Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2020

GIÓ DẬY THÌ - MỘT BẤT NGỜ THÍCH THÚ

 

Thơ Của Một Người Chưa Nổi Tiếng 

Tán tỉnh rồi ngao du với các nàng trâm anh, đài các nơi phố thị mãi cũng chán nên thỉnh thoảng tôi cũng mò xuống xóm nhà lá dưới miệt vườn làm quen với mấy em có tâm hồn chất phác chân quê, cung cách ứng xử ít “màu mè, hoa hòe hoa sói”.

Mấy tuần trước tôi nhận lời mời kết bạn Facebook với Thanh Bảo Nguyên. Đọc khá nhiều thơ của chị tôi có cảm giác là thơ chỉ ở mức “thường thường bậc trung”. Ngôn ngữ đẹp, sắc nước, khá nhiều câu thơ, đoạn thơ hay. Nhưng bố cục thường lỏng lẻo và đoạn kết thường không tạo được ấn tượng sâu sắc. 

Bỗng nhiên một chiều cuối tuần rảnh rỗi, vừa ghé mắt vào bài thơ Gió Dậy Thì của chị tôi đã giật mình. Đọc vài lần thì từ giật mình chuyển sang thích thú. Tôi tự hỏi: “Sao lại có thể như thế được nhỉ?”

Gió Dậy Thì là bài thơ ngắn, chỉ có 8 câu. Có điều – khác với nhiều bài thơ trước của chị - 8 câu thơ đó lại có rất nhiều điểm đáng nói, đáng bàn.

 

GIÓ DẬY THÌ

Lạ chưa cơn gió dậy thì

Cứ tưng tửng thổi kể gì ngày đêm

Cây đào nghiêng ngả trước thềm

Nhụy hoa tơi tả cành mềm gẫy ngang

Cạnh chùa cây đại, cây bàng

Tiếng chim kêu thảng thốt vang giữa trời

Thấy hồn bay bổng chơi vơi

Nằm nghe gió thổi nhớ thời thanh xuân

(Thanh Bảo Nguyên)

 

Lần Mò Tìm Gặp Tứ Thơ

 

Ngay cái tựa Gió Dậy Thì đã thấy cái gì đó là lạ, hay hay. Bài thơ nhập đề trực khởi, đi thẳng vào đề tài chứ không “vòng vo Tam Quốc” nên đọc lướt qua thấy tác giả nói đến những cơn “Gió Dậy Thì” - thổi bất kể ngày đêm; cây đào trước thềm “te tua”, đàn chim trên cây đại, cây bàng cạnh chùa hoảng sợ. Thế rồi đến 2 câu cuối:

 

Thấy hồn bay bổng chơi vơi

Nằm nghe gió thổi nhớ thời thanh xuân

 

tôi mới tủm tỉm cười. À! Thì ra nhà thơ của chúng ta đang thả hồn về tuổi dậy thì, cái thuở con gái có  cảm giác rạo rực khát khao “một cái gì đó” lúc cơ thể đang chuyển mình để bước vào tuổi thanh niên. 


Tứ và Ý

 

Bài thơ có ẩn dụ toàn bài nên Tứ và Ý khác nhau.

Mặc dù có 2 chữ “dậy thì” lơ lửng, mạch thơ vẫn không bị lộ, ẩn dụ vẫn kín kẽ, chỉ đến câu cuối mới bật mí, độc giả ngạc nhiên thích thú bước qua chiếc cầu ngắn để hiểu ý tác giả.

Tứ:

Nói đến những cơn “Gió Dậy Thì” và uy lực của chúng đối với cây cối, chim muông.

Ý:

Tác giả nhớ lại cảm giác rạo rực khát khao “một cái gì đó” thời thanh xuân, cái thời còn có thể “bẻ gãy sừng trâu”.

Nhưng nghĩ xa hơn, thực tế hơn một chút, đó cũng chính là sự thèm muốn, khao khát của thi sĩ lúc viết bài thơ này. Thời thanh xuân, khi còn bị gò bó, o ép từ mọi phía mà đã ngày đêm “tưng tửng”, huống hồ giờ đây đang tuổi hồi xuân sung sức - “dậy thì lần thứ hai” - lại chẳng còn gì ràng buộc, thì “chuyện ấy” ư? Ta cũng lại đang “tưng tửng” và sẵn sàng “bẻ gãy cả sừng tê giác” đây!

 

Thể Thơ: Lục bát, 8 câu, 7 cặp vần (thì gì, đêm thềm, thềm mềm, ngang bàng, bàng vang, trời vơi, vơi thời) toàn chính vận.

Lục bát toàn chính vận có cái lợi là các câu thơ gắn bó, các ý nhỏ nối kết với nhau chặt chẽ, âm vang ngọt ngào, tạo cảm giác gần gũi, thân tình. Nhưng bất lợi là độ ngọt cao dễ tạo ầu ơ, nhàm chán.

Cũng may, cảm giác ầu ơ, nhàm chán chưa kịp xuất hiện thì bài thơ ngắn (chỉ có 8 câu) đã hết. Nhờ thế, âm ý vẹn cả đôi đường.

 

Ngôn Ngữ Hình Tượng

Ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu, hình tượng gợi cảm cao độ

“Tưng tửng”: Không ngại ngùng, giữ ý tứ, hành xử cứ như đùa nhưng lại là rất thật.

“Tưng tửng” vừa rất đúng với thái độ bất cần của những cơn “Gió Dậy Thì” vừa cũng rất hợp với cung cách “không ngại ngùng, giữ ý tứ” của cô gái thanh xuân.

Cây đào nghiêng ngả trước thềm

Nhụy hoa tơi tả cành mềm gẫy ngang 

“Chàng” nào nằm trong “tầm” của ta - như cây đào trước thềm – thì sẽ “te tua”, nghiêng ngả, “nhụy hoa tơi tả, cành mềm gãy ngang”. Chị đang mường tượng cảnh một “bãi chiến trường” chưa thu dọn, và “đối thủ” thì tơi tả sau cuộc mây mưa. Dễ thấy, dễ cảm quá! Nhưng đâu phải người phụ nữ nào cũng dám nói đến điều ấy. Mà nếu có can đảm thì cũng dễ gì nói được một cách văn vẻ tài hoa như vậy.

 

Cạnh chùa cây đại, cây bàng

Tiếng chim kêu thảng thốt vang giữa trời

 

Còn những “Chàng” hơi xa tầm một tí, (chắc là đã nghe đồn về “cây đào trước thềm”) vừa thấy bóng ta là đã như đàn chim trên cây đại, cây bàng cạnh chùa hoảng sợ, vừa bay tứ tán vừa “kêu thảng thốt vang giữa trời”. Dưới mắt tác giả, uy lực của người phụ nữ lúc đang lên cơn khát tình thật là ghê gớm. Sức gợi của ngôn ngữ rất đáng nể.

 

Dòng Chảy Của Tứ Thơ Và Đoạn Kết

Tứ thơ chảy thành dòng khá mạnh, không quanh co, uốn khúc; các con chữ nối tiếp nhau đi thẳng về điểm đến của tứ thơ.

Đội bóng Gió Dậy Thì không thích lối chơi rê dắt, vẽ vời, vờn bóng giữa sân. Phát bóng lên, chỉ sau vài đường chuyền là các học trò của huấn luyện viên Thanh Bảo Nguyên đã áp sát cầu môn đối phương. Rồi thêm một màn phối hợp là đã có cú sút tung lưới tuyệt đẹp. 

Hai câu kết của bài thơ:

 

Thấy hồn bay bổng chơi vơi

Nằm nghe gió thổi nhớ thời thanh xuân.

 

chính là cú sút tung lưới tuyệt đẹp đó. Vừa kết thúc bài thơ, vừa là chìa khóa mở cánh cửa từ Tứ qua Ý.

 

Bàn Thêm Về Tứ Thơ

 

Nếu bóc hết những lớp “bóng gió”, ẩn dụ thì Gió Dậy Thì sẽ còn lại gì? Còn lại một chữ DÂM to tướng. Nhưng đó là chữ DÂM viết hoa, thấm đẫm tính nhân bản – nét đẹp lộng lẫy, cao quý của con người. Tác giả không còn lụa là son phấn và những lớp sơn văn hóa che phủ, đã hiện ra trước mắt độc giả - một phụ nữ bình thường với những nhu cầu bình thường, những khao khát bình thường.

 

Chị khao khát một vòng tay đàn ông để da thịt chạm da thịt, bờ môi chạm bờ môi, để hai người cùng đê mê cho âm dương hòa hợp, đất trời chuyển rung. Chị coi chàng như cây đào trước thềm được cơn khát tình của chị làm cho nghiêng ngả, “nhụy hoa tơi tả, cành mềm gãy ngang”. Nỗi khao khát của chị, cơn dâm của chị có ai dám bảo là không đậm “chất người”, và bài thơ, có ai đọc xong mà không nhận ra là nó chở đầy tính nhân văn.

 

Chị viết Gió Dậy Thì trong lúc cảm xúc dạt dào nhưng chưa đến mức nổi điên, lạc thần trí. Chữ Dâm của chị bạo nhưng chưa dám đi “tới bến”, vẫn giữ được nét Thanh. Để có được nét Thanh đó chị và bài thơ đã phải trả giá – chưa thể cùng nhau bước qua cánh cổng Bến Bờ Thi Ca mà phải ngừng cách đó một đoạn đường dài.

 

Giá Trị Nghệ Thuật Của Gió Dậy Thì

 

Gió Dậy Thì là một viên ngọc nhỏ xinh xinh, không tì vết. Tứ thơ, ý thơ, ngôn ngữ hình tượng, phép ẩn dụ đều hoàn hảo. Bố cục bài thơ mạch lạc, hợp lý. Các con chữ thấm đẫm tâm tình của thi sĩ, không quanh co, nhắm thẳng điểm đến mà tuôn chảy. Và đặc biệt, đoạn kết tuyệt vời. Cảm xúc tầng 1 và tầng 2 đầy ắp. Tác giả khéo léo tạo được cao trào về ý tứ nhưng lý trí vẫn còn ẩn nấp đâu đó trong tâm hồn. Hơn nữa vì bài thơ không đủ dài, không có "sóng sau dồn sóng trước" nên chưa tạo được hồn thơ. 


Kết Luận

 

Với tôi, gặp được Gió Dậy Thì là một bất ngờ thích thú. Thi sĩ có đứa con tinh thần như Gió Dậy Thì là đã nở mày nở mặt. Bước vào chốn văn chương, ngoài nụ cười thân thiện còn có thêm ánh mắt tự tin. Ở tuổi của Thanh Bảo Nguyên vẫn còn nhiều thời gian và cơ hội để viết “bài thơ để đời”. Chọn một tứ thơ đắc ý ấp ủ trong lòng, chờ đến lúc nổi điên, cảm xúc sôi lên phủ mờ lý trí. Với kỹ thuật thơ như chị, một bất ngờ nữa - tầm vóc lớn hơn – không phải là điều không thể xảy ra.

 

Phạm Đức Nhì

nhidpham@gmail.com

phamnhibinhtho.blogspot.com

 

 

 

 

 

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét