Thứ Hai, 12 tháng 6, 2017

MỘT KỊCH BẢN THƠ "XẠO"

                                             MỘT KỊCH BẢN THƠ “XẠO”

Kịch Bản Thơ

Có một số bài thơ ngắn, đơn giản, bày tỏ một “mảnh nhỏ” tâm trạng của tác giả trước một khung cảnh, một tình huống nào đó của cuộc sống. Nhưng cũng có những bài thơ dài hơn, bề thế hơn, nói về một “nỗi lòng” phức tạp hơn, nhiều tình tiết hơn. Lúc ấy, bài thơ sẽ như một vở kịch đời và thi sĩ sẽ vừa là biên kịch vừa là đạo diễn, diễn viên … tất tật. 

Vì là thơ nên tác giả sẽ dồn hết sự chú ý vào cảm xúc, những xao động của tâm hồn trước cảnh đời. Cảm xúc muốn có cơ hội phát triển, lớn mạnh cần nương theo dòng chảy của tứ thơ. Và tứ thơ muốn chảy đúng hướng cần phải dựa vào kịch bản của bài thơ. 

Muốn thơ hay, tâm trạng phải thật, cảm xúc phải thật. Đó là điều cốt yếu. Trường hợp kịch bản cũng hoàn toàn thật nữa thì quá tốt; nếu kỹ thuật thơ của thi sĩ nhuần nhuyễn, bài thơ sẽ dễ có nhiều cảm xúc, và nếu hội đủ một vài điều kiện khác nữa, hồn thơ có cơ hội xuất hiện. 

Nhưng không phải lúc nào kịch bản của bài thơ cũng “vừa khít” với tâm trạng. Đôi khi thi sĩ phải xê dịch, điều chỉnh chút ít để có sự ăn khớp cần thiết. Là một người làm thơ, thú thật, tôi cũng có một số lần làm như vậy. Chưa có sự đồng thuận của tất cả những người làm thơ, nhưng tôi nghĩ những xê dịch, điều chỉnh chút ít ấy có thể chấp nhận được. 

Chúng ta thử đọc đoạn kết bài thơ Giấc Mơ Anh Lái Đò của Nguyễn Bính:
            Đồn rằng đám cưới cô to
            Nhà giai thuê chín chiếc đò đón dâu
            Nhà gái ăn 
chín nghìn cau
            Tiền cheo, tiền cưới chừng đâu 
chín nghìn
            Lang thang tôi dạm bán thuyền
            Có người giả 
chín quan tiền, lại thôi.

Tôi không tin là trong thực tế, con số chín (9) hoàn toàn phù hợp với số lượng những “thứ” mà ông nói đến trong bài thơ. Đúng là ông “phịa”; nhưng ông “phịa” khéo quá, “cao tay ấn” quá, nên người đọc, theo dòng cảm xúc của mình, đâu cần biết “có đúng là chín chiếc đò đón dâu, có đúng là chín nghìn cau hay chín nghìn tiền cheo, tiền cưới hay không, mà chỉ thấy cái khoảng cách giàu nghèo giữa anh lái đò và tình địch hiện ra một cách rõ ràng và cay đắng, để rồi cái cảm giác bàng hoàng đau đớn về mối tình vô vọng của anh lái đò đã như một dòng thác đổ xuống, tràn ngập tâm hồn. Ở đây thủ pháp “bày tỏ, không kể lại” được phối hợp với phép điệp ngữ (chín) một cách tài tình đã dẫn đến 2 câu kết thật tuyệt vời. (1)

Chắc Độc giả cũng đồng ý với tôi sự xê dịch kịch bản chút ít của Giấc Mơ Anh Lái Đò là có thể chấp nhận được.



Nhưng đôi khi có những kịch bản bị xê dịch quá nhiều, đi đến chỗ không hợp tình, hợp lý. Độc giả sẽ cho rằng thi sĩ “xạo”, và bài thơ thất bại.

Xin mời độc giả đọc bài thơ Tình Yêu Không Lời của Phạm Trung Dũng sau đây.
TÌNH YÊU KHÔNG LỜI

Em thuê trọ cạnh nhà tôi
Hương đồng gió thở khoảnh trời cách xa
Mấy mùa cây khế trổ hoa
Hái nhành tim tím sang nhà em chơi
Em hào phóng ban nụ cười
Pha trà rót nước rồi ngồi lặng im
Hồn tôi như mảnh trăng chìm
Bao lời thông thái nằm im trong đầu...

Một lần trời đổ mưa mau
Bỗng dưng em tới gục đầu vai tôi
Lặng yên... Cứ lặng yên thôi
Làn môi khoá chặt làn môi bất ngờ.
Bồng bềnh nửa thực, nửa mơ
Cùng em lạc giữa mịt mờ phiêu linh
Sông mê - bến lú - thuyền tình
Đã trao thì cháy hết mình vẫn trao.

Một lời chẳng nói là sao?
Một từ cũng chẳng... Lẽ nào, người ơi?
Gương trăng nhoà nước mắt rơi
Đưa tôi mẩu giấy, em ngồi lặng im.
Hồn tôi lại mảnh trăng chìm
Lời vô nghĩa hết! Trái tim khóc thầm.
Thương em vừa điếc lẫn câm
Tai ương từ tuổi mười lăm tới giờ.

Trần nhà cánh nhện buông tơ
Tôi ghì em giữa đôi bờ vai tôi.
(Phạm Trung Dũng)

Thật Hay Xạo?

Lần theo tứ thơ tôi đoán khoảng thời gian từ lúc cô gái đến thuê trọ cạnh nhà chàng trai cho đến khi có cuộc ân ái giữa hai người, ít nhất cũng phải mấy tháng (mấy mùa cây khế trổ hoa) và chàng trai hái hoa sang nhà thăm cô, ngồi uống trà với cô cũng vài ba lần. Thử hỏi từng ấy thời gian, từng ấy cơ hội tiếp xúc mà chàng trai không nhận ra cô gái câm điếc thì thật lạ lùng.

 Rồi còn bà con lối xóm khác, ra vào trông thấy nhau hàng ngày, mà hàng mấy tháng trời, không ai nhận ra cái tật câm điếc của cô gái thì quả là “lạ hết chỗ nói”. Phải chờ đến khi hai người “tò tí” xong, đọc mẩu giấy nàng đưa, chàng trai mới biết được sự tình và ôm cô gái mà bàng hoàng thương cảm, thì thật không thể nào tin nổi.

Khi nhận ra chi tiết chính trong kịch bản của bài thơ không phải chỉ “không hợp tình hợp lý” mà còn xạo một cách trắng trợn, cảm xúc có được qua việc đọc thơ chỉ là thứ cảm xúc giả tạo, độc giả cảm thấy bẽ bàng vì bị xúc phạm. Bài thơ thất bại một cách ê chề.

Kết Luận:

Gặp bài thơ như thế mà dám cầm bút viết lời bình thì cô giáo Diên Hồng Dương (trường Cao Đẳng Sư Phạm Tây Ninh) quả là vô cùng can đảm. Người chuyển bài thơ và lời bình có đoạn giới thiệu rất bay bướm:

Nhiều người nói: “Phê bình nghệ thuật là cây Tầm Gửi sống nhờ cây Sáng Tạo. Tôi không nghĩ vậy. Theo tôi, phê bình nhiều lúc như gió nâng tác phẩm bay lên.”

Trường hợp Tình Yêu Không Lời thì khác. Bài thơ không những không bay lên mà còn kéo người bình thơ xuống hố.

Phạm Đức Nhì

Phụ Lục:

LỜI YÊU TRONG "TÌNH YÊU KHÔNG LỜI"

Lần đầu tiên đọc thơ anh, tôi may mắn gặp ngay đề tài mình thích. Đề tài này ít người viết, ấy vậy mà vẫn rất thơ trong cõi thiếu thơ.

"Tình yêu không lời” của nhà thơ Phạm Trung Dũng là một khúc hát đồng quê, gợi hương nồng nàn, tim tím màu hoa khế của một mối tình hy hữu. Ngay nhan đề “ Tình yêu không lời” đã có sức gợi, kích thích sự tò mò, khám phá của người đọc về một nét mới, cách nhìn mới trong thơ tình: Khoảng lặng ngôn ngữ tình yêu giữa trùng trùng những lời nói có cánh, những ồn ào, sến sẩm khi đôi lứa bày tỏ cảm xúc trái tim trong những cung bậc âm thanh thơ nhạc.

Giao thoa với tự sự, bài thơ kể lại một kỷ niệm đẹp - mối tình trong sáng và thuần khiết của một chàng trai với cô hàng xóm dễ thương. Nàng ấy xuất hiện với nét đẹp của một cô gái không lời. Chính cái không lời, e ấp ban đầu là sức hút kỳ lạ đưa hai tâm hồn nên thơ tiếp cận, hữu duyên.

Câu chuyện thơ vào đề gợi nhớ môtip mở đầu của bài thơ " Cô hàng xóm" của Nguyễn Bính: " Nhà nàng ở cạnh nhà tôi/ Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn". Nhưng ở đây hoàn cảnh khác, không gian khác, và cách xưng hô cũng khác, chỉ có cái hồn chung thú vị là dư ba ngọt ngào ngàn đời trong cách phối thanh của luật thơ lục bát:
" Em thuê trọ cạnh nhà tôi
Hương đồng gió thở khoảnh trời cách xa
Mấy mùa cây khế trổ hoa
Hái chùm tim tím sang nhà em chơi"

Em và tôi, tuy gần mà xa. Không gian đâu có ngăn cách vậy mà trong " tôi" có cảm nhận giữa hai người là hai thế giới. Em chân quê, quen thuộc với hương mộc mạc của đồng nội ướp trong hơi thở của gió làm " tôi" ngất ngây. Nhưng em thu mình lại trong một khoảnh trời. Và "tôi " chỉ cảm nhận được em qua hơi thở xa xôi, mang máng, mát lành như cơn gió chợt đến, chợt đi... rất mơ hồ ! Câu thơ " Hương đồng gió thở khoảnh trời cách xa" là câu thơ đẹp và lạ, minh chứng cho nguồn thơ lục bát của tác giả dồi dào. Đồng thời cho thấy thể thơ lục bát tuy cổ điển, nhưng vẫn mênh mông khoảng trời sáng tạo cho nhiều cung bậc cảm xúc của người đương đại.

Thơ Phạm Trung Dũng rất cô đọng. Chỉ mới đọc khổ đầu, độc giả đã có thể mở ra trong suy tưởng những hình ảnh, những ý tình sâu sắc. Tình yêu là chuyện muôn đời nhưng nói về tình yêu, mỗi nhà thơ có điểm tựa riêng. Phạm Trung Dũng chọn điểm tựa mộc mạc, chân quê, gắn với mạch nguồn của dân tộc nhưng hồn thơ sắc sảo và hiện đại. Hình ảnh cây khế mấy mùa trổ hoa và "hái chùm tim tím" làm cớ sang chơi nhà nàng vừa cụ thể nhưng vừa có ý nghĩa biểu tượng. Nó không chỉ gợi nhắc, khái quát tâm lý mà dân gian đúc kết: " giả đò mua khế bán chanh...", mà còn cho thấy thời gian "em" đến thuê trọ vẫn chưa quá lâu: "Chanh chua thì khế cũng chua/ Chanh chỉ một mùa, khế có cả ba". Tâm lý của tình yêu thường bắt đầu bằng sự rụt rè. Tác giả cũng không ngoại lệ. Anh đã tạo một lực nén cho câu thơ và sức nén đó khiến người đọc thấy thú vị khi tiếp cận thơ Phạm Trung Dũng.
Bài thơ dẫn người đọc đi vào câu chuyện một cách tự nhiên, lời kể liền mạch theo cấu trúc lục bát:
" Em hào phóng ban nụ cười
Pha trà rót nước rồi ngồi lặng im.
Hồn tôi như mảnh trăng chìm
Bao lời thông thái nằm im trong đầu.”

Những từ : " hào phóng", " thông thái" hoàn toàn là ngôn ngữ thành thị kết hợp với những cụm từ bình dị "pha trà rót nước", "nằm im trong đầu" rất hài hòa, có chút ngộ nghĩnh, phóng túng trong cách diễn đạt. Thế mà hay, cái hay của một hồn thơ không câu nệ, cũng không cần màu mè trang nhã để thi vị hóa tình yêu. Bản chất tình yêu vốn đẹp. Và trong tình yêu, con người càng chân thật thì càng đẹp bởi cái đẹp là sự gắn kết hài hoà của Chân- thiện - mỹ. Điều thú vị chính là: trong cách diễn đạt tự nhiên vẫn tồn tại những ánh trăng lung linh huyền ảo, ẩn sâu nhiều điều không lời. Người đọc rất thích lối ví von: " hồn tôi như mảnh trăng chìm". Hình tượng "mảnh trăng chìm " đẹp mong manh và tạo cảm giác " chới với" khi đắm mình trong biển tình. Còn hơn bị sét đánh. Nó khiến trái tim hoảng loạn đến nỗi mất luôn ngôn ngữ, mất sự thông thái. Và có lẽ chính sự im lặng đã tạo nên mối đồng cảm cho tình yêu của em? Câu chuyện tình dễ thương cứ hút người đọc. Và tiếp tục hấp dẫn cho đến khi tình huống bất ngờ xẩy ra trong không gian đặc nén, mọi việc tưởng như bế tắc: 

"Một lần trời đổ mưa mau
Bỗng dưng em tới gục đầu vai tôi"

Hành động quá bất ngờ. Không chỉ nhân vật "anh" trong bài thơ, mà người đọc cũng thấy vậy. Cái tình cảm bùng lên như lửa rơm ấy liệu có bền được không? Sẽ dẫn đến đâu? Người con gái ấy sao hành động khác lạ vậy? Tình yêu và tình dục đôi khi rất khó phân biệt ranh giới. Nó vừa bản năng vừa lý trí; vừa thánh thiện vừa hoang dại. Tác giả đã mô tả khéo léo quy luật phát triển tâm lý cái phần "người" và phần "con" trong những câu thơ tiếp:

"Lặng yên. Cứ lặng yên thôi
Làn môi khoá chặt làn môi bất ngờ
Bồng bềnh nửa thực, nửa mơ
Cùng em lạc giữa mịt mờ phiêu linh
Sông mê - bến lú - thuyền tình
Đã trao dẫu cháy hết mình vẫn trao". 

Thơ mà cứ như tiểu thuyết! Rất hấp dẫn trong lối kể, cách tả. Tác giả dắt người đọc đi vào chuyện tình bằng những rung động hồn nhiên, chân thực và cuốn hút mạnh. Nếu cách đây một thế kỷ mà viết như vậy thế nào cũng bị người đời đóng cho con dấu: " Dâm thư". Nhưng đến thời điểm này mà kể chuyện yêu chỉ như vậy thì quá trong sáng, tế nhị. Cách diễn đạt đẹp, vừa cổ điển, vừa hiện đại. Tác giả không tả những hình ảnh cụ thể mang vẻ đẹp nhục cảm của em mà người đọc cảm nhận em rất đẹp trong bài thơ rất đời, rất người qua các hình ảnh gợi rất sâu: " làn môi khóa chặt làn môi", " bồng bềnh...", "sông mê- bến lú- thuyền tình", " cháy hết mình"... Dường như ở đây có một chút " lạc trôi" trên sông mê, bến lú mất rồi...

Tôi thích câu : “ Đã trao dẫu cháy hết mình vẫn trao" bởi nó mang ngữ điệu của một tính cách quyết liệt. Tình yêu thật sự là cháy bỏng, đam mê, trao dâng và bất chấp, dẫu biết thuyền tình chông chênh, đầy trắc trở trên bến lú sông mê nhưng nếu không cháy, không phiêu hết mình, có lẽ đó chỉ là nửa vời, sống không thật lòng với chính mình và với người yêu. Có thể bản năng con người khi yêu phải vậy, nhưng không hẳn, ai sống trong bản năng cũng biết cháy đúng nghĩa. Nhận phần “cháy” cho mình, quả là yêu đương thật mãnh liệt!
Sau cơn mưa tình ái, một khoảng lặng vô thanh xuất hiện. Cái nhu cầu được trao đổi bằng ngôn từ để sẻ chia, gắn kết trở nên hết sức cần thiết. Thế mà, chờ đợi mãi, em vẫn im lặng. Im lặng đến khó hiểu:
"Một lời chẳng nói là sao?
Một từ cũng chẳng... Lẽ nào, người ơi?"
Hai chữ "người ơi" chưa hẳn đã là trách móc, hờn dỗi. Nhưng khao khát đợi chờ được nghe, được xác tín thì đã rõ. Thật bất ngờ:
"Gương trăng nhoà nước mắt rơi
Đưa tôi mẩu giấy em ngồi lặng im
Hồn tôi lại mảnh trăng chìm
Lời vô nghĩa hết! Trái tim khóc thầm".

Bốn câu thơ chỉ 28 chữ mà chứa bao tâm trạng, cảm xúc như những đợt sóng ngầm trong tâm hồn hai trái tim yêu. Nó dẫn dắt người đọc từ cực này sang cực khác. Chưa kịp hiểu vì sao "em" khóc, lại phải đặt câu hỏi trong mẩu giấy ấy nàng viết gì mà chàng trai buồn đến vậy? Chẳng lẽ không có tình yêu? Chàng trai vừa khát khao được nghe "em" nói đến cháy lòng, đã chuyển sang khẳng định: "Lời vô nghĩa hết!". Sự diễn biến tâm lý mang đầy kịch tính: Thắt - mở, mở - thắt, được đẩy lên tới cao trào trước một sự thật nghiệt ngã, bất ngờ:

"Thương em vừa điếc lẫn câm
Tai ương từ tuổi mười lăm tới giờ".

"Tình yêu không lời" đã được lý giải, nhưng không dừng lại ở nhục cảm tầm thường. Hai câu vĩ thanh mới là điểm nhấn, thông điệp chính của bài thơ, giống như tiếng đàn Thạch Sanh vang lên hóa giải sự ngăn cách giữa tình yêu của người không lời và người nói được mà phải nghẹn lời bằng hai câu thơ đẹp và đằm sâu:

"Trần nhà cánh nhện buông tơ
Tôi ghì em giữa đôi bờ vai tôi".

Hình ảnh “Trần nhà cánh nhện buông tơ” vừa ước lệ, tượng trưng vừa phác họa một bức tranh tả thực của không gian tĩnh lặng. Cảm xúc tình yêu dâng lên tuyệt đỉnh trong giờ phút giao hoan là nước mắt. Tôi yêu những giọt nước mắt hạnh phúc của sự cho và nhận. Động từ "ghì" được tác giả sử dụng đúng chỗ, đúng thời điểm, vì vậy nó có sức lan toả, truyền cảm, tạo nên điểm sáng mang tính hài hoà, đồng điệu giữa tình yêu và lòng nhân ái. 

Bằng chất liệu lục bát, ngôn từ giản dị mà tinh tế, "Tình yêu không lời" của nhà thơ Phạm Trung Dũng đã gửi đến người đọc một thông điệp đầy tính nhân văn, mở cho ta một góc nhìn sâu trong cuộc sống. Giữa vô vàn những cuộc tình có hương hoa sắc lá, có tiếng chim mê đắm của vườn xuân thánh thót, ta vẫn bắt gặp những tình yêu lạ và đẹp. Trong cái lặng thầm của thế giới không lời là cả một bầu trời vô ngôn đầy ắp thương yêu.

Diên Hồng Dương



Thứ Ba, 6 tháng 6, 2017

ĐỨNG TRƯỚC "CĂN PHÒNG BÍ MẬT" CỦA TRẦN HẠ VI

                        
                                                                                            
Tôi đã chọn và đưa Căn Phòng Bí Mật của Trần Hạ Vi vào danh sách những bài thơ sẽ bình từ khá lâu. Những lúc rảnh rang hoặc đầu óc trống vắng tôi lại đem bài thơ ra nhâm nhi, nghiền ngẫm. Tôi cũng mường tượng một vài bài viết khác – liên quan đến thơ - lấy ý tứ của CPBM làm điểm tựa. Có thể nói đây là bài thơ “làm phiền” tôi nhiều nhất. Có độ tôi đã “ăn ngủ” với nó cả mấy ngày liên tiếp để cố gắng tìm ra thế trận hợp lý, có hiệu quả cho bài bình của mình. Nhưng rồi vẫn thấy chưa vừa ý – duyên chưa đến - nên lại cho qua.

Hôm nay, ngồi ở sau nhà thả hồn theo những đám mây bay rồi lẩm nhẩm đọc lại CPBM, chợt thấy cái duyên ngầm của nó, bèn hứng chí chạy vào nhà mở máy gõ mấy lời bình để mời bạn đọc cùng bước vào một góc của thế giới thơ Trần Hạ Vi.

CĂN PHÒNG BÍ MẬT

Có những điều sẽ chẳng nói ra

cho dù chúng ta

có yêu nhau đến thế nào chăng nữa

mấy ngàn ngày.
..
và có thể mấy vạn ngày tiếp lửa

chuyện anh

chuyện em

vẫn ẩn chứa bí mật của mỗi người


Có những góc tối ở trong hồn

của riêng ta

không bao giờ chia sẻ

chẳng phải vì niềm tin không vẹn vẽ

nhưng vì đó là căn phòng bí mật

chẳng nên mở bao giờ


Con yêu tinh ngày xưa có một yêu cầu đơn sơ

cô gái sẽ sống mãi trong bạc vàng nhung gấm

chỉ đừng bao giờ mở cánh cửa cấm

ai cũng cần một góc nhỏ cho riêng mình (1)


Chúng ta ân ân ái ái

tan chảy ân tình

nhưng mỗi người chỉ có thể là riêng một

một anh

một em

dù ngọt ngào chung hưởng

đắng cay chia sớt

nhưng em là em

và anh vẫn là anh


Phòng chứa bí mật của phù thủy vẫn sẵn dành (2)

để chúng ta cất giữ những ước mơ ngông cuồng hoang dại nhất

tình yêu này sẽ luôn luôn có thật

khi em được là em

và anh được là anh

với căn phòng bé nhỏ của riêng mình.


27.08.2016/THV
#thotranhavi

(1) Truyện cổ tích
(2) Harry Potter và phòng chứa bí mật

Thơ Hay Là Vè?

CPBM bàn đến một đề tài rất lớn và khó hiểu (a). Dùng thơ để mô tả, chuyển tải một ý niệm trừu tượng, nặng tính triết học, rất dễ đi đến chỗ khô khan, làm người đọc chán ngán. Nếu không khéo “thơ” sẽ biến thành vè một cách dễ dàng. Bởi vậy, việc đầu tiên phải chẩn đoán xem nó có vượt qua được cửa ải “vè” chưa? Nếu chưa thì đành xếp bút, đưa bài thơ khác lên bàn mổ chứ ai lại đi bình một bài vè. 

Cũng may, Trần Hạ Vi đã tạo ra một khung cảnh thơ hợp lý. Đọc hết bài thơ tôi có cảm tưởng chị đang tâm sự với người yêu của mình lúc được yêu cầu trải tất tật lòng ra với nhau khi đã thực sự yêu. Chị không đồng ý và lời lẽ phản đối của chị nhẹ nhàng nhưng quyết liệt. Ở đây tâm đã đối cảnh và đã có cảm xúc, đã là thơ.

Tứ Thơ

Bài thơ không có phép ẩn dụ toàn bài nên tứ với ý là một: Tác giả dùng hình ảnh “căn phòng bí mật” để nói đến những góc tối trong tâm hồn không thể sẻ chia dù với người thân yêu nhất.
Thụy Khuê, khi bàn về trường phái Siêu Thực, cũng có nhắc đến CPBM, nhưng với cái tên thật của nó.

“Freud chia hoạt động tâm thần làm ba khu vực: Vùng vô thức tức là cái đó (le ça trong tiếng Pháp, Es tiếng Đức) chứa đựng toàn bộ những nhu cầu bản năng bị dồn nén, cấm kỵ không được phát lộ ra ngoài. Vùng ý thức tức cái tôi (le moi, ego), hay ý thức xã hội, cái tôi xã hội, chứa đựng những gì đã được thanh lọc bởi lý trí và đạo đức xã hội, sẵn sàng trình làng. Và cái siêu ngã (le sur moi) có trách nhiệm kiểm duyệt.

Theo Freud, cái vô thức mới là bộ mặt thật, là cái tôi đích thực của con người. Nó chi phối mọi hoạt động. Còn cái tôi ý thức chỉ là bộ mặt bề ngoài, giả dối và ngụy tạo.”(b)

Nhưng cái tôi ý thức – mà trong một vài bài khác tôi gọi là cái tôi văn hóa - mới chính là cuộc sống thực tế của con người. Con người tương tác, giao tiếp với nhau hoàn toàn bằng cái tôi văn hóa. Cái tôi đích thực bị “cầm tù” trong vùng vô thức mà Trần Hạ Vi gọi là CPBM. 

Nếu vì một lý do gì đó CPBM bị bung khóa, những góc tối của tâm hồn lộ ra giữa thanh thiên bạch nhật, thì con người sẽ không còn niềm tin vì nhìn đâu cũng thấy dối trá, lừa lọc. Lúc ấy vô số thần tượng sẽ sụp đổ, trật tự sẽ đảo lộn, xã hội sẽ rối loạn. 

Con buôn gian dối thì không nói làm gì, vì đó là “chuyện thường ngày” của họ. Nhưng các bậc mô phạm mặt cũng khắc đầy những chữ “xạo” to tổ bố. Các đấng Quân Vương của thời đại mới - Tổng Thống, Chủ Tịch Nước, Thủ Tướng - “xạo” thì cũng thường tình, vì có thế họ mới có thể mị dân, giữ ngai vàng, giữ ghế. 

Nhưng ngay cả những vị chức sắc cao nhất của các tôn giáo – khi “những ước mơ ngông cuồng hoang dại nhất” từ “những góc tối của tâm hồn” lúc còn thơ trẻ hiển hiện trước mắt người đời – ít ra, chắc cũng sẽ ngượng ngùng cúi mặt. 

Kỹ Thuật Thơ

    1/ Thể Thơ: tác giả viết theo thể thơ mới, số chữ trong câu tùy tiện, không theo một nguyên tắc bó buộc nào.

    2/ Vần Và Dòng Chảy Của Tứ Thơ: vần liên tiếp, khá đều đặn, nhưng không có hội chứng nhàm chán vần. Có lẽ do có vài chỗ thoát vận và nhịp điệu khác lạ nhờ những cụm từ:
          a/ chuyện anh/ chuyện em (đoạn 1)
          b/ một anh/ một em,  nhưng em là em/ và anh vẫn là anh (đoạn 4)
          c/ khi em được là em/ và anh được là anh (đoạn 5)

Dòng chảy của tứ thơ trơn tru, nhẹ nhàng, thoải mái.

    3/ Ngôn Ngữ Thơ: tương đối đẹp, có một số hình tượng khá độc đáo:

cho dù chúng ta
có yêu nhau đến thế nào chăng nữa
mấy ngàn ngày...
và có thể mấy vạn ngày tiếp lửa

Cụm từ “tiếp lửa” lạ và hay

Có những góc tối ở trong hồn

của riêng ta

không bao giờ chia sẻ

chẳng phải vì niềm tin không vẹn vẽ

Tĩnh từ “vẹn vẽ” vừa rất “bắc kỳ” vừa đắt.


Chúng ta ân ân ái ái

tan chảy ân tình

là câu thơ có sức “gợi”mạnh, rất hợp với khung cảnh đoạn thơ.


    4/ Thế Trận: hợp lý, hoàn thành nhiệm vụ chuyển tải tứ thơ.

Cảm Xúc:

    1/ Tầng 1: người đọc thả tâm trí theo dòng chảy của tứ thơ, có cảm tình với cái đẹp văn chương (ngôn ngữ, hình tuợng) và mới chỉ khám phá được một phần ý tứ của tác giả nên cảm xúc nếu có, cũng không nhiều.

    2/ Tầng 2: ở cuối bài, khi thế trận của chữ nghĩa đã phát huy hiệu quả, tác giả đã dồn hết sức mạnh của tình yêu và lời thơ của mình vào đoạn cuối, bài thơ đã được đẩy đến cao trào với rất nhiều cảm xúc.

    3/ Tầng 3: hồn thơ không có.

Sự Trùng Lặp Hay Một Cách Nhấn Mạnh Khéo Léo.

Ở lần đọc bài thơ đầu tiên tôi có cảm giác tác giả đã phạm một lỗi lớn: ý tưởng trùng lặp quá nhiều. Bài thơ có 5 đoạn mà đoạn nào tác giả cũng - bằng cách này hay cách khác - cắt nghĩa, giải thích vai trò của CPBM đối với con người.

Đến khi đọc hết bài rồi lại đọc thêm vài lần nữa tôi mới nhận ra dụng ý của sự lập đi lập lại ấy. THV đã lỡ “yêu” phải một tứ thơ quá cứng. Trước năm 1975, ở lớp cao nhất của bậc trung học (Đệ Nhất) học sinh mới bắt đầu làm quen với Triết Học trong đó Vô Thức là một ý niệm khó nhai và khó nuốt nhất. 

Sau đó nếu không học Văn Khoa hoặc Đại Học Sư Phạm Văn, ngay cả những người học thức, khi bàn đến “những góc tối của tâm hồn” cũng không ai dám nhận là đã hiểu đến nơi đến chốn. 

Tôi có cảm tưởng chị đã mời 5 “tay búa” tập trung đập vào một khoảnh nhỏ trên bức tường ngăn cách giữa thi sĩ và người đọc. Chỉ có một khoảnh tường nhỏ nhưng 5 tay búa thì, từ vóc dáng đến cách quai búa, mỗi người một vẻ khác nhau. 

Và với 2 nhát búa mạnh mẽ sau cùng, bức tường ngăn cách đã ngã đổ và chị đã tuôn ra được những điều đáng nói nhất với người yêu của mình: Căn phòng bí mật là nơi “cất giữ những ước mơ ngông cuồng hoang dại nhất”


“tình yêu này sẽ luôn luôn có thật...
khi em được là em
và anh được là anh
với căn phòng bé nhỏ của riêng mình

Chị muốn nói với người yêu bằng tất cả sự tự tin và tình yêu tha thiết từ trái tim:
“Chỉ khi cánh cửa CPBM luôn đóng kín thì – không phải lo cái tôi đích thực của mình bị lộ ra - em được là em và anh được là anh (trong bộ áo của cái tôi văn hóa) - vâng, chỉ lúc ấy tình yêu mới trở thành hiện thực và có cơ đứng vững.”

Độc giả không cảm thấy chán ngán dù phải gặp hình tượng CPBM đến mấy lần là vì thế. Và chức năng truyền thông của bài thơ, có thể nói, đã thành công.

Nhận Xét Chung Cuộc

Trước khi bình bài thơ này của THV, theo thói quen, tôi đã đọc hầu hết thơ của chị trên FB. Chị cũng gởi cho tôi một số những bài thơ tuyển mà chị rất tâm đắc. Không hiểu sao tôi lại chọn CPBM. Một thằng bạn cũ cũng chơi FB, khi được hỏi ý kiến đã phán “Mày tinh mắt đấy! Bài này trội nhất. Những bài khác (của THV) không sai phạm chỗ này cũng sơ xuất chỗ kia.” Tôi chỉ dám nhận là mình may mắn, đã “phải lòng” một bài thơ không tệ.

Có thể nói CPBM khá tròn trịa, “đẹp” ở nhiều mặt. Tứ thơ hay, biểu lộ cái nhìn sâu sắc của tác giả về con người, cuộc sống. 

Kỹ thuật thơ khá vững. Cách sử dụng vần khéo léo, đúng liều lượng, tạo vị ngọt vừa phải, giúp dòng chảy của ý tưởng, cảm xúc suôn sẻ, không có những mô gò làm người đọc khựng lại, mất hứng. 

Thế trận hơi lạ nhưng rất hiệu quả, dẫn đến đoạn kết đầy ấn tượng. Nhờ vậy cảm xúc ở tầng hai khá mạnh, đặc biệt ở hai đoạn cuối. Tuy vậy, chưa thấy xuất hiện hồn thơ.

Kết Luận

Trần Hạ Vi đã đứng về phía đại đa số những người ủng hộ lối sống Phương Tây. Đó là lối sống rất nhiều nước trên thế giới đã chấp nhận hoặc đang học hỏi để “bắt chước”. 

Nhưng cũng có nhiều triết gia ở chính Phương Tây cho rằng lối sống ấy đã làm cho con người “vong thân” (đánh mất chính mình) (c), làm nô lệ cho một “kẻ xa lạ” (d) đang chiếm hữu thân xác mình vì đã để cái tôi văn hóa che khuất cái tôi đích thực. 

Dĩ nhiên mỗi người có quyền có quan niệm sống riêng của mình. Qua CPBM, Trần Hạ Vi đã ra sức biểu dương cái tôi văn hóa. Và theo tôi - bằng kỹ thuật thơ và nhiệt tình cháy bỏng - chị đã làm rất đông người đọc mỉm cười mãn nguyện vì cảm thấy và tin rằng sự lựa chọn của mình là đúng.

CHÚ THÍCH:

   a/ Tôi không biết tác giả “mượn” hình tượng Căn Phòng Bí Mật từ đâu - từ Harry Potter, từ một truyện cổ tích nào đó, hay từ trải nghiệm rút ra trong quá trình đọc của mình? Ở đây tôi không làm công việc truy tìm nguồn gốc ý tưởng mà chỉ “bàn” một chút về khả năng đưa ý tưởng ấy vào thơ.
   b/ (http://thuykhue.free.fr/stt/s/breton.html)
  
c/ Jean Paul Sartre.
   d/ Albert Camus

Phạm Đức Nhì
nhidpham@gmail.com





Chủ Nhật, 4 tháng 6, 2017

LỤC BÁT




Lục bát, cho đến khi tôi viết những dòng chữ này, có thể nói, là thể thơ “trẻ mãi không già”, rất thích hợp để chuyển tải tâm trạng, cảm xúc nhẹ nhàng nhưng thâm thúy, ý nhị. Non tay, thi sĩ sẽ đẻ ra những bài lục bát nếu không à ơi như vè thì cũng tẻ nhạt, không gây chút ấn tượng nào cho người đọc. Nhưng bên cạnh vô số những bài lục bát nhạt nhẽo, mờ nhạt lặng lẽ đi vào quên lãng ấy thỉnh thoảng vẫn có những bài xuất sắc. 

Nhờ đặc tính “trẻ mãi không già” đó, lục bát, dù được xếp vào loại thể thơ truyền thống, không bị chi phối bởi luật đào thải trong tiến trình vận động của thi ca.



Lục bát sử dụng cả yêu vận lẫn cước vận nên nếu bài thơ hơi dài (khoảng trên 20 câu) mà tình tiết không liên tục hấp dẫn thì đọc sẽ … ngán. Với thơ lục bát hội chứng nhàm chán vần luôn luôn rình rập, sơ hở một tý là “ầu ơ” ngay.



Gặp thơ lục bát tôi thường đọc lớn để nghe độ ngân, độ vang vọng của nhạc trong thơ. Nếu nhạc đơn điệu, tẻ nhạt mà tứ thơ không đặc sắc, tình tiết không lôi cuốn thì cho qua. 

Nếu bài lục bát ngắn, nên đọc chậm để khám phá ý tứ thâm trầm, sâu lắng. Nếu bài thơ trung bình (khoảng 20 câu) mà đọc hết cũng chưa thấy ngán thì nên đọc lại. Bài thơ chắc chắn có “cái gì đó” đặc biệt - hoặc là tứ thơ hay, tình tiết hấp dẫn, hoặc là cảm xúc dạt dào, nóng bỏng. 

Nếu bài lục bát quá dài thì khoảng từ câu thứ 20 trở đi, giọng ầu ơ đã xuất hiện, càng về cuối đọc càng ngán.

Nên tránh 2 cách gieo vần sau đây:

1/ Vần Ngang Câu Bát

ĐỜI

Đắng cay này gửi vào thơ
Để đêm chia bóng, ngày chờ ước 
Tằm ơi! Sao chẳng nhả 
Cho ta vá lại hồn thơ nát nhàu!
(Trần Trọng Giá, FB Lục Bát Việt Nam)

Đây là bài thơ mà câu bát của cặp đầu tiên có chữ thứ 6 và chữ thứ 8 ăn vần với nhau (vần ngang câu bát) (chờ). Tôi không nghĩ là tác giả chủ ý tạo cặp vần này. Nó tuôn ra theo dòng chảy của tứ thơ và vì “không phạm luật” nên ngài không để ý. Rồi chữ “chờ” vần với chữ “thơ” ở câu lục trên, chữ “” vần với chữ “” ở câu lục kế tiếp và dính líu, dây nhợ với chữ “thơ” ở câu bát dưới.

 Hậu quả là độc giả phải nghe âm điệu của một chuỗi 5 chữ (thơ chờ mơ tơ thơ) từ 4 câu thơ liên tiếp trùng vần – mà lại toàn là chính vận mới đáng sợ. Vần quá ngọt. Có một tô chè mà nêm đến mấy lạng đường, ngọt lợ đến gắt cổ.

 

 2/ Vần Quẩn

Thừa cơ nàng mới bàn ra nói vào.
Rằng: Trong Thánh trạch dồi 
dào,

Tưới ra đã khắp thấm vào đã sâu.
Bình thành công đức bấy lâu,
Ai ai cũng đội trên đầu xiết 
bao
Ngẫm từ gây việc binh 
đao
Đống xương Vô định đã 
cao bằng đầu.
Làm chi để tiếng về sau
Nghìn năm ai có khen đâu Hoàng 
Sào!
Sao bằng lộc trọng quyền 
cao
Công danh ai dứt lối 
nào cho qua?    

(2488- 2498)

 

Đây là loại vần “đi dăm phút đã về chốn cũ” - mới đổi qua vần khác một lần đã quay lại vần cũ. Trong 14 câu Kiều ở trên Nguyễn Du đã phạm lỗi vần quẩn rất nặng – quay đi quẩn lại đến 3 lần. Đọc lên là ngán ngẩm.

 

Tóm lại, lục bát, do hình thức của thể thơ, có độ ngọt rất cao. Bài thơ có hội chứng nhàm chán vần hay không? Câu trả lời sẽ cho phép người bình thơ nâng hoặc giảm giá trị bài thơ một cách đáng kể.





Thứ Bảy, 3 tháng 6, 2017

THƠ ĐƯỜNG LUẬT


Đường luật thất ngôn bát cú là một thể thơ có nhiều nguyên tắc khắt khe; vần đối niêm luật với những trói buộc của nó khiến thi sĩ luôn phải xoay ngang trở dọc đối phó nên ít có cơ hội chăm chút cho phần cảm xúc, hồn thơ. Dĩ nhiên, năm thì mười họa cũng có những bài thơ hay, nhưng ngay cả những bài thơ hay đó cũng có vẻ khô cứng so với thơ đương đại.


Giờ đây Nàng Thơ đã có bộ mặt mới. Các thi sĩ đã cố công tìm tòi, thể nghiệm nhiều thể thơ “mới”, sao cho vừa giữ được vị ngọt của thơ ca, vừa cởi trói cho người làm thơ khỏi những luật lệ quá khắt khe, gò bó. Đâu là thể thơ tối ưu của thi ca đương đại? Công cuộc chọn lựa, tranh cãi còn chưa ngã ngũ. Nhưng chắc chắn đã có rất nhiều thể thơ, ở mức độ khác nhau, cho phép người làm thơ thời nay được thoải mái hơn, tự do hơn, thể hiện tứ thơ của mình, và nhờ đó, có thể dễ dàng đưa cảm xúc của mình, thả tâm hồn của mình vào thơ.


Thơ Đường luật bỗng trở thành cô gái lỡ thì, thân hình khô cứng lại kênh kiệu, khó tính, bị những chàng trai trẻ ngoảnh mặt làm ngơ. Họ nhìn về hướng khác để tìm những cô gái đang xuân, vóc dáng, trang phục hợp thời hơn, hấp dẫn hơn, tính tình cởi mở hơn, gần gũi hơn với cái “gu” thẩm mỹ của thời đại mới.


Đối với những vị chuộng thơ Đường luật, đã “quen” với thơ Đường luật, thích thù tạc xướng họa thơ Đường luật, thì chẳng việc gì mà phải từ bỏ cái thú vui tao nhã ấy. Xin cứ tiếp tục làm thơ để góp cho đời những bông hoa tươi đẹp. Xin cứ tiếp tục đọc thơ Đường luật để thưởng thức những cảm nghĩ, những rung động nhẹ nhàng, thanh thoát của người xưa.


Những quý vị làm thơ Đường luật, theo tôi, như võ sĩ lên võ đài, rất ương ngạnh và oai hùng, chấp nhận chịu trói cả 2 tay, 2 chân để đấu với đối thủ. Khi bị bươu đầu sứt trán, hoặc nằm thẳng cẳng đo ván thì (dù không nói ra) thường cho là tại bị gò bó, trói buộc. Những quý vị đó quên rằng chính họ đã tình nguyện lên võ đài với tư thế ấy.


Thứ Sáu, 2 tháng 6, 2017

CHỌN THỂ THƠ

                  

Làm thơ, có người chuyên về một thể loại, thí dụ lục bát. Có người thể thơ nào cũng “thử” một đôi bài nhưng khi cao hứng gặp được tứ thơ hay thì sẽ chọn thể thơ mình thích nhất. Đọc thơ, tôi thường nghe những câu đại loại như “Tạng tôi không hợp với thơ ‘ông này’ mà gần với thơ ‘bà kia’ hơn.”

Khi mới tập làm thơ thầy giáo dạy Việt Văn, khi được hỏi ý kiến nên chọn thể thơ nào, đã cho tôi lời khuyên: “Thấy thích, hợp thể thơ nào thì cứ chọn thể thơ đó; có thích, có tự tin thì làm thơ mới hay. Hơn nữa, đó là quyền tự do của thi sĩ”. Sau này góp nhặt thông tin từ các bài bình thơ, các cuộc tranh luận về thơ, cộng với kinh nghiệm làm thơ của chính mình tôi đi đến kết luận:

Trên trang thơ của mình, đồng ý, thi sĩ là vua, có toàn quyền quyết định mọi thứ, nhưng đối với thể thơ, nếu cứ lẽo đẽo ở phía sau, không vươn lên cùng thời đại thì chính thi sĩ sẽ không được hưởng cái thoải mái tự do khi phóng bút mà bài thơ khi xuất xưởng sẽ bị giới thưởng ngoạn nhìn với đôi mắt thiếu thiện cảm.

Chọn thể thơ nên lưu ý một số điểm sau:

1/ Số chữ trong câu có thể tùy tiện, thoải mái, không bị luật lệ bó buộc.

2/ Không bị hội chứng nhàm chán vần nhưng cũng nên có vần thoang thoảng, tạo vị ngọt thơ ca vừa phải.

3/ Nếu bài thơ hơi dài, tránh thể thơ trường thiên vì tứ thơ sẽ bị phân mảnh, đứt đoạn, chọn cách gieo vần để bài thơ nhất khí, liền mạch.

4/ Đường Luật rất gò bó; song thất lục bát sẽ “giúp” bài thơ chết sớm; lục bát là con dao hai lưỡi: coi chừng thành vè hoặc “ầu ơ”; thơ mới vần liên tiếp dễ “ầu ơ”; thơ mới trường thiên: tứ thơ phân mảnh, đứt đoạn, nếu trên 4 đoạn cũng dễ “ầu ơ”; thơ kiểu văn xuôi không vần: trúc trắc, khó đọc, tứ thơ gập ghềnh, khi đọc lý trí phải làm việc cật lực, mất cơ hội để tâm hồn giao cảm


Chủ Nhật, 28 tháng 5, 2017

THÁI SƠN - VIẾT HOA HAY KHÔNG VIẾT HOA?



Nhân đọc mấy đoạn “còm” của hai anh Lại Quảng Nam và Nguyên Lạc trên bài viết Chữ Trong Tự Điển Và Chữ Trên Văn Bản (PĐN) tôi chợt nảy ý định viết một Lời Bình Ngắn để trao đổi. Anh Lại Quảng Nam viết:

“Công cha như núi Thái Sơn 
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.” 

rồi đưa ra nhận định:

Câu trên theo tôi là một câu sai. Vì sao? 

Thái Sơn viết hoa: Sai 
thái sơn viết thường: Đúng 

và đặt câu hỏi:

Bạn hiền có thấy như thế không?

Còn Nguyên Lạc thì trả lời hơi “gắt” với cô em Bình Phùng:

thái sơn (tượng trưng Đất Nước, Tổ Quốc) rộng vô hạn (thái=rất lớn). THÁI SƠN là một ngọn núi bên Tàu chỉ cao khoảng vài trăm đến ngàn mét (?) vậy không phải là hữu hạn sao bạn?

Hai anh LQN và Nguyên Lạc cho rằng câu ca dao trên phải viết là:

Công cha như núi thái sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

mới đúng.

Theo tôi, hai anh đã sai ở phần “kỹ thuật văn chương”. Cụm từ "núi Thái Sơn” là danh từ riêng, không thể tự động hiểu nó là danh từ chung được. Các anh không thể viết “Công cha như núi thái sơn” rồi bắt người đọc phải hiểu “thái sơn” là (tượng trưng) đất nước, tổ quốc. Viết như thế người đọc vẫn hiểu “núi thái sơn” là ngọn núi Thái Sơn ở bên Tàu và các anh còn sai một lỗi lớn là danh từ riêng không viết hoa. 

Nếu muốn “thái sơn” trở thành danh từ chung thì phải dùng cấu trúc câu khác.

Thí  dụ: “Công cha trùng điệp thái sơn” (từ “trùng điệp” tôi đưa vào chỉ có tính chất minh họa, không được hay lắm, xin đừng chê trách). Mà giả dụ hai anh có tìm được 2 chữ thật hay để “thái sơn” trong câu đầu trở thành danh từ chung (với nghĩa đất nước, tổ quốc) thì đó cũng là một danh từ diễn tả một khoảnh đất giới hạn, không thể tương xứng với cái chừng như vô hạn là “nước trong nguồn chảy ra” được.

Tôi chợt nhớ tới câu “còm” của cô em Bình Phùng:

“Ông cha ta chỉ muốn nói: "nghĩa tình của mẹ với con là vô hạn nhưng công cha thì có hạn (có thể đong đếm được )! An ủi người mẹ một tí thôi anh ạ!

Biết đâu cha ông ta quả thật có ý nghĩ ấy thì sao? Vâng! Biết đâu đấy.

Hơn nữa, đây là câu ca dao, không phải là câu đối, nên chi tiết cân xứng không phải là bắt buộc

Đất nước Việt Nam ta có đến “một ngàn năm nô lệ giặc Tàu”. Chữ quốc ngữ của mình một phần khá lớn là từ Hán Việt. Nếu ngọn núi Thái Sơn có bị dính vào câu ca dao của mình cũng đâu có gì là khó hiểu. Hãy can đảm chấp nhận cái thực tế đau lòng ấy. Vấn đề là đừng để sau này:

“Những đứa trẻ Việt Nam đến trường
xì xồ tiếng Quảng Đông, Quan Thoại
đọc Ngũ Kinh, Tứ Thư
truyện Kiều của Nguyễn Du
vứt vào sọt rác.”
(PĐN)

Đó mới là điều đáng để tâm lo lắng.