Thứ Hai, 16 tháng 9, 2019

LẠI THÊM HAI ĐÓA HOA HỒNG



Nhắc Lại Chuyện Văn Chương Trên Facebook

Trò chơi văn chương trên FB khác với các trang web văn học trên Internet. Nơi đây tác giả và độc giả thuộc đủ mọi thành phần, thượng vàng hạ cám. Việc góp ý, bình luận trên FB rất dễ dàng. Miễn bạn giữ thái độ lịch sự, hòa nhã thì dù bình luận của bạn có “chưa tới”, dở ẹc hoặc “trật bàn đạp” cũng đều được đón nhận một cách vui vẻ.

Những bài viết về thơ của tôi nhận được khá nhiều bình luận như vậy. Nhưng bên cạnh đó cũng có những bình luận nội lực văn chương sung mãn, thổi vào bài viết một luồng gió mới tươi mát, đưa ra một phương cách mới để nhìn nhận vấn đề một cách sâu sắc.
                   
Bài Thơ Xuất Hiện Như Ánh Chớp

Cách đây không lâu, dưới bài viết Hồn Thơ Và Cảm Xúc của tôi trên Facebook có một bình luận bằng thơ (4 câu) và một đoạn văn của Vân Anh:

Không là dòng chảy trong mương
Không là sóng cả đại dương thăng trầm
Người – êm ái mạch nước ngầm
Chảy trong tôi suốt tháng năm vụng về.

Cám ơn anh Nhì Phạm.
Bài viết của anh thật thú vị. Em cũng từng nguệch ngoạc đôi dòng nhưng vẫn chưa thấy dáng dấp thơ trong đó. Đọc bài viết của anh và ngộ ra khá nhiều lỗ hổng trong những dòng nguệch ngoạc của mình.

Ý của đoạn thơ là “Chính những nhà bình thơ - đúng ra là tác phẩm của họ - đã giúp thi sĩ chỉnh sửa những vụng về, bất cập trong sáng tác thơ cũng như cách nhìn nhận, đánh giá thơ ca của mình”.

Vân Anh đã kín đáo bày tỏ lòng biết ơn đối với những bài bình thơ mà chị đã nhân cách hóa thành chữ Người một cách trân trọng và quý mến.

Thấy bài thơ hay quá (đoạn thơ sau đó có tên là Mạch Nước Ngầm) tôi đã viết lời bình với tựa Đóa Hoa Hồng Cho Người Bình Thơ.

Bài Đóa Hoa Hồng Cho Người Bình Thơ được đăng trên Facebook vào lúc 7 giờ 28 sáng ngày 29 tháng 6 / 2019 (giờ Houston, Mỹ) thì đến 23 giờ 05 (giờ Việt Nam) cùng ngày, đã thấy dưới bài viết ấy, ở dạng bình luận, bài thơ Nhân Tình Của Những Áng Văn Xanh của Vân Anh.

Bỏ qua 12 tiếng cách biệt giữa Houston và Việt Nam thì từ lúc đọc bài viết của tôi rồi bắt đầu sáng tác cho đến lúc chị đăng bài thơ chỉ khoảng hơn 3 tiếng đồng hồ. Tôi nghĩ chị phải ở trạng thái thật cao hứng và xúc động mạnh mẽ nên mới có thể hoàn tất bài thơ nhanh như thế.

Dưới đây là link dẫn đến khung cảnh ra đời của bài thơ trên Facebook.



NHÂN TÌNH CỦA NHỮNG ÁNG VĂN XANH

1/
Bầu bạn với văn chương
em nhẹ lướt đi
bồng bềnh giữa ngút ngàn câu chữ
nháy mắt cười
với ca dao, ngạn ngữ
nhưng rồi …
chỉ nồng nàn với riêng anh

2/
Anh trải rộng
những cánh đồng mướt xanh
em ngửa mặt hít hà hương lúa mới
anh tuôn chảy dòng sông diệu vợi
thuyền em trôi thênh thang

3/
Tình mình lặng thầm mà chứa chan
em có thể cười vang
khi gặp gỡ
có thể vỗ về
ru êm vào giấcngủ
tha thiết không còn đủ với đời
em son sắt văn chương

4/
Câu chữ vấn vương
âm vần lưu luyến
và từ giờ em nguyện
làm nhân tình của những áng văn xanh.

(VÂN ANH)

Hình Thức Thơ

Nhân Tình Của Những Áng văn Xanh có hình thức của Thơ Mới biến thể, vần liên tiếp cứ đến hẹn lại lên (16 câu, 7 cặp vần - trừ câu đầu và câu cuối). Biến thể ở chỗ số chữ trong câu thay đổi tùy hứng khiến nhịp điệu không tẻ nhạt vì lập đi, lập lại. Và nhờ nhịp điệu thay đổi như thế nên không có hội chứng nhàm chán vần.

Đây là bài thơ nhất khí, liền mạch – nghĩa là tứ thơ và cảm xúc chảy thành dòng từ câu đầu đến câu cuối, ngoại trừ những chỗ tác giả tự ngừng nghỉ để chuyển ý chứ không vì tuân theo quy luật của thể thơ. Với thế trận này, thơ được coi là viết theo phe Khí Tông – thiên về cảm xúc - để phân biệt với thơ viết theo phe Kiếm Tông – thiên về cái đẹp của câu chữ, chú trọng ngôn ngữ, hình tượng và các biện pháp tu từ.

Nếu tác giả phấn khích, cao hứng thì trong bài thơ Khí Tông cảm xúc nương theo dòng chảy của tứ thơ sẽ tích tụ và lớn mạnh nhanh chóng. Cảm xúc càng mạnh, lý trí càng yếu. Lý trí bị lấn át đến một mức nào đó cảm xúc tầng 3 sẽ xuất hiện. Khi lý trí bỏ chạy biệt tăm, cảm xúc độc chiếm khung cảnh của bài thơ, dòng chảy của tứ thơ hóa thân thành dòng cảm xúc, ta có hồn thơ.

Biện Pháp Tu Từ

Bài thơ sử dụng khá nhiều biện pháp tu từ.

1/ Ẩn dụ

     a/ “Áng văn xanh” = bài bình thơ = cánh đồng mướt xanh
     b/ Hương lúa mới: Cái mới trong thơ.
     c/ “Tuôn chảy dòng sông diệu vợi”: Hóa thân thành dòng sông để  dẫn đường chỉ hướng đi cho thơ.
     d/ “Thuyền em”: Thơ của tác giả.

2/ Nhân cách hóa: “Áng văn xanh” được chuyển hóa thành “Anh”, một người được tác giả cảm mến, yêu thích và sau cùng chị đã nguyện mãi mãi làm nhân tình. 

Đây chỉ là những biện pháp tu từ “rõ nét”. Ngoài ra, còn những câu “bóng gió” ở đoạn 1 và đoạn 3, xin phép được lướt qua để bài viết không bị “loãng”

Tìm Hiểu, Nhận Biết Tứ Thơ

Bài thơ được chia làm 4 đoạn, mỗi đoạn 4 câu.

1/

Là thi sĩ, lạc vào chốn văn chương, “bồng bềnh giữa ngút ngàn câu chữ”, làm quen với nhiều thể loại văn học, nhưng tác giả cảm thấy gần gũi, thân thiện và yêu thích nhất là những bài bình thơ. Câu:

nhưng rồi … chỉ nồng nàn với riêng anh”.

đã diễn đạt rất rõ ràng, dễ hiểu.

Hai chữ “nồng nàn” thật đắt và dễ thương, biểu lộ một sự quý mến trên mức quen biết xã giao rất nhiều. Tác giả tránh chữ “yêu” nhưng trong lòng và cách cư xử thì có vẻ như “tình đã trao”. Chữ “rồi” – có giá trị như một dấu lặng - cho biết đây không phải là sự quý mến vồ vập mà là đã qua tìm hiểu, trải nghiệm. Thời gian dài hay ngắn, tác giả không cho biết. Nhưng như thế cũng đủ để độc giả thấy được sự chín chắn của chị.

Chữ “anh” ở cuối đoạn không phải là người đàn ông bằng xương bằng thịt mà là một thể loại văn học nào đó đã được nhân cách hóa để chị kín đáo “tỏ tình”. Nếu đọc Tựa Đề rồi để ý đến bối cảnh bài thơ (là bình luận dưới một bài bình thơ trên FB), độc giả sẽ dễ dàng nhận thấy chị muốn nói đến những bài bình thơ mà chị thân mến gọi chúng là Những Áng Văn Xanh.

2/

Hai câu đầu:

Bài bình thơ như một cánh đồng mướt xanh để “em ngửa mặt hít hà hương lúa mới”. Tác giả sử dụng phép ẩn dụ. Thi sĩ nhờ những bài bình thơ để tiếp cận và thấy được cái mới trong thơ.

Hai câu sau:

Bài bình thơ hóa thân thành dòng sông tuôn chảy thẳng hướng bến bờ thi ca để thuyền em – nói rõ ra là thơ của em - theo đó mà trôi cho khỏi quên đường, lạc lối.

Chị đứng ở vị trí của một thi sĩ, nhờ kinh nghiệm làm thơ cũng như đọc và thẩm thấu hương hoa của những bài bình thơ (hoặc viết về thơ) đã “ngộ” thêm ra 2 nhiệm vụ của chúng. Đó là 1/ tìm kiếm, xiển dương cái mới trong thơ và 2/ chỉ đường để thi sĩ hướng thơ của mình đến bến bờ thi ca. (Trước đó chị đã có Mạch Nước Ngầm).

3/

Tác giả cho rằng tình của chị với những bài bình thơ thầm lặng mà chứa chan. Gặp được một bài hợp ý thì cười vang thích thú. Những cái hay, cái đẹp của bài bình thơ như ru chị vào giấc ngủ êm đềm. Do hoàn cảnh không còn tha thiết yêu đời nên chị đã hết lòng “son sắt văn chương”.

4/

Chính vì làm thơ, yêu thơ nên chị vấn vương câu chữ, lưu luyến âm vần, và nguyện từ giờ về sau “làm nhân tình” của “ những áng văn xanh”

Tóm tắt tứ thơ:

Là thi sĩ nên trong số rất nhiều thể loại văn học tác giả nặng tình nhất với những bài bình thơ (hoặc viết về lý thuyết thơ), nhờ đó chị có thể thấy được cái mới trong thơ, thấy được hướng đi để đưa thơ mình đến bến bờ thi ca. Tình yêu ngày càng sâu đậm và cuối cùng chị đã nguyện mãi mãi làm nhân tình của những “Áng Văn Xanh” đó.

Có thể nói bài thơ hơi bị “khó tiêu”. Nhưng khi độc giả đã “giải mã” hết những biện pháp tu từ và đọc lại vài lần thì theo tôi, bài thơ vừa lung linh sương khói, vừa lãng mạn và vừa sâu sắc. Chỉ riêng về mặt câu chữ và thế trận cũng đủ để một người yêu thơ như tôi, tán thưởng và khâm phục.


Tứ Thơ Độc Đáo

Nét độc đáo của bài thơ, theo tôi, là tứ thơ.  Cốt tủy của 2 bình luận bằng thơ trong khung cảnh 2 bài viết 1/ Hồn Thơ Và Cảm Xúc và 2/ Đóa Hoa Hồng Cho Người Bình Thơ (PĐN) là 6 câu thơ:

Người – êm ái mạch nước ngầm
Chảy trong tôi suốt tháng năm vụng về.
(Mạch Nước Ngầm)

Anh trải rộng những cánh đồng mướt xanh
em ngửa mặt hít hà hương lúa mới
anh tuôn chảy dòng sông diệu vợi
thuyền em trôi thênh thang.
(Nhân Tình Của Những Áng Văn Xanh)

Sáu câu thơ này có những đặc điểm:

1/ Về ý nghĩa, đề cập đến 3 nhiệm vụ của công việc bình thơ.

2/ Ngôn ngữ, hình tượng đẹp, cao sang, ẩn dụ kín kẽ, ý tứ chính xác, sâu sắc.

3/ Viết về bình thơ bằng thơ. Trao tặng độc giả những kiến thức cốt yếu về công việc bình thơ bằng phương cách “trái tim đến với trái tim” để độc giả dễ tiếp nhận hơn.

4/ Không phải bài viết của người hiểu biết về lý thuyết thơ và làm công việc bình thơ mà là “tâm tình” của người sáng tác thơ, trực tiếp đón nhận lợi ích của những bài bình thơ. Vì thế, tránh được tính chủ quan, ngự trong “tháp ngà” thường có của những nhà bình thơ.

Cảm Xúc (Tầng 1 + Tầng 2)

Cảm xúc tầng 1, đến từ câu chữ, là cảm giác thích thú, khoái trá của độc giả khi gặp được một chữ hoặc một nhóm chữ “đắt”, một hình tượng đẹp, mới lạ, lung linh, sống động, câu cú gọn gàng, trong sáng, dễ hiểu. Đặc biệt, không có những chữ, câu thừa, “vô tích sự”.

Cảm xúc tầng 2 là cảm giác thích thú, khoái trá ở cường độ mạnh hơn khi thấy thế trận của bài thơ hợp lý, dòng chảy thông thoáng, chuyển tải nội dung của tứ thơ hiệu quả, không có câu thơ, đoạn thơ “nội gián” ngược dòng chảy với tứ thơ. Độc giả cũng yêu thích cách dàn trận mới lạ miễn là mới lạ phải đồng hành với hợp lý và hiệu quả.

Cảm xúc tầng 1 và tầng 2 đến từ câu chữ, thế trận nên được gọi là cảm xúc nội tại của bài thơ. Nó khác với cảm xúc tầng 3 đến từ trạng thái cao hứng, nổi điên của thi sĩ – nghĩa là ở ngoài câu chữ.

Khả năng sử dụng câu chữ, thế trận được gọi là kỹ thuật thơ. Nhiều người “lịch sự” còn gọi là “tài thơ” của tác giả, dù cách gọi này dễ gây hiểu lầm.

Kỹ thuật thơ của tác giả trong Nhân Tình Của Những Áng Văn Xanh rất nhuyễn nên bài thơ không có lỗi kỹ thuật. Ngôn ngữ thơ đẹp một cách sang trọng. Các biện pháp tu từ như ẩn dụ, nhân cách hóa, so sánh nối đuôi sau xuất hiện nên tứ thơ lung linh, sống động và hấp dẫn. Câu cú vững vàng, chắc nịch, không sơ hở nên nếu độc giả “giải mã” được, hiểu được ẩn ý của các biện pháp tu từ thì sẽ đến đúng bến đỗ của tứ thơ không khó lắm.

Lúc ấy, cảm giác thích thú, khoái trá của độc giả ở tầng 1 và tầng 2 rất mạnh.

Cảm Xúc Tầng 3

Đoạn 1

Bầu bạn với văn chương
em nhẹ lướt đi
bồng bềnh giữa ngút ngàn câu chữ
nháy mắt cười
với ca dao, ngạn ngữ
nhưng rồi …
chỉ nồng nàn với riêng anh

Tuy là những câu dẫn độc giả vào khung cảnh của bài thơ nhưng tác giả viết với thái độ hăm hở, hào hứng để biểu lộ tâm trạng đang nóng bỏng trong lòng mình nên đọc hết câu thứ tư: 

“nhưng rồi …
chỉ nồng nàn với riêng anh”

độc giả đã cảm thấy hơi ấm của cảm xúc tầng 3 len giữa nhưng hàng kẻ thấm vào tâm hồn. Chỉ âm ấm nhưng rất rõ nét.

Đoạn 2

Anh trải rộng
những cánh đồng mướt xanh
em ngửa mặt hít hà hương lúa mới
anh tuôn chảy dòng sông diệu vợi
thuyền em trôi thênh thang

Đây là đoạn chứa cả hồn cốt của bài thơ nên cảm xúc rất mạnh cả ở trong lẫn bên ngoài dòng chảy của tứ thơ. Cả 4 câu của đoạn này đều thuộc loại câu “bộc lộ” (Show) nên cảm xúc tầng 3, gặp lúc tác giả đang cao hứng, lại có trớn từ đoạn 1, dâng cao rất nhanh. Ngôn ngữ thơ cao sang, hình tượng đẹp, nên thơ, ẩn dụ tương hợp, kín kẽ nên tâm hồn của độc giả như đang bồng bềnh trên “sóng lúa” và sóng nước.

Đoạn 3

Tình mình lặng thầm mà chứa chan
em có thể cười vang
khi gặp gỡ
có thể vỗ về
ru êm vào giấcngủ
tha thiết không còn đủ với đời
em son sắt văn chương

Câu đầu của đoạn 3 “Tình mình lặng thầm mà chứa chan” là câu kể (Tell). Ba câu sau chỉ để giải thích, làm rõ nghĩa hai chữ “chứa chan”. Để làm việc đó, lý trí phải được gọi về. Với tác giả, để giải thích cho đúng, hợp lý. Với độc giả, để hiểu và chấp nhận sự giải thích đó.

Riêng câu “tha thiết không còn đủ với đời, em son sắt văn chương” lại là một câu kể khác. Độc giả như tôi đã phải bắt lý trí làm việc cật lực – bỏ cả buổi vào trang FB của chị - để tìm hiểu tại sao chị lại không còn tha thiết yêu đời mà dành hết tâm hồn “son sắt văn chương”. Tôi đã thấy, đã hiểu. Nhưng đây là vùng đất riêng tư của chị nên không tiện nói thêm.

Đối với tứ thơ thì sự giải thích của đoạn 3 làm mối tình của chị đối với “những áng văn xanh”, trước mắt độc giả, thêm phần đậm đà, tha thiết, hỗ trợ mạnh mẽ cho đoạn kết của bài thơ. Nhưng đáng tiếc, chính vì đoạn thơ này mà cảm xúc tầng 3 đang nóng bỗng nguội hẳn đi.  

Đoạn 4

Câu chữ vấn vương
âm vần lưu luyến
và từ giờ em nguyện
làm nhân tình của những áng văn xanh.

Những câu bộc lộ tâm trạng (Show) tái xuất hiện. Cảm xúc tầng 3 đã ấm lại.
Đến câu cuối, tứ thơ đã đến đích ở đỉnh điểm (về ý tứ), cảm xúc của tầng 3 đang nóng lên thì bài thơ đã kết thúc.

Tóm lại, tác giả làm thơ trong lúc tâm hồn phấn chấn, cao hứng, cảm xúc tầng 3 biểu hiện rõ nét ở 2 đoạn đầu. Tuy nhiên, chưa đủ để hồn thơ xuất hiện.

Sau đây là mấy lý do:

1/ Đoạn 3 mời gọi lý trí về để nghe phân trần, lý giải. Có lý trí, cảm xúc - đặc biệt là cảm xúc tầng 3 - tự động xẹp xuống.

2/ Với bài thơ 16 câu, 117 chữ, viết theo lối Khí Tông mà sử dụng biện pháp tu từ như liệt kê ở trên là hơi dầy. Với việc biểu hiện tứ thơ thì rất hiệu quả, rất đẹp, rất hay, nhưng chính vì thế đã làm vướng víu dòng chảy cảm xúc, ảnh hưởng đến sự lớn mạnh của cảm xúc tầng 3.

3/ Đỉnh điểm (điểm nhấn) của tứ thơ ở cuối bài. Đỉnh điểm của cảm xúc tầng 3 ở cuối đoạn 2. Bài thơ không kết thúc ở cao trào.

Góp Ý Của Một Anh Bạn

Bài viết gần xong thì một anh bạn yêu văn chương ở xa đến chơi. Tôi đưa bản thảo cho anh đọc và anh đã góp ý 2 điểm:

1/ Nhóm chữ “và từ giờ”.  

Trước hết, xin nhắc lại nhân vật “Anh” chỉ là “những áng văn xanh” hay “những bài bình thơ”, do “nhân cách hóa” mà có mặt, chứ không phải một nam tử hán bằng xương bằng thịt.

Ngay ở cuối đoạn 1 và rồi sang cả đoạn 2 tình của Nàng với “Anh” đã rất sâu đậm:

“nhưng rồi …
chỉ nồng nàn với riêng anh”

Anh trải rộng
những cánh đồng mướt xanh
em ngửa mặt hít hà hương lúa mới
anh tuôn chảy dòng sông diệu vợi
thuyền em trôi thênh thang

Tôi nghĩ với ngôn ngữ thơ như thế Nàng đã yêu và cho “Anh” tất cả, đâu còn giữ lại tý gì. Nhưng đến cuối bài - đỉnh điểm và cũng là điểm nhấn của tứ thơ – khối tình đó chỉ tăng đến mức:

và từ giờ em nguyện
làm nhân tình của những áng văn xanh”

nghĩa là chỉ cho “Anh” thêm chút danh hão chứ có gì khác đâu?  Như vậy độ gia tăng tình cảm của Nàng với “Anh” từ lúc đầu cho đến cuối bài không đáng kể. Nếu vẽ đường biểu diễn thì đó chỉ là một đường thẳng gần như nằm ngang, chỉ hơi chếch lên một tý ở đoạn cuối. Tôi cho đó là điểm yếu quan trọng của bài thơ.

Anh bạn tôi đứng về phía tác giả, giải thích và biện hộ như sau:   

Ở phần đầu bài thơ, dù thái độ của Nàng đã “nồng nàn với riêng Anh”, rồi trong cả đoạn 2 đã say sưa, mê mẩn cùng Anh trong “những cánh đồng mướt xanh” và “dòng sông diệu vợi”, nhưng khi đã “nguyện” làm nhân tình của Anh thì lời nguyện đó đã đưa tình bước lên một tầng bậc mới, cao hơn trước nhiều. Hơn nữa, nhóm chữ “và từ giờ” đã hứa hẹn một tương lai lâu dài, mãi mãi, suốt đời.

Khi nữ ca sĩ nào đó hát câu “Em hứa yêu anh trọn một đời” (1) khán thính giả sẽ mường tượng một mối tình đằm thắm, lâu dài, mãi mãi. Hai câu thơ

“và từ giờ em nguyện
làm nhân tình của những áng văn xanh

còn nặng tình hơn câu hát đó nữa. Lý do: Chữ “nguyện” còn mạnh hơn chữ “hứa” một bậc.

Như vậy, có thể nói độ gia tăng của khối tình của Nàng với “Anh” từ đầu bài thơ đến hai câu kết là rất đáng kể. Anh đề nghị:

“Nếu không khen thì cũng đừng nên đưa vào những lời ‘khó nghe’ kẻo lại bị ‘búa rìu dư luận’. Mà chỗ này người ta ‘búa’ thì khó đỡ”.

Quả thật, tôi thấy sức mạnh của chữ “nguyện” nhưng lại “quên” nhóm chữ “và từ giờ” nên đã trách oan tác giả.

“Nói phải thì củ cải cũng phải nghe”. Tôi đã nghe và đã sửa. Cám ơn anh bạn.

2/ Về đoạn 3 của bài thơ

Anh bạn tôi cho rằng tác giả viết bài thơ là để bày tỏ mối tình thắm thiết của Nàng đối với “những áng văn xanh”. Và theo anh, “đoạn 3 đã hỗ trợ đắc lực cho công việc đó; có công lớn như vậy mà còn bị ‘bắt lỗi’ là không đúng”.

Tôi biết chỗ dựa để anh và tôi nhận xét, đánh giá một bài thơ, một đoạn thơ, một câu thơ hay hoặc không hay, khác nhau. Anh dựa vào sự hiệu quả trong việc giúp biểu hiện tứ thơ. Tôi, ngoài điểm đó, còn nhìn theo hướng đi của bài thơ đến bến bờ thi ca.

Đối với những bài thơ tác giả chọn chữ so vần trong lúc “tỉnh như sáo” thì không nói làm gì. Với những bài ấy thì mọi đôi mắt phải nhìn chăm chú vào tứ thơ là đúng. Nhưng với những bài thơ có xuất hiện cảm xúc tầng 3 thì phải theo dõi dòng chảy cảm xúc, xem nó có thông thoáng để cảm xúc tầng 3 lớn mạnh hay không? Có cơ hội để có hồn thơ hay không?

Tôi biết, về mặt ý tứ, đoạn 3 của NTCNAVX là một đoạn thơ hay. Nhưng về mặt khơi dòng để cảm xúc tầng 3 tuôn chảy thì nó lại là điểm tụ hội của lý trí, là vật cản. Chính nó làm mất cơ hội để hình thành hồn thơ.

Ưu Điểm Của Bài Thơ

     a/ Vẫn dựa vào khung Thơ Mới nhưng số chữ trong câu thay đổi tùy hứng với biên độ rộng – câu ngắn nhất 5 chữ, câu dài nhất 12 chữ, nhịp điệu thay đổi, không lập đi lập lại, tính nhạc cao.
     b/ Vần liên tiếp đều đặn, 16 câu, 7 cặp vần, nhưng do tính nhạc cao nên vẫn vừa độ ngọt, không có hội chứng nhàm chán vần.
     c/ Ngôn ngữ cao sang, chắt lọc, hình tượng đẹp, gợi cảm.
     d/ Bài thơ nhất khí liền mạch, tứ thơ và cảm xúc chảy thành dòng.
     e/ Tứ thơ tuyệt vời.
     f/ Cảm xúc tầng 1 và tầng 2 mạnh.
     g/ Có cảm xúc tầng 3 khá “nóng” ở cuối đoạn 2, nhưng nguội dần từ đầu đoạn 3.

Khuyết Điểm

Có cảm xúc tầng 3 nhưng chưa đủ mạnh để tạo hồn thơ. (Đã giải thích ở mục Cảm Xúc Tầng 3)

Kết Luận

Ba nhiệm vụ của nhà bình thơ trong Mạch Nước Ngầm và Nhân Tình Của Những Áng Văn Xanh của Vân Anh đâu đó đã có người nhắc đến, bàn đến. Chị không phải là người đầu tiên nghĩ ra những ý tưởng đầy tính học thuật ấy. Nhưng với tâm thế của người thọ nhận, gói chúng vào 2 bài thơ, nén chúng vào 6 câu thơ vừa cô đọng, đẹp, sâu sắc, lại vừa lãng mạn, thấm đẫm chất tình như chị, thì theo tôi, xưa nay chỉ có một.

Chị đã tặng cho người yêu thơ một món quà ý nghĩa. Riêng đối với những người bình thơ như chúng tôi, trước sau, chị đã trao tận tay 3 đóa hoa hồng. Một, từ Mạch Nước Ngầm và hai, từ Nhân Tình Của Những Áng Văn Xanh.

Mai mốt đây, bàn đến đề tài bình thơ, những nhà phê bình, đặc biệt là giới trẻ, để trích dẫn, khỏi phải tìm tòi lượm lặt mỗi nơi một đoạn văn xuôi khô cứng. Trước mắt họ, những đóa hoa của Vân Anh sẽ hiện ra mời gọi. Mềm mại, dễ thương – và vẫn như ngày đầu – nguyên vẹn một màu hồng tươi thắm.

  

Phạm Đức Nhì
phamnhibinhtho.blogspot.com

CHÚ THÍCH

1/ Một Đời Yêu Anh (Em), Trần Thiện Thanh.


Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2019

LAN MAN VỀ CA KHÚC "VÀ TÔI CŨNG YÊU EM" CỦA ĐỨC HUY




Một Bình Luận Độc Đáo

Dưới bài viết Lỗi Kỹ Thuật Trong Hai Bản Nhạc Của Đức Huy của tôi trên Facebook (Tủ Sách Thi Văn Việt) có một bình luận như sau:

Theo em, cảm nhận của mỗi người ở mỗi tầng khác nhau. Trong mỗi tầng lại có nhiều ngăn khác nhau, nghĩa là góc nhìn. Vậy nên, nhiều người sẽ có góc nhìn đơn giản, người khác lại có góc nhìn nghiêm khắc. Người hiểu biết nhiều lại càng nghiêm khắc hơn.

Từ lâu, khi 2 bài hát này ra đời, đại đa số người yêu dòng nhạc này đều yêu và "chấp nhận", chứ không phải bị "đầu độc". 

Thuyết nhà Phật cũng cho rằng: "Đời tương đối mà!" 

Bản thân em, dù rất yêu mến anh qua bao nhiêu bài bình, nhưng lần này em đứng về phía Đức Huy. Muốn yêu dài lâu, yêu đậm sâu, yêu nồng nàn, yêu chứa chan..... cũng chỉ là một cách dành tình cảm hết lòng cho đối phương.

Em chúc anh luôn khoẻ và cũng rất mong đọc được nhiều những lý lẽ của anh trong chuyện này để em có dịp nâng tầng cảm nhận của mình. (1)

Thú thật, trên FB rất hiếm khi gặp bình luận kiểu này. Về lý thì Nàng đã thẳng thừng đẩy tôi về bên kia chiến tuyến. Về tình thì ngôn ngữ lịch sự và ngọt ngào như tẩm đường phèn, kèm theo một câu khen rất khéo khiến người được khen mát lòng, mát dạ. Đặc biệt, câu cuối nghe thì có vẻ hiền như “ma – sơ” (ma sœur) nhưng lại chứa một cái bẫy mà nếu không khéo, người “phía bên kia” sẽ rớt xuống một hầm chông nhọn hoắt.


Yêu Em Chứa Chan?

Nghe kỹ ca khúc Và Tôi Cũng Yêu Em tôi thấy có cái gì “kỳ kỳ, sượng sượng” ở 2 chữ cuối của điệp khúc – cũng được dùng làm đoạn kết (kiêm CODA). Đó là 2 chữ “chứa chan” trong đoạn:

Và tôi cũng yêu em.
Và tôi cũng yêu em.  
Yêu em rộn ràng, yêu em nồng nàn 
Yêu em chứa chan.
(Và Tôi Cũng Yêu Em, Đức Huy, sáng tác năm 1984)

Theo wiktionary.org thì “chứa chan” là tĩnh từ (adjective) có nghĩa là:

1/ Quá đầy do chứa nhiều đến mức tràn ra.

Chị Dậu lại chứa chan nước mắt (Tắt đèn) .
Mưa nhiều ao hồ chứa chan nước.

2/ (Tình cảm) Đậm đà, thắm thiết và sâu nặng.

Chứa chan tình thương.
Hi vọng chứa chan.
Những tháng ngày chứa chan hạnh phúc. (2)

 “Chứa chan” là tĩnh từ nên không thể bổ nghĩa cho động từ “yêu” được. Phải thay thế “chứa chan” bằng một trạng từ (adverb) mới đúng văn phạm.


Trong tiếng Việt có những chữ (hoặc nhóm chữ) vừa là tĩnh từ, vừa là trạng từ.

Thí dụ: Giỏi, thành công

Cậu ấy là học sinh giỏi trong lớp tôi. (tĩnh từ)
Cô ấy bơi giỏi lắm. (trạng từ)

Màu Tím Hoa Sim là một bài thơ thành công về mặt nghệ thuật. (tĩnh từ)
Anh ấy đã bảo vệ thành công luận án Tiến Sĩ. (trạng từ)

Nhưng cũng có những chữ (nhóm chữ) chỉ có một nhiệm vụ, hoặc là tĩnh từ, hoặc là trạng từ.

Thí dụ: Bao la (tĩnh từ), ngày mai (trạng từ)

Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào (Lòng Mẹ, Y Vân). “Bao la” chỉ có thể là tĩnh từ. 

Nếu viết:

Anh yêu em bao la như lòng đại dương.

là sai. “Bao la” là tĩnh từ không thể dùng bổ nghĩa cho động từ “yêu” được.

Ngày mai chị ấy đi Sài Gòn. “Ngày mai” là trạng từ chỉ thời gian, bổ nghĩa cho động từ “đi”

“Ngày mai” chỉ có thể làm nhiệm vụ của trạng từ, không thể dùng làm tĩnh từ được.

Tôi ủng hộ việc thi sĩ, – trong cơn cao hứng - đạp bỏ một số luật tắc của thơ để được tự do phóng bút, nhưng không nên đánh đồng tĩnh từ với trạng từ trong ngôn ngữ nghệ thuật như nhạc sĩ Đức Huy. Làm thế, cánh đồng Văn Chương sẽ héo úa rất nhanh chóng.”

Giải thích lan man như vậy để thấy nhóm chữ “yêu em chứa chan” sai đến mức vô phương bào chữa, chống đỡ. Muốn đưa hai chữ “một cách” vào để “chạy tội” cho tác giả cũng không được. Cố hiểu là “yêu em một cách chứa chan” thì người khác sẽ nghĩ là mình điên. Đưa nó vào làm ca từ của một bản nhạc là làm xấu bản nhạc. Gọi nó là ngôn ngữ nghệ thuật trong ngữ cảnh đó là bêu xấu nghệ thuật.

Đức Huy đã chọn “yêu em chứa chan” trong Và Tôi Cũng Yêu Em là để đoạn cuối được suôn sẻ - vừa hợp vận, vừa hài hòa với âm và nhịp điệu của đoạn nhạc. Để có được điều đó, anh đã hy sinh cái đẹp văn chương của ca từ.

Anh nghĩ rằng với nhạc điệu nhanh và hấp dẫn như thế, “bức tường đề kháng” của người thưởng thức sẽ bị xuyên thủng. Lý trí không đủ thời gian làm công việc “gạn đục khơi trong”, sẽ mở cửa để cả nhạc lẫn lời đi thẳng vào tâm hồn.

Và anh đã nghĩ đúng. Đã 35 năm trôi qua, bản nhạc Và Tôi Cũng Yêu Em được hát không biết bao nhiêu lần, mà 2 chữ “chứa chan” vừa sai, vừa dở như thế cũng vẫn được người nghe chấp nhận, không một lời phản đối. Bản nhạc vẫn được nhiệt liệt hoan nghênh.

Đó là cái Tài của anh. Đó cũng là cái tội. Tội vô tình đưa “rác” vào tâm hồn người nghe nhạc.


Đức Huy Không Ác Ý

Trả lời bình luận của vị nữ độc giả FB (xin phép được xưng hô “anh, em” như thường lệ):

Anh không nghĩ là Đức Huy có ác ý để “đầu độc” người nghe nhạc của anh ấy. Anh đã từng gặp ở chợ An Đông một bà cầm lá rau xà lách có con sâu to tổ bổ cuốn bánh xèo chấm mắm ăn ngon lành. Người bán hàng rửa rau không kỹ chứ không phải có ác ý “chơi khăm” khách hàng của mình.

Sống trong một gia đình nghèo ở khu lao động tỉnh lẻ, đầu óc của anh đã thấm rất nhiều những bản nhạc “sến”, những câu thơ, câu nói “cả đẩn”, những bài vọng cổ rất ít chất văn chương. May được lên Sài Gòn “du học”, được tiếp xúc với loại nhạc “cao tầm” hơn, được nghe, đọc những câu thơ, câu văn “nên thơ” hơn, được xem những tuồng cải lương có ngôn ngữ chắt lọc hơn, đẹp hơn, anh đã từng bước nâng tầm trình độ thưởng thức nghệ thuật của mình.

Nhờ làm thơ, viết văn, yêu văn nghệ (đàn hát, võ vẽ viết ca khúc) anh may mắn được tiếp xúc, gần gũi, thân thiết với rất nhiều người tài giỏi ở những lãnh vực này, được họ tận tình chỉ bảo. Rồi bị đụng xe, nghỉ lao động, cắp sách đến trường, anh cũng học được nhiều điều hay của Văn Chương Anh Mỹ (và thế giới).

Dài dòng như vậy để em biết, anh đã vô số lần – trong chốn văn chương, văn nghệ - cầm lá rau xà lách có con sâu còn to hơn con sâu của bà ở chợ An Đông, cuốn bánh xèo chấm mắm rồi vừa nhồm nhoàm nhai vừa ư ử hát trong miệng “Đời đẹp quá như a à á a a bài thơ” (Đêm Đô Thị, Y Vân)

Trở lại bản nhạc Và Tôi Cũng Yêu Em của Đức Huy, hai chữ “chứa chan” là con sâu to tướng. Trình độ của em, đọc phần giải thích ở trên, chắc đã nhận rõ điều này. Với những bản nhạc dở hoặc “thường thường” anh cũng chẳng mất công dính vào; tự nó cũng sẽ chết. Nhưng đây là bản nhạc hay, được nhiều người yêu mến. Anh không nỡ tiếp tục nhìn những người ấy (biết đâu trong đó có em) vừa nhai nhồm nhoàm con sâu trong miệng vừa như anh ngày nào, ư ử hát “Ca vang khúc yêu đời”. (Văn Phụng)

Hơn nữa, nếu viết chỉ để người đọc hiểu ý mình, và đọc chỉ để hiểu được ý người viết thì sáng tác thơ, đọc thơ, sáng tác nhạc, nghe nhạc làm chi cho mệt. Văn xuôi làm việc đó dễ dàng và chính xác hơn nhiều.

Đọc thơ, nghe nhạc (ca khúc), dĩ nhiên, ai cũng muốn hiểu tác giả muốn nói gì, muốn chia sẻ với mình tâm trạng gì. Nhưng bên cạnh đó còn có những mục đích khác:

1/ Thưởng thức những nét đẹp của thi ca, âm nhạc mà văn xuôi không có.
2/ Để tâm hồn có cơ hội được rung lên trước những cung bậc cao thấp của chữ Tình.
3/ Và nếu độ rung mạnh đến mức làm chữ Lý hoảng sợ trốn biệt, tác giả và nguời đọc thơ, nghe nhạc còn may mắn được trò chuyện với nhau bằng một thứ ngôn ngữ thơ hoặc ca từ vô cùng tinh khiết: Tiếng Người Chân Thật.

Còn nói như em:

“Muốn yêu dài lâu, yêu đậm sâu, yêu nồng nàn, yêu chứa chan..... cũng chỉ là một cách dành tình cảm hết lòng cho đối phương.”

là tác giả đã thành công trong chức năng truyền thông nhưng đã buộc em, một người thưởng thức, “quên” cái đẹp của ngôn ngữ nghệ thuật, hạ giá trị nghệ thuật những cung bậc cao thấp của chữ Tình. Nghe nhạc như thế là chấp nhận thiệt thòi rất lớn cho tâm hồn mình.

Lỗi Về Bố Cục, Thế Trận

Nghỉ hè nên em Cún, con dì Lan, được gởi đến nhà bé Hồng để học thêm tiếng Anh. Cơm nước thì không nói làm gì; đến quà bánh, sách vở, đồ chơi mẹ cũng dặn bé Hồng chia sẻ với em. Bé Hồng (8 tuổi) thỏ thẻ riêng tư với mẹ:

“Mẹ thương em Cún nhiều, phải không mẹ?”

Mẹ trả lời:

“Đúng rồi. Mẹ thương em Cún nhiều vì em Cún là con dì Lan, là cháu của mẹ, là em họ của con. Nhưng mẹ thương con nhiều nhất vì con là con của mẹ.”

Thế là bé Hồng gục đầu vào lòng mẹ cười hạnh phúc.

Nhưng nếu bà mẹ trong câu chuyện trên lại trả lời:

“Mẹ thương em Cún, và mẹ cũng thương con”

thì với cấu trúc câu như vậy, có thể bé Hồng không hiểu được sự khác biệt nhưng người lớn nghĩ sâu xa một chút, sẽ thấy sai cả về lý lẫn tình.

1/ “Em Cún” là  nhân vật phụ, nhân vật “ăn ké” mà được đặt ở phần đầu, phần chính, còn “Con” là nhân vật chính, nhân vật trung tâm mà lại đặt sau, và đặc biệt, lại ở sau nhóm chữ “và …  cũng …” – chuyên được dùng để “thêm thắt râu ria” – là không hợp lý.

2/ Dùng như vậy cũng không hợp tình. Tình thương của mẹ phải dành cho con trước. Có san sẻ cho người khác, dù sự san sẻ đó có cần thiết và cao thượng đến đâu đi nữa, con vẫn phải đứng đầu, phải được ưu tiên.

Giả dụ tình trạng tài chánh trở nên eo hẹp, người mẹ không thể bảo bọc cho đứa cháu thì sẽ bắt buộc phải “buông cháu” để lo cho con.

Sau đây là một đoạn thơ nói đến tình trạng eo hẹp đó.

Chạm tay vào phin cà phê
con đã léo nhéo:
“Bố uống ít thôi còn để tiền mua gạo”

Cho tay vào túi áo
định moi điếu thuốc lá
vợ đã cằn nhằn:
“Ông hút vừa chứ còn để tiền mua thức ăn”

Trước khi vào mâm cơm
vợ bấm vai thì thầm:
“Mình ăn rau luộc chấm mắm
có tí bạc nhạc bò kho mặn
nhường cho con
kẻo nó còi xương”

(Vì Thế Tôi Ra Đi, Phạm Đức Nhì, trang Đặng Xuân Xuyến) (3)

Tình trạng khốn khó đến nỗi vợ con người tù cải tạo trở về phải “tấn công” quyết liệt vào những thói quen, đam mê – có thể nói là không có gì quá đáng - của người chồng, người cha đáng thương.

Với cách đặt những thứ chỉ là “hương hoa” của cuộc sống khá giả, an nhàn ở vế chính, ở tầng bậc (level) cao hơn, còn người yêu thì lại ở vế phụ, ở tầng bậc thấp hơn như Và Tôi Cũng Yêu Em thì thử hỏi trong hoàn cảnh “dòng suối tình” không suôn sẻ như thí dụ ở trên, “tình yêu Tôi dành cho Em” liệu có còn chút trọng lượng nào không?

Những chất liệu lãng mạn làm nên tính nghệ sĩ của Đức Huy như “biển vắng”, “tiếng chim hót đầu ngày”, “con đường ngập lá vàng”, “mái tranh dưới hàng dừa” … dưới sức nặng của cuộc sống kham khổ sẽ tự động rơi rớt. Còn “ly cà phê buổi sáng”, “điếu thuốc”, “ly rượu ngon” – dùng lâu ngày dễ thành ghiền – thì Đức Huy tính sao? Mẹ phải “buông cháu” để lo cho con; còn anh có “buông” người tình hoặc vợ con (ở vế phụ) để thỏa mãn những nhu cầu thiết yếu của mình (ở vế chính) hay không?

Đâu đó đã có người phán một câu xanh rờn: “Tao thà bỏ vợ chứ không bỏ thuốc (hoặc rượu)”. Tôi không biết là Đức Huy có mê những thứ mà anh liệt kê sau hai chữ “tôi yêu” đến như vậy hay không.
Nhưng cách dàn trận trong ca từ của anh đã “mở đường” cho người nghe nhạc suy nghĩ theo hướng đó.

Đánh Giá Ca Từ

Thơ nên là món ăn dễ tiêu. Càng dễ tiêu càng dễ đi thẳng vào tâm hồn người đọc. Tuy nhiên, ngôn ngữ thơ, nhất là trong các bài viết theo lối Kiếm Tông, chú trọng chiêu thức, thường cô đọng. Nhiều khi không chỉ nghĩ mà phải “ngẫm” mới may ra hiểu đựợc ý tác giả. Rồi lại còn những “bài thơ trí tuệ” của những thi sĩ viết không phải để bộc lộ tâm trạng mà để phô diễn kiến thức cũng như kỹ thuật thơ mới lạ của các ngài. Đọc những bài thơ này, lý trí phải làm việc cật lực, “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, mà lắm khi cũng chả hiểu các ngài muốn nói gì.

“Ca từ” khi chưa được nhạc sĩ tuyển chọn, chỉ là cô gái – có khi còn thuộc hàng “lọ lem” - ở ngoài đời. Nhưng khi bước vào ca khúc, cô gái đã tự động có một cuộc sống khác, một địa vị khác trong xã hội. Trong trường hợp Và Tôi Cũng Yêu Em, cô gái đó đã được sống trong một gia đình khá giả, chồng có uy tín, danh vọng. Cô đã “thay da đổi thịt”, lây ngay được cái vẻ đài các, cao sang của gia đình chồng.

Vài bạn đọc trên FB chê ca từ của Và Tôi Cũng Yêu Em là “nông và nhạt”, “Chả có gì hay. Chỉ bàn cho vui vì từ vựng ‘lạ hóa’ mà thôi”. Tôi không nghĩ như vậy. Đức Huy chỉ kể ra những thứ mà anh yêu thích – “biển vắng”, ngày nắng”, “mái tranh dưới hàng dừa”, “con đường ngập lá vàng”, “tiếng chim hót đầu ngày”, ly cà phê buổi sáng”, “điếu thuốc”, “ly rượu ngon” …  - để người đọc tự khám phá, tự cảm nhận cái chất lãng mạn, nét đẹp nghệ sĩ trong tâm hồn anh. Thủ pháp “gợi, không kể” ở đây là cây cầu rất ngắn, chỉ một bước là qua phía bên kia để có sự đồng cảm với tác giả. Nhạc sĩ Đức Huy đã phô diễn để khoe cái chất nghệ sĩ trong con người mình. Và anh đã làm việc đó rất khéo.

Đặc biệt là nhờ không kể lể, biện giải dài dòng, ca từ chỉ toàn những “món dễ tiêu”, lại được chảy trên dòng nhạc tươi trẻ, hấp dẫn nên đã dễ dàng xuyên thủng “bức tường đề kháng” của người thưởng thức để đi thẳng vào tâm hồn họ. Và một hai cộng rác lẫn theo dòng chảy đó cũng là điều khó tránh khỏi. 

Cho nên, trong ca khúc, ca từ nên được đánh giá lúc đang khoác chiếc áo nhạc trên người, lúc đã thành bạn đời của một người khác - có khi thuộc tầng lớp cao sang. Dĩ nhiên, trong Và Tôi Cũng Yêu Em, cô gái, nếu bắt đứng riêng, chỗ này, chỗ khác vẫn còn đôi chút “lọ lem”, nhưng chúng ta - những người thưởng thức - nên đối xử lịch sự với nàng, vì phu quân của nàng (phần nhạc trong ca khúc chứ không phải nhạc sĩ Đức Huy) tuy chưa phải danh gia vọng tộc nhưng cũng là con nhà có chút địa vị và ít nhiều uy tín trong xã hội.

Kết Luận

Và Tôi Cũng Yêu Em là ca khúc được nhiều người thưởng ngoạn, cả ở hải ngoại lẫn trong nước - đặc biệt là giới trẻ – yêu thích. (4) Nhưng rõ ràng, như đã phân tích ở trên, phần ca từ của ca khúc đã có hai lỗi kỹ thuật khá nặng. Lỗi kỹ thuật, đương nhiên, sẽ làm giảm giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Viết bài này, cũng như những bài bình thơ khác, tôi chỉ muốn đưa Và Tôi Cũng Yêu Em vào vị trí tương xứng với giá trị nghệ thuật của nó.

Tôi cũng đã lan man một chút về việc đánh giá ca từ. Do được đồng hành cùng dòng nhạc, ca từ có sức mạnh có thể xuyên thủng những “bức tường đề kháng” của nhiều người nghe nhạc “yếu nội lực”. Đồng ý là không nên tách ca từ khỏi dòng nhạc rồi mặc tình nắn bóp, chê bai. Nhưng cũng không phải vì thế mà cứ lặng im, bất động, dù biết, dù thấy cũng không thèm đưa tay nhặt một hai cộng rác đã hoặc sắp sửa trôi qua cánh cửa tâm hồn mình.

Phạm Đức Nhì


CHÚ THÍCH:




4/
“… ông nhiều lần về nước biểu diễn, xuất hiện trong nhiều chương trình ca nhạc như Duyên dáng Việt Nam... Ông đã phát hành album mang tên Và Con Tim Đã Vui Trở Lại năm 2005 và tổ chức Liveshow riêng cùng tên vào năm 2007. Ông cũng từng tham gia làm giám khảo cho cuộc thi Bước Nhảy Hoàn Vũ 2011 và Gương Mặt Thân Quen.

Đặc biệt, trung tâm Thúy Nga đã từng thực hiện Paris By Night 33: Nhạc Tình Đức Huy (1995) và Paris By Night 118: 50 Năm Âm Nhạc Đức Huy (2016) để vinh danh dòng nhạc của ông.”























Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2019

ĐÓA HOA HỒNG CHO NGƯỜI BÌNH THƠ


                       ĐÓA HOA HỒNG CHO NGƯỜI BÌNH THƠ

Từ Một Bình Luận Trên Facebook

Mới đây, dưới bài viết Hồn Thơ Và Cảm Xúc (1) của tôi trên Facebook có hai bình luận của Vân Anh; đúng ra là một bình luận được chia làm hai phần - phần đầu là 4 câu thơ và phần sau có vẻ như là lý do chị đã viết 4 câu thơ đó.

Dưới đây là nguyên văn bình luận:

Không là dòng chảy trong mương
Không là sóng cả đại dương thăng trầm
Người – êm ái mạch nước ngầm
Chảy trong tôi suốt tháng năm vụng về.

Cám ơn anh Nhì Phạm.

Bài viết của anh thật thú vị. Em cũng từng nguệch ngoạc đôi dòng nhưng vẫn chưa thấy dáng dấp thơ trong đó. Đọc bài viết của anh và ngộ ra khá nhiều lỗ hổng trong những dòng nguệch ngoạc của mình.

Tôi trả lời:

Cảm thấy vui khi đọc những dòng "tự thú" của em. Ít ra là bài viết của anh đã có ích cho một người. Rất Yêu Quý em, Vân Anh ạ.
Bốn câu thơ của em hay lắm. Hôm nào có hứng sẽ có mấy dòng "chọc phá" em.

Bài Thơ Đã Có Tựa Đề

Sau khi cùng tôi trao đổi qua mục nhắn tin của Facebook, chị đã chọn cho đoạn thơ một tựa đề. Và bài thơ đã có bộ mặt hoàn chỉnh như sau:

MẠCH NƯỚC NGẦM

Không là dòng chảy trong mương
Không là sóng cả đại dương thăng trầm
Người – êm ái mạch nước ngầm
Chảy trong tôi suốt tháng năm vụng về.
(Vân Anh)

Tứ Thơ

Tứ thơ dựa trên văn bản:

Không là dòng chảy trong mương, cũng không phải đại dương sóng cả, Người là mạch nước ngầm, êm ái chảy trong tâm hồn tôi suốt những tháng năm vụng về.

Tứ thơ đúng là “kín như bưng”.

Cũng may, nhờ có phần sau của bình luận, tứ thơ có diện mạo dễ coi và dễ hiểu như sau:

Nhờ đọc và tiếp nhận “hương hoa” của những bài bình thơ từ 4 phương, 8 hướng, tác giả chợt “ngộ” ra rằng những nhà bình thơ (đúng ra là tác phẩm của họ), không là dòng chảy trong mương, cũng không phải đại dương sóng cả, mà hình như là một mạch nước ngầm, nhẹ nhàng êm ái chảy trong tâm hồn suốt những tháng năm chị còn vụng về trong việc sáng tác cũng như cách nhìn nhận, đánh giá thơ ca.

Ý: Chính những nhà bình thơ đã giúp thi sĩ chỉnh sửa những vụng về, bất cập trong thơ họ sáng tác cũng như cách nhìn nhận, đánh giá thơ ca của họ.

Thể Thơ

Mạch Nước Ngầm được viết bằng thể thơ lục bát, vần gieo đầy đủ, gần như là chính vận (mương/dương, trầm /ngầm, ngầm/năm) nhưng bài thơ ngắn (4 câu) nên vần chỉ vừa độ ngọt, không có hội chứng nhàm chán vần.

Nhịp điệu không mới theo nghĩa đột phá, tiên phong nhưng cũng không quá cũ. Câu 2 có đảo ngữ của tĩnh từ “sóng cả”; câu 3 có đảo ngữ của tĩnh từ “êm ái” với nhịp 1/2/3 (Người/ êm ái/ mạch nước ngầm) cũng khá lạ nhưng rất tự nhiên, không có vẻ “cố làm mới” một cách gượng gạo.

Nói chung, bài thơ gọn, đẹp về mặt hình thức.

Ngôn Ngữ, Hình Tượng

Ngôn ngữ ở câu đầu “Không là dòng chảy trong mương” có nét đẹp giản dị dân dã của cô gái quê. Đến câu thứ hai “Không là sóng cả đại dương thăng trầm” nét đẹp đã có chút ít vẻ cao sang. Về ý nghĩa, cả 2 câu đều tương hợp với - và trong chừng mực nào đó, có đóng góp cho - tứ thơ, nhưng cũng chỉ là những diễn viên phụ, đóng vai dọn cảnh.

Đến 2 câu cuối:

Người – êm ái mạch nước ngầm
Chảy trong tôi suốt tháng năm vụng về
                     
sự thăng hoa đã hiện ra rất rõ ràng. Đài các, quý phái nhưng không kênh kiệu lố lăng; trang điểm theo sát cung cách, thời trang đương đại nhưng vẫn duyên dáng, dễ mến. Và quan trọng hơn, hồn cốt của bài thơ nằm ở 2 câu này.

Người”: Danh từ, có thể số ít và cũng có thể số nhiều (hiểu với nghĩa số nhiều thì đúng hơn) – là nhà bình thơ, cũng có thể hiểu với nghĩa “hương hoa” của những tác phẩm bình thơ, hay khái quát hơn là công việc bình thơ.

Êm ái, mạch nước ngầm”: Khác với lời giải của một bài toán, những nhận định hay, dở về một bài thơ hoặc những đúng, sai liên quan đến lý thuyết thơ đều chưa phải là kết luận chung cuộc. Chúng còn phải chịu thử thách của nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái chiều, trước khi đủ độ khả tín để thuyết phục người đọc. “Hương hoa” của những bài bình thơ, nói chung là công việc bình thơ, được tác giả gọi là “mạch nước ngầm êm ái”. Nhờ “mạch nước ngầm êm ái” đó tác giả có thể chỉnh sửa những “vụng về” trong thơ, cũng như những thiếu sót, bất cập trong cách nhìn nhận, đánh giá thơ ca của mình.

“Chảy trong tôi”: Tiến trình thẩm thấu nội dung và tiêu hóa các bài bình thơ trong tâm hồn người đọc, ở đây là tác giả Mạch Nước Ngầm.

“Suốt tháng năm”: Học hỏi để biết thế nào là thơ hay, thế nào là thơ dở, để có nhận định đúng đắn về thơ nói chung, không phải chỉ một sớm, một chiều mà là công việc lâu dài; có thể nói “Còn làm thơ, còn thưởng thức thơ - nếu muốn làm thơ hay, thưởng thức thơ sành điệu - là còn phải học”.

“Vụng về”: Những yếu kém, khuyết điểm của thi sĩ biểu hiện trong tác phẩm hoặc trong cách nhìn nhận, đánh giá thơ ca.

Cả 14 chữ kết nối với nhau chặt chẽ, đắc địa đến từng chữ một – nghĩa là không thể thay thế bất cứ chữ nào bằng chữ khác hoặc hoán chuyển vị trí bất cứ chữ nào (hoặc nhóm chữ nào) với chữ khác (hoặc nhóm chữ khác), mà không làm giảm cái hay, cái đẹp tuyệt vời của cả đoạn thơ.

Thêm vào đó, để giải thích “tàm tạm” 14 chữ này tôi đã phải “gói gọn” trong 279 chữ (tỉ lệ 1/20). Có thể nói sức nén của những con chữ trong đoạn thơ này thật ghê gớm.

Bố cục:

Bố cục hay thế trận của bài thơ liền lạc, gắn bó chặt chẽ. Hai câu đầu tuy không đắc địa đến từng chữ một như 2 câu sau nhưng cũng cần thiết để làm nổi bật tứ thơ. Chữ nào cũng làm tròn nhiệm vụ của mình. Không có chữ thừa, “vô tích sự”.

Thủ Pháp Phúng Dụ
                           
Mạch Nước Ngầm của Vân Anh sử dụng thủ pháp phúng dụ (allegory) - mượn một hình ảnh trực quan để bóng gió diễn đạt một ý tưởng trừu tượng. Hình ảnh trực quan ở đây là “mạch nước ngầm”; ý tưởng trừu tượng là công việc bình thơ. Có điều “mạch nước ngầm” lại là “mạch nước ngầm” chảy trong tâm hồn nên không được trực quan cho lắm. Do đó, sợi dây nối giữa công việc bình thơ và “mạch nước ngầm”– qua tài diễn đạt của thi sĩ – dù rất hợp lý, chắc chắn và kín kẽ (không để lầm lẫn “ý tưởng trừu tượng” này với “ý tưởng trừu tượng” khác) nhưng lại quá kín, không thể “nhận diện” bằng “mắt thường”.

Có thể nói nếu chỉ dựa vào văn bản thì độc giả, kể cả những vị nhạy bén, có kinh nghiệm, cũng khó mà thấy được tứ thơ. Sợi dây nối của thủ pháp phúng dụ không hiện hình, bài thơ sẽ là một câu đố bí hiểm, chỉ tác giả mới có câu trả lời. Đây là lỗi kỹ thuật mà thi sĩ sử dụng các thủ pháp ẩn dụ, phúng dụ, “gợi, không kể” thường mắc phải. Nếu không có “thuốc chữa” bài thơ sẽ đi vào quên lãng một cách hết sức oan uổng.

Chính vì thế, tạm coi là người trong cuộc, tôi đã mạnh dạn đưa vào bài viết phần sau của bình luận nhằm “hé mở cánh cửa” để độc giả có thể bước vào thưởng thức cái hay, cái đẹp, cái độc đáo của bài thơ. Đối với lỗi kỹ thuật kiểu này, chỉ cần chữa trị một lần. Sau đó, chỉ một chú thích nhỏ, hoặc nếu bài thơ có sức sống, dù chẳng chú thích, người đọc cũng dễ dàng biết được căn nguyên, nguồn cội để “bắt” được ý tứ của bài thơ. 

Thông Điệp Sau Cùng

Viết với tâm thế của người thọ nhận, Vân Anh giống như một bệnh nhân mắc chứng “vụng thơ”, được các bác sĩ từ khắp nơi gởi về tặng mỗi người một loại thuốc. Chị tuyển lựa rồi gộp chung lại chế biến thành một món thuốc riêng, uống vào thành “mạch nước ngầm” lưu chuyển trong người mình. Nhờ món thuốc ấy, vi trùng gây bệnh mỗi ngày một chết bớt hoặc yếu dần.

Mới đây, khi có cảm giác là mình đã khỏi bệnh, chị bày tỏ tâm sự của mình bằng một bài thơ. Hai chữ “vụng về” trong bài thơ là thủ pháp “gợi, không kể” (Show, Don’t tell). Khi nghe bệnh nhân thố lộ là nhờ “thuốc” của mình chị đã khỏi bệnh, các bác sĩ - ẩn trong phép phúng dụ là các nhà bình thơ - sẽ mỉm cười khi thấy trước mắt mình một chiếc cầu ngắn. Bước qua chiếc cầu ngắn đó bằng một chút liên tưởng, họ sẽ nhận ra: “Chữa trị chứng bệnh ‘vụng thơ’ là nhiệm vụ chính của mình, của công việc bình thơ”.

Không ít nhà bình thơ, với số lượng bài viết đáng nể, vẫn tiếp tục bình thơ không bàn thi pháp hoặc chỉ khen không chê, nghĩa là không để ý, hoặc tác động được rất ít, đến chứng bệnh “vụng thơ” của tác giả. Với Mạch Nước Ngầm, Vân Anh thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của chị đối với những người làm công việc bình thơ, nhưng cũng rất tế nhị, nhắc khéo họ quan tâm đến hai chữ “vụng về” của thi sĩ.

Cái Dở Của Phúng Dụ lại Thành Hay

Như đã nói ở trên, phúng dụ là mượn một hình ảnh trực quan để bóng gió diễn đạt một ý tưởng trừu tượng. Nhưng hình ảnh trực quan trong bài thơ là “mạch nước ngầm” mà lại là “mạch nước ngầm” chảy trong tâm hồn nên không được “trực quan” cho lắm. Hậu quả là độc giả rất khó “bắt” được tứ thơ. Tuy nhiên, khi đã “hé mở cánh cửa” thì cái “mông lung sương khói” của “mạch nước ngầm chảy trong tâm hồn” lại trở thành cây cầu liên tưởng rất đẹp khiến độc giả thật sảng khoái khi đi trên đường đến bến đỗ của tứ thơ, rồi sau đó hiểu được ẩn ý của tác giả.

Tôi không biết Vân Anh vô tình hay cố ý. Nhưng dù gì đi nữa, cuối cùng cái dở của phép phúng dụ lại thành hay.

Sự Kín Kẽ Của Phúng Dụ

Trong các cuộc trao đổi, tranh luận về thơ, có một câu nói thường được đưa ra, đại ý:

“Mỗi người có một ‘bộ’ tâm tư, tình cảm khác nhau, nên khi đọc một bài thơ họ có quyền hiểu theo ‘hệ quy chiếu’ của riêng họ, có khi khác xa với ý của tác giả.”

Tôi không nghĩ như vậy. Thi sĩ làm thơ là để chia sẻ nỗi lòng, tâm sự - những vui buồn, ưu tư, băn khoăn, yêu thương, thù hận … của mình trước cảnh đời - với độc giả; còn có được sự thông cảm hoặc đồng cảm hay không lại là chuyện khác. Nhưng chắc là ít ai bỏ tim óc ra làm thơ lại muốn thấy thiên hạ không cần tìm hiểu nỗi lòng, tâm sự của mình mà chỉ mượn bài thơ làm “bệ” để “phóng” tâm hồn họ đi trăm phương ngàn hướng.

Làm thơ mà để độc giả (có trình độ) không “bắt” được tứ thơ, không hiểu được nỗi lòng của mình, hoặc nỗi lòng này lại hiểu lầm thành nỗi lòng khác, thì theo tôi, trách nhiệm phần lớn thuộc về thi sĩ.

Dĩ nhiên, có những câu, những đoạn thơ gợi cho người đọc những kỷ niệm vui, buồn của một thời xa xưa, có khi không giống với khung cảnh của bài thơ, hoặc vùng trời ước mơ của thi sĩ (nhưng cả bài thì lại khác). Thỉnh thoảng cũng có những bài thơ mà ở đoạn cuối tác giả tự tìm đến một chân trời rộng mở để thả hồn mình vào mênh mông. Lúc nó người đọc tha hồ “phóng” tâm hồn đến bất cứ nơi nào mình muốn.

Tôi nhớ đến bài thơ Mắt Bồ Câu của Nguyễn Khắc Phước. Khi thi sĩ chạy 150 cây số chỉ để về đứng lặng, ngắm ngã ba sông, rồi:

chép giấc mơ vào con thuyền giấy
thả trôi vào mênh mông (2)

thì trong khung cảnh đó, độc giả - với cùng nỗi nhớ thương, tiếc nuối như tác giả - có quyền thả con thuyền giấy của riêng mình trôi đến bến bờ nào cũng được.  

Nhưng đại đa số những bài thơ khác, viết là để bộc lộ, chia sẻ tâm tình. Mạch Nước Ngầm của Vân Anh thuộc loại này. Nhưng đặc biệt, nhờ ngôn ngữ của bài thơ chắt lọc, đắc địa đến từng chữ một (ở 2 câu cuối), thủ pháp phúng dụ lại không một khe hở, nên khi đã “hé mở cánh cửa” để độc giả bước vào khung cảnh của bài thơ thì họ chỉ có một đường cùng đi với tác giả đến bến đỗ của tứ thơ. Rồi sau đó bước qua một chiếc cầu ngắn nữa của thủ pháp “gợi, không kể” để hiểu thông điệp của bài thơ. Không có con đường nào khác.  

Với bài thơ sử dụng đến 2 biện pháp tu từ (phúng dụ và “gợi, không kể”) - trong đó “hình ảnh trực quan” của phúng dụ lại cũng “mông lung sương khói” - như Mạch Nước Ngầm mà vẫn không để độc giả có lý do (chính đáng) rẽ ngang, rẽ dọc, vẫn thẳng một đường đi đến cánh cửa tâm hồn mình - thì thi sĩ quả là “cao tay ấn”.

Đây là ưu điểm rất đáng khen của Mạch Nước Ngầm.

Khí Tông Và Kiếm Tông
                                                                                                                         
Võ học Hoa Sơn chia làm hai phe: Kiếm Tông và Khí Tông. Kiếm tông lấy chiêu thức làm chính - cứ luyện kiếm thành thục thì nội công tự động tăng tiến. Ngược lại, Khí Tông lấy khí làm gốc, nội công vững thì kiếm pháp có chỗ dựa để tiến xa hơn. (3)

Thơ của phe Kiếm Tông chú trọng kỹ thuật thơ - ngôn ngữ, hình tượng, thế trận chữ nghĩa và các biện pháp tu từ. Thi sĩ của phe Kiếm Tông ít nhiều đều treo giải thưởng cho người “bắt” được, hiểu được ý tứ của bài thơ. Đó là cảm giác sung sướng khó tả khi khám phá ra con đường chứa đầy hoa thơm cỏ lạ, và cứ thế từng bước đi đến cánh cửa tâm hồn của tác giả.

Trong thơ của phe Kiếm Tông cảm xúc tầng 1 và tầng 2 thường mạnh, hoặc rất mạnh. Cảm xúc tầng 3 (đỉnh điểm là hồn thơ) thường vắng bóng (hoặc rất nhẹ, không đáng kể).

Một số bài thơ nổi tiếng của phe Kiếm Tông là: Sông Lấp của Tú Xương (4), Lương Châu Từ của Vương Hàn (5), Bánh Vẽ của Chế Lan Viên (6)…

Thơ của phe Khí Tông chú trọng cảm xúc. Các phương tiện thẩm mỹ khác của thi pháp chỉ là phương tiện để khơi dòng cho cảm xúc tuôn chảy. Trong những bài thơ thành công của phe Khí Tông, cảm xúc tầng 3 rất mạnh, nhiều bài lên tới đỉnh điểm. Đó là lúc thi sĩ nổi điên, cảm xúc sôi lên phủ mờ lý trí, Hồn Thơ lai láng. Lời thơ là tiếng lòng chân thật của thi sĩ. Bài thơ đã dành được phần thưởng cao quý nhất - bước vào Bến Bờ Thi Ca.

Vài bài thơ nổi tiếng (đã bước vào Bến Bờ Thi Ca) của phe Khí Tông là: Say Đi Em của Vũ Hoàng Chương (7), Nhìn Từ Xa … Tổ Quốc của Nguyễn Duy (8), Tạ Lỗi Trường Sơn của Đỗ Trung Quân (9)… Ở đây, tôi chỉ dựa vào trạng thái “lạc thần trí“ của thi sĩ (có tiếng lòng chân thật) để đưa bài thơ vào Bến Bờ Thi Ca. Vị trí cao thấp của thi phẩm trong Bến Bờ Thi Ca còn tùy thuộc những phương tiện thẩm mỹ khác của thi pháp.

“Mạch Nước Ngầm” Của Vân Anh Thuộc Kiếm Tông Hay Khí Tông?

Mạch Nước Ngầm có những đặc điểm sau đây:

1/ Bài thơ bày tỏ lòng biết ơn, nhưng cũng là lời nhắc khéo để giới bình thơ nhìn lại nhiệm vụ của mình: Ca ngợi cái hay cái đẹp nhưng cũng đừng quên chỉnh sửa những vụng về, bất cập của thơ.

2/ Ngôn ngữ chắt lọc, đắc địa - đặc biệt ở 2 câu cuối.

3/ Vần vừa đủ độ ngọt, nhịp điệu của thể thơ lục bát không ở vị thế tiên phong nhưng cũng không quá cũ.

4/ Thế trận chặt chẽ

5/ Thủ pháp phúng dụ kín kẽ.

6/ “Gợi, không kể” mời gọi một “liên tưởng gần”, cây cầu ngắn, dễ bước qua.

7/ Phúng dụ kết hợp với “gợi, không kể” đưa độc giả vào một cuộc phiêu lưu lý thú để vào bến đỗ của tứ thơ rồi sau đó bắt gặp thông điệp của tác giả.

8/ Bài thơ ngắn, thiên về kỹ thuật (chiêu thức) nên không có cảm xúc tầng 3. Tuy nhiên, cảm xúc tầng 1 và tầng 2 rất mạnh.


Tóm lại, Mạch Nước Ngầm thuộc phe Kiếm Tông, nhưng có thể nói, nó là một trong số ít những cao thủ của phe kiếm này.

Kết Luận

Vân Anh hiện đang là giáo viên Tiểu Học. Chị có năng khiếu về thơ nhưng hiểu biết sâu sắc về kỹ thuật thơ của chị, theo tôi, đều được lựa lọc, học hỏi từ Đại Học Trường Đời. Nếu xem Mạch Nước Ngầm là luận văn tốt nghiệp thì chị xứng đáng được chấm đỗ Ưu hạng.

Đọc thơ chị, thấy cũng có một số bài viết theo lối Khí Tông – thiên về cảm xúc. Tôi mong rằng sẽ có một lúc nào đó, gặp một cảnh đời nào đó, khiến chị nổi điên – điên vì quá yêu thương, buồn chán, thù hận … _ cảm xúc sôi lên phủ mờ lý trí, thì với kỹ thuật thơ chắc tay như thế, việc cho ra đời một bài thơ có thể hiên ngang bước vào Bến Bờ Thi Ca, với chị, cũng không quá tầm tay với.

Xin cám ơn Vân Anh. Chị đã tặng chúng tôi - những người đang miệt mài, say sưa với công việc bình thơ - thi phẩm Mạch Nước Ngầm, đẹp như một đóa hoa hồng tươi thắm.

Phạm Đức Nhì
phamnhibinhtho.blogspot.com

CHÚ THÍCH:

1/ Hồn Thơ Và Cảm Xúc, FB nhipham

2/ “Mắt Bồ Câu – Bài Thơ Mới Đọc Lần Đầu, Phạm Đức Nhì, phamnhibinhtho.blogspot.com

3/ Tiếu Ngạo Giang Hồ của Kim Dung.

4/ Sông Lấp - Một Bài Thơ Toàn Bích, Phạm Đức Nhì, phamnhibinhtho.blogspot.com

5/ Lương Châu Từ - Rượu Và Nỗi Sầu Chinh Chiến, Phạm Đức nhì, phamnhibinhtho.blogspot.com

6/ “Bánh Vẽ” Và Nhân Cách Môt Nhà Thơ, Phạm Đức Nhì, phamnhibinhtho.blogspot.com

7/ Say Đi Em - Một Bài Thơ Tới Bến, Phạm Đức Nhì, phamnhibinhtho.blogspot.com

8/ Nhìn Từ Xa … Tổ Quốc - Nỗi Đau Quặn Thắt Của Một Người Việt Yêu Nước, Phạm Đức Nhì, phamnhibinhtho.blogspot.com

9/ Tạ Lỗi Trường Sơn – Bài Thơ Ngược Dòng Nóng Bỏng, Phạm Đức Nhì, phamnhibinhtho.blogspot.com