TRẢ LỜI
CHÂU THẠCH VỀ "BÌNH THƠ KHÔNG BÀN THI PHÁP"
Nhận được bài Phản Biện Bài “Bình Thơ Không Thi Pháp” Của Phạm Đức Nhì – Bài
viết của Châu Thạch - từ Đặng Xuân Xuyến, Phú Đoàn sau khi đã đọc được bài này
từ rất sớm trên Facebook. Bài phản biện nhiều ý nên tôi sẽ trả lời từng ý một,
từ trên xuống dưới. Ngay dưới đây tôi đưa vào 2 cái links của 2 bài viết liên
quan để độc giả tiện theo dõi.
Bình Thơ Không Bàn Thi Pháp:
http://phamnhibinhtho.blogspot.com/2018/03/binh-tho-khong-ban-thi-phap.html
Phản Biện Bài “Bình Thơ Không Bàn Thi Pháp” Của
Phạm Đức Nhì
http://dangxuanxuyen.blogspot.com/2018/04/phan-bien-bai-binh-tho-khong-ban-thi.html
1/
Châu Thạch Nhập Đề Và “Đá Giò Lái”
Vừa qua nhà thơ Phạm Đức
Nhì có viết một bài “Bình
Thơ Không Bàn Thi Pháp” trong đó ông kết tội Châu Thạch, Nguyễn
Bàng và Bùi Đồng là đã bình thơ không bàn thi pháp, theo lời ông là làm cho
“thơ hay thơ dở đánh lộn sòng”.
Nhiều thi hữu điện thoại
với tôi, nói rằng anh Nhì muốn huậy để cho mình nổi danh thôi. Họ yêu cầu tôi cứ
nín lặng vì ai đúng ai trật thì đã có công luận phê phán. Việc anh Nhì huậy cho
nổi danh thì tôi không tin lắm vì anh đã có danh nhiều rồi, đem cái danh ấy mà
tranh chấp với tôi, thứ con dế dưới cỏ, thì chỉ tự hạ mình xuống chớ nổi con
khỉ gì.
Tôi đã đồng ý nín câm luôn.
Thế nhưng nghĩ đi nghĩ lại anh Nhì muốn chém tôi mà không chịu chém thẳng, lại
đem một thi sĩ thật hiền hòa ở Tây Ninh ra chém mới thật là oan cho anh ấy. Thi
sĩ Hà Nhữ Uyên, một người tôi chưa từng quen biết, có thơ hay được thi hữu miền
Nam mến mộ, lại bị anh Nhì đặt vào cái cẩu đầu trảm chỉ vì cái tội là tôi đồng
cảm với thơ anh ấy và viết lời bình cho bài thơ “Thềm Xưa Em Đợi Người về”. Bởi
vậy tôi xin có đôi lời phản biện để không phải bênh tôi mà biện hộ cho Hà Nhữ
Uyên, người đã vì tôi mà lên đoạn đầu đài.
Phạm Đức Nhì trả lời:
Anh Châu thạch không đi thẳng vào đề tài tranh
luận mà vòng qua, vòng lại rồi “đá giò lái” người đối luận với mình. Nói thật,
tôi không chấp cái trò trẻ con ấy. Riêng chuyện anh Hà Nhữ Uyên anh cũng nói đến
ở đoạn kết, đến đó tôi sẽ trả lời.
2/
Châu Thạch Phản Biện:
Anh Phạm Đức Nhì nói Châu Thạch, Nguyễn Bàng,
Bùi Đồng “chỉ bình tán ý tứ mà không bàn thi pháp”. Vậy cái ý tứ đó có phải là
“xử dụng vần, nhịp điệu, nối kết các con chữ thành một thế trận để chuyển tải
thông điệp, cảm xúc” không nhỉ? Chẳng có nhà thơ nào mà không xử dụng những cái
ấy để đưa ý tứ của mình vào. Cho nên một nhà bình thơ “bình tán ý tứ” của bài,
chính là nhận xét cái tài “xử dụng vần, nhịp điêu, con chữ” của họ hay đến đâu
hoặc dỡ đến đâu.
Anh Nhì nói chúng tôi “bình tán ý tứ không bàn
thi pháp” là chính anh đã “đánh lộn sòng con chữ” chớ không phải chúng tôi. Một
bài thơ mà không có ý, tứ và không biết xử sụng ý tứ đó cho hài hoà, độc đáo
thì là bỏ. Khi chúng tôi khen một bài thơ hay là chúng tôi khen tác giả có tài
thi pháp, có ý tứ hay của thơ và có cả ý tứ trong sáng tác để kết cấu bài thơ
gây cảm xúc cho người.
Phạm Đức Nhì Trả Lời:
Anh Châu Thạch ơi! Rõ ràng là anh không bàn
thi pháp. Thì cứ nói thẳng ra là mình thấy nó vô bổ, vô ích (hoặc cũng có thể
anh không biết) nên không nói tới. Hà cớ gì lại nói quanh, nói co rồi nhận xằng
là mình bàn ý tứ tức cũng là bàn thi pháp? Anh nói vậy anh không hiểu gì về
“bàn thi pháp” rồi.
Bàn thi pháp là giải thích mối liên hệ nhân
quả giữa một bên là những “phương tiện thẩm mỹ” được sử dụng trong bài thơ và
bên kia là giá trị nghệ thuật của bài thơ. Nói rõ hơn là việc sử dụng mỗi
“phương tiện thẩm mỹ” làm bài thơ hay hơn hoặc dở đi cỡ nào.
Thí dụ:
Sử dụng vần dầy đặc như trong bài thơ Thềm Xưa
Em Đợi Người Về khiến bài thơ có Hội Chứng Nhàm Chán Vần đọc lên rất “ầu ơ, ví
dầu”, nghe chán lắm, làm giảm giá trị bài thơ đi rất nhiều.
Hoặc là:
Trong “Quê Nghèo” Đặng Xuân Xuyến đã có thể -
bằng kỹ thuật gieo vần và thay đổi số chữ trong câu - khiến tứ thơ chảy thành
dòng và cảm xúc cũng nương theo đó tuôn chảy và phát triển “sóng sau dồn sóng
trước”. Ngược lại, TXEĐNV của Hà Nhữ Uyên chỉ là 6 “hố thơ” riêng biệt.
Bây giờ anh Châu Thạch đọc lại bài bình thơ
của mình lần nữa xem anh có bàn thi pháp không? Không bàn thi pháp thì cứ nhận
là không bàn thi pháp. Việc gì phài nói đông, nói tây, cãi chầy cãi cối cho
rách việc.
Anh làm luật sư biện hộ mà giả bộ ngu ngơ kiểu
đó thì chỉ vài lần là mất bằng luật sư.
Theo tôi, anh Hà Nhữ Uyên nắm rất vững luật
thơ nhưng anh áp dụng việc gieo vần và đặt số chữ trong câu một cách quá chặt
chẽ - thật ra còn quá mức yêu cầu của luật thơ - nên hội chứng nhàm chán vần và
sự đều đặn của nhịp điệu làm bài thơ tụt hẳn điểm giá trị nghệ thuật. Nhưng anh
Châu Thạch không biết điều đó, đem lối bình thơ “chỉ khen, không chê” vào múa
may quay cuồng thêm nữa nên bài thơ được nâng lên một tầm cao đến chóng mặt,
vượt xa giá trị thực sự của nó.
Trong khi Đặng Xuân Xuyến, cũng nắm vững luật
thơ nhưng đã áp dụng chúng một cách uyển chuyển nên dòng thơ của anh nhẹ nhàng,
thanh thoát hơn, dễ thấm vào hồn người hơn. Nhưng ông Nguyễn Bàng bình thơ của
anh lại không bàn thi pháp nên “kỹ thuật thơ”, “tài thơ” của anh bị lờ đi, có
cũng như không.
3/
Châu Thạch Phản Biện:
Phạm Đức
Nhì chê:
Nhịp điệu:
Mỗi câu 8 chữ, mỗi đoạn 4 câu, đọc lên nhịp điệu đều đặn tẻ nhạt. Tác giả tự
trói buộc mình trong quy luật của thơ mới nên tâm thế, phong thái không được tự
do.
Châu Thạch
biện hộ:
Xin hãy
đọc đoạn thơ trong bài Ave Mari của Hàn Mạc Tử:
Như song
lộc triều nguyên ơn phước cả
Dâng cao
dâng thần nhạc sánh hơn trăng
Thơm tho
bay cho đến cõi Thiên Đường
Huyền diệu
bến thành muôn linh trọng thể
Toàn bộ
bài của Hàn Mạc Tử đều mỗi đoạn 4 câu và mỗi câu 8 chữ. Bài thơ nầy đã trở
thành bất hủ.
Phạm Đức Nhì Trả
Lời:
Bài Ave Maria (không phải
Mari) của Hàn Mặc Tử có 62 câu mỗi câu 8 chữ nhưng vì gieo vần liên tiếp nên là
loại thơ nhất khí liền mạch, ý này nối với ý kia liên tục cho phép tứ thơ và
cảm xúc chảy thành dòng. Đây không phải là loại thơ Trường Thiên mỗi đoạn 4
câu. Anh Châu Thạch không quen để ý đến thi pháp nên đã nhận diện thể thơ “hơi
bị sai”. Nhưng đó là chuyện nhỏ. Quan trọng là dù nhất khí liền mạch Ave Maria
cũng mắc một chứng bệnh khá nặng: Hội Chứng Nhàm Chán Vần, đọc lên rất ngán,
rất buồn ngủ. Độc giả có thể đọc cả bài thơ Ave Maria theo link dưới đây:
http://vanhoc.xitrum.net/thoca/hiendai/4930.html
4/
Châu Thạch Phản Biện:
Phạm Đức
Nhì chê:
Vần:
Vần gieo cả 1/3 lẫn 2/4 kỹ lưỡng (6 đoạn 12 cặp vần, không bỏ sót cặp nào), có
nhiều cặp gieo chính vận nên hội chứng nhàm chán vần rất nặng, đọc 2 đoạn đã
thấy giọng “ầu ơ”. Thêm vào đó, tác giả lại còn chơi cả yêu vận (vần lưng)
-Châu
Thạch biện hộ:
Mời đọc
bài thơ “Trên Đường Về” trong tập thơ Điêu Tàn của Chế lan Viên có 7
đoạn và 14 cặp vần gieo 1/3 lẫn 2/4 không bỏ sót cặp nào.
Xin đơn cử
một đoạn thôi:
Đây những
tháp gầy mòn vì mong đợi
Những đền
xưa đổ nát giữa thời gian
Những sông
vắng lê mình trong bóng tối
Những
tượng Chàm lở lói rỉ rên than
Bài thơ
nầy cũng cũng đã trở nên biểu tượng của thơ.
Phạm Đức Nhì Trả Lời:
Trên Đường Về của Chế Lan
Viên có 8 đoạn mỗi đoạn 4 câu (bị thời đó kiểm duyệt 2 câu sau của đoạn đầu)
nên 7 đoạn sau có 14 cặp vần đúng như anh Châu Thạch nói. Với cách gieo vần đó
thì dù của Chế Lan Viên hay của “thi thần”, thi bá nào đi nữa, hội chứng nhàm
chán vần cũng làm người đọc ngán ngẩm, ngáp dài. Đọc bài phản biện của Châu
Thạch, bạn thơ một thời của anh là Nguyên Lạc, muốn bình luận nhưng đã bị anh
“chặn” nên có gởi cho tôi 2 đoạn nhận xét. Đây là đoạn đầu:
“Ha ha! Cái ông thần Châu
Thạch này! Tưởng rằng ông là nhà phê bình đầy hiểu biết, ai dè lại phải đem
những ông nhà thơ có tiếng trước ra để bảo vệ ý kiến mình. Chắc gì các
ngài ấy đã hoàn toàn đúng. Đúng sai cũng tùy thời, tùy lúc. Đâu phải cái gì của
người đi trước là không được phê phán, là cấm kị. Đừng lợi dụng tiền nhân cho
cái dục nhỏ hẹp của bản thân mình. Và cũng đừng đem tiền nhân ra HÙ, làm VŨ MÔN
chặn CÁ CHÉP trẻ hoá RỒNG (1)
Độc giả có thể đọc cả bài thơ Trên Đường Về
theo link sau đây: http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=6932
Chế Lan Viên viết Trên Đường Về năm 1937. Bài
thơ lúc ấy được chú ý vì nó là đứa con tinh thần của một thiếu niên mới 17 tuổi
trong lúc Phong Trào Thơ Mới còn rất non trẻ. Tính đến nay (2018) đã 81 năm.
Ôi! Gần một thế kỷ trôi qua, bộ mặt của thơ đã đổi thay rất nhiều, trong đó thi
pháp cũng đã tiến triển vượt bực. Vậy mà nhà bình thơ Châu Thạch - ở thời điểm
này - vẫn lấy bài thơ của 81 năm trước làm biểu tượng, làm mẫu mực để
ca tụng TXEĐNV, một bài thơ có vóc dáng giống hệt như được đúc từ một cái
khuôn. Nhìn cách lập luận của Châu Thạch để biện hộ cho việc đánh giá quá cao
bài thơ TXEĐNV mà thấy buồn, thấy tủi hổ cho giới bình thơ, cho Thi Ca Việt
Nam.
4/
Châu Thạch Phản Biện:
Phạm Đức Nhì viết:
Dòng chảy của tứ thơ: Bài thơ gồm 6 đoạn, mỗi
đoạn 4 câu diễn tả một ý riêng biệt; từ đoạn trước sang đoạn sau không bắt vần
nên tứ thơ đứt đoạn, phân tán, không có dòng chảy.
Châu Thạch biện hộ:
Đọc bài thơ Tràng Giang của Huy Cân:
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,
Con thuyền xuôi mái nước song song.
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;
Củi một cành khô lạc mấy dòng.
Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.
Bèo giạt về đâu, hàng nối hàng;
Mênh mông không một chuyến đò ngang.
Không cầu gợi chút niềm thân mật,
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.
Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.
Đọc bài thơ Tràng Giang của Huy cận ta thấy có 4
đoạn, mỗi đoạn diễn tả không những một ý riêng biệt mà còn một cảnh riêng biệt.
nhưng tất cả cũng chỉ mục đích là miêu tả Trường Giang. Từ khổ thơ trước qua
khổ thơ sau cũng không hề bắt vận. Ở đây bài thơ “Thềm xưa em đợi người về” mỗi
đoạn tỏ bày một tâm tư của em, và tất cả cũng để nói lên nỗi lòng của người
ngồi bên “Thềm xưa em đợi anh về”. Thiết tưởng liên kết của các ý thơ còn sít
sao và trôi chảy hơn Tràng Giang nữa.
5/
Châu Thạch Phản Biện:
Phạm Đức Nhì viết:
Cảm xúc: Cảm xúc tạo được ở đoạn nào nằm tại
đoạn đó, không chảy thành dòng để có sự tiếp nối “sóng sau dồn sóng trước” tạo
cao trào, hình thành hồn thơ. Cảm xúc phần lớn ở tầng 1 (câu, chữ hay), rất ít
ở tầng 2 (thế trận), hoàn toàn không có cảm xúc ở tầng 3 (cao hứng, nổi điên).
Với vóc dáng này TXEĐNV chắc chắn không thể có hồn thơ.
Châu Thạch biện hộ:
Khổ 1: Em đợi chàng với sự nóng lòng hiện lên
trên cử chỉ
Khổ 2: Em khắc khoải mong chờ và giật mình mỗi khi tưởng có tin anh
Khổ3: Măt ngấn lệ, em gọi tên anh những đến trăng khuya cũng tắt.
Khổ 4: Em cố nhủ lòng thôi đừng phiền đừng khóc nhưng muộn phiền vẫn chẳng
nguôi khuây.
Khổ 5: Anh gieo vào lòng em nỗi sầu như hoa Thạch Thảo bên tường mưa ướt, như
con chim hóa bụa hót rưng rưng.
Khổ 6: Em khờ khạo nên để mối đùn trăm nối nhớ. Ngược lại anh thì cam tâm hờ
hững tự bao giờ.
Bài thơ có một nối kết rõ ràng từ khổ 1 cho đến
khổ 6. Cảm xúc “sóng sau dồn sóng trước’ và mỗi lúc một cao độ hơn. Cuối cùng
tác giả dùng hình ảnh tổ mối đùn lên để nói về nỗi nhớ thật là sống động đến độ
tuyệt vời.
Phạm Đức Nhì Trả Lời 4+5:
Thể thơ, vần điệu và những phương tiện thẩm mỹ
khác của thi pháp chính là Con Kênh để cho tứ thơ lưu chuyển. Nhưng hai bài
Tràng Giang của Huy Cận và TXEĐNV của Hà Nhữ Uyên do chọn thể thơ Trường Thiên
(nhiều đoạn, mỗi đoạn 4 câu) nên không có Con Kênh mà chỉ có những “hố” riêng
biệt nằm cạnh nhau. Nước hố này không thể tiếp cận nước hố kia thì làm sao có
dòng chảy? Không có dòng chảy thì làm sao có “sóng sau dồn sóng trước”? Làm sao
có cao trào? Làm sao có hồn thơ?
Viết theo thể thơ ấy, nói theo ngôn ngữ bóng
đá, khán giả không thấy được thế trận, đấu pháp toàn đội lưu chuyển một
cách sống động mà chỉ có những lần chơi bóng chết, những cú đá phạt. Hết cú đá
phạt này lại chuyển qua cú đá phạt khác, cũng lại bóng chết. Đá phạt dù có siêu
như Messi, từ xa hơn 30m bóng bay vào đúng góc trống của khung thành (có khi
đúng ngay mắt lưới mà người sút nhắm tới) thì cũng chỉ là phần kỹ thuật. Cái
đưa bóng đá lên hàng nghệ thuật làm khán giả say mê là khả năng đi bóng, chuyền
bóng, lên công về thủ theo một đấu pháp hợp lý, sáng tạo và hiệu quả cộng với
sự hưng phấn cao độ cùng ý chí quyết đấu quyết thắng của cầu thủ.
Những thứ ấy những bài viết theo thể thơ
Trường Thiên như Trên Đường Về, Tràng Giang hay TXEĐNV không thể nào có được.
(2)
6/
Châu Thạch:
Tóm lại theo tôi, đây là một
bài thơ hay. Mà dẫu tôi có bình sai, anh Phạm Đức nhì thấy không hay thì cũng
chẳng nên đem búa ra để đập bài thơ của một tác giả ra như thế, mà lại phê phán
quá bất công với nhà thơ ấy. Tôi thấy anh Nhì còn lấy những tiêu chuẩn thơ của
chính anh tự đặt như một vị thầy để chê thơ anh Phạm Đức Tùng không phải là thơ
nữa.
Phạm Đức Nhì Trả Lời:
Tôi chỉ có ý kiến với cách
bình thơ của 3 nhà phê bình Châu Thạch, Nguyễn Bàng, Bùi Đồng và các nhà bình
thơ không bàn thi pháp khác. Tôi đã bỏ công viết 2 đoạn khá dài để “tâm sự” với
2 tác giả của 2 bài thơ liên quan. Tôi chọn cách bình thơ nói thẳng, nói thật,
không nể nang, hay thì khen, dở thì chê nên cũng thường làm nhiều người phật ý.
Khi tác giả đem bài thơ ra
trình làng, nó như cô gái giữa chợ để ông đi qua, bà đi lại nhìn ngắm khen chê.
Có người khen nịnh, có người có điểm khen, có chỗ chê một cách công bằng trung
thực. Và dĩ nhiên, có người bươi móc, dè bỉu một cách ác ý. Tác giả bài thơ có
quyền phản biện. Độc giả bất bình cũng có quyền nhảy vào tranh luận. Tôi đụng
chạm tới 2 bài thơ được bình là bất khả kháng. Nhưng đó là quyền của tôi.
Một nhà bình thơ như Châu
Thạch mà lại buồn bực, chê trách tôi đụng tới bài thơ TXEĐNV của Hà Nhữ Uyên
thì thật là chả hiểu gì về quan hệ giữa sáng tác và phê bình hết. Rồi lại còn
dám mở miệng “chỉ xin anh nên xin lỗi nhà thơ Hà Hữu Uyên vậy” thì đúng là câu
nói vô cùng bậy bạ của một người không biết chuyện, thiếu suy nghĩ.
Còn việc tôi cho rằng bài Em
Còn Trẻ Và Em Không Thể Biết của Nguyễn Đức Tùng (không phải Phạm Đức Tùng)
không phải là thơ thì tôi đã viết hẳn một bài chứng minh đầy đủ. Chính anh
Nguyễn Đức Tùng cũng không có ý kiến gì và đã chia sẻ bài của tôi về trang FB
của anh ấy. Tôi kính phục anh NĐT về thái độ dũng cảm chấp nhận sai sót của
mình. Câu nói của Châu Thạch:
“Tôi thấy anh Nhì còn lấy
những tiêu chuẩn thơ của chính anh tự đặt như một vị thầy để chê thơ anh Phạm
Đức Tùng không phải là thơ nữa”
có ý cho rằng tôi cả gan nói
liều và nói sai. Nếu Châu Thạch không đồng ý thì đưa chứng cứ ra, dùng lập luận
phê phán; tôi sẵn sàng thù tiếp. Anh phát biểu khơi khơi, không dẫn chứng kiểu
đó là một hình thức “chửi đổng”, không phải là thái độ của nhà phê bình đứng
đắn.
Còn nữa, Châu Thạch nói tôi “chê
thơ anh Phạm Đức Tùng không phải là thơ nữa” là bao gộp một cách cẩu thả,
có thể gây ngộ nhận. Tôi chỉ cho rằng bài ECTVEMKTB của NĐT không phải là thơ,
chứ không đá động đến những bài thơ khác của anh ấy.
Anh Nguyễn Đức Tùng
sau đó có gởi cho tôi một email như sau:
Cám
ơn anh Phạm Đức Nhì rất nhiều – đã chú ý đọc và còn chịu khó diễn giải và bình
luận. Tôi nghĩ những bài viết của anh rất có ích cho độc giả và tác giả, dù bao
giờ cũng có khác biệt và tranh cãi. Nhưng như vậy mới là nghệ thuật, mới vui,
còn cái gì cũng đồng ý cả thì không có tiến bộ, phải không anh? Tôi dự định
trong vài năm tới sẽ xuất bản một tập thơ với những lời bình luận đặc sắc của
bạn bè. Mong sẽ có tiếng nói quan trọng của nhà phê bình Phạm Đức Nhì trong
đó.
NGUYỄN
ĐỨC TÙNG: Nhà thơ, nhà văn.
7/
Châu Thạch:
Tôi nhớ trước đây trong “Câu Chuyện Văn Chương”
nhà thơ lớn Lê Mai Lĩnh có nói như sau:
“Thưa anh nhà thơ PHẠM ĐỨC NHÌ:
Anh nói : TÔI DÀNH SỰ PHÁN XÉT SAU CÙNG CHO ĐỘC GIẢ
Vậy tôi đề nghị anh NÊN NÓI LỜI XIN LỖI VỚI ANH CHÂU THẠCH. Bài của nhà phê
bình CHÂU THẠCH rất HÀN LÂM, NGƯỜI LỚN.
Mặc dù anh đã HÀN GẮN NHỮNG VẾT ĐỤC ĐẼO lên PHO TƯỢNG TỐNG BIỆT HÀNH,
những sự MẤT MÁT VẪN CÒN, NIỀM ĐAU CŨNG CÒN.
Vậy anh nên viết bài tạ lỗi với độc giả của T.Vấn & Bạn Hữu, rằng anh đã
chạm vào tình cảm YÊU THƠ của họ dành cho THẦN TƯỢNG THÂM TÂM.”
Hôm nay Châu Thạch tôi cũng xin dùng câu đó để
nói lại với anh Phạm Đức Nhì nhưng không phải biểu anh xin lỗi tôi hay xin lỗi
anh Nguyến Bàng, Anh Bùi Đồng mà chỉ khuyên anh nên xin lỗi nhà thơ Hà Nhữ Uyên
vậy.
Phạm Đức Nhì:
Ông Lê Mai Lĩnh đã có lần cao hứng viết một
bài liên quan đến tôi có một số điểm không đúng. Tôi đã phản biện và ông đã
không trả lời. Chúng tôi đã hiểu ngầm coi đó là “chuyện đã qua”. Chính Nguyên
Lạc, bạn của LML và có một dạo là bạn văn chương của anh cũng nói:
"Châu Thạch chơi trò ‘bỏ bóng đá người’
mới đem Nguyễn Đức Tùng (CT viết Phạm Đức Tùng) và LML vào bài viết. Tôi có đọc
về vụ LML. Ông này gia trưởng, nghĩ rằng mình là người đi trước, đàn anh
là có toàn quyền muốn nói gì là nói. Tôi thấy trong vụ tranh biện, ông LML đã
im lặng khi bị anh phản biện.
Anh phê bình cách bình thơ của Châu Thạch rất
chính xác." (1)
Giờ nhắc lại chuyện xưa anh chỉ đưa ra đoạn
“nói sai” (mà anh tưởng là đúng?) của ông LML mà ém đi đoạn trả lời của tôi. Đó
là kiểu lươn lẹo, “ma giáo” cần thiết để tranh lợi, tranh thắng trong những môi
trường khác, không hợp với chỗ tranh luận văn chương. Có một bài viết mà phải
mấy lần “kéo áo” anh về thái độ lịch sự, lương thiện trong tranh luận văn
chương. Thật chán.
(Muốn hiểu rõ đầu đuôi độc giả có thể đọc bài
Văn Chương Đâu Phải Là Đơn Thuốc theo link sau đây: http://phamnhibinhtho.blogspot.com/2016/06/van-chuong-au-phai-la-on-thuoc.html
Sau này anh Lê Mai Lĩnh đã có một mẩu đối thoại
ngắn với tôi trên Facebook:
(Sau cuộc tranh luận về
bài thơ Tống Biệt Hành)
Tôi còn nợ anh món nợ
TỐNG BIỆT HÀNH, nghĩa là sau nầy nghĩ lại, tôi thiển cận, nghĩa là anh
ĐÚNG tôi SAI .
Hì hì
Nhi Pham Còn vụ Tống Biệt Hành, chúng ta “bắt
tay” cho vui vẻ.
Tôi cũng thích lối phản biện văn chương của anh – rõ ràng, mạnh mẽ và “độc”.
OK. Bắt tay. Cảm ơn anh.
Lâu nay tôi vẫn lấn cấn đó
Tóm lại, bình thơ
không bàn thi pháp thường mắc những sai phạm sau đây:
1/ Đối xử với bài thơ như một đoạn văn, không
hơn, không kém. Chỉ bình tán ý tứ mà quên Kỹ Thuật Thơ. Chỉ trả lời câu hỏi
“Viết cái gì?” (What?) mà quên 2 câu hỏi quan trọng khác “Viết thế nào?” (How?)
và “Viết trong tâm thế nào?” (In what state of mind?)
2/ Bất công.
a/ Những bài thơ
yếu kém về mặt thi pháp thì những điểm yếu kém không bị nhắc tới, làm giá trị
bài thơ tự nhiên như được một bàn tay vô hình nâng lên một cách bất công. Tệ
hại hơn nữa là nhà phê bình đã thổi vào hồn tác giả một niềm tự hào thiếu
căn cứ để nảy sinh tâm lý tự mãn; thi sĩ quanh
đi quẩn lại, bì bõm trong vũng sình lầy lội mà cứ ưỡn ngực như đang đi trên đại
lộ thẳng hướng Bến Bờ Thi Ca.
b/ Những bài thơ
vững vàng, tiến bộ về mặt thi pháp thì những bước chân khai phá ấy cũng bị lờ
đi, ảnh hưởng đến việc nhìn nhận giá trị của bài thơ. Người nỗ lực học hỏi và may mắn có được những bước
chân khai phá đi đúng hướng bến bờ thi ca như thế thì vì không có người biết chuyện chia sẻ, thông cảm, khuyến
khích nên tâm trạng nửa tin, nửa ngờ, chân ngập ngừng, vừa bước vừa run; nếu
bất ngờ đụng phải một trở ngại nhỏ cũng dễ dàng bỏ cuộc.
Kết Luận
Đọc
Châu Thạch, rất nhiều độc giả (có cả tôi) công nhận anh là người đam mê, có
lòng với văn chương và viết rất khỏe. Những bài bình thơ của anh, như từ một
gia đình mắn con, cứ lũ lượt ra đời. Anh đem kinh nghiệm sống dầy dặn của mình
vào những lời bình tán rất có duyên. Anh có cái “tật” là bình thơ chỉ khen,
không chê. Trong trao đổi riêng, và cả trong tranh luận, tôi thỉnh thoảng cũng
nhắc khéo anh điều này. Có lần anh nói với tôi nửa đùa nửa thật “Anh mới là
bình thơ, còn tôi chỉ là nịnh thơ thôi”.
Riêng
thi pháp, nói thì đao to búa lớn, về mặt thực dụng, thật ra là hình thức thơ,
kỹ thuật thơ hoặc cách thi sĩ áp dụng (hay không áp dụng) “luật tắc” trong bài
thơ của mình. Giữa mỗi “phương tiện thẩm mỹ” trong thi pháp đều có mối liên hệ
nhân quả với cái hay, cái đẹp của cách diễn đạt ý tứ, nói khác đi, là giá trị
nghệ thuật của bài thơ. Châu Thạch và một số những người bình thơ không bàn thi
pháp khác đã chỉ tán cái “quả” mà quên cái “nhân”, quên trả lời câu hỏi “Tại
sao lại có cái quả đẹp (hay xấu) như vậy?”
Bình
thơ kiểu ấy là giết chết “tính thơ” của bài thơ. Nghĩa là giết chết thơ.
Phạm Đức Nhì
CHÚ THÍCH:
1/ Cám ơn anh Nguyên Lạc đã
cho phép tôi được đưa 2 đoạn nhận xét của anh vào bài viết này.
2/ Có những bài tứ thơ được
dàn trải theo thứ tự thời gian. Lúc ấy dòng chảy của tứ thơ cũng là dòng thời
gian. Nhưng cảm xúc cũng vẫn bị phân tán, không thể tạo cao trào, không thể có
hồn thơ. Ông Đồ của Vũ Đình Liên là một thí dụ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét