Thứ Sáu, 7 tháng 2, 2020

CÓ ĐÚNG LÀ "VĂN CHƯƠNG CÀNG HAY CÀNG XA SỰ THẬT"?







                           


Lời Nói Đầu
                      
Trong thời gian tra cứu để viết lời bình cho bài thơ Tan Vỡ của nhà thơ Dư Thị Hoàn tôi đọc được bài viết “Dư Thị Hoàn: Từng Có 'Tan Vỡ' Gây Chấn Động, Xuất Hiện Sau 10 Năm Đi Tu.” (1)

Trong bài viết có đoạn:

Ba năm trước, Dư Thị Hoàn tổ chức lễ “rửa tay chậu vàng”, có nhiều bạn bè văn chương chứng kiến, tuyên bố không viết, không tham gia văn đàn.
Trong một cuộc phỏng vấn, nhà thơ chia sẻ, thực ra quyết định “bẻ bút” có từ trước đó, khi bà đọc được câu “Văn chương càng hay càng xa sự thật”.

Vì là người làm thơ và bình thơ nên trong bài viết này tôi sẽ chỉ đề cập đến khía cạnh thơ của câu nói trên. Các thể loại văn học khác xin mời những cao nhân có kiến thức và kỹ năng thích hợp lên tiếng.


Thi Sĩ Có Xạo Không?

Câu trả lời là CÓ. Tuyệt đại đa số đều xạo. Có nhiều kiểu xạo, nhiều lý do để xạo.  

Sau đây là một số kiểu xạo trong thơ:

Dối Trá Đời Thường

 1/ Xạo vì hèn, vì “teo chim” - tham sống sợ chết, thích yên thân, sợ tù đày, sợ bị trù dập - sản sinh những câu thơ Nịnh.

 2/ Xạo vì tham lợi, tham danh - viết sai sự thật vì danh vọng, vì bả vinh hoa phú quý.

Đây là 2 kiểu xạo tệ nhất, làm đục, làm bẩn “dòng sông thơ ca”.

3/ Xạo vì tình riêng – thơ về cha mẹ, vợ chồng, họ hàng, bạn bè thân thuộc…

4/ Xạo vì xã giao - thơ đám ma, đám cưới, mừng sinh nhật, đỗ đạt, thăng quan tiến chức

Đây là 2 kiểu xạo mà người đọc dễ “thông cảm” cho qua, nhưng thơ thường được đánh giá thấp.

 5/ Xạo vì lập trường, quan điểm, đứng về một phía của một vấn đề hai mặt, chỉ nói một nửa sự thật.

“Ôi! Đẹp quá phe mình, còn phe bên kia
Phải chọn góc nhìn để chỉ thấy toàn điều xấu.” (2)

Thơ loại này đây đó cũng có bài hay nếu tác giả vững tay nghề và cao hứng.


    
Xạo Nghệ Thuật

 1/ Lối nói thậm xưng

Khác với dối trá đời thường (trong thơ), lối nói thậm xưng là một kiểu “xạo” đầy tính nghệ thuật. Tác giả cũng “phịa” ra những điều không thật nhưng với mục đích “để tạo sự đột phá, thay đổi cái trật tự đời thường bằng cái phi lý mà có lý trong nghệ thuật” 

Thí dụ:

Trong bài thơ Muốn Gởi Cho Em của thi sĩ Phạm Hữu T (tặng Phượng Kim Ngọc Huỳnh) thì câu:

Muốn gởi cho em
chút gió biển Galveston

là một câu “xạo tới bến” vì gió từ biển Galveston (ở Mỹ) làm sao gởi về Việt Nam được? Nhưng phần sau của đoạn thơ lại là những cái “có lý trong nghệ thuật”.

Gió từ Mỹ gởi về:

để dịu bớt cái nắng Sài Gòn gay gắt.

Có lý quá đi chứ! Và hai câu kế tiếp:

nhưng sợ người ta đang đi mà chợt mát
rồi bồi hồi
nhớ nhớ thương thương.

vừa trữ tình vừa lãng mạn - khi mượn ý của Nguyên Sa trong Áo Lụa Hà Đông -  lại vừa khôi hài ý nhị. Đoạn thơ thật tuyệt vời. (3)

(Xin mở ngoặc nói thêm: Bài thơ là của Phạm Hữu T với cái tựa Muốn Gởi Cho Em; thí dụ trên được trích trong bài bình thơ Mối Tình Xuyên Lục Địa của tôi (PĐN)

Đây là kiểu xạo nghệ thuật, “xạo dễ thương”, nâng cao giá trị của bài thơ.


2/ Xạo vì “xê dịch kịch bản”

Muốn thơ hay, tâm trạng phải thật, cảm xúc phải thật. Đó là điều cốt yếu. Trường hợp kịch bản cũng hoàn toàn thật nữa thì quá tốt. Nếu kỹ thuật thơ của thi sĩ nhuần nhuyễn, bài thơ sẽ dễ có nhiều cảm xúc, và nếu hội đủ một vài điều kiện khác nữa, hồn thơ có cơ hội xuất hiện. Nhưng không phải lúc nào kịch bản của bài thơ cũng “vừa khít” với tâm trạng. Đôi khi thi sĩ phải xê dịch, điều chỉnh chút ít để có sự ăn khớp cần thiết.

Thử đọc đoạn cuối của bài Giấc Mơ Anh Lái Đò của Nguyễn Bính:

Đồn rằng đám cưới cô to
Nhà giai thuê chín chiếc đò đón dâu
Nhà gái ăn chín nghìn cau
Tiền cheo, tiền cưới chừng đâu chín nghìn
Lang thang tôi dạm bán thuyền
Có người giả chín quan tiền, lại thôi.

Tôi không tin là trong thực tế, con số chín hoàn toàn phù hợp với số lượng những “thứ” mà ông nói đến trong bài thơ. Đúng là ông “phịa”; nhưng ông “phịa” khéo quá, “cao tay ấn” quá, nên người đọc, theo dòng cảm xúc của mình, đâu cần biết có đúng là chín chiếc đò đón dâu, có đúng là chín nghìn cau hay chín nghìn tiền cheo, tiền cưới hay không, mà chỉ thấy cái khoảng cách giàu nghèo giữa anh lái đò và tình địch hiện ra một cách rõ ràng và cay đắng, để rồi cái cảm giác bàng hoàng đau đớn về mối tình vô vọng của anh lái đò đã như một dòng thác đổ xuống, tràn ngập tâm hồn. (4)

Ở đây thủ pháp “gợi, không kể” được phối hợp với phép điệp ngữ (chín) một cách tài tình đã dẫn đến 2 câu kết tuyệt vời.

Tuy nhiên, nếu kịch bản xê dịch quá nhiều thì cả bài thơ sẽ bị đánh giá là xạo, không những mất hẳn giá trị nghệ thuật mà tác giả còn bị chê bai, coi thường.

Mời đọc Một Kịch Bản Thơ Xạo theo link dưới đây.  



Xạo Vì Có Sự Can Thiệp Của Vô Thức


Để có thể hội nhập và thích ứng với cuộc sống hàng ngày của cộng đồng, mỗi con người đương đại phải tuân thủ rất nhiều nguyên tắc giao tiếp, ứng xử trong xã hội. Xã hội càng văn minh số lượng nguyên tắc càng nhiều. Sau khi vào đời một thời gian (dài ngắn tùy hoàn cảnh riêng) trong mỗi thân xác con người có hai cái tôi cùng chung sống nhưng luôn đấu đá lẫn nhau để đòi quyền làm chủ thân xác đó: cái tôi đích thực và cái tôi hội nhập với cuộc đời – tôi tạm gọi là cái tôi văn hóa.

Tuổi đời càng cao cái tôi văn hóa càng mạnh, càng rõ nét và cái tôi đích thực càng yếu kém, mờ nhạt. Đến một lúc nào đó cái tôi văn hóa sẽ “đè bẹp” cái tôi đích thực để độc quyền chiếm hữu cái thân xác kia.

Lúc ấy, nói như Jean Paul Sartre (5) thì con người là một “kẻ vong thân” (đánh mất chính mình). Còn nói như Albert Camus (6) thì con người đích thực đã bất lực – để một “kẻ xa lạ” đến chiếm hữu thân xác mình. (6)

Những trải nghiệm, suy nghĩ, toan tính, dự định, ước mơ … của ta sau một thời gian xuất hiện trên bề mặt ý thức, đều tự động đi vào kho chứa - một cỗ máy vi tính khổng lồ nằm sâu kín trong tâm hồn ta từ “muôn kiếp trước” (Tây Phương hiểu “muôn kiếp trước” theo nghĩa "bóng" là từ lúc đứa bé có khả năng tiếp nhận thông tin từ xã hội để từng bước hình thành cái nhìn của mình về cuộc đời; hiểu “muôn kiếp trước” theo nghĩa đen là cách hiểu của đạo Phật). Cỗ máy tính khổng lồ đó chính là vô thức.

Nó không chỉ đơn thuần là một kho chứa mà còn làm công việc tổng hợp và chuyển hóa (process) những dữ kiện đó (trải nghiệm, suy nghĩ, toan tính, dự định, ước mơ …) thành một quan niệm, cách nhìn nhận, đánh giá con người, cuộc đời, kể cả những thành kiến, định kiến về truyền thống, đạo đức, niềm tin tôn giáo.

Mỗi khi đối diện với cảnh đời hiện tại, hồi tưởng về quá khứ hay thả hồn về hướng tương lai, và nếu cảm xúc của ta chưa trào dâng khiến ta ngây ngất đến mức lạc thần trí, thì vô thức sẽ thông qua lý trí, tác động vào tâm hồn ta, định hướng để tâm trạng của ta phù hợp với quan niệm, cách nhìn nhận của vô thức lúc ấy.

Có những bài thơ dù đọc kỹ cách mấy cũng không thể tìm ra dấu vết của sự dối trá. Tứ thơ dễ bắt, cảm xúc dạt dào. Có điều chỉ không có tín hiệu nổi điên đến mức lạc thần trí của thi sĩ, nghĩa là vẫn có bóng dáng của lý trí.

Khi bài thơ còn sự hiện diện của lý trí, vô thức sẽ có cơ hội can thiệp. Nó sẽ dùng lý trí làm cây cầu nối tác động vào tâm tình hoặc thái độ của thi sĩ. Lời thơ sẽ có chỗ này, chỗ kia bị “điều chỉnh” (mà thi sĩ hoàn toàn không biết) và sẽ không còn là tiếng nói chân thật của con tim.

Siêu Thực Trong Sứ Mệnh Giải Trừ Lý Trí

Theo Thụy Khuê thì Siêu Thực đi từ triết học phân tâm của Freud, coi vô thức như chủ thể của sáng tạo. Siêu Thực là hiện thân của mộng, đề cao vai trò của mộng.

Freud chia hoạt động tâm thần làm ba khu vực:

Vùng vô thức tức là cái đó (le ça trong tiếng Pháp, Es tiếng Đức) chứa đựng toàn bộ những nhu cầu bản năng bị dồn nén, cấm kỵ không được phát lộ ra ngoài.

Vùng ý thức tức cái tôi (le moi, ego), hay ý thức xã hội, cái tôi xã hội, chứa đụng những gì đã được thanh lọc bởi lý trí và đạo đức xã hội, sẵn sàng trình làng.

Và cái siêu ngã (le sur moi) có trách nhiệm kiểm duyệt.

Theo Freud, cái vô thức mới là bộ mặt thật, là cái tôi đích thực của con người. Nó chi phối mọi hoạt động. Còn cái tôi ý thức chỉ là bộ mặt bề ngoài, giả dối và ngụy tạo.

Mơ, đối với Freud, là thực hiện những khát vọng bản năng bị dồn nén. Khi ngủ, cơ quan kiểm duyệt không làm việc, do đó chỉ trong mơ người ta mới thể hiện được những ham muốn bị dồn ép cấm kỵ lúc tỉnh.

Đề cao vai trò của Mộng trong thơ sẽ loại bỏ gông cùm của lý trí, sự phân tích logic, nguyên tắc đạo đức, niềm tin tôn giáo. (7)

Đưa Mộng Vào Thơ Thơ Sẽ Thành Lời Chân Thật?

Về lý thuyết thì đúng.

Những hình ảnh, cảnh tượng, sự việc xảy ra trong giấc mơ thường vắng mặt lý trí. Tuy nhiên, khi tỉnh giấc thi sĩ có nhớ đúng và đủ những gì đã xảy ra trong giấc mơ hay không lại là chuyện khác. Hơn nữa, chúng như câu chuyện kcủa người điên - “đầu Ngô mình Sở” - không theo một thứ tự nào; nếu đưa vào thơ thì chức năng truyền thông của bài thơ thất bại.

Mà dù có nhớ đúng và đủ những gì xảy ra trong giấc mơ đi nữa thì khi đưa chúng vào thơ, thi sĩ – đang trong tình trạng tỉnh táo - thường không cưỡng lại được sự thèm muốn “thêm bớt, cắt xén”, nghĩa là “nêm nếm” một chút “tài thơ” riêng của mình để “điều chỉnh”, “hợp lý hóa” câu chuyện trong mơ.

Rốt cuộc cũng chẳng khác gì những người làm thơ “phi siêu thực”.

Giải Trừ Lý Trí Bằng Kỹ Thuật Thì Sao?

Mời độc giả đọc thử một đoạn trong bài Buồn Xưa của Nguyễn Xuân Sanh.

Lẵng xuân bờ giũ trái xuân sa
Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà
Nhài đàn rót nguyệt vú đôi thơm
Tỳ bà sương cũ đựng rừng xa

Tác giả đã đặt cạnh nhau những chữ hoặc nhóm chữ “xà bần”, chẳng có “dây mơ rễ má” gì với nhau nhằm mục đích cắt đứt sự liên tưởng, để lý trí “giơ hai tay đầu hàng” rồi bỏ đi.

Nhưng để có được kết quả đó ông đã phải trả một giá rất đắt - triệt tiêu chức năng truyền thông của bài thơ – làm mất sự giao cảm giữa thi sĩ và độc giả.

Cho nên nếu bảo rằng loại bỏ lý trí để được nghe, được đọc tâm tình chân thật phát xuất từ “cái tôi đích thực” của thi sĩ thì theo tôi, những nhà thơ siêu thực đã không làm được điều đó.


Hai Cách Giải Trừ Lý Trí “Phi Siêu Thực”


1/ Thơ Thiền

Thi sĩ tâm đã đối cảnh nhưng không “dấy động”, hoặc đã hoàn toàn buông bỏ chuyện tranh cạnh hơn thua của cuộc đời trần tục, lý trí không có chỗ bám víu. Trường hợp này ta có thơ thiền. Bài thơ là “chứng đạo ca” của một người đã ngộ, đã “thấy” được lý đạo. (Từ chỗ thấy Lý đến đưa Lý vào Sự để Lý Sự Dung Thông và rồi Sự Sự Vô Ngại còn một khoảng cách xa lắm)

Thí dụ 1

THƠ TRÊN CÁT

Viết bài thơ trên cát
Con sóng vỗ xóa đi
Vô tình đâu nhớ được
Mình viết bài thơ gì
(Viên Minh, nhận trực tiếp từ tác giả)

Bài thơ mới viết xong trên cát, con sóng tràn lên xóa mất mà thi sĩ vẫn không một chút bận tâm, đến mức chẳng còn nhớ mình đã làm thơ về cái gì. Sao lại thế được nhỉ? Người làm thơ bình thường như tôi (PĐN) sẽ cố nhớ lại vì nó là tài sản tinh thần của mình. Nếu quả thật đã quên thì chắc là sẽ ngẩn ngơ nuối tiếc.

Thái độ không bận tâm của tác giả đã khiến lý trí phải “đội nón ra đi”, vô thức không có chỗ bám víu để giở trò can thiệp, “điều chỉnh”. Thiền sư Viên Minh đã biểu lộ một khả năng buông bỏ rất đáng ngưỡng mộ. Ở đây không chỉ “thấy Lý” mà đã “Lý Sự dung thông”. Việc “thấy lý” của ông đã dẫn đến hành động (sự) – thái độ ung dung, bình thản khi nhận ra mình đã quên bài thơ.

Thí dụ 2

HÃY NHƯ MÂY TRẮNG

Mây trắng lang thang khắp đỉnh trời
Tùy duyên tan hợp dạo nơi nơi
Mây không hò hẹn không vương vấn
Thế giới ba ngàn mặc sức chơi
(Linh Như, nhận trực tiếp từ tác giả)

Tâm hồn của thi sĩ như mây trắng lang thang khắp trời, lúc tan, lúc hợp tùy duyên. Không hò hẹn, không vương vấn, không trói buộc. Lý trí không có chỗ tá túc, không có lý do để xuất hiện, đành phải “đi chỗ khác chơi”.

Trong 2 bài thơ thiền tâm hồn thi sĩ vắng lặng, không tư ý, tư dục; cái tôi nhỏ bé đã hòa nhập với vũ trụ vô biên nên sự vật, cảnh đời trước mắt họ, không qua lăng kính của vô thức, hiện ra như thị, như thực. Tâm hồn họ không chỉ gần sự thật mà chính là sự thật.

     2/ Thơ Thế Tục

Trái ngược với thơ thiền, trong thơ thế tục thi sĩ đắm say mùi đời đến độ điên cuồng, máu sôi lên vì yêu thương, căm hận... Làm thơ trong tâm cảnh này, nếu có thể thơ thích hợp, dòng chảy của tứ thơ thông thoáng, cảm xúc dâng lên như nước vỡ bờ, dễ tạo cao trào. Lúc ấy lí trí sợ hãi trốn biệt, thơ là tiếng lòng chân thật của thi sĩ. Bài thơ xứng đáng bước vào Bến Bờ Thi Ca.

Thí dụ: Say Đi Em của Vũ Hoàng Chương

Vũ Hoàng Chương trong cơn say – say rượu, say nhịp điệu nhạc trên sàn nhảy – đến lạc thần trí đã bộc lộ một “thành sầu” trong tâm hồn mình.

Đó là nỗi nhục của một sĩ phu bất lực trước cảnh quê hương, dân tộc đang bị ngoại bang dày xéo. Không những thế, chính mình lại sập bẫy của quân xâm lược, sa vào cảnh nghiện ngập - nghiện rượu, nghiện vũ trường, và đặc biệt là nghiện thuốc phiện – cái nghiện mà nếu vướng vào sẽ bị người đời coi rẻ, khinh khi. Nỗi nhục ấy, “thành sầu” ấy, đối với một người có thi tài và tâm hồn như Vũ Hoàng Chương là quá to lớn – “đất trời nghiêng ngửa” cũng không thể lung lay, sụp đổ.

 
Trong số những bài thơ xứng đáng được bước vào Bến Bờ Thi Ca thì theo tôi, Say Đi Em của Vũ Hoàng Chương nổi trội nhất. Cơn điên dài, cảm xúc mạnh, hồn thơ lai láng, và lời thơ rất thật.

Độc giả có thể đọc cả bài thơ và lời bình qua link sau đây:

Cùng một đề tài ngưng bài dưới đây được viết lại để độc giả dễ hiểu hơn.

Sự Khác Biệt

 Những thiền sư đạt đạo, sau khi cao hứng viết bài thơ thiền - sự vật, cảnh đời xuất hiện như thị như thực trong câu chữ - lại ung dung trở về trạng thái tâm buông bỏ, thanh tịnh.

Ngược lại, trong bài thơ thế tục (Say Đi Em của Vũ Hoàng Chương) tâm hồn thi sĩ còn chứa đầy những uất ức, thèm khát, bí mật phải che giấu nhưng nhờ cơn điên làm lý trí hoảng sợ trốn biệt nên “thành sầu” nguyên bản (thật, chưa qua điều chỉnh, thay đổi của vô thức) mới “bật ra”. 

Nhưng trạng thái nổi điên ấy chỉ đến bất chợt, có tính cách tạm thời. Ngay sau giây phút lạc thần trí đó ông sẽ lại “hoàn hồn” để trở về một Vũ Hoàng Chương “cũ”, có hàng trăm, hàng ngàn uẩn khúc khác chất chứa trong lòng không thể nói ra.

Theo tôi, đây là hai cách mời lý trí “đi chỗ khác chơi” hiệu quả mà vẫn có thể tâm tình với độc giả và giữ được nét đẹp trong sáng của thi ca.


Thơ Càng Hay Càng Gần Sự Thật

Những năm ở trung học nhà tôi nằm trong khu lao động. Đàn ông, sau thời gian làm lụng cực khổ suốt ngày, bữa cơm chiều thường tìm vui trong ly rượu. Mà khi “rượu vào” thì “lời ra”. Có ông lúc quá chén đã “buột miệng” nói ra chuyện dan díu với người đàn bà khác. Dĩ nhiên, vợ con nghe được, tình vợ chồng, cha con lạnh nhạt, hạnh phúc đội nón ra đi. Có trường hợp chỉ vì một câu nói “buột miệng” mà gia đình gẫy đổ, chồng một nơi, vợ một nẻo, con cái học hành lở dở, đánh mất tương lai.

Trong các phiên tòa hình sự ở Mỹ cả công tố viên lẫn luật sư biện hộ đều dùng nhiều thủ thuật tâm lý đẩy bị cáo hoặc nhân chứng (của cả 2 bên) vào thế tự ái, bực tức, tự “phun” ra những chi tiết lẽ ra phải che giấu để thắng kiện. Trong trạng thái nổi điên ấy những chi tiết bị “phun” ra thường được bồi thẩm đoàn tin và cho là sự thật. Họ sẽ dựa vào đó để phán xét có tội hoặc vô tội.


Với thơ, tôi có đôi lúc cao hứng nổi điên, câu chữ tuôn ra ào ạt, phải “chộp lại” bằng tốc ký. Lúc ấy lý trí trốn biệt, vô thức không có cầu nối nên không thể xen vào để bí mật “so đo hơn thiệt”, phán xét đúng sai, yêu cầu chỉnh sửa. Những đoạn thơ ấy, khi bình tâm đọc lại nghe rất “đã” vì nhiều cảm xúc, và dĩ nhiên, rất thật.

Nếu trong thời gian sáng tác, có nhiều đoạn thi sĩ cao hứng hoặc nổi điên thì bài thơ càng hay hơn nữa. Đặc biệt, nếu cơn điên kéo dài cho đến lúc viết xong bài thơ - hoặc ít nhất cũng xong đoạn tứ thơ lên đến cao trào - thì thi phẩm ấy không những cảm xúc sẽ dạt dào mà còn có nhiều cơ hội hồn thơ lai láng.

Nhưng xin đừng quên trạng thái cao hứng đến mức nổi điên của thi sĩ tuy là điều kiện rất cần nhưng chưa đủ để có hồn thơ. Bên cạnh đó thi sĩ phải có kỹ thuật thơ điêu luyện. Đặc biệt phải biết chọn (hoặc tự tạo ra) thể thơ có dòng chảy vừa nhất khí liền mạch vừa thông thoáng, dễ đưa tứ thơ và cảm xúc lên cao trào.

Nếu hồn thơ lai láng thì bài thơ sẽ đạt được mục đích cao cả nhất của người làm thơ là nói được tiếng Người (viết hoa) Chân Thật. Và sẽ đi vào Bến Bờ Thi Ca.

Kết Luận

Thi sĩ mượn thơ để bộc lộ, bày tỏ tâm trạng, để độc giả “nghe” được “tiếng lòng” của mình. Nhưng vì nhiều lý do, “tiếng lòng” của Ngài thường gian dối. Nếu bài thơ bằng cách nào đó loại bỏ được lý trí - dẫn đến loại bỏ được sự gian dối – có nghĩa là thi sĩ đã ban cho độc giả ân huệ được giao tiếp với Ngài bằng Tiếng Người Chân Thật.

Với một thế giới mà cái tôi văn hóa đã gần như hoàn toàn che lấp cái tôi đích thực như hiện nay thì đó là điều vô cùng cần thiết và quý giá. Và đó cũng là sứ mạng cao cả của thơ.

Nếu thi sĩ tâm có khả năng buông bỏ như các thiền sư đạt đạo thì không nói làm gì. Thơ của Ngài không có chỗ cho lý trí bám víu, sẽ là tâm tình chân thật.

Còn với những thi sĩ trần tục như tuyệt đại đa số những người làm thơ, trong đó có tôi, thì như đã trình bày ở trên, thơ càng nhiều cảm xúc (thứ cảm xúc từ trạng thái tâm của thi sĩ) càng gần sự thật và giá trị nghệ thuật càng cao.

Với những thể loại văn học khác thì tôi không dám bàn tới, nhưng với thơ, tôi có thể xác quyết câu nói “Văn chương càng hay càng xa sự thật” sai hoàn toàn.

Phạm Đức Nhì
phamnhibinhtho.blogspot.com


CHÚ THÍCH:

1/ Báo Tiền Phong ngày 01/10/2019

2/ Yêu Thơ Nên Phải Hết Lòng Với Thơ, Phạm Đức Nhì, t-van.net

3/ Mối Tình Xuyên Lục Địa, Phạm Đức Nhì

4/ Giấc Mơ Anh Lái Đò hay Mối Tình Vô Vọng

5/ Triết gia người Pháp
     Tác phẩm tiêu biểu: L'Être et le Néant (Tồn Tại Và Hư Vô), La Nausée (Buồn Nôn)

6/ Triết gia người Pháp
     Tác phẩm tiêu biểu: L'Étranger (Kẻ Xa Lạ)

7/ Từ Lãng Mạn Đến Siêu Thực, Thụy Khuê



Thứ Tư, 25 tháng 12, 2019

HAI BÀI THƠ MỘT NIỀM TIN




                                    


1/

CHẮC NGÀI KHÔNG NGHE THẤY

Hãy xin, sẽ được; hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ cửa, sẽ mở cho
                    (Mathew 7:7)

Khi siêu bão Haiyan
đang gầm gừ ở hướng đông
đài khí tượng tiên đoán
bão sắp tràn vào Tacloban (1)

Hơn 90 phần trăm dân ở đây
là con Chúa
sấp mình cầu nguyện
xin Chúa xót thương

Khi bão rít trên đầu
sóng biển dâng cao
tiếng kêu cầu càng lớn
càng khẩn thiết

Bão yên, nước rút
cảnh tượng thật kinh hoàng
thành phố tan hoang
xác người nằm xếp lớp

Cha xứ
mở cửa
ngôi giáo đường đổ nát
Chúa Giê-Su vẫn ngoẹo đầu
dang tay trên thánh giá
sợi dây điện
lủng lẳng dưới tai

Ai đó đã đeo cho ngài
một bộ máy trợ thính

Chú Thích:

1/ Thủ phủ của Leyte

“Many of you lost everything. I don’t know what to say to you. Many have asked, why, Lord?” He said: “All I can do is keep silent.”  (Pope Francis said when visited Tacloban on 01/17/2015, 14 months after the Super Typhoon Haiyan.)
“Nhiều người trong số các con đã mất tất cả. Ta không biết phải nói gì với các con. Nhiều người đã hỏi, tại sao, Chúa ơi?” Rồi ngài nói: “Tất cả ta có thể làm là im lặng” (Đức Giáo Hoàng Francis nói khi viếng thăm Tacloban hôm 01/17/2015, 14 tháng sau Siêu Bão Haiyan.)



2/

NGÀI NGHE, THẤY VÀ BIẾT HẾT

Dù người đời nói ngả, nói nghiêng”
tôi vẫn tin
có một Thiên Chúa toàn năng
ngài nghe, thấy, và biết hết
mọi chuyện ở thế gian
“một sợi tóc trên đầu rụng xuống
cũng không ngoài thánh ý của ngài”

Tôi cũng tin
ngài yêu mến loài người
và chính ngài đã tạo nên vũ trụ
những quy luật vận hành của nó
trong đó có quy luật của linh hồn

Tâm trong sáng
ăn ở hiền lành
sẽ sống giữa cảnh thiên đàng
ngay trên mặt đất
khi chết
hồn sẽ bay về chốn an lạc

Lòng dạ tối đen
hành xử nham hiểm, độc ác
sẽ sống giữa lửa thiêu địa ngục
dù giàu có
cửa rộng
nhà cao
và khi từ giã kiếp người
sẽ phải đọa xuống một nơi
rất xa Thiên Chúa.

Ôi Thiên Chúa lòng lành vô cùng
ngài là ngọn đuốc
đưa con người tránh xa địa ngục
hướng đến thiên đàng

Nhưng những chuyện sống chết, thành bại, sướng khổ
của thế gian
chuyển động của đất trời vạn vật
ngài tạo ra quy luật
và để chúng tự vận hành

Những ai rao giảng
rằng cứ tin
cứ thành khẩn cầu xin
là điều gì Chúa cũng sẽ cho toại nguyện
hoặc là họ không “hiểu chuyện”
hoặc là họ phỉnh lừa
ngài đâu phải phù thủy, thầy bùa
có người dâng lễ vật van xin
là “hô phong hoán vũ”

Riêng tôi
đã nguyện tin thờ Thiên Chúa
hàng đêm tâm sự với ngài
những suy nghĩ, lời nói, hành động trong ngày
tôi trải lòng ra
để đúng sai ngài chỉ bảo

Nhưng những chuyện
vợ đẻ con đau
gạo tiền cơm áo
sự nghiệp công danh
thế giới hòa bình hay chiến tranh
núi lửa, bão lụt
sóng thần hay động đất
dĩ nhiên
là ngài biết hết
nhưng như một Quân Vương
chính trực công minh
ngài lặng yên
để quy luật tự nó vận hành

Vì ngài là Thiên Chúa
nhân loại kính mến ngài vì lẽ đó.


Lời Trần Tình

Tình cờ gặp người bạn - một thời làm cùng nghề - có vợ người Philippines. Anh bạn cho biết đang mua sắm chút ít để vợ về Tacloban (Phillippines) thăm đứa cháu (con người anh ruột) còn sống sót sau siêu bão Haiyan. Cả cha mẹ và chị gái cháu đều bị chết thảm trong cơn bão này.

Chị vợ vừa khóc bù lu bù loa vừa nói, giọng trách móc: “Thật tội nghiệp! Anh chị là con chiên ngoan đạo lại hiền lành, tốt bụng, cả làng ai cũng quý mến, kính trọng mà lại gặp tai họa khủng khiếp như thế. Trước khi bão vào anh chị bên ấy và cả tôi bên này hết lòng cầu xin Chúa mà Ngài có chịu nghe đâu.”

Tôi xúc động rồi nổi hứng, ngay tối hôm ấy đã viết xong bài thơ.

Chắc Ngài Không Nghe Thấy được viết theo lối Kiếm Tông – chú trọng cái đẹp của ngôn ngữ, hình tượng, biện pháp tu từ.

Là người thường làm thơ theo lối Khí Tông nên khi chuyển qua Kiếm Tông ngôn ngữ thơ vẫn rất bình dị, đời thường. Hình thức bài thơ, theo thói quen, không bị trói buộc. Vần thoang thoảng. Hồn cốt bài thơ được dồn vào chút “tiểu xảo” ở đoạn kết, nói bóng gió về việc Chúa “không nghe” lời cầu xin của dân Phi.

Mãi đến khi Đức Giáo Hoàng Francis qua thăm Tacloban rồi tâm tình về sự bất lực của mình trước câu hỏi “Tại sao, Chúa ơi?” của giáo dân, tôi mới dám phổ biến bài thơ – nhưng cũng không quên kèm theo phát biểu của Đức Giáo Hoàng để hy vọng được “an toàn trên xa lộ”



 Bài thứ hai - Ngài Nghe, Thấy Và Biết Hết - được viết để giải thích.

Làm thơ, theo các bạn Mỹ của tôi, (tùy trạng thái tâm của thi sĩ) có 3 mục đích:

1/ Reason with them: Nói lý lẽ với độc giả

2/ Share your feelings with them: Chia sẻ tâm tình với độc giả

3/ Get it off your chest: Mở van cho tâm tình, cảm xúc trào tuôn ra khỏi ngực bạn (để khỏi óc ách)

“Mở van cho tâm tình, cảm xúc tuôn ra khỏi ngực” là thượng sách. Với tâm trạng này, nếu thể thơ thích hợp, bài thơ có cơ hội là tiếng lòng chân thật (hồn thơ lai láng).

“Chia sẻ tâm tình với độc giả” sẽ tạo được bài thơ dạt dào cảm xúc nhưng chưa thể nhiều đến mức có hồn thơ.

“Nói lý lẽ với độc giả” là hạ sách. Làm thơ với tâm trạng này thì lý trí sẽ nắm quyền lèo lái nên dù kỹ thuật có siêu cách mấy bài thơ cũng khô cứng, ít cảm xúc, đọc rất chán.

Bài Ngài Nghe, Thấy Và Biết Hết tuy viết theo lối Khí Tông nhưng mục đích lại để “nói lý lẽ” về đề tài tôn giáo - vừa khó nhai, vừa dễ đụng chạm – nên tuy tứ thơ chảy thành dòng nhưng toàn lý lẽ, rất ít cảm xúc, đọc như nhai giẻ rách, rất mệt và rất buồn ngủ.

Với tôi, đây là một trong số những bài thơ thất bại của mình.



PHẠM ĐỨC NHÌ


CÁI TỘI KHÔNG CÀI LẠI KHUY ÁO NGỰC






TAN VỠ

Mở ngăn kéo rồi anh bỏ ngỏ
Bút viết xong không đậy nắp bao giờ
Ôi anh yêu, lơ đãng đến là
Con nai rừng của em...

Tất cả rồi dễ qua đi, qua đi
Chúng mình sẽ thành vợ thành chồng
Nếu không có một lần...
Một lần như đêm nay
Sau phút giây
Êm đềm trên ghế đá
Anh không cài lại khuy áo ngực cho em

(Dư Thị Hoàn, tập thơ Lối Nhỏ)

(Bình thơ kiểu lan man, không bài bản)


Tan Vỡ là bài thơ viết theo lối Kiếm Tông: Ra chiêu độc, nhắm vào chỗ hiểm nhưng ít nội lực. Lối viết này nhẹ về cảm xúc, nặng về kỹ thuật - chú trọng cái đẹp văn chương của câu chữ và thế trận. Thi sĩ tỉnh táo nên cảm xúc tầng 3 - ở ngoài câu chữ, phát sinh do trạng thái cao hứng, nổi điên của tác giả (mà đỉnh điểm của nó là hồn thơ) - thường không có hoặc có rất ít. Bài thơ thường ngắn và đoạn kết thường sử dụng thủ pháp “gợi, không kể” (Show, Don’t Tell) tạo cảm giác thích thú cho độc giả khi “bắt” được tứ thơ.

Bài thơ có hình thức thật dễ thương. Ba câu đầu còn có vóc dáng của Thơ Mới (biến thể). Đến câu thứ tư đã thấy khác lạ. Đọc hết bài thì thấy tay chân tác giả sạch trơn, không còn bóng dáng của xiềng xích, dây nhợ, luật tắc.

Chị còn giữ lại chút vần, nhưng là thứ vần thoang thoảng, phóng khoáng, không trói buộc. Chỗ có, chỗ không, len theo dòng chảy của tứ thơ. Bài thơ có 11 câu, 69 chữ nhưng chỉ có 3 cặp vần (giờ là, chồng lần, nay giây), toàn là thông vận, trong đó có 2 thông vận rất xa nên độ ngọt vừa phải, đủ cho ý này nối tiếp ý kia một cách tự nhiên, tuyệt đối không có hội chứng nhàm chán vần.
 
Tôi đọc to cả bài thơ vài lần để nghĩa của từng chữ, từng câu, từng đoạn thấm vào hồn, để nghe tiếng nhạc êm đềm thánh thót chơi vơi, và để nhận ra kỹ thuật thơ nhuần nhuyễn của tác giả.

Hai câu đầu:

Mở ngăn kéo rồi anh bỏ ngỏ
Bút viết xong không đậy nắp bao giờ

đặt nền cho câu kết:

Anh không cài lại khuy áo ngực cho em

rất khéo. Mở ngăn kéo không đóng, bút viết xong không đậy nắp, đều dễ cho qua. Nhưng “không cài lại khuy áo ngực cho em” thì theo chị, không thể chấp nhận được. Gợi ý đơn giản mà rất hợp.

Hai câu 3 và 4

Ôi anh yêu, lơ đãng đến
Con nai rừng của em...

rất tình và dễ thương. Đây cũng là chỗ bước ra khỏi lề luật của Thơ Mới biến thể.

Bài thơ thành công ở chỗ tác giả đã chuyển tải được tâm tình của mình đến độc giả một cách điệu nghệ; chị đã thành thật bày tỏ điều mình muốn nói, và độc giả đã hiểu được, cảm được cái thông điệp ấy không khó khăn lắm.

Có một điều hơi trái khoáy nơi cảm xúc của tác giả. Tâm trạng của chị lúc làm thơ có thể nói là “nóng như lửa”. Lý do: Sau khi cho người yêu thám hiểm và mân mê  “đôi gò bồng đảo” hắn lại đành lòng không cài lại khuy áo ngực cho mình. Nó được biểu lộ ở chỗ ngay đêm hôm đó, sau khi chia tay từ “ghế đá”, chị đã tự ý quyết định cắt đứt mối tình.

Sự đè nén cảm xúc của nhà thơ Dư Thị Hoàn thật đáng nể phục. Chị đã biểu lộ sự thâm trầm của một phụ nữ có bản lãnh.  “Giận đến điên tiết” nhưng lời thơ vẫn nhẹ nhàng, giọng điệu vẫn dịu dàng.


Chúng mình sẽ thành vợ thành chồng
Nếu không có một lần...
Một lần như đêm nay
Sau phút giây
Êm đềm trên ghế đá
Anh không cài lại khuy áo ngực cho em

Nhẹ nhàng, dịu dàng nhưng dứt khoát. Hai chữ đêm nay chứng tỏ chị đã quyết định dứt khoát ngay sau đó. Và cái tựa Tan Vỡ là kết quả đương nhiên.

Đáng tiếc là sự đè nén đó đã làm bài thơ thiếu hơi nóng, chỉ khơi gợi được cảm xúc tầng 1 (từ câu chữ), cảm xúc tầng 2 (từ thế trận). Cảm xúc tầng 3 hầu như không có.


Bình luận về bài thơ luôn gây tranh cãi này, Tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu dẫn chứng luận điểm của một tôn giáo: “Thân thể của tôi là luật của tôi”. 

Ông cho rằng “… Người phụ nữ có thể chấp nhận người đàn ông vô tâm, nhưng đến mức không cài lại khuy áo (đã vượt giới hạn cho phép - chữ của PĐN), là dấu hiệu cho thấy người phụ nữ này ý thức về thân thể mình, sự tổn thương của mình, cô ấy đòi hỏi sự tôn trọng, cần được nhìn như một cái gì bình đẳng”. (1)

Tôi không đồng ý với nhận xét của Tiến Sĩ Trần Ngọc Hiếu.

Nguyễn Thị Hoàng Bắc – qua bài Ngọn Cỏ - muốn đái đứng để đòi lại quyền bình đẳng với nam giới, nhưng lời kêu gọi của tác giả Ngọn Cỏ không được nhiều người hưởng ứng (2). Lý do: Hình ảnh người phụ nữ đứng đái – do đặc tính của bộ phận sinh dục (kiêm bài tiết) – không những không được đẹp mà còn rất phản cảm nữa.

Trong khi đó, Tan Vỡ của Dư Thị Hoàn chỉ là sự ương ngạnh đầy cá tính của một phụ nữ thích được hoàn toàn độc lập trong cách suy nghĩ và ứng xử của mình, chẳng liên quan đến bình đẳng hay nữ quyền gì hết.

Trong bài Sài Gòn Một Chiều Em Lỡ Hẹn tôi có viết về cô bạn gái thời vẫn còn rất trẻ:

“Còn nhớ không? Có lần anh lấn tới
Cũng một buổi chiều, em vẽ một làn ranh
Đây là biên giới.
Đừng bao giờ vượt quá nghe anh (3)

Dù tình từ cảm mến đã đến chỗ yêu thương nhưng nàng vẫn muốn giữ gìn, không muốn người yêu coi thường mình. Tôi hoàn toàn chấp nhận thái độ tự trọng ấy. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, làn ranh ấy đã được vẽ lui lại mấy lần khi tình thêm sâu đậm. Và sau cùng, trong cơn cao hứng, tôi xóa sạch làn ranh; nàng phụng phịu một tí rồi cũng vẫn mỉm cười vui vẻ. 

Trường hợp của Tan Vỡ thì khác. Tình của hai người đã chin mùi, sắp sửa thành vợ, thành chồng. Nàng đã mở cổng hai lớp rào đón chàng vào thăm khu đồi hai quả của mình. Chàng và nàng đã đê mê “sau phút giây êm đềm trên ghế đá”. Thế rồi chỉ vì “Anh không cài lại khuy áo ngực cho em” mà nàng, không một lời cảnh báo, cắt đứt mối tình, “mời chàng đi chỗ khác chơi”.

Ở đây không phải vì lòng tự trọng mà vì trong cơn bốc đồng, tự ái dâng lên cao độ, chị đã đưa ra một quyết định không hợp lý mà cũng chẳng hợp tình – ngôn ngữ đời thường là “chảnh không phải lối”.

Hơn nữa, mình cài khuy áo ngực cho mình thì không khó lắm. Nhưng người khác cài cho mình thì không phải dễ - nhất là hai người ngồi bên nhau trên ghế đá. Nếu không đứng lên cũng phải xoay lưng lại. Rồi còn trời tối, không thấy rõ ràng nên cũng phải mò mẫm một lúc may ra mới cài được. Mà đây là ghế đá chứ có phải nhà riêng, phòng riêng đâu. Mò mẫm kiểu đó lỡ có ai thấy người ta cười chết.  

 Mới dạo thăm “hai quả đồi” mà luật lệ đã khắt khe như thế, còn khi đã thành vợ thành chồng thì sao? Đâu phải chỉ có khuy áo ngực mà cả áo quần lớp này lớp khác. Cứ cái tinh thần ấy, luật lệ ấy thì ân ái không còn là lạc thú mà sẽ trở thành những bực mình, khó chịu; không khéo thì chẳng bao lâu cả anh chồng lẫn chị vợ đều mắc phải chứng bệnh lãnh cảm.

Bởi vậy tôi hoàn toàn đồng ý với nhà nghiên cứu Hoàng Tố Mai khi bà cho rằng Bài Tan vỡ tôi lại không để ý lắm. Tôi không quan tâm chuyện cài lại áo, vì đối với tôi quần áo ai người ấy mặc. (1)

Tóm lại, Tan Vỡ là một bài thơ hay, đặc biệt là hình thức (thi pháp) của bài thơ. Nó đã thoát khỏi trói buộc của các thể thơ truyền thống, vượt qua Thơ Mới, kể cả Thơ Mới biến thể.

Số chữ trong câu tùy tiện, Số câu trong bài tự do, viết hết ý thì thôi.

Như đã nói ở trên, tác giả còn giữ lại chút vần, nhưng là thứ vần thoang thoảng, phóng khoáng, không trói buộc.

Tứ thơ thông thoáng, dàn trải tâm tình của tác giả một cách dễ dàng và hiệu quả.

Tiếc là thông điệp của tứ thơ quá “chảnh” nên khó tìm được người đồng thuận chứ đừng nói là đồng cảm.

Theo tôi, nhà thơ Dư Thị Hoàn nắm vững và đã đi trước nhiều nhà thơ đương đại về thi pháp. Nếu chị chuyển qua viết theo lối Khí Tông thì với kỹ thuật thơ mới mẻ và nhuần nhuyễn như thế, lại gặp được trạng thái tâm rung chuyển mạnh mẽ như khi đặt bút viết Tan Vỡ, tôi tin rằng thơ của chị sẽ có hồn, sẽ lưu lại ấn tượng khó quên trong lòng người đọc. Và dĩ nhiên, vị trí của chị trong làng thơ sẽ còn cao hơn nữa.

Phạm Đức Nhì

CHÚ THÍCH: