Chủ Nhật, 28 tháng 5, 2017

THÁI SƠN - VIẾT HOA HAY KHÔNG VIẾT HOA?



Nhân đọc mấy đoạn “còm” của hai anh Lại Quảng Nam và Nguyên Lạc trên bài viết Chữ Trong Tự Điển Và Chữ Trên Văn Bản (PĐN) tôi chợt nảy ý định viết một Lời Bình Ngắn để trao đổi. Anh Lại Quảng Nam viết:

“Công cha như núi Thái Sơn 
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.” 

rồi đưa ra nhận định:

Câu trên theo tôi là một câu sai. Vì sao? 

Thái Sơn viết hoa: Sai 
thái sơn viết thường: Đúng 

và đặt câu hỏi:

Bạn hiền có thấy như thế không?

Còn Nguyên Lạc thì trả lời hơi “gắt” với cô em Bình Phùng:

thái sơn (tượng trưng Đất Nước, Tổ Quốc) rộng vô hạn (thái=rất lớn). THÁI SƠN là một ngọn núi bên Tàu chỉ cao khoảng vài trăm đến ngàn mét (?) vậy không phải là hữu hạn sao bạn?

Hai anh LQN và Nguyên Lạc cho rằng câu ca dao trên phải viết là:

Công cha như núi thái sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

mới đúng.

Theo tôi, hai anh đã sai ở phần “kỹ thuật văn chương”. Cụm từ "núi Thái Sơn” là danh từ riêng, không thể tự động hiểu nó là danh từ chung được. Các anh không thể viết “Công cha như núi thái sơn” rồi bắt người đọc phải hiểu “thái sơn” là (tượng trưng) đất nước, tổ quốc. Viết như thế người đọc vẫn hiểu “núi thái sơn” là ngọn núi Thái Sơn ở bên Tàu và các anh còn sai một lỗi lớn là danh từ riêng không viết hoa. 

Nếu muốn “thái sơn” trở thành danh từ chung thì phải dùng cấu trúc câu khác.

Thí  dụ: “Công cha trùng điệp thái sơn” (từ “trùng điệp” tôi đưa vào chỉ có tính chất minh họa, không được hay lắm, xin đừng chê trách). Mà giả dụ hai anh có tìm được 2 chữ thật hay để “thái sơn” trong câu đầu trở thành danh từ chung (với nghĩa đất nước, tổ quốc) thì đó cũng là một danh từ diễn tả một khoảnh đất giới hạn, không thể tương xứng với cái chừng như vô hạn là “nước trong nguồn chảy ra” được.

Tôi chợt nhớ tới câu “còm” của cô em Bình Phùng:

“Ông cha ta chỉ muốn nói: "nghĩa tình của mẹ với con là vô hạn nhưng công cha thì có hạn (có thể đong đếm được )! An ủi người mẹ một tí thôi anh ạ!

Biết đâu cha ông ta quả thật có ý nghĩ ấy thì sao? Vâng! Biết đâu đấy.

Hơn nữa, đây là câu ca dao, không phải là câu đối, nên chi tiết cân xứng không phải là bắt buộc

Đất nước Việt Nam ta có đến “một ngàn năm nô lệ giặc Tàu”. Chữ quốc ngữ của mình một phần khá lớn là từ Hán Việt. Nếu ngọn núi Thái Sơn có bị dính vào câu ca dao của mình cũng đâu có gì là khó hiểu. Hãy can đảm chấp nhận cái thực tế đau lòng ấy. Vấn đề là đừng để sau này:

“Những đứa trẻ Việt Nam đến trường
xì xồ tiếng Quảng Đông, Quan Thoại
đọc Ngũ Kinh, Tứ Thư
truyện Kiều của Nguyễn Du
vứt vào sọt rác.”
(PĐN)

Đó mới là điều đáng để tâm lo lắng.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét