Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2016

ÔNG ĐỒ VÀ ĐẰNG VƯƠNG CÁC TỰ



              ÔNG ĐỒ VÀ ĐẰNG VƯƠNG CÁT TỰ


 Nhắc đến “tuyệt chiêu” thi hóa thân thành họa" của Ông Đồ tôi lại nhớ đến hai câu thơ chữ Hán mà thời còn ở trung học, một vị giáo sư của tôi đã cho là hai câu thơ tả cảnh tuyệt vời của văn chương Trung Hoa:

Lạc hà dữ cô vụ tề phi
Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc

Trần Trọng San dịch:

Ráng chiều rơi xuống, với cánh cò đơn chiếc cùng bay
Làn nước sông thu với bầu trời kéo dài một sắc.


Sau này đi tù, có dịp gần gũi với nhiều bậc thức giả, kiến văn rộng, tôi lại nhiều lần được nghe họ trầm trồ khen ngợi hai câu thơ “độc nhất, vô nhị” đó nữa. Chính tôi, vừa đọc, vừa thả hồn vào cái cảnh trời mà hai câu thơ ấy vẽ nên, cũng thấy đẹp và hay thật; chữ nghĩa đã hoàn toàn tan biến, hóa thân thành một bức tranh thơ tuyệt tác. Và sau đây là hoàn cảnh ra đời của hai câu thơ ấy.


 Con vua Đường Cao Tổ là Nguyên Anh được phong là Đằng Vương, khi nhậm chức thứ sử tại Tô Châu đã sai đô đốc Hồng Châu xây cất một ngôi gác để làm chỗ ở. Ngôi gác tọa lạc tại quận Nam Xương, bên sông Tầm Dương, được đặt tên là Đằng Vương các. Năm Hàm Thuần thứ hai, sau khi hoàn tất công việc trùng tu Đằng Vương các, đô đốc Hồng Châu lúc ấy là Diêm Bá Tự mở đại yến mời tao nhân mặc khách đến sáng tác thơ văn để ghi nhớ.

Vương Bột bấy giờ 19 tuổi, nổi tiếng là văn hay, thơ phú giỏi, đã giong thuyền trên 100 dặm để đến dự bữa đại yến này. Khi được đưa giấy bút mời trổ tài thơ, chàng trai họ Vương khẳng khái đón nhận và ngay tại buổi tiệc đã sáng tác trọn vẹn bài Đằng Vương Các Tự.

Bài tự khá dài (hơn 760 chữ) có thể chia làm 5 phần:


  • Địa lý và con người ở quận Nam Xương, nơi xây Đằng Vương các.
  • Ngợi ca chủ và khách tham dự bữa tiệc.
  • Tả phong cảnh xung quanh (từ Đằng Vương các nhìn ra).
  • Cảm tưởng của riêng tác giả.
  • Đoạn kết là bài thơ thất ngôn bát cú cổ phong tuyệt bút.
    Hai câu thơ được đời sau nhắc đến và ca tụng hết lời, nằm ở phần tả phong cảnh xung quanh.
Tôi hơi dài dòng về nguồn cội, xuất xứ của hai câu thơ là để có thể đưa ra mấy lời nhận xét như sau:

         1/ Không còn nghi ngờ gì nữa, Đằng Vương Các Tự là một bài tự hay, một áng văn đẹp, được viết bởi một chàng trai trẻ tuổi, ngay từ thuở thiếu nhi đã nổi tiếng có tài văn thơ. Lời văn trong bài tự rất văn hoa, bóng bẩy, đẹp một cách hào nhoáng, lộng lẫy, được viết bằng lối văn biền ngẫu nên đọc lên nghe rất cân đối, nhịp nhàng, trơn tuột như một bài thơ.

      2/ Vương Bột lặn lội đường xa đến dự yến với mục đích biểu diễn, phô trương kiến thức uyên bác, văn tài điêu luyện của mình nên bài tự chữ dùng nhiều chỗ cầu kỳ, nhiều điển cố khó hiểu.

      3/ Ông viết bài tự để tặng người chủ bữa tiệc nên nhiều chỗ chữ nghĩa không thật sự phát xuất từ lòng mình, từ tấm chân tình của mình, nhiều câu có tính đãi bôi, đầy cung cách xã giao, nghe rất sáo.

      4/ Trong đám rừng hoa chữ nghĩa ấy nổi bật lên một cụm hoa thật đẹp, thật tươi thắm, đứng lẻ loi như một bức tranh thơ riêng biệt, có ma lực hớp hồn những người thưởng ngoạn. Đó chính là hai câu:

Lạc hà dữ cô vụ tề phi
Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc.

      5/ Nhưng cây hoa ấy, bức tranh thơ tuyệt đẹp ấy, lại được đặt ở rất xa, mãi tận góc vườn, lẫn lộn với nhiều đồ vật trang trí khác, góp một phần rất khiêm tốn, điểm tô cho Đằng Vương các.

         Trong khi đó, Ông Đồ của Vũ Đình Liên, ngôn ngữ bình dị hơn, là cả một bộ truyện bằng tranh thơ sinh động. Người đọc không phải “đãi cát tìm vàng” như khi đọc Đằng Vương Các Tự, mà, với Ông Đồ, họ có thể thấy ngay trước mắt mình cả một hàng những thỏi vàng óng ánh.


Tham Khảo


  • thivien.net
  • my.opera.com
  • vi.wikipedia.org
  • hoasontrang.us
  • chimvie3.free.fr
  • haivan.8m.net
  • chantam.net
  • saimonthidan.com
     
     
Phạm Đức Nhì


Blog chuyên bình thơ

phamnhibinhtho.blogspot.com

 

 



 


 


 

ÔNG ĐỒ: NHỮNG BỨC TRANH THƠ

     ÔNG  ĐỒ:  NHỮNG  BỨC  TRANH  THƠ


 Bài thơ Ông Đồ được đăng năm 1936 trên báo Tinh Hoa lúc tác giả của nó, Vũ Đình Liên, mới 23 tuổi. Ông là người theo tân học, đậu Tú Tài năm 1932 (lúc 19 tuổi). Nhờ khả năng quan sát sắc bén ông đã sáng tác được bài thơ mà theo Hoài Thanh: “Theo đuổi nghề văn mà làm được một bài thơ như thế cũng đủ. Nghĩa là đủ lưu danh với đời.” (Thi Nhân Việt Nam).

Hoài Thanh đưa ra những lời khen ngợi trên và đã chọn đưa vào tuyển tập Thi Nhân Việt Nam chứng tỏ bài thơ Ông Đồ của Vũ Đình Liên, dưới cái nhìn của đôi mắt thơ có nội lực sung mãn vào hạng nhất thời bấy giờ, được đánh giá rất cao.


               ÔNG  ĐỒ


Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua

Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay

Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu

Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay

Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

Vũ Đình Liên


Tứ thơ:

Mỗi độ xuân về ông Đồ lại ngồi bên phố trổ tài viết câu đối cho người qua, kẻ lại. Nhưng mỗi năm mỗi ít người thuê viết, ông đồ ngồi lặng lẽ bên đường. Và năm nay không thấy ông đồ nữa.

Ý thơ:


Qua hình ảnh ông đồ tác giả tỏ ý thương tiếc một nền Nho học đang lụi tàn dần theo năm tháng.

Ở đây ý và tứ khác nhau, nghĩa là tác giả đã sử dụng phép ẩn dụ toàn bài. Ông không chơi bài cào, kiểu ngửa mặt lớn nút ăn tiền, mà chọn ván bài xì phé trong đó con tẩy được dấu kín. Con tẩy càng kín thì ván bài càng hấp dẫn và tay chơi (tác giả) càng có lợi thế. Đến phút cuối cùng, con tẩy được lật lên, người đọc à lên một tiếng thích thú. Từ lúc hiểu tứ đến lúc cảm thông được ý - chủ đích của tác giả khi viết bài thơ - chỉ một tích tắc. Điều đáng nói là chính cái tích tắc ngắn ngủi đó đã cho người đọc cái cảm giác sảng khoái như khám phá được một điều gì to lớn lắm.

Đọc xong đoạn cuối:

Năm nay đào lại nở
Không thấy ông Đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

qua dòng liên tưởng của chính mình người đọc thấy con bài tẩy đã được ngửa ra. Sự mất dạng của Ông Đồ giữa phố Tết dẫn đến tâm trạng nuối tiếc một nền Nho học đang lụi tàn. Đây là một tứ thơ hay, bao quát toàn bài, được vận dụng khéo léo, kín kẽ, không một tý sơ hở để có thể dẫn đến những hiệu ứng phụ khiến người đọc có thể vặn vẹo, bắt bẻ.

Ngoài phép ẩn dụ, bài thơ Ông Đồ còn có những cái hay sau đây:


1/ Tứ Thơ Không Bị Phân Tán

Hạn chế thứ hai của thể thơ trường thiên là tứ thơ phân tán. Bài thơ chia làm nhiều đoạn, mỗi đoạn 4 câu độc lập, không có mắt xích nối các đoạn với nhau nên không có dòng chảy của thơ. Thay vào đó chỉ có những vũng thơ, những hố thơ riêng biệt; mỗi vũng, mỗi hố thể hiện một mảnh tâm trạng của tác giả. Người đọc phải đến từng hố thơ để cảm nhận từng mảnh vụn tâm tình đó. Tứ thơ vì thế bị phân tán. Bài thơ Ta Về của Tô Thùy Yên đã vướng phải hạn chế này. Ông viết: 

Ta về như tứ thơ xiêu tán

là rất đúng. Bởi bài Ta Về có đến 124 câu, 31 đoạn; tứ thơ chủ đạo hoàn toàn bị phân tán, manh mún.

Bài thơ Ông Đồ về hình thức không có những mắt xích nối các đoạn thơ với nhau nhưng may mắn (lại may mắn), không kể đoạn đầu giới thiệu ông Đồ, 4 đoạn còn lại là chuỗi hình ảnh nối tiếp nhau theo thứ tự thời gian nên người đọc vẫn có được sự chú tâm cần thiết thả hồn theo dòng thơ – chính là dòng thời gian –  để cảm được tâm tình của tác giả.

Show, Don't Tell

Áp dụng thành công thủ pháp “bày tỏ, không kể lại” (Show, Don't Tell): Tác giả dùng ngôn từ đơn giản của đời thường, tạo ra những hình ảnh gần gũi, quen thuộc để người đọc có thể cảm nhận trực tiếp, không qua sự biện giải dài dòng của lý trí.

Thi Hóa Thân Thàn Họa

Cái hay nữa của bài thơ là “thi hóa thân thành họa”; họa ở đây không phải chỉ khi ẩn, khi hiện mà mỗi đoạn thơ đã được tác giả vẽ thành một bức tranh sống động.

1/

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua

Bức tranh nhìn từ xa: đám đông vây quanh một ông già mặc áo chùng thâm, đội khăn đóng (ông Đồ) đang lúi húi viết; mặt ông Đồ và những người vây quanh đều lờ mờ, không rõ nét. Đây đó một vài cây đào đang nở hoa, báo hiệu xuân sang, tết đến.

2/

Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay

Bức tranh cận cảnh: cũng đám đông vây quanh ông Đồ, mặt tươi vui, chú tâm theo dõi nét bút (lông) của ông trên giấy đỏ. Thân hình và mặt mọi người đều rõ nét.

3/


Nhưng mỗi năm mỗi vắng 
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu

Bức tranh nhìn hơi xa: ông Đồ ngồi trên chiếu, bên cạnh là xấp giấy màu đỏ (nhạt hơn màu giấy ở bức tranh 2), bút lông và lọ mực chỉ còn một ít mực đọng ở cuối lọ. Chỉ có 1, 2 người thờ ơ đứng xem, không ai thuê viết.

4/

Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay

Bức tranh nhìn gần hơn một tý: ông Đồ vẫn ngồi trên chiếu dưới mưa phùn lất phất, bên cạnh lờ mờ xấp giấy đỏ, bó bút lông và lọ mực. Người đi đường qua lại không ai đến gần chiếc chiếu của ông Đồ. Cảnh thật tiêu điều.

5/

Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa 
“Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

Bức tranh cận cảnh: người đi chơi xuân qua lại tấp nập trên đường; khoảnh đất ngày xưa ông Đồ thường ngồi, nay bỏ trống; một người không rõ mặt (tác giả) đứng cách mươi bước, mắt đăm chiêu nhìn khoảnh đất trống. Thật ra, nếu vẽ đúng ý của đoạn kết thì phải có thêm dấu chấm hỏi ngay trên khoảnh đất trống ấy.

Sau đây là vài khuyết điểm nho nhỏ trong bài thơ Ông Đồ mà người viết bài này muốn đưa ra để bàn luận:

Cách Gieo Vần:

Phải nhìn nhận tác giả rất cố gắng và rất khéo trong việc chọn chữ và gieo vần để giảm bớt vị ngọt của thơ ca. Trong 10 đôi chữ vần với nhau chỉ có 3 đôi là chính vận (đâu sầu, đấy giấy, hay bay), 7 đôi còn lại là thông vận. Tuy vậy vị ngọt, mặc dầu chưa đến độ nhàm chán, đối với người đọc khó tính, đã hơi “đậm đà”. 

Tại sao ông không bỏ hẳn vần 1/3, chỉ giữ vần 2/4 như Ta Về của Tô Thùy Yên chẳng hạn? Hỏi tức là đã trả lời. Lúc ấy cách gieo vần của Thơ Mới (ảnh hưởng Pháp) là như thế. Một nhà thơ cự phách như Tô Thùy Yên mà đến gần 50 năm sau (1985), trong Ta Về mới áp dụng phép gieo vần ấy, thì làm sao có thể trách Vũ Đình Liên được. 

Ông đã chọn thể thơ mà ở thời của ông được coi là mới nhất, phóng khoáng nhất. Nhưng dẫu sao cái vị ngọt hơi “đậm đà” đã tan vào bài thơ của ông, và ông, chứ không  ai khác, phải nhận trách nhiệm (một cách oan ức!) về khuyết điểm nho nhỏ đó.

Hai Câu Thơ Không Khéo

 Theo tôi, 2 câu đóng góp ít nhất và giảm giá trị nghệ thuật của bài thơ nhiều nhất, là 2 câu cuối:

Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

Nhận định này rất khác với những bài bình Ông Đồ trên sách báo và internet ở trong nước; nó cũng khác với nhận định của vài nhà phê bình văn học ở hải ngoại. Sau đây là lý do khiến tôi đưa ra nhận định ấy. Khi đọc xong câu 18: 

Không thấy ông Đồ xưa

con tẩy của ván xì phé đã được lật lên, ẩn dụ đã được giải mã, không cần phải giải thích thêm nữa. Bằng khả năng liên tưởng của mình người đọc đã có thể nhận ra chủ ý của tác giả: nền Nho học đang lụi tàn. Cái câu hỏi “Những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ?” là không cần thiết, là thừa.

Nếu nói tác giả dùng cái câu hỏi “hỏi để mà hỏi vậy thôi” với mục đích là, qua cái giọng “bàng hoàng, thảng thốt” trong câu hỏi ấy, truyền cho người đọc cảm giác  tiếc nuối cái nền Nho học kia, thì cũng không hợp tình lắm.

“Bàng hoàng, thảng thốt” dùng cho trường hợp của Tú Xương trong Sông Lấp thì đúng, bởi ông Tú cũng chính là ông Đồ, là máu, là thịt của nền Nho học; mất (hình ảnh) ông Đồ, đối với ông, cũng đau đớn như mất một phần thân thể, một phần tâm hồn của mình.

Còn như Vũ Đình Liên, theo tôi, chỉ bâng khuâng tiếc nuối khi thấy mất đi một nét đẹp văn hóa của dân tộc, bởi ông – một người theo tân học – đối với ông Đồ, đối với nền Nho học, chỉ là kẻ bàng quan, là người ngoài cuộc. Câu hỏi với cái giọng tha thiết ấy có vẻ hơi “lạc điệu”. Hơn thế nữa, nó làm bức tranh thứ 5 vẫn cồm cộm chữ nghĩa; ngôn ngữ chưa hoàn toàn tan biến, chưa thực sự hóa thân vào trong tranh

Có lần cô cháu dâu người miền nam nấu đãi ông bác chồng mới ở Mỹ về thăm, một nồi chè xôi nước. Con nhỏ nấu ngon thiệt; tôi ăn một lúc hết 4 viên mà vẫn còn thòm thèm. Nhưng đến viên thứ năm thì kẽ răng tôi bị một miếng gì đó dính vào. Thì ra nó nấu chè bằng đường chén làm từ mía; người làm đường không để ý nên sót lại chút bã mía trong chén đường. Dù vậy, chè xôi nước hôm đó vẫn là bữa ăn rất ngon tôi còn nhớ đến ngày hôm nay.

Vâng! Hai câu kết của bài thơ chính là miếng bã mía trong nồi chè xôi nước. Người đọc có cảm giác hơi tiêng tiếc. Chỉ một chút xíu nữa thôi là những bức tranh thơ có thể hoà nhập trọn vẹn vào tâm hồn người đọc, bài thơ có thể gọi là toàn bích.

Tóm lại, nhờ sự nhạy bén của tác giả (và một chút may mắn) bài thơ Ông Đồ đã tránh được hai khuyết điểm lớn của thể thơ trường thiên: hội chứng nhàm chán vần và tứ thơ phân tán. Thêm vào đó, nó lại có thể thủ đắc một lúc 3 “tuyệt chiêu” của thơ ca là ẩn dụ tài tình, bày tỏ, không biện giải (Show, Don' Tell), và thi hóa thân thành họa. Tôi xin mạnh dạn gọi nó là một tuyệt tác.

Nó không phải chỉ nổi bật khi so sánh với những bài thơ cùng thời, không phải chỉ nhận được những lời ngợi khen từ những nhà phê bình văn học sử dụng  cái thước đo giá trị thơ ca của bối cảnh văn học những năm 1930s, 1940s. Ngay lúc tôi viết bài này (2013), sau gần 80 năm lăn lóc trên thi đàn, nó vẫn sống trong lòng người yêu thơ. Những nhà phê bình văn học, dù khó tính, “bới lông tìm vết” bằng những chuẩn mực giá trị của thời đại mới đi nữa, vẫn phải công nhận Ông Đồ là bài thơ rất hay. 

Kết Luận

Ông Đồ không chỉ là hiện tượng, là cái mốc của một thời điểm lịch sử như Tình Già của Phan Khôi, như mấy bài thơ của TTKh, mà bằng giá trị nghệ thuật nội tại, bằng cái đẹp chân chất thơ ca, đã biểu lộ một sức sống mãnh liệt, sẽ còn ngất ngưởng trên thi đàn, làm xao xuyến hàng triệu trái tim những người yêu thơ …nhiều chục năm nữa.

Phạm Đức Nhì
Blog chuyên bình thơ phamnhibinhtho.blogspot.com

Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2016

NGỌN CỎ: MỘT BÀI THƠ HAY?



              NGỌN  CỎ:  MỘT  BÀI  THƠ  HAY?


Trong Thơ Đến Từ Đâu của Nguyễn Đức Tùng, do tên ở vần B, Nguyễn Thị Hoàng Bắc được xuất hiện ngay ở phần đầu cuốn sách. Khi được hỏi “cái gì là quan trọng nhất trong thơ?” Câu trả lời của chị dứt khoát và gây ấn tượng:

 “Sự tự khai….. Lúc nào tôi nói thật, nói thẳng được, nổi điên lên mà nói, nói mặc kệ thiên hạ sự, nói cóc sợ ai, không ‘quan trên ngó xuống người ta trông vào’ thì tôi viết được mấy lời kha khá.”

Bài Ngọn Cỏ được chị viết ra trong tinh thần đó. Một số người bảo thủ thì mỉa mai là chị đã “đái ra thơ”. Nhưng cũng có nhiều người khen, trong đó có Đinh Linh (đã dịch bài thơ sang tiếng Anh) và nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc. Tôi cũng thích Ngọn Cỏ và hôm nay có hứng đưa ra mấy lời bình phẩm.  

Ngọn Cỏ

Tiếng nước đái
nhỏ giọt
trong bồn cầu tí tách
thứ nước ấm sóng sánh vàng
hổ phách
trong người tôi tuôn ra

Phải rồi
tôi là đàn bà
hạng đàn bà đái không qua ngọn cỏ

Bây giờ
được ngồi rồi trên bồn cầu chễm chệ
tương lai không chừng tôi sẽ
to con mập phệ
tí tách như mưa
ngọn cỏ gió đùa.


 Giải thích-(nhận biết tứ thơ): nghe tiếng nước đái của mình tí tách, tác giả nhớ đến thân phận người phụ nữ (ngày xưa) “đái không qua ngọn cỏ”. Nay được ngồi chễm chệ trên bồn cầu, chị nghĩ đến ngày được đứng hiên ngang như các nam tử hán mà “tí tách như mưa”.

Diễn dịch-(qua tứ tìm ý của tác giả): Nguyễn Thị Hoàng Bắc cho rằng tư thế đứng đái như nam giới là biểu hiện tinh thần cách mạng, đấu tranh đòi nam nữ bình quyền, chấm dứt thái độ cam tâm chấp nhận thân phận mỏng hèn của phụ nữ.

Phân tích và nhận định nghệ thuật

 Về hình thức, Ngọn Cỏ không theo một thể thơ truyền thống nào. Số chữ trong câu biến đổi tùy theo dòng cảm xúc của tác giả. Vần bắt với nhau thật tự nhiên (tí tách-hổ phách, tuôn ra-đàn bà, chễm chệ-sẽ-mập phệ, như mưa-gió đùa ).

Tứ và ý thơ táo bạo, độc đáo - chỉ thay đổi tư thế đái là có thể khởi xướng một cuộc cách mạng nữ quyền. Có thể nói cảm xúc trong bài thơ rất thật và đầy ắp, không mạnh bạo nhưng có thể chảy thành dòng rõ ràng, với tốc độ vừa phải, phù hợp với tứ thơ. Đây đó cũng có cánh hoa héo, ngọn cỏ úa làm giảm giá trị của bài thơ.

1/ Từ nhỏ giọt hình như không phù hợp với thực tế. Chỉ có những người mắc bệnh gì đó về đường tiểu mới đái nhỏ giọt, còn bình thường thì đều để nó chảy thành dòng. (Dĩ nhiên khi nước đái cạn hết sẽ có vài giọt cuối cùng). Hơn nữa, nếu dùng từ nhỏ giọt sẽ mâu thuẫn với từ tuôn ra ở đoạn kế tiếp.

2/ Chữ rồi trong “được ngồi rồi trên bồn cầu chễm chệ” không cần thiết, có thể bỏ đi.

3/ “To con mập phệ” có thể bỏ đi mà không ảnh hưởng đến dòng chảy của thơ. Còn nếu giữ lại:

       a/ Dư thừa vần: chễm chệ- tôi sẽ ( không cần mập phệ )

       b/ mạch suy luận không hợp lý: ngồi trên bồn cầu không phải là lý do dẫn đến to con mập phệ

       c/ Làm giảm nét đẹp của người phụ nữ vùng lên: phụ nữ đâu cần to con mập phệ mới đứng đái được. Dáng thon thon hoặc mảnh khảnh đứng đái trông còn đẹp hơn

4/ Câu kết “Ngọn cỏ gió đùa” của bài thơ hoàn toàn “trật bàn đạp”

 Đang biểu lộ thái độ hùng dũng, vùng lên “đứng đái đàng hoàng”  như các đấng nam nhi mà lại kết thúc bằng “ngọn cỏ gió đùa”- chấp nhận thân phận đàn bà như ngọn cỏ, gió muốn đùa hướng nào cũng phải chịu, thì đúng là cung đàn lạc điệu. Nguyễn Đúc Tùng vì đang phỏng vấn Nguyễn Thị Hoàng Bắc nên chỉ lịch sự cho rằng câu cuối bài thơ gây cảm giác mơ hồ (ambiguous).

Nguyễn Thị Hoàng Bắc sau đó bật mí:

Nếu tường minh hàm ý mấy chữ ấy bằng ngôn ngữ bình thường thì đại khái có thể diễn đạt là “ngọn cỏ gió đùa? xin lỗi nghen!” hoặc “ngọn cỏ gió đùa? không dám đâu!”

 Ô! Thật lạ! Chị viết “ngọn cỏ gió đùa” mà lại muốn người đọc hiểu là “ngọn cỏ gió đùa? không dám   đâu!”, nghĩa hoàn toàn trái ngược, thì đúng là làm khó người đọc quá.

5/ Sự diễn dịch từ TỨ qua Ý có khe hở; phép ẩn dụ không che phủ hết mọi khía cạnh. Muốn khuyên người dân xài hàng nội hoá một cô khá đẹp, giữ chức vụ cao trong chính phủ, khi trả lời phỏng vấn đã viện dẫn hai câu ca dao: 

Ta về ta tắm ao ta
 Dù trong, dù đục ao nhà vẫn hơn”

Cô này liền bị một đấng mày râu chơi xỏ:

“Xin nghiêng mình kính phục cái tinh thần tự lực cánh sinh, độc lập tự chủ của cô. Chỉ tiếc rằng một người đẹp như cô lại chấp nhận.. ở dơ.”

Câu ca dao trên đã có lỗ hở - không kín kẽ, không che chắn được hết mọi bề - nên nàng yểu điệu thục nữ kia đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt.

Bài thơ Ngọn Cỏ cũng thế. Chọn cái tư thế đứng đái của phụ nữ để ngụ ý rằng phụ nữ có thể sánh vai cùng nam giới, bình đẳng với nam giới, phép ẩn dụ đó rất hay, rất ý nhị nhưng không kín kẽ, giống như thuốc chữa được bệnh nhưng lại có phản ứng phụ.

Trời sinh ra đàn ông có cái “củ lẳng”. Dù có bị hao mòn theo năm tháng cỡ nào đi nữa cũng còn ít nhất 2 hoặc 3 phân (cm). Khi tiểu tiện chỉ cần đưa tay nâng nhẹ nó lên thì điểm rơi của dòng nước có thể cách xa bàn chân đến hơn nửa mét. Không sợ vương quần. Không sợ rơi trúng bàn chân.

Nhưng than ôi! Phụ nữ thì lại khác.  “Cái ấy” trời sinh nó dính sát vào da. Muốn kéo ra thì không có chỗ nào cầm để kéo. Mà có chịu đau cố kéo thì nó cũng chẳng ló ra được bao nhiêu. Cho nên cái tư thế “đái không qua ngọn cỏ” (đái ngồi) là thích hợp nhất, là hợp với thiên lý nhất.

Nguyễn Thị Hoàng Bắc lại muốn làm cuộc cách mạng-muốn đứng đái như các đấng nam nhi thì … hơi kẹt. Đến đây, chắc Nguyễn Thị Hoàng Bắc sẽ lên tiếng:

“Thì ngày xưa mấy bả cũng đứng đái hà rầm đó, có sao đâu?”

Tôi đã lần mò ra tận miền Bắc - nơi hiện tượng đứng đái của phụ nữ phổ biến hơn ở trong Nam - để phỏng vấn các cụ bà. Một bà cụ thẳng thắn nói với tôi:

Đúng thế! Ngày xưa chúng tao cũng có đái đứng nhưng chỉ ở những nơi cỏ cao, cỏ sắc; ngồi xuống không khéo nó đâm vào thì hỏng mất của quý. Hơn nữa, chúng tao mặc váy, mà nếu có mặc quần thì cũng là quần ống rộng, vén lên, thả xuống dễ dàng, lại không mặc quần lót nên chỉ vén quần lên là “con bé” nó chìa mặt ra rồi. Nhưng không phải dễ đâu. Cái thế đái đứng cũng phải học mãi mới được. Lấy chân trái làm trụ thì phải nghiêng mặt “con bé” về bên phải. Khi nước ra thì phải liệu thế nhấc chân phải lên. Mới đầu nước đái cũng bắn đầy vào chân, nhưng dần dần mình biết ý, điều chỉnh dòng nước ra từ từ, nhấc cao chân lên một tý và rồi mọi chuyện đều tốt đẹp.

Nghe chuyện mấy bà cụ Bắc Kỳ rồi nghĩ đến Nguyễn Thị Hoàng Bắc tôi lại thấy ái ngại cho chị. Ống quần thì không được rộng như các cụ ngày xưa, lại còn thêm cái quần “xì” cản đường, muốn hùng dũng đứng đái trên đầu ngọn cỏ như chị quả thật thiên nan, vạn nan. Mà dù có cố gắng làm cho kỳ được thì cái hình ảnh ấy cũng không được “nên thơ” cho lắm.

Dẫu có một chút hoa héo, cỏ úa Ngọn Cỏ vẫn là một bài thơ hay, có khả năng hấp dẫn người đọc. Nguyễn Thị Hoàng Bắc qua bài thơ này đã thể hiện một ngòi bút vững vàng. Về hình thức, chị đã thoát ra khỏi vòng ảnh hưởng của thơ truyền thống, đã vượt qua thơ mới. Bài thơ có số chữ trong câu tự do biến đổi. Vần nối kết tự nhiên. Vị ngọt của thơ ca khá đậm đà.

Về nội dung, chị không đi quá đà như một số nhà thơ đương đại, biến bài thơ thành những câu đố tối mù khó hiểu, hoặc những bài học triết lý siêu hình làm nhức đầu người đọc. Tứ thơ lạ và thú vị. Đặc biệt, cảm xúc trong thơ đầy ắp, trải xuống trang giấy thành dòng chảy lai láng.

Con đường chị tạo ra để dẫn đưa người đọc đến với trái tim mình có nhiều hoa thơm cỏ lạ và cũng không tránh khỏi có một hai cánh hoa héo hoặc một hai cọng cỏ úa mà nếu chị muốn, có thể tỉa bỏ dễ dàng.

 Riêng phép ẩn dụ của chị có kẽ hở nhưng vì là cái tứ chủ đạo của bài thơ nên dành chịu. Nhưng có sao đâu! Nó lại là cái duyên của bài thơ, đem đến cho người đọc những nụ cười vui vẻ.

Viết xong đầu xuân năm Tân Mão (2011)

Phạm Đức Nhì


Blog chuyên bình thơ

phamnhibinhtho.blogspot.com

 

 
 



 


 


 


 

CÂU ĐỐI VỀ CHỮ HIẾU


                            CÂU ĐỐI VỀ CHỮ HIẾU 

                               (Tặng Lê Hoàng Ân)

Hôm nọ lên Austin thăm một anh bạn tù. Gia đình nề nếp, gia giáo, con cháu đối với ông bà, cha mẹ và với khách rất mực kính trọng, lễ phép. Ở một chỗ khá trang trọng trên tường có đôi câu đối:

Vế 1: Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ.

Vế 2: Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha.

Ý nghĩa của câu đối hiện ra ngay trước mắt: tình mẹ công cha thật vô cùng to lớn, không sao đo lường được.

Về nhà chép lại chuyển cho một người bạn già vẫn còn mẹ để trước là, chia sẻ mấy câu văn hay, sau nữa gọi là “nhắc nhở nhau” về lòng hiếu thảo với cha mẹ. Email gởi xong thì khoảng 20 phút sau đã thấy chuông reng. Ra mở cửa thì ông bạn già đã đứng sờ sờ trước mặt. Chưa kịp bắt tay chào hỏi hắn đã vào đề ngay:

- Ai gởi cho ông câu đối đó vậy?

Tôi kể cho hắn nghe xuất xứ của câu đối. Nghe xong hắn bảo tôi:

- Ông gọi lên Austin coi có phải anh bạn tù của ông viết ra câu đối đó hay ai tặng anh ta?

Tôi gọi điện thoại cho anh bạn tù thì được trả lời:

- Người ta khắc lên tre, lên gỗ bán ở cửa hàng Mỹ Nghệ, thấy hay hay thì mình mua về treo chơi.

Đến lượt tôi hỏi anh bạn:

- Câu đối có gì rắc rối đâu mà sao điều tra kỹ vậy cha?

- Từ từ để tôi phân tích cho ông nghe nhé. Vế 2 thì thật rõ ràng: mây trời lồng lộng (rất lớn, rất rộng) cũng không thể phủ kín công cha. “Công Cha” ở đây được hình tượng hóa thành một vật có kích thước, diện tích rất lớn, mây trời to rộng cỡ nào cũng không thể phủ kín được.
Điểm mà tôi thấy lấn cấn, khúc mắc nằm ở vế 1: nước biển mênh mông (nhiều lắm) mà cũng không thể đong đầy tình mẹ. “Tình Mẹ” ở đây cũng được hình tượng hóa thành một cái hố có sức chứa rất lớn, nhưng cái hố rất lớn, rất sâu, trên miệng cắm một tấm bảng vĩ đại “Tình Mẹ” đó lại “trống rỗng” đến độ nước biển mênh mông cũng không thể đổ đầy. Nói thẳng ra thì theo vế 1 của câu đối “Tình Mẹ” chỉ là cái hố trống rỗng, không chứa đựng cái gì trong đó hết.

Tới đây hắn ngước mắt hỏi tôi:

- “Ông thấy chưa?”
- “Thấy rồi”, tôi trả lời
- “Thấy cái gì?”
- “Thì thấy là ở vế 1 “Tình Mẹ” chỉ là con “số không” to tướng, trong khi ở vế 2 “Công Cha” vô cùng rộng lớn. Câu đối trở nên mất cân bằng, không chỉnh.  
- Còn thấy gì nữa không?
- Câu đối này mấy tay còn mẹ như ông đọc thì chắc là “tức cành hông” chứ gì!
- Không tức mới là lạ! Nhưng trường hợp này có lẽ chẳng ai có ý chơi khăm ai đâu. Chắc là con cháu ông đồ nho nào đó kẹt tiền viết mấy câu đối để “kinh doanh” nhưng không lường hết được uy lực của chữ nghĩa. Mẹ kiếp! Làm mình tốn mấy Gallons (1) xăng.  

Chú thích:

1/ Đơn vị đo dung tích tương đương với 3,7854 lít


Phạm Đức Nhì


Blog chuyên bình thơ

phamnhibinhtho.blogspot.com

 

 



 

KHÔNG ĐỀ VÀ CÁI ĐẸP TỔNG THỂ CỦA BÀI THƠ

KHÔNG ĐỀ VÀ CÁI ĐẸP TỔNG THỂ CỦA BÀI THƠ

Nhà thơ Trần Mạnh Hảo trong bài Nguyễn Bính – Nhà Thơ Hiện Đại nhân kỷ niệm 30 năm ngày mất của Nguyễn Bính (27/01/1996) đã viết:

(Nếu có người hỏi) “Nếu cần phải chọn một câu thơ hay nhất để đại diện cho thơ tiền chiến, ông sẽ chọn câu thơ của ai?” Tôi (TMH) không do dự trả lời: “Tôi xin chọn một câu lục bát của Nguyễn Bính - Câu đó như sau:

Anh đi đấy? anh về đâu?
Cánh buồm nâu…cánh buồm nâu…cánh buồm”.
(TMH nói một câu lục bát có nghĩa là cả câu 6 và câu 8)

Còn nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc cũng khá tâm đắc khi nhắc đến bài thơ đó:

Hôm nay dưới bến xuôi đò
thương nhau qua cửa tò vò tìm nhau
anh đi đấy? anh về đâu?
cánh buồm nâu … cánh buồn nâu … cánh buồm.

Thơ Nguyễn Bính, tựa “Không Đề” chỉ có bốn câu. Theo tôi, đây là một trong những bài thơ hay nhất, hoàn chỉnh nhất của Nguyễn Bính. Bài thơ có hai nhân vật, một người con trai và một người con gái. Người con trai ở dưới bến chờ xuôi đò. Người con gái trong nhà, qua vuông cửa sổ, thẫn thờ ngó ra.

 Nguyễn Bính nói họ “thương nhau”. Chắc là thương thầm, nên không có tiễn đưa. Nên người con gái mới băn khoăn tự hỏi anh đi đấy, anh về đâu? Sáu chữ mà bời bời hai tâm sự ngổn ngang. Anh đi đấy? là câu hỏi thảng thốt, đau nhói. Anh về đâu? là câu hỏi ngậm ngùi, buồn tênh. Người con gái ngạc nhiên, rồi bàng hoàng, rồi ngẩn ngơ. 

Chiếc thuyền rời bến, từ từ đi xa. Hình ảnh người con trai hút. Chỉ còn chiếc thuyền. Rồi chiếc thuyền cũng khuất. Chỉ còn cánh buồm vươn cao, vươn cao, chới với, chập chờn, lung linh, xa xăm:


cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm...


Người con gái vẫn còn đứng đó, bên thành cửa sổ, vời vợi nhìn theo. Câu thơ cắt thành ba nhịp, tưởng như mỗi nhịp ngắt là một làn sóng đột nhiên trào lên, che khuất cánh buồm. Bao nhiêu lần khuất rồi hiện. Lần cuối cùng, đã xa lơ xa lắc, người con gái chỉ còn nhìn thấy, mờ thật mờ, hình ảnh cánh buồm thấp thoáng, nhòa đi trong khói sóng bập bềnh. Không còn thấy màu sắc nữa: chữ “nâu” ở nhịp cuối biến mất. (Đọc Thơ “Không Đề” của NB trên VOA)(1)


Đến đây tôi xin mở ngoặc để nói đến cuộc chia ly trong Tống Biệt Hành của Thâm Tâm. Phía người đưa tiễn ngoài mẹ, chị và em, toàn là tình thâm máu mủ ruột thịt, còn có người bạn thân (có thể là người yêu hoặc chí ít cũng thân thiết như tình ruột thịt.) Hơn nữa, đây không phải cuộc chia tay bình thường, mà là cuộc chia ly trong đó không gian chia cách là muôn trùng và thời gian chia cách là vô định.

          Chí lớn chưa về bàn tay không
          Thì không bao giờ nói trở lại
          Ba năm mẹ già cũng đừng mong.

cho nên khi ly khách đã cất bước khá xa rồi mà người bạn thân  đưa tiễn còn bàng hoàng thốt lên:

          Người đi! Ừ nhỉ! Người đi thật.

Câu thơ rất hay vì trĩu nặng chữ TÌNH.

Đọc kỹ câu:
          Thương nhau qua cửa tò vò tìm nhau
của Không Đề tôi có thể suy ra mấy điểm sau đây:

     1/ Nhà cô gái và bến đò ở cùng một mé sông vì chàng trai và cô gái có thể nhìn thấy nhau qua cửa tò vò (cửa sổ rất nhỏ).
     2/ Khoảng cách giữa nhà cô gái và bến đò rất gần và không có căn nhà nào ở giữa án hướng vì chàng trai từ bến đò có thể nhìn thấy cô gái qua cửa tò vò.
     3/ Tuy ngại ngùng không dám công khai đưa tiễn nhưng cô gái đã biết trước chuyến xuôi đò của chàng trai. Nếu không thế, cô đã không ngồi cạnh cửa tò vò để đón “người yêu”. Ở tuổi biết yêu như cô gái nếu không ruộng rẫy cấy hái thì cũng tần tảo bán buôn chứ bố mẹ nào cứ để con gái thảnh thơi ngồi bên cửa cổ ngắm khách đi đò lên xuống. Nhưng NHQ đọc câu thứ 3:

          Anh đi đấy? Anh về đâu?

lại nghĩ rằng:Sáu chữ mà bời bời hai tâm sự ngổn ngang. Anh đi đấy? là câu hỏi thảng thốt, đau nhói. Anh về đâu? là câu hỏi ngậm ngùi, buồn tênh.”

Với tôi, câu hỏi đó chỉ do cô gái “biết rồi còn cứ giả vờ hỏi vớ vẩn!”

Trường hợp chiều lòng ông NHQ cho chàng trai “lờ tít” cô gái về chuyến đi của mình và cô gái cũng tình cờ được nghỉ (không phải làm rẫy, làm ruộng hoặc buôn bán). Chỉ đến lúc chàng trai đến bến đò mới tình cờ gặp cô gái ngồi bên cửa tò vò nhìn ra và bốn mắt gặp nhau tròn xoe ngỡ ngàng vì quá bất ngờ. 

Nhưng thái độ của cô gái lại rất khó hiểu, vẫn “tỉnh bơ” ngồi bên cửa sổ, không thèm bước ra vài bước để “người nhìn rõ người” trước lúc chia xa. Như vậy hoặc tình cảm giữa hai người chưa có gì là sâu đậm, hoặc chuyến đi của chàng trai chắc cũng không lâu lắc hoặc xa xôi gì lắm; có khi chỉ đi chợ huyện một tý rồi chiều về. Cũng có khi tất cả những điều trên đều đúng. Dù ở vào trường hợp nào đi nữa, do thiếu cái quan hệ “tình sâu nghĩa nặng” và tính nghiêm trọng của bối cảnh chia xa như Tống Biệt Hành, câu thơ:
          Canh buồm nâu … cánh buồm nâu … cánh buồm
đã giảm rất nhiều sức gợi cảm đối với bài thơ vì không hợp tình, hợp cảnh, nghĩa là đã trở thành cung đàn lỡ nhịp.  
Mỗi câu thơ, khi đứng một mình đều có vẻ đẹp riêng, sức gợi cảm riêng của nó. Khi được đặt vào khung cảnh bài thơ, vào trận đồ chữ nghĩa của tác giả - nếu thi sĩ có tài – thì sức gợi cảm ấy sẽ được gia tăng gấp bội. Câu thứ tư của Không Đề giống một cầu thủ bóng đá, có kỹ thuật điêu luyện nhưng lối chơi rất cá nhân, muốn độc sáng trên sân cỏ, không chịu phối hợp chặt chẽ với các cầu thủ khác trong đội. Có thể nói sức gợi cảm của cả bài thơ Không Đề rốt cuộc còn ít hơn sức gợi cảm của câu thứ tư khi đứng riêng lẻ. Bài thơ - về mặt tổng thể - thất bại

Ở Texas nơi tôi sinh sống, có loại nhà tiền chế. Mỗi nhà gồm 2 hoặc nhiều mảnh. Khi bạn mua họ dùng xe kéo đến đất của bạn và “nối lại”. Sau đó phủ lên chỗ nối trên nóc vài miếng vải lợp là xong. Loại nhà này cũng đẹp, cũng tiện nghi nhưng vì không bền nên giá rất rẻ so với nhà cố định. 

Về mặt cấu tứ, theo tôi, Không Đề na ná giống loại nhà tiền chế này. Một thi sĩ nào đó có thể thay hẳn 3 câu đầu bằng 3 câu khác, diễn tả một cuộc chia ly khác, của mối quan hệ tình cảm khác (mẹ con, bà cháu, bạn bè …) và sẽ có một bài thơ khác. Như vậy Không Đề có đén 3 câu đầu không "đắt", không "đắc địa", không thuộc loại "bất khả thay thế".

Khi đọc thơ hoặc bình thơ có người “bắt” ngay được những chữ hay, từ đắt, câu độc đáo, hình ảnh nên thơ. Nhận biết được như vậy rất hữu ích cho việc định giá trị bài thơ. Tuy nhiên, cao hơn một bậc, là nhận ra sự gắn kết câu chữ thành một thế trận chặt chẽ có thể tăng sức gợi cảm của bài thơ lên gấp bội.

Trần Mạnh Hảo là một nhà thơ có con mắt thẩm định thơ khá nhạy bén. Tôi khoái cái lối bình thơ của ông ở chỗ khen ra khen, chê ra chê, rõ ràng dứt khoát, chứ không vừa “ấy” vừa run như một số nhà bình thơ khác.
Tuy nhiên, khi cho 2 câu thơ
             Anh đi đấy? Anh về đâu?
           Cánh buồm nâu … cánh buồm nâu … cánh buồm
 “câu thơ hay nhất để đại diện cho thơ tiền chiến” theo tôi, ông đã khen quá lố và đã hoàn toàn sai lầm. Chưa cần so sánh với những nhà thơ tiền chiến tài hoa khác như Huy Cận, Xuân Diệu, Vũ Hoàng Chương … 2 câu thơ trên còn phải đứng sau một số câu thơ hay khác của chính  Nguyễn Bính về vẻ đẹp, sức gợi cảm và khả năng phối hợp với những câu thơ khác trong bài để tạo nên cái đẹp tổng thể của bài thơ

Nguyễn Hưng Quốc là một trí thức khoa bảng, một nhà phê bình văn học tài năng, có tầm nhìn rộng về nhiều lãnh vực liên quan đến văn hóa, văn chương. Ông đã đưa ra những lời khen thật ưu ái đối với Không Đề, nhưng lời khen của ông chừng mực hơn, khôn ngoan hơn.

Do thuộc loại thơ “nhà tiền chế” nên Không Đề chưa đủ tầm cỡ để so sánh với Sông Lấp; ngay cả với một số bài lục bát khác của Nguyễn Bính nó cũng phải đứng sau. Cho nên nếu bảo Không Đề “là một trong những bài thơ hay nhất, hoàn chỉnh nhất của Nguyễn Bính” thì tôi e rằng nó không xứng đáng với lời khen ấy.

Có người bảo tôi “Ông bình thơ mà hơi kiệm lời khen”. Đồng ý là khi bình thơ thì khen dễ hơn chê. Khen nặng tay một tý cũng chả mất lòng ai. Ngược lại, lỡ chê sai hoặc chê quá lời một tý thì người ta sẽ đuổi anh đến hang cùng ngõ tận. Đây là trò chơi nguy hiểm. Nhưng đã chấp nhận chơi thì dám chơi, dám chịu - cứ thẳng lòng, căng ngòi bút. Bởi đâu phải chỉ có người bình thơ đôi co với tác giả mà còn biết bao người đọc khác đứng ngoài, có người cầm hoa, có cả người cầm gậy (vui một tý) chú tâm theo dõi.

Để kết luận xin được nói thêm một điều. Trong bóng đá kỹ thuật cá nhân của cầu thủ là rất quan trọng nhưng xin đừng quên tài năng của huấn luyện viên trong tổ chức đấu pháp toàn đội. Với thơ, đó là cái đẹp tổng thể của bài thơ.

Chú Thích:
1/ Đoạn bình này cũng xuất hiện trong bài Tứ Thơ của ông.
Galveston, Texas 05/2015
Phạm Đức Nhì