Thứ Bảy, 23 tháng 12, 2017

CHỨC NĂNG TRUYỀN THÔNG CỦA "CÁNH ĐỒNG"

                                                                 

Từ Bình Luận Của Bạn VŨ ĐỨC Trên Facebook

Dưới bài viết Cánh Đồng - Một Bài Thơ Lạ của tôi (PĐN) trên trang Vạn Nẻo Tình Thơ bạn Vũ Đức đã có một bình luận rất hay như sau:

Tôi thì không nghĩ thế. Dù đã đọc. Đọc, và đọc lại. Nhận thức của tôi còn lại là: Thơ đọc mà không hiểu, có thể do "sức khoẻ" bạn đọc. Nhưng cũng có thể do “sức khoẻ” người viết. Mới đến đâu mà bạn yêu thơ lắc đầu không hiểu, thì thơ dễ không là thơ nữa. Cái thông tuệ, uyên bác không đồng nghĩa với phải nhận thức giống những đánh đố, đồng điệu với mình không thể hiểu là cho nó một cái tên siêu nọ hay tuyệt kia. Những bài vừa rồi, nếu nói là thơ, tôi nghĩ, thơ ca VN đang có vấn đề. (1)

Dựa vào vốn ngữ vựng, câu văn, sự hiểu biết về văn chương và khả năng diễn tả ý tưởng bằng văn chương, tôi, không đoán, mà biết chắc rằng bạn Vũ Đức là người sành sõi trong thế giới chữ nghĩa. Bạn đã đọc đi đọc lại bài thơ Cánh Đồng (và mấy bài trong phần phụ lục) mà vẫn không hiểu. Và bạn cho rằng “Thơ đọc mà không hiểu, có thể do ‘sức khỏe’ bạn đọc. Nhưng cũng có thể do ‘sức khỏe’ người viết.” Bạn dùng hai chữ “sức khỏe” rất hay và tôi rất khoái.


“Sức Khỏe” Của Nguyễn Đức Tùng Trong Bài Thơ CÁNH ĐỒNG

Tôi không học Y Khoa nhưng cũng liều đeo ống nghe để khám “sức khỏe” cho anh Nguyễn Đức Tùng (người viết). Riêng bạn Vũ Đức (người đọc) thì tôi sẽ cố diễn giải kỹ càng, tỉ mỉ bài thơ để bạn đọc lại một lần nữa và sau đó sẽ tự đánh giá tình trạng “sức khỏe” (đọc thơ) của mình. Cuộc khám này chỉ giới hạn ở chức năng truyền thông – nghĩa là xét xem chữ nghĩa của thi sĩ có đủ rõ ràng mạch lạc để người đọc “bắt” được tứ thơ hay không mà thôi.

Trước hết xin trích 5 câu đầu của bài thơ:

Sau ba năm chung thủy
Với người chồng đi xa
Chị đã thất tiết một cách lạ kỳ
Với người đàn ông xấu xí
Già hơn chị rất nhiều

Nguyễn Đức Tùng đã diễn đạt rất rõ ràng, ngôn ngữ và cách hành văn của anh có thể nói là tối giản, tôi cố tóm tắt nhưng chắc cũng không gọn hơn được bao nhiêu:

Chồng đi xa, sau ba năm chung thủy, chị đã ăn nằm với người đàn ông khác, xấu xí và già hơn chị nhiều.  

Tiếp theo là 5 câu cuối:

Trong một buổi chiều bão tố
Khi chúng tôi đến đó
Người đàn ông đã đi rồi
Chỉ còn lại trên đồng lúa
Vết xước của dĩa bay mà thôi

Một buổi chiều bão tố, tác giả (và vài người khác) đến đó thì người đàn ông đã ra đi, chỉ còn lại trên đồng lúa vết xước của dĩa bay.

Ở 2 câu cuối, tác giả đã sử dụng thủ pháp Show, Not Tell đơn giản (cắt bớt một nhịp cầu), người đọc dựa vào chi tiết “vết xước của dĩa bay trên đồng lúa” để suy ra “người đàn ông ấy đến từ một tinh cầu khác”.  

Gộp lại, tứ thơ sẽ là:

Sau ba năm chung thủy với người chồng đi xa, người phụ nữ đã ăn nằm với người đàn ông ở tinh cầu khác.

Người đọc hiểu được như vậy là tác giả đã hoàn thành nhiệm vụ đưa họ tới “bến bãi” (điểm đến của tứ thơ). Chức năng truyền thông của bài thơ thành công.

Tuy nhiên, ý của NĐT trong Cánh Đồng không phải ngừng ở đó. Đối với cách hành xử “ăn nằm với người đàn ông ở tinh cầu khác” của người phụ nữ, người đọc có thể chấp nhận hoặc phản đối. Và thái độ chấp nhận hoặc phản đối ấy sẽ chạm đến chữ Dâm, nhu cầu thỏa mãn “cái khoái thứ ba”- rất nhân bản của con người.

Thơ của những thi sĩ non tay thường là “tứ hết thì ý cũng chẳng còn”. Bước chân vào “điểm đến của tứ thơ” là người đọc có quyền ung dung ngơi nghỉ. Hành trình thưởng thức thơ của ngài đã chấm dứt. Ngược lại, với bài thơ của thi sĩ cao tay, khi người đọc vào “điểm đến của tứ thơ”, nếu muốn, ngài có quyền thả hồn đi tiếp. Và cái hay, cái đẹp thực sự của thơ, cái đem lại cho người đọc rất nhiều khoái cảm thường tụ hội ở đoạn đường đi tiếp ấy.

Thích bình thơ nên tôi chỉ khám “sức khỏe” thi sĩ. Mà chỉ dám khám trong từng bài thơ chứ không “bạo mồm” như vài nhà phê bình khác - giới thiệu cả một tập thơ mà phán “bài nào cũng hoàn hảo”. Đến đây có thể nói, theo cách khám của tôi, “Qua bài thơ Cánh Đồng, với cương vị người viết, ‘sức khỏe’ của anh Nguyễn Đức Tùng rất tốt.”   
 
Một Bài Thơ Khác

Để giải thích rõ hơn xin mời bạn Vũ Đức và bạn đọc cùng tôi đọc bài thơ Cha Và Con – cũng của Nguyễn Đức Tùng.

CHA VÀ CON

Mười bốn năm sau ngày cha tôi mất
Tôi trở về nằm trên chiếc giường cưới của ông
Đọc cuốn Kiều để mở
Nửa đêm thức dậy ngồi đánh cờ một mình
Buổi sáng cạo râu bằng dao cạo của cha tôi

Mười bốn năm sau ngày cha tôi mất
Tôi về bốc mộ ông
Cầm nắm đất trên tay
Gió thổi
Một chiếc xương cá mỏng

Buổi chiều tôi mang đôi ủng của cha tôi
Đi thăm cánh đồng nước lớn
Đứng trước hiên nhà
Chợt nhớ về đứa con trai đã đi xa

Tứ thơ: Trở về, bên cạnh những kỷ vật gợi nhớ người cha đã mất, tác giả bỗng “Đứng trước hiên nhà chợt nhớ về đứa con trai đã đi xa.”
Đây cũng là thủ pháp Show, Not Tell rất khéo. Bằng câu “Chợt nhớ về đứa con trai đã đi xa” NĐT đã, rất điệu nghệ, đưa mình vào làm một mắt xích trong sợi dây xích dài của huyết thống, dòng tộc. Đây chính là “điểm đến của tứ thơ”.

Tuy nhiên, nếu muốn, người đọc có thể thả hồn đi xa hơn nữa. Bởi chỉ có con trai mới thực hiện được nhiệm vụ nối dõi tông đường, kéo dài sợi dây xích của dòng tộc nên bài thơ cũng chạm đến tập tục trọng nam khinh nữ (nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô) (2), vấn nạn phân biệt giới tính đang làm nhức đầu giới lãnh đạo của rất nhiều nước trên thế giới.


Kết Luận

 
Tôi rất đồng ý với bạn Vũ Đức trong phần đầu của bình luận:

Thơ đọc mà không hiểu, có thể do ‘sức khoẻ’ bạn đọc. Nhưng cũng có thể do ‘sức khoẻ’ người viết. Mới đến đâu mà bạn yêu thơ lắc đầu không hiểu, thì thơ dễ không là thơ nữa. Cái thông tuệ, uyên bác không đồng nghĩa với phải nhận thức giống những đánh đố, đồng điệu với mình không thể hiểu là cho nó một cái tên siêu nọ hay tuyệt kia.”  

Chỗ khác biệt giữa bạn và tôi là câu kết:

Những bài vừa rồi, nếu nói là thơ, tôi nghĩ, thơ ca VN đang có vấn đề.”

Ở phần trên, tôi đã cố diễn giải kỹ càng, tỉ mỉ, cung cấp thêm dữ kiện để bạn Vũ Đức đọc lại một lần nữa rồi tự đánh giá tình trạng “sức khỏe” đọc thơ của mình. Cũng xin nói thêm cho bạn Vũ Đức yên tâm. Nếu bạn không thả hồn đi tiếp để thưởng thức cái đẹp của bài thơ ẩn nấp ở phía sau tứ thơ thì cũng đừng áy náy. Số người đọc giống bạn cũng không phải là ít. Tuy nhiên, nếu đọc hết bài này mà một người văn chương “nhuyễn” như bạn vẫn không đặt chân vào được “điểm đến của tứ thơ” và vẫn xem Cánh Đồng (và “những con tương cận” với nó) không phải là thơ (vì đọc mà không hiểu) thì … không phải “thơ ca Việt Nam đang có vấn đề” mà do “sức khỏe” của bạn suy sụp. Suy sụp nghiêm trọng đấy, bạn Vũ Đức ạ. (3)

Phạm Đức Nhì
phamnhibinhtho.blogspot.com

CHÚ THÍCH:

2/ Một trai nói có, mười gái nói không
3/ Tôi kèm bài thơ Và Bởi Vì Âm Hộ Nàng Trong Suốt của Nguyễn Viện và lời bình của tôi để bạn Vũ Đức thấy tôi cũng giống bạn, không khoái những bài thơ ẩn dụ dầy đặc, tối như hũ nút, đọc chẳng hiểu gì cả.


Phụ Lục:

 VÀ BỞI VÌ ÂM HỘ NÀNG TRONG SUỐT


Trên sông Tiền Đường bình lặng, Thúy Kiều ngồi ở đầu thuyền gởi khúc hồng nhan bạc mệnh vào thiên cổ. Nàng đã vứt vào sọt rác những con cu thối và trở về. Trong ánh sáng khai nguyên của các thần linh, âm hộ nàng trong suốt. Và reo vui. Không phải vì trái tim nàng đã được lau chùi bằng nước mắt và tóc. Không phải vì sự đền đáp của hư vô. Nàng vui vì non tơ xanh rợn chân trời (của lông). Không có máu. Không có nước nhờn và trứng. Không có bất cứ điều gì.

Nhưng bởi vì âm hộ nàng trong suốt, nó phản chiếu bầu trời ráng đỏ, những đám mây hình thù cổ quái và một ngọn gió vừa lướt qua mang theo hơi thở của muôn vàn sinh linh. Tởm lợm. Và bởi vì âm hộ nàng trong suốt, tất cả thế giới được nhìn thấy. Những người đàn ông đi lộn ngược. Và bóng họ khuất sau một khe nước. Thúy Kiều nói: “Con người đang say ngủ”. Không một ai nghe tiếng nàng. Chỉ có âm hộ nàng rung động. Nước sông Tiền Đường mênh mang và thấu hiểu nhưng nước sông Tiền Đường không để rửa lành những vết thương. Hai bàn chân nàng lạnh. Âm hộ nàng cũng đã ở trong nước và dường như tan biến. Nàng tự hỏi: “Phải chăng đây là cuộc hạnh ngộ cuối cùng?”

Không, âm hộ nàng vẫn trong suốt và nó chứa một dòng sông đầy. Nàng thích thú với những con cá bơi ra - vào. Nàng bảo: “Thật là vô tội”. Khi những con cá cũng trở nên trong suốt như âm hộ nàng, chúng sinh sôi nảy nở nhanh chóng và bơi lội tung tăng cả trên bầu trời ráng đỏ. Bơi vào trong những đám mây cổ quái và tạo ra sấm chớp. Chúa lòng lành vô cùng, người bảo: “Hãy trở về”. Nhưng sãi Giác Duyên thì hoang mang. Bà ôm lấy Thúy Kiều và đem lên bờ. Âm hộ nàng đen trở lại. Lóng lánh như kim cương.

 Chung quanh sặc mùi con cu thối.

 25.2.2013

 Nguyễn Viện

 (tienve.org)  

Lời Bình của Phạm Đức Nhì

Bài này tôi cũng lấy từ tienve.org, một trang văn học đứng đắn được tạo ra để “mọi người có thể gặp gỡ nhau trong nỗ lực tìm tòi và thử nghiệm để trả công việc sáng tác trở về đúng nguyên nghĩa của nó: làm ra cái mới.”(1) Nguyễn Viện là một nhà thơ đã có rất nhiều bài đăng trên Tiền Vệ nghĩa là thơ của ông đã đi đúng hướng, đã vươn tới một trình độ nghệ thuật nào đó và đã được trang web chấp nhận.

Tôi rất cảm kích nghĩa cử của những người như ông Nguyễn Viện, dấn thân vào cuộc thử nghiệm đầy khó khăn, gian khổ để tạo ra những vần thơ mới. Nhưng những vần thơ mới ấy đối với tôi còn ở một khoảng cách quá xa. Đọc bài thơ VBVAHNTS tôi thật không hiểu ông muốn nói gì và không cảm được cái hay của nó.

Theo cách nhìn của tôi thì chức năng truyền thông của bài thơ thất bại. Hơn nữa, hình thức thơ của ông không vần và cũng không nhịp điệu nên thiếu cái cái vị ngọt, cái “thuốc dẫn” để đưa đưa độc giả đi theo dòng chảy của thơ. Kết quả là lý trí phải “bao” hết mọi việc và không có chỗ để “hồn ta gặp hồn người”. Nhưng tôi biết chắc rằng nếu ông, hoặc những người cùng đẳng cấp (level) với ông, tình cờ đọc những dòng chữ này sẽ cười khẩy và nghĩ thầm “Chú mày cứ luyện nội công đi, khi nào đủ sức bay qua dòng sông nghệ thuật thì lúc ấy may ra mới hiểu thơ của (chúng) ta.”

Dù sao đối với những bài thơ mới như VBVAHNTS tôi vẫn một lòng kính trọng. Nhưng kính nhi viễn chi. Chỉ hy vọng một ngày nào đó sẽ có cây cầu đủ dài để người thơ trong quá khứ và hiện tại có thể gặp gỡ và thông cảm với người thơ đang hướng đến tương lai.

(1) Trang đầu của tienve.org







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét