Lời Nói Đầu
Có vài bạn đọc
FB nhắn tin yêu cầu tôi giải thích rõ thêm về biện pháp tu từ Show, Not Tell.
Tôi nhớ đến bài thơ Giấc Mơ Anh Lái Đò của Nguyễn Bính. Đây là bài thơ tôi đã
viết lời bình từ nhiều năm trước và nhận được một số phản hồi rất tích cực. Tác
giả áp dụng biện pháp tu từ Show, Not Tell trên toàn bài thơ. Có chỗ thành công
đến mức tuyệt vời nhưng cũng có chỗ vì vô ý nên ngay từ lúc đấu Show đã biến thành
Tell và biện pháp tu từ thất bại. Tôi sẽ giới thiệu qua rồi sau đó phân tích Show,
Not Tell trong bài GMALĐ để bạn đọc không những có thể “bắt” được phần lý thuyết
mà còn thấy được cách áp dụng và hiệu quả của nó trong bài thơ.
“Show, Don't Tell” Là Gì?
Show: Bày tỏ,
hiển thị
Tell: Nói, kể
lại
Show, Not
Tell là một biện pháp tu từ, thay vì dựa vào một (hoặc vài) tĩnh từ, trạng từ
khô cứng nào đó để kể lại một sự kiện, bày tỏ một tâm trạng, tác giả tạo ra những
hình ảnh sống động, cụ thể để từ đó độc giả tự khám phá, hiểu ra sự kiện, tâm
trạng ấy. Độc giả sẽ cảm thấy thích thú vì không chỉ đọc một cách thụ động mà còn
được tham dự một cách tích cực vào tiến trình tìm gặp điểm đến của tứ thơ.
Thí dụ 1:
Chúng ta thử đọc
câu ca dao:
Râu tôm nấu với ruột bầu
Chồng chan, vợ húp gật đầu khen ngon.
Hai vợ chồng
nghèo, bữa cơm chỉ có món canh râu tôm ruột bầu – hai thứ “vứt đi – nhưng vẫn
“chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”. Thông tin chỉ có thế. Nhưng điểm đến của
câu ca dao còn xa hơn tí nữa, cần đến một chút nỗ lực suy nghĩ của độc giả. Nghèo
như thế, bữa cơm kham khổ như thế mà hai vợ chồng vẫn vui vẻ với nhau, chắc là họ phải yêu nhau ghê lắm. Vâng!
Đấy chính là điểm đến của “tứ thơ”, trong trường hợp này là ngụ ý của câu ca dao.
Thí dụ 2:
Thay vì nói
(tell) “Anh yêu em say đắm” nhà thơ Nguyên Sa đã viết:
Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường
Sợ thư tình chưa đủ nghĩa yêu thương
Tôi thay mực cho vừa màu áo tím.
(Tuổi Mười Ba)
Show: Em mặc áo
màu gì thì anh cũng yêu thích màu đó.
Ẩn ý của Show
(tác giả muốn người đọc tự khám phá): Anh chiều ý em hết mình – cũng có nghĩa
là anh hết lòng, hết dạ yêu em.
Viết như vậy
tình tứ hơn, hấp dẫn hơn và thơ hơn rất nhiều.
Show, Don't Tell Trong “Giấc Mơ Anh Lái
Đò”
Về bố cục bài
thơ Giấc Mơ Anh Lái Đò được chia làm 4 đoạn rõ ràng.
1/
Năm xưa chở chiếc thuyền này
Cho cô sang bãi tước đay chiều chiều
Show: Mấy năm
liền, chiều chiều - với cương vị của anh lái đò – tác giả chở cô gái sang bãi
tước đay.
Ẩn ý của
Show: Tác giả xác lập khung cảnh từ đó mối tình của chàng với cô gái bén rễ và
nảy nở.
2/
Để tôi mơ mãi mơ nhiều
Tước đay se võng nhuộm điều ta đi
Tưng bừng vua mở khoa thi
Tôi đỗ quan trạng vinh quy về làng
Võng anh đi trước võng nàng
Cả hai chiếc võng cùng sang một đò
Show: Chàng mơ
thấy mình đỗ Trạng Nguyên, cùng nàng vinh quy bái tổ.
Ẩn ý của
Show: Chàng đã đưa cô gái vào cả giấc mơ vinh quy bái tổ của mình chứng tỏ chàng
đã yêu nàng say đắm.
3/
Đồn rằng đám cưới cô to
Nhà giai thuê chín chiếc đò đón dâu
Nhà gái ăn chín nghìn cau
Tiền cheo tiền cưới chừng đâu chín
nghìn
Show: Nhà
trai thuê những chín chiếc đò đón dâu, phải đem chín nghìn cau để làm lễ và phải
cống nạp chín nghìn quan tiền - khoản tiền cheo, tiền cưới - cho nhà gái.
Ẩn ý của
Show: Đám cưới của cô gái to lắm.
4/
Lang thang tôi dạm bán thuyền
Có ngườ giả chín quan tiền lại thôi.
Show: Anh lái
đò đem thuyền gạ bán mà người ta chỉ giả có chín quan tiền nên lại thôi.
Ẩn ý của
Show: Anh lái đò nghèo quá - cả gia tài là chiếc thuyền chở khách mà chỉ đáng
giá chín quan tiền, bằng một phần nghìn khoản tiền cheo, tiền cưới mà tình địch
của mình cống nạp cho nhà gái – nên đành ngậm đắng, nuốt cay chôn kín mối tình
vô vọng của mình.
Theo tôi, tác
giả sử dụng Show, Not Tell trên toàn bài thơ nhưng chỉ thành công ở ba đoạn 1,
2 và 4. Đặc biệt ở đoạn 4, Show, Not Tell thật tuyệt vời - như một cánh cửa đập
được mở toang để nỗi buồn tê tái như một dòng thác đổ ập xuống phủ kín tâm hồn đang
chới với, bàng hoàng của anh lái đò.
Nhưng ở đoạn
3, Show, Not Tell đã thất bại vì một “vô ý đến mức kỳ quặc” của tác giả.
Chữ vụng
nhất và theo tôi, làm giảm giá trị của cả đoạn thơ là chữ “to”. Chính chữ “to”
đã để lộ ý của tác giả trong đoạn này và đã làm Show, Not Tell (bày tỏ, không kể
lại) thất bại. Ba câu kế tiếp chỉ làm rõ nghĩa thêm cho chữ “to” mà thôi. Nếu
tác giả bằng cách nào đó giấu được chữ “to” (thí dụ: Đồn rằng đám cưới của cô)
thì 3 câu kế tiếp sẽ đóng vai trò cung cấp thông tin để từ đó người đọc tự nhận
ra và tự kết luận “À! Đám cưới cô ấy to thật”. Đoạn thơ sẽ trở thành “bày tỏ,
không kể lại” một cách tự nhiên, không gượng ép.
Kết Luận
Kết Luận
Mỗi lần đọc
lại hoặc ngâm nga bài Giấc Mơ Anh Lái Đò, trong đầu tôi lại hiện ra một câu hỏi:
“Tại sao một tài thơ hiếm có như Nguyễn Bính lại vô ý đến độ đưa chữ “to” rất “thô”, rất
vô duyên ấy vào bài thơ?” Chữ “to” ấy đã làm đoạn thứ 3 mất đi danh hiệu “đoạn
thơ bày tỏ không kể lại” (Show, Don't Tell) và đáng tiếc nhất là do đó, ông đã để
vuột khỏi tay chiếc huy chương vàng dành cho thi sĩ có Thi Phẩm Hoàn Toàn Show, Don't Tell.
Phạm Đức
Nhì
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét