Thứ Năm, 2 tháng 6, 2016

NÓI CHUYỆN THƠ TRÊN ĐƯỜNG ĐI CHÙA HƯƠNG


                     NÓI  CHUYỆN  THƠ

          TRÊN  ĐƯỜNG  ĐI  CHÙA  HƯƠNG



 Cũng tại một bài thơ của Nguyễn Nhược Pháp mà trong lần về Việt Nam thăm nhà năm ngoái tôi đã đóng tiền đi “tua” lễ hội chùa Hương. Đoàn chúng tôi 28 người, ở rải rác quanh khu vực Đồ Sơn, được người tổ chức sắp xếp đi chung một chiếc xe đò đúng … 28 chỗ ngồi.


Xe khởi hành lúc 6 giờ chiều, đến Bến Đục thuộc địa phận xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, ngoại thành  Hà Nội lúc 10 giờ 30 tối. Mọi người ghé vào ngôi chùa ở ngay sát bến làm lễ rồi lên một chiếc thuyền lớn (đã ký hợp đồng trước) theo dòng suối Yến Vĩ vào chùa Ngoài, tên chữ là chùa Thiên Trù. Theo quy định thì 5 giờ sáng thuyền mới được rời bến, nhưng chắc chủ thuyền đã ăn ý với công an nên chúng tôi được “dù” vào lúc nửa đêm. Để khỏi phải chen lấn đến đổ mồ hôi, nghẹt thở (nếu đi đúng giờ, đúng luật) mỗi người phải chi thêm 60.000 (VN). Hôm ấy nhằm ngày mùng 4 tháng 2 âm lịch nên:


                   “Sơ tam, sơ tứ nguyệt mông lung” (1)


trăng mờ mờ, ảo ảo. Bầu trời lại đầy sao nên phong cảnh thật thơ mộng, hữu tình. Anh lái đò tuổi khoảng trên dưới 40, mặt mũi sáng sủa – có vẻ là người có học - bỗng cao hứng đọc nho nhỏ bài thơ Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp.



Hôm qua đi chùa Hương

Hoa cỏ mờ hơi sương.
Cùng thầy me em dậy,
Em vấn đầu soi gương.

Khăn nhỏ, đuôi gà cao,
Em đeo giải yếm đào;
Quần lĩnh, áo the mới,
Tay cầm nón quai thao.

Me cười: "Thầy nó trông!
Chân đi đôi dép cong,
Con tôi xinh xinh quá!
Bao giờ cô lấy chồng?"


Anh đọc hay quá. Giọng bắc, trong, phát âm chính xác, rõ ràng, lời thơ lại hợp cảnh, nên tôi khoái chí gật gù, chăm chú lắng nghe. Anh nhìn tôi, nheo mắt cười rồi đọc tiếp:


Em tuy mới mười lăm
Mà đã lắm người thăm,
Nhờ mối mai đưa tiếng,
Khen tươi như trăng rằm.

Nhưng em chưa lấy ai,
Vì thầy bảo người mai
Rằng em còn bé lắm!
(Ý đợi người tài trai).

Em đi cùng với me.
Me em ngồi cáng tre,
Thầy theo sau cưỡi ngựa,
Thắt lưng dài đỏ hoe.


Bỗng có tiếng của bà phụ lái ngồi ở mũi thuyền la lên:

  • Có thuyền ở phía trước!
    Anh lái đò ngừng đọc thơ để chú tâm vào điều khiển con thuyền. Rồi sau đó, có lẽ mất hứng, không thấy anh đọc tiếp nữa. Tôi, ngồi ở lái thuyền, cạnh anh, lân la bắt chuyện:
  • Anh đưa đò thế này lâu chưa?
  • Cũng được 6, 7 năm rồi.
  • Đưa đò thì chỉ có mấy tháng xuân. Thế hết mùa lễ hội anh làm gì? 
  • Em công tác ở Phòng Văn Hóa huyện. Lương lậu không đủ nuôi vợ, nuôi con nên cứ đến mùa lễ lại chở đò đưa khách để kiếm thêm tý thu nhập rồi dành dụm tiêu dần cả năm.
  • À ra là cán bộ Phòng Văn Hóa. Thảo nào mà văn chương, thơ phú tỏa sáng cứ như sao lấp lánh trên trời.
    Cả hai cùng cười vui vẻ. Tôi hỏi tiếp:
  • Thế ngày nào chở đò anh cũng đọc thơ thế này hay sao?
  • Không đâu anh ơi! Những ngày tâm hồn thanh thản như hôm nay thì ngâm nga mấy câu chơi cho vui, chứ những ngày đầu óc rối bời trăm mối “vợ đẻ, con đau, nhà nước lụt” thì còn tâm trạng đâu mà thơ với thẩn.
    Tôi chộp ngay cơ hội khoe 4 câu thơ của mình:
                       Có lúc nghĩ đến thơ là chán
                       Đọc nửa câu đã ngán
                       Nhưng cũng có ngày
                       Ngâm nga hồn cứ bay bay mơ màng.
  • Thơ của tôi đấy. Anh thấy thế nào?
  • Thơ của anh nghe cũng tạm được. Có vẻ như song thất lục bát, nhưng số chữ trong câu thay đổi tuỳ tiện, rất tự do, thoải mái.
    Tôi giật mình! Chà! Kiến thức về thơ của tay này cũng khá đấy chứ. Mình phải cẩn thận kẻo bị hố, làm trò cười cho hắn thì …ê mặt.
    Anh ta nói tiếp:
  • Em biết 4 câu lục bát cũng diễn tả cái ý ấy – hơi tục – nhưng rất dân gian, rất sinh động. Em nói rõ là hơi tục đấy nhé; anh có muốn nghe không?
  • Không sao. Tôi cũng thích thơ tục lắm. Và cũng có làm mấy bài thơ tục để “minh họa” một số ý niệm về thơ.
    Anh cứ đọc đi! Nhưng nhỏ nhỏ thôi, kẻo mấy bà, mấy cô nghe được thì phiền lắm.
    Anh vừa chèo thuyền vừa ghé vào tai tôi đọc nhỏ:
                       Vợ tôi hay mộng hay mơ
                       Hôm qua nổi hứng dí thơ vào l.
                       Thế rồi khi dại, lúc khôn
                       Hôm nay nó lại dí l. vào thơ.
    (xem đoạn viết thêm ở phần cuối)
    Tôi phì cười. Đoạn thơ hay quá! Sợ tôi không hiểu, anh nghiêng người qua giải thích:
  • Mẹ mua về cho đôi khuyên tai. Cô con gái vừa thấy là chộp ngay lấy. Bà mẹ mắng yêu: “Cái con khỉ này! Cứ thấy vàng là dí ngay vào l.” Thí dụ như thế anh hiểu không?
    Anh ta như ông thầy giáo tận tâm, cố đem hết khả năng sư phạm của mình truyền đạt cho cậu học trò không có năng khiếu văn học, một bài thơ khó.
    Tôi gật đầu, rồi đóng vai cậu học trò, hỏi lại thầy giáo cho chắc ăn:
             
  • Dí cái gì đó vào l. là THÍCH cái đó, phải không?
  • Đúng vậy. Còn bây giờ là lời một cô gái nói với bạn - người đã giới thiệu cho cô một anh chàng nhà giàu nhưng đã “không đủ thước tấc” lại hơi “hâm hấp”: “Cái thằng vừa lùn vừa điên ấy, có giàu nứt đố, đổ vách tao cũng dí l. vào.”
  • À! Tôi hiểu rồi. Dí l. vào cái gì là KHÔNG THÍCH cái đó, đúng chưa?
  • Không sai tí nào.
    Đôi mắt anh sáng lên một cách tinh quái rồi thì thầm vào tai tôi:
  • Nói đến cái khoản tục này anh cũng tỏ ra sáng dạ đấy chứ!
    Tôi có bà mẹ bắc kỳ, ít học, lại cũng không ngại ví tục, nói tục nên câu chửi này tôi hiểu ngay. Tôi chỉ bắt tay anh cười cười, không nói. Đúng như anh ta nói lúc đầu, đoạn thơ cũng diễn tả cái ý trong bài thơ con cóc của tôi nhưng có tý “ấy” vào tứ thơ mới lạ và tươi mát hẳn lên , lời thơ thì rất sinh động, rất dân gian, rất tục và rất … tuyệt.
    Tôi thân mật nói với anh:
  • Ôi! Nghe xong 4 câu thơ dân gian này chắc bài thơ của tôi phải vất vào sọt rác quá, anh bạn ơi.
  • Ấy! Đừng vất. Anh cứ để đấy. Mỗi người một vẻ. Vườn hoa phải có đủ loại hoa chứ. Cây hoa hồng có thêm cụm hoa cứt lợn đứng bên cạnh nữa cũng đâu có sao.
    Tay này thâm thật. Thơ mình mà hắn ví như hoa cứt lợn thì … cay quá. Nhưng rồi nghĩ đến chỗ đứng khiêm tốn của mình trong làng thơ, tôi cao giọng nói đùa:
  • Thôi thì cứ để cụm hoa cứt lợn đấy cho nổi bật cái đẹp của hoa hồng. Như vậy, ít ra thơ của tôi cũng đóng góp một chút xíu gì đấy cho đời, phải không nào?
    Câu chuyện đến đây thì thuyền đã chuẩn bị cập bến chùa Thiên Trù. Chúng tôi sẽ lễ Phật rồi leo núi lên động Hương Tích vào chùa Trong. Tôi hỏi anh:
  • Thế lát nữa anh có chờ để chở chúng tôi ra Bến Đục không?
  • Không đâu anh. Em phải kết hợp với nhóm bạn, chở đợt khách kế tiếp ra đấy cho họ. Còn các anh, khi thăm động Hương Tích xong, người của họ sẽ thay em chở các anh ra sau. Em phải về chợp mắt một chút để sáng đi làm.
    Trước khi bước lên bờ tôi dúi vào tay anh 100.000 (VN) và nói thầm:




  • Cho tôi gởi các cháu ăn quà rồi bắt tay anh thật chặt.
    Đảo mắt nhìn quanh tôi chợt thấy mình lạc lõng lạ thường. Những người đi lễ hội như tôi, từ lúc xuống thuyền cho đến bây giờ - chuẩn bị leo lên Nam Thiên Đệ Nhất Động (2) – ai ai cũng mặt mày nghiêm trang, thành khẩn, dọn lòng để cầu danh, cầu lợi, cầu bình an, phước đức cho bản thân và gia đình. Riêng tôi, ngay giữa chốn linh thiêng mà đầu óc cứ vương vấn mãi cái hình ảnh mà nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã có lần miêu tả:
                       Bày đặt kìa ai khéo khéo phòm
                       Nứt ra một lỗ hỏm hòm hom
                          (Chùa Hương)
    Mà thật lạ! Cái hình ảnh hấp dẫn đó đã không khơi gợi trong tôi một ý niệm tà dâm nào. Hình như nhờ đó tôi đã hiểu rõ hơn, không, phải nói là đã thực chứng được, cái tâm trạng của con người đối với thơ ca: khi mê say, khi chán chường, đổi thay bất chợt như thời tiết lúc mưa, lúc nắng.
     
    Sao đã lặn gần hết. Trăng móc câu ánh sáng chỉ mờ mờ. Tôi không thưởng thức được trọn vẹn vẻ đẹp hùng vĩ của cảnh non xanh nước biếc. Nhưng có hề gì. Người tôi đang thấm đẫm men say của 4 câu thơ thật tục mà lại thật hay.
    Tôi lặng lẽ theo đoàn người lên núi, tâm trí bồng bềnh như mấy bụi cây hai bên đường ngả nghiêng theo gió. Và lòng tràn ngập hồn thơ.
    Chú thích:


  1. Mùng ba, mùng bốn trăng mờ mờ, ảo ảo
  2. Tên khác của động Hương Tích do Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm đặt.
    Phạm Đức Nhì – nhidpham@gmail.com
    Đoạn Viết Thêm Cũng Là Chú Thích
        Về Xuất Xứ Của 4 Câu Thơ
    Khi bài viết được gởi đến mấy chỗ thân tình để xin ý kiến (hoặc nhờ sửa chữa) thì nhà thơ Trịnh Anh Đạt ở Đồ Sơn đã e-mail cho biết 4 câu thơ tục đó xuất xứ từ bạn anh, nhà báo, nhà thơ Bùi Hoàng Tám. Anh cũng kèm theo bài viết Về Bài Thơ “Vợ Tôi Dở Dại, Dở Khôn” trong đó nhà báo, nhà thơ Bùi Hoàng Tám kể khá tỉ mỉ nguyên do phát sinh mấy câu thơ đó – và sau này là cả bài thơ. Bốn câu thơ trong bài viết của Bùi Hoàng Tám như sau:
    Vợ tôi dở dại, dở khôn
    Ngày dăm bẩy bận dí l. vào thơ
    Tôi thì ra ngẩn vào ngơ
    Ngày dăm bẩy lượt dí thơ vào l.
    Sau đó một ngày, anh Trương Vấn, người phụ trách trang web T-Vấn&BH gởi cho tôi bài thơ Thơ Một Chữ - Vỗ Một Tay của Nguyễn Bảo Sinh trong đó cũng có đoạn giống 4 câu thơ trên:
                                 Vợ tôi dở dại, dở khôn
                                  Có lúc nó bảo dí l. vào thơ
                                 Vợ tôi nửa tỉnh nửa mơ
                                   Có lúc nó bảo dí thơ vào l.
    Theo tôi, có lẽ Bùi Hoàng Tám và Nguyễn Bảo Sinh đều lấy hai nhóm chữ “dí l. vào thơ” và “dí thơ vào l.” trộn lẫn với một lô các con chữ xà bần khác thành những câu vè tục, đầy tính chơi chữ, đọc với nhau cho vui. Nhà thơ lục bát nổi tiếng ở Hải Phòng Trịnh Anh Đạt đã nói chắc như đinh đóng cột rằng:
    “Bài của Bùi Hoàng Tám hay Nguyễn Bảo Sinh ở dạng này chỉ là vè. Không thể gọi là thơ!”
    Tôi không biết con đường tiến hóa của 4 câu thơ bắt đầu từ đâu; từ bài Thơ Một Chữ - Vỗ Một Tay của Nguyễn Bảo Sinh hay từ bài Vợ Tôi Dở Dại, Dở Khôn của Bùi Hoàng Tám? Nhưng tôi biết chắc một điều – do hình ảnh mộc mạc, gần gũi, tục mà thanh - những câu ấy đã đi vào lòng người, truyền qua không biết bao nhiêu là cái miệng, trong đó có không ít miệng của những nghệ sĩ dân gian đầy tài năng, ẩn mình giữa đám đông thầm lặng. Đến cửa miệng của anh lái đò, 4 câu ấy đã được thay đổi, chắt lọc để không còn là những câu vè tục tằn vui chơi, mà đã thành những câu thơ hay, ý nhị, độc đáo, có giá trị nghệ thuật cao, mang đến cho người nghe, người đọc một thông điệp về thơ rõ ràng, sinh động.
    Phạm Đức Nhì

    Nhân tiện mời các bạn đến thăm trang web chuyên Bình Thơ
                     phamnhibinhtho.blogspot.com
               


Thứ Tư, 1 tháng 6, 2016

CŨNG CHỈ LÀ LỜI ĐỒN


                   CŨNG  CHỈ    LỜI  ĐỒN

          (Trao đổi với Lưu Na về bài thơ Sông Lấp)


Khi bài viết Sông Lấp -  Một Bài Thơ Toàn Bích phóng đi được ít hôm tôi nhận được vài emails – khen có, và chê cũng có. Tôi đã trả lời độc giả bằng thư riêng. Người khen thì dĩ nhiên không có ý kiến gì thêm, còn người chê có hài lòng với câu trả lời của tôi hay không, thú thật là tôi không biết. Đặc biệt có một nữ độc giả, Lưu Na trẻ hơn tôi mấy tuổi, là một cây viết kỳ cựu (ít nhất cũng hơn tôi) trên trang web văn học TVấn & Bạn Hữu, đã có hẳn một bài viết (ngắn) trên trang web ấy liên quan đế bài Sông Lấp - Một Bài Thơ Toàn Bích của tôi.

Sau đây là nguyên văn bài viết:

                  Lưu Na : Đồn



Nhân đọc bài Sông Lấp –Một Bài Thơ Toàn Bích của Phạm Đức Nhì, chợt nhớ một lời đồn.

Đại khái là Tú Xương có giao tình với Phan Bội Châu lúc đó đang trong phong trào chống Pháp. Chỗ bến đò mà Tú Xương cảm hoài chính là chỗ ban đêm nghĩa quân lén qua sông nên giả tiếng ếch kêu để làm hiệu. Khi đã xảy đàn tan nghé, ông tú Vị Xuyên mới đêm nằm nghe ếch bên tai mà nhớ lúc xưa, và giật mình còn ngỡ (tưởng) tiếng ai gọi đò. 

Không biết điều ấy thật bao nhiêu vì Tú Xương không bao giờ nói cho chúng ta biết, nhưng cái lời đồn đó làm cho bài thơ càng thêm nỗi ngậm ngùi, vì tang thương của đất trời chồng lên thêm với cái dâu bể của thời cuộc. Cái buồn trong hơi thơ của Tú Xương càng sâu lắng.
Cũng trong cái khoảng thời gian chống Pháp ấy thì nghĩa quân phải sinh hoạt như một hội kín, lúc hội họp gặp nhau hân hoan tình đồng chí đệ huynh, mà ra khỏi chốn bí mật ấy thì buồn bã phải coi nhau như người dưng nước lã, nên thành câu sao đang vui vẻ ra buồn bã _ vừa mới quen thân đã lạ lùng.

Đó là bài thơ Nhớ Bạn Phương Trời của Trần Tế Xương:

Ta nhớ người xa cách núi sông

Người xa xa có nhớ ta không

Sao đang vui vẻ ra buồn bã

Vừa mới quen thân đã lạ lùng

Khi thấy thấy gì trong mộng tưởng

Nỗi riêng riêng đến cả tình chung

Tương tư lọ phải là trai gái

Một ngọn đèn xanh trống điểm thùng

Bài thơ được cho là lời nhắn gửi âm thầm đến Phan Bội Châu, một tâm tình nhớ bạn _ ta nhớ người xa cách núi sông, người xa, xa có nhớ ta không. Những câu sau nói lên hoàn cảnh tâm tình của lớp người chống Pháp.  Sinh hoạt trốn lánh kiểu hội kín (mượn chữ của Tạ Chí Đại Trường), nỗi niềm riêng phải sống để dạ chết mang theo chứ không thể thổ lộ ngay cả với người đồng tịch đồng sàng _ nỗi riêng riêng đến cả tình chung.

Trong đêm vắng nỗi buồn thật mênh mang _ một ngọn đèn một tiếng trống, lại nhuốm chút đắng cay chua chát, đó chính một trademark trong hơi thơ của Tú Xương, trong những lời kiêu bạc mà chứa đầy nỗi cô đơn:

Tương tư lọ phải là trai gái

Một ngọn đèn xanh trống điểm thùng

Nói cho ngay tình, cả cái tựa của bài bài thơ nhớ bạn tôi cũng không dám chắc là đúng, và những gì đọc được cũng chỉ là đồn đoán (bàn đề!!!!) khi còn đang học trung học, nhưng lúc đó đọc được 2 câu đầu thôi mà nỗi buồn man mác không nói ra lời vương mãi vào lòng.

Phải chăng lời đồn cũng có lời thi vị làm mình muốn nhớ hoài?

Lưu Na

01/09/2014

nguồn: t-van.net

Và đây là bài viết trả lời của Phạm Đức Nhì:

CŨNG  CHỈ    LỜI  ĐỒN

“Mẩu viết ngắn” với cái tựa chỉ có một chữ Đồn nhưng đã thổi một luồng gió mát vào bài viết khá khô khan của tôi. Trong số những phản hồi về bài viết Sông Lấp -Một Bài Thơ Toàn Bích, tôi thích nhất là “mẩu viết ngắn” ấy. Nó đã cho người đọc một góc nhìn mới về bài thơ Sông Lấp và đưa dẫn tứ, ý của bài thơ về một chân trời mới. Theo Lưu Na, tác giả của “luồng gió mát”, thì có lời đồn như sau:

Đại khái là Tú Xương có giao tình với Phan Bội Châu lúc đó đang trong phong trào chống Pháp.  Chỗ bến đò mà Tú Xương cảm hoài chính là chỗ ban đêm nghĩa quân lén qua sông nên giả tiếng ếch kêu để làm hiệu.  Khi đã xảy đàn tan nghé, ông Tú Vị Xuyên mới đêm nằm nghe tiếng ếch bên tai mà nhớ lúc xưa, và giật mình còn ngỡ (tưởng) tiếng ai gọi đò…

    Lời đồn ấy có thể tin được lắm chứ! Phan Bội Châu sinh năm 1867, lớn hơn Tú Xương 3 tuổi, đỗ Giải Nguyên năm 1900.

Trong vòng 5 năm sau khi đỗ Giải nguyên, Phan Bội Châu bôn ba khắp nước Việt Nam kết giao với các nhà yêu nước như Phan Chu Trinh,Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Hàm (tức Tiểu La Nguyễn Thành), Đặng Nguyên Cẩn, Ngô Đức Kế, Đặng Thái Thân, Hồ Sĩ Kiện, Lê Huân, Nguyễn Quyền, Võ Hoành, Lê Đại,...(1)

Tuy Tú Xương không nằm trong danh sách những nhà yêu nước - cùng với Phan Bội Châu - có những hoạt động tích cực chống Pháp, nhưng với văn tài, với những bài thơ thấm đẫm lòng yêu nước của ông, việc Phan Bội Châu có giao tình với ông là việc có thể xảy ra lắm. Thêm vào đó lại còn bài thơ Nhớ Bạn Phương Trời (2)

                   Ta nhớ người xa cách núi sông

Người xa, xa lắm, nhớ ta không?

Sao đang vui vẻ ra buồn bã?

Vừa mới quen nhau đã lạ lùng

Lúc nhớ nhớ cùng trong mộng tưởng

Nỗi riêng riêng cả đến tình chung

Tương tư lọ phải là trai gái

Một ngọn đèn khuya trống điểm thùng

thì tra cứu trong tập Thơ Việt Nam Thế Kỷ XX, Thơ Trữ Tình, tôi thấy ở phần chú thích đã được ghi rõ ràng là: “Bài này tác giả viết tặng Phan Bội Châu”. Như vậy, phần đầu của lời đồn về mối giao tình đã trở thành sự thật. Riêng phần còn lại của lời đồn:

Chỗ bến đò mà Tú Xương cảm hoài chính là chỗ ban đêm nghĩa quân lén qua sông nên giả tiếng ếch kêu để làm hiệu.  Khi đã xảy đàn tan nghé, ông Tú Vị Xuyên mới đêm nằm nghe tiếng ếch bên tai mà nhớ lúc xưa, và giật mình còn ngỡ (tưởng) tiếng ai gọi đò…

thì chưa thể kiểm chứng được.

Thôi thì cứ cho toàn bộ lời đồn ấy là thật và xem lại bài Sông Lấp của Tú Xương:

          Sông xưa rày đã nên đồng

          Chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai

          Vẳng nghe tiếng ếch bên tai

          Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.

trong đó tiếng ai gọi đò (chữ nghiêng) ám chỉ tiếng ếch kêu làm hiệu của nghĩa quân để gọi đò qua sông. Bốn chữ tiếng ai gọi đò được viết nghiêng là để phân biệt với tiếng gọi đò bình thường của khách trong cuộc sống hàng ngày ở bến đò. Để người đọc có thể hiểu được cái ẩn ý ấy người làm thơ phải có một đoạn chú thích.

Nhưng có những bài thơ sử dụng phép ẩn dụ mà lại ở vào thế “tấn thối lưỡng nan”, nghĩa là có hai đặc tính mâu thuẫn: bất khả chú thíchbất khả liên tưởng. Tác giả không thể chú thích rõ ràng để người đọc dễ hiểu, thường là vì ba lý do:

1/ An ninh: có thể bị tù tội, có khi mất đầu.

2/ Tế nhị: không muốn công khai xúc phạm đối tượng của phép ẩn dụ; như thế sỗ sàng quá.

3/ Kỹ thuật thơ: chú thích sẽ “bật mí” ẩn ý, sẽ giết chết phép ẩn dụ.

Còn người đọc thì không thể dùng khả năng liên tưởng để hiểu ý được vì khoảng cách giữa tứ và ý quá xa, không thể bắc cầu.

Bài thơ Sông Lấp (nếu chấp nhận toàn bộ lời đồn là thật) ở vào trường hợp này.

Nhà thơ ở vào thế “bị triệt buộc”: bất khả chú thích , bất khả liên tưởng. Nếu chú thích sẽ vô hiệu hóa phép ẩn dụ; nếu không chú thích thì người đọc sẽ không thể lần ra ẩn ý của mình. Trường hợp chấp nhận hy sinh phép ẩn dụ để đi về hướng lời đồn, đưa đoạn chú thích vào bài bình thơ thì, bài thơ, dù vẫn còn nguyên 4 câu, 28 chữ (không thay đổi chữ nào) nhưng cấu tứ đã trở nên rời rạc, lỏng lẻo.

 Hồn cốt của bài thơ hoàn toàn nằm trong tiếng ếch và tiếng gọi đò. Con sông còn đấy hay đã bị lấp cũng không quan trọng. Giả sử gia đình ông Tú dời nhà xa hẳn con sông Vị Hoàng. Cơn mưa đêm vừa tạnh; tiếng ếch kêu từ ruộng mạ nhà ai vọng lại; ông giật thót mình rồi cao hứng viết bài thơ. Lúc ấy chỉ tiếng ếch kêu cũng đủ gợi nhớ đến tiếng gọi đò của nghĩa quân. Hai câu đầu và cả cái tựa Sông Lấp của bài thơ cũng có thể vứt đi để thay bằng hai câu khác, cái tựa khác, mà vẫn không ảnh hưởng gì đến tứ thơ.

Mất đi phép ẩn dụ tài tình, mất đi tính chất đắc địa của câu chữ, Sông Lấp, với cách hiểu ấy, đã mất hẳn bản sắc của nó, chắc không thể có chỗ đứng trang trọng trong lòng người yêu thơ như ngày hôm nay.  

Để viết những bài bình thơ tác giả thường dựa vào văn bản, lịch sử, văn học sử, sự hiểu biết về thơ, kinh nghiệm làm thơ và một chút trực giác trong việc cảm nhận thơ ca của mình. Những giai thoại, những lời đồn trong làng thơ, theo tôi, chỉ nên được xem như những chiếc lá, những bông hoa trang điểm chứ không nên đưa vào làm thân, làm gốc cho một bài bình thơ. 
Nhưng dù sao đi nữa cũng xin thành thật cám ơn Lưu Na. “Mẩu viết ngắn” của Lưu Na đã làm bài viết của tôi tươi mát hơn. Tôi đã có dịp nhìn lại bài thơ Sông Lấp một lần nữa, kỹ càng hơn, cẩn trọng hơn. Và đã nhận ra rằng: “Lời đồn, dù có căn cứ, dù đầy tính thuyết phục, cũng chỉ là …lời đồn.”
Chú thích:

  1. Wikipedia.org
  2. Thơ Việt Nam Thế Kỷ XX, Thơ Trữ Tình, NXB Giáo Dục, 2004 (tr.914)

Phạm Đức Nhì
nhidpham@gmail.com

CHĂN TRÂU ĐỐT LỬA MỘT VÀI CẢM NHẬN



CHĂN TRÂU ĐỐT LỬA

MỘT VÀI CẢM NHẬN



Chăn trâu đốt lửa

Chăn trâu đốt lửa trên đồng

Rạ rơm thì ít, gió đông thì nhiều

Mải mê đuổi một con diều

Củ khoai nướng để cả chiều thành tro.

 Đồng Đức Bốn


             Bài thơ ngắn nhưng tứ thơ rất hay: mê thả diều để củ khoai nướng, có thể là bữa ăn đạm bạc của trẻ chăn trâu, cháy thành tro. Ngụ ý của tác giả là: nhiều khi chạy theo những cái viển vông, bay cao tít trên trời mà quên đi những thứ thiết thực, gắn bó với cuộc sống, ngay trên mặt đất. Nhưng cũng chẳng có gì nuối tiếc vì những thứ viển vông, cao tít đó chính là thức ăn cho tinh thần, cho phần hồn của con người; đó chính là niềm vui, hạnh phúc mà vật chất không thể tạo ra được.
Tứ thơ đã hay mà phếp ẩn dụ cũng rất dễ cảm, dễ thương, chứng tỏ tác giả có cái nhìn về cuộc sống rất phóng khoáng nhưng không kém phần sâu sắc. Tôi thích bài thơ một phần vì tác giả đã chọn được tứ thơ bình dị mà lại độc đáo, phần khác là vì có dính dáng đến chút riêng tư.
Số là cũng như thi sĩ Đồng Đức Bốn, tôi rất thích và cũng võ vẽ làm thơ – cái thú tiêu khiển mà vợ tôi cho là “trò chơi vô bổ.” Bà ấy còn mạnh miệng nói: “Nhà thơ như ông lúc nào hồn cũng vơ vẩn trên mây; thỉnh thoảng cũng nên hạ chân xuống mặt đất để phụ giúp tôi kiếm thêm đồng tiền, bát gạo cho gia đình chứ.” Tôi nhìn quanh thì quả thật đại đa số thi sĩ Việt Nam làm thơ là vì cái “nghiệp,” cái thú, cái đam mê của họ chứ ít ai có thể dựa vào mấy câu thơ để tự nuôi sống mình chứ đừng nói gì đến nuôi vợ nuôi con (ngoại trừ một số “nhà thơ cung đình” làm thơ phục vụ chế độ, và dĩ nhiên, một vài thi sĩ thiên tài.) Nhưng cái thú, cái nỗi đam mê ấy cứ đẩy tôi vào vòng tay của nàng thơ.
Mỗi tuần, mỗi ngày, sau thời gian trả nợ quỷ thần cho miếng cơm manh áo, hồn tôi lại theo tiếng gọi của thơ bay lên chín tầng mây. Mặc kệ cuộc đời. Mặc kệ mụ vợ sống thực tế, chân lúc nào cũng chạm đất. Tôi bay lên cao ôm lấy nàng thơ, ôm lấy hạnh phúc đích thực của mình. Nếu thi sĩ Đồng Đức Bốn còn sống, hy vọng ông sẽ không phản đối những lời bình này.

Sau đây là một chút khuyết điểm của bài thơ.

Như đã giới thiệu và phân tích ở phần trên, thi sĩ của chúng ta đã chọn được tứ thơ hay, bây giờ xin mời độc giả (cùng tôi) thưởng thức cách tổ chức thế trận chữ nghĩa của ông. Đạo quân chính trong trận Chăn Trâu Đốt Lửa - hồn cốt của bài thơ (tứ thơ) - nằm trong 2 câu cuối:

Mải mê đuổi một con diều

Củ khoai nướng để cả chiều thành tro.

Hai câu đầu là phần dẫn nhập, cái cớ để tứ thơ xuất hiện, làm nhiệm vụ yểm trợ:

Chăn trâu đốt lửa trên đồng

Rạ rơm thì ít gió đông thì nhiều.

Trong bài Lục Bát Và Chăn Trâu Đốt Lửa ông Nguyễn Lâm Cúc đã viết:

Khung cảnh trong bài thơ là cánh đồng miền Bắc, nơi mà dù vụ gặt vừa mới xong rạ rơm cũng không còn lại bao nhiêu, vì suốt cả một vùng đồng bằng dọc theo châu thổ sông Hồng, người nông dân quí rạ không khác gì sản phẩm khác. Họ tận thu rơm rạ để làm thức ăn cho trâu, bò; để đun nấu, để làm vách đất nữa. Vì vậy, cánh đồng sau vụ gặt mùa Đông chỉ còn rất nhiều gió và cái lạnh thấu xương. http://nguyenlamcuc.vnweblogs.com/print/2509/129996

Trong bài “Chăn Trâu Đốt Lửa”: Sâu Sắc Một Triết Lý Nhân Sinh nhà phê bình Đức Thọ cũng đề cập đến sự hiếm hoi của rơm rạ sau vụ gặt Đông:

Câu thơ thứ hai nhà thơ khẳng định “Rạ rơm thì ít, gió đông thì nhiều”. Đúng vậy, trong mùa hanh heo mà đã gió đông thì khi thổi cháy bao nhiêu rơm rạ cho vừa. http://lucbat.com/news.php?id=3470

Trong đầu tôi tức khắc hiện ra câu hỏi: Trong hoàn cảnh đó làm sao có đủ than lửa để củ khoai cháy thành tro được?  

 Tôi có điện thoại hỏi một ông chú họ xa ở ngoại thành Hà Nội thì được cho biết: Nếu chịu khó kiếm cành khô, củi mục ở nơi khác gom lại thì với chút ít rơm rạ còn sót ở cánh đồng cũng có thể tạo được “bếp lửa” để nướng khoai nhưng phải chăm chút, che chắn cẩn thận, chứ như thi sĩ của chúng ta “Mải mê đuổi một con diều” thì chỉ chốc lát là rơm rạ đã bay tung tóe, lửa tắt, củ khoai chưa chắc đã chín chứ làm gì có cái cảnh “Củ khoai nướng để cả chiều thành tro.” Mà dù -  cứ cho là với cái tài gầy bếp đặc biệt của trẻ chăn trâu - củ khoai nướng đã thực sự thành tro thì theo tôi, câu thơ “Rạ rơm thì ít, gió đông thì nhiều” cũng đã “đi ngược đường” với tứ thơ.

Trong quân đội đôi khi có những người lính “vô tích sự”, cháu của ông Bộ Trưởng này, con của ông Tổng Cục kia, có mặt ở Bộ Chỉ Huy, Bộ Tư Lệnh chỉ để làm vì, để bảo vệ “chữ Thọ”, để khỏi phải lao vào chỗ sống chết nơi trận địa. Khi đụng chuyện chẳng những không giúp ích được gì cho đơn vị mà có khi còn vướng chân, vướng tay những người lính khác trong việc hoàn thành nhiệm vụ của họ. Đặc biệt hơn, còn có những người lính làm nội gián cho địch để cản trở, để phá hoại việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị.
Trong thơ, tôi đã gặp khá nhiều những câu thơ “vô tích sự”. Có lẽ tôi sẽ đề cập đến những câu thơ “thừa” này vào một dịp khác. Riêng trường hợp Chăn Trâu Đốt Lửa thì “Rạ rơm thì ít, gió đông thì nhiều” chính là câu thơ nội gián. Không những nó không giúp làm tăng độ khả tín, sức thuyết phục của tứ thơ mà ngược lại, đã trở thành một chướng ngại vật ngăn cản hành trình qua đó độc giả tiếp cận tứ thơ để rồi đi đến chỗ đồng cảm với tác giả.

Tạo ra và dung dưỡng một câu thơ nội gián, theo tôi, là một lỗi nặng của thi sĩ. Tùy mức độ khắt khe của độc giả, bài thơ có thể bị đánh giá là hỏng, giảm giá trị nghệ thuật hoặc chí ít cũng là không được hay đẹp trọn vẹn.

Với tôi, Chăn Trâu Đốt Lửa là một bài thơ hay; tứ thơ là một triết lý sống lãng mạn, cao đẹp, Nếu không có cái câu thơ nội gián ấy, bài thơ chắc đã được đặt vào một vị trí trang trọng hơn rất nhiều.


Galveston 08/2015

Phạm Đức Nhì


MỘT MONG ƯỚC THẬT ĐÁNG THƯƠNG


                        Một Mong Ước Thật Đáng Thương

Theo lời kể của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu khi đến thăm Xuân Quỳnh thì:

Nhà thơ Xuân Quỳnh rất cảm xúc khi nghe ca khúc “Thuyền Và Biển”. Chị chỉ mong ước giữ nguyên văn câu thơ: “Nếu phải cách xa anh, em chỉ còn bão tố! Mong các ca sĩ đừng đổi lại: “Nếu phải cách xa em, anh chỉ còn bão tố”. Chị không muốn xóa đi kỷ niệm buồn đau của mình trong cuộc tình đã qua, và theo chị chắc gì nam giới đã có được tình yêu đằm thắm, đắm say và có lúc bão tố như phụ nữ”(1)

Tôi rất đồng cảm với Xuân Quỳnh về điều mong ước trên. Có điều theo tôi, tại sao lại để chị phải thốt ra những lời mong ước đó? Các ca sĩ nếu có một chút khả năng “hiểu cảm câu chữ”thì phải biết bản nhạc phổ thơ là tâm trạng của người phụ nữ trong chuyện tình của Thuyền Và Biển, thuyền là nam và biển là nữ. Bản nhạc này để nữ hát là đúng nhất, là hợp tình nhất. Nhưng nếu nam thích thì cũng vẫn có thể hát được, miễn là phải hiểu rằng “giọng nam của mình đang được mượn để chuyển tải tâm tình của một phụ nữ”nghĩa là phải hát đúng nguyên văn:

Nếu phải cách xa anh

Em chỉ còn bão tố

Chứ nếu đổi lại:

Nếu phải cách xa em

Anh chỉ còn bão tố

thì sai bét. Anh là thuyền chứ có phải là biển đâu mà bão với tố! Tôi đã vào Youtube nghe vài nam ca sĩ hát Thuyền và Biển. Đáng buồn là nghe 5 ca sĩ hát thì cả 5 đều hát sai.(2) Rất mong các nam ca sĩ xem lại để hát cho đúng. Trước hết, để tỏ lòng tôn trọng Xuân Quỳnh, một nữ sĩ tài danh đã mất, thứ đến để chứng tỏ đẳng cấp nghệ sĩ của mình, có thể hiểu, cảm tâm trạng của tác giả và thả hết tâm hồn vào lời ca, nốt nhạc chứ không phải là người vô trách nhiệm, tự động sửa lời bản nhạc của người ta theo ý mình, chẳng cần biết đúng sai, cứ thế nhắm mắt hát bừa, hát bậy.
Phạm Đức Nhì

GIẤC MƠ ANH LÁI ĐÒ hay MỐI TÌNH VÔ VỌNG


       GIẤC MƠ ANH LÁI ĐÒ

                                               hay

                                                           MỐI TÌNH VÔ VỌNG

DÀN TRẢI TỨ THƠ

Do không có phép ẩn dụ toàn bài nên tứ và ý bài thơ giống nhau, và thật đơn giản: tác giả tâm sự với người đọc về mối tình vô vọng của mình. Bài thơ chỉ có 14 câu, có thể đọc một mạch từ đầu đến cuối mà không bị khựng ở chỗ nào. Ngôn ngữ, hình ảnh (rất 

Nguyễn Bính), gần gũi, dân dã.
Bài thơ có thể chia làm 4 đoạn:
                Năm xưa chở chiếc thuyền này
                Cho cô sang bãi tước đay chiều chiều
Tác giả giới thiệu hoàn cảnh mà từ đó tình yêu của chàng với cô gái đã bén rễ: được mỗi chiều – bằng chiếc thuyền nhỏ bé của mình – chở cô sang bãi tước đay.
                  Để tôi mơ mãi mơ nhiều
                “Tước đay xe võng nhuộm điều ta đi
                Tưng bừng vua mở khoa thi
                Tôi đỗ quan trạng vinh quy về làng
                Võng anh đi trước võng nàng
                Cả hai chiếc võng cùng sang một đò”
Tác giả không nói gì về tình yêu nhưng khi người đọc nghe chàng tâm sự là đã đưa cô vào trong cả giấc mơ “vinh quy bái tổ” của mình thì hiểu ngay rằng chàng đã yêu cô say đắm.
                 Đồn rằng: đám cưới cô to
                Nhà giai thuê chín chiếc đò đón dâu
                Nhà gái ăn chín nghìn cau
                Tiền cheo, tiền cưới chừng đâu chín nghìn
Tình địch của anh lái đò quá giàu, có thể tổ chức một đám cưới linh đình để lấy cô về làm vợ. Không kể việc thuê chín chiếc đò để đón dâu, đem đến nhà gái chín nghìn cau làm lễ vật mà còn có thể nạp chín nghìn quan tiền (một số tiền rất lớn) cho khoản  tiền cheo, tiền cưới.
                Lang thang tôi dạm bán thuyền
                Có người giả chín quan tiền, lại thôi
Trong khi cả cơ nghiệp của anh lái đò – là chiếc thuyền – đem gạ bán thì người ta chỉ trả có chín quan tiền.

NHẬN ĐỊNH NGHỆ THUẬT

1. Không có hội chứng nhàm chán vần
Bài thơ chỉ có 14 câu gồm 4 đoạn nối kết nhau thành một chuyện tình đơn phương, vô vọng; người đọc được cốt chuyện lôi cuốn, chưa cảm thấy “ngán” cái giọng ầu ơ của thơ lục bát thì bài thơ đã hết.
2. Ngôn ngữ, hình ảnh bình dị dân dã
Nói đến thơ lục bát của Nguyễn Bính thì hình như bài nào ngôn ngữ, hình ảnh cũng rất bình dị, dân dã, dễ hiểu và dễ cảm. Người đọc yêu thơ thế nào cũng biết cái nét đặc biệt này của thi sĩ. Nhưng bình thơ Nguyễn Bính mà quên nhắc đến cái tài này (dù cứ phải lập đi, lập lại) thì lại là một thiếu sót. 

Đúng vậy, bài Giấc Mơ Anh Lái Đò ngôn ngữ, hình ảnh cũng rất bình dị, gần gũi với dân quê. Trong cả 14 câu thơ, 98 chữ, chữ nào cũng dễ hiểu, cũng rõ như ban ngày. Ngay cả cái hình ảnh vinh quy bái tổ “võng anh đi trước võng nàng” cũng rất gần gũi với người dân quê Việt Nam; nếu họ chưa tận mắt chứng kiến cái nghi thức có thật này thì cũng được nghe các bậc ông bà, cha mẹ kể đi, kể lại, xem như một tấm gương để khuyến khích con cháu cố công học tập, dùi mài kinh sử.

3. Dòng chảy của thơ lững lờ, chậm rãi.
Tác giả kể lại chuyện tình của mình một cách chậm rãi, có vẻ như bình thản (khác với cái vẻ háo hức của một kẻ đang yêu như trong Người Hàng Xóm). Chỉ đến hai câu cuối, bao nhiêu đau buồn tuyệt vọng bị dồn nén trong lòng mới được tuôn ra.
4. Ba trong 4 đoạn thành công với thủ pháp “gợi, không kể” (Show, Don't Tell)
Ý định của tác giả là sử dụng thủ pháp “gợi, không kể” trong cả 4 đoạn của bài thơ, nhưng theo tôi, ông chỉ thành công ở 3 đoạn.
a/ Năm xưa chở chiếc thuyền này
Cho cô sang bãi tước đay chiều chiều
Đây chính là hoàn cảnh – cơ hội được tiếp xúc, gần gũi với cô gái – để mối tình đơn phương nẩy nở.
b/ Để tôi mơ mãi mơ nhiều
…………………………..
Cả hai chiếc võng cùng sang một đò.
Tác giả chỉ nói về giấc mơ của anh lái đò – được cùng cô gái “vinh quy bái tổ” sau khi đỗ Trạng Nguyên – nhưng người đọc đã hiểu rằng anh đã yêu nàng say đắm.
c/ Đồn rằng: đám cưới cô to
Nhà giai thuê chín chiếc đò đón dâu
Nhà gái ăn chín nghìn cau
Tiền cheo, tiền cưới chừng đâu chín nghìn
Chữ vụng nhất và theo tôi, làm giảm giá trị của cả đoạn thơ là chữ “to”. Chính chữ “to” đã để lộ ý của tác giả trong đoạn này và đã làm thủ pháp “gợi, không kể” thất bại. Ba câu kế tiếp chỉ làm rõ nghĩa thêm cho chữ “to” mà thôi. Nếu tác giả “giấu” được chữ “to” (thí dụ: Đồn rằng đám cưới của cô) thì 3 câu kế tiếp sẽ đóng vai trò cung cấp thông tin để từ đó người đọc tự nhận ra và tự kết luận “À! Đám cưới cô ấy to thật”. Đoạn thơ sẽ trở thành “gợi, không kể” một cách tự nhiên, không gượng ép.
d/ Lang thang tôi dạm bán thuyền
Có người giả chín quan tiền, lại thôi.
Hai câu thơ chỉ nói đến việc dọ giá bán thuyền nhưng đã ngầm chứa nỗi đau đến xé tâm can của anh lái đò về mối tình vô vọng.
5. Hai câu kết tuyệt vời
Cái hay nhất của bài thơ chính là hai câu kết:
            Nhà giai thuê chín chiếc đò đón dâu
            Nhà gái ăn
chín nghìn cau
            Tiền cheo, tiền cưới chừng đâu
chín nghìn

            Lang thang tôi dạm bán thuyền
            Có người giả
chín quan tiền, lại thôi.
Tôi không tin là trong thực tế, con số chín (9) hoàn toàn phù hợp với số lượng những “thứ” mà ông nói đến trong bài thơ. Đúng là ông “phịa”; nhưng ông “phịa” khéo quá, “cao tay ấn” quá, nên người đọc, theo dòng cảm xúc của mình, đâu cần biết “có đúng là chín chiếc đò đón dâu, có đúng là chín nghìn cau hay chín nghìn tiền cheo, tiền cưới hay không, mà chỉ thấy cái khoảng cách giàu nghèo giữa anh lái đò và tình địch hiện ra một cách rõ ràng và cay đắng, để rồi cái cảm giác bàng hoàng đau đớn về mối tình vô vọng của anh lái đò đã như một dòng thác đổ xuống, tràn ngập tâm hồn. Ở đây thủ pháp “gợi, không kể” được phối hợp với phép điệp ngữ (chín) một cách tài tình đã dẫn đến 2 câu kết thật tuyệt vời.

6. Hai chữ chừng đâu hơi gượng

Người đọc, nếu để ý, sẽ thấy hai chữ “chừng đâu” không thêm được gì trong nhiệm vụ chuyển tải ý của tác giả. Hình như chúng được đẩy vào vị trí ấy (một cách gượng gạo) chỉ với mục đích tạo vần cho câu 8 (của thể thơ lục bát). Tệ hại hơn, chúng còn làm cho con số “chín nghìn” của tiền cheo, tiền cưới có vẻ không chuẩn xác lắm (“chừng đâu” có nghĩa là có thể hơn, có thể kém) và từ đó khiến người đọc hơi có cảm giác “lấn cấn” khi so sánh với giá chiếc thuyền của anh lái đò, dù rằng con số này gấp cả nghìn lần con số kia. 

Ở những bài thơ “thường thường bậc trung” có lẽ chả ai để ý đến cái khuyết điểm nhỏ này, nhưng đây lại là bài thơ có tầm vóc, nằm trong số những bài thơ hay của thời tiền chiến, nên nếu có bị “chẻ sợi tóc làm tư” thì chắc bạn đọc yêu thơ cũng thông cảm cho người viết bài này.

Kết Luận:
Mỗi lần đọc lại hoặc ngâm nga bài Giấc Mơ Anh Lái Đò trong đầu tôi lại hiện ra một câu hỏi: “Tại sao một tài thơ hiếm có như Nguyễn Bính lại vô ý đến độ đưa chữ “to” rất “thô”, rất vô duyên ấy vào bài thơ?” Chữ “to” ấy đã làm đoạn thứ 3 mất đi danh hiệu “đoạn thơ gợi không kể” (show, not tell) và đáng tiếc nhất là do đó, ông đã để vuột khỏi tay chiếc huy chương dành cho thi sĩ có Thi Phẩm Hoàn Toàn Show, Not Tell.
Dẫu sao  Giấc Mơ Anh Lái Đò vẫn là một bài thơ rất hay. Đặc biệt là 2 câu kết tuyệt vời, mở cửa đổ cả một dòng thác cảm xúc làm ướt đẫm tâm hồn người đọc và đã lưu lại trong lòng họ rất lâu cái cảm giác đau buồn tê tái của anh lái đò. Tuy không có tuyệt chiêu “thi hóa thân thành họa” như Ông Đồ của Vũ đình Liên nhưng bài thơ có những ưu điểm khác (đặc biệt là đoạn kết) tạo thành một thi phẩm độc đáo, góp phần đưa Nguyễn Bính vào hàng những nhà thơ được yêu mến nhất trong thời kỳ Thơ Mới.

Thay cho phần chú thích:
Sau khi đọc bài viết, một người bạn nhắc tôi “Trong một số phiên bản khác, bài GMALĐ còn có thêm 8 câu nữa.” Điều này tôi cũng đã biết. Nhưng theo tôi, (và một số bạn thơ mà tôi có trao đổi về việc này) 8 câu thơ thêm vào (chưa biết có phải thật của Nguyễn Bính hay không) làm tứ thơ loãng và nhạt đi rất nhiều (giống như trường hợp 4 câu thêm vào đoạn cuối của Tống Biệt Hành). 

Hơn nữa, trong Thơ Việt Nam Thế Kỷ XX – Thơ Trữ Tình (trang 50) được nhà xuất bản Giáo Dục in năm 2004 thì bài thơ chỉ có 14 câu, ở cuối bài có ký hiệu […] mà tôi hiểu là “còn nữa nhưng xin ngừng ở đây”. Hồng Vân trên youtube, khi ngâm bài thơ này cũng chỉ ngâm có 14 câu.
Sau đây là nguyên văn bài thơ:
(8 câu thêm vào chữ màu xanh)
GIẤC MƠ ANH LÁI ĐÒ
Năm xưa chở chiếc thuyền này
Cho cô sang bãi tước đay chiều chiều
Để tôi mơ mãi, mơ nhiều:
“Tước đay se võng nhuộm điều ta đi
Tưng bừng vua mở khoa thi,
Tôi đỗ quan trạng vinh quy về làng
Võng anh đi trước võng nàng
Cả hai chiếc võng cùng sang một đò.”
Đồn rằng đám cưới cô to
Nhà giai thuê chín chiếc đò đón dâu
Nhà gái ăn chín nghìn cau
Tiền cheo, tiền cưới chừng đâu chín nghìn…
Lang thang tôi dạm bán thuyền
Có người giả chín quan tiền, lại thôi!


Buông sào cho nước sông trôi
Bãi đay thấp thoáng, tôi ngồi tôi mơ
Có người con gái đang tơ
Vẫy tay ý muốn sang nhờ bãi đay
Sao cô không gọi sáng ngày?
Giờ thuyền tôi đã chở đầy thuyền mơ
Con sông nó có hai bờ
Tôi chưa đỗ trạng, thôi cô lại nhà.
PHẠM ĐỨC NHÌ
Nói Với Các Bạn Trẻ Yêu Thơ
Show, Don't Tell là một thủ pháp nghệ thuật ở đó tác giả tránh không nói thẳng ý mình mà cung cấp dữ kiện, chi tiết để người đọc tự suy gẫm tìm ra. Nó tạo cho câu thơ, bài thơ cái vẻ đẹp “lung linh sương khói” và cho người đọc cơ hội tham gia tích cực vào tiến trình đọc và khám phá tứ, ý của bài thơ. Trong GMALĐ Nguyễn Bính đã áp dụng thủ pháp này một cách tài tình. Ông thành công ở 3 đoạn, nhưng ông đã đưa vào bài thơ chữ “to” rất vô duyên làm lộ ý của đoạn 3.
Đoạn kết của bài thơ hay tuyệt.
Mời các bạn đến thăm trang web chuyên bình thơ
Phamnhibinhtho.blogspot.com