Thứ Ba, 19 tháng 6, 2018

CHỢ TÌNH: VIÊN NGỌC BỎ QUÊN

   

Một Người Bạn Mới

Mấy tuần trước tôi nhận được email của một độc giả tên Phạm Lam Hà:

“Qua bài anh bình thơ của bạn Ngọc Mai, tôi rất thích và Cảm Mến anh! Đã lâu tôi mới lại được đọc một bài bình thơ Công Bằng và Chân Thành như Anh. Tôi hỏi Ngọc Mai, biết anh cư trú ở Mỹ. Tiếc quá, tôi muốn liên lạc thường xuyên với anh để trao đổi, học hỏi thì có thể làm thế nào được?
Chúc Anh cùng gia đình luôn Vui Khỏe và Hạnh Phúc.” 

Thế rồi thư qua thư lại mấy ngày chúng tôi kết bạn Facebook. Nhờ hộp tin nhắn FB tôi gọi nói chuyện, biết anh là kỹ sư cầu đường về hưu, quê ở Hải Dương, sinh năm 1947. Anh rất vui vẻ, chân thật nên thỉnh thoảng trò chuyện đôi câu cũng không đến nỗi chán. 

Sau đó anh gởi cho tôi một bài thơ, có lẽ là ưng ý nhất, nhờ góp ý kiến. Tôi chân tình nhận xét ưu khuyết điểm của bài thơ để anh rút kinh nghiệm. Lần mò vào trang của anh trên FB tôi đọc được khá nhiều thơ văn trong đó bài thơ Chợ Tình có vóc dáng rất đặc biệt. Tôi lại bỏ ra mấy ngày để cùng anh trao đổi về hoàn cảnh ra đời của Chợ Tình và một số chi tiết độc đáo của nội dung bài thơ.

Vài Nét Về Chợ Tình

Chợ Tình trong bài thơ của Phạm Lam Hà chính là chợ Khau Vai, mỗi năm chỉ họp duy nhất một phiên vào ngày 27 tháng 3 âm lịch. Địa điểm thuộc huyện Mèo Vạc tỉnh Hà Giang.

Anh PLH cho biết thêm:

Vì là Chợ Tình nên người bán, người mua rất ít. Mục đích chính của phiên chợ là để cho gái trai đến tìm bạn tình, cho những người yêu nhau mà vì lẽ gì đó không lấy được nhau, đến tìm gặp người tình cũ (dù lúc ấy đã có vợ hoặc chồng). Họ có quyền vui chơi, tình tự và sống với nhau như vợ chồng dưới “tán ô xòe” được dựng “riêng một góc trời”. 

Cả vợ hoặc chồng đều có quyền gặp người tình cũ như vậy. Có biết, có thấy, có chạm mặt nhau cũng không ai ghen tuông gì. Quan niệm về tình yêu, tình dục và hôn nhân của họ, theo anh Phạm Lam Hà, rất tự do và phóng khoáng, vượt xa những xã hội tự nhận là văn minh.

Anh cũng cho biết năm 1966  anh có sống và công tác ở Mèo Vạc, Hà Giang 6 tháng và có dự phiên chợ Khau Vai để tìm (và gặp) bạn tình. Anh viết bài thơ Chợ Tình vào năm đó (lúc 19 tuổi) và năm 2017 có “đánh bóng lại” chút ít để đưa lên Facebook.

Dưới đây là bài thơ của anh Phạm Lam Hà:


 CHỢ TÌNH

Lán lá chông chênh sườn dốc
lũ ngựa thả rông
nhởn nhơ gặm cỏ ven rừng

Chợ đông, rất đông
xênh xang áo váy đủ màu

chảo Thắng Cố (1) sôi 
vòng ngồi nêm chặt
ngả nghiêng chóe rượu khèn bè (2)

Gái, trai ngời rạng
ngực Thổ Cẩm (3) căng tròn
ô xòe (4) che nghiêng 
góc riêng giữa trời giữa đất

Trời cứ xanh cao
núi xanh cao!
bóng núi từng chùm 
bầu trời rất lạ

Chợ đông, rất đông
người bán, người mua lại ít
mẹ xuống chợ gặp người yêu cũ
cha về hẹn bạn tình xưa
chẳng ghen tuông rình rập bao giờ

Chợ Khau Vai 
năm một lần mới họp
chợ một phiên 
tình nặng một đời.

Hà Giang 1966
Hải Dương 2017

Chú Thích: 

1/ Món ăn rất được ưa thích của dân miền núi, nguyên liệu là lục phủ, ngũ tạng của trâu, bò, dê, lợn, ngựa v.v, cộng với gia vị đặc biệt của dân địa phương, ăn nóng rất ngon.
2/ Một loại nhạc cụ của người Thái và người Dao 
3/ Một loại vải dệt bằng sợi “Lanh” có “cài hoa văn” đủ màu sắc 
4/ Một kiểu lều che 3 mặt đơn giản 




“Chảo ‘Thắng Cố’ sôi
vòng ngồi nêm chặt”

Tứ Thơ:

Quang cảnh một phiên “Chợ Tình” có tên gọi Chợ Khau Vai ở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.

Nói Thêm Về Tứ Thơ:

Ca dao Việt Nam có bài Trèo Lên Cây Bưởi Hái Hoa được Phạm Duy phổ nhạc rất hay. Dưới đây là đoạn sau của bài ca dao:

Ba đồng một mớ trầu cay,
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng,
Như chim vào lồng như cá cắn câu.
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ?
Chim vào lồng biết thuở nào ra?

(Trèo Lên Cây Bưởi Hái Hoa, ca dao)

Đây là hoàn cảnh của phụ nữ không lấy được người mình yêu. Bị trói buộc như cá cắn câu, như chim vào lồng. Nhiều trường hợp lấy được người yêu thích nhất (trong số bạn tình), sau khi chung sống một thời gian mới biết là không hợp, muốn cựa quậy tìm đường thoát nhưng ràng buộc đã quá chặt. 

Phía nam giới tuy có dễ dàng hơn một chút nhưng ngoài chuyện tình cảm và con cái, cái giá để hủy bỏ một cuộc hôn nhân - về phương diện tài chánh, xã hội, đạo đức, tôn giáo - trong nhiều trường hợp, quá cao nên cũng đành cam chịu. Những bài thơ của TTKh là một minh chứng hùng hồn.

Ở các nước Âu Mỹ quan niệm về tình yêu và hôn nhân có phóng khoáng hơn nhưng chế độ một vợ một chồng cũng là nền tảng căn bản. Và trong đời sống vợ chồng, những cuộc hôn nhân xé nát tim người cũng không phải là ít. 

Tôi đã thấy trên sách báo, truyền thanh truyền hình, trong tòa án và cả thực tế ngoài đời biết bao cảnh tình bi đát vì không tìm ra lối thoát. Bi kịch hôn nhân của Thái Tử Charles và Công Nương Diana là một thí dụ điển hình.

Hôn nhân kiểu “xã hội văn minh” được dây nhợ của luật pháp, tôn giáo, đạo đức, cách hành xử xã hội… trói chặt, bao kín trong suốt chiều dài của lịch sử nhân loại, đã trở thành một cái cũi vô hình giam hãm tâm hồn con người. Từ lúc sinh ra cho đến lúc trưởng thành con người được giáo dục, “thuần hóa” để tình nguyện chui vào cái cũi ấy (và nhiều cái cũi khác nữa).

Tình yêu kiểu Chợ Tình (Khau Vai) tuy chưa phải là câu trả lời rốt ráo cho vấn nạn hôn nhân, nhưng ít ra, theo tôi, cũng là một gợi ý để những tâm hồn phóng khoáng tự cảnh tỉnh rồi mạnh dạn đặt những bước chân khai phá hầu tìm một hướng đi mới cho cuộc sống vợ chồng.

Hình Thức:

Thoạt nhìn tôi đã khoái vóc dáng của bài thơ. Không còn dính dáng gì đến các thể thơ truyền thống, bỏ xa thơ mới, vượt qua thơ mới biến thể. Số chữ trong câu, số câu trong bài biến đổi tùy tiện, thoải mái, không theo một quy luật nào. Với hình thức thơ này tác giả giành lại gần như trọn vẹn quyền tự do của thi sĩ khi phóng bút.

Ngôn Ngữ Thơ:

Rất bình dân mà lại rất cao siêu. Bình dân vì đó là ngôn ngữ đời thường, không có những từ mang tính triết lý, học thuật, vượt quá trình độ thưởng thức của người yêu thơ trung bình. Dĩ nhiên, vì viết về nếp sống từ vùng rừng sâu, núi cao của dân tộc thiểu số nên có vài từ địa phương, nhưng chỉ cần liếc qua phần chú thích là độc giả sẽ hiểu ngay. Cao siêu vì các con chữ kết hợp với nhau một cách tài tình thành những bức tranh thơ sinh động, tuyệt đẹp. Tôi có thể đơn cử 3 bức tranh thơ:

1/ 

Bằng 3 câu thơ mở đầu thi sĩ Phạm Lam Hà đã vẽ bức tranh đầu tiên của Chợ Tình:


Lán lá chông chênh sườn dốc
lũ ngựa thả rông
nhởn nhơ gặm cỏ ven rừng


Có 2 đìểm đặc biệt về kỹ thuật thơ trong đoạn thơ này:

     a/ Thi Hóa Thân Thành Họa: Ngôn ngữ thơ đã gần như tan biến để hóa thân thành một bức tranh thơ sống động.

     b/ Thủ pháp Show, Don’t Tell (gợi, không kể): Với bức tranh trên, độc giả, với khả năng liên tưởng của mình sẽ nhận ra một nét lạ đầu tiên của Chợ Tinh; Nhiều người cỡi ngựa đến dự phiên chợ độc đáo này. Tác giả không nói mà chỉ cung cấp dữ kiện (gợi ý) để độc giả tự suy ra.

2/

Và tác giả tiếp tục ra tài thơ của mình qua bức tranh thứ hai: 


Chợ đông, rất đông
xênh xang áo váy đủ màu
chảo Thắng Cố sôi
vòng ngồi nêm chặt
ngả nghiêng chóe rượu khèn bè


Bức tranh vẽ cảnh một quán ăn của người miền núi, người ngồi nêm chặt quanh chảo Thắng Cố sôi bốc khói, ngả nghiêng với chóe rượu khèn bè. Phía sau, xa xa một tí, “xênh xang áo váy đủ màu”, người đi, kẻ lại đông đúc. Chữ “nêm” rất “gợi” và đắt, làm đẹp và mạnh nghĩa cho cả câu và đoạn thơ. Ngôn ngữ thơ ở đây rõ ràng quá, câu cú đơn giản, chặt chẽ quá; tất cả hầu như đã tan hết, hòa nhập vào bức tranh sinh động, không cần và cũng không thể giải thích gì thêm nữa.

3/

Đoạn kế tiếp và bức tranh thứ ba:


Gái, trai ngời rạng
ngực Thổ Cẩm căng tròn
ô xòe che nghiêng
góc riêng giữa trời giữa đất


Bức tranh vẽ cảnh gái trai mặt mũi tươi vui, ngời rạng, mặc áo vải Thổ Cẩm, ngực căng tròn đầy sức sống; xa xa những chiếc ô xòe che nghiêng (kiểu lều che kín 3 mặt) như đứng riêng một góc trời (để tình nhân đến tình tự, ân ái). Đây là bức tranh rất gợi tình và sexy một cách kín đáo, nghệ thuật.

Bàn Thêm Về Hai Chữ “rất lạ”

Đoạn thơ kế tiếp có nhóm hai chữ làm cho độc giả kỹ tính và người bình thơ phân vân. Đó là nhóm chữ “rất lạ” ở cuối đoạn.

Trời cứ xanh cao
núi xanh cao!
bóng núi từng chùm
bầu trời rất lạ


Trước hết tôi xin bàn về cái dở của nhóm chữ “rất lạ” này. Nếu nó được thay bằng một chữ (hoặc nhóm chữ) khác thích hợp – trong ngữ cảnh này chắc là không khó khăn lắm - đọan thơ sẽ thành một bức tranh thơ vẽ cảnh mênh mông hùng vĩ của những chùm núi được trời xanh bao phủ, cho thấy vẻ đẹp cảnh “ngoại biên”, cuối tầm mắt của thi sĩ ở khu vực Chợ Tình. Nhóm chữ “rất lạ” không “tan”, không hòa nhập vào trong tranh mà trồi lên làm “cộm mắt” người thưởng ngoạn.

Nhưng nhóm chữ “rất lạ” không phải vô tích sự mà cũng có đóng góp khá quan trọng trong việc thể hiện tứ thơ. Cái hình tượng (chưa phải là bức tranh) núi trời bao la “rất lạ” ấy rất hợp để đưa tâm hồn độc giả đến với những thông tin “rất khác thường” của phiên Chợ Tình một cách trơn tru, thoải mái hơn (nối tiếp ngay sau đó).

Có thể thi sĩ không nghĩ đến nên vô tình để “vuột” bức tranh thơ thứ tư. Cũng có thể ông biết nhưng vẫn cứ dùng nhóm chữ “rất lạ” để có sự chuyển đoạn hợp lý, hợp tình, suôn sẻ. Tôi nghiêng về “giả thuyết” thứ hai – nghĩa là nhà thơ của chúng ta đã chọn lựa một cách tính toán. Tuy hơi tiếc, nhưng trên trang thơ của mình thi sĩ là Vua nên tôi chấp nhận cúi đầu tuân phục trước quyền uy tối thượng của Ngài.

Ngoài ra 2 câu:

Trời cứ xanh cao
núi xanh cao

trong đó câu thứ hai bị “cắt” mất một chữ thành thử như người chân dài, chân ngắn, bước đi khập khiễng, mất cân đối; đọc lên như nghe ca sĩ hát sai nhịp. Đáng tiếc là việc “cắt một chữ” này chẳng đem lại lợi ích gì cho đoạn thơ cũng như bài thơ hết.

Đoạn Thơ Cung Cấp Thông Tin “Rất Khác Thường”


Chợ đông, rất đông
người bán, người mua lại ít
mẹ xuống chợ gặp người yêu cũ
cha về hẹn bạn tình xưa
chẳng ghen tuông rình rập bao giờ


1/


Chợ đông, rất đông
người bán, người mua lại ít


Người đến Chợ Tình ăn mặc đẹp như đi dự một lễ hội, dĩ nhiên, không phải để mua bán mà vì một chữ Tình (viết hoa). Đây đó cũng có những quán:


chảo Thắng Cố sôi
vòng ngồi nêm chặt
ngả nghiêng chóe rượu khèn bè


nhưng mục đích chỉ để hỗ trợ, vun đắp chữ Tình - tạo khung cảnh, cơ hội để bạn tình, người yêu cũ ăn uống, vui chơi, chuyện trò, tâm sự.

2/


mẹ xuống chợ gặp người yêu cũ
cha về hẹn bạn tình xưa
chẳng ghen tuông rình rập bao giờ


Đây cũng là một điểm khác biệt giữa Chơ Tình và những phiên chợ bình thường khác. Mức độ tự do vượt bậc trong việc tìm người yêu ở Chợ Tình đã cho phép mọi người tham dự đạp đổ cái hàng rào cấm kỵ được canh giữ nghiêm ngặt ở xã hội bên ngoài. Lòng chung thủy được xem là đức tính, là nét đẹp, là điều kiện tối cần thiết cho cuộc sống vợ chồng, nhưng mặt trái của nó đã bóp nát không biết bao nhiêu triệu trái tim lầm lỡ. 

Quan niệm cho phép “gặp người yêu cũ, hẹn bạn tình xưa” để trao trọn cả thể xác lẫn tâm hồn cho nhau, dù chỉ một ngày mỗi năm, theo tôi, rất nhân bản và đáng ngưỡng mộ.

Đoạn Kết Của Bài Thơ


Chợ Khau Vai
năm một lần mới họp
chợ một phiên
tình nặng một đời.

Tác giả đưa vào đoạn cuối của bài thơ 2 chi tiết:

Tên Chợ Tình là chợ Khau Vai và mỗi năm chỉ họp một lần. Sau đó ông rất khéo léo kết thúc bài thơ bằng 2 câu:


chợ một phiên
tình nặng một đời


“Tình nặng một đời” ở đây không phải là sự trói buộc của hôn nhân mà là “sợi dây tình” cho phép những kẻ yêu nhau, dù hoàn cảnh trái ngang đến đâu chăng nữa, mỗi năm cũng có một ngày được sống trọn vẹn cho nhau, và cứ thế, đến hết một đời. Với sự hỗ trợ của 2 câu trước đó, 2 câu kết đã gói trọn hồn cốt của bài thơ, để lại trong lòng độc giả một ấn tượng mạnh mẽ.

Vần:

Nhìn qua cách dàn trải chữ nghĩa về mặt hình thức tôi không nghĩ là tác giả chủ ý gieo vần. Có lẽ vì ông chú tâm quan sát, ghi nhận để “thu” hết quang cảnh Chợ Tình vào bài thơ nên “quên” luật thơ. Cả bài thơ 25 câu mà chỉ có 2 lần gieo cước vận (vần cuối câu):

1/

lũ ngựa thả rông
nhởn nhơ gặm cỏ ven rừng  

2/

cha về  hẹn bạn tình xưa
chẳng ghen tuông rình rập bao giờ


và 2 lần có yêu vận (vần lưng):

1/

ô xòe che nghiêng
góc riêng giữa trời giữa đất

2/

chảo Thắng Cố sôi
vòng ngồi nêm chặt


Riêng 2 chỗ yêu vận, do nhịp điệu thay đổi, hiệu ứng tính nhạc rất cao nên dù ít vần, bài thơ đọc vẫn cứ trơn tuột, tứ thơ vẫn chảy thành dòng từ đầu đến cuối. Món chè Chợ Tình ngọt không phải do đường mà do “chất ngọt” tự nhiên từ nguyên liệu (ở đây là cấu trúc câu thơ).

Hơn nữa, Chợ Tình ngay phần đầu, đã có đến 3 bức tranh thơ, ở đó ngôn ngữ đã tan biến nên ý đã có thể đi thẳng vào hồn mà không phải dừng lại để qua trạm “gạn đục khơi trong” của lý trí.


Cảm Xúc

Cảm xúc tầng 1:

Khoái cảm có được do tiếp xúc với các con chữ (ngôn ngữ thơ) và câu thơ - trong bóng đá là kỹ thuật cá nhân của cầu thủ. Như đã nói ở trên, ngôn ngữ thơ của Chợ Tình vừa bình dân vừa cao siêu, cấu trúc câu giản dị, dễ hiểu. Độc giả nào thấy được cái siêu của các con chữ tượng hình, lắp đặt trong một cấu trúc câu đơn giản – đơn giản đến mức gần như tan biến để trở thành những bức tranh thơ - sẽ rất thích thú. Cũng có thể so sánh với việc xem bóng đá bắt gặp khả năng chận bóng, đi bóng, chuyền bóng, sút bóng - không rê dắt, màu mè nhưng lại rất hiệu quả - của cầu thủ.

Cảm xúc tầng 2:

Khoái cảm, rung động có được do thế trận câu chữ mạch lạc, hợp lý – trong bóng đá là đấu pháp toàn đội ăn ý. Thế trận câu chữ của Chợ Tình đơn giản nhưng mạch lạc dễ hiểu. Đặc biệt đoạn kết rất “gợi”; câu “tình nặng một đời” cho người đọc cái cảm giác bồi hồi, sung sướng khi mường tượng trước mắt chính mình và người tình cũ (thật hoặc tưởng tượng) đang sóng vai đi giữa Chợ Tinh.

Cảm xúc tầng 3:

Người đọc theo dòng chảy của tứ thơ cảm được sự đồng tình một cách thích thú của tác giả với quan niệm rất phóng khoáng về tình yêu và tình dục của người dân địa phương. Hơn nữa, thi sĩ bước vào khung cảnh Chợ Tình không phải như một người bàng quan mà là với tâm trạng xôn xao, háo hức của một chàng thanh niên 19 tuổi, vừa tò mò trải nghiệm một nét văn hóa mới lạ, vừa nhập cuộc, đem chính trái tim của mình ra “thử thời vận” với tình duyên.

Chính vì vậy, khác với Ông Đồ của Vũ Đình Liên (cũng có 4 bức tranh thơ), bên dưới 3 bức tranh thơ của Chợ Tình (và mấy đoạn thơ sau đó), độc giả cảm thấy một luồng hơi nóng tỏa ra, không phải từ các con chữ mà từ đâu đó giữa hai hàng kẻ. Đó là thứ cảm xúc cao cấp nhất - cho khoái cảm nhiều nhất, đặc biệt nhất - của thơ.

Có điều ở đây tác giả nặng về chuyển tải thông điệp (về phiên Chợ Tình) nên mặc dù đoạn kết gây ấn tượng mạnh mẽ, cảm xúc vẫn chưa đến mức cao trào để tạo hồn thơ.

Kết Luận

Ngoài khuyết điểm nhỏ “cắt một chữ”, Chợ Tình là bài thơ thành công về nhiều mặt. Tứ thơ chuyển tải một thông điệp, một nét văn hóa rất lạ, rất đẹp, rất nhân bản về tình yêu và hôn nhân. Về hình thức, Chợ Tình đã vượt qua thơ mới biến thể, nghĩa là đã đi trước rất nhiều thi sĩ nổi tiếng đương đại; vần rất ít mà vẫn có vị ngọt tự nhiên giúp tứ thơ chảy thành dòng thông thoáng, đặc biệt ngôn ngữ đơn giản đến mức ảo diệu, đã vẽ lên 3 bức tranh thơ sinh động.

Được anh Phạm Lam Hà mời đến “nhà” chơi, thấy viên đá nằm lăn lóc trên mặt bàn, tôi tò mò cầm lên phủi bụi rồi lấy mảnh khăn giấy (napkin) lau qua một lượt. Thật lạ lùng! Nó tỏa ra ánh sáng lung linh nhiều màu rất đẹp. Xem xét kỹ hơn thì biết đó là viên ngọc đã bị ông chủ bỏ quên suốt 50 năm.

League City 16 tháng 6 năm 2018
Phạm Đức Nhì




Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2018

TRAO ĐỔI VỀ "QUÊ NGHÈO" VỚI CÔ NGUYỄN BÍCH THỦY



                               

Với bài viết Vài Ý Kiến Quanh Việc Mổ Xẻ Bài Thơ “Quê Nghèo” Của Đặng Xuân Xuyến cô Nguyễn Bích Thủy đã có nhã hứng ghi lại một số nhận xét về Mục thứ 5 – Ưu Điểm Về Mặt Thi Pháp Trong Bài Thơ “Quê Nghèo” - trong bài viết Bình Thơ Không Bàn Thi Pháp của tôi. Nhận xét của cô thiên về cảm tính nên dù có nhiều chỗ cô phân tích rất sâu sắc, nhiều tính thuyết phục, vẫn còn vài điểm tôi thấy cần trao đổi với cô để làm rõ vấn đề. Bài viết này chỉ nhắm vào những điểm cần thiết đó. Nếu độc giả muốn đọc cả bài viết của cô NBT thì link ở ngay sau đây:

1/

Nguyễn Bích Thủy:

Chưa bàn đến hay, không hay nhưng tôi thích bài thơ ở chỗ nó chân thực nhưng tôi không thích tứ thơ này:
“Chiếc cổng làng thành tai hại
Giam hãm đời người
Tù túng giấc mơ.
.
Quê tôi nghèo
Nghèo cả giấc mơ...”
Đây là chủ quan của tác giả. Tôi nghĩ hãy để cho nó tự nhiên như vốn có.

Phạm Đức Nhì:

Nếu cô NBT chỉ nói “nhưng tôi không thích tứ thơ này” thì chẳng ai dám có ý kiến gì. Vì thích hay không thích cái gì đó là quyền riêng tư của mỗi người. Cái sai của cô là ở câu “Đây là chủ quan của tác giả”. Nếu cái gì trong thơ cũng là “thực tế khách quan”, cũng “phải đạo”, cũng hợp với lẽ đời thì cái loại thơ ấy không đáng để ý, không phải là thứ thơ mà nhân loại đang hướng tới.  

Dĩ nhiên trong thơ cũng có những nhân tố khách quan, nhưng những ý nghĩ, cảm giác chủ quan của tác giả là chính. Nhiều khi những cái khách quan được đưa vào bài thơ chỉ để làm nổi bật những ý nghĩ, cảm giác chủ quan của tác giả. Chính “chủ quan của tác giả” mới làm bài thơ có cá tính (không chỉ viết về những cái ai cũng biết rồi), mới làm nên giá trị của bài thơ, miễn là những “chủ quan của tác giả” hợp lý hợp tình và những sự kiện khách quan cũng hợp tình hợp lý.

Câu nói của cô NBT có hai phần; phần đầu đúng, còn phần sau thì sai nặng.

2/

Nguyễn Bích Thủy:

Dù cho tôi không biết bác là ai, nhưng qua lời góp ý, phê bình của bác tôi thấy bác là người thẳng thắn và khá chân tình, tất nhiên kẻ sỹ Bắc Hà không ai tránh khỏi một chút kẻ cả khi bác nói: “Muốn đem một bài thơ nào đó của anh ra mổ xẻ để ‘mách nước’ cho anh bứt phá chạy mau đến ‘bến bờ thi ca’”. Điều này chả ai giúp ai được bác ạ, vì nó tự nhiên như ánh trăng, như cảm xúc lúc yêu đương phải không bác?

Phạm Đức Nhì:

Thích bóng đá nên có một thời gian ngắn tôi được một người bạn mời đi xem những trận đấu của các đội tuyển xã tranh vô địch cấp huyện. Mục đích của anh bạn là muốn nhờ tôi “xem giò, xem cẳng” những cầu thủ trẻ. Nếu thấy em nào “đá có nét”, có triển vọng anh sẽ tìm cách rủ rê, mời gọi về làm lực lượng trừ bị cho đội tuyển của một ngành công nghiệp. Anh cho tôi biết hãy chú trọng vào cách giữ bóng, che bóng, đi bóng, lừa bóng, khả năng sút bóng xa của các em, còn những kỹ thuật khác khi tuyển về sẽ huấn luyện thêm.

Trong thơ cũng vậy. Có thể nói ngoại trừ cảm xúc ở tầng 3 - thứ cảm xúc mà nếu lên đến đỉnh điểm khi bài thơ có cao trào sẽ thành hồn thơ – là không ai có thể dạy ai đưa nó vào bài thơ được. Còn thì - đặc biệt ở phần thi pháp, mang tính kỹ thuật – cái gì cũng có thể học hỏi được. Dĩ nhiên, học là học lý thuyết. Bước vào thực hành, mỗi người một vẻ, kẻ thất bại, người thành công, chẳng ai dám nói mạnh.

Riêng với Đặng Xuân Xuyến, tôi đã “xem giò, xem cẳng”, đọc thơ của anh khá nhiều và đã “chấm” sự đột phá trong thi pháp của anh. Trong bài Quê Nghèo, về hình thức anh đã đạp đổ truyền thống, vượt qua thơ mới, đang trụ ở thơ mới biến thể mà những sợi dây níu kéo đang đứt dần để vươn tới một thể thơ “chưa có tên” - vần vừa độ ngọt, tứ thơ thông thoáng, nhịp độ thay đổi theo cảm xúc đang chảy thành dòng ... - nếu viết trong tâm thế cực kỳ phấn khích có thể thẳng hướng “Bến Bờ Thi Ca”.

Những khuyết điểm, sai phạm về mặt câu chữ, ngay cả thế trận cũng có thể sửa chữa không mấy khó khăn, nhưng cái tay nghề vững vàng đã trở thành thói quen trong thi pháp của anh không thể một sớm một chiều mà có được. Nếu ĐXX nghe lời “mach nước” của tôi, nhận ra khả năng và thế mạnh của mình, anh sẽ tự tin hơn khi viết những bài thơ kế tiếp. Với thơ thì không nói chắc được, nhưng anh ĐXX còn trẻ, thời gian dành cho thơ còn dài, việc để lại cho đời một đôi bài thơ sáng giá không phải là điều không tưởng.

Cô NBT cho rằng “Điều này chả ai giúp ai được bác ạ, vì nó tự nhiên như ánh trăng, như cảm xúc lúc yêu đương” là do cô đọc thơ chỉ như người “cỡi ngựa xem hoa”, chưa đi sâu nên chưa hiểu, chưa biết. 

3/

Nguyễn Bích Thủy:

Nếu nghe câu này chắc chắn lúc đầu tác giả không tránh khỏi bị sốc vì có người chê đứa con của mình ngay cả người đó là mẹ vợ mình đi nữa: “Thật tình, đây là bài thơ còn khá xa mới đến mức hoàn hảo. Có đến vài chỗ sai phạm, hoặc nếu không sai phạm thì cũng chưa hoàn chỉnh, có thể o bế, trau chuốt để bài thơ hay hơn.”.
Điều này rất thẳng thắn, tuy nhiên cũng là ý nghĩ chủ quan của bác PHẠM ĐỨC NHÌ vì thơ phú là cảm xúc của từng người, nhất là thơ mới, không theo bất cứ một bó buộc, nguyên tắc gì.

Phạm Đức Nhì:

Bình thơ là công việc nặng tính chủ quan. Người bình đem kiến thức về thơ, cách đánh giá thơ ca của mình để thẩm định giá trị nghệ thuật của bài thơ. Dĩ nhiên, ngoài một số rất ít những tác phẩm hoàn hảo, mỗi bài thơ – “dù là cảm xúc của từng người” - đều có chỗ hay, chỗ dở, có khi có cả những chỗ sai phạm. Nhiệm vụ của người bình là chỉ ra những chỗ hay, vạch ra những chỗ dở, chỗ sai phạm để cuối cùng cân nhắc, khen, chê bài thơ cho đúng mức.

Thí dụ bài Quê Nghèo của ĐXX tác giả đã sử dụng hai chữ “oan khiên” trong câu:

Tiếng oan khiên từ thời Giáo Thứ

với nghĩa sai lạc mà nhà bình thơ Nguyễn Bàng đã vạch ra rất tinh tế, chính xác trong phần chú thích “Góp ý riêng với tác giả về một câu thơ”. (1) Rõ ràng đây là một chỗ sai phạm.
Rồi còn mấy câu nói về “Lũ trẻ” trong làng:

Lũ trẻ gầy như con cá mắm
Lũ trai mặt mũi mốc meo
Gặm nhấm nỗi đau nghèo khó
Nơm nớp âu lo đời như chiếu bạc

Còn “lũ con gái thì sao? ĐXX đã quên nên để độc giả vừa đọc vừa mỏi cổ ngóng chờ. Đây cũng là một chỗ sai phạm.

Câu thơ:

“Tù túng giấc mơ”
trong đoạn:

Chiếc cổng làng thành tai hại
Giam hãm đời người
Tù túng giấc mơ.

theo tôi, thật tuyệt vời.

Nhưng đã làm 2 câu: 

Quê tôi nghèo
Nghèo cả giấc mơ.

mất tính bất ngờ và nhạt hẳn đi về mặt ý nghĩa. Vụng về trong sử dụng điệp ngữ đã làm hỏng 2 câu kết. Có thể nói trong Quê Nghèo đội của ĐXX đi bóng, lừa bóng, chuyền bóng rất điệu nghệ nhưng khi đến sát cầu môn đối phương thay vì ghi bàn thắng lại đá ra ngoài.

Tôi, ở đây không bình thơ mà chỉ bàn đôi chút về thi pháp nên không đi sâu thêm nữa.   

Còn nói như cô NBT “nhất là thơ mới, không theo bất cứ một bó buộc, nguyên tắc gì” thì đúng là một phát biểu kiểu “điếc không sợ súng”. Cô chỉ cần tìm đọc kỹ vài bài thơ mới thì sẽ nhận ra là mình ngây ngô đến cỡ nào.


4/

Nguyễn Bích Thủy:


người đọc thơ cũng chả ai được học và cần học Thi pháp, thích thì đọc; đọc xong thì bảo hay, khá hay, chưa hay hoặc dở, quá dở, thế thôi!”

Phạm Đức Nhì:

Những người đã lỡ yêu thích thơ, nếu có cơ hội, đều muốn tìm học để nâng cao trình độ hiểu biết, trình độ thưởng thức thơ của mình. Trong những lúc họp mặt bạn bè, đám tiệc, nói chung là trà dư tửu hậu, có nói đến bài thơ tình này, bài thơ thế sự kia thì cũng biết đôi điều góp chuyện. Chứ cứ như cô NBTthích thì đọc; đọc xong thì bảo hay, khá hay, chưa hay hoặc dở, quá dở, thế thôi!” lỡ nguời ta hỏi “Hay ở chỗ nào? Tại sao hay? Dở ở chỗ nào? Tại sao dở” lại ngớ mặt ra im lặng thì ngượng chết.

Thưởng thức thơ có nhiều trình độ. Muốn nâng cao trình độ của mình không gì bằng tìm hiểu thi pháp. Chữ thì hơi cao siêu nhưng nghĩa thì lại đơn giản – chỉ là kỹ thuật thơ hoặc hình thức, vóc dáng của bài thơ.

Tôi nhớ hình như đã viết ở đâu đó:

Có tý hiểu biết về kỹ thuật, các tiêu chí để thẩm định giá trị thi ca, người đọc sẽ không còn ù ù cạc cạc khi đọc, khi nghe hoặc ngâm nga những vần thơ ưa thích mà sẽ tự tin hơn, sảng khoái hơn thả hồn vào dòng thơ. Đọc thơ bằng trí sẽ không thấy được hơi nóng cảm xúc, sẽ không cảm được cái hay trọn vẹn của thơ, không “bắt” được hồn thơ (nếu có). Còn nếu chỉ đọc thơ bằng hồn, không có sự soi sáng của kiến thức thì một là, có khi gặp tuyệt tác thi ca thì lại dè bỉu, chê bai, hai là, suốt đời “tự sướng”, sướng mà không biết vì sao mình sướng, miệng ngâm nga những vần thơ “cả đẩn” mà mắt cứ sáng long lanh, mặt cứ rạng rỡ như đóa hoa xuân. Đó là cái sướng của những kẻ “ngây ngô hưởng thái bình” rất tội nghiệp, rất đáng thương.

Trong quân đội người ta thường nói “Nhìn quân phục biết tư cách”. Thi pháp quan trọng đến mức trong thơ, theo tôi, câu tương tự sẽ là: “Nhìn thi pháp biết đẳng cấp của thi sĩ”


5/

Nguyễn Bích Thủy:

Vài ý kiến riêng của một người ngoại đạo. Ai thích thì like, ai không thích cứ việc ném đá, tôi ở xa, đá không đến tận nơi.

Phạm Đức Nhì:

Cô NBT đừng lo. Trong tranh luận văn chương, nếu cứ nhắm vào đối tượng tranh luận (là văn chương) mà bàn cãi thì dù đúng hay sai cũng được độc giả hoan nghênh, vì bất cứ cuộc tranh luận văn chương lành mạnh nào cuối cùng cũng đem lợi ích đến cho văn chương, cho độc giả và cho cả đôi bên tranh luận. Miễn là đừng nhắm vào “chủ thể đối luận” mà phang, mà bửa – nghĩa là đừng chơi trò bỏ bóng đá người. Chơi kiểu đó thì dù ở Bỉ hay chui vào hang sâu hố thẳm nào đó ở Thái Bình Dương người ta vẫn ném đá. Và đã ném là trúng đích.

Kết Luận

Qua bài viết Vài Ý Kiến Quanh Việc Mổ Xẻ Bài Thơ “Quê Nghèo” Của Đặng Xuân Xuyến cô Nguyễn Bích Thủy đã bộc lộ khá rõ một điều. Những gì cô cảm nhận - về mặt tình - rất chính xác và sâu sắc, chứng tỏ cô có một tâm hồn nhạy bén và có nhiều trải nghiệm về mặt tình cảm trong cuộc sống. Nhưng những phát biểu của cô liên quan đến mặt lý - ở đây là sự hiểu biết về thơ – thì lại mắc nhiều sai sót. Chỉ cần có thêm chút ít nội lực ở phần này những “góp ý” của cô không những sẽ được độc giả đặc biệt hoan nghênh mà, đối với thơ, lại còn là những đóng góp rất hữu ích nữa.
               
Phạm Đức Nhì



CHÚ THÍCH:


1/

Góp ý riêng với tác giả về một câu thơ:

Tiếng oan khiên từ thời Giáo Thứ

Tiểu thuyết “Sống mòn” đề cập đến một vấn đề nhức nhối của người trí thức trong thời đại cũ, những văn nghệ sĩ nhiều khao khát, giàu lý tưởng nhưng cuộc sống cứ mòn dần, lụi dần bởi mối lo cơm áo. Giáo Thứ trong tác phẩm “cũng mang tiếng ông giáo với bà giáo, quần áo là, sơ mi trắng, thắt ca vát, giầy tân thời, thứ Năm, Chủ Nhật diện ngất, tưởng mà mỡ lắm, thế mà kì thực bụng chứa đầy rau muống luộc”. Chứ Giáo Thứ có oan khiên gì đâu?

Tôi nghĩ có lẽ đúng nên là: “Tiếng oan khiên từ thời anh Pha”

Anh Pha trong “Bước đường cùng” của Nguyễn Công Hoan, một nông dân nghèo khổ, sống thật thà, chân chất nhưng lại không tránh khỏi “tai bay vạ gió” từ những con người tưởng như cũng bần cùng như anh nhưng vẫn thiếu mất sự cảm thông và cái tình, cái nghĩa như Trương Thi rồi đến bọn thống trị hách dịch bạo tàn, ra sức cướp bóc tô thuế, không ngần ngại tra tấn những người nông dân cùng khổ như tên địa chủ Nghị Lại và bọn Quan huyện, lính lệ không ngừng tìm mọi cách vơ vét người nông dân đến khánh kiệt và đưa anh Pha đến bước đường cùng. (Nguyễn Bàng)

Trên đây là “góp ý riêng” với tác giả của nhà bình thơ Nguyễn Bàng. Ông Nguyễn Bàng đã vạch ra rất tinh tế và phân tích chính xác việc anh ĐXX đã dùng không đúng từ “oan khiên” trong bài thơ của mình. Nhưng cách ông NB góp ý phê bình thì, theo tôi, lại có cái gì đó không được “thẳng thắn” lắm. Trong bài bình ông đã khen bài thơ đủ điều nhưng có từ (oan khiên) dùng sai thì lại không chê thẳng thắn ở đó (hoặc email riêng cho anh ĐXX để sửa chữa) mà lại “nói nhỏ” cho anh nghe ở phần ghi chú ở cuối bài. Tôi có cảm tưởng đang bàn chuyện Quê Nghèo trước một đám đông bạn bè yêu thơ ông NB bấm anh ĐXX ra một chỗ kín để - một cách tế nhị - phân tích khuyết điểm “oan khiên” cho anh nghe. Có điều ông lại nói vào micro nên không những bạn bè mà cả làng trên xóm dưới đều nghe hết. Tôi không nghĩ là ông “thâm”, nhưng tế nhị, kheo léo quá mức đã trở thành kiểu cách, giả tạo . Mà tại sao phải làm thế nhỉ?  



Thứ Ba, 10 tháng 4, 2018

TRAO ĐỔi VỚI ÔNG LÊ THIÊN MINH KHOA VỀ THI PHÁP



Bình Luận của ông Lê Thiên Minh Khoa đã chuyển thành bài viết có tựa Vài Ý Kiến Về Bình Thơ Không Thi Pháp của Phạm Đức Nhì, được đăng trên trang web Bông Tràm. Độc giả có thể bấm vào link dưới đây để đọc:




                                         

Đọc được bình luận của ông Lê Thiên Minh Khoa dưới bài Phản Biện của anh Châu Thạch trên Facebook và trang VNQT. Sau đó lại nhận được link bài viết từ người phụ trách trang web Bông Tràm với lời nhắn “Kính gửi anh Phạm Đức Nhì bài anh Châu Thạch đề nghị đăng”

Tuy nhiên, vì bận viết trả lời anh Châu Thạch nên hôm nay mới có dịp trả lời ông Khoa. Rất mong ông thông cảm cho sự chậm trễ. Về phương cách tranh luận, tôi sẽ ghi lại những nhận xét, phê bình của ông từng điểm một và dưới đó là phản biện của tôi.  

I/

Lê Thiên Minh Khoa:

Thi pháp là một thuật ngữ của một của một ngành học mới “thi pháp học”, một chuyên ngành hẹp của lý luận văn học (và của cả Mỹ học nữa). 

Là thuật ngữ thì nó có nghĩa khái niệm được chuyên ngành qui ước, không thể tự hiểu tự định nghĩa theo ý hạn hẹp chủ quan mình như Ô Nhì đã phát biểu: “Thi pháp (poetics) là phương pháp, quy tắc làm thơ - sử dụng vần, nhịp điệu (và các phương tiện thẩm mỹ khác của thơ) nối kết các con chữ thành một thế trận để chuyển tải thông điệp và cảm xúc của thi sĩ đến độc giả.” 

Cách hiểu của Ô Nhì có nhiều cái sai:

- Trước hết, không nên chiết tự từ (vì thuật ngữ nầy đã có sẵn nghĩa qui ước của thuật ngữ do môn khoa học nầy quy định) mà lại hiểu đơn giản: thi là thơ; pháp là phép, rồi suy ra: thi pháp la quy tắc làm thơ!...

Phạm Đức Nhì:

Ông Khoa không cà kê dê ngông nên tôi cũng đi thẳng vào đề tài. Truớc hết tôi xin đưa ra một số định nghĩa về thi pháp (Poetics) thường được sử dụng trong các bài viết bàn luận văn học:

Thi Pháp (Poetics):

     1/

Định nghĩa theo kiểu chiết tự của người Việt (Tự điển Việt – Việt):

         Phương pháp, quy tắc làm thơ.


     2/

         The art of writing poetry.
         The study of linguistic techniques in poetry or literature.

tạm dịch:

        Nghê thuật, phương cách sáng tác thơ.
        Ngành nghiên cứu về kỹ thuật sử dụng ngôn ngữ trong thơ hoặc văn chương.


     3/

        Literary criticism treating of the nature and laws of poetry.

        Ngành phê bình văn học chuyên về bản chất và luật thơ.


     4/

       Poetics is the theory of literary forms and literary discourse. It may refer specifically to the theory of poetry, although some speakers use the term so broadly as to denote the concept of "theory" itself. 

      Thi Pháp là lý thuyết về các hình thức văn chương và nghị luận văn học. Nó có thể đề cập cụ thể đến lý thuyết thơ, mặc dù một số người dùng thuật ngữ này với nghĩa rộng để diễn đạt chính ý niệm về lý thuyết.


Ông Khoa thấy đấy. Không phải chỉ có các nhà phê bình văn học Nga mới có định nghĩa về thi pháp. Những định nghĩa khác của thế giới ngoài Nga thường nhắm thẳng vào thơ, phương cách sáng tác thơ, vào bản chất và luật thơ, nghĩa là vào đúng những gì tôi và anh Châu Thạch đang trao đổi, những gì người yêu thơ quan tâm. 

Định nghĩa đầu tiên của Tự Điển từ Đại Học Oxford lại còn rất giống định nghĩa kiểu chiết tự của những người bình dân như tôi “Thi pháp là nghệ thuật, phương cách sáng tác thơ”.
        

II/

Lê Thiên Minh Khoa:

Hiểu như vậy thì Thi pháp (poetics) không chỉ là phương pháp, quy tắc làm thơ mà rộng hơn nữa: quan niệm nghệ thuật, thời gian nghệ thuật, không gian nghệ thuật, hình tượng tác giả trong sáng tạo nghệ thuật là bốn vấn đề cốt lõi của tinh thần thi pháp (Theo Đào Thái Sơn – Vài nét về Thi pháp học hiện đại). 

Còn nữa, đối tượng của thi pháp không chỉ là thể loại thơ (trữ tình) mà còn mở rộng ra các thể loại khác: truyện (tự sự), kịch và ký. Bởi vậy, ngoài kiểu nói: thi pháp Truyện Kiều, thi pháp thơ Tố Hữu..., người ta còn nói: Thi pháp truyện ngắn, thi pháp tiểu thuyết, thi pháp kịch… nữa.

Phạm Đức Nhì:

Các nhà phê bình văn học Nga đã dùng thuật ngữ thi pháp với nghĩa mở rộng để Thi Pháp Học trở thành một ngành học bao gồm thêm nhiều bộ môn văn học khác. Mặc dù ngành học này còn rất mới, đã được thế giới nhìn nhận với thái độ “chờ xem”. (Định nghĩa của Wikipedia đã bóng gió nói đến). 

Nhưng không phải vì thế mà cả thế giới không được hiểu Thi Pháp – khi nói về thơ - với nghĩa nguyên thủy của nó là “phương cách, quy tắc làm thơ” hoặc những định nghĩa liên quan đến thơ khác. Nói như ông Khoa “không được tự hiểu, tự định nghĩa theo ý hạn hẹp chủ quan của mình” là chỉ dựa trên Thi Pháp Học của Nga.  

Nhờ ông Khoa tý. Chẳng lẽ bây giờ cả thế giới phải bỏ tất cả những quan niệm về Thi Ca của mình để đi theo con đường Thi Pháp Học của Nga? Chỗ này hình như ông Khoa nói không đúng.

III/

Lê Thiên Minh Khoa:

 Hơn nữa, thi pháp không chỉ là "sử dụng vần, nhịp điệu (và các phương tiện thẩm mỹ khác của thơ) nối kết các con chữ thành một thế trận" chỉ gồm các yếu tố thuần hình thức, như ô Nhì định nghĩa mà thi pháp còn là "khoa học về cấu tạo của tác phẩm văn học và hệ thống các phương tiện thẩm mỹ được sử dụng trong đó". 

Chỉ nói riêng về từ "cấu tạo": Cấu tạo bao hàm cả yếu tố nội dung: ý, tứ, nghĩa..., chứ không chỉ là hình thức, thủ pháp nghệ thuật thơ ca hoặc "sử dụng vần, nhịp điệu".

Phạm Đức Nhì:

Bàn về thi pháp là chú trọng về hình thức, nhưng không phải hình thức đơn thuần mà là hình thức đã có những phương tiện thẩm mỹ trong thi pháp được thi sĩ “lắp đặt” vào đó. Chính việc sử dụng (hay không sử dụng) những phương tiện thẩm mỹ ấy đã làm hay lên (hoặc dở đi) các thành phần của nội dung như ý, tứ, nghĩa … - nói chung là giá trị nghệ thuật của bài thơ. 

Nói khác đi, sử dụng (hay không sử dụng) vần, nhịp điệu (và các phương tiện thẩm mỹ khác) có mối liên hệ nhân quả với giá trị nghệ thuật của bài thơ.  


IV/

Lê Thiên Minh Khoa:

Đúng ra phải nói là tính nhạc của thơ, vì nhạc tính của thơ mới bao gồm đủ cả 4 yếu tố: âm (âm đầu, âm chính, âm cuối), thanh, vần, nhịp của thơ, trong đó, thanh (nhóm thanh bằng, nhóm thanh trắc, nhóm thanh cao, nhóm thanh thấp) và nhất là nhịp (tiết tấu) là hai yếu tố quan trọng nhất, thiếu nó văn bản không thể thành thơ, chứ không phải là vần và nhịp như Ô Nhì đã khẳng định trong định nghĩa trên. 

Chính chúng đã góp phần làm cho thơ văn xuôi hội đủ điều kiện thành thơ, vì bài thơ có thể không vần, không cần có sự hài âm, nhưng không thể thiếu yếu tố hài thanh và tiết tấu.......

Phạm Đức Nhì:

Tôi nói “vần, nhịp điệu (và các phương tiện thẩm mỹ khác)” là đã bao gồm mọi thành phần của thi pháp, kể cả tính nhạc. Có điều, trong trường hợp này, tôi không sa đà vào chi tiết không cần thiết như ông Khoa. Ông Khoa không đọc kỹ chứ không phải tôi thiếu sót.

 Riêng tính nhạc, nếu sử dụng đúng liều lượng và khéo léo sẽ tăng giá trị của bài thơ một chừng mực nào đó. Nhưng có điều chắc chắn, tính nhạc không phải là yếu tố quyết định để văn bản có thể hay không thể thành thơ. Theo tôi, hai yếu tố để văn bản được gọi là thơ là:  1/ Tâm tác giả đã ở trong khung cảnh của bài thơ (tâm đối cảnh) và 2/ Có câu thơ “sinh tình”. (Góp Ý Với Cuộc Đối Thoại “Thế Nào Thì Gọi Là Thơ”) (1)

Thí dụ:

TẠI SAO CÓ MƯA?

Nước từ biển bốc hơi
Thành mây trắng trên trời
Nếu gặp luồng khí lạnh
Thì sẽ có mưa rơi

MUỐN LÀM MÂY TRẮNG

Ta muốn làm mây trắng
Bay về Huế mộng mơ
Chờ đến khi nắng hạn
Đổ xuống một trận mưa
(Không biết xuất xứ)

Ông Khoa thấy đấy! Cả 2 bài đều có vần, tính nhạc tương đối ngang nhau (không có gì đặc biệt) nhưng có một bài không phải là thơ. Tại sao? Tại vì tính nhạc không phải là yếu tố quyết định văn bản là thơ hay không phải là thơ.  

Ở đây chất “tình” đã đóng vai trò quyết định. "Tại Sao Có Mưa?" chỉ là phát biểu về một định luật tự nhiên, thuần lý trí, trong khi Muốn Làm Mây Trắng là tâm tình của một người Huế hết lòng yêu mến quê hương. Có lẽ ông Khoa ít đọc thơ hay bình thơ nên đã đưa ra nhận định rất sai lầm này.

V/ “Tứ Thơ” Theo Cách Hiểu Của Ông Khoa

Trước tiên ông Khoa dựa vào câu

"Dòng chảy của tứ thơ: Bài thơ gồm 6 đoạn, mỗi đoạn 4 câu diễn tả một ý riêng biệt; từ đoạn trước sang đoạn sau không bắt vần nên tứ thơ đứt đoạn, phân tán, không có dòng chảy"

 của tôi, để kết luận:

“Như thế, rõ ràng là: ô Nhì chưa nắm rõ về khái niệm 'tứ thơ’. Cũng đúng thôi, vì ‘Tứ thơ’ là một khái niệm có vẻ rất khái quát và trừu tượng nên rất khó diễn giải.“

Và rồi ông diễn giải tứ thơ như sau:

 “Tứ thơ” được hiểu như là một phương thức nào đó để tổ chức liên kết các ý trong bài thơ và hệ thống các ý đó với “tình” của nhà thơ và biểu hiện chúng bằng yếu tố ngôn ngữ (từ).

Như vậy, theo ông Khoa, tứ thơ gồm 3 thành phần: 1/ Hệ thống các ý trong bài thơ; 2/ “Tình” của nhà thơ; 3/ ngôn ngữ (từ).

Nhưng rồi ông lại viết:

“Cả ba yếu tố đó tổng hòa trong một thể thống nhất gọi là bài thơ – tác phẩm”.  

Như vậy tứ thơ cũng chính là bài thơ – tác phẩm.

Độc giả (chắc giống tôi) đã thấy hơi “bối rối” (confused) thì ông Khoa lại viết tiếp:

Như thế, chất trí tuệ, năng lực hư cấu văn học và trí tưởng tượng của nhà thơ được vận dụng hết công suất để xây dựng tứ thơ mà giới chuyên ngành gọi là “cấu tứ”.

À! Khi “chất trí tuệ, năng lực hư cấu văn học và trí tưởng tượng của nhà thơ được sử dụng hết công suất (làm sao biết được hả trời?) thì tứ thơ vươn mình thành ‘cấu tứ’”.

Tóm lại, theo sự diễn giải của ông Khoa thì tứ thơ cũng chính là bài thơ (tác phẩm) và cũng chính là “cấu tứ”.

Nhưng không hiểu sao ông lại viết thêm:

“Chính tứ thơ làm cho văn bản trở thành bài thơ, là yếu tố không thể thiếu của một bài thơ, nhất là thơ hiện đại".

Tứ thơ cũng là bài thơ mà lại còn viết “Chính tứ thơ làm cho văn bản trở thành bài thơ” thì đúng là “Vân Tiên cõng mẹ chạy ra/ Đụng phải cột nhà cõng mẹ chạy vô”

Cách hiểu của ông Khoa khiến tứ thơ có nhiệm vụ quá nặng nề. Vừa hệ thống các ý, vừa cảm xúc, vừa ngôn từ - coi như hầu hết cả các phần việc để làm thành bài thơ. 

Ông lại giải thích nhập nhằng khiến người đọc lỳ đòn như tôi “toát mồ hôi” mà cũng muốn “tẩu hỏa nhập ma”. Với cách diễn giải “vòng vo Tam Quốc” như vậy tôi thấy chính ông Khoa hình như cũng còn “lơ mơ” về ý nghĩa của tứ thơ.

VI/

Lê Thiên Minh Khoa:

Như thế, tứ thơ không phải do vần mà có, như Ô Nhì đã tưởng và viết: "từ đoạn trước sang đoạn sau không bắt vần nên tứ thơ đứt đoạn, phân tán, không có dòng chảy". 

Hơn nữa, trong thơ hiện đại, thơ hậu hiện đại, thơ văn xuôi... có những bài không vần (chứ chưa nói " không bắt vần") mà tứ thơ vẫn liên tục, liền mạch. Thơ không vần thì lấy đâu vần mà bắt, và như vậy là không có tứ thơ và không phải thơ sao? ...

Phạm Đức Nhì:

Tứ thơ, khởi đầu chỉ là một dạng ý tưởng, là thông điệp (message), là “cái gì đó” mà thi sĩ muốn chuyển đến độc giả. Nhưng khi tứ thơ biến thành ngôn từ đi vào câu thơ nó sẽ tải theo cảm xúc của thi sĩ. Thi sĩ sẽ dàn trải tứ thơ thành một thế trận. 

Nếu ý tưởng liền lạc và gặp thể thơ thích hợp nó sẽ chảy thành dòng. Nếu ý tưởng rời rạc lại gặp thể thơ phân mảnh đứt đoạn tứ thơ sẽ phân tán thành những “vũng”thơ, những “hố” thơ, “tuy gần mà xa” vì nước hố này không thông được với nước hố kia. 

Những bài thơ trường thiên (nhiều đoạn 4 câu riêng biệt) như Trên Đường Về (CLV), Tràng Giang (HC), Thềm Xưa Em Đợi Người Về (Hà Hữu Uyên) và những con tương cận khác đều có vần và mỗi đoạn là một ý “nhỏ” riêng biệt.

Dĩ nhiên, có những bài thơ không vần mà những ý “nhỏ” trong tứ thơ vẫn được xâu kết liền lạc. Nhưng giá trị nghệ thuật của chúng – do không vần - sẽ được tăng hay bị giảm tới mức nào lại là vấn đề khác.  

Kết Luận

Thi pháp (poetics), không phải Thi Pháp Học của Nga với nghĩa quá rộng được GS/TS Trần Đình Sử ra sức quảng bá, mà là “phương pháp, quy tắc làm thơ - sử dụng vần, nhịp điệu (và các phương tiện thẩm mỹ khác của thơ) nối kết các con chữ thành một thế trận để chuyển tải thông điệp và cảm xúc của thi sĩ đến độc giảrất cần thiết cho cả thi sĩ lẫn người bình thơ. 

Việc áp dụng đúng liều lượng những phương tiện thẩm mỹ trong thi pháp Việt sẽ giúp làm tươi sáng bộ mặt của thơ. Câu nói “Nhìn thi pháp biết tài thơ” không phải là không có cơ sở. Nhà phê bình nắm vững thi pháp sẽ đối xử với bài thơ được bình công bằng hơn. 

Riêng thi sĩ, nếu nắm vững thi pháp, sẽ nhìn về hướng Bến Bờ Thi Ca với đôi mắt tự tin; với ông (bà), việc trao tặng cho đời những đứa con tinh thần đẹp xinh, sáng giá, đầy ắp chữ tình chỉ là vấn đề thời gian.

League City 04/ 2018
Phạm Đức Nhì

CHÚ THÍCH: