Thứ Bảy, 29 tháng 5, 2021

TÌNH CÀNG SÂU ĐẬM CÀNG NHIỀU ĐAU THƯƠNG

 

 

                         TÌNH CÀNG SÂU ĐẬM CÀNG NHIỀU ĐAU THƯƠNG

 

Vào trang Facebook của Vân Anh, một bạn thơ quen thuộc, tôi tình cờ đọc được bài thơ Lòng Thật Bình Yên Mà Sao Buồn Thế. Cái tâm sự buồn não nuột của một cô giáo gặp cảnh tình ngang trái đã chạm vào “chỗ hiểm” nào đó trong trái tim đa cảm nên tôi đã dừng lại khá lâu. Thêm vào đó, phần thi pháp của bài thơ cũng có vài điểm đáng nói, đáng bàn nên tôi đã “xăn tay áo” viết mấy lời bình phẩm.

 

 

Lòng Thật Bình Yên Mà Sao Buồn Thế

 

Em kê dọn, xếp lại những nhớ nhung

Thuở tóc xanh mình đã cùng ước nguyện

Ngăn bên này, ngổn ngang bao lưu luyến

Kệ bên kia, ẩn hiện nỗi vui buồn

 

Đang giữa đông, trời cứ đổ mưa tuôn

Chẳng trôi hết giùm muôn vàn mỏi mệt

Giá ngày xưa người đi mang theo hết

Thì hôm nay em chẳng có cớ sầu

 

Nắng bây giờ hạnh phúc ở nơi nao

Hay dâu bể cũng nghẹn ngào lên mắt

Ngôi sao cuối trời xa chầm chậm tắt

Chữ nhoà rồi, lạc mất cả âm vần....

 

Vân Anh

 

P/S: Chiều chủ nhật đầu tiên 2021

 

Tứ Thơ

 

Không có ẩn dụ toàn bài nên Tứ cũng là Ý: Tác giả nhớ lại cuộc tình tan vỡ mà tê tái lòng.

 

Đau lòng, xé ruột vì tình tan vỡ là “chuyện thường ngày ở huyện”, xưa như trái đất. Có thể nói tứ thơ (What: Viết cái gì) không có gì đặc biệt, mới lạ. Cái nổi trội của bài thơ là ở (How: Viết thế nào) - ngôn ngữ, hình tượng, cách gieo vần, thế trận và cảm xúc.

 

Dàn Trải Tứ Thơ

 

Bài thơ có 12 câu, chia làm 3 đoạn:

 

1/

 

Em kê dọn, xếp lại những nhớ nhung

Thuở tóc xanh mình đã cùng ước nguyện

Ngăn bên này, ngổn ngang bao lưu luyến

Kệ bên kia, ẩn hiện nỗi vui buồn

 

Qua đoạn thơ đầu tiên thi sĩ kể lại những tháng ngày tình còn mặn nồng. Không giống những nhà thơ khác, chị cẩn thận “kê dọn, xếp lại những nhớ nhung”, những kỷ niệm của cuộc tình.

 

Hình tượng của hai nhóm chữ “Ngăn bên này”, “Kệ bên kia” rất rõ nét, dễ “bắt”, dễ cảm. Chúng còn làm nổi bật sự sâu đậm của mối tình mà chị trân trọng đến mức – dù đã chia xa - vẫn bỏ thời gian, công sức, chi li, tỉ mỉ sắp xếp thành ngăn, thành kệ những nhớ nhung, vui buồn lưu luyến trong tâm hồn mình.

 

2/

 

Đang giữa đông, trời cứ đổ mưa tuôn

Chẳng trôi hết giùm muôn vàn mỏi mệt

Giá ngày xưa người đi mang theo hết

Thì hôm nay em chẳng có cớ sầu

 

Đây là đoạn thơ than trách.

 

Trước hết thi sĩ trách “trời” “đổ mưa tuôn” mà “Chẳng trôi hết giùm muôn vàn mỏi mệt”. Kế đến, trách “người” ra đi mà không “mang theo hết” kỷ niệm của cuộc tình.

 

Thật ra, chị đã trách oan “trời” và “người ra đi”. Đúng ra chị phải trách chính mình không quên được những dấu yêu xưa.

 

Những lời than trách này cho thấy “nỗi đau buồn vì tình lỡ” đã thấm rất sâu vào tâm hồn, đã khiến thể xác cũng “mỏi mệt” đến mức gần như bệnh hoạn.

 

Rốt cuộc, nói như nhà thơ Nguyễn Bính, tất cả chỉ là:

 

“Thế nghĩa là yêu quá mất rồi” (1)

 

Mà trong quy luật tình yêu:

 

“Tình càng sâu đậm càng nhiều đau thương”

 

3/

 

Nắng bây giờ hạnh phúc ở nơi nao

Hay dâu bể cũng nghẹn ngào lên mắt

Ngôi sao cuối trời xa chầm chậm tắt

Chữ nhòa rồi, lạc mất cả âm vần....

 

Đọc đoạn thơ này mới thấy thi sĩ của chúng ta rất mềm mỏng và hòa nhã. Nhân vật “đầu dây mối nhợ” của cuộc tình tan vỡ không bị gán cho những cái tên không đẹp như “kẻ bạc tình”, “tên phản bội” mà đời vẫn thường gọi. Thay vào đó, ở đoạn 2 chị gọi chàng là “người” và vẫn xưng “em” rất lễ phép, ngọt ngào; ở đoạn 3 thì chị bay bướm hơn, gọi chàng là “Nắng” và “Ngôi sao cuối trời xa”.

 

Chính sự mềm mỏng và hòa nhã đó đã nâng nét đẹp văn chương của bài thơ thêm một bậc.

 

“Nắng bây giờ hạnh phúc ở nơi nao

Hay dâu bể cũng nghẹn ngào lên mắt”

 

Không biết người xưa bây giờ ngập tràn hạnh phúc hay cũng đang nghẹn ngào khổ đau. Ngay cái lúc nghĩ đến “người” rồi nhìn lại hoàn cảnh của mình, nhìn lại tâm trạng của mình, cảm xúc dâng trào, chị tủi thân bật khóc.

 

Nước mắt hoen mi nên thấy “Ngôi sao cuối trời xa” (không phải ngoài trời mà trong tâm tưởng) đang “chầm chậm tắt” và nhìn lên màn hình điện thoại (hoặc máy tính) thấy “Chữ nhòa rồi, lạc mất cả âm vần”. Vừa lô-gic, vừa thấm đẫm chất tình.

 

 

Thể Thơ

 

Thơ Mới 8 chữ đều đặn, giờ đã không còn mới nữa.

 

Vần

 

Vần liên tiếp, 12 câu thơ, 5 cặp vần cứ đến hẹn lại lên; trong 5 cặp vần chỉ có một cặp là thông vận (sầu nao), 4 cặp còn lại (nguyện luyến, buồn tuôn, mệt hết, mắt tắt) là chính vận; ngoài ra còn thêm 5 cặp vần lưng (nhung cùng, luyến hiện, tuôn giùm, nao ngào, tắt mất).

 

Nhin qua về số lượng thì vần quá nhiều.

 

Quá nhiều vần, vị ngọt đậm, nhưng nhờ bài thơ ngắn (12 câu), tâm tình chân thật, nhiều hình tượng đẹp, dễ bắt, dễ cảm, nhiều cảm xúc nên vị ngọt đậm mà chưa đến mức ngán. Khuyết điểm bỗng trở thành ưu điểm – các câu thơ gắn kết chặt chẽ hơn, các ý nhỏ, các mảnh tâm trạng liền lạc hơn.

 

Dòng Chảy Của Tứ Thơ

 

Nhờ vần liên tiếp, vị ngọt đậm nên - về mặt thanh âm, nhạc điệu - dòng chảy của tứ thơ, tuy không xiết, nhưng rõ nét hơn.

 

Đoạn Kết Hay

 

“Ngôi sao cuối trời xa chầm chậm tắt

Chữ nhòa rồi, lạc mất cả âm vần

 

Nghĩa thì như đã giải thích ở trên - vừa lô-gic, vừa thấm đẫm chất tình. Ở đây tôi chỉ ghi thêm một điểm nhỏ. Nhỏ nhưng nếu không nhắc đến sẽ là một thiếu sót lớn.

 

Theo tôi, bài thơ kết ở chữ “vần” thật “siêu”. Trở về thanh huyền (vần bằng dấu huyền) làm câu thơ chùng xuống, nỗi buồn càng sâu lắng hơn.

 

Như vậy, hai câu thơ vừa sâu sắc về mặt ý nghĩa vừa “siêu” về mặt âm vận, tạo thành đoạn kết tuyệt vời.

 

Thế Trận

 

Tâm trạng được bộc lộ từ từ, chậm rãi. Đoạn đầu còn kể lể chuyện ngày xưa. Đến đoạn thứ hai, ngày xưa đã chuyển sang hiện tại. Và ở đoạn cuối thì những nhóm chữ chỉ hiện tại “Đang giữa đông”, “hôm nay” - hàm chứa một khoảng thời gian đáng kể - đã chuyển sang “bây giờ” - chỉ là một giây, một cái chớp mắt ngắn ngủi.

 

Nỗi đau buồn không còn trải dài theo thời gian mà thời gian bỗng hình như dừng lại để ở ngay giây phút dừng lại ấy tất cả nỗi buồn đau đổ ập xuống tâm hồn thi sĩ. Giây phút ấy chính là giây phút mà:

 

“Ngôi sao cuối trời xa chầm chậm tắt

Chữ nhòa rồi, lạc mất cả âm vần”

 

Bài thơ kết thúc ở cao trào với thế trận hợp lý.

 

 

Cảm Xúc

 

1/ Cảm Xúc Tầng 1: Ngôn ngữ đẹp, hình tượng độc đáo, câu thơ dễ bắt nên cảm xúc tầng 1 mạnh

 

2/ Cảm Xúc tầng 2: Thế trận liền lạc, gọn gàng, đoạn kết hay nên cảm xúc tầng 2 cũng mạnh.

 

3/ Cảm Xúc Tầng 3: Bắt đầu từ đoạn hai cảm xúc tầng 3 đã nhẹ nhàng xuất hiện. Người đọc như tôi đã cảm thấy một luồng hơi ấm đang len lỏi trong người. Nhưng do dòng chảy của tứ thơ chưa đủ xiết, dù bài thơ kết thúc ở cao trào, luồng hơi ấm đó chưa đủ nóng, đủ mạnh để tạo hồn thơ.

 

Khuyết Điểm

 

Số Chữ Trong Câu: Tác giả tôn trọng luật thơ cứng ngắc quá. Câu nào cũng đúng 8 chữ. Bài thơ âm điệu du dương nhưng nhịp điệu tẻ nhạt. (2)

 

Tựa Đề Có Phải Là Khuyết Điểm?

 

Tựa đề của bài thơ là Lòng Thật Bình Yên Mà Sao Buồn Thế. Mới đọc qua tôi đã đưa vào phần khuyết điểm với nhận xét như sau:

 

Tựa Đề: Cái tựa của bài thơ hơi tréo ngoe. Nỗi buồn đau sâu sắc đến thế mà viết là “Lòng Thật Bình Yên” thì quả là hơi bị liều.

 

Chê như vậy thoạt nhìn không thấy sai. Nhưng ngẫm lại thì có cái gì đó không ổn.

Vân Anh đặt cái tựa Lòng Thật Bình Yên Mà Sao Buồn Thế tưởng là tréo ngoe nhưng nghĩ kỹ thì cũng có lý.

 

Tâm hồn chị lúc đó đang ngập tràn nỗi đau tình tan vỡ, không còn chỗ để chứa những thứ khác. “Bình Yên” ở đây được hiểu là không còn bị khuấy động bởi những vướng bận tạp nhạp của cuộc sống thường ngày. Thi sĩ cứ lặng lẽ, thoải mái, từ từ tận hưởng “thú đau thương”.

 

Chính vì thế tôi đã loại nó khỏi mục khuyết điểm, nhưng không xem là ưu điểm, vì cảm giác tréo ngoe vẫn còn lởn vởn.

 

 

Tóm Tắt Giá Trị Của Bài Thơ

 

Lòng Thật Bình Yên Mà Sao Buồn Thế của Vân Anh là một bài thơ hay mặc dù tứ thơ bình thường, không đặc biệt hoặc mới lạ. Cái hay của bài thơ nằm ở ngôn ngữ, hình tượng, cách nói bóng gió, “Show, Don’t Tell”, cấu tứ (bố cục, thế trận của bài thơ) và đặc biệt là cảm xúc. Cảm xúc tầng 1 và tầng 2 đều mạnh. Cảm xúc tầng 3, thứ cảm xúc cao cấp nhất trong thơ, đã xuất hiện nhưng rất tiếc, chưa đủ mạnh để có hồn thơ.

 

Khuyết điểm của bài thơ là nhịp điệu tẻ nhạt.

 

KẾT LUẬN

 

 

Chỉ với hình hài như vậy, Lòng Thật Bình Yên Mà Sao Buồn Thế đã có “chỗ đứng” khá trang trọng trong Vườn Thơ. Nhưng tôi vẫn thấy tiếc. Tác giả sở hữu một số kỹ thuật thơ nhuần nhuyễn, cảm xúc trong lúc cao hứng dâng trào. Chỉ cần số chữ trong câu uyển chuyển thay đổi, tránh được cảm giác tẻ nhạt và bài thơ dài thêm vài đoạn nữa để dòng chảy của tứ thơ có sóng sau dồn sóng trước, cảm xúc tầng 3 sẽ đủ mạnh để tạo hồn thơ. Bài thơ sẽ ung dung bước vào Bến Bờ Thơ Ca.

 

Nhưng Vân Anh vẫn còn rất trẻ. Những người yêu thơ, trong đó có tôi, sẽ kiên nhẫn đón chờ bài thơ để đời của chị.

 

Phạm Đức Nhì

nhidpham@gmail.com

phamnhibinhtho.blogspot.com

 

 

 

CHÚ THÍCH:

 

1/ Ghen, Nguyễn Bính, thinien.net

 

https://www.thivien.net/Nguy%E1%BB%85n-B%C3%ADnh/Ghen/poem-LRFnC3C9FSUau9X5dvShgw  

 

2/ Trong bài thơ NHÂN TÌNH CỦA NHỮNG ÁNG VĂN XANH Vân Anh đã có mấy đoạn có số chữ trong câu thay đổi một cách thoải mái, phóng khoáng:

 

Anh trải rộng

những cánh đồng mướt xanh

em ngửa mặt hít hà hương lúa mới

anh tuôn chảy dòng sông diệu vợi

thuyền em trôi thênh thang

…………………………….

 

Câu chữ vấn vương

âm vần lưu luyến

và từ giờ em nguyện

làm nhân tình của những áng văn xanh.

 

Cách viết này, nếu vần liên tiếp, tứ thơ vẫn có dòng chảy - và dù bài thơ hơi dài một chút -  cũng vẫn tránh được 2 khuyết điểm: a/ hội chứng nhàm chán vần và b/ nhịp điệu tẻ nhạt (monotone)

 

Không hiểu sao khi viết Lòng Thật Bình Yên Mà Sao Buồn Thế chị lại quên không sử dụng “chiêu thức” này.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét