Một Bình Luận Độc
Đáo
Dưới bài viết Lỗi Kỹ Thuật Trong Hai Bản Nhạc Của Đức Huy
của tôi trên Facebook (Tủ Sách Thi Văn Việt) có một bình luận như sau:
Theo em, cảm nhận của mỗi người ở mỗi tầng khác nhau. Trong
mỗi tầng lại có nhiều ngăn khác nhau, nghĩa là góc nhìn. Vậy nên, nhiều người sẽ
có góc nhìn đơn giản, người khác lại có góc nhìn nghiêm khắc. Người hiểu biết
nhiều lại càng nghiêm khắc hơn.
Từ lâu, khi 2 bài hát này ra đời, đại đa số người yêu dòng nhạc này đều yêu và "chấp nhận", chứ không phải bị "đầu độc".
Thuyết nhà Phật cũng cho rằng: "Đời tương đối mà!"
Bản thân em, dù rất yêu mến anh qua bao nhiêu bài bình, nhưng lần này em đứng về phía Đức Huy. Muốn yêu dài lâu, yêu đậm sâu, yêu nồng nàn, yêu chứa chan..... cũng chỉ là một cách dành tình cảm hết lòng cho đối phương.
Em chúc anh luôn khoẻ và cũng rất mong đọc được nhiều những lý lẽ của anh trong chuyện này để em có dịp nâng tầng cảm nhận của mình. (1)
Thú thật, trên FB rất hiếm khi gặp
bình luận kiểu này. Về lý thì Nàng đã thẳng thừng đẩy tôi về bên kia chiến tuyến.
Về tình thì ngôn ngữ lịch sự và ngọt ngào như tẩm đường phèn, kèm theo một câu
khen rất khéo khiến người được khen mát lòng, mát dạ. Đặc biệt, câu cuối nghe
thì có vẻ hiền như “ma – sơ” (ma sœur) nhưng lại chứa một cái bẫy mà nếu
không khéo, người “phía bên kia” sẽ rớt xuống một hầm chông nhọn hoắt.
Yêu Em Chứa Chan?
Nghe kỹ ca khúc Và Tôi Cũng Yêu Em tôi thấy có cái gì “kỳ
kỳ, sượng sượng” ở 2 chữ cuối của điệp khúc – cũng được dùng làm đoạn kết (kiêm
CODA). Đó là 2 chữ “chứa chan” trong đoạn:
Và tôi cũng yêu em.
Và tôi cũng yêu em.
Yêu em rộn ràng, yêu em nồng nàn
Yêu em chứa chan.
Yêu em rộn ràng, yêu em nồng nàn
Yêu em chứa chan.
(Và Tôi Cũng Yêu Em, Đức Huy, sáng tác năm 1984)
Theo wiktionary.org thì “chứa chan” là tĩnh từ (adjective) có nghĩa là:
Chị Dậu lại chứa chan nước mắt
(Tắt đèn) .
Mưa nhiều ao hồ chứa chan nước.
2/ (Tình cảm) Đậm đà, thắm thiết và sâu nặng.
Chứa chan tình
thương.
Hi vọng chứa chan.
Những tháng ngày chứa chan hạnh phúc. (2)
“Chứa chan” là tĩnh
từ nên không thể bổ nghĩa cho động từ “yêu” được. Phải thay thế “chứa chan” bằng
một trạng từ (adverb) mới đúng văn
phạm.
Trong tiếng Việt có những chữ (hoặc nhóm chữ) vừa là tĩnh
từ, vừa là trạng từ.
Thí dụ: Giỏi, thành công
Cậu ấy là học sinh giỏi
trong lớp tôi. (tĩnh từ)
Cô ấy bơi giỏi
lắm. (trạng từ)
Màu Tím Hoa Sim là một bài thơ thành công về mặt nghệ thuật. (tĩnh từ)
Anh ấy đã bảo vệ thành
công luận án Tiến Sĩ. (trạng từ)
Nhưng cũng có những chữ (nhóm chữ) chỉ có một nhiệm vụ,
hoặc là tĩnh từ, hoặc là trạng từ.
Thí dụ: Bao la (tĩnh từ), ngày mai (trạng từ)
Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào
(Lòng Mẹ, Y Vân). “Bao la” chỉ có thể là tĩnh từ.
Nếu viết:
Anh yêu em bao la như lòng đại dương.
là sai. “Bao la” là tĩnh từ không thể dùng bổ nghĩa cho động
từ “yêu” được.
Ngày mai chị ấy
đi Sài Gòn. “Ngày mai” là trạng từ chỉ thời gian, bổ nghĩa cho động từ “đi”
“Ngày mai” chỉ có thể làm nhiệm vụ của trạng từ, không thể
dùng làm tĩnh từ được.
Tôi ủng hộ việc thi sĩ, – trong cơn cao hứng - đạp bỏ một
số luật tắc của thơ để được tự do phóng bút, nhưng không nên đánh đồng tĩnh từ
với trạng từ trong ngôn ngữ nghệ thuật
như nhạc sĩ Đức Huy. Làm thế, cánh đồng Văn Chương sẽ héo úa rất nhanh chóng.”
Giải thích lan man như vậy để thấy nhóm chữ “yêu em chứa chan” sai đến mức vô phương
bào chữa, chống đỡ. Muốn đưa hai chữ “một cách” vào để “chạy tội” cho tác giả cũng
không được. Cố hiểu là “yêu em một cách
chứa chan” thì người khác sẽ nghĩ là mình điên. Đưa nó vào làm ca từ của một
bản nhạc là làm xấu bản nhạc. Gọi nó là ngôn ngữ nghệ thuật trong ngữ cảnh đó là
bêu xấu nghệ thuật.
Đức Huy đã chọn “yêu
em chứa chan” trong Và Tôi Cũng Yêu Em là để đoạn cuối được suôn sẻ - vừa hợp
vận, vừa hài hòa với âm và nhịp điệu của đoạn nhạc. Để có được điều đó, anh đã
hy sinh cái đẹp văn chương của ca từ.
Anh nghĩ rằng với nhạc điệu nhanh và hấp dẫn như thế, “bức tường đề kháng” của người thưởng thức
sẽ bị xuyên thủng. Lý trí không đủ thời gian làm công việc “gạn đục khơi
trong”, sẽ mở cửa để cả nhạc lẫn lời đi thẳng vào tâm hồn.
Và anh đã nghĩ đúng. Đã 35 năm trôi qua, bản nhạc Và Tôi
Cũng Yêu Em được hát không biết bao nhiêu lần, mà 2 chữ “chứa chan” vừa sai, vừa dở như thế cũng vẫn được người nghe chấp nhận,
không một lời phản đối. Bản nhạc vẫn được nhiệt liệt hoan nghênh.
Đó là cái Tài của anh. Đó cũng là cái tội. Tội vô tình đưa
“rác” vào tâm hồn người nghe nhạc.
Đức Huy Không Ác Ý
Trả lời bình luận của vị nữ độc giả FB (xin phép được xưng
hô “anh, em” như thường lệ):
Anh không nghĩ là Đức Huy có ác ý để “đầu độc” người nghe
nhạc của anh ấy. Anh đã từng gặp ở chợ An Đông một bà cầm lá rau xà lách có con
sâu to tổ bổ cuốn bánh xèo chấm mắm ăn ngon lành. Người bán hàng rửa rau không
kỹ chứ không phải có ác ý “chơi khăm” khách hàng của mình.
Sống trong một gia đình nghèo ở khu lao động tỉnh lẻ, đầu
óc của anh đã thấm rất nhiều những bản nhạc “sến”, những câu thơ, câu nói “cả đẩn”,
những bài vọng cổ rất ít chất văn chương. May được lên Sài Gòn “du học”, được
tiếp xúc với loại nhạc “cao tầm” hơn, được nghe, đọc những câu thơ, câu văn “nên
thơ” hơn, được xem những tuồng cải lương có ngôn ngữ chắt lọc hơn, đẹp hơn, anh
đã từng bước nâng tầm trình độ thưởng thức nghệ thuật của mình.
Nhờ làm thơ, viết văn, yêu văn nghệ (đàn hát, võ vẽ viết
ca khúc) anh may mắn được tiếp xúc, gần gũi, thân thiết với rất nhiều người tài
giỏi ở những lãnh vực này, được họ tận tình chỉ bảo. Rồi bị đụng xe, nghỉ lao động,
cắp sách đến trường, anh cũng học được nhiều điều hay của Văn Chương Anh Mỹ (và
thế giới).
Dài dòng như vậy để em biết, anh đã vô số lần – trong chốn
văn chương, văn nghệ - cầm lá rau xà lách có con sâu còn to hơn con sâu của bà ở
chợ An Đông, cuốn bánh xèo chấm mắm rồi vừa nhồm nhoàm nhai vừa ư ử hát trong
miệng “Đời đẹp quá như a à á a a bài thơ” (Đêm Đô Thị, Y Vân)
Trở lại bản nhạc Và Tôi Cũng Yêu Em của Đức Huy, hai chữ “chứa chan” là con sâu to tướng. Trình
độ của em, đọc phần giải thích ở trên, chắc đã nhận rõ điều này. Với những bản
nhạc dở hoặc “thường thường” anh cũng chẳng mất công dính vào; tự nó cũng sẽ chết.
Nhưng đây là bản nhạc hay, được nhiều người yêu mến. Anh không nỡ tiếp tục nhìn
những người ấy (biết đâu trong đó có em) vừa nhai nhồm nhoàm con sâu trong miệng
vừa như anh ngày nào, ư ử hát “Ca vang khúc yêu đời”. (Văn Phụng)
Hơn nữa, nếu viết chỉ để người đọc hiểu ý mình, và đọc chỉ
để hiểu được ý người viết thì sáng tác thơ, đọc thơ, sáng tác nhạc, nghe nhạc làm
chi cho mệt. Văn xuôi làm việc đó dễ dàng và chính xác hơn nhiều.
Đọc thơ, nghe nhạc (ca khúc), dĩ nhiên, ai cũng muốn hiểu
tác giả muốn nói gì, muốn chia sẻ với mình tâm trạng gì. Nhưng bên cạnh đó còn
có những mục đích khác:
1/ Thưởng thức những nét đẹp của thi ca, âm nhạc mà văn
xuôi không có.
2/ Để tâm hồn có cơ hội được rung lên trước những cung bậc
cao thấp của chữ Tình.
3/ Và nếu độ rung mạnh đến mức làm chữ Lý hoảng sợ trốn
biệt, tác giả và nguời đọc thơ, nghe nhạc còn may mắn được trò chuyện với nhau
bằng một thứ ngôn ngữ thơ hoặc ca từ vô cùng tinh khiết: Tiếng Người Chân Thật.
Còn nói như em:
“Muốn yêu dài lâu, yêu đậm sâu, yêu nồng nàn, yêu chứa
chan..... cũng chỉ là một cách dành tình cảm hết lòng cho đối phương.”
là tác giả đã thành công trong chức
năng truyền thông nhưng đã buộc em, một người thưởng thức, “quên” cái đẹp của
ngôn ngữ nghệ thuật, hạ giá trị nghệ thuật những cung bậc cao thấp của
chữ Tình. Nghe nhạc như thế là chấp nhận thiệt thòi rất lớn cho tâm hồn mình.
Lỗi Về Bố Cục, Thế
Trận
Nghỉ hè nên em Cún, con dì Lan, được gởi đến nhà bé Hồng
để học thêm tiếng Anh. Cơm nước thì không nói làm gì; đến quà bánh, sách vở, đồ
chơi mẹ cũng dặn bé Hồng chia sẻ với em. Bé Hồng (8 tuổi) thỏ thẻ riêng tư với
mẹ:
“Mẹ thương em Cún
nhiều, phải không mẹ?”
Mẹ trả lời:
“Đúng rồi. Mẹ thương em Cún nhiều vì em Cún là con dì Lan,
là cháu của mẹ, là em họ của con. Nhưng mẹ thương con nhiều nhất vì con là con
của mẹ.”
Thế là bé Hồng gục đầu vào lòng mẹ
cười hạnh phúc.
Nhưng nếu bà mẹ trong câu chuyện
trên lại trả lời:
“Mẹ thương em Cún, và mẹ cũng thương
con”
thì với cấu trúc câu như vậy, có
thể bé Hồng không hiểu được sự khác biệt nhưng người lớn nghĩ sâu xa một chút,
sẽ thấy sai cả về lý lẫn tình.
1/ “Em Cún” là nhân vật phụ, nhân vật “ăn ké” mà được đặt ở
phần đầu, phần chính, còn “Con” là nhân vật chính, nhân vật trung tâm mà lại đặt
sau, và đặc biệt, lại ở sau nhóm chữ “và … cũng …” – chuyên được dùng để “thêm thắt râu
ria” – là không hợp lý.
2/ Dùng như vậy cũng không hợp tình.
Tình thương của mẹ phải dành cho con trước. Có san sẻ cho người khác, dù sự san
sẻ đó có cần thiết và cao thượng đến đâu đi nữa, con vẫn phải đứng đầu, phải được
ưu tiên.
Giả dụ tình trạng tài chánh trở nên
eo hẹp, người mẹ không thể bảo bọc cho đứa cháu thì sẽ bắt buộc phải “buông cháu”
để lo cho con.
Sau đây là một đoạn thơ nói đến tình
trạng eo hẹp đó.
Chạm tay vào phin cà phê
con đã léo nhéo:
“Bố uống ít thôi còn để tiền mua gạo”
Cho tay vào túi áo
định moi điếu thuốc lá
vợ đã cằn nhằn:
“Ông hút vừa chứ còn để tiền mua thức ăn”
Trước khi vào mâm cơm
vợ bấm vai thì thầm:
“Mình ăn rau luộc chấm mắm
có tí bạc nhạc bò kho mặn
nhường cho con
kẻo nó còi xương”
(Vì Thế Tôi Ra Đi, Phạm Đức Nhì, trang Đặng Xuân Xuyến) (3)
Tình trạng khốn khó đến nỗi vợ con người tù cải tạo trở về
phải “tấn công” quyết liệt vào những thói quen, đam mê – có thể nói là không có
gì quá đáng - của người chồng, người cha đáng thương.
Với cách đặt những thứ chỉ là “hương
hoa” của cuộc sống khá giả, an nhàn ở vế chính, ở tầng bậc (level) cao hơn, còn
người yêu thì lại ở vế phụ, ở tầng bậc thấp hơn như Và Tôi Cũng Yêu Em thì thử
hỏi trong hoàn cảnh “dòng suối tình” không suôn sẻ như thí dụ ở trên, “tình yêu
Tôi dành cho Em” liệu có còn chút trọng lượng nào không?
Những chất liệu lãng mạn làm nên
tính nghệ sĩ của Đức Huy như “biển vắng”, “tiếng chim hót đầu ngày”, “con đường
ngập lá vàng”, “mái tranh dưới hàng dừa” … dưới sức nặng của cuộc sống kham khổ
sẽ tự động rơi rớt. Còn “ly cà phê buổi sáng”, “điếu thuốc”, “ly rượu ngon” – dùng
lâu ngày dễ thành ghiền – thì Đức Huy tính sao? Mẹ phải “buông cháu” để lo cho
con; còn anh có “buông” người tình hoặc vợ con (ở vế phụ) để thỏa mãn những nhu
cầu thiết yếu của mình (ở vế chính) hay không?
Đâu đó đã có người phán một câu
xanh rờn: “Tao thà bỏ vợ chứ không bỏ thuốc
(hoặc rượu)”. Tôi không biết là Đức Huy có mê những thứ mà anh liệt kê sau
hai chữ “tôi yêu” đến như vậy hay không.
Nhưng cách dàn trận trong ca từ của
anh đã “mở đường” cho người nghe nhạc suy nghĩ theo hướng đó.
Đánh Giá Ca Từ
Thơ nên là món ăn dễ tiêu. Càng dễ
tiêu càng dễ đi thẳng vào tâm hồn người đọc. Tuy nhiên, ngôn ngữ thơ, nhất là
trong các bài viết theo lối Kiếm Tông, chú trọng chiêu thức, thường cô đọng.
Nhiều khi không chỉ nghĩ mà phải “ngẫm” mới may ra hiểu đựợc ý tác giả. Rồi lại
còn những “bài thơ trí tuệ” của những thi sĩ viết không phải để bộc lộ tâm trạng
mà để phô diễn kiến thức cũng như kỹ thuật thơ mới lạ của các ngài. Đọc những bài
thơ này, lý trí phải làm việc cật lực, “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, mà lắm khi cũng
chả hiểu các ngài muốn nói gì.
“Ca từ” khi chưa được nhạc sĩ tuyển
chọn, chỉ là cô gái – có khi còn thuộc hàng “lọ lem” - ở ngoài đời. Nhưng khi bước vào ca khúc, cô gái đã tự động có một cuộc sống khác, một địa vị khác
trong xã hội. Trong trường hợp Và Tôi Cũng Yêu Em, cô gái đó đã được sống trong
một gia đình khá giả, chồng có uy tín, danh vọng. Cô đã “thay da đổi thịt”, lây
ngay được cái vẻ đài các, cao sang của gia đình chồng.
Vài bạn đọc trên FB chê ca từ của
Và Tôi Cũng Yêu Em là “nông và nhạt”, “Chả có gì hay. Chỉ bàn cho vui vì từ vựng
‘lạ hóa’ mà thôi”. Tôi không nghĩ như vậy. Đức Huy chỉ kể ra những thứ mà anh yêu
thích – “biển vắng”, ngày nắng”, “mái tranh dưới hàng dừa”, “con đường ngập lá
vàng”, “tiếng chim hót đầu ngày”, ly cà phê buổi sáng”, “điếu thuốc”, “ly rượu
ngon” … - để người đọc tự khám phá, tự cảm
nhận cái chất lãng mạn, nét đẹp nghệ sĩ trong tâm hồn anh. Thủ pháp “gợi, không
kể” ở đây là cây cầu rất ngắn, chỉ một bước là qua phía bên kia để có sự đồng cảm
với tác giả. Nhạc sĩ Đức Huy đã phô diễn để khoe cái chất nghệ sĩ trong con người
mình. Và anh đã làm việc đó rất khéo.
Đặc biệt là nhờ không kể lể, biện
giải dài dòng, ca từ chỉ toàn những “món dễ tiêu”, lại được chảy trên dòng nhạc
tươi trẻ, hấp dẫn nên đã dễ dàng xuyên thủng “bức tường đề kháng” của người thưởng
thức để đi thẳng vào tâm hồn họ. Và một hai cộng rác lẫn theo dòng chảy đó cũng
là điều khó tránh khỏi.
Cho nên, trong ca khúc, ca từ nên
được đánh giá lúc đang khoác chiếc áo nhạc trên người, lúc đã thành bạn đời của
một người khác - có khi thuộc tầng lớp cao sang. Dĩ nhiên, trong Và Tôi Cũng Yêu
Em, cô gái, nếu bắt đứng riêng, chỗ này, chỗ khác vẫn còn đôi chút “lọ lem”, nhưng
chúng ta - những người thưởng thức - nên đối xử lịch sự với nàng, vì phu quân của
nàng (phần nhạc trong ca khúc chứ không phải nhạc sĩ Đức Huy) tuy chưa phải danh gia vọng tộc nhưng cũng là con nhà có chút
địa vị và ít nhiều uy tín trong xã hội.
Kết Luận
Và Tôi Cũng Yêu Em là ca khúc được nhiều người thưởng ngoạn,
cả ở hải ngoại lẫn trong nước - đặc biệt là giới trẻ – yêu thích. (4) Nhưng rõ
ràng, như đã phân tích ở trên, phần ca từ của ca khúc đã có hai lỗi kỹ thuật khá
nặng. Lỗi kỹ thuật, đương nhiên, sẽ làm giảm giá trị nghệ thuật của tác phẩm.
Viết bài này, cũng như những bài bình thơ khác, tôi chỉ muốn đưa Và Tôi Cũng Yêu
Em vào vị trí tương xứng với giá trị nghệ thuật của nó.
Tôi cũng đã lan man một chút về việc đánh giá ca từ. Do
được đồng hành cùng dòng nhạc, ca từ có sức mạnh có thể xuyên thủng những “bức
tường đề kháng” của nhiều người nghe nhạc “yếu nội lực”. Đồng ý là không nên tách
ca từ khỏi dòng nhạc rồi mặc tình nắn bóp, chê bai. Nhưng cũng không phải vì thế mà cứ lặng im, bất động, dù biết, dù
thấy cũng không thèm đưa tay nhặt một hai cộng rác đã hoặc sắp sửa trôi qua cánh
cửa tâm hồn mình.
Phạm Đức Nhì
CHÚ THÍCH:
4/
“… ông nhiều lần về nước biểu diễn, xuất hiện trong nhiều
chương trình ca nhạc như Duyên dáng Việt Nam... Ông đã phát hành album mang tên Và Con Tim Đã Vui Trở Lại năm 2005 và tổ chức Liveshow riêng cùng tên vào
năm 2007. Ông cũng từng
tham gia làm giám khảo cho cuộc thi Bước Nhảy Hoàn Vũ 2011 và Gương Mặt Thân Quen.
Đặc biệt, trung tâm Thúy Nga đã từng thực hiện Paris By Night 33: Nhạc Tình Đức Huy (1995)
và Paris By Night 118: 50 Năm Âm
Nhạc Đức Huy (2016) để vinh danh dòng nhạc của ông.”
Bài viết về ca khúc "Và tôi cũng yêu em"của anh thật chính xác với lý luận "tính từ không bỏ nghĩa cho động từ". Nghe câu đó thì hiểu nhạc sĩ Đức Huy muốn nói gì nhưng viết như thế thì ca khúc mất đi giá trị
Trả lờiXóa