LÀM THƠ ĐỂ BỘC LỘ CẢM XÚC HAY KHƠI GỢI CẢM
XÚC?
CUỘC TRANH LUẬN DỞ DANG
Cách nay
đã lâu tôi có một cuộc tranh luận khá lý thú với một bạn đọc trên Facebook.
Không biết anh ta – cũng là người làm thơ - lấy đâu ra câu “Làm thơ là để khơi gợi cảm xúc (của người đọc) chứ không phải bộc lộ cảm
xúc (của mình)” để chê bai, chỉ trích bài viết của tôi.
Tôi tin ở cách nhận định và đánh giá thơ của mình, nhưng đây là đề
tài lớn của thơ, bàn đến cũng tốn nhiều giấy mực chứ không phải chỉ vài bình luận
qua lại trên FB là có thể tỏ rõ ngọn ngành. Ngọn ngành ở đây không phải phân định
đúng sai mà là tìm hiểu xem trong hai hướng đi đó thi sĩ nên chọn hướng đi nào
để có lợi nhất cho những đứa con tinh thần của mình.
Đáng tiếc
là lúc ấy anh ta lại quá nóng nẩy để tranh thắng nên - sợ mất hòa khí - tôi đành
tự động ngừng cuộc tranh luận, coi như nhận phần thua về mình. Hơn nữa, anh bạn
chỉ nói khơi khơi, không nêu rõ xuất xứ, tôi tưởng là anh “phịa” nên nhận thua
rồi thôi, không bận tâm đến “vấn đề” này nữa.
NHƯNG ANH TA KHÔNG “PHỊA”
Thế rồi
khi tra cứu để bình thơ của Emily Dickinson tôi gặp
một định nghĩa thơ của tự điển Merriam-Webster (1):
Poetry: “Writing
that formulates a concentrated imaginative awareness of experience in language
chosen and arranged to create a specific emotional response through meaning,
sound, and rhythm”
Thơ: “Văn bản diễn đạt một
cảm nhận đầy tính tưởng tượng của trải nghiệm bằng ngôn ngữ được lựa chọn và sắp
xếp nhằm khơi gợi một cảm xúc cụ thể nào đó thông qua ý nghĩa, âm thanh và nhịp
điệu.”
Nhóm chữ “created a specific emotional respond” nếu
dịch sát có nghĩa là “tạo ra một phản ứng cảm xúc cụ thể nào đó (nơi người đọc)”. Tôi tạm dịch thoát “khơi gợi một cảm xúc cụ
thể nào đó”.
Giờ thì đã rõ ràng. Cái ý
“làm thơ để khơi gợi cảm xúc” không phải từ trên trời rơi xuống mà đã được một
quyển tự điển từ “một công ty
Mỹ chuyên xuất bản sách tham khảo, đặc biệt nổi tiếng với các bộ từ điển” (2) đề
cập đến.
Như vậy, anh bạn tranh luận
với tôi về đề tài này đã không “phịa”. Anh chỉ không chú thích nguồn gốc, xuất
xứ nên tôi đã hiểu lầm.
Để tìm hiểu xem sáng tác theo
hướng nào sẽ có lợi cho thơ hơn, tôi xin phép mở ngoặc để bàn một chút về cảm xúc
trong thơ.
BA LOẠI CẢM XÚC TRONG THƠ
Dù đứng ở góc nhìn nào đi nữa
thì lượng cảm xúc khơi gợi được nơi tâm hồn người đọc cũng được coi là thước đo
mức độ thành công của bài thơ. Mức rung động, khoái cảm nơi người đọc càng cao
thì bài thơ càng hay. Có 3 loại cảm xúc trong thơ:
1/ Cảm xúc tầng 1: Cảm xúc
từ câu chữ - khoái cảm phát sinh khi gặp một chữ đắt, một hình tượng đẹp, một câu
hay.
2/ Cảm xúc tầng 2: Cảm xúc có được khi gặp sự phối hợp nhịp nhàng của câu chữ, hình tượng, các biện pháp tu từ … nói chung
là các phương tiện thẩm mỹ của bài thơ. Sự phối hợp đó được gọi là thế trận của
bài thơ. Khoái cảm phát sinh khi gặp một thế trận hoàn hảo mạnh hơn nhiều so với
cảm xúc tầng 1.
3/ Cảm xúc tầng 3: Cảm xúc
đến từ sự rung động mạnh mẽ (cảm xúc lấn áp lý trí) của tác giả khi làm thơ. Đây
là thứ cảm xúc cao cấp nhất, quý nhất, tạo khoái cảm “đã” nhất nơi người đọc. Lý trí càng ít thì cảm xúc càng nhiều. Nếu
cảm xúc mạnh đến mức phủ mờ lý trí ta có hồn thơ. Lúc ấy, lý trí mất dạng, lời
thơ sẽ là Tiếng Lòng Chân Thật của tác giả. Bài thơ đã đạt được phần thưởng cao
quý nhất: Bước vào Bến Bờ Thi Ca.
“LÀM THƠ ĐỂ KHƠI GỢI CẢM XÚC”
Thuở còn
đi học mỗi khi trong xóm có đám ma - thường từ một gia đình khá giả, quàn xác
qua đêm - tôi thường trốn mẹ đi nghe khóc mướn. Đội khóc mướn thường có mấy người
chơi nhạc cụ và một hoặc 2 người “khóc”. Họ “khóc” có vần điệu, lại có nhạc đệm
nên rất hay, và dĩ nhiên, có nhiều người đến ngồi nghe.
Trước
khi vào trận những người “khóc” thường được gặp riêng gia chủ để biết một số chi
tiết về cha mẹ, anh chị em, vợ (chồng), con cháu - đặc biệt là những điểm nổi bật
về tình cảm của họ đối với người chết. Người “khóc” sẽ dựa vào đó để “soạn
bài”, để “khóc” cho “mùi”, cho đẹp lòng, hả dạ mọi người trong gia đình gia chủ.
Thi sĩ đi theo hướng “làm thơ để khơi gợi cảm xúc” khi chọn tứ
thơ và rồi dàn thế trận cho bài thơ của mình cũng phải biết kỹ (nếu chưa biết kỹ
thì mày mò tìm hiểu) những người mình muốn “khơi gợi cảm xúc” xem họ yêu thích
cái gì, thù ghét cái gì để “lựa lời sáng tác” cho vừa lòng họ, khơi gợi được nhiều
cảm xúc nơi tâm hồn họ. Kết quả là sẽ sản sinh ra thứ thơ “teo chim”, xu nịnh,
nâng bi.
Cũng cần nói thêm, những
thi sĩ theo hướng đi này, nếu tay nghề cao, khéo “chọn chữ so vần”, vẫn có thể
tạo được khoái cảm - nhiều khi rất cao - cho người đọc ở tầng 1 và tầng 2. Nhưng
do chữ Nịnh quá lớn nên cảm xúc tầng 3 không có hoặc có rất ít. Lý do: Nịnh sẽ sinh ra Xạo, Xạo
sẽ mời gọi lý trí.
“LÀM THƠ ĐỂ BỘC LỘ CẢM XÚC”
Đây là hướng đi mà thi sĩ
khi làm thơ “coi độc giả như cỏ rác”. Họ để hết tâm hồn vào bài thơ và đưa cảm
xúc thâm nhập dòng chảy của tứ thơ. Dĩ nhiên, cũng có những lúc lý trí xen vào đòi
quyền “biên tập” và thi sĩ phải “phùng mang trợn mắt” xua đuổi nó đi. Mức độ thành
công mỗi người mỗi khác. Có người lý trí bỏ chạy biệt tăm, có người nó vẫn lỳ đòn
bám trụ.
Nhưng có điều chắc chắn là
họ không bị cái bóng ma lúc nào cũng lơ lửng trên đầu như những thi sĩ “làm thơ
để khơi gợi cảm xúc”. Bởi muốn khơi gợi thì phải biết khơi gợi ở chỗ nào và làm
thế nào để khơi gợi. Chỉ thoáng nghĩ đến hai câu hỏi đó là lý trí đã tràn ngập
tâm hồn. Cảm xúc nếu có cũng sẽ tự động xẹp như bong bóng xì hơi. Rồi lại thêm
“những điều không đẹp” đi kèm với những câu thơ “khơi gợi”, làm giảm giá trị bài
thơ và hạ thấp nhân cách của thi sĩ.
Không bị cái bóng ma ấy ám ảnh,
thi sĩ “làm thơ để bộc lộ cảm xúc” tự do thoải mái hơn trên đường đưa tứ thơ tới
bến.
KHÁC BIỆT
Như đã nói ở trên, sự thành
công của bài thơ cuối cùng cũng phải đo bằng lượng cảm xúc khơi gợi được ở tâm
hồn người đọc. Khoái cảm nơi người đọc càng cao thì bài thơ càng hay. Nhưng lúc
làm thơ mà cứ loay hoay “chọn chữ, so vần” để lấy lòng người thưởng thức thơ của
mình thì thi sĩ có khác gì đám người “thương vay khóc mướn” ở đám ma - mỗi tiếng
khóc, mỗi câu kể lể “ới hỡi, ơi hời” cũng cố sắp xếp sao cho “gia chủ” đẹp lòng,
hả dạ.
Dĩ nhiên thi sĩ không phải
lúc nào cũng có thể nổi điên khiến lý trí hoảng sợ trốn chạy biệt tăm để có thể
bộc lộ tiếng lòng chân thật của mình - phẩm chất quý giá nhất của thơ. Nhưng
khi đang thả hồn theo dòng chảy của tứ thơ, thái độ “coi độc giả như cỏ rác” không
những không trịch thượng, mất lịch sự mà còn là sự cần thiết. Với tâm thế này,
nếu kỹ thuật thơ vững vàng, thi sĩ – qua bài thơ của mình - dễ tìm được sự đồng
cảm. Có điều sự đồng cảm ở đây còn kèm theo sự mến mộ và nể phục.
KẾT LUẬN
Một hướng đi cho rằng “ta làm
thơ là vì đời, vì tha nhân. Bài thơ ta làm với mục đích khơi gợi cảm xúc nơi độc
giả càng nhiều càng tốt. Tâm hồn họ càng sảng khoái thì ta càng hãnh diện vì đã
đem niềm vui cho người, đóng góp một cách thiết thực cho đời.”
Và một hướng đi khác nghĩ rằng “Ta làm thơ là để bộc lộ tâm trạng, cảm xúc của ta trước cảnh
đời. Độc giả chỉ là những vị khách mời đến dự ‘cuộc vui thơ’ khi tác phẩm đã hoàn
tất và được gởi đến vườn thơ của nhân loại.” Tôi nghiêng về hướng đi này.
Với chút kinh nghiệm của
người làm thơ và bình thơ tôi mạnh dạn góp vài ý kiến thô thiển. Nhưng cuối cùng
thì:
Làm thơ theo hướng nào là tùy
quyền thi sĩ, thích thưởng thức thơ ở hướng nào là tùy quyền độc giả.
League City - Những ngày trốn
dịch Covid19
Phạm Đức Nhì
CHÚ THÍCH:
1/
2/
(Wikipedia, Merriam-Webster,
câu đầu tiên)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét