Bình Luận của ông Lê Thiên Minh Khoa đã chuyển thành bài
viết có tựa Vài Ý Kiến Về Bình Thơ Không Thi Pháp của Phạm Đức Nhì, được đăng
trên trang web Bông Tràm. Độc giả có thể bấm vào link dưới đây để đọc:
Đọc được bình luận của ông Lê Thiên Minh Khoa dưới
bài Phản Biện của anh Châu Thạch trên Facebook và trang VNQT. Sau đó lại nhận
được link bài viết từ người phụ trách trang web Bông Tràm với lời nhắn “Kính gửi anh Phạm Đức Nhì bài anh Châu Thạch
đề nghị đăng”.
Tuy nhiên, vì bận viết trả lời anh Châu Thạch nên hôm nay mới
có dịp trả lời ông Khoa. Rất mong ông thông cảm cho sự chậm trễ. Về phương cách
tranh luận, tôi sẽ ghi lại những nhận xét, phê bình của ông từng điểm một và dưới
đó là phản biện của tôi.
I/
Lê Thiên Minh Khoa:
Thi pháp là một thuật ngữ của một của một ngành học
mới “thi pháp học”, một chuyên ngành hẹp của lý luận văn học (và của cả Mỹ học
nữa).
Là thuật ngữ thì nó có nghĩa khái niệm được chuyên ngành qui ước, không
thể tự hiểu tự định nghĩa theo ý hạn hẹp chủ quan mình như Ô Nhì đã phát biểu: “Thi pháp (poetics) là phương pháp, quy tắc
làm thơ - sử dụng vần, nhịp điệu (và các phương tiện thẩm mỹ khác của thơ) nối
kết các con chữ thành một thế trận để chuyển tải thông điệp và cảm xúc của thi
sĩ đến độc giả.”
Cách hiểu của Ô Nhì có nhiều cái sai:
- Trước hết, không nên chiết tự từ (vì thuật ngữ nầy đã có sẵn nghĩa qui ước của thuật ngữ do môn khoa học nầy quy định) mà lại hiểu đơn giản: thi là thơ; pháp là phép, rồi suy ra: thi pháp la quy tắc làm thơ!...
Phạm Đức Nhì:
Ông Khoa không cà kê dê ngông nên tôi cũng đi thẳng
vào đề tài. Truớc hết tôi xin đưa ra một số định nghĩa về thi pháp (Poetics) thường
được sử dụng trong các bài viết bàn luận văn học:
Thi Pháp (Poetics):
1/
Định nghĩa theo kiểu chiết tự của người Việt (Tự điển
Việt – Việt):
Phương
pháp, quy tắc làm thơ.
2/
The
art of writing poetry.
The
study of linguistic techniques in poetry or literature.
tạm dịch:
Nghê
thuật, phương cách sáng tác thơ.
Ngành nghiên cứu về kỹ thuật sử dụng ngôn ngữ
trong thơ hoặc văn chương.
3/
Literary
criticism treating of the nature and laws of poetry.
Ngành phê bình văn học chuyên về bản chất và
luật thơ.
4/
Poetics is the theory of literary forms and literary discourse. It may
refer specifically to the theory of poetry, although some speakers use the term
so broadly as to denote the concept of "theory" itself.
Thi Pháp là lý thuyết về các hình thức văn chương
và nghị luận văn học. Nó có thể đề cập cụ thể đến lý thuyết thơ, mặc dù một số người dùng thuật ngữ này với
nghĩa rộng để diễn đạt chính ý niệm về lý thuyết.
Ông Khoa thấy đấy. Không phải chỉ có các nhà phê
bình văn học Nga mới có định nghĩa về thi pháp. Những định nghĩa khác của thế
giới ngoài Nga thường nhắm thẳng vào thơ, phương cách sáng tác thơ, vào bản chất
và luật thơ, nghĩa là vào đúng những gì tôi và anh Châu Thạch đang trao đổi, những
gì người yêu thơ quan tâm.
Định nghĩa đầu tiên của Tự Điển từ Đại Học Oxford lại
còn rất giống định nghĩa kiểu chiết tự của những người bình dân như tôi “Thi
pháp là nghệ thuật, phương cách sáng tác thơ”.
II/
Lê Thiên Minh Khoa:
Hiểu như vậy thì Thi pháp (poetics) không chỉ là
phương pháp, quy tắc làm thơ mà rộng hơn nữa: quan niệm nghệ thuật, thời gian
nghệ thuật, không gian nghệ thuật, hình tượng tác giả trong sáng tạo nghệ thuật
là bốn vấn đề cốt lõi của tinh thần thi pháp (Theo Đào Thái Sơn – Vài nét về
Thi pháp học hiện đại).
Còn nữa, đối tượng của thi pháp không chỉ là thể loại
thơ (trữ tình) mà còn mở rộng ra các thể loại khác: truyện (tự sự), kịch và ký.
Bởi vậy, ngoài kiểu nói: thi pháp Truyện Kiều, thi pháp thơ Tố Hữu..., người ta
còn nói: Thi pháp truyện ngắn, thi pháp tiểu thuyết, thi pháp kịch… nữa.
Phạm Đức Nhì:
Các nhà phê bình văn học Nga đã dùng thuật ngữ
thi pháp với nghĩa mở rộng để Thi Pháp Học trở thành một ngành học bao gồm thêm
nhiều bộ môn văn học khác. Mặc dù ngành học này còn rất mới, đã được thế giới
nhìn nhận với thái độ “chờ xem”. (Định nghĩa của Wikipedia đã bóng gió nói đến).
Nhưng không phải vì thế mà cả thế giới không được hiểu Thi Pháp – khi nói về thơ
- với nghĩa nguyên thủy của nó là “phương cách, quy tắc làm thơ” hoặc những định
nghĩa liên quan đến thơ khác. Nói như ông Khoa “không được tự hiểu, tự định
nghĩa theo ý hạn hẹp chủ quan của mình” là chỉ dựa trên Thi Pháp Học của Nga.
Nhờ ông Khoa tý. Chẳng lẽ bây giờ cả thế giới
phải bỏ tất cả những quan niệm về Thi Ca của mình để đi theo con đường Thi Pháp
Học của Nga? Chỗ này hình như ông Khoa nói không đúng.
III/
Lê Thiên Minh Khoa:
Hơn nữa,
thi pháp không chỉ là "sử dụng vần, nhịp điệu (và các phương tiện thẩm mỹ
khác của thơ) nối kết các con chữ thành một thế trận" chỉ gồm các yếu tố
thuần hình thức, như ô Nhì định nghĩa mà thi pháp còn là "khoa học về cấu
tạo của tác phẩm văn học và hệ thống các phương tiện thẩm mỹ được sử dụng trong
đó".
Chỉ nói riêng về từ "cấu tạo": Cấu tạo bao hàm cả yếu tố nội
dung: ý, tứ, nghĩa..., chứ không chỉ là hình thức, thủ pháp nghệ thuật thơ ca
hoặc "sử dụng vần, nhịp điệu".
Phạm Đức Nhì:
Bàn về thi pháp là chú trọng về hình thức, nhưng
không phải hình thức đơn thuần mà là hình thức đã có những phương tiện thẩm mỹ
trong thi pháp được thi sĩ “lắp đặt” vào đó. Chính việc sử dụng (hay không sử dụng)
những phương tiện thẩm mỹ ấy đã làm hay lên (hoặc dở đi) các thành phần của nội
dung như ý, tứ, nghĩa … - nói chung là giá trị nghệ thuật của bài thơ.
Nói khác
đi, sử dụng (hay không sử dụng) vần, nhịp điệu (và các phương tiện thẩm mỹ khác)
có mối liên hệ nhân quả với giá trị nghệ thuật của bài thơ.
IV/
Lê Thiên Minh Khoa:
Đúng ra phải nói là tính nhạc của thơ, vì nhạc
tính của thơ mới bao gồm đủ cả 4 yếu tố: âm (âm đầu, âm chính, âm cuối), thanh,
vần, nhịp của thơ, trong đó, thanh (nhóm thanh bằng, nhóm thanh trắc, nhóm
thanh cao, nhóm thanh thấp) và nhất là nhịp (tiết tấu) là hai yếu tố quan trọng
nhất, thiếu nó văn bản không thể thành thơ, chứ không phải là vần và nhịp như Ô
Nhì đã khẳng định trong định nghĩa trên.
Chính chúng đã góp phần làm cho thơ
văn xuôi hội đủ điều kiện thành thơ, vì bài thơ có thể không vần, không cần có
sự hài âm, nhưng không thể thiếu yếu tố hài thanh và tiết tấu.......
Phạm Đức Nhì:
Tôi nói “vần, nhịp điệu (và các phương tiện thẩm
mỹ khác)” là đã bao gồm mọi thành phần của thi pháp, kể cả tính nhạc. Có điều,
trong trường hợp này, tôi không sa đà vào chi tiết không cần thiết như ông
Khoa. Ông Khoa không đọc kỹ chứ không phải tôi thiếu sót.
Riêng tính nhạc, nếu
sử dụng đúng liều lượng và khéo léo sẽ tăng giá trị của bài thơ một chừng mực
nào đó. Nhưng có điều chắc chắn, tính nhạc không phải là yếu tố quyết định để
văn bản có thể hay không thể thành thơ. Theo tôi, hai yếu tố để văn bản được gọi
là thơ là: 1/ Tâm tác giả đã ở trong
khung cảnh của bài thơ (tâm đối cảnh) và 2/ Có câu thơ “sinh tình”. (Góp Ý Với
Cuộc Đối Thoại “Thế Nào Thì Gọi Là Thơ”) (1)
Thí dụ:
TẠI SAO CÓ MƯA?
Nước từ biển bốc hơi
Thành mây trắng trên trời
Nếu gặp luồng khí lạnh
Thì sẽ có mưa rơi
MUỐN LÀM MÂY TRẮNG
Ta muốn làm mây trắng
Bay về Huế mộng mơ
Chờ đến khi nắng hạn
Đổ xuống một trận mưa
(Không biết xuất xứ)
Ông Khoa thấy đấy! Cả 2 bài đều có vần, tính nhạc tương đối
ngang nhau (không có gì đặc biệt) nhưng có một bài không phải là thơ. Tại sao?
Tại vì tính nhạc không phải là yếu tố quyết định văn bản là thơ hay không phải
là thơ.
Ở đây chất “tình” đã đóng vai
trò quyết định. "Tại Sao Có Mưa?" chỉ là phát biểu về một định luật tự nhiên, thuần
lý trí, trong khi Muốn Làm Mây Trắng là tâm tình của một người Huế hết lòng yêu
mến quê hương. Có lẽ ông Khoa ít đọc thơ hay bình thơ nên đã đưa ra nhận định rất
sai lầm này.
V/ “Tứ
Thơ” Theo Cách Hiểu Của Ông Khoa
Trước tiên ông Khoa dựa vào câu
"Dòng chảy của tứ thơ: Bài thơ gồm 6 đoạn, mỗi đoạn 4 câu diễn tả một
ý riêng biệt; từ đoạn trước sang đoạn sau không bắt vần nên tứ thơ đứt đoạn,
phân tán, không có dòng chảy"
của tôi, để
kết luận:
“Như thế, rõ ràng là: ô Nhì chưa nắm rõ về khái
niệm 'tứ thơ’. Cũng đúng thôi, vì ‘Tứ thơ’ là một khái niệm có vẻ rất khái quát
và trừu tượng nên rất khó diễn giải.“
Và rồi ông diễn giải tứ thơ như sau:
“Tứ thơ” được hiểu
như là một phương thức nào đó để tổ chức liên kết các ý trong bài thơ và hệ thống
các ý đó với “tình” của nhà thơ và biểu hiện chúng bằng yếu tố ngôn ngữ (từ).
Như vậy, theo ông Khoa, tứ thơ gồm 3 thành phần:
1/ Hệ thống các ý trong bài thơ; 2/ “Tình” của nhà thơ; 3/ ngôn ngữ (từ).
Nhưng rồi ông lại viết:
“Cả ba yếu tố đó tổng hòa trong một thể thống nhất gọi là bài
thơ – tác phẩm”.
Như vậy tứ thơ cũng chính là bài thơ – tác phẩm.
Độc giả (chắc giống tôi) đã thấy hơi “bối rối”
(confused) thì ông Khoa lại viết tiếp:
Như thế, chất trí tuệ, năng lực hư cấu văn học và trí tưởng
tượng của nhà thơ được vận dụng hết công suất để xây dựng tứ thơ mà giới chuyên
ngành gọi là “cấu tứ”.
À! Khi “chất trí tuệ, năng lực hư cấu văn học và
trí tưởng tượng của nhà thơ được sử dụng hết công suất (làm sao biết được hả trời?)
thì tứ thơ vươn mình thành ‘cấu tứ’”.
Tóm lại, theo sự diễn giải của ông Khoa thì tứ
thơ cũng chính là bài thơ (tác phẩm) và cũng chính là “cấu tứ”.
Nhưng không hiểu sao ông lại viết thêm:
“Chính tứ thơ làm cho văn bản trở thành bài thơ, là yếu tố
không thể thiếu của một bài thơ, nhất là thơ hiện đại".
Tứ thơ cũng là bài thơ mà lại còn viết “Chính tứ
thơ làm cho văn bản trở thành bài thơ” thì đúng là “Vân Tiên cõng mẹ chạy ra/ Đụng phải cột nhà cõng mẹ chạy vô”
Cách hiểu của ông Khoa khiến tứ thơ có nhiệm vụ
quá nặng nề. Vừa hệ thống các ý, vừa cảm xúc, vừa ngôn từ - coi như hầu hết cả
các phần việc để làm thành bài thơ.
Ông lại giải thích nhập nhằng khiến người đọc
lỳ đòn như tôi “toát mồ hôi” mà cũng muốn “tẩu hỏa nhập ma”. Với cách diễn giải
“vòng vo Tam Quốc” như vậy tôi thấy chính ông Khoa hình như cũng còn “lơ mơ” về ý
nghĩa của tứ thơ.
VI/
Lê Thiên Minh Khoa:
Như thế, tứ thơ không phải do vần mà có, như Ô
Nhì đã tưởng và viết: "từ đoạn trước sang đoạn sau không bắt vần nên tứ
thơ đứt đoạn, phân tán, không có dòng chảy".
Hơn nữa, trong thơ hiện đại,
thơ hậu hiện đại, thơ văn xuôi... có những bài không vần (chứ chưa nói "
không bắt vần") mà tứ thơ vẫn liên tục, liền mạch. Thơ không vần thì lấy
đâu vần mà bắt, và như vậy là không có tứ thơ và không phải thơ sao? ...
Phạm Đức Nhì:
Tứ thơ, khởi đầu
chỉ là một dạng ý tưởng, là thông điệp (message), là “cái gì đó” mà thi sĩ muốn
chuyển đến độc giả. Nhưng khi tứ thơ biến thành ngôn từ đi vào câu thơ nó sẽ
tải theo cảm xúc của thi sĩ. Thi sĩ sẽ dàn trải tứ thơ thành một thế trận.
Nếu
ý tưởng liền lạc và gặp thể thơ thích hợp nó sẽ chảy thành dòng. Nếu ý tưởng rời
rạc lại gặp thể thơ phân mảnh đứt đoạn tứ thơ sẽ phân tán thành những “vũng”thơ,
những “hố” thơ, “tuy gần mà xa” vì nước hố này không thông được với nước hố
kia.
Những bài thơ trường thiên (nhiều đoạn 4 câu riêng biệt) như Trên Đường Về
(CLV), Tràng Giang (HC), Thềm Xưa Em Đợi Người Về (Hà Hữu Uyên) và những con
tương cận khác đều có vần và mỗi đoạn là một ý “nhỏ” riêng biệt.
Dĩ nhiên, có
những bài thơ không vần mà những ý “nhỏ” trong tứ thơ vẫn được xâu kết liền lạc.
Nhưng giá trị nghệ thuật của chúng – do không vần - sẽ được tăng hay bị giảm
tới mức nào lại là vấn đề khác.
Kết Luận
Thi pháp (poetics), không phải Thi
Pháp Học của Nga với nghĩa quá rộng được GS/TS Trần Đình Sử ra sức quảng bá, mà
là “phương pháp, quy tắc
làm thơ - sử dụng vần, nhịp điệu (và các phương tiện thẩm mỹ khác của thơ) nối
kết các con chữ thành một thế trận để chuyển tải thông điệp và cảm xúc của thi
sĩ đến độc giả” rất
cần thiết cho cả thi sĩ lẫn người bình thơ.
Việc áp dụng đúng liều lượng những
phương tiện thẩm mỹ trong thi pháp Việt sẽ giúp làm tươi sáng bộ mặt của thơ. Câu
nói “Nhìn thi pháp biết tài thơ” không phải là không có cơ sở. Nhà phê bình nắm
vững thi pháp sẽ đối xử với bài thơ được bình công bằng hơn.
Riêng thi sĩ, nếu
nắm vững thi pháp, sẽ nhìn về hướng Bến Bờ Thi Ca với đôi mắt tự tin; với ông
(bà), việc trao tặng cho đời những đứa con tinh thần đẹp xinh, sáng giá, đầy ắp
chữ tình chỉ là vấn đề thời gian.
League City 04/
2018
Phạm Đức Nhì
CHÚ THÍCH:
Bài trao đổi của Nhà Phê bình Phạm Đức Nhì đã làm sáng hơn, rõ hơn " Việt Nam" hơn khái niệm về thi pháp.
Trả lờiXóaCám ơn ông Vân Hà Định đã đọc và cho Nhận Xét.
Trả lờiXóa