Thứ Bảy, 19 tháng 8, 2017

THI SĨ CÓ XẠO KHÔNG?



                                                 

THI SĨ CÓ XẠO KHÔNG?

 


 Người Đời Thường Gian Dối

 

Tôi học Đệ Nhất ở Lý Thường Kiệt, một trường trung học công lập quận Hốc Môn, nhưng vì nghe tiếng giáo sư Trần Bích Lan nên thỉnh thoảng cũng “vù” lên trường Văn Học ở Sài Gòn học ké mấy giờ Triết. Phải công nhận thi sĩ Nguyên Sa giảng Triết nghe đã thiệt. Có lần, không nhớ trong bài nào, thầy phát biểu:

 

“Do tính sĩ diện nên người đời thường gian dối; mở miệng ra là vơ cái hay, cái tốt về mình; ngay cả khi tiết lộ một chút gì xấu của cái Tôi là cũng muốn chứng tỏ mình thành thật.”

 

Sau khi “mất” Khánh Ngọc, Phạm Đình Chương đã sáng tác nhạc phẩm Nửa Hồn Thương Đau trong đó có câu 

 

“Đôi khi anh muốn tin, đôi khi anh muốn tin những người, ôi những người khóc lẻ loi một mình”.

 

 Ý nhạc sĩ muốn nói chỉ những người khóc lẻ loi một mình (như ông đang khóc Khánh Ngọc) mới đáng tin là có nỗi đau buồn chân thật.

 

“Bởi đàng sau những giọt nước mắt

giữa đám đông

rất có thể

ẩn hiện bóng hình

loài cá sấu.”

 (Kẻ Giết Chết Hồn Thơ, Phạm Đức Nhì, vandanviet.com)

 

Nhưng nhiểu trường hợp người ta còn dàn cảnh để “con mồi” được tận mắt xem tấn tuồng “khóc lẻ loi một mình” rồi tin và hiên ngang bước vào bẫy. (2)

 

Phạm Đình Chương, khi viết Nửa Hồn Thương Đau, không ngờ rằng ngay cả tiếng khóc lúc lẻ loi cũng có thể sản sinh những giọt nước mắt cá sấu. Tính gian dối của người đời sâu đậm đến như thế đấy.

 Thi Sĩ Có Xạo Không?

 

Trở lại buổi học Triết với thầy Trần Bích Lan. Lúc ấy, vốn có tiếng nghịch ngợm lại bạo mồm, tôi ngồi tại chỗ “hỏi chõ” lên:

 

Thế thi sĩ có xạo không thầy?”

 

Thầy nhìn về hướng tôi ngồi, trả lời tỉnh bơ:

 

Có chứ, sao lại không! Khác nhau là cố ý hoặc vô tình.”

 

Không ngờ mấy chục năm sau, vướng “đậm” vào cái nghiệp thi ca, tôi lại phải trả lời câu hỏi của chính mình. Không biết lúc ấy thầy Trần Bích Lan trả lời thật hay đùa; tôi cũng không có cơ hội để hỏi thầy đến nơi, đến chốn.

 

Nhưng đọc khá nhiều thơ, thỉnh thoảng lại chất vấn tâm hồn mình – cũng là người múa bút làm thơ – tôi thấy quả đúng như thầy nói, thi sĩ nhiều người, nhiều lúc cũng “xạo tới bến”.

 

 Tại Sao Thi Sĩ Xạo?

 

Lý do cũng dễ hiểu. Người đời trong giao tiếp hàng ngày, đôi lúc ở chỗ này chỗ khác, nói năng có điều gì thất thố, có xúc phạm ai thì cũng chỉ một số ít người biết. Sau đó lời nói sẽ bay đi như gió thoảng.

 

Còn thi sĩ, bài thơ xuất xưởng là sẽ vượt khỏi sự kiểm soát của mình, nếu sai sót điều gì hoặc đụng chạm đến ai đó, hậu quả của những dòng thơ trên giấy trắng mực đen sẽ đọng lại rất lâu.

 

 Cho nên đặt bút viết phải cẩn trọng. Cẩn trọng sẽ mời gọi lý trí. Có lý trí xuất hiện, thi sĩ - dù muốn dù không – cũng sẽ Xạo.

 

Trường Phái Siêu Thực Đã Thất Bại

Dĩ nhiên, xạo có nhiều cách, nhiều kiểu. Có kiểu xạo cố ý, có kiểu xạo vô tình. Có kiểu xạo đáng chê trách, nhiều khi đáng khinh bỉ, có kiểu xạo đáng thương, đáng thông cảm. Nhưng dù xạo kiểu gì đi nữa cũng làm ảnh hưởng đến giá trị của bài thơ.

Xóa hẳn dấu vết của chữ Xạo trong thơ không phải là chuyện đơn giản. Trường phái thơ Siêu Thực ra đời để giải quyết vấn nạn "trục xuất lý trí - nguyên nhân của chữ Xạo - trong thơ" cũng đã thất bại.

 

Có Cách Nào Không?



Nhưng những người yêu thơ cũng đừng lo buồn. Vẫn có phương cách khác, phương cách đặc biệt làm chữ Xạo biến mất để lời thơ trở thành "tiếng lòng chân thật" của thi sĩ, để người đọc và người làm thơ được trò chuyện với nhau bằng ngôn ngữ của Loài Người (viết hoa). 

Lúc ấy bài thơ đã nhận được giải thưởng cao quý nhất: Bước Vào Bến Bờ Thi Ca.   

Loạt bài HƯỚNG ĐI CỦA THƠ sẽ bàn đến phương cách này.

Phạm Đức Nhì

nhidpham@gmail.com

 

CHÚ THÍCH

 


1/ Trong Cô Gái Đồ Long của Kim Dung tên Trường Linh đã giả vờ khóc trước bàn thờ Tạ Tốn để lừa Trương Vô Kỵ, hy vọng được Vô Kỵ tin tưởng dẫn ra Băng Hỏa Đảo.

 


Thứ Ba, 15 tháng 8, 2017

VỀ MỘT CƠN "NỘ KHÍ XUNG THIÊN"

                                

Tôi quen Trần Hạ Vi chắc được khoảng hơn nửa năm, lúc mới lớ ngớ bước vào sân chơi Facebook. Cô đã rất tận tình hướng dẫn tôi đường đi nước bước trong khung cảnh mới lạ này. Biết tôi bình thơ cô đưa tôi đến các trang web văn học trẻ để đăng bài. Chúng tôi cũng trao đổi một số vấn đề về thơ ca một cách cởi mở và vui vẻ. Cô cũng được mời vào ban quản trị trang web phamnhibinhtho.blogspot.com - trang web các bạn đang đọc bài viết này- để giúp cải tiến bộ mặt hình thức của trang web. 

Trong số thơ của THV tôi thích bài Căn Phòng Bí Mật và đã viết lời bình. Có lẽ vì thế cô đã gởi tặng tôi tập thơ Lật Tung Miền Ký Ức. Mấy ngày trước - được nghỉ cày – tôi lấy tập thơ ra đọc và nhận thấy một điểm “Trái Khoáy” nên đã viết một đoạn ngắn đưa vào “kho lưu trữ” và nhân tiện gởi cho tác giả đọc chơi. Sau đây là vài trao đổi tin nhắn về Trái Khoáy: (Tôi ghi lại nguyên văn nên có nhiều chỗ không viêt hoa đầu câu)

NP (nhipham): anh gởi cho em một bài ngắn qua mail.

HV (Trần Hạ Vi): dạ để em đọc
                             em chưa thấy anh ạ

NP: đọc đừng buồn

HV: không sao ạ
       mỗi người có quyền cảm nhận riêng mà

Sau khi đọc xong THV trả lời:

HV: em lật tung miền ký ức ra mới biết là còn có “căn phòng bí mật”. như vậy cũng là 1 thành quả rồi.

NP: vậy là tốt rồi
       anh không khen xã giao
      và chê cũng thật lòng

HV: quá trình đi vào bên trong bản thân là 1 quá trình rất dài, vất vả, tốn sức, có nhiều người thậm chí thấy mệt quá chưa bao giờ đi cả. Em đi từ từ, đó cũng là cách của em vậy

dạ, em biết mà, nên em rất trân trọng (hình một trái tim đỏ)

NP: anh mừng cho em
       anh đăng bài đó được không

HV: dạ được, anh cứ đăng ạ! Tag em! (Hình một trái tim đỏ)
       hoặc đăng trên blog là em chia sẻ về

Trong những bài bình thơ tôi luôn giữ tính độc lập, không để tác giả chen vào ảnh hưởng đến cách đánh giá, khen chê của mình. Còn những bài viết khác - nếu khả thi - tôi thường gởi đến đối tượng của bài viết để được xác nhận những chi tiết liên quan đến họ.

Chính vì thế, đọc những câu văn bừng bừng lửa giận của THV tôi thấy hơi ngạc nhiên. Cô là người phóng khoáng, có lối suy nghĩ, nhìn nhận sự việc nhiều khi vuợt ra khỏi những lề thói của xã hội, người đời. Tôi thường nhủ thầm: “Con bé này gặp lúc cao hứng thế nào cũng có một bài thơ độc đáo.”

Có vài người - đặc biệt là anh Quỳnh Phạm – đã nhắn tin đề nghị tôi không nên tranh luận thêm nữa. Lý do họ đưa ra rất thuyết phục nên tôi đồng ý ngay.

Trong cái rủi cũng có cái may. Sự kiện này đã gợi ý và thôi thúc tôi viết một bài liên quan đến Lý Thuyết Thơ. Mời mọi người đón đọc Đừng Kêu Ca – Chúng Ta Đều Xạo, viết về tính Xạo của thi sĩ.

Phạm Đức Nhì

                            

Thứ Bảy, 12 tháng 8, 2017

TRÁI KHOÁY

                                            TRÁI KHOÁY

Nhận được tập thơ Lật Tung Miền Ký Ức - gồm 100 bài thơ – do Trần Hạ Vi gởi tặng. Đã gởi tin nhắn cám ơn nhưng chưa dám bình phẩm gì vì chưa đọc kỹ. Hôm qua đi làm về sớm, hôm nay lại được nghỉ nên mở tập thơ nhâm nhi, nghiền ngẫm, thấy có một điểm trái khoáy liên quan đến bài thơ mình đã viết lời bình (1) nên nổi hứng “xổ” 4 câu thơ:

Bảo lật tung mà chẳng lật tung
Đến căn phòng đó lại lừng khừng
Ngẫm nghĩ một hồi rồi quay gót
Nên nửa đời người vẫn long đong.

Lật Tung Miền Ký Ức là tập thơ “cởi mở tâm tình” – đào xới Ký Ức tung lên để bộc lộ hết những cảm xúc, tâm trạng sâu kín nhất của lòng mình.

Nhưng

“Có những góc tôí ở trong hồn
của riêng ta
không bao giờ chia sẻ”

Vâng! Thưa các bạn, đó chính là Căn Phòng Bí Mật – bài thơ thứ hai trong tập thơ. Điểm trái khoáy của tập thơ là ở chỗ đó. Trần Hạ Vi bảo sẽ lật tung hết miền ký ức nhưng  cô lại chừa ra một căn phòng rất lớn, chứa những riêng tư, bí mật của mình. Rốt cuộc những gì cô tâm sự với các bạn đọc – qua 99 bài thơ kia - chỉ nằm trên bề mặt ý thức. Còn chỗ sâu kín nhất trong tâm hồn của “cái tôi đích thực” cô vẫn khóa chặt cửa, mời chính cô và các bạn đi chỗ khác chơi.

Cũng không trách Trần Hạ Vi được. “Cái tôi văn hóa” của cô đậm nét Tây Phương – nơi mà Căn Phòng Bí Mật (Privacy) được tôn trọng và bảo vệ tối đa. Tuyệt đại đa số thi sĩ ở nơi đó cũng đang lăn lộn trên bề mặt ý thức để “chế tạo thơ ca”. Chính vì thế nên Trần Hạ Vi “nửa đời người vẫn long đong”, chưa quay về với chính mình, với “cái tôi đích thực”, cũng là điều dễ hiểu.

Rất mong sẽ có một ngày nào đó, hay chỉ một phút nào đó, Trần Hạ Vi hé mở cánh cửa Căn Phòng Bí Mật để những tâm tình “thật nhất” của mình chảy tràn vào thơ. Lúc ấy thơ của cô sẽ có một chỗ đứng trang trọng và chính cô sẽ an nhiên tự tại, không còn “long đong” nữa.

Phạm Đức Nhì
phamnhibinhtho.blogspot.com

CHÚ THÍCH:
1/ Đứng Trước “Căn Phòng Bí Mật” Của Trần Hạ Vi, Phạm Đức Nhì, t-van.net





Thứ Năm, 10 tháng 8, 2017

THƠ "KHĂN ĐÓNG ÁO DÀI" VÀ SHOW, DON'T TELL

                                

Học Nghệ Thuật Hùng Biện Với LM Nguyễn Văn Vàng ở ĐH CTCT Đà Lạt.

Trước 1975, tôi có lần về học thêm chuyên môn tại Đại Học CTCT Đà Lạt và được học nghệ thuật hùng biện với LM Nguyễn Văn Vàng. Đến giờ nghỉ giải lao, một ông Trung Úy xáp lại gần LM, ra vẻ ta đây, vừa cười vừa hỏi “đểu” một câu “thối như mắm tôm”:

Thưa LM, tôi thấy ngày xưa Án Tử người nước Tề có học khóa hùng biện nào đâu mà đến du thuyết ở chỗ nào cũng thành công?

Ông LM Dòng Chúa Cứu Thế mặt vẫn hiền dịu, nhẹ nhàng trả lời:

Mỗi khi có một cuộc tranh luận thành công (hay thất bại) là có người tìm hiểu, phân tích xem nhờ đâu mà thành công hoặc vì sao mà thất bại. Rồi sau đó có người tổng hợp lại thành những nguyên tắc (có tính lý thuyết) và trường Đại Học CTCT đã mời tôi đến để truyền dạy những nguyên tắc đó cho các anh, những người cần đến kỹ năng này. Dĩ nhiên, nắm vững lý thuyết là điều kiện cần nhưng chưa đủ để trở thành người ăn nói giỏi. Dựa vào mớ lý thuyết ấy rồi tùy năng khiếu cá nhân, cộng với kinh nghiệm thực hành trong những tình huống cụ thể, khả năng nói trước đám đông của các anh sẽ tiến bộ.

Ông Trung Úy có câu hỏi “thôi như mắm tôm” đứng đực mặt ra ngượng ngùng hổ thẹn trước các bạn cùng lớp vì không hiểu sự khác biệt giữa lý thuyết và thực hành của nghệ thuật hùng biện.

Bước Vào Lãnh Vực Thơ Ca

Trong lãnh vực thơ ca cũng vậy. Từ trước khi Nguyễn Bính viết Giấc Mơ Anh Lái Đò rất lâu cho đến khi tôi viết những dòng chữ này người đời đã sáng tác rất nhiều thơ. Mỗi khi có một bài thơ hay, gây được tiếng vang là người yêu thơ tới tấp tìm đọc. Trong số đó có những người đọc tò mò. Họ thấy bài thơ hay nhưng muốn tìm hiểu xem tại sao nó hay; nếu có câu, đoạn thơ dở thì họ muốn biết tại sao nó dở. Đó chính là những người làm công việc phê bình văn học. Rồi có người đúc kết một số những câu trả lời hữu lý môt cách hệ thống (có tính lý thuyết) để giúp người đọc thơ có cơ sở để biết thế nào là một bài thơ hay (hay dở) và những người làm thơ có được những “hướng dẫn căn bản” để có thể làm thơ hay hơn.

Cuốn Cấu Trúc Thơ của nhà phê bình văn học Thụy Khuê được viết ra với mục đích đó.
 Cuốn Cấu Trúc Thơ đến với bạn đọc, không ngoài mục đích là giúp các bạn tìm hiểu thơ, nếu thấy hay thì tại sao hay? Ðạt được mục đích đó không dễ, đôi khi không chắc sẽ đạt được. Tuy nhiên sự tìm hiểu sâu xa về cấu trúc thi ca là điều kiện cần (tuy chưa đủ) để giúp chúng ta hiểu và cảm nhận thơ một cách sâu lắng hơn. (1)

Khi đọc Show, Don't Tell Trong Thơ có người email hỏi tôI “Nguyễn Bính có biết Show, Don't Tell là cái quái gì đâu mà thơ của ông cũng đi vào lòng người và hàng bảy, tám mươi năm nay vẫn hiện diện hiên ngang trong dòng thơ của dân tộc?” Ông này đã mắc chứng bệnh tương tự như ông Trung Úy ở trên – thích hỏi “đểu” thiên hạ trong khi mình chẳng hiểu gì về mối tương quan và sự khác biệt giữa Sáng Tác và Phê Bình. Câu hỏi - như một phát biểu đầy ấn tượng, nhưng lại lộ ra sự thiếu hiểu biết về điều mình phát biểu - tuy có hơi thiếu lịch sự nhưng theo tôi, trong tranh luận văn chương, vẫn có thể chấp nhận được. Hy vọng đọc phần giải thích ở trên ông sẽ thấy được cái sai của mình và có thái độ thích hợp.

Bàn Thêm Một Chút Về Sáng Tác Và Phê Bình

Khi bài thơ, bằng cách này hay cách khác được gởi đến người đọc, sẽ như cô gái giữa chợ, tha hồ cho thiên hạ khen chê, bình phẩm. Dĩ nhiên, người có học vị cao về văn chương hoặc có tên tuổi trong giới phê bình, lời bình phẩm của họ sẽ được chú ý lắng nghe và tin tưởng nhiều hơn. Tuy vậy, không có những quy định, điều kiện cụ thể (bằng cấp, chức vụ, uy tín) cho người bình thơ. Nếu bạn - bằng con đường nào đó – tin rằng mình có đủ kiến thức và tài năng để bình thơ thì bạn cứ việc bước vào sân chơi phê bình. 

Những gì bạn viết ra cũng sẽ “được” đủ mọi cặp mắt soi mói. Nếu bài bình của bạn khen đúng, chê đúng và đem lại cho người đọc những kiến thức bổ ích về Thơ, bạn sẽ được hoan nghênh. Ngược lại, nếu bạn vì tư tình mà bình thơ một chiều (chỉ khen hoặc chê), khen chê không đúng hay chỉ tán hươu, tán vượn thì bài bình của bạn, nếu không bị chê bai, chỉ trích cũng sẽ chẳng được ai để ý và sẽ đi vào quên lãng. Người đứng đắn, khi phê bình một bài bình thơ chỉ chú ý đến đối tượng tranh luận – là bài thơ và lời bình - chứ không đem chủ thể đối luận (là tác giả bài bình) ra mà xách mé, châm biếm - nói nôm na là "bỏ bóng đá người".

Sau đây là một bình luận về bài Show, Don't Tell Trong Thơ.

Chắc ngày xưa ông Nguyễn Bính chưa học được "SHOW DON'T TELL" như nhà trí thức Phạm Đức Nhì (nên) mới bị cái lỗi TO ở khổ thứ 3 (và) bị ông ấy chê. Mà nghĩ  lại, không ai biết Phạm Đức Nhì là ông nào mà Nguyễn Bính thì người yêu thơ Việt Nam ai cũng biết và ngưỡng mộ. (Hai chữ trong ngoặc đơn là của PĐN)

Đây là kiểu bình luận bá đạo – không dẫn chứng xem bài bình thơ của người ta sai ở chỗ nào mà “chêm” vào một phát biểu vừa thiếu hiểu biết – mù tịt về điều căn bản nhất của phê bình - vừa coi thường thiên hạ. Ông này cũng giống ông Trung Úy ở chỗ không biết mô tê gì về công việc phê bình mà bày đặt lên mặt hỏi “đểu”. Nhưng ông còn tệ hơn một bậc là có ác tâm, ác ý – đã nêu đích danh tác giả ra mà xách mé, châm biếm một cách sai trái. Dĩ nhiên, câu bình luận nặng mùi như thế chỉ làm ô uế môi trường tranh luận văn chương.

Vị Trí Của Show, Don't Tell Trong Thơ Việt Nam

Trong 3 tiêu chí chính để thẩm định giá trị nghệ thuật một bài thơ là Tứ Thơ, Kỹ Thuật Thơ và Hồn Thơ thì tiêu chí Kỹ Thuật Thơ bao gồm nhiều chi tiết nhất. Ngoài hình thức của bài thơ - thể thơ, số chữ trong câu, số câu trong bài, cách gieo vần, liền mạch hay đứt đoạn -  nhà nghiên cứu, phê bình còn nắm trong tay những “tuyệt chiêu” mà một số thi sĩ tài danh đã thi triển để làm đẹp câu, đoạn, hoặc bài thơ. Mức độ thành công của việc áp dụng một “tuyệt chiêu” nào đó trong bài thơ cũng trở thành một tiêu chí để “đo” mức hay (dở) của bài thơ.

Mỗi dân tộc, dĩ nhiên, có nét riêng trong vẻ đẹp văn hóa – trong đó có thi ca - của mình. Nhưng những “tuyệt chiêu” – mà sau này được gọi chung là những biện pháp tu từ - đã trở thành tài sản chung của nhân loại. Trong thơ của Trung Hoa, Việt Nam hay các nước Âu Mỹ đều có phép ẩn dụ, hoán dụ, thi trung hữu họa, so sánh, nhân cách hóa, điệp ngữ, nói giảm, nói tránh, nói quá, tương phản ... Sinh hoạt phê bình văn học của Việt Nam còn hơi chậm chân so với sáng tác nên tuy trong thơ của khá nhiều thi sĩ tài danh đã xuất hiện Show, Not Tell nhưng chưa có nhà phê bình nào gọi tên nó chính xác bằng tiếng Việt nên trong một số trường hợp có người đã phải tạm dùng “ẩn dụ” một cách “hơi sai lạc”.

Thí dụ:
                                            
Râu tôm nấu với ruột bầu
Chồng chan, vợ húp gật đầu khen ngon.
(ca dao)

Mặc dù có chứa đựng ẩn ý nhưng nếu bảo thủ pháp nghệ thuật trong câu ca dao này là ẩn dụ thì gượng ép quá. Show, Don't Tell thì hợp lý hơn.

Thử xem lại bài thơ Ông Đồ của Vũ Đình Liên.
Tác giả sắp xếp một cách khéo léo hình ảnh sinh hoạt của Ông Đồ theo dòng thời gian để độc giả tự nhận ra nền Nho Học đã đi đến chỗ lụi tàn. Ở đây cũng có ẩn ý nhưng không phải “nói cái này mà ngụ ý cái kia”. Nền Nho Học lụi tàn là kết quả tất yếu của sự suy tưởng theo dòng chảy của tứ thơ. Độc giả không phải dùng liên tưởng “nhảy cóc”, từ cái này nhảy sang cái kia.

Khi bình bài thơ Ông Đồ, mặc dù đã biết về Show, Don't Tell nhưng chưa cặn kẽ, thấu đáo, nên tôi đã dùng “ẩn dụ” để nói về kỹ thuật này của Vũ Đình Liên. Nhưng sau đó nhờ đã có mấy cuộc họp thân tình với các nhà thơ, nhà phê bình văn học Mỹ (để giới thiệu thơ của mình) tôi đã vỡ lẽ ra sự khác biệt lớn giữa Ẩn Dụ và Show, Don't Tell. Theo tôi, thủ pháp nghê thuật Vũ Đình Liên dùng trong bài thơ Ông Đồ là Show, Don't Tell chứ không phải Ẩn Dụ. (2)

Nhắc lại định nghĩa Show, Don't Tell

Show, Don't Tell là một biện pháp tu từ, thay vì dựa vào một (hoặc vài) tĩnh từ, trạng từ khô cứng nào đó để kể lại một sự kiện, bày tỏ một tâm trạng, tác giả tạo ra những hình ảnh sống động, cụ thể để từ đó độc giả tự khám phá, hiểu ra sự kiện, tâm trạng ấy. Độc giả sẽ cảm thấy thích thú vì không chỉ đọc một cách thụ động mà còn được tham dự một cách tích cực vào tiến trình tìm gặp điểm đến của tứ thơ.

Như vậy Show, Don't Tell đã hiện diện khá rộng rãi và thường xuyên trong thơ Việt Nam. Có điều chúng ta chưa có tên gọi bằng tiếng Việt cho nó. Tệ hại hơn, có người nhiều lúc còn đánh đồng nó với Ẩn Dụ một cách không được chính xác lắm. Ai là người đầu tiên đưa thủ pháp này ra tranh luận trong các diễn đàn thơ ca Việt Nam, tôi không biết. Tôi chỉ là người dùng nó như một tiêu chí để bình thơ, và tình cờ, vướng vào một cuộc trao đổi khá lý thú (nếu bỏ qua một vài bình luận khiếm nhã). Đây là một trong vài “tuyệt chiêu” đem lại hiệu quả rất cao trong việc nâng giá trị một đoạn thơ, một bài thơ.

Thơ Khăn Đóng Áo Dài Và Thơ Áo Vest

Nhà phê bình Châu Thạch cũng đóng góp một bình luận cho bài viết Show, Don't Tell Trong Thơ của tôi, đại ý: “Thơ Việt Nam là thơ Khăn Đóng Áo Dài mà cứ lấy áo Vest trùm lên thì kỳ quá. Lại còn đụng đến cả cụ Nguyễn Du nữa!” (Bình luận của ông trên FB sau đó được xóa đi nên tôi chỉ ghi lại ý chính mà tôi nhớ được.)

 Theo dòng phát triển của nhân loại, về phương diện văn hóa, mỗi dân tộc đều cố gắng gìn giữ bản sắc của dân tộc mình trong khi ra sức tiếp nhận có chọn lựa những cái hay, cái đẹp của những nền văn hóa khác. Trong cái gọi là nền văn hóa “Khăn Đóng Áo Dài”, sau “một ngàn năm đô hộ giặc Tàu, một trăm năm nô lệ giặc Tây” (3), cái “chất Việt” cũng không còn đậm đà lắm. Ngay bộ trang phục “Khăn Đóng Áo Dài mà Châu Thạch đã bóng gió đặt tên cho Thơ Việt Nam, nếu truy nguyên nguồn cội, thì có tỉ lệ rất cao là sản phẩm của Trung Hoa. Có thể nói, “Khăn Đóng Áo Dài” trong ý nghĩa nét đẹp văn hóa, tuy chưa bị tuyệt chủng nhưng cơ hội xuất hiện cũng vô cùng thưa thớt.

Riêng nhà phê bình Châu Thạch, nhìn hình của ông trên Facebook và các trang mạng mà ông cộng tác, tôi thấy ông thường mặc đồ Vest, Cà Ra Vát nghiêm chỉnh. Thỉnh thoảng, trong những khung cảnh thân tình, ông mặc quần tây, áo sơ mi – nghĩa là cái nét văn hóa “Khăn Đóng Áo Dài”của ông đã bị trang phục tây phương trùm kín mít.

Chính tôi, trong rất nhiều đám xá, hội họp, tiệc tùng giao tiếp vẫn thường khoác bộ đồ Vest để có vẻ lịch sự  và hòa hợp với đám đông. Trong những khung cảnh “bình dân” khác, tôi - bắt chước Châu Thạch – quần tây, áo sơ mi “bỏ trong thùng” hoặc thân tình hơn nữa, quần jean áo “pull” (áo thun có cổ) – nghĩa là cũng lấy đồ tây trùm kín mít “Khăn Đóng Áo Dài”.

Thật ra, không phải chỉ có Châu Thạch và tôi thường “quên” “Khăn Đóng Áo Dài” trong cuộc sống thường ngày mà đại đa số đàn ông Việt Nam cũng như vậy. Trước hết, trang phục tây phương gọn gàng, tiện lợi, “bắt mắt” và hợp với trào lưu phát triển văn hóa của nhân loại hơn. Sau nữa, mặc trang phục tây phương không có nghĩa là quên cội nguồn dân tộc. Có nhiều cách khác, cũng rất hiệu quả để biểu lộ bản sắc văn hóa của dân tộc.

Thử Đọc Hai Đoạn Thơ Của Châu Thạch

Dốc ngược chai, rượu long lanh chảy
Ta nâng ly uống cạn cả ngàn trăng
Khà một cái, hơi bay mờ mặt đất
Còn một trăng treo mộng ở trên cao

Em ngồi lại cùng ta, đừng đi vội
Nửa vầng trăng ta đã cắn làm đôi
Nghe vị ổi vừa chua và vừa chát
Trong miệng ta nguyệt đã vỡ tan rồi

(Rượu Dưới Trăng, Văn Nghệ Quảng Trị)

Không bàn đến tài thơ của tác giả mà chỉ nhìn hình thức của hai đoạn thơ tôi biết ngay ông đã viết theo thể Thơ Mới; đoạn đầu không gieo vần, đoạn sau nghiêm túc hơn (mỗi câu đều 8 chữ) gieo vần gián cách ở câu 2 và câu 4.  Nếu không có những nhà thơ trong Phong Trào Thơ Mới (39 – 45) đi tiên phong, lấy áo Vest trùm lên “Khăn Đóng Áo Dài” thì Châu Thạch làm gì có cái “khung hình thức” để viết bài thơ lãng mạn như thế?

Tiện đây tôi xin mở ngoặc để “bốc thơm” anh Nguyễn Khắc Phước một cái. Theo tôi biết, anh là người yêu văn chương nhưng làm thơ không nhiều. Mấy năm trước tôi tình cờ đọc được bài thơ Mắt Bồ Câu của anh trên Văn Nghệ Quảng Trị. Bài thơ đã làm tôi bâng khuâng đến mấy ngày. Tác giả viết về một người – có thể là bạn, có thể là người tình cũ - có đôi mắt bồ câu. Tứ thơ như thế không có gì mới lạ lắm. Tôi có viết lời bình cho bài thơ và ghi nhận một số ưu điểm: Hình ảnh đẹp, nên thơ, tứ thơ bồng bềnh nhưng dễ “bắt”. Thêm vào đó, từ mỗi con chữ, từ khoảng trống giữa những câu thơ, hơi ấm cảm xúc nhẹ nhàng lan tỏa tạo cảm giác thật dễ chịu cho người đọc thơ. (Mắt Bồ Câu – Bài Thơ Mới Đọc Lần Đầu, Phạm Đức Nhì, Văn Nghệ Quảng Trị)

Nhưng điều làm tôi bất ngờ đến sững sờ là hình thức của bài thơ. Tôi cũng đã từng làm khá nhiều thơ, đã nhiều năm trời mày mò, học hỏi, tìm kiếm  một thể thơ vừa cho mình sự tự do để vung bút, vần tạo vị ngọt vừa phải để nối kết các câu thơ thành dòng chảy một cách tự nhiên nhưng không gây cảm giác ầu ơ, nhàm chán. Bài thơ phải nhất khí liền mạch, “sóng sau dồn sóng trước” để nếu gặp lúc cao hứng có thể đánh bật lý trí, tạo hồn thơ.

Mắt Bồ Câu của Nguyễn Khắc Phước, về hình thức, có đủ những đặc tính “cao cấp” (mà tôi cố công tìm kiếm) để bài thơ có cơ hội “đi xa”. Tiếc một điều là cảm xúc của anh sâu lắng nhưng chưa đủ mạnh để làm anh nổi điên, đưa vào thơ những câu “văng mạng”, “bất cần đời”, “phi lý trí” của “cái tôi đích thực”.

Tuy nhiên, phải công nhận anh đã đi trước tôi – và rất đông người làm thơ khác - khá xa. Hình thức thơ của tôi tuy có thể nói là tự do, phóng khoáng nhưng vẫn còn mang chút dáng dấp của Thơ Mới. Mắt Bồ Câu của Nguyễn Khắc Phước đã chia tay Thơ Mới để rẽ vào một con đường khác. Anh không những đã lấy Áo Vest trùm lên Khăn Đóng Áo Dài mà Áo Vest của anh đã mang một sắc thái mới, khác hẳn chiếc Áo Vest mà những nhà thơ trong Phong Trào Thơ Mới đã đem về nước những năm 39 – 45.

Là một người bình thơ, xin ghi nhận nỗ lực làm mới thơ rất thành công của anh Nguyễn Khắc Phước. Cá nhân tôi xin bày tỏ lòng khâm phục.

 Hai Đặc Tính Của Phong Cách Bình Thơ Châu Thạch

Đọc mấy bình luận “ngây ngô” của những người chơi FB bình thường khác tôi không lấy làm lạ vì đó là chuyện “thường ngày ở huyện”. Nhưng đọc bình luận của Châu Thạch thì tôi hơi ngạc nhiên.  Một người yêu thơ, làm thơ và bình thơ  như ông tại sao lại đặt vấn đề một cách gay gắt với việc khen chê (hợp lý) của tôi đối với thủ pháp Show, Don't Tell trong bài Giắc Mơ Anh Lái Đò của Nguyễn Bính?
Cả tuần qua tôi bỏ thời gian đọc những bài bình thơ mới nhất của Châu Thạch trên Văn Nghệ Quảng Trị và nhận ra hai đặc tính. Một là, ông bình thơ không bàn thi pháp và hai là, bình thơ nhưng đại đa số chỉ khen, không chê.

     1/ Bình thơ không thi pháp

Theo tôi, hình thức của bài thơ biểu lộ nhiều điểm liên quan đến “tay nghề”, phong thái của thi sĩ, dòng chảy của tứ thơ. Bỏ qua thi pháp, những biện pháp tu từ và nhiều chi tiết khác về cấu trúc thơ, qua bài bình của Châu Thạch độc giả không thấy được bức tranh toàn cảnh của bài thơ. Ông đã bỏ sót nhiều “tiêu chí” để giúp nhà phê bình thẩm định giá trị nghệ thuật của bài thơ một cách toàn diện hơn. Đôi khi ông còn vô ý đưa luôn kết quả chung cuộc của lời bình vào cái tựa.

Thí dụ: 

Đọc Thơ Hay “Chấp Chới” Của Đặng Xuân Xuyến Và “Tháng Tư Ơi” Của Bùi Thị Quý

Hoặc:

Đọc “Thơ Ngắn Ngọt Ngào” Nguyễn Như Mây.

Chưa đọc bài bình độc giả đã biết đó là hai bài thơ hay (thí dụ trên) hoặc “thơ ngắn ngọt nào” (thí dụ dưới). Con tẩy của ván bài xì phé đã bị lộ ngay từ phút đầu, có tiếp tục chơi cũng chỉ để ăn thua chứ ván bài đã không còn hấp dẫn nữa. Đây là sai sót kỹ thuật. Về khía cạnh tâm lý, kết luận chung cuộc (KHEN) về giá trị của bài thơ đã được đưa vào ngay phần đầu của bài viết – cái tựa – thì người đọc dễ có cảm giác là nhà phê bình đã có vẻ hơi nịnh tác giả. Đây là điều mà những người bình thơ chuyên nghiệp đều cố tránh.

     2/ Bình thơ chỉ khen, không chê

Châu Thạch bình thơ giống như một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp chụp hình cho khách hàng. Ông sắp xếp thế đứng, kiểu ngồi sao cho những khuyết điểm trên cơ thể khách hàng được che khuất, chỉ có nét đẹp, nét duyên dáng được xuất hiện trên tấm hình chụp.

Trong một trao đổi trên FB, Châu Thạch cho rằng, đại ý: “Bài thơ như một cô gái đẹp; tôi muốn phô bày những nét đẹp của cô cho mọi người thưởng ngoạn. Nếu lỡ cô gái có một đốm tàn nhang hoặc một nốt ruồi thiếu thẩm mỹ, tôi sẽ lờ đi để người đọc được thưởng ngoạn vẻ đẹp đó một cách trọn vẹn”.

Dĩ nhiên, tác giả bài thơ được bình rất khoái nhưng độc giả sẽ bị thiệt thòi - chỉ được tiếp cận bài thơ qua lăng kính phiến diện của người bình.

Châu Thạch là một nhà phê bình cao tuổi, nhiều kinh nghiệm sống, lại sành tâm lý nên ông nương theo tứ thơ rồi tán rộng ra đọc, nghe rất đã. Nhưng có 3 tiêu chí chính để bình thơ là tứ thơ, kỹ thuật thơ và hồn thơ thì ông chỉ chú tâm vào tứ thơ mà “quên” đi hai tiêu chí còn lại.

Với cách bình thơ ấy, độc giả không thấy hết tài (kỹ thuật) thơ của tác giả, không có cơ sở để nắm bắt hồn thơ (nếu có) và chính người bình thơ sẽ không hoàn thành nhiệm vụ của phê bình là hỗ trợ và dẫn đường cho sáng tác.

Trần Hạ Vi Đụng Đến Cụ Nguyễn Du

Trần Hạ Vi là một nhà thơ trẻ, mới bước vào sân chơi thi ca không lâu. Sau khi đọc Show, Not Tell Trong Thơ của tôi đã tra cứu tìm hiểu và đóng góp một số bình luận rất hữu ích cho bạn đọc Facebook, trong đó có bình luận về mấy câu Kiều của cụ Nguyễn Du đã làm anh Châu Thạch mủi lòng than: “Lại còn đụng đến cả cụ Nguyễn Du nữa!”

Dưới đây là trao đổi giữa Trần Hạ Vi và tôi về mấy câu Kiều.

Theo Trần Hạ Vi

Ví dụ như khi Nguyễn Du viết:

"Khi tựa gối, khi cúi đầu
Khi vò chín khúc, khi chau đôi mày" 

cũng tả, không kể, nhưng ý là đau buồn xốn xang, khắc khoải dữ lắm...

Tuy nhiên, nếu nhìn trong chùm 4 câu:

"Ngọn đèn khi tỏ khi mờ
Khiến người ngồi đó cũng ngơ ngẩn
sầu
Khi tựa gối, khi cúi đầu
Khi vò chín khúc khi chau đôi mày"

thì chữ "sầu" trong câu hai đã phá vỡ thế "Show, Don't Tell" của câu 3 và 4, vì chữ "sầu" đã kể (tell), đã bộc bạch ra rồi. 


Và đây là ý kiến của tôi (PĐN):

Cám ơn anh Lac Nguyen và Trần Hạ Vi đã có những bình luận làm sáng tỏ thêm thủ pháp Show, Don't Tell. Đặc biệt là Trần Hạ Vi đã bỏ công tra cứu và trích dẫn “đúng” những điểm cần trích dẫn để bạn đọc không những hiểu mà còn có sự tin tưởng hơn về loạt bài của tôi.

Anh Lac Nguyen thì tôi không dám nói, nhưng riêng Trần Hạ Vi thì xin được phép khen cô em một tiếng. Em rất xuất sắc trong những bình luận về đề tài Show, Don't Tell. Một điểm đáng khen nữa là không biết em “lấy ở đâu” hay tự tìm ra mấy câu Kiều liên quan đến đề tài này và “chê” rất xác đáng.

Anh chỉ mới đụng đến chữ “to” của Nguyễn Bính mà đã bị “đá giò lái”; còn em dám “nắn gân” cụ Nguyễn Du mà còn được nhà văn Nguyen Lac biểu đồng tình thì thật đáng khâm phục. 

Trần Hạ Vi trả lời:

Còn mấy câu Kiều kia là tự động nhảy vào đầu em ấy chứ, em đọc mấy bài "Show, Don't Tell" một hồi em tự nhiên nhớ ra câu "Khi vò chín khúc, khi chau đôi mày", xong rồi lần ra mấy câu kia thôi. 

Sau đó em gởi cho tôi qua tin nhắn trên FB

Em học từ anh mà.

Nhà phê bình Châu Thạch không nói việc Trần Hạ Vi “chê” 4 câu Kiều sai ở chỗ nào mà chỉ phiền trách là đã đụng đến cụ Nguyễn Du. Tại sao vậy? Châu Thạch cho rằng Truyện Kiều là một tác phẩm toàn bích, không có sai sót gì chăng? Thái độ tôn thờ quá mức một tác phẩm như thế lẽ ra không nên có nơi một người viết phê bình văn học.

Riêng tôi, xin được ca ngợi nhà thơ trẻ Trần Hạ Vi. Em đã không sợ một tác phẩm lớn như Truyện Kiều, đã đưa ra lời phê bình rất xác đáng. Tôi có thể không thua em về lòng can đảm, nhưng hiểu Kiều đến mức “moi” ra được 4 câu ấy để minh họa cho “sự phá vỡ” (chữ của THV) thủ pháp Show, Don't Tell thì tôi xin bái phục.

Kết Luận

Đến đây, sau khi đã đi loanh quanh, đặt nền móng cho lập luận của mình, tôi xin trả lời phần đầu bình luận của Châu Thạch.

Show, Don't tell không phải là cái “khuôn” của tây phương để trùm lên thơ “Khăn Đóng Áo Dài” của Việt Nam. Nó là một trong những “tuyệt chiêu” trong thơ đã được những nhà phê bình có tài nghiên cứu và đúc kết thành một biện pháp tu từ (giống như ẩn dụ). “Thơ Ca Không Biên Giới” nên nó đã trở thành tài sản chung của nhân loại. Thi sĩ có thể áp dụng nó để làm thơ hay hơn. Người bình thơ có thể xem nó như một tiêu chí để nếu gặp bài thơ như thế sẽ có chỗ dựa lý thuyết thẩm định giá trị nghệ thuật.

Show, Don't Tell, theo tôi, đã và đang gắn bó với thơ Việt dù người đọc có nhận ra điều đó hay không. Hy vọng một ngày gần đây nó sẽ có tên gọi bằng tiếng Việt – cái tên xứng đáng với vai trò của nó.

PHẠM ĐỨC NHÌ
phamnhibinhtho.blogspot.com

CHÚ THÍCH:

1/ http://chimviet.free.fr/tacpham1/cautructho/mucluc.html
2/ (Ông Đồ - Những Bức Tranh Thơ, Phạm Đức Nhì, t-van.net)

3/ (Gia Tài Của Mẹ, Trịnh Công Sơn)

Chủ Nhật, 16 tháng 7, 2017

BÀN THÊM VỀ "SHOW NOT TELL"

                                                               

Bài viết Show, Not Tell Trong Thơ vừa phóng đi tôi nhận được một số bình luận. Xin được trả lời chung để bổ sung cho bài viết.

Bình Luận Của Cô Giáo Diên Hồng Dương

Show, not tell là một cách nói khác về phương thức ẩn dụ trong phê bình. Cảm ơn tác giả đã có tinh thần kết nối cộng đồng thế giới thông qua việc sử dụng thuật ngữ chung - Anh ngữ- mang tính quốc tế hóa cao, cô đọng và dễ tiếp thu.

Thưa cô giáo Diên Hồng Dương

Cám ơn cô giáo đã rộng lượng chấp nhận thuật ngữ Show, Not Tell (tiếng Anh). Nhưng nếu Show, Not Tell là ẩn dụ thì tôi đã viết là ẩn dụ chứ tội gì phải bám lấy mấy chữ tiếng Anh ấy. Theo tôi, mặc dù trong Show, Not Tell và ẩn dụ đều có ẩn ý của tác giả mà người đọc phải sử dụng khả năng liên tưởng của mình để tìm ra, nhưng giữa Show, Not Tell và ẩn dụ (metaphor) có khác biệt rõ ràng.
Ẩn dụ là nói cái này mà ngụ ý cái kia – nghĩa là liên tưởng theo chiều ngang, nhảy trực tiếp từ cái này sang cái kia. Một ẩn dụ được coi là thành công khi “cái này hợp tình hợp lý và cái kia cũng hợp lý, hợp tình.

“Thuyền về có nhớ bến chăng
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền”
[ca dao]
 [thuyền – người con trai; bến – người con gái]

Trong thực tế thì bến không đi đâu cả, cứ ở nguyên môt chỗ chờ đợi thuyền về; “cái này” rất hợp tình, hợp lý. Ngụ ý của tác giả câu ca dao là người con gái muốn nhắn gởi với người con trai mình yêu là “em lúc nào cũng chờ đợi anh”; “cái kia” cũng rất hợp lý, hợp tình. Ẩn dụ trong câu ca dao thành công.

 Show, Not Tell là một biện pháp tu từ, thay vì dựa vào một (hoặc vài) tĩnh từ, trạng từ khô cứng nào đó để kể lại một sự kiện, bày tỏ một tâm trạng, tác giả tạo ra những hình ảnh sống động, cụ thể để từ đó độc giả tự khám phá, hiểu ra sự kiện, tâm trạng ấy. Độc giả sẽ cảm thấy thích thú vì không chỉ đọc một cách thụ động mà còn được tham dự một cách tích cực vào tiến trình tìm gặp điểm đến của tứ thơ. Dòng suy tưởng ở đây chảy theo chiều dọc.

Để tôi mơ mãi mơ nhiều
Tước đay se võng nhuộm điều ta đi
Tưng bừng vua mở khoa thi
Tôi đỗ quan trạng vinh quy về làng
Võng anh đi trước võng nàng
Cả hai chiếc võng cùng sang một đò.

Anh lái đò đang mơ giấc mơ thi đỗ, được “vinh quy bái tổ”. Và trong giấc mơ đẹp đó cô gái chiếm một vị trí trang trọng. Người đọc theo dòng suy tưởng của chính mình đến đây đã “bắt” được ý của tác giả - anh lái đò đã yêu cô gái tha thiết.
Show, Not Tell thành công khi dẫn dòng suy tưởng của người đọc theo lộ trình đến đúng “bến đỗ” - mà tôi thường gọi là “điểm đến” - của tứ thơ.

Một khác biệt nữa là Show, Not Tell chỉ có một điểm đến – nghĩa là người đọc phải “bắt” được đúng ý của tác giả. Ẩn dụ thì khác. Tác giả viết về “cái này” mà có thể có một, hai hay nhiều “cái kia”

Thí dụ: Tác giả viết về một loài hoa dại, khiêm tốn đứng bên đường, tỏa sắc hương làm đẹp cuộc đời nhưng người đọc có thể liên tưởng đến một nhà thơ, một nhà giáo, một huynh trưởng Hướng Đạo… đem cái đẹp của tâm hồn mình truyền cho lớp trẻ. (Hoa Dại, PĐN, vannghequangtri.blogspot.com)

Bình Luận Của Anh An Vuong 
                          
Phương pháp " Show, not tell " là của thi pháp nước nào vậy? Sao lại không dùng là " không kể ra mà chỉ bày tỏ " hoặc như tác giả " Bày tỏ, không kể." Tác giả không thoát được ý tưởng sính chữ Tây chăng?

Thưa anh An Vuong,

Theo Wikipedia (1) thì Show, Not Tell đã được nhà biên kịch người Nga Anton Chekhop sử dụng đầu tiên. Không biết thủ pháp này đã đến nước Mỹ từ năm nào nhưng chính tôi đã được học trong chương trình English 2 (Anh Ngữ năm thứ hai đại học) và sau đó vài năm đã phải giảng giải cho các con khi chúng bước vào hai năm cuối ở bậc trung học (2002 – 2003). Không có từ tương đương trong tiếng Việt nên khi đề cập đến nó tôi thường dùng nguyên gốc Show, Not Tell để tránh phải viết cả một đoạn dài “một biện pháp tu từ, thay vì dựa vào một (hoặc vài) tĩnh từ, trạng từ khô cứng nào đó để kể lại một sự kiện, bày tỏ một tâm trạng, tác giả tạo ra những hình ảnh sống động, cụ thể để từ đó độc giả tự khám phá, hiểu ra sự kiện, tâm trạng ấy. Độc giả sẽ cảm thấy thích thú vì không chỉ đọc một cách thụ động mà còn được tham dự một cách tích cực vào tiến trình tìm gặp điểm đến của tứ thơ.”

Dịch Show, Not Tell là “bày tỏ, không kể” rất gượng, nếu đứng một mình rất dễ gây hiểu lầm. Chắc anh An Vuong cũng hiểu, tôi chơi trò Bình Thơ này cũng vì yêu tiếng Việt, muốn góp sức làm trong sáng ngôn ngữ mà tôi yêu mến, nên chỉ sử dụng ngoại ngữ trong bài viết của mình khi thật cần thiết.

Nếu anh vào Google và gõ “show, not tell” hoặc “show, don’t tell” anh sẽ có thể tự trả lời câu hỏi của chính anh.

Bình Luận Của Chị Thị Quỳnh Dung Lê

Anh Nhì phân tích rất hay
Nhưng tôi lạm ý như sau: Chữ "to" nằm đó mới đúng là Nguyễn Bính bình dân, mộc mạc. Thơ ông vốn giản dị; ông góp nhặt lời ăn tiếng nói của quần chúng lao lực vất vả ở miền Bắc vào thơ, nên chữ “to” đây là khẩu ngữ có hơi hướm mỉa mai quần chúng hay dùng. Nó cũng show đấy chứ??

Chị Thị Quỳnh Dung Lê ơi,

Đồng ý với chị chữ “to” là bình dân, mộc mạc, là “đúng là Nguyễn Bính”. Nhưng về kỹ thuật thơ - ở đây là thủ pháp Show, Not Tell - chữ “to” đã làm lộ ý của tác giả. Thay vì Not Tell - để người đọc theo dòng chảy của tứ thơ mà tìm ra – tác giả lại Tell ngay từ lúc đầu nên thủ pháp Show, Not Tell thất bại. Tôi “chê” chữ “to” ở nghĩa ấy.

Bình Luận của anh Tam Tran

Cách diễn tả "show, not tell" còn gọị là "Ý tại ngôn ngoại", hay "reading between the lines" Bài viết với các thí dụ rõ ràng. Cám ơn tác giả.

Thưa anh Tam Tran,

Cám ơn anh đã nhắc đến hai thuật ngữ rất gần với Show, Not Tell. Theo tôi, “Ý Tại Ngôn Ngoại” hơi quá tổng quát. Nó bao gồm cả một số biện pháp tu từ khác như ẩn dụ, hoán dụ … nên không thể gọi là Show, Not Tell. Reading Between The Lines (đọc giữa những hàng kẻ) thì nghiêng về phía người đọc hơn. Đọc một đoạn thơ Show, Not Tell là đi vào con đường một chiều - cứ theo đó để gặp điểm đến của tứ thơ, hiểu ngụ ý của tác giả. “Đọc Giữa Những Hàng Kẻ” là cách đọc đa chiều, nhiều hướng; người đọc có thể đọc theo chiều dọc để hiểu thông điệp của tác giả và cũng có thể đọc theo chiều hướng khác để thấy những điều tác giả không muốn bày tỏ nhưng vô tình bộc lộ.

Chú Thích:

Phạm Đức Nhì


Thứ Hai, 10 tháng 7, 2017

"SHOW, DON'T TELL" TRONG THƠ

                                                                        
Lời Nói Đầu

Có vài bạn đọc FB nhắn tin yêu cầu tôi giải thích rõ thêm về biện pháp tu từ Show, Not Tell. Tôi nhớ đến bài thơ Giấc Mơ Anh Lái Đò của Nguyễn Bính. Đây là bài thơ tôi đã viết lời bình từ nhiều năm trước và nhận được một số phản hồi rất tích cực. Tác giả áp dụng biện pháp tu từ Show, Not Tell trên toàn bài thơ. Có chỗ thành công đến mức tuyệt vời nhưng cũng có chỗ vì vô ý nên ngay từ lúc đấu Show đã biến thành Tell và biện pháp tu từ thất bại. Tôi sẽ giới thiệu qua rồi sau đó phân tích Show, Not Tell trong bài GMALĐ để bạn đọc không những có thể “bắt” được phần lý thuyết mà còn thấy được cách áp dụng và hiệu quả của nó trong bài thơ.

“Show, Don't Tell” Là Gì?

Show: Bày tỏ, hiển thị
Tell: Nói, kể lại
Show, Not Tell là một biện pháp tu từ, thay vì dựa vào một (hoặc vài) tĩnh từ, trạng từ khô cứng nào đó để kể lại một sự kiện, bày tỏ một tâm trạng, tác giả tạo ra những hình ảnh sống động, cụ thể để từ đó độc giả tự khám phá, hiểu ra sự kiện, tâm trạng ấy. Độc giả sẽ cảm thấy thích thú vì không chỉ đọc một cách thụ động mà còn được tham dự một cách tích cực vào tiến trình tìm gặp điểm đến của tứ thơ.

Thí dụ 1:
Chúng ta thử đọc câu ca dao:
Râu tôm nấu với ruột bầu
Chồng chan, vợ húp gật đầu khen ngon.

Hai vợ chồng nghèo, bữa cơm chỉ có món canh râu tôm ruột bầu – hai thứ “vứt đi – nhưng vẫn “chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”. Thông tin chỉ có thế. Nhưng điểm đến của câu ca dao còn xa hơn tí nữa, cần đến một chút nỗ lực suy nghĩ của độc giả. Nghèo như thế, bữa cơm kham khổ như thế mà hai vợ chồng vẫn vui vẻ với nhau, chắc là họ phải yêu nhau ghê lắm. Vâng! Đấy chính là điểm đến của “tứ thơ”, trong trường hợp này là ngụ ý của câu ca dao.

Thí dụ 2:
Thay vì nói (tell) “Anh yêu em say đắm” nhà thơ Nguyên Sa đã viết:

Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường
Sợ thư tình chưa đủ nghĩa yêu thương
Tôi thay mực cho vừa màu áo tím.
(Tuổi Mười Ba)

Show: Em mặc áo màu gì thì anh cũng yêu thích màu đó.
Ẩn ý của Show (tác giả muốn người đọc tự khám phá): Anh chiều ý em hết mình – cũng có nghĩa là anh hết lòng, hết dạ yêu em.
Viết như vậy tình tứ hơn, hấp dẫn hơn và thơ hơn rất nhiều.

Show, Don't Tell Trong “Giấc Mơ Anh Lái Đò”

Về bố cục bài thơ Giấc Mơ Anh Lái Đò được chia làm 4 đoạn rõ ràng.

1/
Năm xưa chở chiếc thuyền này
Cho cô sang bãi tước đay chiều chiều

Show: Mấy năm liền, chiều chiều - với cương vị của anh lái đò – tác giả chở cô gái sang bãi tước đay.
Ẩn ý của Show: Tác giả xác lập khung cảnh từ đó mối tình của chàng với cô gái bén rễ và nảy nở.

2/
Để tôi mơ mãi mơ nhiều
Tước đay se võng nhuộm điều ta đi 
Tưng bừng vua mở khoa thi
Tôi đỗ quan trạng vinh quy về làng
Võng anh đi trước võng nàng
Cả hai chiếc võng cùng sang một đò

Show: Chàng mơ thấy mình đỗ Trạng Nguyên, cùng nàng vinh quy bái tổ.
Ẩn ý của Show: Chàng đã đưa cô gái vào cả giấc mơ vinh quy bái tổ của mình chứng tỏ chàng đã yêu nàng say đắm.

3/
Đồn rằng đám cưới cô to
Nhà giai thuê chín chiếc đò đón dâu
Nhà gái ăn chín nghìn cau
Tiền cheo tiền cưới chừng đâu chín nghìn

Show: Nhà trai thuê những chín chiếc đò đón dâu, phải đem chín nghìn cau để làm lễ và phải cống nạp chín nghìn quan tiền - khoản tiền cheo, tiền cưới - cho nhà gái.
Ẩn ý của Show: Đám cưới của cô gái to lắm.

4/
Lang thang tôi dạm bán thuyền
Có ngườ giả chín quan tiền lại thôi.

Show: Anh lái đò đem thuyền gạ bán mà người ta chỉ giả có chín quan tiền nên lại thôi.
Ẩn ý của Show: Anh lái đò nghèo quá - cả gia tài là chiếc thuyền chở khách mà chỉ đáng giá chín quan tiền, bằng một phần nghìn khoản tiền cheo, tiền cưới mà tình địch của mình cống nạp cho nhà gái – nên đành ngậm đắng, nuốt cay chôn kín mối tình vô vọng của mình.

Theo tôi, tác giả sử dụng Show, Not Tell trên toàn bài thơ nhưng chỉ thành công ở ba đoạn 1, 2 và 4. Đặc biệt ở đoạn 4, Show, Not Tell thật tuyệt vời - như một cánh cửa đập được mở toang để nỗi buồn tê tái như một dòng thác đổ ập xuống phủ kín tâm hồn đang chới với, bàng hoàng của anh lái đò.
Nhưng ở đoạn 3, Show, Not Tell đã thất bại vì một “vô ý đến mức kỳ quặc” của tác giả.

Chữ vụng nhất và theo tôi, làm giảm giá trị của cả đoạn thơ là chữ “to”. Chính chữ “to” đã để lộ ý của tác giả trong đoạn này và đã làm Show, Not Tell (bày tỏ, không kể lại) thất bại. Ba câu kế tiếp chỉ làm rõ nghĩa thêm cho chữ “to” mà thôi. Nếu tác giả bằng cách nào đó giấu được chữ “to” (thí dụ: Đồn rằng đám cưới của cô) thì 3 câu kế tiếp sẽ đóng vai trò cung cấp thông tin để từ đó người đọc tự nhận ra và tự kết luận “À! Đám cưới cô ấy to thật”. Đoạn thơ sẽ trở thành “bày tỏ, không kể lại” một cách tự nhiên, không gượng ép.

Kết Luận

Mỗi lần đọc lại hoặc ngâm nga bài Giấc Mơ Anh Lái Đò, trong đầu tôi lại hiện ra một câu hỏi: “Tại sao một tài thơ hiếm có như Nguyễn Bính lại vô ý đến độ đưa chữ “to” rất “thô”, rất vô duyên ấy vào bài thơ?” Chữ “to” ấy đã làm đoạn thứ 3 mất đi danh hiệu “đoạn thơ bày tỏ không kể lại” (Show, Don't Tell) và đáng tiếc nhất là do đó, ông đã để vuột khỏi tay chiếc huy chương vàng dành cho thi sĩ có Thi Phẩm Hoàn Toàn Show, Don't Tell.

Phạm Đức Nhì


Thứ Tư, 5 tháng 7, 2017

ĐOẠN KẾT CỦA BÀI THƠ "GIẤC MƠ ANH LÁI ĐÒ"

                 
Đoạn kết cũng là một tiêu chí để thẩm định giá trị nghệ thuật một bài thơ.
Có những đội bóng, từ khi phát bóng cho đến lúc qua phần đất đối phương ở khoảng giữa sân cầu thủ chơi rất hay. Nhưng hễ tiến vào khu vực 16 mét 50 thì cầu thủ lạng quạng, hoặc để mất bóng, hoặc đá ra ngoài, hoặc đá vào cầu môn nhưng quá nhẹ, thủ môn bắt được một cách dễ dàng. Nói tóm lại, không có khả năng phối hợp để cuối cùng sút dứt điểm tung lưới đối phương, ghi bàn thắng.
Với thơ cũng vậy. Có những bài thơ có đoạn kết hay, vừa xác nhận thông điệp của tác giả một cách trang trọng, khéo léo vừa tạo ấn tượng sâu sắc cho người đọc. Nhưng cũng có những bài thơ có đoạn kết nhạt nhẽo, bình thường, đôi khi còn “xa lạ” hoặc “ngược dòng” với tứ thơ.
Dưới đây là đọan thơ có 2 câu kết của bài Giấc Mơ Anh Lái Đò của Nguyễn Bính:
            Nhà giai thuê chín chiếc đò đón dâu
            Nhà gái ăn chín nghìn cau
            Tiền cheo, tiền cưới chừng đâu chín nghìn
            Lang thang tôi dạm bán thuyền
            Có người giả 
chín quan tiền, lại thôi.

Tôi không tin là trong thực tế, con số chín (9) hoàn toàn phù hợp với số lượng những “thứ” mà ông nói đến trong bài thơ. Đúng là ông “phịa”; nhưng ông “phịa” khéo quá, “cao tay ấn” quá, nên người đọc, theo dòng cảm xúc của mình, đâu cần biết “có đúng là chín chiếc đò đón dâu, có đúng là chín nghìn cau hay chín nghìn tiền cheo, tiền cưới hay không, mà chỉ thấy cái khoảng cách giàu nghèo giữa anh lái đò và tình địch hiện ra một cách rõ ràng và cay đắng, để rồi cái cảm giác bàng hoàng đau đớn về mối tình vô vọng của anh lái đò đã như một dòng thác đổ xuống, tràn ngập tâm hồn. Ở đây thủ pháp “bày tỏ, không kể lại” được phối hợp với phép điệp ngữ (chín) một cách tài tình đã dẫn đến 2 câu kết thật tuyệt vời.
Phạm Đức Nhì

Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2017

HAI CÂU KẾT CỦA BÀI THƠ NGẬM NGÙI




Tay anh em hãy tựa đầu

Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi


Khoảng vài năm trước, dự một chương trình văn nghệ ở Houston, sau khi nghe dứt bản Ngậm Ngùi do Phạm Duy phổ nhạc thơ của Huy Cận, một khán giả ngồi sau lưng tôi bình phẩm:

Mẹ! Nằm bên người yêu mà còn ôm theo cả nỗi sầu nhân thế nữa”.

Tôi quay xuống hỏi chuyện:

“Sao anh lại nói vậy?”

Anh ta trả lời:

Thì 2 câu cuối chứ còn gì nữa. Có em tựa đầu trên tay mà tay kia còn ôm hết cả buồn sầu trong thiên hạ.”

Sau đây là đoạn cuối trong Một Phút Đam Mê của Lưu Hoàng Lê do Đàm Vĩnh Hưng hát:

            Một mình lê bước, lang thang bên thềm xưa

            Người tình ở đâu, bóng dáng xưa đâu còn

            Giờ ta lẻ loi, ta ngu khờ rong chơi quên ngày tháng

            Nhắm mắt ta nghe, ôi trái sầu nặng rơi rớt bên thềm.


Lưu Hoàng Lê và vị khán giả ngồi sau lưng tôi tưởng rằng trái sầu rụng rơi cũng giống buồn sầu từ đâu đó đổ ập xuông người mình. Và nhạc sĩ – khi diễn tả nỗi buồn vì mất người yêu – đã hạ bút: “bước chân đi nghe trái sầu nặng rơi rớt bên thềm”. Còn vị khán giả nọ thì la toáng lên: “Nằm bên người yêu mà còn ôm theo cả nỗi sầu nhân thế”. Thật là sự hiểu lầm tai hại. Huy Cận ra về mà lòng buồn bã đến độ thẫn thờ không phải vì trái sầu rụng rơi mà là vì việc trái sầu rụng rơi chỉ là mơ mộng hão huyền chứ không phải là sự thật.

Đến đây xin bạn đọc đừng quên phần cuối của tứ thơ mà tác giả muốn để quý vị tự suy diễn, tự hiểu. Đó là: Trái sầu rụng rơi chỉ như một thoáng mơ qua. Thực tại phũ phàng, ngay lập tức, đã quay lại. Em vẫn nằm sâu dưới mộ, thi sĩ vẫn một mình giữa nghĩa trang hiu quạnh. Và trái sầu trong ông vẫn trĩu nặng tâm hồn.

Hai câu cuối sử dụng thủ pháp Show, Don't Tell (đưa sự kiện để độc giả suy ra kết luận) nhưng hơi quá kín. Nếu độc giả không cẩn thận hoặc "non cơ" rất dễ hiểu sai ý tác giả.