NHẬN XÉT VỀ LUẬT VÀ VẦN TRONG BÀI THƠ
“BIỂN ĐÊM” CỦA NGUYÊN LẠC
BIỂN ĐÊM
Biệt ly từ cuộc bể dâu
Mất nhau từ thưở ba đào quê hương
Người về tìm lại mùi hương
Người về tìm lại thân thương đã rồi...
Biết rằng sương khói mà thôi
Thịt da trên cát hằn tôi nỗi sầu
Biển chiều trời vội trốn mau
Cô đơn lặng nhớ tình đau một thời
Biển xưa bãi cũ tôi ngồi
Hồn nghe sóng vỗ đôi mươi tình nào
Tay ôm thân ngất quyện nhau
Môi thơm ngực ngải cho nhau lần đầu
Đêm nay biển vắng người đâu?
Vầng trăng khuyết tật trên đầu đưa tang
Rì rào lớp sóng kêu than
Gió ngàn thông réo gọi oan khiên về
Cát luồn tuôn sợi tay mơ
Tình luồn ngăn nhớ hương mê thân nào
Thịt da nhung mượt đêm nao
Hằn trong ký ức biết làm sao đây?
Biển ơi có biết tình tôi?
Sóng ơi sao xóa dấu người tôi yêu?
Bãi xưa còn lại gì đâu?
Về chi nghe tiếng khóc gào sóng đau?
Vời kia một bóng trăng sầu
Nghìn trùng xa cách biết đâu dõi tìm?
(Nguyên Lạc, phudoanlagi.blogspot.com)
Đây không phải là bài bình thơ mà chỉ là vài nhận xét về “kỹ thuật” được thi sĩ áp dụng trong lúc sáng tác bài thơ. Mà trong phần “kỹ thuật” cũng chỉ bó gọn trong 2 điểm: Luật (bằng trắc) và vần.
Luật Bằng Trắc
Với cái nhìn phóng khoáng của thơ lục bát đương đại bài thơ Biển Đêm đã tuân thủ đầy đủ những yêu cầu về luật bằng trắc – không có chỗ nào sai phạm.
1/ Tất cả 13 chữ thứ 4 của câu bát (bài thơ có 26 câu) đều là vần trắc.
2/ Tất cả những chữ thứ 6 câu lục, chữ thứ 6 và chữ thứ 8 câu bát đều là vần bằng.
3/ Chữ thứ 6 câu bát thanh ngang thì chữ thứ 8 thanh huyền và ngược lại.
Những điểm đáng nói đến đều nằm ở cách gieo vần. Trong thơ lục bát chỉ có “lạc vận” là bị coi là sai phạm (mắc lỗi); còn những “lủng củng” về vần khác được coi là những “không khéo” của tác giả.
Sau đây là những sai phạm và “không khéo” của Nguyên Lạc trong bài thơ Biển Đêm:
Lạc Vận
Thịt da nhung mượt đêm nao
Hằn trong ký ức biết làm sao đây?
Chữ “nao” không vần với chữ “làm”, hai câu thơ lạc vận rõ ràng, không phải bàn
cãi. Đây là sai phạm (lỗi) nặng về vần trong thơ lục bát.
Còn 2 câu:
Sóng ơi sao xóa dấu người tôi yêu?
Bãi xưa còn lại gì đâu?
thì chữ “yêu” và chữ “đâu” theo tôi, chỉ là thông vận xa (hơi quá xa) chưa đến nỗi lạc vận. Tuy nhiên, nếu có ai bắt bẻ, cho là lạc vận thì tôi cũng không cãi.
Vần Nguyên Chữ
(Chính Tự Vận)
Bài thơ Biển Đêm có đến 2 cặp vần nguyên chữ mà các tay chơi thơ xưa nay đều tránh - ngoại trừ trường hợp có lý do thật đặc biệt.
Mất nhau từ thuở ba đào quê hương
Người về tìm lại mùi hương
Và:
Tay ôm thân ngất quyện nhau
Môi thơm ngực ngải cho nhau lần đầu
Dĩ nhiên, gieo vần như vậy không phạm luật. Nhưng làm hội chứng nhàm chán vần nặng thêm, mất hay.
Đoạn Kiều 4 câu sau đây cũng có cặp vần nguyên chữ (xưa xưa)
Vân rằng: Chị cũng nực cười,
Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa.
Rằng: Hồng nhan tự thuở xưa,
Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu ?
(Câu 105 đến 108)
Nhưng về ý nghĩa đã làm câu trả lời của Thúy Kiều xác đáng hơn, mạnh hơn và hay hơn. Cái hay của ý thơ đã che mờ cái “không khéo” của vần nguyên chữ.
Vần Ngang Câu Bát
- Chữ Thứ 6 Vần Với Chữ Thứ 8
…………….
Hồn
nghe sóng vỗ đôi mươi tình nào
Tay
ôm thân ngất quyện nhau
Môi
thơm ngực ngải cho nhau lần đầu
Đêm
nay biển vắng người đâu?
Vầng
trăng khuyết tật trên đầu đưa
tang
…………….
Ở
đoạn 5 câu này cặp vần ngang câu bát “nhau đầu” (chữ đậm màu đỏ) là “thông vận
gần” tạo nên trước sau 5 cặp vần. “Nào
nhau” là thông vận, “nhau nhau”
là vần nguyên chữ, “nhau
đầu” là “thông vận gần”, “đầu đâu, đâu đầu” là chính vận. Độc giả
nào đọc cả đoạn mà không cảm thấy ngán cái giọng ầu ơ thì quả là có nội công
thâm hậu, rất đáng nể phục.
Vần Quẩn – “Đi Dăm Phút Đã Về
Chốn Cũ”
Đoạn thơ 11 câu dưới đây, 7 câu đầu là vần quẩn - chỉ mới một lần chuyển vận đã quay về vần cũ. Từ “rồi thôi tôi” quay lại “thời ngồi mươi”.
Người về tìm lại thân thương đã rồi...
Biết rằng sương khói mà thôi
Thịt da trên cát hằn tôi nỗi sầu
Biển chiều trời vội trốn mau
Cô đơn lặng nhớ tình đau một thời
Biển xưa bãi cũ tôi ngồi
Hồn nghe sóng vỗ đôi mươi tình nào
Tay ôm thân ngất quyện nhau
Môi thơm ngực ngải cho nhau lần đầu
Đêm nay biển vắng người đâu?
Vầng trăng khuyết tật trên đầu đưa tang
Sau đó lại thêm 5 câu (câu có chữ “nào” thuộc cả 2 đoạn) trong đó có “cặp vần ngang câu bát” “nhau đầu” khiến cả đoạn có đến 7 cặp vần “au”. Ôi thôi! Ầu ơ hết biết.
Trụ Ở Thanh Huyền
Thử đọc đoạn 10 câu sau đây của Biển Đêm.
Người về tìm lại mùi hương
Người về tìm lại thân thương đã rồi...
Biết rằng sương khói mà thôi
Thịt da trên cát hằn tôi nỗi sầu
Biển chiều trời vội trốn mau
Cô đơn lặng nhớ tình đau một thời
Biển xưa bãi cũ tôi ngồi
Hồn nghe sóng vỗ đôi mươi tình nào
Tay ôm thân ngất quyện nhau
Môi thơm ngực ngải cho nhau lần đầu
Chữ thứ 8 của 5 câu bát đều là thanh huyền. Như đã nói ở trên, viết như thế không sai luật. Nhưng “không khéo”. Âm vang của đoạn thơ đều đều, đơn điệu (monotone), tính nhạc không hay. Cộng với những “không khéo” khác về vần, đoạn thơ càng thêm “ầu ơ”, buồn ngủ.
Kết Luận
Bài lục bát Biển Đêm của Nguyên Lạc ngoài việc phạm lỗi lạc vận còn vướng hầu hết những lủng củng, “không khéo” trong việc gieo vần và sự chuyển đổi thanh ngang, thanh huyền giữa hai chữ thứ 6 và thứ 8 của câu bát. Tất cả đều dẫn đến hội chứng nhàm chán vần, khiến âm điệu của bài thơ “ầu ơ”, đọc có cảm giác chán ngán và buồn ngủ.
Đành rằng tứ thơ và cảm xúc là hai điểm then chốt của thơ, nhưng vần và dòng chảy của âm điệu, nhịp điệu cũng quan trọng không kém - nhất là thơ lục bát. Thiếu nó, tứ thơ và cảm xúc cũng không thể lưu chuyển thong dong, lội bì bõm dưới dòng mương bị nghẽn.
Phạm Đức Nhì
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét