 

Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2020

GIÓ DẬY THÌ - MỘT BẤT NGỜ THÍCH THÚ

 

Thơ Của Một Người Chưa Nổi Tiếng 

Tán tỉnh rồi ngao du với các nàng trâm anh, đài các nơi phố thị mãi cũng chán nên thỉnh thoảng tôi cũng mò xuống xóm nhà lá dưới miệt vườn làm quen với mấy em có tâm hồn chất phác chân quê, cung cách ứng xử ít “màu mè, hoa hòe hoa sói”.

Mấy tuần trước tôi nhận lời mời kết bạn Facebook với Thanh Bảo Nguyên. Đọc khá nhiều thơ của chị tôi có cảm giác là thơ chỉ ở mức “thường thường bậc trung”. Ngôn ngữ đẹp, sắc nước, khá nhiều câu thơ, đoạn thơ hay. Nhưng bố cục thường lỏng lẻo và đoạn kết thường không tạo được ấn tượng sâu sắc. 

Bỗng nhiên một chiều cuối tuần rảnh rỗi, vừa ghé mắt vào bài thơ Gió Dậy Thì của chị tôi đã giật mình. Đọc vài lần thì từ giật mình chuyển sang thích thú. Tôi tự hỏi: “Sao lại có thể như thế được nhỉ?”

Gió Dậy Thì là bài thơ ngắn, chỉ có 8 câu. Có điều – khác với nhiều bài thơ trước của chị - 8 câu thơ đó lại có rất nhiều điểm đáng nói, đáng bàn.

 

GIÓ DẬY THÌ

Lạ chưa cơn gió dậy thì

Cứ tưng tửng thổi kể gì ngày đêm

Cây đào nghiêng ngả trước thềm

Nhụy hoa tơi tả cành mềm gẫy ngang

Cạnh chùa cây đại, cây bàng

Tiếng chim kêu thảng thốt vang giữa trời

Thấy hồn bay bổng chơi vơi

Nằm nghe gió thổi nhớ thời thanh xuân

(Thanh Bảo Nguyên)

 

Lần Mò Tìm Gặp Tứ Thơ

 

Ngay cái tựa Gió Dậy Thì đã thấy cái gì đó là lạ, hay hay. Bài thơ nhập đề trực khởi, đi thẳng vào đề tài chứ không “vòng vo Tam Quốc” nên đọc lướt qua thấy tác giả nói đến những cơn “Gió Dậy Thì” - thổi bất kể ngày đêm; cây đào trước thềm “te tua”, đàn chim trên cây đại, cây bàng cạnh chùa hoảng sợ. Thế rồi đến 2 câu cuối:

 

Thấy hồn bay bổng chơi vơi

Nằm nghe gió thổi nhớ thời thanh xuân

 

tôi mới tủm tỉm cười. À! Thì ra nhà thơ của chúng ta đang thả hồn về tuổi dậy thì, cái thuở con gái có  cảm giác rạo rực khát khao “một cái gì đó” lúc cơ thể đang chuyển mình để bước vào tuổi thanh niên. 


Tứ và Ý

 

Bài thơ có ẩn dụ toàn bài nên Tứ và Ý khác nhau.

Mặc dù có 2 chữ “dậy thì” lơ lửng, mạch thơ vẫn không bị lộ, ẩn dụ vẫn kín kẽ, chỉ đến câu cuối mới bật mí, độc giả ngạc nhiên thích thú bước qua chiếc cầu ngắn để hiểu ý tác giả.

Tứ:

Nói đến những cơn “Gió Dậy Thì” và uy lực của chúng đối với cây cối, chim muông.

Ý:

Tác giả nhớ lại cảm giác rạo rực khát khao “một cái gì đó” thời thanh xuân, cái thời còn có thể “bẻ gãy sừng trâu”.

Nhưng nghĩ xa hơn, thực tế hơn một chút, đó cũng chính là sự thèm muốn, khao khát của thi sĩ lúc viết bài thơ này. Thời thanh xuân, khi còn bị gò bó, o ép từ mọi phía mà đã ngày đêm “tưng tửng”, huống hồ giờ đây đang tuổi hồi xuân sung sức - “dậy thì lần thứ hai” - lại chẳng còn gì ràng buộc, thì “chuyện ấy” ư? Ta cũng lại đang “tưng tửng” và sẵn sàng “bẻ gãy cả sừng tê giác” đây!

 

Thể Thơ: Lục bát, 8 câu, 7 cặp vần (thì gì, đêm thềm, thềm mềm, ngang bàng, bàng vang, trời vơi, vơi thời) toàn chính vận.

Lục bát toàn chính vận có cái lợi là các câu thơ gắn bó, các ý nhỏ nối kết với nhau chặt chẽ, âm vang ngọt ngào, tạo cảm giác gần gũi, thân tình. Nhưng bất lợi là độ ngọt cao dễ tạo ầu ơ, nhàm chán.

Cũng may, cảm giác ầu ơ, nhàm chán chưa kịp xuất hiện thì bài thơ ngắn (chỉ có 8 câu) đã hết. Nhờ thế, âm ý vẹn cả đôi đường.

 

Ngôn Ngữ Hình Tượng

Ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu, hình tượng gợi cảm cao độ

“Tưng tửng”: Không ngại ngùng, giữ ý tứ, hành xử cứ như đùa nhưng lại là rất thật.

“Tưng tửng” vừa rất đúng với thái độ bất cần của những cơn “Gió Dậy Thì” vừa cũng rất hợp với cung cách “không ngại ngùng, giữ ý tứ” của cô gái thanh xuân.

Cây đào nghiêng ngả trước thềm

Nhụy hoa tơi tả cành mềm gẫy ngang 

“Chàng” nào nằm trong “tầm” của ta - như cây đào trước thềm – thì sẽ “te tua”, nghiêng ngả, “nhụy hoa tơi tả, cành mềm gãy ngang”. Chị đang mường tượng cảnh một “bãi chiến trường” chưa thu dọn, và “đối thủ” thì tơi tả sau cuộc mây mưa. Dễ thấy, dễ cảm quá! Nhưng đâu phải người phụ nữ nào cũng dám nói đến điều ấy. Mà nếu có can đảm thì cũng dễ gì nói được một cách văn vẻ tài hoa như vậy.

 

Cạnh chùa cây đại, cây bàng

Tiếng chim kêu thảng thốt vang giữa trời

 

Còn những “Chàng” hơi xa tầm một tí, (chắc là đã nghe đồn về “cây đào trước thềm”) vừa thấy bóng ta là đã như đàn chim trên cây đại, cây bàng cạnh chùa hoảng sợ, vừa bay tứ tán vừa “kêu thảng thốt vang giữa trời”. Dưới mắt tác giả, uy lực của người phụ nữ lúc đang lên cơn khát tình thật là ghê gớm. Sức gợi của ngôn ngữ rất đáng nể.

 

Dòng Chảy Của Tứ Thơ Và Đoạn Kết

Tứ thơ chảy thành dòng khá mạnh, không quanh co, uốn khúc; các con chữ nối tiếp nhau đi thẳng về điểm đến của tứ thơ.

Đội bóng Gió Dậy Thì không thích lối chơi rê dắt, vẽ vời, vờn bóng giữa sân. Phát bóng lên, chỉ sau vài đường chuyền là các học trò của huấn luyện viên Thanh Bảo Nguyên đã áp sát cầu môn đối phương. Rồi thêm một màn phối hợp là đã có cú sút tung lưới tuyệt đẹp. 

Hai câu kết của bài thơ:

 

Thấy hồn bay bổng chơi vơi

Nằm nghe gió thổi nhớ thời thanh xuân.

 

chính là cú sút tung lưới tuyệt đẹp đó. Vừa kết thúc bài thơ, vừa là chìa khóa mở cánh cửa từ Tứ qua Ý.

 

Bàn Thêm Về Tứ Thơ

 

Nếu bóc hết những lớp “bóng gió”, ẩn dụ thì Gió Dậy Thì sẽ còn lại gì? Còn lại một chữ DÂM to tướng. Nhưng đó là chữ DÂM viết hoa, thấm đẫm tính nhân bản – nét đẹp lộng lẫy, cao quý của con người. Tác giả không còn lụa là son phấn và những lớp sơn văn hóa che phủ, đã hiện ra trước mắt độc giả - một phụ nữ bình thường với những nhu cầu bình thường, những khao khát bình thường.

 

Chị khao khát một vòng tay đàn ông để da thịt chạm da thịt, bờ môi chạm bờ môi, để hai người cùng đê mê cho âm dương hòa hợp, đất trời chuyển rung. Chị coi chàng như cây đào trước thềm được cơn khát tình của chị làm cho nghiêng ngả, “nhụy hoa tơi tả, cành mềm gãy ngang”. Nỗi khao khát của chị, cơn dâm của chị có ai dám bảo là không đậm “chất người”, và bài thơ, có ai đọc xong mà không nhận ra là nó chở đầy tính nhân văn.

 

Chị viết Gió Dậy Thì trong lúc cảm xúc dạt dào nhưng chưa đến mức nổi điên, lạc thần trí. Chữ Dâm của chị bạo nhưng chưa dám đi “tới bến”, vẫn giữ được nét Thanh. Để có được nét Thanh đó chị và bài thơ đã phải trả giá – chưa thể cùng nhau bước qua cánh cổng Bến Bờ Thi Ca mà phải ngừng cách đó một đoạn đường dài.

 

Giá Trị Nghệ Thuật Của Gió Dậy Thì

 

Gió Dậy Thì là một viên ngọc nhỏ xinh xinh, không tì vết. Tứ thơ, ý thơ, ngôn ngữ hình tượng, phép ẩn dụ đều hoàn hảo. Bố cục bài thơ mạch lạc, hợp lý. Các con chữ thấm đẫm tâm tình của thi sĩ, không quanh co, nhắm thẳng điểm đến mà tuôn chảy. Và đặc biệt, đoạn kết tuyệt vời. Cảm xúc tầng 1 và tầng 2 đầy ắp. Tác giả khéo léo tạo được cao trào về ý tứ nhưng lý trí vẫn còn ẩn nấp đâu đó trong tâm hồn. Hơn nữa vì bài thơ không đủ dài, không có "sóng sau dồn sóng trước" nên chưa tạo được hồn thơ. 


Kết Luận

 

Với tôi, gặp được Gió Dậy Thì là một bất ngờ thích thú. Thi sĩ có đứa con tinh thần như Gió Dậy Thì là đã nở mày nở mặt. Bước vào chốn văn chương, ngoài nụ cười thân thiện còn có thêm ánh mắt tự tin. Ở tuổi của Thanh Bảo Nguyên vẫn còn nhiều thời gian và cơ hội để viết “bài thơ để đời”. Chọn một tứ thơ đắc ý ấp ủ trong lòng, chờ đến lúc nổi điên, cảm xúc sôi lên phủ mờ lý trí. Với kỹ thuật thơ như chị, một bất ngờ nữa - tầm vóc lớn hơn – không phải là điều không thể xảy ra.

 

Phạm Đức Nhì

nhidpham@gmail.com

phamnhibinhtho.blogspot.com