Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2017

BÌNH THƠ: PHẦN DẪN NHẬP


                                             Bình Thơ: Phần Dẫn Nhập

Bình Thơ Là Gì?

Nói nôm na là đọc một bài thơ rồi phán nó Hay hay Dở, hay ở chỗ nào, dở ở chỗ nào, giải thích và chứng minh.

Nhưng làm sao biết nó Hay hay Dở? Người bình thơ phải “sắm” cho mình một bộ thước chuẩn - chữ chuyên môn là Những Tiêu Chí Để Thẩm Định Giá Trị Một Bài Thơ.

Có 3 Tiêu Chí Chính:

1/ Tứ Thơ  

2/ Kỹ Thuật Thơ

3/ Cảm Xúc/ Hồn Thơ.

Sau nhiều năm học hỏi và chơi trò bình thơ, người viết bài này đã từ 3 Tiêu Chí Chính “đẻ” ra nhiều tiêu chí khác. Đây chính là bộ thước chuẩn mà tôi (PĐN) luôn để trước mặt mỗi khi bình thơ. Hôm nay, sau khi trao đổi với anh Thái Hưng Nguyễn mấy ngày trước, tôi sẽ đem từng cây thước một tặng các bạn trẻ trong Thơ Ca Nghệ Thuật Đương Đại. Tôi đã nhận lời mời của Trần Hạ Vi nên cũng gởi bài cho Thơ Ca Không Biên Giới. Tôi cũng kết bạn với Liêu Chi Vương nên cũng sẽ gởi bài cho Tủ Sách Thi Văn Việt. Ngoài ra, khi số lượng bài kha khá, tôi cũng sẽ gởi đến những trang báo, trang web mà tôi đã cộng tác từ trước đến nay để họ tùy nghi sử dụng.  

Tôi sẽ cố gắng dùng ngôn ngữ đời thường, tránh từ chuyên môn nếu có thể được, để cây cầu thông cảm giữa kẻ viết và người đọc luôn rộng mở.

Tại sao cùng một bài thơ mà khi bình có người khen hay, kẻ chê dở?

Có 2 lý do chính (không kể khác biệt về tôn giáo, lập trường chính trị):

1/ Thước chuẩn của mỗi người bình thơ dài ngắn khác nhau.

     Thí dụ: Về Ngôn Ngữ Thơ, nếu người bình dễ dãi (thước chuẩn ngắn) thì có thể cho là ngôn ngữ Sang Trong; nếu người bình khó (thước chuẩn dài) sẽ phán ngôn ngữ của bài thơ hơi Sến

2/ Trình độ, vốn liếng của người bình thơ cao hay thấp, nhiều hay ít: Tôi tạm chia làm 3 loại:

     a/ Bình thơ tùy hứng; tùy theo cảm nhận của mình, chọn chỗ hay, dở của bài thơ rồi nương theo tứ thơ mà bình, mà tán. Người bình loại này không có cây thước chuẩn nào trong túi.

     b/ Bình thơ dựa vào một vài thước chuẩn riêng của mình, thường là thước chuẩn về tứ thơ, phép ẩn dụ, ngôn ngữ, hình ảnh …. Tuy vậy, cái nhìn của họ về bài thơ vẫn còn phiến diện, rất thường bỏ sót những điểm Hay, điểm Dở của bài thơ.

     c/ Bình thơ với bộ thước chuẩn chuyên nghiệp: Với khoảng trên 20 cây thước chuẩn (sẽ tăng thêm theo thời gian), người bình thơ ở đây có thể tiếp cận toàn diện tác phẩm, nếu gặp lúc cao hứng, lời bình bay bướm, có thể đưa giá trị của bài bình thơ lên rất cao. Khi viết các bài Luận Văn (Essay), Luận Văn có tra cứu (Research Paper) sinh viên đại học Mỹ thường sử dụng bộ thước chuẩn tương tự như bộ thước này.

Bình thơ hay viết “một vài cảm nhận”?

Dưới con mắt người bình thơ, tùy mức độ giàu có về chất liệu để bình, thơ được chia làm 3 loại:

1/ Nghèo chất liệu: Có những bài thơ rỗng tuếch, ý tứ không mới lạ, ngôn ngữ bình thường, kỹ thuật thơ non kém, muốn bình tán cũng chẳng có gì bình tán, người bình thơ sẽ cho qua.

2/ Có một vài điểm (hay hoặc dở) nếu chạm đến sẽ cung cấp thêm kiến thức về nghệ thuật thơ cho người đọc. Trường hợp này người bình thơ nên viết cảm nhận. (Thí dụ: Chăn Trâu Đốt Lửa - Một Vài Cảm Nhận). Người bình chỉ móc trong túi ra vài ba cây thước chuẩn để bình tán những điểm hay, dở trong bài thơ.

3/ Giàu chất liệu: Nên viết lời bình một cách bài bản, tiếp cận toàn diện tác phẩm, lấy cả bộ thước chuẩn ra để trước mặt và bình tán lớp lang, thứ tự.

Bình bài thơ nào cũng sử dụng trên 20 cây thước chuẩn đó hay sao?

Không hẳn như vậy. Mỗi bài thơ, tùy tay nghề của tác giả, chỉ cần đem 6 hoặc 7 cây thước chuẩn ra là đủ.(Có bài con số đó còn ít hơn nữa). Trước tiên, liếc mắt ướm thử xem những Tiêu Chí (thường áp dụng) của bài thơ so với thước chuẩn của mình có cách biệt nhiều không? Nhiều thì bình tán, ít hoặc bằng nhau thì cho qua. Thí dụ bàn về Cảm Xúc. Nếu bài thơ khô khốc (không cảm xúc) hoặc cảm xúc dạt dào, nóng bỏng thì chỉ ra, nói ra cho độc giả biết; cảm xúc bình thường thì lờ đi hoặc chỉ nói phớt qua.

Có bộ thước chuẩn trong túi, thi sĩ sẽ biết cách làm thơ hay hơn, độc giả thưởng thức thơ hứng thú hơn, và người bình sẽ bình thơ đúng và đầy đủ hơn.

Các bạn có thắc mắc, sẽ trao đổi qua comments.

Chúc các bạn thành công.

Phạm Đức Nhì


 

 

 

                                            

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét