Thứ Năm, 22 tháng 4, 2021

CHÚT NHẬN XÉT VỀ CA KHÚC “THUYỀN VÀ BIỂN” CỦA NHẠC SĨ PHAN HUỲNH ĐIỂU PHỔ THƠ XUÂN QUỲNH

  

CHÚT NHẬN XÉT VỀ CA KHÚC “THUYỀN VÀ BIỂN” CỦA NHẠC SĨ PHAN HUỲNH  ĐIỂU PHỔ THƠ XUÂN QUỲNH

 

Lời Nói Đầu

 

Ca khúc Thuyền Và Biển phổ thơ Xuân Quỳnh của Phan Huỳnh Điểu nhận được rất nhiều lời khen của những người yêu thơ, thích nhạc, trong đó có cả một số khá đông những nhà phê bình văn học.

 

Sau đây là 2 lời khen đắt giá:

 

1/ “Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu là người đã phổ nhiều bài thơ thành những ca khúc hay, nhưng có lẽ Thuyền Và Biển là ca khúc phổ thơ hay nhất của ông. Bởi ông không chỉ lồng vào thơ một giai điệu trữ tình, lãng mạn mà còn tạo cho người nghe một cảm xúc dạt dào, mường tượng như mình đang ngồi trước biển và nhìn thấy từng lớp sóng bạc đầu xô nhau…

 

Và việc ông chọn Thuyền Và Biển làm nhan đề một tập nhạc của mình, đã được Nhà xuất bản Thanh Niên tái bản đến 3 lần, có lẽ cũng nói lên điều này.” (Huy Miên)

 

https://www.sggp.org.vn/thuyen-va-bien-20171.html

 

2/ “… ca khúc Thuyền Và Biển, nhạc Phan Huỳnh Điểu, thơ Xuân Quỳnh ra đời năm 1981 và trở nên nổi tiếng khắp cả nước. Xuân Quỳnh viết bài thơ này - theo nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, bạn của Xuân Quỳnh kể lại - vào những năm 1960 khi đang yêu đắm đuối và đau khổ trong cuộc tình tuyệt vọng. Sau gần hai thập niên, bài thơ tình tuyệt vời của chị được chắp cánh bay cao, bay xa qua bút pháp âm nhạc tài hoa của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. (Trương Quang Lục, Nhạc Sĩ Phan Huỳnh Điểu Và Cuộc ‘Hôn Phối’ Thơ - Nhạc)”

 

https://www.sggp.org.vn/nhac-si-phan-huynh-dieu-va-cuoc-hon-phoi-tho-nhac-11309.html

 

Tôi đã từng viết lời bình cho bài thơ (1), nghe ca khúc (nhiều lần) qua giọng hát của nhiều ca sĩ khác nhau, nhưng về phương diện ca từ, lại có cái nhìn hơi khác. Xin được chia sẻ với bạn đọc.

 

Lược Giải Tứ Thơ Của Thuyền Và Biển

 

Trong Thuyền Và Biển tác giả sử dụng phép ẩn dụ toàn bài.

 

Tứ: Câu chuyện thuyền và biển.

 

Ý: Chuyện tình của chính tác giả - tác giả là biển, người yêu của chị là thuyền, yêu nhau tha thiết.

 

Ngoài 2 câu mào đầu giới thiệu:

 

Em sẽ kể anh nghe

Chuyện con thuyền và biển

 

bài thơ có thể chia làm 4 phần:

 

1/ Tình Yêu Mới Chớm

 

Từ ngày nào chẳng biết

Thuyền nghe lời biển khơi

Cánh hải âu, sóng biếc

Đưa thuyền đi muôn nơi

 

Lòng thuyền nhiều khát vọng

Và tình biển bao la

Thuyền đi hoài không mỏi

Biển vẫn xa... còn xa

 

Hai đoạn đầu của bài thơ kể lại lúc tình yêu mới chớm. Chàng để ý đến nàng, cố công theo đuổi; còn nàng trong lòng không biết thế nào chứ ngoài mặt thì cứ “tảng lờ như không”.

 

Ở đoạn thứ hai khi biết chàng trai đã có ý chinh phục trái tim mình:

 

“Lòng thuyền nhiều khát vọng”

 

thì tình cảm của tác giả Thuyền Và Biển đã được kín đáo bày tỏ:

 

“Và tình biển bao la”

 

nhưng vì là phụ nữ nên nàng vẫn “ý tứ” giữ một khoảng cách:

 

“Thuyền đi hoài không mỏi

Biển vẫn xa... còn xa”

 

Ẩn dụ thật tuyệt vời.

 

2/ Khi Chúng Mình Yêu Nhau

 

Đến đoạn 3 thì tình yêu đã bến rễ, nàng đã “mở cửa trái tim” chấp nhận tình yêu của chàng và đã biểu lộ bằng hành động cụ thể:

 

Những đêm trăng hiền từ

Biển như cô gái nhỏ

Thầm thì gửi tâm tư

Quanh mạn thuyền sóng vỗ

 

Cũng có khi vô cớ

Biển ào ạt xô thuyền

(Vì tình yêu muôn thuở

Có bao giờ đứng yên?)

 

Và cứ thế hai người yêu nhau tha thiết, tháng ngày quấn quýt chẳng rời xa.

 

3/ Tình Sâu Nghĩa Nặng

 

Chỉ có thuyền mới hiểu

Biển mênh mông nhường nào

Chỉ có biển mới biết

Thuyền đi đâu, về đâu

 

Qua một thời gian yêu nhau, sống gần gũi quấn quýt bên nhau như đã bày tỏ trong 4 đoạn đầu nàng đã nhờ trải nghiệm nhận ra rằng hai người không chỉ là cặp vợ chồng dành trọn tâm hồn và thể xác cho nhau mà còn rất tâm đầu ý hợp, đã trở thành đôi bạn đời tri kỷ.

 

Thân thể em, với anh, như tấm bản đồ mở rộng, anh đã rành rẽ đường đi nước bước; tâm hồn em, những nghĩ suy toan tính đời thường, cả những ước mơ sâu kín, em cũng chia sẻ với anh. Còn lộ trình của anh trong đời: điểm dừng, điểm đến, khi đi, lúc về anh cũng ghi hết cho em.

 

Đây chính là đỉnh điểm của tứ thơ – tình yêu của 2 người đã sâu đậm đến mức không thể sâu đậm hơn được nữa.

 

Với một tình yêu như thế thì quay quắt nhớ thương khi xa vắng là chuyện đương nhiên.

 

Những ngày không gặp nhau

Biển bạc đầu thương nhớ

Những ngày không gặp nhau

Lòng thuyền đau - rạn vỡ

 

Những ngày vắng anh em nhớ thương quay quắt; những ngày không gặp mặt nhau anh như phát ốm, phát đau. Ý chỉ bình thường như thế nhưng không biết tác giả chọn được điểm đứng đặc biệt như thế nào để khi nhìn sóng biển trắng xóa lại có thể tưởng tượng là “Biển bạc đầu thương nhớ” và nhìn con thuyền tạm giã từ biển “lên ụ” để sửa chữa mà có thể nghĩ là “Lòng thuyền đau rạn vỡ” thì quả là thật tài tình.

 

4/ Nếu Cuộc Tình Chia Xa 

Nếu từ giã thuyền rồi

Biển chỉ còn sóng gió”

Nếu phải cách xa anh

Em chỉ còn bão tố

 

Khi tình đã sâu, nghĩa đã nặng mà vì lý do này, lý do khác phải chia xa thì cả 2 bên đều đau khổ. Nhưng theo Xuân Quỳnh thì bên phía phụ nữ nỗi khổ đau sâu hơn, lớn hơn gấp bội. Hai câu kết:

 

Nếu phải cách xa anh                                                                                        Em chỉ còn bão tố

 

chính là nỗi đớn đau – dù chỉ là “nếu”, chưa thực sự xảy ra - đã lên đến tột độ, biểu lộ một tình yêu nồng thắm, mãnh liệt. Tác giả đã bước ra khỏi phép ẩn dụ, bôi hết son phấn trên mặt, cởi bỏ hết lớp vỏ hóa trang, không còn Biển Thuyền bóng gió và đã hét thật to, xưng gọi đúng tên hai kẻ yêu nhau say đắm. Bài thơ kết thúc ở cao trào. (2)

 

 

Ba Đoạn Thơ Được Nhạc Sĩ Phan Huỳnh Điểu Chọn Phổ Nhạc

 

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu khi phổ nhạc bài thơ Thuyền Và Biển đã chọn 12 câu của 3 đoạn cuối (các đoạn 5, 6, 7).

 

Ông cho rằng:

 

“Đó là đỉnh điểm cao trào của bài thơ. Hơn nữa, như thế vừa gọn, vừa nói lên được đầy đủ ý nghĩa chính của tác giả, và cũng vừa đủ cho một ca khúc trữ tình”. (Hà Thu)

 

https://vnexpress.net/thuyen-va-bien-khuc-tinh-ca-bat-hu-3240925.html

 

 

Tôi không nghĩ như vậy.

 

Trước hết, xin mời độc giả cùng tôi nghe kỹ đoạn đầu của ca khúc:

 

Chỉ có thuyền mới hiểu

Biển mênh mông nhường nào

Chỉ có biển mới biết

Thuyền đi đâu, về đâu

 

Tôi nhớ đến một đoạn thơ của người bạn cũng có ý tương tự:

 

Nàng với tôi là tri kỷ

chưa cần nói ra lời mà từ trong ý nghĩ

chúng tôi đã hiểu nhau

khi trái tim tôi dâng sóng dạt dào

muốn dang tay ôm hết muôn triệu người đau khổ

đôi mắt nàng như thì thầm to nhỏ

ngàn vạn tiếng yêu thương.

 

(Mối Tình Không Thể Nào Quên, Lê Hồng Danh)

 

Đoạn thơ của Lê Hồng Danh không sâu sắc bằng đoạn đầu trong ca khúc nhưng cái tôi riêng tư và cảm xúc của tác giả rất rõ nét.

 

Lý do: Khi nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu tách rời 3 đoạn cuối ra khỏi bài thơ (để phổ nhạc) thì đoạn ca từ này, vì không thể cùng trôi trên dòng cảm xúc với 4 đoạn thơ trước nên tuy ý tứ sâu sắc, ẩn dụ kín kẽ đến mức tuyệt vời, nhưng - trong ngữ cảnh của ca khúc - nặng chất lý trí, chỉ có giá trị như một phát biểu chung chung về thuyền và biển chứ không chở nặng một khối tình riêng tư thấm đẫm cảm xúc của tác giả như khi còn nằm trong bài thơ.

 

Còn 2 đoạn cuối:

 

Những ngày không gặp nhau

Biển bạc đầu thương nhớ

Những ngày không gặp nhau

Lòng thuyền đau - rạn vỡ

 

Nếu từ giã thuyền rồi

Biển chỉ còn sóng gió

Nếu phải cách xa anh

Em chỉ còn bão tố

 

chỉ là hệ quả tất yếu của đoạn trên. Yêu nhau sâu đậm như thế thì “Những ngày không gặp nhau” nhớ thương quay quắt là lẽ đương nhiên. Khi phải mãi mãi cách xa nhau thì người phụ nữ khổ đau như phải trân mình chịu đựng giữa cuồng phong bão tố là điều dễ hiểu.

 

Cao Trào Là Gì?

 

Một vài thuật ngữ liên quan đến cao trào:

 

1/ Đỉnh điểm tứ thơ:

 

Chỗ tứ thơ (ý chính của tác giả) đã được bộc lộ đầy đủ, trọn vẹn. Còn được gọi là điểm đến của tứ thơ.

 

2/ “Vùng đỉnh điểm tứ thơ”:

 

Nếu bài thơ có nhiều đoạn cùng mang ý nghĩa là đỉnh điểm tứ thơ (như 3 đoạn cuối của Thuyền Và Biển của Xuân Quỳnh) tôi gọi là “vùng đỉnh điểm tứ thơ”.

 

Bởi tuy ba mà một - cả 3 đoạn, về ý nghĩa, đều quy về tình yêu sâu đậm.

 

Đoạn 5: Tình yêu sâu đậm nên hai người tâm đầu ý hợp đến mức trở thành tri kỷ.

 

Đoạn 6: Tình yêu sâu đậm nên vắng nhau là quay quắt nhớ thương.

 

Đoạn 7: Tình yêu sâu đậm nên nếu phải chia tay thì vô cùng đau khổ.

 

3/ Đỉnh điểm cảm xúc:

 

Chỗ cảm xúc dâng cao nhất, mạnh nhất.

 

4/ Cao trào:

 

Chỗ gặp nhau của đỉnh điểm tứ thơ và đỉnh điểm cảm xúc.

 

5/ Kết thúc ở cao trào:

 

Nếu cao trào nằm ở cuối bài thơ. Đối với những người bình thơ, đây là lời khen đắt giá.

 

 

Ca Khúc “Thuyền Và Biển” Có Cao Trào Không?

 

Trong ca khúc Thuyền Và Biển, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đi tắt ở phần ca từ (bỏ cả 18 câu đầu của bài thơ) nên chỉ bằng một đoạn 4 câu, 20 chữ 


Chỉ có thuyền mới hiểu

Biển mênh mông nhường nào

Chỉ có biển mới biết

Thuyền đi đâu về đâu 


đã đưa người nghe nhạc tới đỉnh điểm của tứ thơ.

 

Những người đã thân quen với bài thơ, lúc ấy, nhờ ký ức của những hình ảnh yêu thương nồng thắm từ 18 câu đầu của bài thơ, có thể hiểu và cảm đoạn này của ca khúc không khó khăn lắm. Nhưng những người còn xa lạ với bài thơ sẽ phải khựng lại một lúc để suy nghĩ. Sau đó có thể cũng sẽ hiểu nhưng là cái hiểu nặng tính lý trí, thiếu vắng chữ tình.

 

Vì cảm xúc thì rất khác. Không thể một bước là đã ngự ở trên Đỉnh Vu Sơn. Phải có thời gian. Phải trèo từ từ. Nếu tứ thơ thông thoáng, dòng chảy mạnh, cảm xúc có thể trèo nhanh một chút; nếu dòng chảy của tứ thơ lững lờ, cảm xúc sẽ phải trèo chậm hơn. Còn nếu bài thơ ngắn - hoặc bằng cách nào đó (đi tắt như nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu chẳng hạn) - tứ thơ đi lên đỉnh điểm quá nhanh, cảm xúc không theo kịp, bài thơ sẽ được xếp vào loại “chưa đi đến chợ đã hết tiền”.

 

Như vậy, đỉnh điểm tứ thơ và đỉnh điểm cảm xúc không gặp nhau, nên có thể nói, ca từ của ca khúc Thuyền Và Biển không có cao trào.

 

Một Chút Ví Von

 

Thuyền Và Biển của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ thơ Xuân Quỳnh giống như một cuộc ái ân không có “khúc nhạc dạo đầu”. Không có những vòng tay ôm ấp yêu thương, những mơn trớn vuốt ve, những nụ hôn nồng cháy. Chàng chỉ vội vã tìm đến chỗ nhạy cảm nhất của nàng để giải tỏa cơn động cỡn của mình. Tệ hơn nữa, anh ta còn chẳng thèm để ý đến khuôn mặt và những bộ phận khác trên cơ thể của người phụ nữ đang “ân ái” với mình.

 

Cái tôi riêng tư đầy cá tính của tác giả bài thơ được phổ nhạc trở nên vô cùng mờ nhạt. Ngay cả chữ “em” trong câu:

 

Em chỉ còn bão tố”

 

nghe cũng xa lạ - hình như là của ai đó chứ không phải của người đã moi tim óc viết nên bài thơ.

 

 Kết quả là chàng đã “hết tiền” mà nàng thì chỉ mới bước vài bước đầu tiên trên đường đến chợ.

 

Kết Luận

 

Khi vua Sở sai quân lính đem một người nước Tề (“cho” phạm tội ăn trộm) ra trước bàn tiệc để làm nhục nước Tề thì sứ giả Án Tử của nước Tề đã có một phát biểu để đời:


Chúng tôi trộm nghe cây quất mọc ở đất Hoài Nam thì là quất ngọt, đem sang trồng ở đất Hoài Bắc thì hóa quất chua. Cành, lá giống nhau mà quả chua, ngọt khác nhau là tại làm sao? Tại thủy thổ khác nhau vậy.


Nay dân sinh trưởng ở nước Tề thì không ăn trộm, sang ở nước Sở thì sinh ra trộm cắp. Có nhẽ cũng tại vì cái thuỷ thổ khác nhau nó xui khiến ra như thế chăng! (Ứng Đối Giỏi, Cổ Học Tinh Hoa)

 

https://bachngocsach.com/reader/co-hoc-tinh-hoa/kwof

 

Nay 3 đoạn thơ của Thuyền Và Biển để ở bài thơ thì tuyệt vời, thấm đẫm chất tình, nhưng tách riêng đem đi phổ nhạc như nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu thì lại khô khan không cảm xúc là tại làm sao? Tại bị bứng ra khỏi khu đất “đắc địa” mà Xuân Quỳnh đã chọn để ươm trồng chúng.


Xin đón nhận tất cả những ý kiến, phê bình của độc giả.

 

PHẠM ĐỨC NHÌ                                                                                                                                         nhidpham@gmail.com

 

CHÚ THÍCH:

 

1/ Thuyền Và Biển: Ngọt Bùi Cay Đắng Của Tình Yêu

 

https://phamnhibinhtho.blogspot.com/2020/12/thuyen-va-bien-ngot-bui-cay-ang-cua.html 

 

2/ Mặc dầu đoạn 5 là đỉnh điểm tứ thơ nhưng 2 đoạn cuối kế đó là hệ quả tất yếu của đoạn 5, có nhiệm vụ hỗ trợ để làm đỉnh điểm tứ thơ “chắc hơn, mạnh hơn”, tạo thành một “vùng đỉnh điểm tứ thơ”.

 


 

 

                     

Thứ Ba, 30 tháng 3, 2021

MỘT HIỂU LẦM ĐÁNG TIẾC

 

                           

Một Bài Thơ Lạ

Tình cờ đọc được bài thơ của anh Trần Vấn Lệ trên Facebook. Bài thơ có cái tựa hơi “điệu”: Bạn Có Thể Xé Quăng Bài Thơ Này Không Ạ? Điểm chính của tứ thơ là 2 câu thơ của thi sĩ Vũ Hoàng Chương:

“Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa  

Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh”

Thi sĩ họ Trần có vẻ không hài lòng với cách phát biểu “đụng chạm” của thi sĩ họ Hoàng.

Đây là nguyên văn bài thơ:


BẠN CÓ THỂ XÉ QUĂNG BÀI THƠ NÀY KHÔNG Ạ?

 

Vũ Hoàng Chương cầm bút

Viết hai câu thế này:

"Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa

Bị Quê Hương ruồng bỏ giống nòi khinh!"

Ai đọc không giật mình?

Dân ta không thình lình

Chịu một cơn nội chiến!

 

Bốn Ngàn Năm Văn Hiến

Thành một con số không!

Vũ Hoàng Chương chắc ngông?

Chúng ta đều chắc dại?

 

Ai nhận phần sai trái

Làm Đất Nước tan hoang?

Cuôc chiến nào vinh quang?

Bắc Nam chăng? Giải Phóng!

 

Lá cờ bay gió lộng.

Đồng vọng tiếng chuông ngân...

Những cánh buồm gió căng.

 Những lòng người xẹp lép!

 

Ôi chao một đôi dép,

Một đôi mà chia hai...

Lũ chúng ta lạc loài,

Anh em nhìn lạ hoắc!

 

Vũ Hoàng Chương người Bắc

Mà không về Cố Huơng!

Bao nhiêu người lạc đường

Chạy vào Nam trú ẩn?

 

Hoàng Giác tìm tổ ấm

Bằng bài ca Chiêu Hồi!

Đã qua chưa một thời...

bốn phương thành tám hướng?

 

Nguyễn Cao Kỳ biết ngượng

Về chết không chỗ chôn!

Phạm Duy có gây ồn,

Về, ngậm cười vĩnh viễn...

 

Bốn ngàn năm văn hiến

Bốn ngàn năm...một ngày!

Vũ Hoàng Chương loay hoay

Viết hai câu đứt ruột!

 

"Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa

Bị Quê Hương ruồng bỏ giống nòi khinh"

 

Một giang sơn tan tành  

Đếch có ai trách nhiệm!

Niềm vui ngày một hiếm

Nỗi buồn ngày thênh thang!

 

Bạn có thể xé quăng

bài thơ này, không ạ?

Cho tôi hôn trên má

một miếng...buồn lê thê!

(Trần Vấn Lệ)

 

Một Hiểu Lầm

Nhà thơ Trần Vấn Lệ nghĩ rằng nhóm chữ “Lũ chúng ta” trong 2 câu thơ của Vũ Hoàng Chương bao gồm cả mình (và cả dân tộc Việt Nam) nên “nổi trận lôi đình” tuôn ra những câu thơ đầy nghĩa khí:

Vũ Hoàng Chương cầm bút

Viết hai câu thế này:

"Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa

Bị Quê Hương ruồng bỏ giống nòi khinh!"

 

Ai đọc không giật mình?

Dân ta không thình lình

chịu một cơn nội chiến!

 

Bốn Ngàn Năm Văn Hiến

Thành một con số không!

Vũ Hoàng Chương chắc ngông?

Chúng ta đều chắc dại?

 

Bài thơ của anh Trần Vấn Lệ khá hay, đặc biệt, cảm xúc mạnh mẽ, nóng hổi. Tuy nhiên, ở đây tôi không bình thơ mà chỉ xoay quanh điểm anh Trần Vấn Lệ hiểu lầm.

 

Hai câu thơ đó nằm trong bài Phương Xa của Vũ Hoàng Chương và trong ngữ cảnh ở bài thơ đó nhóm chữ “Lũ chúng ta”có nghĩa hoàn toàn khác.

 

Và bây giờ  xin phép “dài dòng văn tự” một tý để một là, biện minh cho thi sĩ họ Hoàng, và hai là, nói vài lời công đạo cho thơ.

 

Bài Thơ “Say Đi Em” Và Thành Sầu Của Vũ Hoàng Chương

 

Tập thơ Say của Vũ Hoàng Chương xuất bản năm 1940 – có nghĩa là bài thơ Say Đi Em được viết trước đó.

Nho học đã lụi tàn. Khoa thi Hương cuối cùng là khoa Mậu Ngọ (1918), tổ chức tại trường Thừa Thiên. Sau khoa thi Hương này, ngày 28/12/1918, vua Khải Định ra chỉ dụ bãi bỏ khoa cử ở Việt Nam. Khoa thi Hội và thi Đình cuối cùng được tổ chức năm 1919. Những người thi đỗ có bằng nhưng không được bổ nhiệm chức vụ gì. (1)

 

Cha mẹ Vũ Hoàng Chương, cũng như rất nhiều bậc cha mẹ thuộc hàng quan lại, khá giả thời bấy giờ, ở vào thế tấn thối lưỡng nan. Một là, giữ lấy chút tiết tháo kiểu quân tử Tàu, thà để con lông bông chịu dốt chứ không thèm hợp tác với ngoại bang. Hai là, cho con theo Tây học để mở mang kiến thức, có cơ hội thăng tiến trong xã hội mới. Họ, hầu hết, đã chọn con đường thứ hai. Vũ Hoàng Chương nhờ thế, đỗ Tú Tài Pháp ban toán năm 21 tuổi (1937).

Năm 1938 ông vào Trường Luật nhưng chỉ được một năm thì bỏ, đi làm Phó Kiểm Soát Sở Hỏa Xa Đông Dương, phụ trách đoạn đường Vinh – Na Sầm. (2)

 

Vào năm 1935, Hà Nội tuy sống dưới chế độ bảo hộ của thực dân Pháp nhưng có một bộ mặt rất thanh bình, vui vẻ, trẻ trung. Nhà cầm quyền đang cố tình dung túng các cuộc ăn chơi phóng túng để người ta quên đi biến cố đàn áp tàn bạo vừa qua (Năm 1930, Nguyễn Thái Học và mười hai liệt sĩ VN Quốc Dân Đảng khác phải lên đoạn đầu đài ở Yên Bái, sau đó là chiến dịch lùng sục bắt bớ ở nhiều nơi), đồng thời để ru ngủ thanh niên nên các trà đình, tửu điếm, các tiệm nhẩy đầm, các nhà hát ả đào (còn gọi là hát cô đầu) và các tiệm hút thuốc phiện mọc lên nhan nhản. Người ta đua nhau ăn diện, nhiều cậu công tử Hà Thành diện đúng mốt Paris, tay sách can đi bên cạnh các cô gái tân thời, phấp phới áo dài Lemur Nguyễn Cát Tường. (3)

 

Vũ Hoàng Chương ngoài việc bắt buộc phải theo Tây học để tiến thân, còn cắn phải miếng mồi “ru ngủ” của người Pháp. Ông cũng lao vào những thú vui trác táng - rượu, thuốc phiện, nhảy đầm và cả gái nữa. Về điểm này, Trong Thi Nhân Việt Nam, Hoài Thanh đã có một đoạn khá đầy đủ:

 

Người say đủ thứ: Say rượu, say đàn, say ca, say tình đong đưa. Người lại còn "hơn" cổ nhân những thứ say mới nhập cảng: Say thuốc phiện, say nhảy đầm. Bấy nhiêu say sưa đều nuôi bằng một say sưa to hơn mọi say sưa khác: Say thơ. (2)

 

Như vậy, “thành sầu” của Vũ Hoàng Chương là nỗi sầu đất nước bị ngoại bang đô hộ, dân tộc bị chúng làm tha hóa, băng hoại bằng đủ mọi âm mưu thâm độc. Trớ trêu thay, chính ông lại góp tay, giúp sức cho bộ máy cai trị ấy, chính ông lại lậm vào những cuộc chơi trác táng do chúng đặt ra, không những tự làm hỏng mình mà còn làm gương xấu cho lớp trẻ, rường cột của tương lai dân tộc. Ông cảm thấy tội lỗi, tủi nhục, uất ức và chất ngất buồn sầu. Là người có liêm sỉ, ông đã can đảm nói lên sự thật:

 

Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa

Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh

Bể vô tận xá gì phương hướng nữa

Thuyền ơi thuyền, theo gió hãy lênh đênh.

(Phương Xa)

 

 

Nỗi tủi nhục buồn sầu đó bắt rễ, ăn sâu rồi cao lớn như một bức tường thành sừng sững trong tâm hồn nhà thơ – đã trở thành điểm mấu chốt trong tứ thơ của thi phẩm Say Đi Em. Ông đã mượn rượu với ý định đánh sập thành sầu  

 

Nhưng em ơi! Đất trời nghiêng ngửa

Mà trước mắt thành sầu chưa sụp đổ

Đất trời nghiêng ngửa

Thành sầu không sụp đổ, em ơi.

 

và đã thất bại.

 

Như vậy, nhóm chữ  “Lũ chúng ta” trong 2 câu thơ làm anh Trần Vấn Lệ hiểu lầm rồi nổi giận thật ra chỉ gồm Vũ Hoàng Chương và nhóm bạn “lạc loài dăm bảy đứa”“cùng hội cùng thuyền” cùng sở thích – trong đó có những sở thích hạ phẩm giá con người và làm suy yếu đất nước, ô nhục dân tộc. Chính vì thế cái “lũ” ấy mới có  mặc cảm “Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh”. 


Còn anh Trần Vấn Lệ bây giờ và hàng mấy mươi triệu dân Việt Nam lúc đó chẳng liên quan gì đến chuyện “ruồng bỏ”, “khinh bỉ” cái “lũ” ấy cả. Hơn nữa, “Quê Hương Việt Nam, Mẹ Việt Nam” có bao giờ “ruồng bỏ”, “khinh bỉ” những đứa con của mình đâu; dù có thế nào đi nữa vẫn mở rộng vòng tay thương yêu ôm chặt đàn con bất kể ngoan hiền hay hư hỏng.

 

Tôi không biết nhóm bạn “cùng hội cùng thuyền” của thi sĩ Vũ Hoàng Chương thuở ấy thế nào chứ chính ông thì đã quay lại đường ngay nẻo chánh. Ông sống nửa cuộc đời còn lại của mình như một đứa con ngoan hiền, đã dậy dỗ và nêu gương sáng cho lớp trẻ. Đặc biệt, ông đã sáng tác và để lại cho kho tàng văn chương Việt một khối lượng tác phẩm đồ sộ và giá trị.

 

Kết Luận

 

Một bài thơ đã viết ra và phổ biến thì dù ai đó có đập tan máy tính hay xé nát văn bản nó vẫn còn đấy. Bài thơ của anh Trần Vấn lệ - vì một chút hiểu lầm – nên tứ thơ đã “đi lạc”. Mà sự “đi lạc” này khá rõ ràng, chỉ cần “quay lại” nhìn lại kỹ một chút là sẽ nhận ra. Là tác giả, anh có quyền “đường ta ta cứ đi”, thiên hạ nói gà nói vịt gì cũng mặc kệ.

 

Nhưng anh cũng có thể quay lại nói vài câu để sòng phẳng với độc giả và thi sĩ Vũ Hoàng Chương (dù ông đã khuất bóng). Nếu anh làm được như vậy thì mai đây có dịp gặp nhau trên đường đời tôi cũng sẽ chẳng ngại ngùng gì mà không chìa má cho anh hôn “một miếng”. Có điều đó không phải là “miếng hôn buồn lê thê” (chữ của Trần Vấn Lệ) mà sẽ là nụ hôn thấm đậm tình bạn bè - những người cùng hết lòng yêu văn chương thi phú.

 

(Bài viết có lấy ý và mượn vài đoạn trong Say Đi Em - Một Bài Thơ Tới Bến của cùng tác giả)

 

 

PHẠM ĐỨC NHÌ

nhidpham@gmail.com

phamnhibintho.blogspot.com

 

 

 

CHÚ THÍCH:

 

 1/ (Chi Tiết Thú Vị Về Khoa Thi Nho Học Cuối Cùng, Chí Đức, kienthuc.net.vn)

(https://kienthuc.net.vn/tham-cung/chi-tiet-thu-vi-ve-khoa-thi-nho-hoc-cuoi-cung-405397.html)

 

2/ (Vũ Hoàng Chương, Wikipedia.org)

(https://vi.wikipedia.org/wiki/V%C5%A9_Ho%C3%A0ng_Ch%C6%B0%C6%A1ng)

 

3/ (Thiên Tình Sử Của Thi Sĩ Vũ Hoàng Chương - Phần 1, Phạm Thị Nhung, Cỏ Thơm)

(http://cothommagazine.com/index.php?option=com_content&task=view&id=103&Itemid=1)

 

 

 

 


Thứ Ba, 12 tháng 1, 2021

TRẢ LỜI ANH NGUYÊN LẠC VỀ SHOW, DON’T TELL

 


                             

 

Trong bình luận của tôi về bài viết của anh Nguyên Lạc tôi chỉ giới hạn nhận xét của mình vào một phần “không ổn”:

 

Trong 3 truyện ngắn anh Nguyên Lạc đưa vào làm thí dụ cho thủ pháp Show, Don’t Tell trong bài Vài Điều Về Cao Xuân Huy Và Lâm Chương thì nhận xét của tôi chỉ nhắm vào truyện ngắn Bùa Ếch của nhà văn Lâm Chương. Truyện ngắn này có đoạn kết như sau:

 

Lương Mập phân trần: “Tôi thương cô ta thiệt tình. Chứ đâu phải vì cái đó.” Lão (thầy bùa) lắc đầu: “Cậu lầm rồi. Nếu cô ta không có cái đó, cậu có thương không?” Lương Mập cứng họng.

Trên đường về, nghiệm lại lời của lão thầy bùa, hắn hiểu ra rằng tình cảm trai gái đều bắt nguồn từ cái đó khác nhau mà thôi…

 

 

Anh Nguyên Lạc thì cho rằng Bùa Éch có ẩn ý:

 

Tôi thấy gì? - Thấy cái mà Sigmund Freud (an Austrian neurologist and the founder of psychoanalysis) đã nói đến, nó luôn chi phối cách "hành xử" của con người, - Thấy "cõi tồn sinh" nơi ngã ba ("con đường ngã ba" - chữ của Bùi Giáng) cái mà con người muốn chiếm hữu, sở hữu ... do đó mới xảy ra chiến tranh đau thương, khổ sở ... và cũng tạo ra hạnh phúc, sung sướng ... nhờ đó nòi giống trường tồn. Thí dụ như việc vì muốn chiếm đoạt “cái đó” của người đẹp Helen mà gây nên “Chiến tranh thành Troia” (trường thi của Homer: Iliad và Odyssey). Vì "cái đó" mà tiêu tan đất nước, toi mạng, tiêu đời… Trụ Vương / Đắc Kỳ, Ngô Vương/ Tây Thi và Đồng Trác / Điêu Thuyền v.v…

 

Và vì thấy nhiều thứ tiềm ẩn như vậy nên anh Nguyên Lạc đã đưa tác phẩm lên làm thí dụ danh giá cho thủ pháp Show, Don’t Tell.

Độc giả có thể đọc bài của Nguyên Lạc theo link sau đây:

 http://t-van.net/?p=47155

Tôi cho rằng nếu đọc cả truyện ngắn Bùa Ếch độc giả sẽ thấy cốt truyện thẳng tuột, không có ẩn ý. Và ở đoạn kết tác giả đã “nói toạc móng heo” điều mình muốn nói “… tình cảm trai gái đều bắt nguồn từ cái đó … “

 

 

Thành Phần Của Thủ Pháp Show, Don’t Tell

 

1/ Tell: Thường dùng trong Văn –

Thí dụ: Michael rất sợ bóng tối

 

Trong khi Show, Don’t Tell thì được viết là:

 

Khi mẹ em tắt đèn và rời khỏi phòng, Michael căng thẳng. Em thu mình dưới chăn, nắm chặt tấm trải giường và nín thở khi gió lướt qua rèm. (2)

 

2/ Show & Tell: Nhiều đoạn văn, bài thơ tác giả chỉ giới thiệu đôi chút rồi đi thẳng vào điểm chủ yếu mình muốn nói đến. Trong trường hợp này tác phẩm chỉ có Show và Tell, không có “phần chìm” Don’t Tell – nghĩa là không có ẩn ý.

 

Thí dụ:

 

CHỢT THỨC

 

Lão Trư Bát Giới đang ngủ yên

bỗng bừng tỉnh dậy

phùng mang trợn mắt

là lúc lòng anh rạo rực

nhớ em.

 

Đây là bài thơ nói thằng – không ẩn dụ, không bóng gió, không ẩn ý, chỉ có Show & Tell.

 

Show: Lão Trư Bát Giới “phùng mang trợn mắt”

Tell: Anh “thèm chim” và nhớ em.

 

Ý chính của bài thơ: Lão Trư Bát Giới thức dậy làm dữ quá nên anh “thèm chim” và nhớ em. Thế thôi. Chứ suy rộng, hiểu sâu như anh Nguyên Lạc – nghĩ đến Sigmund Freud và muôn thứ lòng thòng ở phía sau – không phải là không có lý, nhưng trong khung cảnh của Chợt Thức là đi quá xa, là lạc đề. Nói rõ ra, đây chỉ là bài thơ Show & Tell – không có phần Don’t Tell (ẩn ý).

 

Dưới đây là một đoạn thơ nghe được từ tiệc nhậu của mấy anh đánh cá:

 

Đêm nay cờ ‘dục’ trống dồn

Cái hồn lại ngứa bồn chồn nhớ anh

Em đây nhớ cái củ hành

Nhớ sao những lúc thả phanh gầm gừ

Tiếng rên vô nghĩa ư …ư

Cái hồn sung sướng ngất ngư quên trời

(Chữ “dục” viết sai chính tả có chủ ý)

 

Ý chính của đoạn thơ là tác giả lên cơn thèm “củ hành” và nhớ “chàng” chứ chẳng có Sigmund Freud hoặc Trụ Vương Đắc Kỷ hay Đổng Trác Điêu Thuyền gì hết. Và đoạn thơ này cũng chỉ thuộc loại Show & Tell.

 

3/ Show, Don’t Tell (Có Ẩn Ý – Don’t Tell)

 

CÁNH ĐỒNG

 

 Sau ba năm chung thủy

Với người chồng đi xa

Chị đã thất tiết một cách lạ kỳ

Với người đàn ông xấu xí

Già hơn chị rất nhiều

 

Trong một buổi chiều bão tố

Khi chúng tôi đến đó

Người đàn ông đã đi rồi

Chỉ còn lại trên đồng lúa

Vết xước của dĩa bay mà thôi

(Nguyễn Đức Tùng)

 

Show: Thiếu phụ “thất tiết” với “người từ hành tinh khác”.

Don’t Tell = Ẩn ý: Khi “thèm chim” mà vì lý do này lý do khác không thể thỏa mãn thì gặp “người từ hành tinh khác” Bà cũng “chơi”, mặc kệ những cái nhìn không đồng tình, thiếu thiện cảm của người đời. Đó là quyền mưu cầu hạnh phúc chính đáng của con người nói chung và của Bà nói riêng.

 

GIÓ DẬY THÌ

 

Lạ chưa cơn gió dậy thì

Cứ tưng tửng thổi kể gì ngày đêm

Cây đào nghiêng ngả trước thềm

Nhụy hoa tơi tả cành mềm gẫy ngang

Cạnh chùa cây đại, cây bàng

Tiếng chim kêu thảng thốt vang giữa trời

Thấy hồn bay bổng chơi vơi

Nằm nghe gió thổi nhớ thời thanh xuân

(Thanh Bảo Nguyên)

 

Show: Cả bài thơ

Don’t Tell = Ẩn ý: Tác giả đang “thèm chim” “quá cỡ thợ mộc”.

 

Bài Cánh Đồng độc đáo ở chỗ ý đi rất xa, thể thơ mới lạ, hiệu quả, phần Don’t Tell được sắp xếp kín và khéo nhưng ít cảm xúc.

 

Bài Gió Dậy Thì “hiền” hơn, mặc dù cơn “thèm chim” mạnh hơn, sinh động hơn, cảm xúc nhiều nhưng vẫn giữ được nét thanh của thơ.

 

Truyện Ngắn “Bùa Ếch” Có Thể Xếp Vào Loại Show, Don’t Tell?

 

Như đã nói ở phần đầu, truyện ngắn Bùa Ếch có kết luận là “tình cảm trai gái đều bắt nguồn từ sự yêu thích cái đó của nhau”. Theo tôi, đó cũng là ý chính của cốt truyện. Và Bùa Ếch chỉ thuộc loại Show & Tell chứ không phải Show, Don’t Tell.

 

Nghĩ sâu, suy rộng như anh Nguyên Lạc - từ Bùa Ếch mà nghĩ đến Sigmund Freud, Trụ Vương Đắc Kỷ, Đổng Trác Điêu Thuyền - không phải là hoang tưởng nhưng trong khung cảnh của truyện ngắn Bùa Ếch là đi quá xa, là lạc đề. Và hậu quả là đã tặng cho Bùa Ếch danh hiệu Show, Don’t Tell - một quyết định sai lầm về một thủ pháp quan trọng trong viết văn, làm thơ.

 

Còn Truyện Ngắn “Bắt Khỉ” Thì Sao?

 

Bình luận của tôi trên FB chỉ nhắm vào truyện ngắn Bùa Ếch nhưng trong phần trả lời của anh Nguyên Lạc cả 3 truyện đều được đem ra phô diễn, biện minh nên nhân tiện tôi nói thêm về truyện ngắn Bắt Khỉ.

Nếu nhà văn Lâm Chương cho dừng truyện ở chỗ

 

Anh Khan cũng không ngủ được. Anh ngồi dậy vấn thuốc, bất ngờ anh hỏi tôi, nghĩ thế nào về những con khỉ bị sơn mặt? Tôi nói, nếu ở Âu Mỹ, Hội Bảo Vệ Súc Vật sẽ can thiệp cho nó.

“Cũng không ai biết sẽ ra sao. Nếu nó cứ bám riết theo bầy, có thể một ngày nào đó, con khỉ đầu đàn sẽ cắn nó chết.”

 

và để mặc độc giả mò ra ẩn ý của anh thì Bắt Khỉ sẽ xứng đáng được xếp loại Show, Don’t Tell. Nhưng nếu làm như vậy thì ẩn ý quá kín, độc giả không thể suy đoán ra, không về được điểm đến mà anh muốn. Chính vì thế anh đã phải thêm đoạn kết và đưa vào 2 câu:

 

Anh bảo, khi tôi sang xứ người, nên tìm đến cái Hội Bảo Vệ Súc Vật, để nhờ họ che chở. Và nhớ hỏi họ, rằng giữa vùng rừng núi Việt Nam, có những “con khỉ người” đang bị sơn mặt, họ có bảo vệ không?

 

để độc giả hiểu được ý mình. Hai câu đó trở thành phần Tell của truyện và đã làm Bắt Khỉ không còn là Show, Don’t Tell nữa.

 

Anh Nguyên Lạc không thấy được điều đó nên đã có thêm một quyết định sai lầm, rất đáng trách khác nữa. Đó là quyết định (về mặt thủ pháp nghệ thuật trong viết lách) xếp Bắt Khỉ vào loại Show, Don’t Tell.

 

Kết Luận

 

Anh Nguyên Lạc đọc nhiều biết rộng nên trong các bài viết của anh rất nhiều tư liệu được trích dẫn, nhất là những đề tài nặng tính lý thuyết. Tôi rất nể phục anh ở điểm này. Có điều khi đem những ý niệm nặng tính lý thuyết đó ra để soi sáng, làm rõ giá trị nghệ thuật một tác phẩm nào đó thỉnh thoảng anh cũng có chỗ này, chỗ kia lầm lẫn.

 

Trong tranh luận văn chương tôi lại thích cãi tới bến, nhiều lúc quên cả nể nang nên đã làm anh phật lòng. Nhưng biết làm sao được. Cha mẹ sinh con trời sinh tính. Mong anh thông cảm.

 

Phạm Đức Nhì

nhidpham@gmail.com

 


Thứ Bảy, 2 tháng 1, 2021

CÁI SIÊU VÀ CÁI VỤNG CỦA NGUYỄN BÍNH TRONG MỘT BÀI THƠ


Gợi, Không Kể (Show, Don’t Tell) Là Gì?

 

Gợi, Không Kể là một kỹ thuật viết trong đó câu chuyện và các nhân vật có liên quan với nhau thông qua các chi tiết và hành động cảm tính chứ không phải là sự trình bày, tóm tắt. Nó thúc đẩy một phong cách viết cuốn hút hơn cho người đọc, cho phép họ “ở cùng phòng” với các nhân vật. (1)

 

(Show, Don’t Tell là biện pháp tu từ phát xuất từ Tây Phương, dịch là Gợi, Không Kể cũng hơi gượng nên tôi xin phép được dùng nguyên chữ gốc cho chính xác. Mong độc giả thông cảm.)

 

Showing minh họa, trong khi Telling chỉ phát biểu (thông tin chính trong một câu chuyện.)

 

(Showing illustrates, while Telling merely states.)

 

Thí dụ:

 

Telling: Michael vô cùng sợ bóng tối.

 

Showing: Khi mẹ em tắt đèn và rời khỏi phòng, Michael căng thẳng. Em thu mình dưới chăn, nắm chặt tấm trải giường và nín thở khi gió lướt qua rèm. (2)

 

Tóm lại,

 

Telling: Tóm tắt hay tường thuật theo lối chỉ kể cho người đọc biết điều xảy ra.

 

Showing: Dùng sự mô tả và hành động để giúp người đọc trải nghiệm câu chuyện.

 

Show, Don’t Tell Trong “Giấc Mơ Anh Lái Đò”

 

Bài thơ Giấc Mơ Anh Lái Đò có 14 câu (lục bát) được chia thành 4 ý nhỏ như sau:

 

1/ Hai câu đầu:

 

Năm xưa chở chiếc thuyền này

Đưa cô sang bãi tước đay chiều chiều

 

Đây là khởi điểm của mối tình đơn phương. Tác giả chỉ nói đến công việc đưa đò kiếm sống của mình nhưng cũng đồng thời vẽ nên khung cảnh, hoàn cảnh được tiếp xúc, gần gũi với cô gái: Gặp nàng, biết nàng trong mối quan hệ chủ thuyền và khách đi đò qua bãi. Thủ pháp Show, Don’t Tell đã bắt đầu lộ diện.

 

2/ Sáu câu kế tiếp:

 

Để tôi mơ mãi mơ nhiều

“Tước đay xe võng nhuộm điều ta đi

 Tưng bừng vua mở khoa thi

 Tôi đỗ quan trạng vinh quy về làng

 Võng anh đi trước võng nàng

 Cả hai chiếc võng cùng sang một đò”

 

Tác giả không nói gì về tình yêu nhưng khi người đọc nghe chàng tâm sự là đã đưa cô gái vào trong cả giấc mơ “vinh quy bái tổ” của mình thì hiểu ngay rằng chàng đã yêu cô say đắm. Show, Don’t Tell rõ nét và khéo.

 

3/ Bốn câu kế tiếp:

 

Đồn rằng: Đám cưới cô to

Nhà giai thuê chín chiếc đò đón dâu

Nhà gái ăn chín nghìn cau

Tiền cheo, tiền cưới chừng đâu chín nghìn

 

Chữ vụng nhất và theo tôi, làm giảm giá trị của cả đoạn thơ là chữ “to”. Chính chữ “to” đã để lộ ý của tác giả trong đoạn này và đã làm thủ pháp Show, Don’t Tell thất bại. Ngay câu đầu độc giả đã biết đám cưới của cô gái to rồi. Ba câu kế tiếp chỉ làm rõ nghĩa thêm cho chữ “to” mà thôi.

 

4/ Hai câu Kết:

 

 Lang thang tôi dạm bán thuyền

 Có người giả chín quan tiền, lại thôi

 

Trong khi cả cơ nghiệp của anh lái đò – là chiếc thuyền – đem gạ bán thì người ta chỉ trả có chín quan tiền. Hai câu thơ chỉ nói đến việc dọ giá bán thuyền nhưng đã ngầm chứa khoảng cách giầu nghèo ghê gớm giữa anh lái đò và tình địch của mình. Và hậu quả là nỗi đau đến xé tâm can về mối tình vô vọng đã đổ ập xuống đầu anh lái đò đáng thương. Show, Don’t Tell ở 2 câu kết thật tuyệt vời.

 

Giá Trị Nghệ Thuật Của “Giấc Mơ Anh Lái Đò”

 

Ngôn ngữ thơ đẹp một cách bình dị, câu cú đơn giản nhưng vững chắc về mặt ngữ pháp. Các ý nhỏ trong bài thơ tự động gắn chặt với nhau một cách tự nhiên, không cần những chữ nối (liên từ) hoặc câu nối. Bốn đoạn Show, Don’t Tell thì 3 đoạn thành công, đặc biệt hai câu kết - một thủ pháp Show, Don’t Tell xuất sắc.

 

 

Bài thơ, không những chỉ nổi trội về mặt thi pháp mà còn thành công về mặt cảm xúc. Tứ thơ chảy nhẹ nhàng, chậm rãi nhưng thành dòng rõ rệt. Đến cuối bài cảm xúc dâng lên cao ngất; nỗi đau của mối tình vô vọng như một cơn mưa lớn đổ ập xuống tràn ngập tâm hồn anh lái đò. Bài thơ, rất khéo, kết thúc ở cao trào.

 

Tiếc Cho Nguyễn Bính

 

Mỗi lần đọc lại hoặc ngâm nga bài Giấc Mơ Anh Lái Đò trong đầu tôi lại hiện ra một câu hỏi: “Tại sao một tài thơ hiếm có như Nguyễn Bính lại vô ý đến độ đưa chữ “to” rất “thô”, rất vô duyên ấy vào bài thơ?”

 

Chỉ cần tác giả “giấu” được chữ “to” thì 3 câu kế tiếp sẽ đóng vai trò cung cấp thông tin để từ đó người đọc tự nhận ra “À! Đám cưới cô ấy to thật”. Đoạn thơ sẽ trở thành Show, Don’t Tell một cách tự nhiên. Ba câu kế tiếp không còn là những anh “thợ vịn”, đưa vào để lấy có mà sẽ trở thành những công nhân lành nghề, có đóng góp quan trọng cho công trình Giấc Mơ Anh Lái Đò..

 

Mà giấu chữ “to” thì thiếu gì cách. Với kỹ thuật thơ nhuần nhuyễn như Nguyễn Bính chẳng lẽ không nghĩ ra được một câu lục có vần “o” mà vắng bóng chữ “to”?

 

Chẳng hạn (đơn giản nhất):

 

Đồn rằng đám cưới của

 

Giả sử Nguyễn Bính giấu được chữ “to” bằng câu lục (mà câu “Đồn rằng đám cưới của cô” của tôi là thí dụ) thì chỉ riêng về mặt thi pháp, 4 đoạn Show, Don’t Tell cũng thừa sức đưa Nguyễn Bính và Giấc Mơ Anh Lái Đò lên một trong những chỗ ngồi rất trang trọng giữa vườn thơ tươi đẹp của nhân loại.

 

 

Với vóc dáng ấy, Giấc Mơ Anh Lái Đò có đến 4 chỗ liên tiếp – không có liên từ hoặc câu nối - sử dụng thủ pháp Show, Don’t Tell hoàn hảo. Không những thế, toàn bài thơ - tất cả 14 câu, 98 chữ - đều nằm gọn dưới vùng phủ sóng của Show, Don’t Tell, không một chữ nào lọt ra ngoài.

 

Trong văn học Việt Nam, cho đến lúc tôi viết những dòng chữ này, CHƯA một thi phẩm nào sử dụng thủ pháp Show, Don’t Tell tuyệt vời đến mức ấy.

 

Chữ “to” ấy đã làm đoạn 3 mất đi danh hiệu Show, Don’t Tell và đáng tiếc nhất là do đó, tác giả đã để vuột khỏi tay chiếc huy chương vàng dành cho thi sĩ có Thi Phẩm Hoàn Toàn Show, Don’t Tell.

 

PHẠM ĐỨC NHÌ

 

Chú Thích:

 

1/ Show, Don’t Tell is a writing technique in which story and characters are related through sensory details and actions rather than exposition. It fosters a style of writing that’s more immersive for the reader, allowing them to “be in the room” with the characters.

 

2/ Telling: Michael was terribly afraid of the dark.

 

Showing: As his mother switched off the light and left the room, Michael tensed. He huddled under the covers, gripped the sheets, and held his breath as the wind brushed past the curtain.

 

https://blog.reedsy.com/show-dont-tell/