Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2016

BÀN THÊM VỀ THƠ THÁI BÁ TÂN


                      BÀN THÊM VỀ THƠ THÁI BÁ TÂN

 

Đọc Thơ Thái Bá Tân

 Mấy năm gần đây thỉnh thoảng bạn bè bốn phương lại gởi cho – có khi một bài, có khi vài bài – thơ của Thái Bá Tân, với hình của tác giả đã quá cái tuổi “lục thập nhi nhĩ thuận” (sinh 1949) nhưng vẫn còn quắc thước, tinh anh, có vẻ đạo mạo của một thầy giáo già đáng kính. Là một người làm thơ và thỉnh thoảng cũng bình thơ tôi nhận ra ngay cái nét sắc sảo trong lời thơ của nhà giáo về hưu này. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào nội dung và khả năng về ngôn ngữ thơ để tán dương mạnh miệng như lời khen từ những người chuyển thơ (và một số người “bình thơ” ông sau này) thì tôi thấy không được “ổn” lắm.
Nhưng vào thời điểm ấy mỗi bài thơ của ông đều nhắm đúng vào một yếu huyệt của chế độ mà “nắn bóp” và được cư dân mạng cùng đám đông “thấp cổ bé miệng” hết lòng hưởng ứng, cổ vũ. Trong cái không khí như vậy mà xía vào nói chuyện về kỹ thuật thơ, về thế trận chữ nghĩa, hồn thơ … rồi lại khen chỗ này, chê chỗ kia thì có nước đưa đầu ra lãnh cà chua, trứng thối. Thế nên tôi đành nhắm mắt bước qua, tìm đến những đề tài khác, hẹn thầm trong lòng sẽ trở lại nói chuyện thơ Thái Bá Tân khi hoàn cảnh thích hợp. 

 Thế rồi tình cờ đọc được bài Thái Bá Tân Và Những Vần Thơ 5 Chữ của Mặc Lâm (RFA) thấy có vài điểm hơi khác với với cách nhìn của mình tôi đã định lên tiếng nhưng vì “vào mùa làm ăn” bận rộn nên lại thôi. Và thơ Thái Bá Tân với tôi lúc ấy lại được gác qua một bên.
Sau khi viết lời bình cho 3 bài thơ phản kháng (Tạ Lỗi Trường Sơn, Nhìn Từ Xa … Tổ Quốc và Bánh Vẽ) và sau đó là bài So Sánh Ba Bài Thơ Phản Kháng (t-van.net) tôi nhận được khá nhiều ý kiến khen chê trong đó có vài emails trách “Sao không đưa những bài thơ của Thái Bá Tân vào danh sách Những Bài Thơ Phản Kháng?”

Để có thể trả lời bạn đọc một cách thỏa đáng tôi mày mò tìm đọc lại thơ Thái Bá Tân. Không ngờ vào Internet đụng ngay Đôi Lời, tác giả viết để trả lời một số người gán cho ông cái tiếng “nâng bi bác Trọng và chế độ”. Ngay sau đó có mấy bài tranh biện của Võ Văn Tạo, Nguyên Đại, Đỗ Trường, An Chiến … và một bài có tính tổng hợp của Mặc Lâm có tựa Hiện Tượng Thái Bá Tân.
Tôi xin đưa Đôi Lời – nguyên nhân của “lời qua tiếng lại” – vào bài viết để bạn đọc dễ thông cảm hoàn cảnh và tâm tình của nhà thơ được rất nhiều người yêu mến. Còn những bài tranh biện như:

Đôi Lời Cùng Bác Thái Bá Tân – Võ Văn Tạo
Về “Đôi Lời” Của Ông Thái Bá Tân – Nguyên Đại

Thái Bá Tân – Không Thể Sống Trong Im Lặng - Đỗ Trường
Về Nguyên Nhân Khiến “Người Đốt Đền” Thái Bá Tân Thay Đổi – An Chiến

và khá nhiều bài khác nữa, độc giả nếu muốn, có thể tìm đọc trên Internet. Riêng Ghi Nhận (thơ) và Cải Chính (văn) sẽ được xếp vào phần Phụ Lục ở cuối bài.

Đôi lời

Bực mình một bác vừa rồi bảo tôi nâng bi bác Trọng và chế độ.
Nói rõ thế này nhé.


Cuộc sống đa dạng, con người cũng đa dạng, không ai, không cái gì xấu cả hoặc tốt cả. Cách đánh giá cũng da dạng như vậy. Bất chấp nguy hiểm cho bản thân, tôi lên tiếng phản biện, có khi nặng lời. Nhưng cái gì tôi tin là đúng thì tôi khen. Chưa nói chuyện đúng sai, nhưng đó là quan điểm và quyền của tôi. Không đồng ý thì thôi, sao phải thóa mạ? Nhiều bác lề trái đôi khi nói thái quá, tôi đọc đấy, biết đấy và im lặng. Đó là thái độ tôn trọng người khác.
Nhân tiện:


1. Tôi tin bác Trọng là người liêm khiết. Làm quan thời bây giờ như thế là tốt lắm rồi. Còn có cái này cái nọ thì lại chuyện khác.

2. Tôi tin lãnh đạo ta không bán nước cho Tàu.

3. Bất chấp tham nhũng và sự bất tài của một số lãnh đạo, tôi tin đất nước ta sẽ phát triển về kinh tế, và dần dần sẽ đổi mới hơn nữa và tiến bộ hơn về chính trị. Hình ảnh “chìm tàu” tôi nhắc đến chỉ là một kiểu phúng dụ, nói quá, của văn chương. Mà ta đã tiến bộ và đổi mới lắm rồi đấy.

4. Tôi tin con người Việt Nam ta về cơ bản vẫn tốt chứ không hoàn toàn u ám như nhiều bác mô tả.

5. Tôi không thích cộng sản, nhưng vẫn ghi nhận, thậm chí biết ơn những gì chế độ đã làm cho đất nước từ ngày đổi mới. Chúng ta từ một nước cực nghèo mà được thế này là quá tốt rồi. Tất nhiên vẫn muốn tốt hơn nữa. Tôi thấy bộ máy chính phủ vận hành được. Bác thủ tướng chỉ đạo quyết liệt. Bác Thăng năng nổ và dám nói, dám làm.

6. Tôi tin sớm muộn đất nước mình sẽ có dân chủ và tự do thực sự. Tạm thời chưa có được cái đích tốt đẹp ấy thì tạm hài lòng với những gì đã có, và chung sức cùng đồng bào đấu tranh (một cách xây dựng) để đạt được điều ấy. Tóm lại, về đại cục mà nói, tôi thấy tình hình không phải xấu đi mà đang tốt lên, trừ vụ nợ công và thâm hụt ngân sách mà tôi không rõ lắm.

Tôi nghĩ như thế đấy. Và chính niềm tin này đã tiếp sức cho tôi trong việc phản biện và thơ phú giúp lớp trẻ sống có ích, có ý nghĩa cho mình và cho đất nước.

Tôi yêu Việt Nam. Tôi cũng yêu cả các bác. Không yêu, đã chẳng thèm nói, chẳng thèm dạy học và chẳng thèm viết.

Hơi thật thà quá. Xin lỗi.

T.B.T.


Lý Do Khiến Thơ Thái Bá Tân Được Yêu Thích

Thái Bá Tân là một trí thức được hưởng lộc khá hậu hĩ của triều đình nên có thể nói ông là người của chế độ. Thấy một số cảnh bất công, ngang tai trái mắt, là kẻ sĩ chẳng lẽ lại nhắm mắt làm ngơ nên ông dùng kiến thức của mình, qua thơ, “phù thế giáo một vài câu thanh nghị”, (1) đánh động lương tâm những kẻ cầm quyền để họ nghĩ đến lẽ phải, đạo lý mà đổi thay, tạo phúc cho dân lành.

Những bài thơ “phản biện” của ông được rất nhiều độc giả trong và ngoài nước tìm đọc, hưởng ứng và dĩ nhiên, không ít lời khen ngợi. Sau đây (theo tôi) là một số lý do:

     1/ Với đôi mắt sắc bén của người hiểu biết và từng trải vì đã từng đi nhiều (có cả nước ngoài) ông nhìn đúng vào chỗ có “vấn đề”, nhận ra những yếu huyệt của chế độ và chĩa mũi dùi vào thẳng từng chỗ một.

    2/ Lời thơ không trau chuốt, câu chữ bình dân, nôm na, dễ hiểu, có vần có điệu như một thứ “vè” hiện đại (2)

    3/ Thơ của ông biểu lộ thái độ của một bậc trưởng thượng, hiểu biết, lời lẽ, giọng điệu rất từ tốn, điềm đạm, phân tích mạch lạc, hợp lý, từng bước dẫn dắt người đọc đến chỗ chấp nhận giải pháp hay cách ứng xử - hoặc ít nhất cũng đồng tình với nỗi băn khoăn lo lắng - của ông trước mỗi “ung nhọt” của chính quyền, đất nước.
   4/ Mỗi bài ông chỉ nhắm vào một “vấn đề” nên có rộng chỗ để phân tích, lý giải cặn kẽ.

   5/ Vào thời điểm ông viết những bài thơ ngũ ngôn - nhờ internet - những thông tin về sai lầm, thối nát của chế độ lan tỏa rất nhanh đến mọi ngõ ngách của cuộc sống. Chính quyền dù cố bưng bít, che dấu nhưng cũng chỉ như “xòe quạt che trời”. Vì thế Thái Bá Tân có thể “sờ nắn” đến nhiều chỗ nhạy cảm hơn Đỗ Trung Quân, Nguyễn Duy, Chế Lan Viên khi họ viết những bài thơ phản kháng. 

 6/ Những người dân đang oằn lưng chịu đựng bao nỗi bất công, chèn ép của chế độ mà vì thấp cổ bé miệng, ít hiểu biết lại sợ sệt bàn tay thô bạo của cường quyền trù dập nên đành im lặng mà lòng sôi sục căm hờn. Nay có một bậc thầy can đảm lên tiếng, nói hộ mình những điều uất ức – mà lại nói đến đầu đến đũa, hợp tình hợp lý – nên ai cũng “sướng cái bụng”

  7/ Có thể nói mỗi bài thơ của ông là những suy tư về một sai lầm, bất công của chế độ, xã hội, được soạn thảo bởi một giáo sư nhiều kinh nghiệm sư phạm rồi đưa vào cái khuôn “ngũ ngôn trường thiên” để có vần, có nhịp giúp người đọc dễ hiểu, dễ tiếp nhận. Ghép chung tất cả những bài thơ ngũ ngôn của ông lại sẽ thành một bức tranh tổng hợp, nhiều đường nét, góc cạnh, màu sắc rất u ám của đất nước.

Tứ Thơ:

TBT có đôi mắt sắc bén nên nhìn ra được những thối nát, bất công, sai lầm của chế độ. Vì thế đề tài ông chọn để làm thơ rất “thời sự”, bắt kịp nhịp sống của xã hội. Ông thích chọn phương cách tiếp cận đề tài kiểu “trực diện đối đầu”, nói thẳng vào vấn đề cần nói, không bóng gió, không ẩn dụ toàn bài nên Tứ cũng là Ý. Riêng bài Vô Lương sử dụng ẩn dụ nhưng so sánh không hợp lý, hợp tình:

Và dẫu không biết khóc,
Lũ chó sói rống lên,
Thương đồng loại bị giết.
Nước mắt ngập thảo nguyên.

Rồi quay sang chúng trách
Bầy cừu ác, vô lương.
Rằng kẻ ăn thịt chúng
Chết mà không chịu thương.


Thậm chí không ít đứa
Còn nhảy lên mừng rơn.
Đúng là vô lương thật.
Hơn thế, còn vô ơn.


Bao nhiêu năm mặc định
Chính quyền và nhân dân
Phải đoàn kết, gắn bó,
Như một cuộc hôn nhân.


Trong hôn nhân, ta biết,
Quan hệ phải hai chiều.
Một bên mà lếu láo,
Thì bên kia không yêu
.
đến giữa bài thì lại vụng về nói toạc ra, ẩn dụ mất hiệu quả.

 Kỹ Thuật Thơ

 1/ Thể thơ: ngũ ngôn trường thiên, mỗi đoạn 4 câu, mỗi câu 5 chữ; mỗi đoạn thường là một ý nhỏ độc lập, nối kết với nhau bằng mạch lý luận của tứ thơ.

 2/ Chuyển vận sau mỗi đoạn: đoạn trước và đoạn kế tiếp không nối vần.

 3/ Vần: gieo vần bằng gián cách ở cuối câu 2/4, các cặp 1/3 thường không hiệp vận; tuy vậy, ở những bài thơ dài hội chứng nhàm chán vần khá rõ, nhịp thơ (5 chữ) rất đơn điệu.

Với cách gieo vần ấy đoạn thơ sau thường “mất liên lạc” với đoạn thơ trước vì đã thoát vận và chuyển ý. Tác giả cố nối các đoạn thơ với nhau bằng tiến trình phân tích, giải thích (mạch suy luận) nên tứ thơ không hoàn toàn bị phân tán nhưng bài thơ vẫn chỉ là tập hợp những vũng thơ chứ không phải là dòng thơ nhất khí liền mạch như những bài thơ gieo vần liên tiếp. 

Có lúc thơ tvũng này loang đến vũng kia (rất yếu) nhưng không phải do tác giả muốn phá cách mà vì là trường hợp bất khả kháng: “ý” hơi “quá khổ” không đủ chứa trong một đoạn thơ. 

Giao cộng sản quản lý
Sa mạc Sahara,
Thì năm năm sau đó,
Hay thậm chí chỉ ba,

Sa mạc sẽ hết cát.
Vì sao, vì anh này
Lãng phí và thất thoát
Là vô địch xưa nay.

(Những Câu Nói Nổi Tiếng Về Cộng Sản)

Có khi hết ý rồi mà vẫn còn thừa chỗ nên tác giả phải nhét vào mấy nhóm chữ “xà bần” cho đủ một đoạn.

Vậy là hắn, thằng ấy
Thằng chồng của cô này
Hoặc rượu chè, cờ bạc
Hoặc vũ phu hàng ngày

Câu thơ đầu gồm 2 nhóm chữ “Vậy là hắn” và “thằng ấy” hoàn toàn vô tích sự, đưa vào đoạn thơ rất vụng về, gượng gạo.
Về Kỹ Thuật Thơ, có thể nói, TBT đã bị cầm tù trong chính thể thơ mình yêu thích, đôi chỗ bộc lộ lỗi rất sơ đẳng. Ông chọn đối đầu trực tiếp với các ý niệm, “vấn đề” chính trị - phương cách hạ sách trong sáng tác thơ - rất ít sử dụng các biện pháp tu từ nên thơ đơn giản đến mức khô cứng, thiếu những “đường cong nghệ thuật” tạo nên chất thơ. Ông cũng thử phép ẩn dụ một lần (Vô Lương) nhưng quá vụng và thất bại.

Chân Thật Và Cảm Xúc Trong Thơ Thái Bá Tân

Để bạn đọc mới (chưa đọc những bài bình thơ khác của tôi) tiện theo dõi, xin được nhắc lại đôi điều – theo cách nhìn của tôi - về cảm xúc trong thơ.

Mỗi bài thơ có thể có 3 tầng cảm xúc:

  1/ Cảm xúc do các đơn vị thành phần (chữ, câu) của Tứ tạo ra bằng ngữ nghĩa của riêng mình.
  2/ Được tăng thêm nhờ kỹ thuật thơ ca, nhờ thế trận chữ nghĩa của tác giả.

  3/ Được tăng thêm nữa với sự xuất hiện của hồn thơ. Hồn thơ có được trong trường hợp tác giả viết lúc cao hứng, lúc lên cơn điên, cơn giận, cháy bỏng yêu thương, rực lửa căm thù … , lúc tâm hồn thoát khỏi sự điều khiển của lý trí. Đây là loại cảm xúc cao cấp nhất, cho người đọc cảm giác sảng khoái nhất. (3)

Cảm Xúc – cùng với Tứ Thơ và Kỹ Thuật Thơ - là 3 tiêu chí để thẩm định giá trị một bài thơ. Nhưng ở đây tôi xin tách riêng để có rộng chỗ bàn cho cặn kẽ. Như phần đông nhà văn nhà thơ dưới chế độ toàn trị, lúc đầu tôi đoán Thái Bá Tân – dù dũng cảm - cũng phải mon men, dọ dẫm để thơ của mình không vượt quá lằn ranh nguy hiểm. Sau đây là một đoạn thơ do dẫm ông thêm vào cuối bài Một Sự Thật Đau Lòng:

Tôi nhận hưu nhà nước
Cũng đã mấy năm nay.
Hy vọng còn được nhận
Sau bài thơ ngắn này.

có ý gài chính quyền vào một tình thế khó xử. Nhẹ tay thì nó lấn tới, còn nặng tay thì mang tiếng là bóp nghẹt tiếng nói phê bình chính đáng.

Đến khi đọc Đôi Lời và Ghi Nhận thì tôi nghĩ rằng có lẽ chính ông đã tự vẽ ra lằn ranh đó và trong một thời gian khá dài, rất khéo léo giữ đôi chân của mình ở bên này lằn ranh.

Trong bài Thái Bá Tân Và Những Vần Thơ 5 Chữ, Mặc Lâm viết:

Cái bí ẩn làm thơ Thái Bá Tân sống và thở hào hễn với đủ các cung bậc là sự thật thà, hồn nhiên không làm dáng, không trau chuốt. (4)
Lời nhận xét của Mặc Lâm về thơ Thái Bá Tân ở trên có 2 từ thật thàhồn nhiên tôi thấy cần phân tích rõ thêm để khỏi hiểu lầm.. Để xem thơ Thái Bá Tân thật thà hồn nhiên đến mức nào tôi xin dài dòng một chút về những mức độ Chân Thật Trong Thơ.

Thi sĩ, khi làm thơ, hay bị cám dỗ phạm tội gian dối. Cầm bút lên – vì sĩ diện - thường muốn vơ cái hay, cái đẹp về mình. Nhà thơ nào cũng vỗ ngực là yêu nước, thương dân, hiếu thảo với cha mẹ, tình nghĩa với anh chị em, chung thủy với vợ (chồng), hết lòng vì con, tốt bụng với bạn bè. Ngay cả khi kể một vài điều “không tốt” về mình cũng là muốn chứng tỏ mình thành thật. Có nhiều mức độ dối trá trong thơ:

1/ Nói Dối Trắng Trợn:
Yêu biết mấy nghe con học nói

Tiếng đầu lòng con gọi Stalin
Và:

Thương cha thương mẹ thương chồng
Thương mình thương một thương ông thương mười. (5)

Đây là mấy câu thơ trong bài Đời Đời Nhớ Ông của Tố Hữu khóc Stalin. Không cần tra cứu, kiểm chứng cũng biết nhà thơ của chúng ta nói dối vì nó xạo một cách trắng trợn. Những câu thơ này đã làm nhem nhuốc cả môt gia tài thơ đồ sộ của Tố Hữu.
2/ Nói Dối Để Lừa Những Người Ở Xa, Không Biết

 Có em nhỏ nghịch, ra xem giặc
Nó bắt vô vườn, trói gốc cau
Nó đốt, nó cười... em nhỏ hét:
"Má ơi, nóng quá, cứu con mau!" (5)
(04/07/1962)

Đây là một đoạn thơ trong bài Lá Thư Bến Tre, cũng của Tố Hữu, chỉ có thể lừa được những người ở miền bắc vì xa xôi cách trở và đang lúc chiến tranh. Với dân miền nam, những cư dân ở Bến Tre hoặc những người đã từng làm việc, có người thân ở Bến Tre (như kẻ viết bài này) thì đều biết đó là những câu thơ xạo.
3/ Cường Điệu, Phóng Đại

Trong Bài Học Đầu Cho Con Đỗ Trung Quân đã cho đứa bé hỏi mẹ 2 câu hỏi với giọng rất ngây thơ về một ý niệm khá trừu tượng: quê hương.

Quê hương là gì hở mẹ

Mà cô giáo dạy phải yêu?

và:

Quê hương là gì hở mẹ

Ai đi xa cũng nhớ nhiều?

Người đọc có thể nhận ra ngay là nhà trường đã cố nhồi nhét quá sớm cái ý niệm “khó hiểu, khó cảm” ấy vào đầu óc ngây thơ của đứa bé mà không thành công. Vì thế đứa bé về nhà hỏi mẹ và người mẹ đã được tác giả nhờ cậy giải thích ý niệm về Quê Hương cho đứa bé. Và bà đã giải thích rất hay, rất tuyệt. Dựa vào ngôn ngữ từ 2 câu hỏi tôi đoán đứa bé đang học một lớp nào đó ở bậc tiểu học. Như vậy lời giải thích của bà mẹ - rất hay, rất tuyệt ấy – có vẻ hơi cao, hơi xa so với tầm hiểu biết của đứa bé. Nhưng để ý đến cái tựa bài thơ thì tôi giật nẩy mình. “Bài Học Đầu Cho Con” có nghĩa là đứa bé mới học bài học đầu tiên, mới vào lớp vỡ lòng, còn thấp hơn mẫu giáo một bậc.

Ở tuổi ấy làm sao có thể đặt một câu hỏi “nặng ký” như thế được. Rõ ràng câu hỏi của đứa bé đã được tác giả ngụy tạo một cách khá vụng về, và câu trả lời - tuy bà mẹ có thể đang nhìn thẳng vào mắt con để nói - đâu phải để giải thích cho đứa bé ngây thơ máu thịt của mình mà tâm hồn của bà đang nghĩ đến, nhắm đến những đối tượng khác, với mục đích khác.

Thơ là tiếng lòng, tiếng thổn thức của con tim mà ngay từ những giây phút ban đầu, từ cái tựa của bài thơ thi sĩ đã cho lý trí  bước vào đạo diễn một kịch bản “ba xạo” thì thật là “không tâm lý” chút nào. Chắc người đọc có thể thấy ngay là cái tựa không thật đó đã kéo độ khả tín của bài thơ xuống gần mức Zero.

Tôi xin phép được lên tiếng “ca” cố nhạc sĩ Giáp Văn Thạch một câu. Khi phổ nhạc ông đã sáng suốt và tài tình bỏ cái tựa Bài Học Đầu Cho Con và bỏ luôn đoạn thơ có 2 câu hỏi của một “cụ non” nào đó mà thi sĩ Đỗ Trung Quân đã nặn ra để lấy cớ đưa vào bài thơ những bức tranh quê tuyệt đẹp. Bản nhạc phổ thơ của ông - với cái tựa Quê Hương – nghe “đã” hơn bài thơ gốc nhiều. Tiếc rằng đoạn cuối “bị biên tập” nên có cái giọng xấc xược, bố láo làm bực mình rất đông người Việt hải ngoại. (6)

4/ Nói Dối Trong Thơ Bị Lộ Tẩy
Tôi có thằng bạn có bà chị cả là dược sĩ lấy ông chồng thương gia giầu có. Hai vợ chồng không con sống trong một ngôi nhà lớn, có người giúp việc, ở Sài Gòn. Nhân dịp 2 đứa cùng về phép nó dẫn tôi đến nhà chị chơi. Ông anh rể chỉ 4 câu thơ được khắc rất đẹp trên mặt gỗ treo trên tường khoe với tôi:

Anh mới làm tuần trước đấy. Cậu xem có được không?
Tôi đưa mắt đọc và thấy 4 câu thơ oách thiệt:

Anh để tim anh đập tự do
chẳng cần giả dối, chẳng quanh co

cứ ngay thẳng nhìn vào sự thật
dù biết đau thương sẵn đợi chờ.

Tôi gật gù khen hay cho phải phép xã giao.
Bỗng nghe tin hai vợ chồng chị nó ly dị. Té ra anh chàng dối vợ, dan díu với một phụ nữ khác, có với nhau một đứa con từ hồi nào không biết (trước khi sáng tác 4 câu thơ). Như vậy có nghĩa là khi làm thơ “tim anh đã đập rất quanh co”. Gặp lại nó và đến thăm bà chị sau đó, tôi để ý thấy “bài thơ trên gỗ” đã không còn ở trên tường nữa. Hỏi thì được biết “Khi lộ chuyện đứa con chị đã chẻ vụn vứt vào thùng rác rồi”

5/ Phản Bội Lời Hứa Của Mình Trong Thơ
Một thi sĩ có vai vế ở hải ngoại viết một bài thơ khá hay có tựa Tiết Tháo với ý chê trách những người Việt về thăm quê hương. Bài thơ có 4 câu nhưng tôi chỉ nhớ 2 câu cuối đầy nghĩa khí:

Không thể cam tâm về với giặc
Dù trĩu đôi vai một mẹ già.

Lúc ấy tôi chỉ mới qua Mỹ được vài năm, còn bà mẹ già và một lũ em, lũ cháu nheo nhóc ở Việt Nam. Đọc bài thơ, tuy không đồng ý với tác giả nhưng rất cảm phục ông và trong lòng buồn não nuột. Tôi nghĩ thầm “kiểu này làm sao có thể muối mặt về thăm mẹ già và các em, các cháu được”. Bẵng đi một thời gian, tình cờ tôi đọc được bài thơ Sài Gòn Bây Giờ - cũng của tác giả đó - tả những cảnh nhố nhăng, ngang tai trái mắt ở Saì Gòn dưới chế độ mới. À! Thì ra ông thi sĩ này “xạo tổ”; ông đã “về với giặc”; tiết tháo của ông là tiết tháo dởm. Lúc ấy hơi bực mình tôi gọi điện thoại hỏi chuyện thì được biết ông về quê hương là vì một lý do rất chính đáng (xin miễn nêu ra đây). Tôi không trách việc ông về Việt Nam nhưng bài thơ Tiết Tháo – thơ hứa một đàng, ngoài đời làm một nẻo - sẽ là một vết đen không nhỏ trong sự nghiệp văn chương của ông.

 6/ Hợp Lý, Hợp Tình, Không Có Dấu Hiệu Gian Dối
Thơ Thái Bá Tân lúc mới hoàn thành, chưa qua sự cọ xát của thời gian, có thể xếp vào loại này.

Thí dụ:
MẮNG CON

Mày láo, dám khuyên bố
Mai không đi biểu tình.
Chuyện ấy có nhà nước,
Không liên quan đến mình.


Mày nói y như đảng.
Không liên quan thế nào?
Nước là của tất cả,
Của mày và của tao.
Mày bảo có nhà nước.
Nhà nước hèn thì sao?
Mà ai cho nhà nước
Quyết việc này thay tao?


Chính vì khôn, “biết sống”
Tức ngậm miệng, giả ngây,
Mà thế hệ của bố
Để đất nước thế này.
Ừ, bố già, lẩn thẩn,
Nhưng vẫn còn là người.
Mà người thì biết nhục,
Biết xấu hổ với đời.


Mai biểu tình, thế đấy.
Bố không bắt con đi,
Nhưng cũng đừng cản bố.
Cản cũng chẳng ích gì. (4)
Rõ ràng lời thơ có vẻ rất thực vì không có dấu hiệu của sự dối trá. Nhưng người đọc không “thấy” được cái hơi nóng của cảm xúc tỏa ra từ mỗi con chữ do tác giả nổi điên vì giận, vì đam mê say đắm. Tác giả Mng Con nhưng lại quá tỉnh táo, điềm đạm, phân tích có đầu, có đuôi, hợp tình hợp lý. Ông thành công một cách đáng nể phục trong cương vị của một người cha, người thầy, người làm truyền thông – lời Mắng Con của ông đã làm không khí biểu tình chống Trung Quốc lúc ấy như được thêm lửa (ý của Mặc Lâm) - nhưng theo tôi, ông đã thất bại trong cương vị của một nhà thơ.

Mắng Con nói riêng và thơ ngũ ngôn của ông nói chung lời lẽ sắc bén, lý luận khúc chiết nên cảm xúc ở tầng 1 khá mạnh nhưng do bị tù túng trong thể thơ ngũ ngôn trường thiên nên một số thủ pháp trong kỹ thuật thơ không phát huy hết hiệu quả, do đó, cảm xúc ở tầng 2 rất ít. Đặc biệt ông viết về đề tài chính trị, bằng một cái đầu quá tỉnh táo, “vừa ‘ấy’ lại vừa run” nên cảm xúc ở tầng 3 biệt tăm biệt tích, phẩm chất quý giá nhất trong thơ là Hồn Thơ, hoàn toàn thiếu vắng.
Đọc thơ ngũ ngôn trường thiên của Thái Bá Tân tôi có cảm giác như xem một trận bóng đá toàn những pha đá phạt (bóng chết), câu thủ không có cơ hội chơi bóng sống để phô diễn khả năng đi bóng, lừa bóng và phối hợp toàn đội nên không có hứng, đá không có hồn. Cuối cùng cũng có kẻ thắng người bại nhưng trận đấu tẻ nhạt, không hấp dẫn.

Cũng làm thơ nên tôi đã trải nghiệm và nhận ra một điều: lời thơ thật thà chưa chắc thi sĩ đã thật lòng. Xin được phép không đồng ý với Mặc Lâm; sự thật thà, hồn nhiên chỉ xuất hiện khi vắng bóng những toan tính vị kỷ của lý trí. Đọc thơ TBT tôi thấy điều ấy rất khó xảy ra. Không có sự thật thà, hồn nhiên mà cho rằng thơ Thái Bá Tân sống và thở hào hễn với đủ các cung bậc thì, theo tôi, điều đó chỉ có trong tưởng tượng.

7/ Chân Thật Vì Cao Hứng, Nổi Điên
Hồn thơ không đến từ câu chữ và kỹ thuật thơ ca trong bài thơ mà đến từ trạng thái rung động mãnh liệt của thi sĩ khiến chàng (nàng) như cuồng, như điên; cuồng điên vì quá vui, giận, yêu, ghét, đau thương, sung sướng, sợ hãi, cuồng điên vì tham ái trong lòng: tham đẹp, tham ngon, tham dâm … đã dâng cao đến đỉnh điểm.

Trong trạng thái phấn khích, cuồng nhiệt, hứng khởi đó, tác giả đưa vào, thổi vào bài thơ một luồng hơi nóng bỏng, một luồng cảm xúc đặc biệt, khác hẳn với thứ cảm xúc nội tại đến từ câu chữ và kỹ thuật thơ ca. Vâng, luồng hơi nóng bỏng ấy chính là hồn thơ. Người đọc không thể nắm bắt, nhận biết nó bằng lý trí mà chỉ có thể cảm nhận bằng tâm hồn. (7)
Nếu bạn đã đọc qua Tạ Lỗi Trường Sơn của Đỗ Trung Quân sẽ thấy cái hay nhất, cái tuyệt vời của bài thơ là cảm xúc. Hơi thơ tỏa nhiệt ngay từ những câu đầu, dẫn người đọc đi một lèo tới đích. Cảm xúc từ câu chữ tỏa ra đã khá mạnh, rồi do - bài thơ nhất khí liền mạch – sóng sau dồn sóng trước nên cảm xúc đến từ thế trận của toàn bài dâng lên cao ngất. Hơn nữa tác giả viết trong lúc đang lên cơn - lửa giận phừng phừng –  thoát khỏi sự can thiệp của lý trí, nên không còn biết sợ, chữ nghĩa cứ hàng hàng lớp lớp tuôn ra khiến hơi thơ rất mạnh và nóng bỏng, hồn thơ lai láng. (8)

 Bài NTXTQ của Nguyễn Duy cũng thế, cũng được viết trong lúc nhìn về quê hương mà lòng đau quặn tắt, rồi bực dọc, rồi nổi điên, câu chữ cứ như từ trên trời rơi xuống.

Trong một cuộc phỏng vấn của Mặc Lâm , nhà thơ Nguyễn Duy cho biết : Bài thơ “Nhìn TXaTổ Quốc”, khi viết xong thì chính bản thân tôi cũng bất ngờ bởi vì không nghĩ là mình viết được những câu thơ như vậy…
Bây giờ đọc lại mình cũng không hình dung được là hồi đó mình viết được những câu thơ như vậy. Bây giờ thì không viết nổi… (9)

Viết trong trạng thái như thế thơ mới Thật Với Lòng và mới có Hồn.

Tại Sao Không Xếp Thơ Thái Bá Tân Vào Danh Sách Những Bài Thơ Phản Kháng?

Nếu đặt bất cứ bài thơ ngũ ngôn nào của Thái Bá Tân (phê phán chính quyền) mà tôi được đọc (danh sách ở phần chú thích) bên cạnh Đất Nước Mình Ngộ Quá Phải Không Anh của cô giáo Trần Thị Lam tôi vẫn thấy yêu thích bài thơ của cô giáo Lam hơn. Thơ của Thái Bá Tân lời lẽ như dao sắc, bố cục chặt chẽ, tứ thơ được phân tích, diễn giải mạch lạc, đánh đúng vào chỗ hiểm, chỗ yếu của chế độ nhưng quá nặng chất trí tuệ nên khô cứng. Ngay cả đoạn thơ sắc nét nhất, hay nhất của ông:
Vứt mẹ cái khẩu hiệu
“Còn đảng là còn mình”
Thế mai kia đảng chết,
Không lẽ mày quyên sinh?


cũng do kiến văn rộng, lời thơ đắt - tức là từ cái đầu – mà có chứ không phải từ sự rung động mãnh liệt của con tim.
Thơ của cô giáo Lam có đôi chút hơi non tay về kỹ thuật nhưng rất đậm chất tình, nhiều cảm xúc. Với những người yêu thơ, phải chăng cảm xúc – và cao hơn một bậc là hồn thơ – là tiêu chí quan trọng nhất để thẩm định giá trị nghệ thuật một bài thơ?

Tôi đã chọn TLTS, NTXTQ và Bánh Vẽ là ba bài thơ phản kháng - đại diện và chứng nhân cho một giai đoạn lịch sử, giai đoạn chế độ XHCN bị áp đặt trên toàn cõi Việt Nam. Thơ ngũ ngôn của Thái Bá Tân – xét về Nghệ Thuật Thơ - còn đứng sau ba bài thơ đó một khoảng cách rất xa.

Kết Luận
Là người Việt Nam tôi rất mong muốn đất nước thay đổi theo chiều hướng Dân Chủ Tự Do để người dân sớm được hưởng ấm no hạnh phúc. Theo nhận định của tôi – thơ ngũ ngôn của Thái Bá Tân – dù nghệ thuật thơ còn yếu kém - vẫn là những bài thơ phản biện. Nay dù ông vì lý do nào đó mà “đang ngược dòng bỗng lại trôi xuôi” (10) – thì tài năng của ông cũng vẫn đáng được ghi nhận, nể phục - và thơ của ông, dù muốn dù không, đã và đang đóng góp không nhỏ cho phong trào đấu tranh chung của dân tộc. Dĩ nhiên, nếu không có Đôi Lời, và sau đó Ghi Nhận và Cải Chính, thì đối với TBT, bên cạnh sự nể phục, bạn đọc còn có thêm sự kính trọng và lòng yêu mến. Ông có quyền và đã chọn lựa thái độ, thế đứng của mình. Tôi hoàn toàn tôn trọng sự lựa chọn đó, Đụng chạm đến những đề tài chính trị kẻ bênh người chống là chuyện bình thường. Nội dung của Đôi Lời đã khơi lên một cuộc tranh cãi khá gay gắt. Tôi xin phép được đứng ngoài cuộc tranh cãi đó. Tôi bỏ công sức viết bài này chỉ vì yêu Thơ, muốn nói mấy lời công đạo cho Nàng Thơ.

Làm thơ mà lập trường kiên định - vạch ngăn ta địch rạch ròi, lằn ranh quốc cộng phân minh – thì thơ sẽ rất đậm màu chính trị:
màu này thật dễ thương

còn màu đó “thấy mà ghê”
Ôi! Đẹp quá phe mình

còn phe bên kia
phải chọn góc nhìn để chỉ thấy toàn điều xấu

(Yêu Thơ Nên Phải Hết Lòng Với Thơ, Phạm Đức Nhì, t-van.net)
Nếu được phong danh hiệu “Nhà Thơ Chiến Sĩ” thì còn tệ hại hơn - mỗi câu thơ, bài thơ sẽ là viên đạn, lằn tên chỉ biết nhắm mắt lao mình về hướng quân địch.

Bình thơ mà cũng mang tâm thế như vậy thì giống như vài quý vị tham dự vào cuộc tranh luận về thơ Thái Bá Tân – chú tâm hết mực đến ý tứ, nội dung của bài thơ nhưng lại không để ý đến 2 tiêu chí quan trọng khác để thẩm định giá trị một bài thơ là kỹ thuật thơ và hồn thơ. Bình thơ kiểu ấy sẽ không “ra” được cái hay cái dở của thơ. Kết quả là nhiều khi dè bỉu, chê bai bài thơ có giá trị nghệ thuật cao nhưng lại ầm ĩ tung hô – có khi còn trao vòng nguyệt quế cho – bài thơ không xứng đáng.

Phạm Đức Nhì


phamnhibinhtho.blogspot.com

Chú Thích:

 

1/ Kẻ Sĩ, Nguyễn Công Trứ

2/ Mượn ý của Hà Định Văn

3/ Cảm Xúc Trong Thơ, Phạm Đức Nhì, t-van.net


5/ Tố Hữu, thivien.net

6/ Lời Bình Ngắn tập 3, Phạm Đức Nhì, phamnhibinhtho.blogspot.com

7/ Gặp Hồn Thơ: Người Được Làm Người, Lời Bình Ngắn, PĐN, phamnhibinhtho.blogspot.com

8/ Tạ Lỗi Trường Sơn – Bài Thơ Ngược Dòng Nóng Bỏng, PĐN, phamnhibinhtho.blogspot.com


Những bài thơ đã đọc để tham khảo:

Nói Thẳng, Trí Thức, Khẩu Hiệu, Những Câu Nói Nổi Tiếng Về Công Sản, Ngủ Dậy Xem Đại Hội Đảng Nghĩ Vẩn Vơ, Một Thực Tế Đau Lòng, Hỗn, Nhường Cho Chính Quyền, Tiếng Chuông Cảnh Tỉnh, Vô Lương, Võ Nguyên Giáp, Phạm Thanh Nghiên – Thay Cho Lời Chúc Mừng Ngày Cưới, Tự Bạch, Hùynh Thục Vy, Ghi Nhận, Mắng Con, Ông Tướng Bạn Học Cũ Gọi Diện Nói Chuyện Chơi, Phản Động, Nghịch Cảnh Nước Ta, Thông Điệp Hôm Nay, Khôn Và Dại, Hai Mặt, Năm Trăm Triệu, Luật Quốc Sỉ, Những Người Ở Lại, Lại Phim Hăm Mốt Tỉ, Dân Đại Bái Chơi Đẹp

PHỤ LỤC
Ghi Nhận

Các bác thử tưởng tượng,
Nếu đảng ta trước đây
Không mở cửa, đổi mới,
Sẽ thế nào hôm nay?
Hôm nay ta chắc chắn
Như dân Bắc Triều Tiên.
Không được nói, được chửi,
Không cơm ăn, không tiền.


Không có internet,
Không được đi nước ngoài,
Không có chiếc xe đạp,
Không có cả chiếc đài.

Không được mặc quần xoọc,
Cắt tóc theo ý mình.
Không khách sạn, nhà nghĩ,
Không có cả ngoại tình…

Chắc chắn là như thế.
Các bác cứ tin đi.
Nếu đảng không đổi mới,
Hỏi ta biết làm gì?

Định vùng lên lật đổ
Rồi thoát khỏi thằng Tàu?
Đừng đùa với cộng sản.
Không có chuyện ấy đâu.

Cho nên chửi cứ chửi,
Nhưng cũng phải phân minh.
Biết lượng sức mà tiến,
Biết người và biết mình.

Đảng có gì không đúng
Thì nói, ta, người dân
Việc mình làm thật tốt
Để mọi cái tốt dần.

Tôi không ưa cộng sản,
Cả xưa và cả nay.
Nhưng đảng đã đổi mới
Thì ghi nhận việc này

 

CẢI CHÍNH

28-8-2016

Tự nhiên thành “Hiện tượng Thái Bá Tân” mới lạ.

Chính thức và nghiêm túc nhé: Tôi không hề bị an ninh hay ai đó gây áp lực cả. Nói thế là oan cho người ta. Xưa nay tôi vẫn thế, cái gì chưa được thì nói, một cách đàng hoàng và xây dựng. Cái gì hay thì khen, nhỏ cũng khen, thậm chí còn cố tìm cái tốt để khen.

Tôi thực sự vui mừng vì đất nước đã đổi mới, đời sống người dân khá hơn xưa, có thể nói đổi đời. Trong chừng mực nào đó người dân đã có tự do và dân chủ. Cả nhân quyền. Đảng lãnh đạo đất nước thì có vai trò lớn trong việc này và phải ghi nhận. Còn tham nhũng, tiêu cực này nọ là chuyện khác, chuyện nghiêm trọng, và tôi sẽ tiếp tục phản biện về chuyện này.

Vì biết không còn cách nào khác, tôi chỉ mong đảng đổi mới hơn nữa. Tôi lên tiếng với hy vọng đảng và nhà nước nhận thấy vấn đề và có chính sách thích hợp.

Tôi viết thơ con nít và thơ Phật để giúp người trẻ là chính. Lề trái chỉ khi bức xúc lắm mới viết.

Nhân tiện: Tôi biết nhiều lắm đấy, có khi còn hơn nhiều bác, mà biết từ lâu nhưng xưa không được nói. Bây giờ cho nói thì cảm ơn chứ sao. Nhiều bác lề trái cực đoan và một chiều quá. Còn chửi lung tung. Quyền các bác, nhưng tôi thấy điều ấy chẳng hay chút nào. Đóng gop cho sự nghiệp tiến bộ quan trọng là việc làm chứ không phải lời nói thóa mạ.

Thế là rõ nhé. Tôi là thế, sẽ luôn như thế. Ai thích thì đọc, không thì thôi và đừng nặng lời. Tính tôi không thích người ta nói đến. Thề luôn. Không thích cả khen thưởng, giải này giải nọ. Tôi chỉ muốn lặng lẽ làm việc không ngừng nghỉ với cường độ cao như bốn, năm chục năm nay, cố làm được cái gì tốt cho đời thì làm.

Thế nhé. Chấm hết nhé. Chào!

Thái Bá Tân