Thứ Tư, 25 tháng 12, 2019

CÁI TỘI KHÔNG CÀI LẠI KHUY ÁO NGỰC






TAN VỠ

Mở ngăn kéo rồi anh bỏ ngỏ
Bút viết xong không đậy nắp bao giờ
Ôi anh yêu, lơ đãng đến là
Con nai rừng của em...

Tất cả rồi dễ qua đi, qua đi
Chúng mình sẽ thành vợ thành chồng
Nếu không có một lần...
Một lần như đêm nay
Sau phút giây
Êm đềm trên ghế đá
Anh không cài lại khuy áo ngực cho em

(Dư Thị Hoàn, tập thơ Lối Nhỏ)

(Bình thơ kiểu lan man, không bài bản)


Tan Vỡ là bài thơ viết theo lối Kiếm Tông: Ra chiêu độc, nhắm vào chỗ hiểm nhưng ít nội lực. Lối viết này nhẹ về cảm xúc, nặng về kỹ thuật - chú trọng cái đẹp văn chương của câu chữ và thế trận. Thi sĩ tỉnh táo nên cảm xúc tầng 3 - ở ngoài câu chữ, phát sinh do trạng thái cao hứng, nổi điên của tác giả (mà đỉnh điểm của nó là hồn thơ) - thường không có hoặc có rất ít. Bài thơ thường ngắn và đoạn kết thường sử dụng thủ pháp “gợi, không kể” (Show, Don’t Tell) tạo cảm giác thích thú cho độc giả khi “bắt” được tứ thơ.

Bài thơ có hình thức thật dễ thương. Ba câu đầu còn có vóc dáng của Thơ Mới (biến thể). Đến câu thứ tư đã thấy khác lạ. Đọc hết bài thì thấy tay chân tác giả sạch trơn, không còn bóng dáng của xiềng xích, dây nhợ, luật tắc.

Chị còn giữ lại chút vần, nhưng là thứ vần thoang thoảng, phóng khoáng, không trói buộc. Chỗ có, chỗ không, len theo dòng chảy của tứ thơ. Bài thơ có 11 câu, 69 chữ nhưng chỉ có 3 cặp vần (giờ là, chồng lần, nay giây), toàn là thông vận, trong đó có 2 thông vận rất xa nên độ ngọt vừa phải, đủ cho ý này nối tiếp ý kia một cách tự nhiên, tuyệt đối không có hội chứng nhàm chán vần.
 
Tôi đọc to cả bài thơ vài lần để nghĩa của từng chữ, từng câu, từng đoạn thấm vào hồn, để nghe tiếng nhạc êm đềm thánh thót chơi vơi, và để nhận ra kỹ thuật thơ nhuần nhuyễn của tác giả.

Hai câu đầu:

Mở ngăn kéo rồi anh bỏ ngỏ
Bút viết xong không đậy nắp bao giờ

đặt nền cho câu kết:

Anh không cài lại khuy áo ngực cho em

rất khéo. Mở ngăn kéo không đóng, bút viết xong không đậy nắp, đều dễ cho qua. Nhưng “không cài lại khuy áo ngực cho em” thì theo chị, không thể chấp nhận được. Gợi ý đơn giản mà rất hợp.

Hai câu 3 và 4

Ôi anh yêu, lơ đãng đến
Con nai rừng của em...

rất tình và dễ thương. Đây cũng là chỗ bước ra khỏi lề luật của Thơ Mới biến thể.

Bài thơ thành công ở chỗ tác giả đã chuyển tải được tâm tình của mình đến độc giả một cách điệu nghệ; chị đã thành thật bày tỏ điều mình muốn nói, và độc giả đã hiểu được, cảm được cái thông điệp ấy không khó khăn lắm.

Có một điều hơi trái khoáy nơi cảm xúc của tác giả. Tâm trạng của chị lúc làm thơ có thể nói là “nóng như lửa”. Lý do: Sau khi cho người yêu thám hiểm và mân mê  “đôi gò bồng đảo” hắn lại đành lòng không cài lại khuy áo ngực cho mình. Nó được biểu lộ ở chỗ ngay đêm hôm đó, sau khi chia tay từ “ghế đá”, chị đã tự ý quyết định cắt đứt mối tình.

Sự đè nén cảm xúc của nhà thơ Dư Thị Hoàn thật đáng nể phục. Chị đã biểu lộ sự thâm trầm của một phụ nữ có bản lãnh.  “Giận đến điên tiết” nhưng lời thơ vẫn nhẹ nhàng, giọng điệu vẫn dịu dàng.


Chúng mình sẽ thành vợ thành chồng
Nếu không có một lần...
Một lần như đêm nay
Sau phút giây
Êm đềm trên ghế đá
Anh không cài lại khuy áo ngực cho em

Nhẹ nhàng, dịu dàng nhưng dứt khoát. Hai chữ đêm nay chứng tỏ chị đã quyết định dứt khoát ngay sau đó. Và cái tựa Tan Vỡ là kết quả đương nhiên.

Đáng tiếc là sự đè nén đó đã làm bài thơ thiếu hơi nóng, chỉ khơi gợi được cảm xúc tầng 1 (từ câu chữ), cảm xúc tầng 2 (từ thế trận). Cảm xúc tầng 3 hầu như không có.


Bình luận về bài thơ luôn gây tranh cãi này, Tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu dẫn chứng luận điểm của một tôn giáo: “Thân thể của tôi là luật của tôi”. 

Ông cho rằng “… Người phụ nữ có thể chấp nhận người đàn ông vô tâm, nhưng đến mức không cài lại khuy áo (đã vượt giới hạn cho phép - chữ của PĐN), là dấu hiệu cho thấy người phụ nữ này ý thức về thân thể mình, sự tổn thương của mình, cô ấy đòi hỏi sự tôn trọng, cần được nhìn như một cái gì bình đẳng”. (1)

Tôi không đồng ý với nhận xét của Tiến Sĩ Trần Ngọc Hiếu.

Nguyễn Thị Hoàng Bắc – qua bài Ngọn Cỏ - muốn đái đứng để đòi lại quyền bình đẳng với nam giới, nhưng lời kêu gọi của tác giả Ngọn Cỏ không được nhiều người hưởng ứng (2). Lý do: Hình ảnh người phụ nữ đứng đái – do đặc tính của bộ phận sinh dục (kiêm bài tiết) – không những không được đẹp mà còn rất phản cảm nữa.

Trong khi đó, Tan Vỡ của Dư Thị Hoàn chỉ là sự ương ngạnh đầy cá tính của một phụ nữ thích được hoàn toàn độc lập trong cách suy nghĩ và ứng xử của mình, chẳng liên quan đến bình đẳng hay nữ quyền gì hết.

Trong bài Sài Gòn Một Chiều Em Lỡ Hẹn tôi có viết về cô bạn gái thời vẫn còn rất trẻ:

“Còn nhớ không? Có lần anh lấn tới
Cũng một buổi chiều, em vẽ một làn ranh
Đây là biên giới.
Đừng bao giờ vượt quá nghe anh (3)

Dù tình từ cảm mến đã đến chỗ yêu thương nhưng nàng vẫn muốn giữ gìn, không muốn người yêu coi thường mình. Tôi hoàn toàn chấp nhận thái độ tự trọng ấy. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, làn ranh ấy đã được vẽ lui lại mấy lần khi tình thêm sâu đậm. Và sau cùng, trong cơn cao hứng, tôi xóa sạch làn ranh; nàng phụng phịu một tí rồi cũng vẫn mỉm cười vui vẻ. 

Trường hợp của Tan Vỡ thì khác. Tình của hai người đã chin mùi, sắp sửa thành vợ, thành chồng. Nàng đã mở cổng hai lớp rào đón chàng vào thăm khu đồi hai quả của mình. Chàng và nàng đã đê mê “sau phút giây êm đềm trên ghế đá”. Thế rồi chỉ vì “Anh không cài lại khuy áo ngực cho em” mà nàng, không một lời cảnh báo, cắt đứt mối tình, “mời chàng đi chỗ khác chơi”.

Ở đây không phải vì lòng tự trọng mà vì trong cơn bốc đồng, tự ái dâng lên cao độ, chị đã đưa ra một quyết định không hợp lý mà cũng chẳng hợp tình – ngôn ngữ đời thường là “chảnh không phải lối”.

Hơn nữa, mình cài khuy áo ngực cho mình thì không khó lắm. Nhưng người khác cài cho mình thì không phải dễ - nhất là hai người ngồi bên nhau trên ghế đá. Nếu không đứng lên cũng phải xoay lưng lại. Rồi còn trời tối, không thấy rõ ràng nên cũng phải mò mẫm một lúc may ra mới cài được. Mà đây là ghế đá chứ có phải nhà riêng, phòng riêng đâu. Mò mẫm kiểu đó lỡ có ai thấy người ta cười chết.  

 Mới dạo thăm “hai quả đồi” mà luật lệ đã khắt khe như thế, còn khi đã thành vợ thành chồng thì sao? Đâu phải chỉ có khuy áo ngực mà cả áo quần lớp này lớp khác. Cứ cái tinh thần ấy, luật lệ ấy thì ân ái không còn là lạc thú mà sẽ trở thành những bực mình, khó chịu; không khéo thì chẳng bao lâu cả anh chồng lẫn chị vợ đều mắc phải chứng bệnh lãnh cảm.

Bởi vậy tôi hoàn toàn đồng ý với nhà nghiên cứu Hoàng Tố Mai khi bà cho rằng Bài Tan vỡ tôi lại không để ý lắm. Tôi không quan tâm chuyện cài lại áo, vì đối với tôi quần áo ai người ấy mặc. (1)

Tóm lại, Tan Vỡ là một bài thơ hay, đặc biệt là hình thức (thi pháp) của bài thơ. Nó đã thoát khỏi trói buộc của các thể thơ truyền thống, vượt qua Thơ Mới, kể cả Thơ Mới biến thể.

Số chữ trong câu tùy tiện, Số câu trong bài tự do, viết hết ý thì thôi.

Như đã nói ở trên, tác giả còn giữ lại chút vần, nhưng là thứ vần thoang thoảng, phóng khoáng, không trói buộc.

Tứ thơ thông thoáng, dàn trải tâm tình của tác giả một cách dễ dàng và hiệu quả.

Tiếc là thông điệp của tứ thơ quá “chảnh” nên khó tìm được người đồng thuận chứ đừng nói là đồng cảm.

Theo tôi, nhà thơ Dư Thị Hoàn nắm vững và đã đi trước nhiều nhà thơ đương đại về thi pháp. Nếu chị chuyển qua viết theo lối Khí Tông thì với kỹ thuật thơ mới mẻ và nhuần nhuyễn như thế, lại gặp được trạng thái tâm rung chuyển mạnh mẽ như khi đặt bút viết Tan Vỡ, tôi tin rằng thơ của chị sẽ có hồn, sẽ lưu lại ấn tượng khó quên trong lòng người đọc. Và dĩ nhiên, vị trí của chị trong làng thơ sẽ còn cao hơn nữa.

Phạm Đức Nhì

CHÚ THÍCH:




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét